Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12214191
Tin tức hoạt động Thứ sáu, 19/04/2024

Ảnh: NGND.NSƯT. Thái Thị Liên trong một giờ lên lớp. Ảnh tư liệu tại Học viện ÂNQGVN.

 

NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN

CỦA KHOA PIANO TRƯỜNG ÂM NHẠC VIỆT NAM

 

- Tết này là bác sang tuổi 100 rồi đấy con!

- Vâng, còn đứa con tinh thần của bác - Trường Âm nhạc Việt Nam nay cũng tròn 60 tuổi rồi.

- Con biết không, có những đêm ở Việt Bắc, bác đã khóc thầm vì nhớ nghề, chỉ ước ao có cái đàn piano chứ đâu dám mơ đến chuyện gây dựng một Trường nhạc.

Thế là đang nói về sự ra đời của Trường nhạc, câu chuyện tự nhiên kéo chúng tôi ngược về đầu thập niên 50 của thế kỷ trước...

Năm ấy vừa tốt nghiệp Nhạc viện Praha, bà ôm con gái 22 tháng tuổi bay từ Tiệp đến Bắc Kinh, rồi theo đường bí mật trở về Việt Nam đang trong giai đoạn kháng chiến ác liệt. Dù phải bỏ lại quần áo, đồ dùng, nhưng sách nhạc thì bà nhất định phải mang theo. Gia tài ấy chẳng may bị mất hết trong lúc chạy bom, may còn giữ lại được tấm bằng tốt nghiệp Nhạc viện. 

Ngày lánh tạm nhà dân, đêm địu con cuốc bộ xuyên rừng với hai bàn chân trần sưng tấy, sau hai tuần bà mới về tới ATK (an toàn khu) với người chồng đang bệnh nặng. Bàn tay nghệ sĩ dương cầm làm đủ thứ, kể cả nuôi gà, nuôi lợn, chăn dê. Cực nhất là vắt sữa dê, buộc hai chân trước rồi mà dê vẫn lồng lên đá đổ hết sữa. Bà loay hoay đóng cọc buộc cả bốn chân dê mới có được cốc sữa ưu tiên cho chồng, chứ không đủ để bé Thu Hà được uống. Được vợ chăm sóc, lại có GS. Tôn Thất Tùng điều trị tích cực, bệnh tình của ông Trần Ngọc Danh giảm dần. Song lần ấy bệnh tái phát bất ngờ mà thuốc không về kịp, ông qua đời khi bà mang bầu cậu con trai mà ông bà đã cùng nhau chọn tên là Thanh Bình.

Bà không quên âm nhạc. Thèm vô cùng được đặt tay lên phím đàn. Dịch lời những bài hát kháng chiến sang tiếng Pháp để tuyên truyền địch vận là công việc giúp bà được gần âm nhạc hơn. Hát cho bọn trẻ nghe ở lớp học chữ do bà mở trong làng cũng đem lại niềm vui cho bà. Bà chính thức hoạt động âm nhạc từ khi tham gia Đoàn Ca Múa nhân dân Trung ương, là nơi bà gặp người chồng sau này - chính trị viên của Đoàn, nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng.

Năm 1954, bà cùng Đội hợp xướng Hòa bình do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm trưởng đoàn sang Thượng Hải thu đĩa chuẩn bị cho ngày tiếp quản Hà Nội. Chương trình còn thiếu dân ca Nam Bộ, thế là từ câu hát “Gió mùa thu, mẹ ru mà con ngủ…” của Lý giao duyên còn đọng trong ký ức bà kết hợp với câu ru “Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con…” của Lý bốn mùa mà nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn nhớ đã hình thành bài Ru con Nam Bộ. Bài hát ru lập tức được ghi âm với tiếng hát của ca sĩ Thương Huyền trên phần đệm piano của nghệ sĩ Thái Thị Liên. Sau này bà đã soạn lại cho piano độc tấu, đưa vào giáo trình của Trường nhạc.

- À mà sao bác lại nhắc những chuyện này với con nhỉ. Bác đang muốn kể về Trường nhạc cơ mà. Hồi đó, mấy anh em bảo nhau: hòa bình rồi mình phải có một Trường nhạc chứ…

Nhất định phải thành lập một Trường Âm nhạc! Bảy nhạc sĩ - trong đó chỉ có một phụ nữ duy nhất cũng là người duy nhất có bằng cấp đại học âm nhạc - đã được chọn để lên kế hoạch gây dựng cơ sở đầu tiên đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp: ông Tạ Phước làm hiệu trưởng và dạy violon, ông Nguyễn Xuân Khoát dạy violoncelle (vì thời đó chưa cần đến “tay nghề” contrebasse của ông từng được đào tạo tại Pháp quốc Viễn Đông Âm nhạc viện ở Hà Nội 1927-1930), ông Lê Yên dạy sáng tác, ông Doãn Mẫn - ký xướng âm, ông Tô Vũ - sáng tác và nghiên cứu, ông Vũ Thuận - accordeon và bà Thái Thị Liên - piano.

Ngày 6 tháng 11 năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam chính thức ra đời. Tất cả bắt đầu từ số 0: không đàn, không sách nhạc, không đội ngũ giảng viên!

Nhiệm vụ cấp bách được giao cho vị Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Piano là: tìm kiếm người biết chơi piano! Bà tập hợp được một số cô giáo dạy đàn nghiệp dư tại Hà Nội lúc bấy giờ: bà Vượng, bà Nghĩa, bà Mai, bà Minh Thu, bà Lê Liên…, rồi bồi dưỡng thêm về chuyên môn cho các bà trong gần một năm trời. Đội ngũ giảng viên piano đầu tiên còn có bà Vũ Thị Hiển (thân mẫu của nghệ sĩ piano Tôn Nữ Nguyệt Minh) từng học luật tại Pháp nhưng cũng là một tay đàn amateur có tiếng ở Hà Nội thời đó.

Khóa piano đầu tiên ai muốn vào cũng được, những năm sau mới có sự tuyển chọn bài bản. Lớp chính quy có Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Việt Kim, Phương Chi, Hợp Bích, Xuân Nghĩa… Gần nửa lứa học sinh đầu đàn này đã học bà từ trước khi vào trường. Phần lớn họ được giữ lại trường sau khi tốt nghiệp.

Cơ sở vật chất của trường tản mạn: 32 Nguyễn Thái Học không đủ chỗ nên lớp piano và các môn phụ phải học ở Láng, khi đó còn là làng ngoại ô. Cuối cùng cũng tìm được khu đất ở Ô Chợ Dừa, thế rồi giữa bãi tha ma đầu thập niên 60 đã mọc lên ba tòa nhà bốn tầng - cơ ngơi đầu tiên của “cái nôi” đào tạo tài năng âm nhạc nước nhà.

Cuối thập niên 50, trường có hai bậc: sơ cấp và trung cấp, đầu thập niên 60 mở tiếp bậc đại học. Khoa Piano có sự hỗ trợ của chuyên gia Ba Lan, còn các bộ môn Thanh nhạc, Violon và Violoncelle có chuyên gia Liên Xô. Các chuyên gia nước ngoài rất thích biểu diễn. Người đệm piano cho chương trình hòa nhạc của họ chỉ có duy nhất bà Thái Thị Liên, về sau thêm nghệ sĩ Nguyễn Hữu Tuấn - học trò cưng của bà, một tay đàn xuất sắc của nghệ thuật biểu diễn piano nửa sau thế kỷ XX, đồng thời cũng là người kế tiếp bà làm Chủ nhiệm khoa Piano trong nhiều năm.

Hai thứ cần thiết mà rất thiếu là sách nhạc và đàn. Học sinh toàn phải mượn sách của bà về chép tay, kể cả những sonate nhiều chương. Thương trò, nhiều khi bà còn xé rời từng bài trong tập sách để tặng cho trò. Bà cũng dành thời gian biên soạn giáo trình sơ cấp piano và giáo trình này được tái bản khá nhiều lần.

Còn piano, hai chiếc “đàn cơ” (piano à queue) đầu tiên của trường là “hàng” viện trợ, còn lại toàn “đàn tủ” (piano droit). Chủ nhiệm bộ môn Piano luôn được ưu tiên đàn mới, vì bà không những gánh vác vai trò đầu tàu trong đào tạo, mà còn đảm đương cả hoạt động biểu diễn. Buổi biểu diễn đầu tiên của khoa Piano là chương trình Chopin do hai “nữ tướng” Thái Thị Liên và Vũ Thị Hiển trình bày. Bà còn đi diễn cùng các chuyên gia, kể cả lúc đang mang bầu sáu tháng cậu con trai út. Vậy đó, Đặng Thái Sơn đã sống trong môi trường sư phạm âm nhạc, trong bầu không khí biểu diễn âm nhạc từ khi chưa ra đời.

Tiếp sau những tháng năm sơ khai thiếu thốn ấy là thời kỳ đạn bom còn cơ cực hơn thế. Trường Nhạc sơ tán lên Hà Bắc. Người đàn bà bé nhỏ thường đạp xe hàng chục cây số chở lỉnh kỉnh đủ thứ vật dụng gia đình, thực phẩm, sách nhạc. Bà dạy đàn trong những lớp học nửa nổi nửa chìm dưới lòng đất. Cả gia đình bà sống trong căn buồng nhỏ có cây đàn piano kê sát miệng hầm. Bà thường chơi Chopin trong những tối sáng trăng mà không ngờ những âm thanh ấy đã in vào tuổi thơ của một Chopinist tương lai.

- Ngẫm lại, bác càng thấy mình là người mẹ hạnh phúc con à. Tài sản lớn nhất và duy nhất của bác chính là mấy đứa con.

Là cánh chim đầu đàn cho sự nghiệp đào tạo piano, bà còn là trụ cột gia đình, một tay chăm lo cho ba đứa con và một người con của chồng. Ba trong số đó sau này trở thành đồng nghiệp của bà:

Đặng Thái Sơn - cậu quý tử gần như song sinh và lớn lên cùng Trường nhạc - là niềm tự hào không chỉ của riêng bà, mà của cả khoa Piano, của Trường nhạc, của giới nhạc và của cả đất nước.

GS.TS.NGND. Trần Thu Hà, cũng như bà, từng là Chủ nhiệm khoa Piano, rồi sau đó là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, tức Trường Âm nhạc Việt Nam.

Đặng Hồng Quang trong nhiều năm là Chủ nhiệm khoa Piano tại Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh.

Riêng Trần Thanh Bình đã chia tay với cây đàn violoncelle để trở thành kiến trúc sư, người đã thiết kế cơ ngơi đồ sộ với Phòng hòa nhạc lớn hiện đại của Học viện Âm nhạc trên mảnh đất cũ của trường nhạc năm xưa.

- Hai mươi năm gắn bó với trường, với khoa Piano, sao năm 1976 bác bỏ lại tất cả một mình chuyển vào sống ở Sài Gòn ạ?

- Bác không muốn nghỉ lúc đang còn sung sức thế đâu. Nhưng biên chế khó khăn, bác đi thì trường mới nhận thêm người được. Mà bác cũng muốn vào giúp cho Nhạc viện trong đó. Song bác đã vỡ mộng vì mọi chuyện không như mình nghĩ. Dạy hợp đồng cũng gặp nhiều chuyện không vui. Xin biểu diễn trong khoa Piano không thù lao cũng không được. Học trò tốt mà lý lịch không tốt vẫn không trúng tuyển. Bác buồn, chỉ nhận dạy tư. Cho đến một hôm…

Sáng sớm hôm ấy một học trò ào đến báo tin Đặng Thái Sơn đã chiến thắng tại Concours Chopin. Giải nhất ư? Bà không tin, chắc trò nghe nhầm rồi. Bà vẫn dõi theo con từng bước, nghe tất cả băng ghi âm bài vở dự thi mà con gửi từ Nga về. Ước con vào vòng 1 thôi cũng mừng lắm rồi. Bà vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi bay ra Hà Nội đón con vinh quang trở về. Mấy năm “hậu” Trường nhạc đó là khoảng thời gian dài nhất bà phải sống xa cách đứa con mà bà gắn bó nhất.

Lại nhắc đến chuyên gia Ba Lan của Trường nhạc năm xưa. Một lần đến chơi nhà bà, ông ngắm nghía bàn tay bé trai hai tuổi và nói bà có thể yên tâm về tương lai âm nhạc của cậu con út. Sau này gặp lại ở Ba Lan, ông ấy khoe đã phát hiện tài năng của Sơn từ ngày ấy. Hai vợ chồng ông vô cùng mừng rỡ khi thấy tên Đặng Thái Sơn trong danh sách thí sinh dự thi và còn thú nhận: “Ngày Sơn đoạt giải là ngày đẹp nhất trong đời chúng tôi”.

Mười năm đầu sống ở nước ngoài cùng con trai, bà không tập đàn, nhưng bao bọc quanh bà luôn là tiếng đàn của con. Khi không còn bận bịu lo cho con mọi việc như một thư ký, kiêm quản lý, kiêm nội trợ nữa, bà đã trở lại với cây đàn bằng tất cả nhiệt huyết như ngày nào. Bà sẵn lòng đàn mỗi khi học trò cũ đến thăm. Bà đàn trên sân khấu Nhà hát Lớn chào mừng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tròn 55 năm khiến bao người rớt nước mắt…

Trở về sống ở Hà Nội trong mấy năm gần đây, bà không những vẫn làm bạn với cây đàn, mà còn đi nghe hòa nhạc, theo dõi trực tuyến các kỳ thi piano quốc tế. Bà dự hầu hết các buổi thi và biểu diễn báo cáo của Concours Piano quốc tế 2015 tại Hà Nội. Bà dành nhiều thời gian và mối quan tâm cho các thế hệ sau, chia sẻ kinh nghiệm với các giảng viên trẻ và khích lệ những em nhỏ có năng khiếu.

- Bác đàn con nghe nhé.

“Bác đàn con nghe” là một phần không thể thiếu mỗi lần tôi đến thăm bà. Lần này là hai bản mazurka của Chopin mà bà đang ôn lại chuẩn bị cho lễ kỷ niệm tuổi 60 của Học viện Âm nhạc - tức Trường Âm nhạc Việt Nam, nơi gắn liền với cả cuộc đời nghề nghiệp của bà.

 

Nguyễn Thị Minh Châu

----------------------------------

Nguồn: Tạp chí Giáo dục Âm nhạc số đặc biệt 10/2016 kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chi tiết 

 

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn