Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13793415
Tin tức hoạt động Thứ ba, 07/01/2025
Trần Thị Ngọc Lan: "Nâng cao chất lượng đào tạo hát tiếng Việt trong nghệ thuật hát mới". Luận án Tiến sĩ. 2010
Tác giả: Trần Thị Ngọc Lan
Đề tài: Nâng cao chất lượng đào tạo hát tiếng Việt trong nghệ thuật hát mới
Chuyên ngành: Lý luận âm nhạc
Mã số: 62.21.01.01
Người hướng dẫn: PGS.NSND. Nguyễn Trung Kiên
Năm: 2010

Tóm tắt luận án:


PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Việt Nam với 54 dân tộc anh em, được thừa hưởng một kho tàng âm nhạc dân gian phong phú, một nền kỹ thuật thanh nhạc dân tộc đa dạng, độc đáo và đạt trình độ thẩm mỹ cao. Việc tiếp thu, học tập tinh hoa trong kho tàng nghệ thuật ca hát truyền thống của nhân dân ta về kỹ thuật thanh nhạc dân tộc, xử lý ngôn ngữ tiếng Việt một cách linh hoạt, tinh tế, nhả chữ  vang, rền, nền, nảy đạt yêu cầu tròn vành, rõ chữ, hát tiếng nào ra tiếng nấy, rõ tiếng một; đồng thời kết hợp với những kỹ thuật thanh nhạc hát Đẹp - Bel canto là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết nhằm Nâng cao chất lượng đào tạo hát tiếng Việt trong nghệ thuật hát Mới.
Nghệ thuật ca hát truyền thống chú trọng đến hát khép “chữ”, lấy độ vang nằm ở sau chữ (i, a, ư…) để đạt được vừa vang rền, vừa “tròn vành rõ chữ”. Trong câu hát, mỗi “chữ” gọn tròn, “chữ nào rõ chữ nấy” - cách hát của ngôn ngữ đa thanh, đơn âm tiết, không có nối âm gọi là lối hát khép.
 Nghệ thuật hát Mới là nghệ thuật hát mở, chú trọng đến mở rộng đỉnh “chữ” (nguyên âm chính) để tạo độ vang lớn theo chuẩn mực của nghệ thuật hát cổ điển châu Âu và thế giới – cách hát của ngôn ngữ đa âm mà các nghệ nhân và các nhà nghiên cứu gọi là lối hát mở. Người hát trình bày những tác phẩm thanh nhạc tiếng Việt nếu quá lạm dụng kỹ thuật Bel canto (lối hát mở) sẽ dẫn đến không rõ “chữ”, rõ lời có nghĩa là phần nào đánh mất bản sắc của tiếng Việt, làm giảm chất lượng nghệ thuật của tác phẩm thanh nhạc cũng như giọng hát. 
Trong quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật hát Mới nhiều thế hệ nghệ sĩ, giảng viên khoa thanh nhạc đã có nhiều sáng tạo, vận dụng nghệ thuật hát Bel canto vào hát tiếng Việt, đóng góp một phần thành công không nhỏ trong đào tạo và biểu diễn những tác phẩm thanh nhạc Việt Nam. Cũng không ít những giọng hát có triển vọng, được đào tạo bài bản, chính qui ở trong nước cũng như nước ngoài nhưng thể hiện bài hát Việt Nam không đạt được kết quả như mong muốn, có nhiều lý do: Kỹ thuật Bel canto tốt nhưng đóng, mở “chữ” không hợp lý, hoặc mở quá hát không rõ lời, hoặc khép quá hát sẽ không có âm thanh, khô, vụn, vận dụng cứng nhắc, máy móc, “tròn vành” nhưng không “rõ chữ”... Đây chính lý do chúng tôi chọn đề tài Nâng cao chất lượng hát tiếng Việt nhằm tìm hiểu, nghiên cứu cách xử lý ngôn ngữ tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát truyền thống để tìm ra biện pháp phù hợp, vừa kết hợp nghệ thuật phát âm, “nhả chữ” của nghệ thuật ca hát truyền thống với kỹ thuật của nghệ thuật hát Mới (kỹ thuật hát Đẹp - Bel canto), ứng dụng vào trong đào tạo, giảng dạy thanh nhạc trong nhà trường cũmg như biểu diễn đạt yêu cầu “tròn vành, rõ chữ”, “rõ tiếng một” mà vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ tiếng Việt (khởi - mở - đóng “chữ”) góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc trong ca hát, và góp phần Nâng cao chất lượng đào tạo hát tiếng Việt trong nghệ thuật hát Mới.

2. Phạm vi và mục đích nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu, tìm hiểu về những đặc trưng, qui luật cơ bản của cấu âm tiếng Việt làm cơ sở lý luận để tiếp tục tìm hiểu cách xử lý ngôn ngữ khôn khéo, tinh tế trong nghệ thuật ca hát truyền thống.
- Tìm hiểu, nghiên cứu nghệ thuật phát âm, “nhả chữ” (cách xử lý ngôn ngữ) tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát truyền thống tiêu biểu gần gũi với tiếng Việt phổ thông (Dân ca, Hát ru, Ngâm, Quan họ, Ca trù, Chèo, Tuồng) để tìm ra biện pháp phù hợp, ứng dụng vào trong đào tạo, giảng dạy thanh nhạc kết hợp giữa kỹ thuật phát âm, “nhả chữ” truyền thống với kỹ thuật mở rộng âm thanh của  hát Mới nhằm “tròn vành rõ chữ”, “rõ tiếng một” mà vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ tiếng Việt, truyền đạt rõ ràng, đầy đủ thông tin chứa đựng trong ca từ tới người nghe, khán giả, đạt được tiêu chí hát đẹp, hát hay

3. Những đóng góp mới
1). Là công trình nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về tìm hiểu cách xử lý ngôn ngữ tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát truyền thống để vận dụng vào trong công tác đào tạo thanh nhạc giúp người hát:
 +  Sửa những khuyết tật về phát âm; xác định được vị trí âm thanh; cảm nhận được màu âm các nguyên âm của từng thể loại ca hát truyền thống, màu âm của vùng miền
+ Hát rõ lời; hiểu rõ nội dung lời ca;
+ Nhả chữ tiếng nào ra tiếng nấy, nhấn nhá vào từng từ, hát tiếng trước không trùng tiếng sau, mở, đóng tiếng gọn, đạt tiêu chí “tròn vành rõ chữ”; “nhả chữ” không làm biến dạng, sai nghĩa của từ mất đi bản sắc dân tộc của ngôn ngữ, giữ được chất tự nhiên của giọng hát;
2) Đề xuất những mẫu âm mới, sửa những phát âm chưa chuẩn;
3) Nắm vững qui luật phát âm và  những đặc trưng cơ bản của ngữ âm tiếng Việt;
4) Giáo dục học sinh, sinh viên thanh nhạc ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy vốn nghệ thuật ca hát truyền thống;
5) Có tính ứng dụng trong đào tạo, biểu diễn ở nhà trường cũng như trên sân khấu;
6) Làm tài liệu tham khảo cho sáng tác thanh nhạc.

4. Phương pháp nghiên cứu và cơ sở lý luận, thực tiễn của đề tài
* Phương pháp nghiên cứu:
Đề tài được trình bày theo các phương pháp chính: so sánh, phân tích, qui nạp kết hợp với thực tế giảng dạy, nêu các dẫn chứng, ví dụ, tài liệu bằng CD, bản phổ minh họa… những vấn đề được nêu ra.
 * Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài:
Trong quá trình nghiên cứu, tiến hành đề tài, tác giả luận án đã tham khảo, nghiên cứu nhiều nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Việt, các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc trong và ngoài nước, các nghệ nhân Chèo, Tuồng, Ca Trù… các nhà sư phạm trong và ngoài nước. 

5. Bố cục luận án
Luận án gồm 2 chương, phần mở đầu, phần kết luận và phần phụ lục, tài liệu tham khảo
- Phần mở đầu
- Chương Một: Tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát truyền thống và nghệ thuật hát Mới
- Chương Hai: Một số giải pháp, ứng dụng và bài tập góp phần nâng cao chất lượng đào tạo hát tiếng Việt trong nghệ thuật hát Mới
- Phần kết luận
- Phụ lục
- Danh mục tài liệu tham khảo


Chương I
TIẾNG VIỆT TRONG NGHỆ THUẬT CA HÁT TRUYỀN THỐNG VÀ NGHỆ THUẬT HÁT MỚI

Ca hát gắn liền với ngôn ngữ, ngôn ngữ nào có nghệ thuật ca hát của ngôn ngữ đó. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, đa thanh, phần  lớn là âm khép… không thuận lợi cho người hát, nên người học hát cũng như người hát phải nắm vững kiến thức về cấu âm của ngôn ngữ tiếng Việt để tìm ra nguyên nhân thuận lợi, khó khăn để phát huy và khắc phục.

1.1 Những đặc điểm, đặc trưng cơ bản của tiếng Việt trong nói và hát
Hàng ngàn năm lịch sử đã trải qua với nhiều giai đoạn biến đổi, phát triển nối tiếp nhau, cùng với tư duy và ngôn ngữ, âm nhạc nói chung và ca hát nói riêng đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trở thành bộ phận không thể thiếu để tạo thành nền văn hóa đa dân tộc của loài người. Âm nhạc - ca hát xuất hiện như một nhu cầu không thể thiếu phục vụ đời sống tinh thần của con người. Nó phản ánh sâu sắc tâm tư, tình cảm của các dân tộc, nó gắn liền với lao động, sản xuất, chiến đấu của mỗi cộng đồng người, của từng quốc gia và từng cá nhân. 
Ca hát là nghệ thuật hiện thân tiêu biểu của ngôn ngữ. Ngôn ngữ sinh ra từ nhu cầu giao tiếp và chuyển tải ý nghĩ, tình cảm từ cá nhân này sang cá nhân khác, ngôn ngữ đã trở thành công cụ phản ánh thế giới khách quan, trở thành phương tiện giao tiếp và bộc lộ tình cảm của con người với con người. Ca hát được cho là ngôn ngữ giao tiếp ở mức độ cao hơn.
Một tác phẩm thanh nhạc luôn được cấu tạo bởi giai điệu và ngôn ngữ văn học (còn gọi là lời hát - ca từ). Vì vậy, nội dung và giá trị nghệ thuật của tiếng hát là sự thống nhất giữa nhạc và lời, luôn gắn bó và hòa quyện với nhau. Các ca sĩ ngoài việc nâng cao chất lượng tiếng hát, phải đảm bảo trung thực với những đặc điểm của tiếng nói, không làm cho ngôn ngữ văn học của tác phẩm bị bóp méo hoặc biến dạng. Như vậy, việc xử lý tốt ngôn ngữ trong một tác phẩm thanh nhạc, từ lâu đã được coi là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc của mọi phương pháp ca hát có tính dân tộc.
1.1.1 Một số đặc điểm của âm tiết tiếng Việt:
Có hai loại: Âm tiết mở và âm tiết khép.
            - Âm tiết mở là âm tiết được kết thúc bằng nguyên âm.
            - Âm tiết khép là âm tiết kết thúc bằng phụ âm.
Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết: mỗi tiếng, mỗi chữ, chỉ có một vần, không dính kết vào nhau, và không có nối vần như một số ngôn ngữ khác  (Anh, Pháp, Ý, Đức...)
1.1.2 Cấu tạo của  âm tiết tiếng Việt:
Mỗi một âm tiết gồm một tổ hợp của 3 thành phần âm thanh: Khởi âm - Mở âm - Kết âm.
Có bốn hình thức cấu âm cơ bản: (C: phụ âm - consnante; V: nguyên âm -Vowel).
1.V(Chỉ có nguyên âm): Ở
C+V: Nga: Ng (phụ âm đầu), a (âm chính và cuối) - kết mở.
2. V+C: Em: E (không có âm đầu và là âm chính), m (âm cuối) - kết đóng.
             3.C+V+C: Trăng: Tr (âm đầu), ă (âm chính), ng (âm cuối) - kết đóng.
Âm tiết tiếng Việt có một cấu trúc chặt chẽ và độc lập bởi cao độ, âm sắc và tiết tấu, mỗi âm tiết đều có khả năng biểu hiện ý nghĩa riêng.
1.1.3 Thành phần của âm tiết tiếng Việt:
Tiếng Việt gồm 3 bộ phận: thanh điệu, phần đầu (Âm đầu) và phần sau ( phần Vần gồm: âm đệm, âm chính, âm cuối).
 a) Âm đầu (khởi âm) :
Âm đầu (có chức năng mở đầu âm tiết) là phụ âm (phần lớn) hoặc âm tắc thanh hầu (phần nhỏ), gồm: B, C, CH, D, Đ, G, GH, GI, H, K, KH, L, M, N, NH, NG, NGH, PH, Q(U), R, S, T, TH, TR, V, X. (Tiếng Việt phổ thông các phụ âm tr, s , r, gi = ch, x và d)
 b) Vần: gồm âm đệm, âm chính, âm cuối.
-  Âm đệm:có chức năng làm thay đổi âm sắc của âm tiết sau lúc mở đầu. Âm đệm là bán nguyên âm (là nguyên âm, đứng ở trước hoặc sau âm chính: tốt>tuốt; Nôi> Nuôi; khang>khoang...)
- Âm chính (đỉnh âm): Âm chính là phần quyết định âm sắc chủ yếu của âm tiết. Bao giờ cũng là một nguyên âm. Nguyên âm là hạt nhân chính của âm tiết trong tiếng Việt, nó có cường độ, độ vang lớn nhất và là đỉnh của âm tiết. Âm chính đi cùng thanh điệu là hai yếu tố cơ bản, là trục chính của âm tiết tiếng Việt
- Âm cuối (kết âm): có nhiệm vụ kết thúc âm tiết. Và do các phụ âm và bán nguyên âm đảm nhiệm.Vị trí âm cuối trong tiếng Việt phổ thông do các bán nguyên âm và phụ âm đảm nhận (biết, bao, tay, câu, hợp, khách...).
 c) Thanh điệu: Có chức năng phân biệt các âm tiết. có 6 thanh: ngang,(`),('),(?),(.),(~). Thanh điệu tác động lên toàn bộ âm tiết và có ý nghĩa độc lập nội dung thông tin của âm tiết. Thanh điệu là yếu tố thay đổi cao độ, giai điệu, sự uốn lượn của âm tiết và là yếu tố tượng hình, tượng thanh..
Trong tiếng Việt, ngoài các yếu tố cấu tạo âm thanh đặc biệt (âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối, thanh điệu) còn có đặc điểm hầu hết âm tiết đều có ý nghĩa như một từ - từ đơn.
1.2 Tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát truyền thống
1.2.1 Kinh nghiệm và kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tiếng Việt trong dân gian
 Nghệ thuật ca hát truyền thống chú trọng đến hát khép “chữ” - (âm tiết), lấy độ vang nằm ở sau “chữ” (bằng các nguyên âm i, a, ư…) để đạt được vừa vang rền, vừa “tròn vành rõ chữ”.
a) Luyện nói bằng những trò chơi dân gian:
Chữa tật nói ngọng, luyện các từ khó, luyện nhịp điệu, luyện các cụm từ điệp, luyện đóng, mở chữ giúp: Có ý thức về vị trí âm thanh của các nguyên âm - đỉnh của âm tiết - yếu tố tạo vang của âm tiết. Có ý thức về các phụ âm: Âm đầu và âm cuối của âm tiết.
b) Rao hàng:
Phần lớn các từ được cách điệu hoá, mở rộng nhưng đa phần vẫn giữ được qui luật cấu âm cơ bản. Tuy không có ý thức về âm thanh nhưng tìm được vị trí âm vang tốt nhất phù hợp với thể lực và mở rộng phạm vi nghe và nhân biết của khách hàng.
c) Hát ru & Ngâm thơ:
Có cảm nhận rõ nét về quá trình đóng, mở của “chữ” - (âm tiết) , vì nhịp độ đóng, mở “chữ” diễn ra chậm nhất, nên độ mở của âm chính rộng và tạo vang lớn hơn ở những “chữ” đóng - khép (âm cuối là phụ âm).
d) Dân ca:
Trong dân ca vai trò và ảnh hưởng của thanh điệu tạo nên yếu tố vùng miền. Phương pháp mở âm, xử lý vị trí âm vang tạo màu sắc sáng tối khác nhau, xử lý tinh tế, khôn khéo đầy tính nghệ thuật.
e) Quan Họ Bắc Ninh:
Để hát rõ lời, Quan họ ngoài những chuẩn mực chung thường được áp dụng cho các dòng ca hát truyền thống khác như: tròn vành, rõ chữ, vang rền, nền nẩy, kỹ thuật hát Quan họ có 2 đặc trưng như: nảy hạt, dứt tiếng, hát thủng thẳng nhấn vào từng “chữ” tạo điều kiện hát rõ tiếng một. Và nhả chữ không bị cứng thường kèm với luyến, láy (theo kiểu “đong đưa chữ”). Sau các từ có nguyên âm mở, khi nảy hạt, ngân và dứt thường nhắc lại đúng từ đó hoặc nhắc lại nguyên âm của từ mở.
1.2.2  Kinh nghiệm và kỹ thuật  xử lý ngôn ngữ  tiếng Việt trong ca hát truyền thống chuyên nghiệp
a) Ca Trù:
Nhả chữ gần với qui luật của nói (khởi - mở - kết âm tiết), câu hát rền vang, độ mở ở đuôi “chữ” thường chuyển sang nguyên âm ư và phụ âm ng (ư- ưng), xử lý thanh điệu thường đi sau “chữ” khi đã đóng “chữ” tạo đường cong từ dưới lên hoặc từ trên xuống, rung chậm để mở rộng cho câu hát. Cường độ vang thay đổi ở từng “chữ” tạo sắc thái to nhỏ, làm rõ sự tinh tế trong cách xử lý nhả chữ, đẩy hơi nông sâu của Ca Trù.
b) Hát Chèo:
Chèo hát bằng giọng thật, hát bằng hơi ngoài, sử dụng âm I làm âm vang chủ đạo, tạo màu sắc sáng, nhẹ nhàng, hợp với tính trào lộng lạc quan, buồn nhưng không thảm, vui nhưng không nhạt, tình cảm nhưng không bi lụy.
c) Hát Tuồng:
Ở nghệ thuật Tuồng và ca hát dân gian đều coi thanh điệu là yếu tố cơ bản của tiếng Việt. Ở Tuồng 2 thanh hỏi và thanh ngã được đề cao hơn cả. Muốn hát cho ra Tuồng phải luyện tập kỹ tiếng Việt, nắm vững qui luật của thanh điệu, của nguyên âm, phụ âm. Kỹ thuật “nhả chữ”, láy, luyến làm câu hát không bị gãy, đạt được độ rền, vang của câu hát. Tuồng không mở rộng nguyên âm chính của từ, mà tạo vang bằng nguyên âm đồng dạng hoặc tương ứng (từ đệm lót): ư, hư, i, hi… Cũng âm ư, hư nhưng gằn sâu trong cổ, nén sâu, tạo màu sắc tối.

1.3 Tiếng Việt trong nghệ thuật hát Mới
1.3.1 Một số khó khăn của tiếng Việt trong nghệ thuật hát Mới
a) Cấu âm tiếng Việt:
 Đơn âm tiết, mỗi âm tiết đứng riêng, có ý nghĩa độc lập, “chữ nào rõ chữ nấy”, không có nối âm này sang âm kia, các âm tiết xâu chuỗi với nhau như một chuỗi hạt. Tiến trình tạo âm phải diễn ra đồng thời, các thành phần của âm tiết không được tách rời nhau, nhiều từ đóng (âm cuối là phụ âm). Đóng “chữ” có ưu điểm rõ lời, rõ “chữ”, khi nói không có vấn đề gì, nhưng khi hát bị hạn chế, không khuếch đại âm thanh, vì nguyên âm quyết định độ vang của âm tiết, mà phải khép “chữ” tức là phải đóng khẩu hình sớm, nên ảnh hưởng nhiều đến độ vang của âm tiết làm “cộc” và “chết chữ”.
 Cấu trúc 6 thanh của tiếng Việt tác động lên toàn bộ âm tiết và có ý nghĩa độc lập nội dung thông tin của từ. Thanh điệu là yếu tố thay đổi cao độ của âm tiết và ảnh hưởng lên toàn bộ âm tiết. Âm chính cùng với thanh điệu là 2 yếu tố cơ bản, là trục chính của âm tiết tiếng Việt. Do vậy trong lời của bài hát nếu đặt lời ở cao độ làm trái dấu giọng, làm sai nghĩa của từ, làm giảm giá trị nghệ thuật, nội dung của lời ca.
b) Phương ngữ:
Hát Mới gắn liền với tiếng Việt phổ thông, khi thể hiện các ca khúc tiếng Việt phải hát bằng tiếng Việt phổ thông. Ở một số địa phương lối phát âm có nhiều điểm khác biệt với tiếng Việt phổ thông như các phụ âm nặng vẫn giữ nguyên, thay đổi dấu giọng, lẫn lộn các phụ âm, biến âm, đổi phụ âm, nguyên âm… làm ảnh hưởng đến việc chuyển tải thông tin chính xác, đầy đủ ý nghĩa, nội dung của tác phẩm:
* Một số phụ âm được làm nhẹ hoá: S = X, TR = CH, GI-R = D.
* Phát âm bị lẫn giữa n và l: Hà Nội = Hà Lội; Nắng = Lắng…
* Phát âm bị lẫn giữa i và y: Lai = Lay; Khay = Khai; Lạy = Lại…
* Biến thể phụ âm đầu: V = D, H = Gu, Qu = Gu 
* Âm cuối bị biến âm (nguyên âm, bán nguyên âm và phụ âm):
* Biến thể cả âm đầu và âm cuối: Vẫn = Dẫng ; Vượt = Dược
* Biến thể thanh điệu: (?) = (~);   (?), (~), (/)  = (.);   (/) =  (?)
Chính những điểm khác biệt về phát âm như vậy, nên trong giảng dạy cũng như biểu diễn, khi hát phải sửa tiếng địa phương, phát âm theo tiếng Việt phổ thông (tiếng Bắc - tiếng Hà Nội). Trừ những tác phẩm tác giả có ý định viết theo âm hưởng, theo tiếng địa phương.
c) Nhược điểm trong sáng tác cho thanh nhạc
Trong một tác phẩm thanh nhạc, âm nhạc và lời ca bao giờ cũng gắn liền với nhau. Vì âm nhạc gắn liền với lời ca nên nội dung và giá trị nghệ thuật của tiếng hát là sự thống nhất giữa nhạc và lời. Một bài hát hay phụ thuộc vào âm nhạc và ca từ, phần âm nhạc hay mà phần lời đặt ở những vị trí làm sai dấu giọng, những “chữ” - (âm tiết) khó, “chữ” đóng (âm cuối là phụ âm) đặt ở nốt cao, người hát không phân được câu để lấy hơi… gây khó khăn, cản trở cho người hát, làm sai nghĩa của từ nghe như hát ngọng… là giảm giá trị nội dung, ý nghĩa nghệ thuật của tác phẩm.
1.3.2 So sánh kỹ thuật phát âm - nhả chữ  của nghệ thuật ca hát truyền thống và nghệ thuật  hát Mới
a) Kỹ thuật  phát âm - nhả chữ của nghệ thuật ca hát truyền  thống:
Dân ca, sân khấu kịch hát truyền thống nói chung là sản phẩm của tiếng Việt. Tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát và tiếng Việt trong đời sống song song tồn tại. Để hát tốt tiếng Việt nghệ nhân đặt ra tiêu chí: Tròn vành, rõ chữ, bằng những kỹ thuật vang, rền, nền, nảy… và những kỹ năng xử lý, sáng tạo, biến hoá thanh điệu, kỹ năng khởi thanh, nhả chữ, đóng chữ:
 - Khởi từ là bước tạo âm thanh ban đầu, với nghệ nhân “khởi thanh”, “nhả chữ”, “đóng chữ” (khép từ) có một ý nghĩa đặc biệt, họ đã tạo ra những phương thức khởi thanh khác nhau để làm nên những nét độc đáo của từng loại hình. Phụ âm và nguyên âm làm nhiệm vụ khởi thanh và xác định được vị trí âm thanh của “chữ”.
 - Mở thanh (độ mở của nguyên âm) bước thứ hai của nghệ thuật “nhả chữ”. Mở thanh phải biết vị trí, màu sắc âm thanh của nguyên âm tiếng Việt. Mỗi ngôn ngữ có một màu sắc riêng. Độ mở của nguyên âm trong tiếng Việt ảnh hưởng đến tròn, vành, rõ, chữ. Mở thanh tạo vang cho câu hát, nghệ nhân luôn tìm cách giữ trường độ vang phù hợp với quy luật tạo âm của tiếng Việt. Và để Vang rền cho “chữ”, cho câu hát đã thay thế, bổ sung các âm đệm lót tương ứng đứng sau từ chính như a, i, ư, u, ơi,...
 - Khép chữ hay đóng tiếng là yếu tố cuối cùng của cấu âm tiếng Việt, giúp cho rõ “chữ”, rõ lời, hát tiếng nào ra tiếng nấy nhưng âm thanh, cường độ vang bị hạn chế, tầm cữ giọng không được mở rộng. Khép chữ, kín miệng là lối hát truyền thống
- Ngoài ra nghệ nhân còn tạo ra nhiều kỹ thuật hát đặc biệt như hát nảy (vang, rền, nền, nảy). Kỹ thuật hát thẳng và rung giọng của nghệ thuật ca hát truyền thống không bao giờ kết hợp giữa rung giọng với “nhả chữ”, từ chính của ca từ (kể cả từ đệm lót như: tình bằng, này a, phú lý....). Rung giọng trong khi “nhả chữ” làm cho “chữ” đó bị nhoè, không tròn trịa, không “tròn vành, rõ chữ”.
b) Kỹ thuật phát âm - nhả chữ của nghệ thuật hát Mới:
Ca hát là nghệ thuật luôn gắn liền với ngôn ngữ. Ngôn ngữ nào cũng có nghệ thuật ca hát riêng, phù hợp với ngôn ngữ đó. 
Hát Mới - Hát Mở gắn liền với tiếng Việt phổ thông, lấy nghệ thuật hát Bel canto làm nền tảng đào tạo cũng như biểu diễn trong suốt hơn 50 năm qua. Việc đưa kỹ thuật hát của một ngôn ngữ hoàn toàn khác với ngôn ngữ nước mình - tiếng Việt là nghệ thuật hát của ngôn ngữ đơn âm, đa âm tiết (như âm với dương)
Nghệ thuật hát Bel canto - Nghệ thuật hát Mở là nghệ thuật hát của ngôn ngữ đa âm, khi phát âm, “nhả chữ” quan tâm nhiều hơn đến trọng âm, các thành phần khác trong một từ, trước và sau trọng âm đều đọc lướt. Nối âm tiết này sang âm tiết kia, nối âm của từ này sang từ kia. Khi hát khẩu hình luôn mở (cả nguyên âm và phụ âm), mở rộng khuếch đại nguyên âm, kéo dài nguyên âm hết trường độ của nốt rồi mới bật phụ âm nối vào âm của nốt sau.
Hát Mới và hát cổ truyền đối lập nhau, người hát nếu không nắm vững những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ “đóng” hay ngôn ngữ “mở”, khi hát những tác phẩm nước ngoài: Italia, Pháp, Đức… (lối hát mở) nghe thành hát tiếng Việt (lối hát đóng, khép) khiến câu hát bị rời rạc, và không hiểu nghĩa của từ, nội dung của tác phẩm. Hát tác phẩm tiếng Việt theo lối “mở chữ” sẽ “tròn vành” nhưng không “rõ chữ” hoặc đóng, khép “chữ” quá nhanh làm cho âm thanh bị cộc, chết chữ, ít vang không hiệu quả về nghệ thuật.

Tiểu kết chương I


Chương II
MỘT SỐ GIẢI PHÁP, ỨNG DỤNG VÀ BÀI TẬP
GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
HÁT TIẾNG VIỆT TRONG NGHỆ THUẬT HÁT MỚI

2.1 Một số giải pháp, ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng hát tiếng Việt:
2.1.1 Vai trò của cấu trúc âm thanh lời nói (ngôn ngữ) - ca từ trong ca hát:
a) Vị trí, âm thanh và màu âm của nguyên âm tiếng Việt trong ca hát:   
Cấu tạo âm tiết: âm đầu, âm đệm, âm chính (nguyên âm), âm cuối và thanh điệu. Nguyên âm giữ vai trò vang của từ, được hát Mới lấy làm âm chính để khuếch đại âm thanh.
* Nguyên âm là phần âm thanh của ngôn ngữ luôn đứng vị trí trung tâm, làm nhiệm vụ đỉnh âm tiết. Hát Mới mở rộng âm thanh của nguyên âm nhằm tạo vang, khuếch đại âm thanh tự nhiên,        
* Vị trí và độ mở của các nguyên âm quyết định độ vang của lời nói và giọng hát.
* Vị trí âm thanh và màu âm của nguyên âm trong ca hát truyền thống: Nguyên âm tiếng Việt trong ca hát truyền thống giữ một vị trí quan trọng, không chỉ đem vang, rền cho câu hát mà còn tạo phong cách cho từng dòng ca hát dân gian. Nghệ thuật ca hát truyền thống sử dụng nguyên âm I trong Chèo, nguyên âm A trong hát Văn, nguyên âm Ư trong Ca Trù và hát Tuồng là đặc trưng, giàu sáng tạo của từng loại hình và cảm nhận được màu sắc nguyên âm tiếng Việt trong từng dòng ca hát truyền thống, sẽ hát đúng “màu sắc” câu hát trong những sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam đặc biệt với những ca khúc sáng tác theo phong cách dân gian.
b)  Âm đầu:
Âm đầu có chức năng mở đầu âm tiết. Ngôn ngữ tiếng Việt, phụ âm đầu chiếm phần lớn trong câu nói. Hát Mới gắn liền với tiếng Việt phổ thông - giọng Hà Nội: S = X (Sông - xông, Sao - xao…); TR = CH (Trời sáng - chời xáng, Trong trẻo - Chong chẻo…); GI, R = D (Giữa rừng sâu - Dữa dừng xâu…). Chính vì những đặc điểm này người dạy hát và người hát phải chú ý đến phát âm những phụ âm đầu trong ca từ để tránh những sai sót về lỗi phát âm khi hát, để phù hợp với thẩm mỹ tai nghe của khán giả.
c)  Vần:
Ngay sau phụ âm đầu, phần còn lại của âm tiết được gọi là vần. Vần gồm có vần mở và vần đóng. Vần bao gồm các thành phần: âm đệm, âm chính và âm cuối. Âm đệm là nguyên âm hay bán nguyên âm. Âm chính bao giờ cũng là nguyên âm, nguyên âm quyết định âm vang của âm tiết. Âm cuối là âm khẳng định âm tiết.
* Vần Mở: Là vần có âm chính đóng vai trò vừa là âm chính vừa là âm kết. Vần mở là những vần thuận lợi cho mở rộng âm thanh (âm chính - âm kết là nguyên âm.). Có vần mở đơn và vần mở kép.
* Vần đóng:  Là vần có âm cuối là phụ âm và bán nguyên âm, khi hát thì các từ có vần đóng phải đóng “chữ” để khẳng định từng “chữ” đều không thuận lợi cho âm thanh, và mở âm  (cộng minh).
Với những đặc trưng của tiếng Việt cho thấy sự hạn chế âm vang và làm rõ “chữ” chính là ở vần đóng và thanh điệu. Trường độ của “chữ” diễn ra nhanh chậm tuỳ thuộc vào âm cuối - âm kết (bán nguyên âm hoặc phụ âm). Giải quyết được các vần đóng có nghĩa là giải quyết được một phần mấu chốt quan trọng của “tròn vành rõ chữ” vì số âm tiết đóng chiếm 70 - 80 % trong từ vựng tiếng Việt.
d) Thanh điệu
Thanh điệu tác động lên toàn bộ âm tiết và có chức năng phân biệt các âm tiết, là yếu tố thay đổi cao độ của âm tiết, nếu thay đổi dấu sẽ thay đổi cả nghĩa của từ. Sáu thanh, mỗi thanh có cái khó riêng, qua thực tiễn ca hát nhiều người cho rằng thanh ngã và thanh hỏi là các thanh có cấu hình phức tạp và đặt ra nhiều thách thức nhất: 
* Thanh Hỏi: Đặc tính chung của các thanh là luôn gắn liền và diễn ra đồng thời với nguyên âm. Từ vai trò quyết định độ cao thấp của “chữ” nên cấu trúc âm tiết phụ thuộc nhiều vào thanh điệu. Vì vậy khi hát không rõ thanh điệu sẽ làm “chữ”  bị biến dạng, đổi nghĩa.
* Thanh  ngã: Dấu ngã có cao độ nằm phía trên thanh ngang - cùng với dấu sắc. So với thanh dấu sắc, dấu ngã đòi hỏi độ bật hơi mạnh hơn như có một dấu nhấn khiến trường độ vang của nguyên âm bị hạn chế.
* Thanh ngang, thanh huyền, thanh sắc và thanh nặng: Là các thanh không có hình dáng phức tạp nên khi nói cũng như khi hát đều có cảm giác dễ dàng hơn.      
Đặc điểm nói chung của các thanh là luôn gắn liền và diễn ra đồng thời với nguyên âm. Do độ cao của các thanh đã được mặc định nên độ cao của nguyên âm cũng là độ cao của âm tiết. Độ cao thấp của thanh điệu, của âm tiết không chỉ tạo ra những hình tuyến giai điệu tự nhiên mà còn là yếu tố quyết định ý nghĩa cụ thể của  âm tiết.

2.1.2 Ứng dụng những kỹ thuật và kinh nghiệm xử lý ngôn ngữ của nghệ thuật ca hát truyền thống vào nghệ thuật hát Mới
a)  Xử  lý những từ đóng (âm cuối là phụ âm)
  Cùng với quan niệm xã hội, phong tục tập quán, hát kín miệng trở thành tiêu chuẩn của ca hát cổ truyền. Để có vang rền, nghệ nhân đã sáng tạo ra cách tạo vang bằng các nguyên âm thay thế,  đệm, đứng ở sau từ hoặc sau câu hát, đóng “chữ” tạo thành âm ngậm. Trong hát Mới có thể học tập cách xử lý của ca hát truyền thống thay thế các nguyên âm, hoặc thêm âm đệm sau khi đã khép - đóng “chữ” rồi đưa lên ngạc cứng, khoang mũi tạo thành âm ngậm.
b) Xử  lý những từ trái dấu
Ca từ của nhiều ca khúc có dấu hỏi bị đặt ở cao độ làm sai vị trí gọi là trái dấu, cách giải quyết tốt nhất thường xử lý theo kinh nghiệm của nghệ nhân đúc rút từ lâu đời, kinh nghiệm của các giảng viên thanh nhạc và các nghệ sĩ biểu diễn bằng cách thêm nốt nhỏ đặt ở trước nốt làm sai dấu giọng luyến, láy lên nốt chính, giúp cho vừa làm rõ lời - đúng thanh dấu, vừa làm mềm mại câu hát, không bị “đuỗn”, khô cứng. Trong trường hợp thêm nốt vẫn khó khăn, lúng túng không giải quyết được, người hát có thể trao đổi với tác giả đổi ca từ hoặc đổi nốt để khắc phục.
c) Xử  lý những từ điệp, câu điệp
Điệp là nhắc lại cùng một từ, một câu không được giống nhau, một cách đơn điệu. Từ những kinh nghiệm, kỹ thuật của nghệ thuật ca hát truyền thống ta có thể ứng dụng vào hát Mới để xử lý những từ, câu điệp trong các tác phẩm thanh nhạc tiếng Việt để tránh từ trước trùng với từ sau, câu trước trùng với câu sau, đều đều đơn điệu.
d) Xử  lý những từ  khó ở nốt cao
Những trường hợp này có thể kết hợp kỹ thuật thanh nhạc Bel canto với kỹ thuật thanh nhạc cổ truyền để xử lý.
e) Những nghệ sĩ, ca sĩ thành công bởi kết hợp hài hoà nghệ thuật hát mở và nghệ thuật hát khép

2.2 Một số bài tập nhằm nâng cao chất lượng hát tiếng Việt 2.2.1. Luyện tập nguyên âm
              Bước 1:
Phát âm (chậm, kéo dài, nhanh, dứt tiếng) chuỗi nguyên âm theo trình tự , rồi đảo vị trí theo nhóm, sau đó phát âm, đan xen.
             Bước 2:    
Luyện nguyên âm trên thang âm 5 âm phổ thông của âm nhạc đồng bằng Bắc Bộ (Lấy các nguyên âm đặc trưng của từng loại hình như: I, A, Ơ, Ư…)
             Bước ba:
Nghe nghệ nhân hát, hoặc tập hát một số làn điệu có nguyên âm thường được sử dụng để mở rộng âm thanh, và làm âm thay thế, đặc trưng của từng loại hình ca hát dân gian như A, I, Ô, Ơ, U, Ư… để xác định, cảm nhận màu sắc và vị trí một số nguyên âm trong các dòng ca hát truyền thống. Hiểu được những đặc trưng về màu sắc của nguyên âm, phần nào sẽ thể hiện tốt hơn những ca khúc tiếng Việt và đặc biệt những ca khúc viết theo phong cách dân gian. Để sinh viên cảm nhận tốt màu âm, vị trí âm thanh tiếng Việt, nên bắt đầu từ phát âm nói chậm đến hát nguyên âm trong những câu dân ca cổ.
2.2.2 Luyện tập phụ âm đầu - kết hợp với vần đóng:
Để có bước khởi thanh (phát âm âm đầu) đẹp, nhẹ, thoải mái, và đúng theo tiếng Việt phổ thông, bước luyện tập đầu tiên giáo viên phát hiện nhược điểm trong cách phát âm của sinh viên rồi đưa ra những bài tập cụ thể. Nhược điểm chính thường liên quan đến âm đầu (nhất là phụ âm) do học sinh có lỗi bẩm sinh (l, n), hay nói giọng địa phương hoặc phát âm phụ âm đầu có thể không sai nhưng do thói quen bật quá mạnh, thô hoặc quá nhẹ, hời hợt, không nét, mờ, không rõ lời, hát nuốt từ, nuốt chữ. Phát âm chuẩn phụ âm đầu nhưng không xác định được độ đóng, mở của từ hợp lý, khi hát sẽ bị đóng – khép “chữ” quá nhanh làm cho câu hát không vang, âm thanh bẹt, mỏng, vụn, rời rạc, hoặc mở quá, không đóng “chữ” nghe như bị ngọng, “nhồm nhoàm” không rõ lời. Khắc phục những khuyết tật này bằng những bài tập phát âm phụ âm đầu, kết hợp với vần đóng, vần mở của ca từ (đặc biệt những người nói giọng địa phương tập phát âm đúng phụ âm đầu giọng Hà Nội):

             Bước một:
Phát âm, đọc chậm ca từ của bài hát (giúp người hát dễ dàng xác định được vị trí đúng của phụ âm đầu) đọc nhiều lần, phát hiện nhược điểm trong phát âm phụ âm đầu, giáo viên hướng dẫn học sinh sửa chữa.
             Bước hai:
Đọc chậm dòng ca từ diễn cảm như đọc thơ vì đọc thơ có quá trình mở, đóng từ (khởi - mở - khép, đóng tiếng) diễn ra chậm nhất nên dễ cảm nhận được độ đóng, mở hợp lý của từng “chữ”, từng từ.  Phân biệt vần đóng nhanh, vần đóng chậm (tuỳ thuộc vào từng câu, từng bài cụ thể).
             Bước ba:
Đọc theo tiết tấu, cao độ. Sau cùng là hát.
2.2.3 Luyện tập một số làn điệu trong nghệ thuật ca hát truyền thống để ứng dụng vào nghệ thuật hát Mới:
a) Một số bài Hát ru & Ngâm - ứng dụng vào những bài gần gũi với Hát ru & Ngâm.
 b) Một số làn điệu dân ca - ứng dụng vào những bài gần gũi với dân ca.
c)  Một số làn điệu trong Chèo, Xẩm, hát Văn - ứng dụng những bài gần gũi với Chèo, Xẩm, hát Văn.
d) Ca trù - ứng dụng những bài gần gũi với Ca Trù.
e) Tuồng - ứng dụng những bài gần gũi với Tuồng.
*Muốn hát tốt một tác phẩm tiếng Việt nên:
1) Trước khi hát, người hát phát âm, nói, đọc chậm các nguyên âm sau đó luyện thanh các nguyên âm tiếng Việt trên thang âm cổ truyền (5 âm) để cảm nhận rõ màu sắc, vị trí âm thanh của từng nguyên âm tiếng Việt.
2) Luyện tập phụ âm đầu, khắc phục lỗi bẩm sinh và thói quen phát âm theo tiếng địa phương (phương ngữ).
3) Phối hợp âm đầu với vần. Phân biệt vần mở, vần đóng, vần đóng nhanh và vần đóng chậm.
4)  Khắc phục những ca từ trái dấu bằng cách thêm nốt nhỏ ở trước nốt chính luyến lên hoặc luyến xuống (không nên quá lạm dụng “chữ” nào cũng luyến).
5) Nghe và học các nghệ sĩ hát tốt tiếng Việt với những phong cách và phương pháp sáng tạo khác nhau.
6) Nghe nghệ nhân và tìm ra các bài học trong nghệ thuật phát âm nhả chữ tiếng Việt, tròn vành rõ chữ, khép tiếng mà vẫn vang, rền, nền, nẩy.
7) Nói - Đọc - Hát nên lấy làm quy trình cho học và luyện tập ca hát (trước khi hát phải đọc kỹ phần lời - ca từ, tập nói từng từ, từng câu).
Tiểu kết chương II


KẾT LUẬN

Trong thực tiễn giảng dạy, những bài tập luyện thanh theo phương pháp Bel canto hát tác phẩm thanh nhạc nước ngoài (ca từ tiếng nước ngoài) học sinh thanh nhạc tiếp thu và hát tốt nhưng ứng dụng vào tác phẩm thanh nhạc Việt Nam và tác phẩm thanh nhạc nước ngoài lời Việt đều gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn đó chính là kỹ thuật thanh nhạc Bel canto (nghệ thuật của ngôn ngữ đa âm - hát Mở) được sử dụng vào hát tiếng Việt (ngôn ngữ đa thanh, đơn âm, hát khép, nhiều vần đóng). Ngôn ngữ trở thành rào cản, thách thức nếu không nắm vững những kiến thức về cấu trúc âm thanh của tiếng Việt để giải quyết chúng. Muốn vượt qua thách thức khó khăn của ngôn ngữ cũng như để dung hoà phương pháp thanh nhạc Mới bằng cách tìm hiểu kiến thức cơ bản về cấu trúc âm thanh tiếng Việt, so sánh giữa nói và hát, ứng dụng kinh nghiệm, kỹ thuật của nghệ nhân, đặc biệt các dòng ca hát dân gian chuyên nghiệp gắn liền với tiếng Việt phổ thông gọi chung là giọng Hà Nội - giọng Bắc. Đề ra các bài tập vừa có tính lý thuyết vừa có tính thực hành và ứng dụng. Thống kê, sắp xếp những ca khúc và những làn điệu dân ca có mối quan hệ gần gũi để sinh viên có cơ sở so sánh, học tập và ứng dụng.
Những kết quả đóng góp mới, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
1) Là công trình nghiên cứu chuyên sâu về tìm hiểu cách xử lý ngôn ngữ tiếng việt trong nghệ thuật ca hát truyền thống để vận dụng vào trong công tác đào tạo thanh nhạc giúp người hát: Sửa những khuyết tật về phát âm, xác định được vị trí âm thanh; Cảm nhận được màu âm của nguyên âm trong từng thể loại ca hát truyền thống; Xác định màu âm của vùng miền; Cảm nhận rõ được hơi thở khi nói để vận dụng vào hát, hát rõ lời; Hiểu rõ nội dung lời ca; “Nhả chữ” không làm biến dạng, sai nghĩa của từ mất đi bản sắc dân tộc của ngôn ngữ, giữ được “màu” tự nhiên của giọng hát; “Nhả chữ” “tiếng nào ra tiếng nấy”, nhấn nhá vào từng từ, hát tiếng trước không trùng tiếng sau, mở tiếng, đóng tiếng gọn đạt tiêu chí “tròn vành rõ chữ”.
2) Nắm vững qui luật phát âm và những đặc trưng cơ bản của  ngữ âm tiếng Việt, xử lý một cách linh hoạt, vận dụng vào cụ thể từng tác phẩm thanh nhạc tiếng Việt trong và ngoài giáo trình trung cấp và đại học thanh nhạc.
3) Hệ thống, phân loại, sắp xếp những ca khúc và những làn điệu dân ca có mối quan hệ gần gũi để sinh viên có cơ sở so sánh, học tập và ứng dụng.
4) Đề xuất những mẫu âm mới, sửa những phát âm chưa chuẩn, học tập kinh nghiệm xử lý những từ bị trái dấu, những từ đóng, từ điệp, câu điệp… góp phần đào tạo những ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn các tác phẩm thanh nhạc tiếng Việt đạt yêu cầu về kỹ thuật cũng như không làm mất đi bản sắc dân tộc của ngôn ngữ tiếng việt góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và sân khấu ca hát.
5) Có tính ứng dụng trong đào tạo và biểu diễn trong nhà trường cũng như trên sân khấu
6) Giáo dục học sinh, sinh viên thanh nhạc ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy vốn nghệ thuật ca hát truyền thống.
7) Làm tài liệu tham khảo cho sáng tác thanh nhạc.
8) Bổ sung vào giáo trình giảng dạy thanh nhạc giúp cải thiện một số khó khăn cần được khắc phục trong hát tiếng Việt nhằm Nâng cao chất lượng hát tiếng Việt, góp phần xây dựng nền thanh nhạc Việt Nam hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc.

Một số kiến nghị
- Các khoa Thanh nhạc và các trung tâm đào tạo thanh nhạc trên toàn quốc nên đưa môn học Kiến thức cơ bản về cấu trúc âm thanh của ngôn ngữ tiếng Việt vào chương trình đào tạo, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng giảng dạy và  biểu diễn.
- Giảng viên thanh nhạc cần phải nắm vững kiến thức cơ bản của ngôn ngữ tiếng Việt nhằm chỉnh sửa cho học sinh những nhược điểm về phát âm, “nhả chữ” trong các tác phẩm tiếng Việt, xác định đúng vị trí, màu âm, hơi thở… của âm thanh góp phần nâng cao chất lượng đào tạo hát những tác phẩm thanh nhạc tiếng Việt.
- Sáng tác cho thanh nhạc cần lưu tâm nhiều hơn đến đặc điểm, đặc trưng của ngôn ngữ tiếng Việt, tìm hiểu về tính năng của “nhạc cụ sống” (giọng hát) giúp người hát khắc phục, giải quyết những nhược điểm khó khăn, lúng túng trong xử lý ngôn ngữ (trái dấu, từ khó, từ đóng đặt ở nốt cao…) cũng như góp phần giúp người hát hát hay hơn, chất lượng đào tạo cao hơn.
  
Đầu trang
Các tin khác
  Nguyễn Bích Vân: "Rèn luyện bản lĩnh biểu diễn cho học sinh, sinh viên nhạc cụ cổ điển phương Tây". Luận án Tiến sĩ. 2010. (13/10/2010)
  Phạm Phương Hoa: "Những thủ pháp sáng tác trong một số trường phái âm nhạc thế kỷ XX". Luận án Tiến sĩ. 2010. (06/08/2010)
  Nguyễn Bình Định: "Một giải pháp ký âm cho nhạc truyền thống Việt Nam". Luận án Tiến sĩ. 2010. (06/08/2010)
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn