Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12221511
Tin tức hoạt động Thứ bảy, 20/04/2024

Tác giả: Nguyễn Phương Ngọc 
Tên đề tài: Phân tích hai bản Concerto cho Violino và dàn nhạc của Sergei Prokofiev
Chuyên ngành: Âm nhạc học
Mã số: 60 21 02 01
Cán bộ hướng dẫn khoa học:  PGS.TS. Cù Lệ Duyên 
Ngày đăng: 28/04/2018

Toàn văn luận văn

Tóm tắt Luận văn 

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

       Bước sang thế kỉ XX, thế giới đã trải qua hàng loạt những sự kiện lịch sử chính trị xã hội phức tạp. Nhiều khuynh hướng và trường phái âm nhạc ra đời, đồng thời, quan niệm thẩm mỹ âm nhạc cũng có nhiều sự thay đổi. Những nhà soạn nhạc thời kì này có những cách tân so với những khuôn mẫu truyền thống Tây Âu thời kì cổ điển, tiêu biểu là nhà soạn nhạc Sergei Prokofiev.

       Sergei Prokofiev (1891 – 1953) là nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống âm nhạc với mẹ là người chơi đàn Piano rất giỏi. Vì vậy, ông đã sớm được tiếp cận với những tác phẩm của Rubinstein, Chopin và Beethoven. Profokiev theo học sáng tác từ năm 11 tuổi và ông từng là học trò của nhà soạn nhạc, nhà sư phạm âm nhạc lỗi lạc người Nga Rimsky Korsakov.

       Cuộc đời sự nghiệp của Prokofiev có thể chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1891 – 1918, ông sinh sống ở Nga, bước đầu học tập sáng tác biểu diễn và tìm hiểu nghiên cứu về âm nhạc đương đại. Giai đoạn 1918 – 1936, Prokofiev sinh sống ở nước ngoài, xuất bản những tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành được công chúng đón nhận như “The love for Three Oranges” (Tình yêu với ba quả cam), “The Tale of the Buffoons” (Câu chuyện về các bộ phim hoạt hình)… Giai đoạn 1936 – 1953, ông sáng tác nhiều tác phẩm theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa ca ngợi lòng yêu nước như vở Nhạc kịch Chiến tranh và hòa bình, Giao hưởng số 7…

       Prokofiev đã để lại cho nhân loại một kho tàng tác phẩm trên nhiều lĩnh vực, 7 bản Giao hưởng, 14 tác phẩm Opera, 9 vở Ballets, 16 tổ khúc cho dàn nhạc, 5 concerto cho Piano và dàn nhạc, 11 bản sonate cho Piano cùng nhiều tác phẩm hòa tấu thính phòng, etude v.v…. Tiêu biểu có thể kể đến là hai bản Concerto cho Violino và dàn nhạc. Concerto No 1 op 19 giọng D – dur gồm 3 chương hoàn thành năm 1917. Concerto No 2 op 63 giọng g - moll được viết từ năm 1935 cũng gồm 3 chương. Hai bản Concerto đều thể hiện rõ phong cách sáng tác của Prokofiev và những đặc điểm âm nhạc của thế kỉ XX với nhiều sự đổi mới trong tư duy sáng tác so với những thời kì trước.

       Trong quá trình học tập chuyên ngành Âm nhạc học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chúng tôi nhận thấy chưa có nhiều nghiên cứu về âm nhạc thế kỉ XX. Với mong muốn tìm hiểu sâu hơn về những đặc điểm của thời kì này, chúng tôi xin lựa chọn đề tài tốt nghiệp thạc sĩ như sau:

       “PHÂN TÍCH HAI BẢN CONCERTO CHO VIOLINO VÀ DÀN NHẠC CỦA SERGEI PROKOFIEV”.

2. Lịch sử đề tài

             Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nghiên cứu về các tác phẩm của Prokofiev tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam không nhiều, gồm những luận văn sau:

- Phạm Xuân Cảnh – Tìm hiểu bản giao hưởng số 7 của Sergei Prokofiev, Khóa luận Tốt nghiệp Đại học, 2003.

- Tạ Hoàng Mai Anh - Ngôn ngữ hòa âm trong ba tổ khúc trích từ Ballet Romeo và Juliet của Prokofiev - Khóa luận tốt nghiệp Đại học, 2009.

- Tạ Hoàng Mai Anh – Ngôn ngữ hòa âm của Prokofiev trong 3 bản Sonate cho Piano số 1, 2, 3, Luận văn Thạc sĩ, 2012.

Bên cạnh đó, một số khóa luận, luận văn nghiên cứu về âm nhạc thế kỉ XX. Ngoài ra, cuốn Âm nhạc giao hưởng phương Tây Tác giả - Tác phẩm do PGS.NGND Hoàng Dương biên dịch từ cuốn “Guide de la musicque symphonique” (1999) đã giới thiệu sơ lược về hai bản Concerto cho Violino và dàn nhạc giao hưởng. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm âm nhạc của hai bản Concerto cho Violino và Dàn nhạc của Prokofiev.

3. Mục đích nghiên cứu

            Mục đích nghiên cứu của chúng tôi trong luận văn này nhằm phân tích hai bản Concerto cho Violino và Dàn nhạc của Prokofiev để từ đó có thể đưa ra nhận định đúng đắn mang tính khoa học về cấu trúc cũng như những thủ pháp âm nhạc được vận dụng trong hai tác phẩm trên.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

       Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của chúng tôi trong luận văn này là hai bản Concerto cho Violino và Dàn nhạc của Sergei Prokofiev.

5. Phương pháp nghiên cứu

       Trong luận văn, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu lý thuyết: phân tích, đối chiếu, so sánh, qui nạp, tổng hợp, nghị luận để nghiên cứu về cấu trúc cũng như những thủ pháp âm nhạc được vận dụng trong hai tác phẩm trên, từ đó có thể hiểu rõ hơn đặc điểm âm nhạc thế kỉ XX và phong cách sáng tác của nhà soạn nhạc Sergei Prokofiev.

6. Đóng góp của luận văn

       Từ những phân tích và nghiên cứu, luận văn có thể là tài liệu tham khảo cho những ai quan tâm tới lĩnh vực âm nhạc thế kỉ XX nói chung và hai bản Concerto cho Violino và Dàn nhạc của Prokofiev nói riêng.

7. Bố cục luận văn

       Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, luận văn gồm hai chương.

Chương 1: Cấu trúc tác phẩm

Chương 2: Các thủ pháp âm nhạc

CHƯƠNG 1: CẤU TRÚC TÁC PHẨM

1.1Hình thức Sonate

1.1.1 Chương I Concerto No 1

            Chương I Concerto No.1 được viết ở hình thức Sonate với điệu tính chính D - dur, nhịp 6/8.

1.1.1.1 Phần Trình bày

       Ở cả hai bản Concerto cho Violino của Prokofiev, chương Sonate chỉ có một phần trình bày với hai chủ đề âm nhạc tương phản nhau. Chủ đề I trong Concerto No.1 mang tính chất uyển chuyển, kéo dài 20 nhịp (từ nhip 1 -20) ở hình thức đoạn nhạc không phân câu, mở đầu ở điệu tính D-dur và kết thúc ở điệu tính C – dur do Violino diễn tấu. Từ nhịp 21 – 46 là vùng chủ đề 1 do Viole, Ovoi và Violino solo lần lượt thể hiện, có sự thay đổi về mặt điệu tính. Phần Nối gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm 8 nhịp từ nhịp 47-54 phát triển motiv cũ. Giai đoạn 2 cũng với 8 nhịp từ nhịp 55-62 phát triển motiv mới chuẩn bị cho chủ đề 2.  Chủ đề 2 kéo dài 16 nhịp (từ nhịp 63-78), hình thức đoạn nhạc 2 câu với cấu trúc không nhắc lại. Câu 1 gồm 8 nhịp, có nhiều biến âm và nốt hoa mỹ thể hiện tính chất dí dỏm, tinh nghịch. Cuối câu 1 khi kết thúc có sử dụng hợp âm chồng quãng 2 D-E-F#G (phách 1 nhịp 70) tạo màu sắc không ổn định. Câu 2 cũng gồm 8 nhịp, được bắt đầu từ nhịp 71 với âm hình tiết tấu phức tạp hơn. Kết thúc chủ đề 2 ở âm bậc VII giọng e – moll. Kết phần Trình bày được viết ở hình thức đoạn nhạc 2 câu nhắc lại có thay đổi. Câu 1 gồm 6 nhịp từ nhịp 79-84 phát triển tiếp nối chất liệu chủ đề 2. Câu 2 với 7 nhịp từ nhịp 85-91 tiếp tục phát triển trên cơ sở câu 1, giai điệu nhắc lại và phát triển hơn, kết thúc ở âm bậc I giọng e – moll.

1.1.1.2 Phần Phát triển

             Phần Phát triển của Concerto No 1 được viết ở cấu trúc tự do, có thể chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 23 nhịp từ nhịp 92 – 114, phát triển motiv quãng 4 ở nhiều điệu tính, kết ở âm bậc I/g-moll. Giai đoạn 2 gồm 16 nhịp từ nhịp 115 đến nhịp 130, Profokiev mô phỏng gần như toàn bộ chất liệu chủ đề 2 tạo sự huyền bí. Giai đoạn 3 từ nhịp 131 - 154, phát triển chủ yếu chất liệu kết phần Trình bày, kết thúc phần Phát triển ở âm bậc I/G. Đoạn nối kéo dài 11 bao gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 kéo dài 7 nhịp từ nhịp 155 – 161. Giai đoạn 2 của phần nối dài 4 nhịp.

1.1.1.3 Phần Tái hiện

            Tác giả sử dụng tái hiện rút gọn, chỉ tái hiện chất liệu của chủ đề 1 ở điệu tính chính D-dur, với cấu trúc một đoạn nhạc không phân câu gồm 21 nhịp từ nhịp 166-186, sử dụng chủ yếu Violino solo, Arpa và Flauto. Chủ đề 1 kết thúc ở nhịp 186 ở hợp âm T6/D – dur. Kết thúc chương I là phần Kết bổ sung kéo dài 3 nhịp, là đường nét giai điệu ở điệu thức D Lydian và dừng lại ở hợp âm D-dur.

1.1.2. Chương I Concerto No 2

1.1.2.1 Phần Trình bày

         Chủ đề I của Concerto No.2 được viết ở hình thức 3 đoạn đơn phát triển aba’, hình thức rõ ràng hơn, chất liệu chủ đề cũng đơn giản, súc tích, sử dụng motiv lượn sóng có bậc IV#. Đoạn a gồm 8 nhịp từ nhịp 1 cho đến nhịp 8 ở hình thức đoạn nhạc không phân câu với tính chất mênh mông dàn trải, kết thúc ở âm bậc VII/g-moll. Đoạn b cũng được viết dưới dạng đoạn nhạc không phân câu từ nhịp 9 đến nhịp 17, giai điệu chủ đề được họa lại bằng nhạc cụ khác, kết D7-t/g-moll. Đoạn a’ cũng là đoạn nhạc không phân câu gồm 10 nhịp từ nhịp 18-27 của chủ đề, kết thúc ở âm bậc VII/cis-moll. Phần Nối ở đây cũng được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 15 nhịp từ nhịp 28-42 với nhiều sự thay đổi trong đường nét giai điệu.Giai đoạn 2 gồm 9 nhịp từ nhịp 43-51, âm hình tiết tấu có trường độ dài hơn, âm vực thu hẹp hơn.  Chủ đề 2 có màu sắc âm nhạc tươi sáng được viết ở giọng B – dur, gồm 17 nhịp, được viết ở hình thức đoạn nhạc không phân câu và có nhắc lại (aa’). Đoạn a gồm 9 nhịp (từ nhịp 52-60), Violino solo diễn tấu giai điệu với những đường nét lượn sóng dàn trải. Đoạn a’ gồm 8 nhịp (từ nhịp 61-68), giai điệu được nhắc lại có thay đổi, kết gối đầu sang phần sau ở hợp âm t của giọng d – moll.        Kết phần trình bày gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 9 nhịp từ nhịp 69-77, thể hiện rõ chất liệu phần Nối ở nhiều điệu tính. Giai đoạn 2 gồm 14 nhịp từ nhịp 78-91, sử dụng chất liệu phần Nối, Chủ đề 1, kết thúc ở bậc I/B-dur.     

1.1.2.2 Phần Phát triển

       Phần Phát triển của chương I Concerto No 2 được viết ở cấu trúc tự do, có thể chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 kéo dài 9 nhịp từ nhịp 92-100, kéo dài chất liệu ở cuối Kết phần Trình bày, các nhạc cụ đối đáp với nhau ở điệu tính B –dur. Giai đoạn 2 của chương nhạc thể hiện tính chất căng thẳng kéo dài 30 nhịp từ nhịp 101 - 130, phát triển chất liệu chủ đề 1. Giai đoạn 3 gồm 26 nhịp từ nhịp 131-156, tập trung phát triển chất liệu chủ đề 2. Giai đoạn 4 đánh dấu bằng sự trở lại của chất liệu chủ đề 1, kéo dài 26 nhịp, từ nhịp 157 – 182. Sau đó là 4 nhịp nối sang phần tái hiện.

1.1.2.3 Phần Tái hiện

       Cấu trúc phần tái hiện có đầy đủ các bộ phận của phần Trình bày như thời kì Cổ điển. Chủ đề 1 ở đây rút gọn còn 14 nhịp (nhịp 183-196) và chỉ còn 2 đoạn ab. Đoạn a là đoạn nhạc không phân câu gồm 8 nhịp nhắc lại giai điệu ở âm khu thấp và kết thúc ở âm bậc VII/g-moll. Đoạn b từ nhịp 191-196 giữ nguyên điệu tính, phát triển âm nhạc tự do ở nhiều âm khu. Phần Nối từ nhịp 197, có sự thay đổi về màu sắc hòa âm, mô phỏng đi lên 1 quãng tạo cầu nối sang chủ đề 2. Chủ đề 2 được tái hiện ở giọng G – dur. Tái hiện Kết phần Trình bày từ nhịp 241-257 có sự tổng hợp về chất liệu phần Nối, âm hình tiết tấu của phần Phát triển, chủ đề 1. Sau khi Tái hiện kết phần Trình bày là phần Coda (trở lại Tempo I) gồm 16 nhịp từ nhịp 258-273 mang tính chất tổng kết cho chương I.

1.2 Hình thức Rondo

1.2.1 Chương II Concerto No 1

       Chương II ở đây là chương Scherzo với tốc độ Vivacissimo. Chương nhạc được viết ở nhịp 4/4, hình thức Rondo với sơ đồ A Nối B A1 C A2.

1.2.1.1 Chủ đề và các lần họa lại

       Sau 2 nhịp mở đầu trì tục âm chủ E là chủ đề A được viết ở hình thức ba đoạn đơn với sơ đồ aba’. Đoạn a có thể chia làm hai câu nhạc với lối cấu trúc nhắc lại có thay đổi. Câu 1 gồm 6 nhịp mang tính phô diễn kỹ thuật kết thúc ở âm C#. Câu 2 nhắc lại có thay đổi ở cuối nhịp 10 vàkết thúc với hợp âm 11 F– A – E– H.  Đoạn b bắt đầu từ nhịp 11 là đoạn nhạc với cấu trúc hai câu nhắc lại có thay đổi, kết ở âm bậc IV/Des Lydian. Đoạn a’ nhắc lại gần như nguyên dạng toàn bộ đoạn a từ nhịp 21 đến nhịp 28 sau đó được phát triển tiếp, kết thúc ở bậc I/G-dur. Chủ đề A1 kéo dài từ cuối nhịp 57 đến nhịp 80, nhắc lại gần như nguyên dạng chủ đề A, có thay đổi từ cuối nhịp 64,  kết gối đầu bằng hợp âm t 9 /d-moll. Chủ đề A2  kéo dài từ nhịp 121-139 rút gọn chỉ còn lại một đoạn a, kết thúc ở âm bậc VI/D Dorian nhịp 129. Sau đó là sự lặp lại các motiv âm nhạc có thể coi như đoạn kết bổ sung, kết thúc ở hợp âm t/a-moll.

1.2.1.2 Các đoạn chen

       Đoạn nối kéo dài 6 nhịp từ nhịp 34-39. Đoạn chen B được viết ở hình thức một đoạn đơn (a) gồm 2 câu nhắc lại có thay đổi, tương phản về tính chất với chủ đề A. Câu 1 gồm 10 nhịp, bắt đầu từ điệu tính a-moll, thể hiện sự căng thẳng được dịu bớt so với chủ đề A. Câu 2 bắt đầu từ nhịp 50, thể hiện tính chất âm nhạc dồn dập hơn. Đoạn nhạc kết thúc ở âm bậc I/a-moll.  Đoạn chen C kéo dài từ nhịp 81 đến nhịp 120, cũng được viết ở hình thức một đoạn đơn a gồm hai câu nhạc với cấu trúc nhắc lại có thay đổi ở điệu tính d-moll, tương phản với chủ đề A. Câu 1 kết gối đầu ở hợp âm T9/d-moll thiếu âm 7. Câu 2 bắt đầu từ nhịp 101 – 120. Giai điệu được nhắc lại gần như toàn bộ, thay đổi bằng việc tăng cường nhạc cụ diễn tấu. Đoạn chenn C kết thúc bằng nét chạy cromatic đến âm bậc I/e-moll ở đầu nhịp 121.

1.2.2 Chương III Concerto No 1

       Chương III được viết ở giọng g-moll, nhịp 4/4, tốc độ Moderato với sơ đồ Mở đầu -  A – B – A1- C – A2.

1.2.2.1 Chủ đề và các lần họa lại

       Sau phần Mở đầu kéo dài 5 nhịp do Fagotti và bộ dây ở điệu tính g-moll là chủ đề A kéo dài 19 nhịp (từ nhịp 6 – 13). Chủ để A được viết  ở hình thức một đoạn đơn, với lối cấu trúc gồm 2 câu nhắc lại có thay đổi. Câu 1 gồm 8 nhịp thể hiện sự bất ổn định sau đó đến nhịp 9 mềm mại hơn,  kết ở hợp âm s7/es-moll dẫn vào chồng quãng 2 G - Ab- B - C#. Câu 2 gồm 11 nhịp, nhắc lại nét giai điệu câu 1 và có sự thay đổi từ nhịp 22, kết thúc ở hợp âm s/b-moll. Chủ đề A1 kéo dài 28 nhịp từ nhịp 66 - 93, được viết ở hình thức đoạn nhạc không phân câu, được lược bớt 1 nhịp đầu, kết thúc bằng hợp âm s/a-moll có bậc Ib. Phần cuối của chương III có thể coi như là chủ đề A2 kéo dài 28 nhịp từ nhịp 125 – 152. Prokofiev chỉ sử dụng chất liệu của một nhịp đầu chủ đề A để phát triển, đi song hành cùng chủ đề 1 ở chương I Chủ đề A2 được viết ở hình thức đoạn nhạc không phân câu, có sự tổng hợp chất liệu. Sau khi kết trọn về T/D-dur ở nhịp 152 là 5 nhịp kết bổ sung nhắc lại kết bổ sung ở chương I, tạo sự nhấn mạnh tính chất âm nhạc. Chương III Concerto No 1 kết ở hợp âm D-dur.

1.2.2.2 Các đoạn chen

       Đoạn chen B kéo dài 37 nhịp từ nhịp 25 – 61, có thể phân chia ở hình thức 2 đoạn đơn. Đoạn a được viết ở giọng a-moll gồm 19 nhịp từ nhịp 25 – 43 được chia làm 2 câu với lối cấu trúc không nhắc lại. Câu 1 gồm 8 nhịp từ nhịp 25 – 32 do Violino solo thể hiện, kết ở hợp âm d/a cùng bước đi xuống liền bậc. Câu 2 kéo dài 11 nhịp từ nhịp 33 – 43, âm nhạc trở nên náo nhiệt sinh động. Đoạn a kết thúc ở hợp âm T/As-dur. Đoạn b kéo dài 18 nhịp, được viết ở giọng C-dur, mô phỏng đi xuống một quãng 2 chất liệu đoạn a, chia làm 2 câu với lối cấu trúc không nhắc lại. Câu 1 từ nhịp 44-51 kết ở SII/C-dur. Câu 2 kéo dài từ nhịp 52-60, phần Tutti được nhắc lại gần như nguyên dạng, khẳng định sự hùng tráng. Đoạn b kết ở hợp âm dVII7/g-moll. Phần Nối kéo dài 5 nhịp từ nhịp 61 – 65 chuẩn bị cho chủ đề A2. Đoạn chen C kéo dài 27 nhịp, từ nhịp 94 – 124, được viết ở hình thức một đoạn đơn. Giai đoạn 1 gồm 12 nhịp, sử dụng chất liệu của phần Mở đầu. Giai đoạn 2 kéo dài 19 nhịp, nhắc lại giai đoạn 1 để khẳng định tính chất âm nhạc, kết thúc ở bậc V/g-moll.

1.2.3 Chương III Concerto No.2

       Chương III 4Allegro ben marcato được viết ở nhịp 3/4, mở đầu ở điệu tính B – dur và kết thúc ở điệu tính G – dur, sơ đồ ABA1CA2B1A3Coda.

1.2.3.1 Chủ đề và các lần họa lại

       Chủ đề A kéo dài 29 nhịp với lối cấu trúc đoạn nhạc gồm 2 câu không nhắc lại. Câu 1 gồm 16 nhịp từ nhịp 1 – 16 thể hiện sự đều đặn, nhịp nhàng,  kết ở hợp âm t/e-moll. Câu 2 gồm 13 nhịp từ nhịp 17 – 29 bắt đầu từ giọng e-moll, sử dụng thủ pháp mô phỏng giai điệu Violino, kết ở hợp âm t/e-moll.  Chủ đề A1 là đoạn nhạc nhắc lại có thay đổi viết ở lối cấu trúc 2 câu không nhắc lại. Câu 1 cũng gồm 16 nhịp từ nhịp 83 – 98 và bắt đầu từ giọng B-dur, giai điệu được bổ sung bước đi ziczac tạo sự linh hoạt. Câu 1 cũng kết ở hợp âm t/e-moll. Câu 2 bắt đầu từ nhịp 99 – 117 và mô phỏng giai điệu, kết ở bậc I/e-moll. Chủ đề A2 được viết ở lối cấu trúc tự do gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 9 nhịp từ nhịp 212-220, mô phỏng lại chất liệu phần A với sự đều đặn nhịp nhàng, kết thúc ở hợp âm t/b-moll. Sau đó là đoạn nối kéo dài 4 nhịp.Giai đoạn 2 gồm 12 nhịp từ nhịp 226-237, sử dụng chất liệu mới tương phản với chất liệu phần A, mở đầu ở giọng b-moll và kết thúc ở hợp âm t/as-moll. Chủ đề A3 là phần cuối của chương III, tổng hợp chất liệu của các phần trước, chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 8 nhịp từ nhịp 293-301, mô phỏng lại chất liệu phần A ở giọng G-dur. Giai đoạn 2 gồm 8 nhịp từ nhịp 302-310, mô phỏng chất liệu đoạn b của Đoạn chen B. Giai đoạn 3 gồm 23 nhịp từ 311-323 lại là sự mô phỏng chất liệu phần A ở giọng a-moll nhằm tạo động lực phát triển, cuối giai đoạn chuyển sang giọng Es-dur, es-moll... Giai đoạn 4 gồm 11 nhịp từ nhịp 324 – 334, lấy chất liệu của đoạn chen C. Phần Nối giữa A3 và Coda lấy chất liệu từ motip đầu phần thứ 2 (nhịp 335-337).

1.2.3.2 Các đoạn chen       

            Đoạn chen B được viết ở hình thức 2 đoạn đơn tương phản ab. Đoạn a được viết ở hình thức đoạn nhạc 2 câu nhắc lại. Câu 1 từ nhịp 34-50, với đặc trưng là những bước đi hình ziczac đi lên tạo sự căng thẳng, kết ở bậc VII/E. Câu 2 từ nhịp 50-59, thể hiện sự u ám và căng thẳng, kết ở bậc V/e-moll. Sau 4 nhịp nối là đoạn b. Đoạn b là đoạn nhạc không phân câu, chuyển sang nhịp 7/4, kéo dài 12 nhịp từ nhịp 64-75. Âm nhạc tiếp tục phát triển cách bước đi ziczac và cách bậc Đoạn b kết thúc ở hợp âm T/E-dur.     Đoạn chen C có thể nói được viết ở hình thức 2 đoạn đơn tương phản với sơ đồ aba’b’ dựa theo chất liệu âm nhạc. Đoạn a là đoạn nhạc không cân phương gồm 2 câu với lối cấu trúc nhắc lại có thay đổi. Câu 1 kéo dài 16 nhịp, từ nhịp 126-143, phát triển giai điệu lượn sóng của Violino tạo nên sự căng thẳng bất ổn định. Câu 1 kết thúc ở bậc I/es-moll. Câu 2 từ nhịp 144-162, nhắc lại có thay đổi so với câu 1 bằng thủ pháp mô phỏng giai điệu,  kết ở hợp âm t7/h-moll. Đoạn b là đoạn nhạc không phân câu kéo dài 9 nhịp từ nhịp 163-171 phát triển thêm sự kịch tính, kết ở hợp âm D/fis-moll.       Đoạn a’ mô phỏng lại chất liệu đoạn a kéo dài 18 nhịp từ nhịp 172-196,  kết thúc ở hợp âm t6/fis-moll. Đoạn b’ được nối tiếp ngay sau đó, sử dụng chất liệu âm nhạc của đoạn b nhưng có sự thay đổi về điệu tính, kết thúc bằng vòng kết DVII7 – T/H-dur. Đoạn chen B1 mô phỏng lại chất liệu của phần B ở giọng g-moll, được viết ở hình thức 3 đoạn đơn sơ đồ abc. Đoạn a là đoạn nhạc gồm 2 câu cấu trúc nhắc lại từ nhịp 244-270, mô phỏng gần như toàn bộ đoạn a ở đoạn chen B, kết ở hợp âm s7/g-moll. Đoạn b là đoạn nhạc không phân câu gồm 8 nhịp từ nhịp 270-277, phát triển âm nhạc thành những nét chạy xen kẽ bước nhảy kết thúc ở bậc I/fis-moll. Đoạn c cũng là đoạn nhạc không phân câu gồm 15 nhịp từ nhịp 278-292, mô phỏng lại chất liệu giai đoạn 2 phần thứ 2 với tiết tấu gấp gáp hơn tạo sự phát triển liền mạch với giai đoạn trước đó, kết thúc ở T/G-dur.

1.2.3.3 Các phần phụ

       Chương nhạc thường xuyên sử dụng các đoạn nối từ chủ đề sang đoạn chen, với sự thay đổi về nhịp liên tục. Coda từ nhịp 338 có thể coi như là sự phát triển tiếp theo của phần A3, sử dụng chất liệu từ giai đoạn 2 phần C. Chương nhạc kết ở âm I/G-dur.

1.3 Hình thức ba - năm phần

1.3.1 Chương II Concerto No 2

       Chương II Concerto No 2 được viết ở nhịp 12/8, tính chất âm nhạc Andante assai, cấu trúc gồm 5 phần có tính sonate cùng các phần phụ với sơ đồ A - B - Nối – C– Nối –A’ - B’ – Kết. Phần A được viết ở hình thức 2 đoạn đơn tái hiện. Đoạn a gồm 2 câu với lối cấu trúc nhắc lại có thay đổi. Câu 1 gồm 10 nhịp với nét giai điệu hình lượn sóng, bắt đầu ở giọng Es-dur do Violino solo thể hiện.Cuối câu 1, tác giả sử dụng thủ pháp ly điệu và kết câu 1 bằng hợp âm DTIII6/Es-dur. Câu 2 gồm 8 nhịp từ nhịp 11-18 vẫn sử dụng chất liệu của câu 1 mô phỏng đi lên 1 quảng 5 ở giọng H - dur. Cuối câu 2 âm nhạc trở về giọng Es-dur, nhắc lại gần như nguyên dạng 4 ô nhịp cuối và kết ở hợp âm T/As-dur.           Đoạn b gồm 2 câu với lối cấu trúc không nhắc lại. Câu 1 được viết ở giọng F-dur, tính chất piu animato, kết ở DVIII/d-moll và tiếp nối sang câu 2 ở giọng C-dur. Câu 2 đóng vai trò tái hiện, kết thúc ở hợp âm DVII/Es-dur. Phần B được viết ở hình thức đoạn không phân câu gồm 7 nhịp từ nhịp 44-50, thể hiện chất liệu âm nhạc tương phản với phần A, bắt đầu từ giọng H-dur, giai điệu chính do bộ Đồng thể hiện với tính chất uy nghiêm. Sau phần B là đoạn nối gồm 2 nhịp. Phần C được viết ở hình thức 2 đoạn đơn tái hiện với sơ đồ ab. Đoạn a gồm 2 câu với lối cấu trúc không nhắc lại. Câu 1 gồm 10 nhịp từ nhịp 53-62, có thể phân chia thành 2 tiết nhạc do Clarinetti và Violino lần lượt thể hiện. Câu 1 kết ở hợp âm D/D-dur. Câu 2 gồm 8 nhịp từ nhịp 63-70, cũng có thể chia làm 2 tiết nhạc, kết thúc bằng hợp âm T/D-dur. Đoạn b gồm 2 câu với lối cấu trúc không nhắc lại. Câu 1 gồm 13 nhịp từ nhịp 70-82, giai điệu có sự dứt khoát mạnh mẽ hơn. Kết câu 1 ở hợp âm T/D-dur. Câu 2 với vai trò tái hiện do Clarinetti thể hiện nhắc lại gần như nguyên dạng, kết ở hợp âm T/D-dur. Phần Nối giữa phần C và phần A’ có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 lấy chất liệu âm nhạc câu 1 phần B, giai đoạn 2 phát triển chất liệu phần A để dẫn dắt đến phần A’. Phần A’ được rút gọn chỉ còn một đoạn đoạn không phân câu gồm 9 nhịp từ nhịp 101-109, tái hiện tính chất âm nhạc mềm mại uyển chuyển, kết thúc ở T/As-dur. Phần B’ kéo dài 6 nhịp từ nhịp 110-115, mô phỏng lại giai điệu của phần B ở giọng Gis –dur. Sau phần B’ là 4 nhịp Kết và kết thúc ở hợp âm T/Es-dur. Sau đó là 5nhịp Kết bổ sung từ nhịp 120-124, sử dụng chất liệu âm nhạc của phần Mở đầu, chương nhạc kết thúc ở bậc I/Es-dur.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

            Sau khi phân tích hai bản Concerto cho Violino và Dàn nhạc của Prokofiev, chúng tôi nhận thấy cấu trúc tác phẩm có những đặc điểm kế thừa và sáng tạo so với thời kì cổ điển. Hai bản Concerto đều có ba chương nhạc. Bản Concerto No.2 có khuôn mẫu gần với thời kì Cổ điển (nhanh - chậm - nhanh). Các chương Rondo trong hai bản Concerto đều có cấu trúc khá rõ ràng. Ngoài ra ở đây còn có sự khác biệt và đổi mới hơn so với thời kì cổ điển. Cả hai bản Concerto đều không có phần Cadenza riêng biệt, tác phẩm phân chia câu đoạn dựa theo sự thay đổi về mặt chất liệu âm nhạc, ít có vòng kết hoàn chỉnh và thống nhất về điệu tính. Chương I của cả hai bản Concerto đều được viết ở hình thức Sonate với một phần Trình và do Violino thể hiện mở màn. Kết phần Trình bày thể hiện đặc điểm âm nhạc của thế kỉ XX, đóng vai trò phát triển hơn thậm chí là tổng hợp lại những chất liệu trước đó. Trong các chương nhạc có yếu tố thay đổi chỉ số nhịp thường xuyên. Bên cạnh những cấu trúc như trên, tác giả còn sử dụng cấu trúc tự do có thể chia làm 5 phần như ở chương II Concerto No.2. Các phần đều có những chất liệu âm nhạc tương phản rõ rệt với nhau.

 

CHƯƠNG 2: CÁC THỦ PHÁP ÂM NHẠC

2.1 Phương thức xây dựng và phát triển chủ đề

2.1.1 Phương thức xây dựng chủ đề

            Trong hai bản Concerto, Prokofiev xây dựng chủ đề của các chương nhạc ở cả hai dạng chủ đề đồng nhất và chủ đề tương phản nhưng chủ yếu là dạng chủ đề đồng nhất. Ví dụ như ở chủ đề 1 chương I Concerto No.1 (nhịp 3 - trang 9), chủ đề 1 chương I Concerto No.2 (nhịp 1 - trang 127) được xây dựng dưới dạng chủ đề đồng nhất. Ngoài ra còn có chủ đề tương phản như chủ đề chương III Concerto No.1 (nhịp 6 - trang 79) tương phản giữa tính chất scherzo và uyển chuyển mềm mại.

2.1.2 Phương thức phát triển chủ đề

2.1.2.1 Nguyên tắc nhắc lại

            Tác giả thường sử dụng nguyên tắc nhắc lại có thay đổi, chủ yếu nằm trong Concerto No.1 như chủ đề chương 2 Concerto No.1 (nhịp 2 - trang 42), chủ đề chương 3 Concerto No.1 (nhịp 6 - trang 79)...

2.1.2.2 Nguyên tắc biến đổi âm điệu    

            Chủ đề âm nhạc trong hai bản Concerto được biến đổi theo nhiều cách khác nhau như qua sự biến đổi hành động tương phản như chủ đề 2 (nhịp 63 - trang 17)  và phát triển chất liệu chủ đề cũ như trong vùng phát triển chủ đề 1 chương I Concerto No.1 trang 10 - 11.                   

2.1.2.3 Nguyên tắc tái hiện

            Prokofiev thường sử dụng nguyên tắc tái hiện, thể hiện rõ nhất trong chủ đề 1 chương I bản Concerto No.2 với hình thức ba đoạn đơn aba’ tái hiện có thay đổi.

2.2 Hòa âm

2.2.1 Hệ thống điệu thức

2.2.1.1 Điệu thức trưởng thứ

a) Điệu thức trưởng

            Điệu thức trưởng tự nhiên được sử dụng nhiều nhất trong tác phẩm, thể hiện rõ trong chương II Concerto No 2. Ngoài ra còn có điệu trưởng hòa thanh như ở nhịp 4 trang 9 (D-dur hòa thanh), nhịp 22 (C-dur hòa thanh), nhịp 26 trang 10 (Des-dur hòa thanh). Ngoài ra, Prokofiev còn sử dụng kết hợp điệu thức trưởng với thang âm cromatic trong phần Tái hiện chương I, nhịp 186 (trang 41) tạo ra nhiều màu sắc mới lạ.

b) Điệu thức thứ

            Các điệu thức thứ cũng được Prokofiev sử dụng trong hai bản Concerto, nhất là ở Concerto No.2. Đa số đều là điệu thức thứ có biến âm. Ông rất ưa dùng điệu thức thứ tự nhiên có bậc IV#. Ngoài ra ông thường kết hợp điệu thức thứ với những bước đi cromatic. Chúng ta có thể thấy rõ điều này thông qua đoạn chen C (nhịp 103 - 104 trang 100) của chương III Concerto No.1.

2.2.1.2 Điệu thức Trung Cổ

            Điệu thức Trung cổ được Prokofiev sử dụng trong các chương của Concerto No.1. Ông sử dụng khá nhiều loại như Dorian, Locrian và Lydian như trong chương II Concerto No.1 (nhịp 5 trang 42). Bên cạnh đó là sự kết hợp giữa điệu thức Trung cổ và điệu thức cromatic như trong kết thúc chương 1 trang 41. 

2.2.1.3  Thang âm chromatic

       Chúng ta có thể hiểu thang âm cromatic gồm các âm bán cung nối tiếp nhau. Chúng ta có thể thấy thang âm cromatic được thể hiện đầy đủ các âm ở chương II Concerto No.1.

2.2.2 Cấu trúc hợp âm

2.2.2.1 Các hợp âm chồng quãng 3

            Prokofiev sử dụng nhiều các hợp âm chồng quãng 3 với nhiều dạng các hợp âm 3 trưởng, 3 thứ, các hợp âm 7 trưởng, 7 thứ theo khuynh hướng cổ điển, tập trung nhiều nhất ở Concerto No.2. Ngoài ra còn có hợp âm 7 có biến âm, hợp âm 11 thiếu âm 3 tạo màu sắc mới lạ.

2.2.2.2 Các chồng âm hỗn hợp

            Bên cạnh việc sử dụng các hợp âm chồng quãng 3, Prokofiev thường sử dụng chồng âm quãng 4, chồng âm quãng 2, tập trung trong Concerto No.1 tạo nên sự kém ổn định..

2.2.2.3 Hợp âm có chứa quãng cromatic

            Trong chương II bản Concerto No.1, Prokofiev có sử dụng hợp âm chứa quãng cromatic nhằm tạo sự kịch tính và chuẩn bị cho các hợp âm khác.

2.2.2.4 Âm ngoài hợp âm

       Tác giả sử dụng các dạng âm lướt, âm thêu, âm sớm, âm muộn trong tác phẩm làm cho giai điệu trở nên phong phú hơn. Đôi khi tác giả kết hợp một số dạng âm ngoài hợp âm tạo sự mới lạ.

2.2.3 Phương thức phát triển hòa âm

2.2.3.1 Hòa âm kết

            Trong bản Concerto No.1, nhiều trường hợp hòa âm kết không thể hiện rõ điệu tính chính như kết bằng chồng âm, sử dụng nhiều biến âm, xuất hiện những điệu tính khác, không xuất hiện vòng kết trọn vẹn. Trong bản Concerto No.2, vòng kết trọn xuất hiện nhiều hơn, thể hiện rõ điệu tính chính

 2.2.3.2 Ly điệu chuyển điệu

a) Ly điệu

            Thủ pháp ly điệu được sử dụng chủ yếu trong chương II Concerto No.2, thể hiện sự tương đồng với âm nhạc thời kì Cổ điển.

b) Chuyển điệu

            Thủ pháp chuyển điệu được sử dụng rộng rãi trong tất cả các chương nhạc với hình thức phong phú như chuyển điệu bằng hợp âm chung, chuyển điệu giai điệu...

*Chuyển điệu bằng hợp âm chung

            Prokofiev đã sử dụng thủ pháp chuyển điệu bằng hợp âm chung chuyển từ điệu tính cũ sang điệu tính mới có quan hệ gần chủ yếu trong Concerto No.2.

*Chuyển điệu bằng một âm chung

            Prokofiev cũng rất ưa sử dụng thủ pháp chuyển điệu bằng một âm chung để kết nối giữa các phần của hình thức âm nhạc, xuất hiện cả ở bản Concerto. Giọng chuyển đến có thể có quan hệ gần hoặc xa so với giọng gốc.

*Chuyển điệu đẳng âm

            Thủ pháp chuyển điệu đẳng âm được sử dụng trong chủ đề 2 chương I Concerto No.2 tạo nên bước chuyển biến mới lạ cho giai điệu.

*Chuyển điệu bằng đẳng âm giả

            Tác giả cũng sử dụng thủ pháp chuyển điệu đẳng âm giả thông qua một âm chung ở cả Concerto No.1 và No.2.

* Chuyển điệu giai điệu

            Đây là thủ pháp chuyển điệu được Prokofiev ưa sử dụng, không qua hợp âm trung gian mà thông qua đường tuyến giai điệu dẫn dắt một cách thuận lợi từ giọng cũ sang giọng mới, màu sắc âm nhạc trở nên thú vị, mới lạ hơn. Thủ pháp này được sử dụng cả trong đoạn chen của phần Phát triển và trong các chủ đề âm nhạc.

c) Nhảy điệu

            Thủ pháp nhảy điệu xuất hiện nhiều trong Concerto No.2, nhảy điệu không sử dụng cầu nối giai điệu cũng như hợp âm chung, tạo nên màu sắc âm nhạc tương phản giữa điệu tính cũ và mới.

2.2.3.3 Mô tiến mô phỏng

            Thủ pháp mô tiến xuất hiện nhiều trong Concerto No.1 tạo sự phát triển âm nhạc kịch tính. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng thủ pháp mô phỏng phóng to trường độ trong chương III Concerto No.1.       

2.2.3.4  Âm nền trì tục

            Prokofiev thường sử dụng âm nền trì tục chủ . Ngoài ra, âm bậc IV# kết hợp cùng hợp âm chủ tạo nên âm nền trì tục mang màu sắc độc đáo hơn hoặc âm nền ở bè giữa tạo sự dày dặn kịch tính.

2.3 Phức điệu

2.3.1 Phức điệu tương phản

            Phức điệu tương phản được sử dụng nhiều nhất ở Concerto No.1, với các dạng như đối vị đơn giản 2 bè, 3 bè.

2.3.2 Phức điệu mô phỏng

            Trong chương I bản Concerto No.2, Prokofiev có sử dụng thủ pháp phức điệu mô phỏng dồn (stretto) tạo sự phát triển cho chủ đề âm nhạc.

2.4 Kỹ thuật diễn tấu của Violino

            Các kỹ thuật diễn tấu Violino trong hai bản Concerto rất đa dạng phong phú, góp phần quan trọng trong việc khắc họa các tính chất âm nhạc khác nhau, tạo sự tương phản giữa các phẩn của hình thức. Ngoài ra, các kỹ thuật góp phần làm nổi bật vai trò của nhạc cụ độc tấu, mô phỏng tiếng đàn Balalaika truyền thống của Nga. 

 

2.5 Phương thức hòa tấu

2.5.1 Sự kết hợp giữa Violino và dàn nhạc

2.5.1.1 Violino đóng vai trò diễn tấu giai điệu

            Violino đóng vai trò chính trong việc diễn tấu giai điệu, Prokofiev thường kết hợp với bè đệm gồm các nhạc cụ bộ dây và bộ gỗ tạo nên màu sắc hài hòa.

2.5.1.2 Đối thoại giữa Violin và các nhạc cụ khác

            Prokofiev thường đã xây dựng nhiều những phần đối thoại giữa Violino và các nhạc cụ bộ dây, không sử dụng toàn bộ cả dàn nhạc.

2.5.1.3 Violino đóng vai trò bè đệm

            Violino còn đệm cho các nhạc cụ khác để góp phần khắc họa tính chất âm nhạc một cách rõ nét.

2.5.1.4 Một số đặc điểm khác trong sự kết hợp giữa Violino và dàn nhạc

            Prokofiev thường sử dụng lặp lại một số cách kết hợp nhạc cụ. Bên cạnh đó, phần kết của hai bản concerto không có phần Tutti mà thường rút bớt nhạc cụ để âm nhạc tắt dần.

2.5.2 Sự kết hợp giữa các nhạc cụ trong dàn nhạc

            Đôi khi chúng ta bắt gặp một số những phần không có sự tham gia của Violino mà chỉ có dàn nhạc diễn tấu, thể hiện nhiều tính chất âm nhạc khác nhau.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

            Thông qua hai bản Concerto No.1 và No.2 cho Violino và Dàn nhạc của Prokofiev, chúng ta có thể thấy những thủ pháp âm nhạc ông sử dụng có sự kế thừa yếu tố của thời kì cổ điển cũng như những nét mới của âm nhạc thế kỉ XX. Tác giả sử dụng cả hai cách xây dựng chủ đề đồng nhất và chủ đề tương phản, cùng những nguyên tắc phát triển chủ đề từ thời kì cổ điển như nguyên tắc nhắc lại, nguyên tắc biến đổi âm điệu, nguyên tắc tái hiện.Về hệ thống điệu thức, tác giả sử dụng điệu thức trưởng thứ, Trung Cổ, điệu thức cromatic và kết hợp một số điệu thức với nhau tạo nên những màu sắc âm nhạc mới lạ. Về cấu trúc hợp âm, ông sử dụng hợp âm chồng quãng 3, chồng quãng hỗn hợp, chồng quãng cromatic với nhiều hình thức phong phú. Thủ pháp chuyển điệu ly điệu, mô tiến mô phỏng, âm ngoài hợp âm cũng rất đa dạng. Về phức điệu, trong cả hai bản concerto, ông sử dụng cả phức điệu tương phản và phức điệu mô phỏng. Nhạc cụ solo Violino cũng đã trình diễn nhiều kỹ thuật phong phú , thể hiện nhiều tính chất âm nhạc đa dạng, đảm nhiệm nhiều vai trò như là nhạc cụ trình diễn chính, đối thoại với các nhạc cụ khác, đệm hòa âm, diễn tấu xuyên suốt tác phẩm và ít khi có phần diễn tấu riêng biệt của dàn nhạc. Prokofiev luôn có những nguyên tắc lặp lại trong việc kết hợp nhạc cụ, tạo nên sự thống nhất trong tác phẩm. Ngoài ra, kết thúc chương nhạc có sự khác biệt so với các concerto thời kì cổ điển, thay phần tutti bằng một số ít nhạc cụ đại diện cho mỗi bộ với âm lượng nhỏ dần.

 

KẾT LUẬN

            Sau quá trình tìm hiểu và phân tích hai bản Concerto No.1 và No.2 cho Violino và Dàn nhạc của Prokofiev, chúng tôi xin đưa ra một số nhận định về những nét chính của hai tác phẩm như sau:

            Về cấu trúc của tác phẩm, chúng ta có thể thấy những nét kế thừa từ thời kì cổ điển. Đầu tiên là hai bản Concerto đều có ba chương nhạc. Bản Concerto No.2 sáng tác ở thời kì sau khi Prokofiev trở về với quê hương và tìm về với những giá trị truyền thống, có khuôn mẫu gần với thời kì Cổ điển: chương I Allegro Moderato, chương II Andante assai, chương III Allegro ben marcato (nhanh - chậm - nhanh). Các chương Rondo trong hai bản Concerto đều có cấu trúc khá rõ ràng, mang đặc điểm của thời kì Cổ điển. Các đoạn chen có thể là chất liệu âm nhạc độc lập hoặc tận dụng chất liệu âm nhạc trước đó. Chương nhạc khi tổng hợp nhiều chất liệu thì có thêm kết bổ sung hoặc Coda như ở chương III Concerto No.1 và chương III Concerto No.2.

            Ngoài ra, cấu trúc tác phẩm cũng thể hiện rõ những đặc điểm của thế kỉ XX. Cả hai bản Concerto đều không có phần Cadenza riêng biệt, Violino diễn tấu cũng như phô diễn kỹ thuật gần như xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Tác phẩm phân chia câu đoạn dựa theo sự thay đổi về mặt chất liệu âm nhạc, ít có vòng kết hoàn chỉnh và thống nhất về điệu tính. Ở bản Concerto No.1, chương là chương chậm Andantino, chương II là chương Scherzo, chương III ở tốc độ Moderato. Các chương không sắp xếp theo lối nhanh - chậm - nhanh, mở đầu bằng chương chậm và do Violino solo diễn tấu mở màn.

            Chương I của cả hai bản Concerto đều được viết ở hình thức Sonate. Khác với thời kì Cổ điển thường có phần Trình bày kép với Dàn nhạc mở đầu tác phẩm phô diễn sức mạnh to lớn, hai tác phẩm ở đây đều do Violino mở đầu thể hiện giai điệu một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Chủ đề âm nhạc trong cả hai bản đều chia thành các giai đoạn với sự đối đáp lần lượt giữa Violino và một số nhạc cụ khác trong dàn nhạc. Kết phần Trình bày thể hiện đặc điểm âm nhạc của thế kỉ XX, đóng vai trò phát triển hơn thậm chí là tổng hợp lại những chất liệu trước đó. Phần Phát triển đều dựa trên chất liệu chủ đề ở phần Trình bày. Trong Concerto No.1, tác giả sử dụng Tái hiện rút gọn (chỉ còn lại chủ đề 1) còn ở Concerto No.2, tái hiện lại đầy đủ các bộ phận: chủ đề 1, chủ đề 2, kết phần Trình bày.

            Trong các chương nhạc có yếu tố thay đổi chỉ số nhịp thường xuyên, mang đặc điểm của âm nhạc thế kỷ XX. Bên cạnh những cấu trúc như trên, tác giả còn sử dụng cấu trúc tự do có thể chia làm 5 phần như ở chương II Concerto No.2. Các phần đều có những chất liệu âm nhạc tương phản rõ rệt với nhau.

            Chúng ta có thể nhận thấy các chủ đề âm nhạc được xây dựng ở dạng chủ đề đồng nhất và chủ đề tương phản, với những nguyên tắc nhắc lại, nguyên tắc biến đổi âm điệu, nguyên tắc tái hiện. Đây là những phương thức xây dựng và phát triển chủ đề có từ thời kì Cổ điển.      

            Hệ thống điệu thức trong hai bản Concerto phong phú và mang đặc trưng của âm nhạc thế kỉ XX. Bên cạnh việc sử dụng những điệu thức trưởng thứ truyền thống, tác giả còn sử dụng điệu thức Trung Cổ, điệu thức cromatic và kết hợp một số điệu thức với nhau, tạo nên những màu sắc âm nhạc mới lạ. Cấu trúc hợp âm trong hai tác phẩm cũng có nhiều hình thức phong phú như sử dụng hợp âm chồng quãng 3, sử dụng hợp âm chồng quãng hỗn hợp với nhiều loại quãng khác nhau, sử dụng hợp âm chứa quãng cromatic trong thành phần âm.

             Prokofiev cũng sử dụng nhiều thủ pháp ly điệu, chuyển điệu, nhảy điệu trong tác phẩm của mình với nhiều hình thức khác nhau. tạo nên sự thay đổi đa dạng về mặt điệu tính. Các thủ pháp mô tiến mô phỏng cũng được sử dụng như  phổ biến trong tác phẩm để phát triển âm nhạc. Âm ngoài hợp âm trong tác phẩm của ông xuất hiện với những dạng khác nhau như âm thêu, âm lướt, âm sớm, âm muộn. Các loại âm ngoài hợp âm cũng được kết hợp với nhau tạo nên hiệu quả âm thanh mờ ảo mới lạ hơn đặc trưng cho âm nhạc thế kỉ XX. Âm nền trì tục cũng không áp dụng những cách thức truyền thống mà đổi mới hơn với sự tham gia của hợp âm trì tục ở bè giữa tạo sự dày dặn và kịch tính hơn hay trì tục láy bậc IV# và âm chủ.

            Trong cả hai bản concerto, ông sử dụng cả phức điệu tương phản và phức điệu mô phỏng với những hình thức khác nhau như đối vị đơn giản 2 bè, mô phỏng dồn (stretto). Thủ pháp phức điệu không đơn thuần là để phát triển âm nhạc mà còn có chức năng gắn kết các chủ đề âm nhạc, tạo sự thống nhất cho tác phẩm.

            Kỹ thuật diễn tấu của Violino được phát huy tối đa trong hai tác phẩm, đặc biệt ở Concerto No.1. Các kỹ thuật diễn tấu đa dạng phong phú đã làm nổi bật âm sắc và phô diễn khả năng trình tấu của cây đàn Violino, thể hiện được nhiều tính chất âm nhạc khác nhau, tạo nên sự tương phản giữa các phần của hình thức. Thậm chí, Violino còn sử dụng kĩ thuật diễn tấu để mô phỏng âm nhạc của nhạc cụ truyền thống Balalaika.

            Chúng ta có thể thấy trong hai bản concerto, nhạc cụ solo và dàn nhạc đã kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn. Violino đảm nhiệm nhiều vai trò như là nhạc cụ trình diễn chính, đối thoại với các nhạc cụ khác, đệm hòa âm. Do hai bản Concerto đều không có phần Cadenza, Violino diễn tấu liên tục nên hiếm khi xuất hiện các đoạn nhạc chỉ có sự thể hiện của các nhạc cụ trong dàn nhạc. Một số nguyên tắc trong việc kết hợp nhạc cụ đã tạo nên sự thống nhất trong tác phẩm của Prokofiev. Ngoài ra, Prokofiev còn sử dụng một số ít nhạc cụ đại diện cho các bộ để kết thúc chương nhạc thay vì phần tutti với toàn bộ dàn nhạc, tạo nên có sự khác biệt so với các concerto thời kì cổ điển.

       Với những phân tích kể trên, chúng ta có thể thấy rõ Prokofiev đã kế thừa những yếu tố của âm nhạc thời kì cổ điển kết hợp nhuần nhuyễn với những đổi mới của âm nhạc thế kỉ XX. Dấu ấn cá nhân của từng thời kì sáng tác cũng được ông thể hiện rõ qua thể hiện qua hai bản Concerto No.1 và No.2 cho Violino và dàn nhạc - hai tác phẩm được đánh giá là tiêu biểu trong thể loại này, góp phần làm phong phú thêm cho sự nghiệp của nhà soạn nhạc thiên tài./.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn