Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12104329
Tin tức hoạt động Thứ năm, 28/03/2024
Tác giả: Nguyễn Thanh Loan
Tên đề tài: Phân tích ba tác phẩm giao hưởng của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng
Chuyên ngành: Âm nhạc học
Mã số: 60 21 02 01
Cán bộ hướng dẫn khoa học:  PGS.TS. Phạm Phương Hoa
Ngày đăng: 28/04/2018

Toàn văn luận văn

Tóm tắt luận văn

MỞ ĐẦU

1.Lý do chọn đề tài

Trong những năm gần đây, dòng âm nhạc hàn lâm – kinh điển đã có những bước tiến khởi sắc. Nhiều tác phẩm mới của âm nhạc Việt Nam ra đời và nhận được sự ủng hộ rất lớn. Trong đó, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là một trong những gương mặt tiêu biểu với những sáng tác được đánh giá cao.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là người có nhiều đóng góp trong các hoạt động âm nhạc hiện nay như phối khí, chuyển soạn, dàn dựng… Các tác phẩm của Trần Mạnh Hùng gồm nhiều thể loại đa dạng: ca khúc nghệ thuật, hợp xướng, giao hưởng, hòa tấu thính phòng,.. trong đó nổi bật là các sáng tác ca khúc và giao hưởng.

Cho đến thời điểm hiện nay, nhạc sĩ đã sáng tác được ba liên khúc giao hưởng và sáu bản giao hưởng thơ. Bản giao hưởng số 3 – Bản giao hưởng Tháng mười hai (2014) cùng hai bản giao hưởng thơ Bạch Đằng Giang (2011), và Hào khí Thăng Long(2010) là các tác phẩm giao hưởng hết sức thành công của Trần Mạnh Hùng.  Trong đó, giao hưởng thơ Hào khí Thăng Long đã giành được giải A của Hội nhạc sĩ cho sáng tác khí nhạc năm 2010.  Giao hưởng thơ Bạch Đằng Giang  giành được giải B cho sáng tác khí nhạc năm 2012. Những tác phẩm này đều có nội dung ca ngợi truyền thống tốt đẹp của cha ông và thể hiện niềm tự hào dân tộc sâu sắc. Trong những tác phẩm này, nhạc sĩ đã có những đổi mới về ngôn ngữ âm nhạc nhằm thể hiện một cách hiệu quả nhất lịch sử vẻ vang và truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc. Do vậy, chúng tôi chọn những tác phẩm trên làm đối tượng nghiên cứu để tìm hiểu về âm nhạc của ông.

2.Lịch sử đề tài

Âm nhạc Việt Nam nói chung và các tác phẩm giao hưởng Việt Nam là một trong những đề tài nhận được sự quan tâm và tìm hiểu của nhiều nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về âm nhạc của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng còn khá ít ỏi và mới chỉ dừng ở việc phân tích các tác phẩm thuộc thời gian đầu sáng tác của nhạc sĩ. Do vậy, đề tài của luận văn không bị trùng lặp với những đề tài khác.

3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1.Đối tượng nghiên cứu

Cấu trúc của các chương nhạc và đặc điểm âm nhạc bao gồm: giai điệu, hòa âm, phức điệu, phối khí được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sử dụng trong ba bản giao hưởng trên.

  1. Phạm vi nghiên cứu

Luận văn tập trung vào tìm hiểu ba tác phẩm giao hưởng: Hào khí Thăng Long, Bạch Đằng Giang và Bản giao hưởng Tháng mười hai.

4.Phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp lý thuyết như: phân tích, so sánh, diễn giải, quy nạp rồi đi đến tổng hợp lại để có thể đưa ra những nhận xét chung khách quan về bút pháp sáng tác của tác giả.

5. Đóng góp của luận văn

Luận văn đem lại cái nhìn khách quan về ngôn ngữ âm nhạc của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng trong các tác phẩm giao hưởng được phân tích, qua đó đóng góp cho việc phân tích tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Đây sẽ là một trong những tài liệu có thể dùng để tham khảo cho những ai quan tâm đến âm nhạc giao hưởng Việt Nam nói chung và âm nhạc của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nói riêng.

 

6. Bố cục luận văn

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung luận văn gồm hai chương như sau:

 CHƯƠNG 1: Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và cấu trúc ba tác phẩm

 CHƯƠNG 2: Đặc điểm âm nhạc

 

CHƯƠNG 1

NHẠC SĨ TRẦN MẠNH HÙNG VÀ CẤU TRÚC BA TÁC PHẨM

 

1.1.Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng

1.1.1.Tiểu sử

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sinh ngày 18 tháng 2 năm 1973, quê ở Nam Định. Ông bắt đầu học đàn bầu từ năm chín tuổi và chuyển sang học sáng tác từ năm mười lăm tuổi. Từ năm 1996 đến năm 2000, ông theo học đại học chuyên ngành sáng tác và tiếp tục tốt nghiệp xuất sắc cao học sáng tác năm 2007 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Ông đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy âm nhạc tại nhiều trường đại học. Hiện ông đang giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cơ sở II ở Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá VIII và khóa IX.

 Trong lĩnh vực sáng tác, Trần Mạnh Hùng đã nhiều năm liền đạt giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Một số tác phẩm của Trần Mạnh Hùng còn được đón nhận ở các nước trên thế giới.

Từ năm 2014, Trần Mạnh Hùng còn tham gia thực hiện dự án OSSSO FUSION Musical Experience - một chương trình trải nghiệm văn hoá nhằm thể hiện âm nhạc với sự kết hợp giữa các dòng nhạc dân tộc, nhạc nhẹ và nhạc giao hưởng.

Các tác phẩm khá phong phú về thể loại, từ thanh nhạc cho đến khí nhạc. Trong đó, hai lĩnh vực thành công nhất của ông là sáng tác ca khúc nghệ thuật và giao hưởng.

1.1.2.Những tác phẩm tiêu biểu

1.1.2.1.Sáng tác thanh nhạc

Thể loại thành công nhất: ca khúc nghệ thuật với 25 ca khúc, trong đó nhiều bài đã đạt giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam.

 Nội dung, chủ đề phong phú: tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, tình cảm gia đình, chủ đề tâm linh, liên quan tới Phật giáo,…

Ca từ sâu sắc, ý nghĩa và giàu chất thơ. Lời ca và giai điệu được kết hợp và hòa quyện một cách tự nhiên, không hề có sự gò ép về thanh điệu. Các ca khúc thường có phần đệm riêng của dàn nhạc giao hưởng được nhạc sĩ chính tay phối khí tỉ mỉ. Điều này đã góp phần đem lại giá trị nghệ thuật cao, khẳng định vị trí của các ca khúc này so với những ca khúc khác.

Một số ca khúc tiêu biểu: Thế giới không chiến tranh, Gió lộng bốn phương, Giấc mơ mùa lá, Ơi mẹ làng sen, Quê mẹ….

Thể loại hợp xướng: nội dung thường viết về Tổ quốc và đất nước hoặc liên quan tới Phật giáo. Tuy nhiên, phần lớn các tác phẩm hợp xướng của Trần Mạnh Hùng chưa được thu âm và xuất bản một cách đầy đủ nên ít được nhiều người biết tới.

1.1.2.2.Sáng tác khí nhạc

Trần Mạnh Hùng đặc biệt thành công với những sáng tác cho giao hưởng: ba liên khúc giao hưởng, sáu bản giao hưởng thơ.

Chủ đề trong giao hưởng:Tổ quốc và đất nước, những sự kiện lịch sử, chứa đựng niềm tự hào và lòng yêu nước sâu sắc. Nhiều tác phẩm được đánh giá cao và đạt giải thưởng của hội nhạc sĩ như: Một nửa cõi trầm, Lệ Chi Viên, Hào khí Thăng Long, Bạch Đằng Giang….

Sáng tác chuyển soạn cũng như hòa tấu: Cây trúc xinh, Se chỉ luồn kim, Cánh diều xanh viết cho dàn nhạc dây; Đại Nam tân khúc viết cho dàn nhạc tổng hợp,…

Tác phẩm hòa tấu: gồm các tác phẩm cho hòa tấu thính phòng, hòa tấu cho các nhạc cụ dân tộc, hòa tấu cho dàn nhạc tổng hợp,… Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể tới như: Tứ tấu đàn dây số 2, Độc tấu đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng Đất mẹ, hòa tấu cho dàn nhạc nhẹ Tâm hồn thơ – trái tim thép,…

1.2.Cấu trúc ba tác phẩm giao hưởng

Ba tác phẩm sẽ được phân tích trong luận văn thuộc thể loại giao hưởng nhiều chương và giao hưởng thơ.

Cơ sở để phân tích cấu trúc:đặc điểm về đường nét giai điệu, tính chất âm nhạc của các chủ đề âm nhạc, những sự thay đổi về phối khí, tốc độ,…

1.2.1.Giao hưởng thơ “Hào khí Thăng Long”

Thông tin tác phẩm:

  • Sáng tác năm 2010 nhân dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
  • Nội dung:  khắc họa hình tượng một thủ đô trải qua bao thăng trầm với những diện mạo khác nhau.

Cấu trúc ba phần mang đặc điểm của hình thức sonate, trong đó phần trình bày là sự trần thuật của hai chủ đề âm nhạc. Phần phát triển chứa đựng sự phát triển của hai chủ đề sẵn có đồng thời xuất hiện chủ đề mới. Phần tái hiện là sự tái hiện nguyên dạng của phần trình bày  

  • Phần trình bày: có hai chủ đề âm nhạc, mỗi chủ đề đều có sự hình thành hình thức rõ ràng. Chủ đề 1 có tính chất tâm tình, tự sự và nhẹ nhàng, được viết ở hình thức đoạn nhạc nhắc lại. Chủ đề 2 viết dưới dạng đoạn nhạc nhắc lại, mỗi đoạn nhạc gồm hai câu nhắc lại có thay đổi. Giai điệu mang âm hưởng của điệu sol# Pha,có phần mạnh mẽ và dứt khoát hơn.
  • Phần phát triển: gồm bốn giai đoạn, các chất liệu chủ đề được phát triển đồng thời có sự xuất hiện của chất liệu chủ đề mới.
    • Giai đoạn một  sự xuất hiện của đoạn chen với chất liệu mới mang âm điệu của ca trù.
    • Phần nối tiếp sử dụng lại chất liệu của nối tiếp giữa hai chủ đề trong phần trình bày  
    • Giai đoạn 2 : phát triển của cả chủ đề 1 và chủ đề 2.
    • Giai đoạn 3: tập trung phát triển chất liệu trong đoạn chen. Âm nhạc mang tính chất dứt khoát, sắc bén.
    • Giai đoạn 4: phát triển chất liệu của chủ đề 1 với việc hình thành hình thức ở dạng đoạn nhạc gồm ba câu không nhắc lại.
  • Phần tái hiện: tái hiện lại gần như nguyên dạng. Điệu tính của hai chủ đề không có sự thay đổi như thường thấy ở hình thức sonate.
  • Phần kết: tóm lược lại những nét chính, sử dụng chất liệu trong phần mở đầu và phần phát triển

1.2.2.Giao hưởng thơ “Bạch Đằng Giang”

Thông tin tác phẩm:

  • sáng tác năm 2011, giành Giải nhì của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2012.
  • Nội dung: mượn hình ảnh của dòng sông Bạch Đằng – địa danh gắn liền với ba chiến thắng vẻ vang trong lịch sử dân tộc để khắc họa vẻ đẹp đất nước cũng như con người Việt Nam.

Cấu trúc ba phần rõ ràng, mang đặc điểm của hình thức sonate.

  • Phần trình bày gồm hai chủ đề âm nhạc. Chủ đề 1 viết ở hình thức đoạn nhạc nhắc lại với âm nhạc có tính chất thong thả, nhẹ nhàng. Giai điệu được xây dựng trên cơ sở điệu thức năm âm fa# Nam . Chủ đề 2 trình bày theo lối phức điệu, mang tính trữ tình nhưng có phần linh hoạt, năng động hơn. Giai điệu có sự gần gũi về âm điệu và không quá tương phản với chủ đề 1. Giai điệu được được bắt đầu với âm hưởng của điệu rê Xuân
  • Phần phát triển :tập trung phát triển chất liệu của chủ đề 1 và chủ đề 2, chia thành ba giai đoạn:
    • Giai đoạn 1: phát triển chất liệu của chủ đề 1. Âm nhạc có phần mạnh mẽ, dứt khoát và đầy khí thế.
    • Nối tiếp giữa hai giai đoạn: sử dụng lại chất liệu của phần nối tiếp ở trước đó đồng thời có sự chuẩn bị cho giai đoạn sau. Kết hợp độc đáo giữa các nhạc cụ gõ diễn tả một trận chiến đầy kịch tính, ác liệt.
    • Giai đoạn 2: phát triển của cả chủ đề 1 và chủ đề 2. Âm nhạc có tính chất kịch tính, căng thẳng.
    • Giai đoạn 3: phát triển chủ đề 2. Âm nhạc có tính chất như một khúc ca khải hoàn chúc mừng thắng lợi một cách vẻ vang
  • Phần tái hiện: tái hiện có thay đổi của phần trình bày. Chủ đề 1 được chuyển sang giọng mi namSau những cuộc chiến tranh khốc liệt, con người lại trở về cuộc sống yên bình bên dòng sông trong xanh, êm ả.
  • Phần coda: nhắc lại chất liệu chủ đề 1, tính chất hân hoan mạnh mẽ.

1.2.3.Giao hưởng số 3 – “Bản giao hưởng Tháng mười hai”

Thông tin tác phẩm:

  • Giao hưởng số 3 hay còn gọi là Bản giao hưởng Tháng mười hai được sáng tác năm 2014.
  • Nội dung: dấu mốc lịch sử vĩ đại nhất của dân tộc, những ngày đêm chiến đấu oanh liệt của Hà Nội và miền Bắc vào tháng 12 năm 1972. “Tri âm những con người đã ngã xuống cho một Hà Nội bình yên ngay trước cái mùa xuân mà thế hệ chúng tôi được sinh ra”.
  • Tác phẩm gồm ba chương, mỗi chương đều có tiêu đề: Lửa – Máu – Hoa.
1.2.3.1.Cấu trúc chương I – “Lửa”

Cấu trúc ba phần mang đặc điểm của hình thức sonate.  Âm nhạc mang tính chất kịch tính.

  • Phần trình bày: gồm hai chủ đề âm nhạc tương phản với nhau. Chủ đề 1 thể hiện sự hoang mang, sợ hãi của con người trước nguy cơ phải đương đầu với chiến tranh. Âm nhạc đầy sự đè nén, căng thẳng ở tốc độ adagio. Toàn bộ chủ đề được viết ở dạng đoạn nhạc gồm hai câu nhắc lại. Chủ đề 2 mang tính chất dồn dập, khẩn trương tương phản với chủ đề 1. Giai điệu chủ đề là những bước đi xuống liền bậc không rõ ràng về điệu tính. 
  • Phần phát triển: chia làm ba giai đoạn, chứa đựng sự phát triển của cả hai chủ đề âm nhac.
    • Giai đoạn 1: phát triển của cả chủ đề 1 và chủ đề 2. Chất liệu hai chủ đề được kết hợp đan xen, kết hợp theo chiều dọc
    • Giai đoạn 2: tập trung phát triển chất liệu của chủ đề 2 với thủ pháp mô phỏng, thể hiện một không khí khẩn trương, dồn nén cao độ.
    • Giai đoạn 3: sự kết hợp cả theo chiều dọc và chiều ngang của chất liệu chủ đề 1 và chủ đề 2.
  • Phần tái hiện: tái hiện ngược hướng hai chủ đề. Chủ đề 2 có sự thay đổi phối khí và chuyển xuống thấp hơn một quãng 6. Chủ đề 1 được tái hiện nguyên dạng (nhịp 212
  • Phần kết: âm nhạc đầy mạnh mẽ, dứt khoát, mở ra chương 2 của tác phẩm..
1.2.3.2.Cấu trúc chương II – “Máu”

Cấu trúc ba phần mang đặc điểm của hình thức ba đoạn phức (ABA). Âm nhạc mang tính chất bi thương nhằm diễn tả tâm trạng đau khổ trước những mất mát trong chiến tranh.

  • Phần A: viết ở hình thức hai đoạn đơn tương phản.Cấu trúc giai điệu tạo nên sự không rõ ràng về điệu thức, góp phần biểu hiện những cảm xúc phức tạp.
  • Phần B:  hình thức hai đoạn đơn tái hiện. Âm nhạc mang âm hưởng của dân ca quan họ Bắc Ninh. Giai điệu có tính ca xướng, tính chất nhẹ nhàng và bớt gay gắt hơn.
1.2.3.3.Cấu trúc chương III – “Hoa”

Cấu trúc ba phần, trong đó mỗi phần chứa đựng một chất liệu một chất liệu âm nhạc tương phản với nhau, thể hiện niềm vui chiến thẳng.

  • Phần A: hình thức hai đoạn đơn phát triển. Âm nhạc có tính chất hào hùng, rực rỡ nhằm diễn tả không khí huy hoàng và niềm tự hào sâu sắc trước chiến thắng vang dội của dân tộc.
  • Phần B: hình thức ba đoạn đơn phát triển. Âm nhạc mang tính chất nhẹ nhàng, tha thiết diễn tả những cảm xúc bồi hồi, ngậm ngùi.
  • Phần C: hình thức hai đoạn đơn phát triển, tính chất vui tươi, rộn ràng
  • Phần kết: tổng hợp lại các chất liệu âm nhạc của cả ba phần trong chương nhạc. .

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

Nội dung chương 1 có thể tóm lược như sau:.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là người được đào tạo bài bản và đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực sáng tác. Các sáng tác của ông đã được giới chuyên môn ghi nhận và nhiều lần đạt giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Các tác phẩm của Trần Mạnh Hùng khá phong phú về thể loại, trong đó nổi bật nhất là các sáng tác ca khúc và giao hưởng.

Ba tác phẩm giao hưởng Hào khí Thăng Long, Bạch Đằng Giang và Bản giao hưởng tháng mười hai có sự vận dụng một cách sáng tạo các hình thức trong âm nhạc cổ điển phương Tây như: hình thức sonate, hình thức ba đoạn phức, hình thức ba phần. Sự phân chia các phần và giai đoạn thể hiện ở nhiều mặt như: tốc độ, chất liệu âm nhạc, phối khí, điệu thức,... Cuối chương nhạc hay tác phẩm thường có một phần kết để tóm lược lại những giai đoạn chính.

Sự kế thừa của hình thức sonate trong hai bản giao hưởng thơ và chương I Bản giao hưởng tháng mười hai thể hiện ở việc phần phát triển thường tập trung phát triển các chất liệu trong phần trình bày. Tuy nhiên, mức độ tương phàn giữa các chủ đề chưa thực sự sâu sắc.

Các chất liệu âm nhạc dân tộc được nhạc sĩ khai thác theo lối sử dụng âm hưởng của dân ca. Vì vậy, dù không phải là một bài dân ca nào nhưng giai điệu trong các tác phẩm vẫn cho người nghe liên tưởng tới các làn điệu dân ca Việt Nam.

Hình tượng âm nhạc và tiêu đề trong các tác phẩm luôn có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Các hình tượng này được thể hiện một cách sinh động với sự kết hợp cùng lúc của nhiều phương tiện giai điệu, tiết tấu, phối khí,…. Tuy mỗi tác phẩm đề cập tới một sự kiện lịch sử khác nhau nhưng toát lên trong đó vẫn là hình ảnh con người Việt Nam kiên cường, bất khuất .

 

CHƯƠNG 2

 ĐẶC ĐIỂM ÂM NHẠC

2.1. Đặc điểm và phương pháp phát triển chủ đề

2.1.1.Cấu tạo và tính chất của chủ đề

Xây dựng chủ đề theo lối tư duy khí nhạc của phương Tây. Các chủ đề thường được cấu tạo nên từ một hoặc vài chất liệu âm nhạc.

2.1.1.1.Chủ đề cấu tạo từ một chất liệu

Cấu tạo từ một chất liệu âm nhạc là dạng chủ đề được thấy nhiều nhất. Các chủ đề này thường có tính chất trữ tình, nhẹ nhàng: chủ đề 1 giao hưởng thơ Bạch Đằng Giang, chủ đề trong phần B trong chương III Bản giao hưởng Tháng mười hai, chủ đề đoạn chen trong giao hưởng thơ Hào khí Thăng Long

Các chủ đề được cấu tạo từ một chất liệu âm nhạc mang tính chất vui tươi, sôi nổi: chủ đề trong phần A và phần C chương III Bản giao hưởng tháng mười hai.

Chủ đề từ một chất liệu còn được sử dụng để xây dựng nên chủ đề âm nhạc mang tính chất kịch tính: chủ đề 2 chương I và chủ đề ở phần A của chương II Bản giao hưởng tháng mười hai.

Chủ đề có tính bi thương: chủ đề trong phần B chương II Bản giao hưởng tháng mười hai.

2.1.1.2.Chủ đề cấu tạo từ hai chất liệu âm nhạc

Cấu tạo chủ đề từ hai chất liệu âm nhạc: chủ đề 1 trong chương I Bản giao hưởng tháng mười hai có tính chất kịch tính, căng thẳng. Chủ đề này được xây dựng dựa trên hai chất liệu âm nhạc được chia ra diễn tấu ở hai nhóm bè.

2.1.2. Phương pháp phát triển chất liệu chủ đề

2.1.2.1.Thủ pháp nhắc lại

Thủ pháp nhắc lại là một trong cách phát triển chất liệu cơ bản, nhằm khẳng định chất liệu của chủ đề đồng thời nhấn mạnh và củng cố vị trí của nó trong tác phẩm. Ở đây, thủ pháp này thường được dùng trong trong giai đoạn đầu của tác phẩm hay chương nhạc để nhắc lại chủ đề một cách nguyên dạng. Sự thay đổi thường nằm ở thành phần nhạc cụ diễn tấu trên cơ sở cấu trúc giai điệu được giữ nguyên.

2.1.2.2.Thủ pháp biến tấu giai điệu

Thủ pháp biến tấu giai điệu được sử dụng trong cả khuôn khổ của chủ đề cũng như phần phát triển của tác phẩm.

* Biến tấu giai điệu kết hợp với mô phỏng

* Biến tấu giai điệu kết hợp với nhắc lại

So với thủ pháp nhắc lại, thủ pháp biến tấu giai điệu mang tính sáng tạo cao, có thể tạo nên những sự biển đổi lớn nhằm khắc họa những diện mạo khác nhau của chủ đề âm nhạc. Tuy nhiên, chất liệu sau khi được biến đổi thường sẽ được nhắc lại hoặc mô phỏng nguyên dạng mà ít khi được triển khai rộng hơn. Điều này có thể góp phần nhấn mạnh những biến đổi đó nhưng lại khiến cho chất liệu chưa được thực sự phát triển một cách triệt để.

2.2.Điệu thức

Xem xét toàn bộ ba tác phẩm được phân tích ở đây, ta thấy không có một phần nào hoàn toàn sử dụng một điệu thức mà thường có sự thay đổi từ điệu thức này sang điệu thức khác trong quá trình tiến hành giai điệu.

Hai dạng điệu thức chính được sử dụng ở đây là: điệu thức năm âm Việt Nam điệu thức phương Tây mang âm hưởng ngũ cung.

Với các điệu thức năm âm Việt Nam, cơ sở chính xác định điệu thức là dựa trên thành phần và vai trò của các âm trong cấu tạo giai điệu. Trong các âm xây dựng nên giai điệu, sẽ có một âm có vai trò nổi bật hơn. Đó thường là âm bắt đầu hoặc âm kết thúc của nét giai điệu. Trong một số trường hợp, vai trò của âm này còn được làm rõ hơn với sự tham gia của phần đệm.

2.2.1. Điệu thức năm âm Việt Nam

  • Sử dụng điệu si Bắc: phần kết chương I, chủ đề trong phần C chương III Bản giao hưởng tháng mười hai,
  • Điệu Nam: chương III Bản giao hưởng Tháng mười hai, giai điệu được xây dựng trên điệu si Nam có phần bồi hồi, tha thiết thể hiện sự xúc động khi giành được chiến thắng sau bao gian khổ của dân tộc:
  • Đôi khi, điệu thức năm âm còn được sử dụng với sự mở rộng về thành phần âm như trong chủ đề 1 giao hưởng thơ Bạch Đằng Giang. Giai điệu được bắt đầu với âm hưởng của điệu fa# nam và ở hai nhịp cuối có sự mở rộng thành phần âm với sự xuất hiện của âm sol. Điệu này đã tạo nên sự phong phú về âm điệu và tăng khả năng diễn đạt của giai điệu
  • Giai điệu sử dụng điệu thức năm âm và luôn có sự chuyển tiếp từ điệu thức này sang điệu thức khác: trong giao hưởng thơ Bạch Đằng Giang, giai điệu bắt đầu với âm hưởng của điệu thức sol Xuân trong hai nhịp đầu và liên tục được chuyển tiếp sang các điệu sol Bắc và sol Nam  trong bốn nhịp sau đó. Hai nhịp cuối là sự kết hợp giữa hai điệu sol Bắc và sol Nam. Toàn bộ quá trình này được diễn ra một cách hết sức tự nhiên và khéo léo đã đem lại một nét giai điệu có âm điệu phong phú, đầy cảm xúc. nhịp 41à48, tr 8,9 giao hưởng thơ Bạch Đằng Giang

2.2.2.Điệu thức phương Tây mang âm hưởng năm âm

Trong cấu tạo giai điệu, vai trò của một số âm trong điệu thức được làm mờ đi đồng thời nhấn mạnh một số quãng đặc trưng nên tạo cho người nghe cảm nhận của năm âm.

  • Giai điệu là sự kết nối từ điệu thức năm âm sang điệu thức trưởng thứ phương Tây
  • Giai điệu là sự chuyển tiếp từ điệu thức trưởng thứ phương Tây sang các điệu thức năm âm

Với những gì đã phân tích ở trên, chúng tôi nhận thấy các tác phẩm của Trần Mạnh Hùng thường sử dụng phương pháp thứ ba - sử dụng âm hưởng dân ca. Nhạc sĩ thường xây dựng giai điệu trên các điệu thức năm âm trong đó nhấn mạnh âm hưởng của trục quãng 4, quãng 5. Do đó, dù giai điệu không phải của bất cứ làn điệu dân ca nào nhưng người nghe vẫn cảm nhận được màu sắc dân tộc trong đó.

2.2.3. Sự không rõ ràng về điệu thức

. Giai điệu có thể được xây dựng trên một hàng âm và sau đó được phát triển bằng cách mô phỏng nhiều lần .

  • Sử dụng các âm chromatic và bước nhảy quãng 5 giảm đã làm giảm sức hút giữa các âm, làm cho giai điệu không rõ ràng về điệu thức.
  • Sự không rõ ràng về điệu thức còn được thấy trong giai điệu trong phần A ở chương II Bản giao hưởng tháng mười hai. Cấu trúc giai điệu gồm nhiều âm cromatic và các bước nhảy quãng giảm tạo nên sự không rõ ràng về điệu thức.

2.3.Hòa âm

2.3.1.Cấu trúc hợp âm

2.3.1.1.Hợp âm chồng quãng ba

Các hợp âm chồng quãng ba được sử dụng phần nào làm rõ hơn màu sắc của điệu thức, kết hợp với giai điệu tạo nên một sự ổn định tương đối.

Đôi khi, các hợp âm chồng quãng ba được âm hình hóa thành các hợp âm rải để kết hợp cùng giai điệu tạo một cảm giác linh hoạt hơn như trong phần B chương III Bản giao hưởng tháng mười hai.

2.3.1.2.Hợp âm chồng quãng bốn, quãng năm
  • Sử dụng hợp âm chồng quãng bốn, quãng năm: phần kết trong giao hưởng thơ Hào khí Thăng Long,
  • Sử dụng các chồng hợp âm quãng 4 tăng, 5 giảm để thể hiện sự kịch tính: mở đầu và chủ đề 1 và phần phát triển chương I Bản giao hưởng Tháng mười hai.
2.3.1.3.Hợp âm với thành phần là các âm trong điệu thức:
  • Chồng hợp âm được xây dựng từ các âm trong điệu thức dân được duy trì khá dài dưới dạng nhắc lại.
  • Những âm trong điệu thức năm âm có thể được sử dụng dưới dạng các hợp âm rải để kết hợp với giai điệu
  • Phần đệm là các hợp âm 7 giảm xây dựng với thành phần là các âm trong cấu tạo giai điệu:  chủ đề 2 chương I Bản giao hưởng Tháng mười hai. Các hợp âm bảy giảm tạo nên sự không ổn định và góp phần thể hiện tính chất bất an, lo sợ của chủ đề này.
  • sử dụng các hợp âm với thành phần là các âm trong điệu thức còn được thực hiện một cách tỉ mỉ :không sử dụng một hợp âm kéo dài như các trường hợp trên mà có sự thay đổi theo thành phần của giai điệu trong từng nhịp.

2.3.2.Hòa âm kết

Các tác phẩm được phân tích ở đây hầu như không sử dụng các nguyên tắc của hòa âm công năng nên hòa âm trong kết cũng không thể hiện bởi các vòng kết thông thường.

2.3.2.1.Kết trọn
  • Kết trọn ở chồng âm quãng 5Đ
  • Kết trọn cũng có thể sử dụng hợp âm chồng quãng bốn, quãng năm.
2.3.2.2.Kết mở

Kết mở là dạng kết hay gặp nhất, có thể được sử dụng để kết thúc các phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Sự ổn định trong kết chỉ mang tính tương đối và nhiều khi còn tạo ra sự căng thẳng nhất định để chuẩn bị cho âm nhạc trong phần sau đó.

  • Kết mở ở hợp âm chồng quãng bốn, quãng năm
  • Kết mở bằng hợp âm chồng quãng 4 tăng, 5 giảm
  • Kết mở ở một âm

2.3.3.Bè trì tục

Trong ba tác phẩm giao hưởng được phân tích ở đây, tác giả khá sáng tạo trong việc sử dụng các bè trì tục.

  • Bè trì tục dưới dạng một chồng quãng
  • Bè trì tục dưới dạng một motiv âm nhạc: được xây dựng bằng việc lặp lại nhiều lần một motiv âm nhạc. Vị trí xuất hiện của bè trì tục dạng này trong tác phẩm khá linh hoạt.

Rõ ràng, sự xuất hiện của các bè trì tục trong những trường hợp trên không chỉ có ý nghĩa khẳng định và củng cố vai trò của các âm chủ mà còn góp phần thể hiện hình tượng và tính chất âm nhạc. 

2.4.Phức điệu

Trong nhiều trường hợp, yếu tố phức điệu vẫn xuất hiện trong thời gian ngắn như một phương thức để phát triển âm nhạc. Các thủ pháp phức điệu được sử dụng chủ yếu ở dạng phức điệu tương phản.

2.4.1.Đối vị tương phản hai bè

2.4.2.Đối vị tương phản ba bè

Việc xây dựng nên các cặp bè phức điệu đã góp phần tạo nên những âm hưởng mới mẻ trong quá trình phát triển của tác phẩm nhưng phức điệu ở đây chủ yếu được tác giả sử dụng đơn thuần như một phương thức để biến đổi chất liệu âm nhạc thêm phần đa dạng.

 

 

2.5.Phối khí

2.5.1. Biên chế dàn nhạc

Sử dụng biên chế của dàn nhạc giao hưởng phương Tây với đầy đủ bốn bộ nhạc cụ.

2.5.2.Hiệu quả phối khí trong tác phẩm

Trong ba tác phẩm Hào khí Thăng Long, Bạch Đằng Giang Bản giao hưởng tháng mười hai, ta thấy nhạc sĩ thường sử dụng phối khí với sự chú trọng về hiệu quả âm thanh hơn là xây dựng hình tượng âm nhạc..

2.5.2.1.Thể hiện tính chất âm nhạc của chủ đề

Sử dụng nhạc cụ solo: Khai thác các âm sắc đẹp đẽ, gần gũi với giọng hát của con người của nhạc cụ góp phần thể hiện tính ca xướng, êm dịu của chủ đề. Thể hiện tính chất của chủ đề không chỉ thể hiện ở âm sắc của giai điệu mà còn nằm ở các bè khác như một sự chuẩn bị, báo trước cho âm nhạc của chủ đề.

 Kết hợp các nhạc cụ cùng bộ: Âm sắc trở nên dày dặn hơn nhưng vẫn giữ được sự hài hòa nhờ tính đồng chất của bộ dây

Kết hợp các nhạc cụ khác bộ: Sự thay đổi nhạc cụ diễn tấu đã tạo nên sự phong phú về mặt âm sắc đồng thời khắc họa rõ nét hơn những đường nét của giai điệu.

Khai thác các kỹ thuật của nhạc cụ: Các kỹ thuật riêng của nhạc cụ cũng được vận dụng một cách hiệu quả để góp phần diễn tả sự biến đổi của chất liệu âm nhạc.

2.5.2.2.Sự thể hiện màu sắc âm nhạc dân gian qua phối khí      
  • Nhạc cụ bộ dây và bộ gõ đã được vận dụng một cách độc đáo. tạo nên sự kết hợp trọn vẹn của bốn nhân tố làm nên thể loại ca trù.
  • Sử dụng flauto diễn tả tiếng sáo trúc của Việt Nam.
  • Các nhạc cụ gõ như triangolo, campana, tam tam được kết hợp diễn tấu đồng nhất về tiết tấu cho người nghe liên tưởng đến âm điệu của dân ca Tây Bắc

Tiểu kết chương 2

Qua những gì đã trình bày ở trên, chúng tôi xin tóm lược một số vấn đề trong chương 2 dưới đây.

Về chủ đề âm nhạc: Các chủ đề âm nhạc thường cấu tạo từ một chất liệu âm nhạc với tính chất âm nhạc phong phú, phù hợp với hình tượng. Tuy nhiên, ta thấy ít có sự tương phản giữa các chủ đề trong cùng tác phẩm hoặc chương nhạc. Các thủ pháp phát triển chủ đề được sử dụng tương đối hiệu quả gồm: thủ pháp nhắc lại, thủ pháp biến tấu giai điệu. Do vậy, các chủ đề âm nhạc được nhấn mạnh khá rõ nét nhưng mức độ phát triển chưa thật sự triệt để.

Về điệu thức: Màu sắc của điệu thức và sự chuyển từ điệu thức này sang điệu thức khác được biểu hiện rõ trong lối tiến hành của giai điệu. Các dạng điệu thức chính được sử dụng gồm: điệu thức năm âm Việt Nam và điệu thức phương Tây mang âm hưởng năm âm Ngoài ra, trong một số trường hợp, giai điệu còn có sự không rõ ràng về điệu thức nhằm tạo sự bất ổn định, thể hiện tính chất hoang mang, lo sợ.

Về hòa âm: Hòa âm trong các tác phẩm có vai trò nâng đỡ, làm cho giai điệu trở nên nổi bật. Việc sử dụng các hợp âm chồng quãng ba đã góp phần làm rõ màu sắc của các điệu thức phương Tây. Bên cạnh đó, các chồng hợp âm với thành phần là các âm trong điệu thức tạo nên sự kết hợp hài hòa với giai điệu.

Về phức điệu: Tác giả chủ yếu sử dụng thủ pháp đối vị tương phản hai bè và đối vị tương phản ba bè. Sự tương phản giữa các bè tạo nên sự biến đổi  cho các chủ đề âm nhạc. Tuy nhiên, do được viết theo lối đối vị đơn giản nên phạm vi tương đối hẹp và hiệu quả của phức điệu ở đây có phần hạn chế.

Về phối khí: Phối khí đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tính chất âm nhạc. Đôi khi, sự thay đổi về phối khí trở thành yếu tố mang tính phát triển trên cơ sở cấu trúc giai điệu được giữ nguyên. Các nhạc cụ được sử dụng một cách linh hoạt, khéo léo và hiệu quả nhằm diễn tả những thay đổi trong mạch cảm xúc của tác phẩm. Một trong những thành công của phối khí là việc khai thác âm sắc các nhạc cụ phương Tây để khắc họa nên âm thanh của các nhạc cụ dân tộc, đem lại màu sắc âm nhạc dân gian cho tác phẩm.

 

KẾT LUẬN

Sau toàn bộ quá trình tìm hiểu về nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và ba tác phẩm giao hưởng Hào khí Thăng Long, Bạch Đằng Giang Bản giao hưởng tháng mười hai, chúng tôi xin có những kết luận như sau:

Về cấu trúc tác phẩm: Sự kế thừa và vận dụng các nguyên tắc sáng tác trong âm nhạc phương Tây thời kì cổ điển đã đem lại cho ba tác phẩm này sự cân đối, chặt chẽ về mặt cấu trúc. Các tác phẩm đều được xây dựng với cấu trúc thuộc hai dạng chính là: cấu trúc mang đặc điểm của hình thức sonate hoặc mang đặc điểm của hình thức ba đoạn phức. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp cụ thể, ta vẫn thấy một số điểm khác nhau giữa các tác phẩm.

Cùng có cấu trúc mang đặc điểm của hình thức sonate nhưng phần phát triển của giao hưởng thơ Hào khí Thăng Long lại có sự xuất hiện của chất liệu mới với chủ đề trong đoạn chen. Hay sự thay đổi trong tái hiện ở giao hưởng thơ Bạch Đằng Giang khi chủ đề 1 được mô phỏng đi xuống quãng 2 so với phần trình bày hoặc việc chủ đề 2 được tái hiện trước chủ đề 1 ở chương I Bản giao hưởng tháng mười hai. Ngoài ra, cùng có cấu trúc mang đặc điểm của hình thức ba đoạn phức nhưng chương II Bản giao hưởng thảng mười hai có cấu trúc tương đối mẫu mực trong khi ở chương III, phần thứ ba không mang chức năng tái hiện mà được xây dựng với chất liệu hoàn toàn mới. Những cách làm này không phải mới mẻ trong sáng tác âm nhạc và có thể nói chưa thực sự đem lại những hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, nó cho thấy tác giả vẫn có những tìm tòi để tạo nên những khác biệt giữa các tác phẩm của mình.

Về đặc điểm âm nhạc:

Các chủ đề âm nhạc thường được cấu tạo từ một chất liệu âm nhạc. Chất liệu này sẽ được triển khai, phát triển bằng nhiều thủ pháp khác nhau. Trong các giao hưởng thơ, chủ đề thường có tính chất trữ tình, nhẹ nhàng và sự tương phản giữa các chủ đề trong tác phẩm không nhiều lắm. Trong tác phẩm Bản giao hưởng tháng mười hai, các chủ đề có tính chất đa dạng hơn với những chủ đề có tính chất bi thương, kịch tính hay chủ đề có tính chất mạnh mẽ, sáng sủa. Các thủ pháp phát triển chất liệu chủ đề được sử dụng khá phong phú. Tuy nhiên, có thể thấy các chất liệu được phát triển chủ yếu với phương thức nhắc lại. Điều này giúp cho các chủ đề âm nhạc được nhấn mạnh và khắc sâu vào tâm trí người nghe nhưng cũng là đem lại sự hạn chế về mức độ tương phản và sự khả năng phát triển cần thiết cho toàn bộ tác phẩm.

Sự chuyển tiếp giữa các điệu thức trong tiến hành giai điệu diễn ra khá thường xuyên đã tạo nên sự đa dạng về điệu thức. Các điệu thức được sử dụng chủ yêu là điệu thức năm âm Việt Nam và điệu thức phương Tây mang âm hưởng của năm âm. Đôi khi, ta thấy có sự không rõ ràng về điệu thức nhằm diễn tả những cảm xúc bất ổn, sợ hãi.

Hòa âm được sử dụng với mục đích chính là tạo nên sự kết hợp hài hòa với giai điệu. Vai trò này được thực hiện qua việc sử dụng các chồng quãng một cách hiệu quả và xây dựng bè trì tục một cách sáng tạo.

Yếu tố phức điệu ở tác phẩm thường xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn với các thủ pháp đối vị tương phản hai bè và đối vị tương phản ba bè ở dạng đơn giản. Sự tương phản giữa các bè phần nào tạo nên sự biến đổi mới mẻ cho các chủ đề âm nhạc.

Phối khí là một trong những phương thức nổi bật trong việc thể hiện tính chất âm nhạc. Đôi khi, sự thay đổi về phối khí trở thành yếu tố chính thể hiện sư phát triển của chất liệu âm nhạc. Các nhạc cụ được sử dụng một cách linh hoạt, khéo léo và hiệu quả nhằm diễn tả những thay đổi trong mạch cảm xúc của tác phẩm. Đặc biệt, âm sắc các nhạc cụ phương Tây được khai thác một cách khéo léo để khắc họa nên âm thanh của các nhạc cụ dân tộc, đem lại màu sắc âm nhạc dân gian cho tác phẩm.

Nhìn một cách tổng thể, rõ ràng những gì nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã làm trong ba tác phẩm được phân tích không phải những điều quá mới mẻ. Tuy nhiên, điều chúng tôi nhìn nhận ở đây đó là cách mà tác giả vận dụng và kết hợp những nguyên tắc sáng tác trong âm nhạc phương Tây với những yếu tố về điệu thức, nhịp điệu,… của âm nhạc Việt Nam để khắc họa lại những hình tượng âm nhạc mang tính dân tộc. Những câu chuyện lịch sử và vẻ đẹp của con người Việt Nam đã được thể hiện một cách sinh động bằng ngôn ngữ âm nhạc của phương Tây là một thành công của nhạc sĩ./.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn