Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12219888
Luận văn Thạc sĩ Thứ sáu, 19/04/2024
Nguyễn Đức Hoàn: Bút pháp sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho trong hai tác phẩm "Thánh Gióng" và "Khúc tưởng niệm". Luận văn Thạc sĩ. 2016

Tác giả: Nguyễn Đức Hoàn
Đề tài: Bút pháp sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho trong hai tác phẩm "Thánh Gióng" và "Khúc tưởng niệm"
Chuyên ngành: Âm nhạc học
Mã số: 60.21.02.01
Người hướng dẫn: PGS.TS. Phạm Tú Hương
Ngày đăng: 01/10/2016

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn:

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Nhạc sĩ Doãn Nho sinh ngày 1 tháng 8 năm 1933 ở làng Cót (Từ Liêm- Hà Nội), là một miền quê của chèo và hát trống quân. Cha của ông là một người nổi tiếng trong vùng về giọng hát hay và am hiểu về chèo. Tuổi thơ của ông thấm đượm những lời ru của mẹ và những làn điệu chèo của cha. Đó cũng chính là những hạt mầm để Doãn Nho bước theo con đường âm nhạc. Thời niên thiếu, bên cạnh những chất liệu âm nhạc quê hương dường như đã ngấm sâu vào trong máu thịt, Doãn Nho còn được học chơi đàn Violino và tiếp xúc với âm nhạc chuyên nghiệp châu Âu.

Nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau cả ở hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc. Là một nhạc sĩ trưởng thành và gắn bó cuộc đời sáng tác của mình với quân đội, do đó đề tài trong các ca khúc của ông nổi bật là hình tượng người chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Ngoài ca khúc, ông còn sáng tác những thể loại lớn hơn cho thanh nhạc như cantat, oratorio. Nổi bật là oratorio Hoa Lư - Thăng Long - Bài ca chiếu dời đô (2000-2009). Trong kho tàng tác phẩm của ông, thể loại giao hưởng chiếm một ví trí quan trọng. Đề tài trong các tác phẩm của ông thường mang tính lịch sử hay những bản anh hùng ca về đất nước nhỏ bé nhưng kiên quyết chiến đấu với một kẻ thù lớn mạnh để bảo vệ nền độc lập. Bên cạnh đó, những đề tài mang tính hoài niệm, quay ngược về quá khứ, tìm về cội nguồn qua các truyền thuyết dân gian cũng gặp trong các tác phẩm của ông. Một số tác phẩm tiêu biểu ở thể loại này là: liên khúc giao hưởng Chiến thắng, thơ giao hưởng số 1 Tháng Tám lịch sử, thơ giao hưởng số 2 Thánh Gióng, Khúc tưởng niệm cho giọng soprano và dàn nhạc giao hưởng.v.v.

Trong các bản giao hưởng của Doãn Nho, có hai tác phẩm trong đó nhạc sĩ có dùng giọng hát kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, đó là thơ giao hưởng số 2 Thánh Gióng (1984) và Khúc tưởng niệm cho giọng soprano và dàn nhạc giao hưởng (1991). Với mong muốn được tìm hiểu về đặc điểm âm nhạc của nhạc sĩ Doãn Nho, nên chúng tôi chọn hai tác phẩm để làm đề tài cho luận văn.

Đề tài luận văn của chúng tôi là:

BÚT PHÁP SÁNG TÁC CỦA NHẠC SĨ DOÃN NHO TRONG HAI TÁC PHẨM:

THÁNH GIÓNG VÀ KHÚC TƯỞNG NIỆM

2. Lịch sử đề tài

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có một số tài liệu, luận văn, khóa luận đề cập tới nhạc sĩ Doãn Nho và hai tác phẩm này như:

- PGS. TS. Tú Ngọc - PGS. TS. Nguyễn Thị Nhung - TS. Vũ Tự Lân - Nguyễn Ngọc Oánh - Thái Phiên, Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu - Viện Âm nhạc có đề cập đến một số tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc tiêu biểu của nhạc sĩ Doãn Nho trong sự nghiệp phát triển chung của nền âm nhạc Việt Nam.

- Nhiều tác giả, Tổng tập âm nhạc Việt Nam, tác giả và tác phẩm, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu có giới thiệu chung về cuộc đời và tác phẩm của nhạc sĩ Doãn Nho.Ở lĩnh vực khí nhạc, nhà nghiên cứu đề cập đến một số tác phẩm thuộc thể loại giao hưởng như: Liên khúc giao hưởng Chiến thắng, hai bản thơ giao hưởng Thánh GióngTháng tám lịch sử, Khúc tưởng niệm cho giọng soprano và dàn nhạc giao hưởng… Tuy nhiên, nhà nghiên cứu mới chỉ giới thiệu khái quát về các tác phẩm mà chưa đi sâu vào phân tích chi tiết các tác phẩm này.

- Nguyễn Thanh Thủy, Phân tích bản giao hưởng Chiến thắng của nhạc sĩ Doãn Nho, Khóa luận tốt nghiệp Đại học Lý luận chính quy. Khóa luận đi vào phân tích cấu trúc và ngôn ngữ âm nhạc của tác phẩm giao hưởng Chiến thắng.

- Lê Thị Liễu, Thanh xướng kịch của nhạc sĩ Doãn Nho, Luận văn Thạc sĩ Âm nhạc học, năm 2011. Luận văn đi vào phân tích về đặc điểm cấu trúc và đặc điểm âm nhạc trong một số tác phẩm Thanh xướng của nhạc sĩ Doãn Nho.

Như vậy, chưa có công trình nào đi sâu vào phân tích hai tác phẩm thơ giao hưởng Thánh GióngKhúc tưởng niệm cho giọng soprano và dàn nhạc giao hưởng. Do đó, luận văn của chúng tôi không trùng lặp với các công trình đã công bố.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

* Đối tượng nghiên cứu.

Đối tượng nghiên cứu của luận văn đi vào các lĩnh vực:

- Cấu trúc tác phẩm

- Các thủ pháp sáng tác

- Đặc điểm âm nhạc của 2 tác phẩm thể hiện ở các lĩnh vực hòa âm, phức điệu, phối khí – phối âm.

* Phạm vi nghiên cứu:

Trong sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Doãn Nho đã có một khối lượng tác phẩm phong phú ở nhiều thể loại khác nhau. Trong luận văn này chúng tôi chỉ phân tích hai tác phẩm là:

- Thơ giao hưởng Thánh Gióng 

- Khúc tưởng niệm cho giọng Soprano và dàn nhạc giao hưởng.

4. Mục tiêu nghiên cứu

Trong luận văn này, mục tiêu của chúng tôi là phân tích cấu trúc và nêu lên được những đặc điểm về ngôn ngữ âm nhạc trong hai tác phẩm của nhạc sĩ Doãn Nho. Với những kết quả nghiên cứu của luận văn chúng tôi mong muốn tìm ra được các đặc điểm trong bút pháp sáng tác của nhạc sĩ, qua đó thấy được những điểm sáng tạo của nhạc sĩ qua 2 tác phẩm này.

5. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp lý thuyết: Là một công trình nghiên cứu mang tính lý thuyết, trong luận văn này chúng tôi sử dụng các phương pháp phân tích, diễn giải, so sánh và tổng hợp…. để có thể rút ra những nhận định có cơ sở khoa học.

- Phương pháp chuyên gia: Trong suốt quá trình hoàn thành bản luận văn, chúng tôi cũng thực hiện phương pháp phỏng vấn đối với nhạc sĩ Doãn Nho để giúp cho sự tìm hiểu tác phẩm được xác thực hơn.

6. Đóng góp của đề tài

Với kết quả nghiên cứu của luận văn, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào việc tìm hiểu các tác giả, tác phẩm trong nền âm nhạc mới ở Việt Nam. Bên cạnh đó, luận văn cũng sẽ góp phần bổ sung thêm tư liệu tham khảo cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về các tác phẩm giao hưởng của nhạc sĩ Doãn Nho.

7. Bố cục luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung luận văn gồm 2 chương:

Chương 1: Cấu trúc tác phẩm

Chương 2: Phương thức xây dựng-phát triển chủ đề và đặc điểm âm nhạc

 

Chương 1

CẤU TRÚC TÁC PHẨM

 

1.1. Cấu trúc tác phẩm thơ giao hưởng Thánh Gióng

Bản thơ giao hưởng Thánh Gióng được nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác vào năm 1984. Đây là tác phẩm thể hiện tinh thần và sức mạnh trong đấu tranh chống ngoại xâm và giữ nước của người Việt Nam. Nội dung của tác phẩm dựa theo truyền thuyết về Thánh Gióng hay còn được gọi là Phù Đổng Thiên Vương.

Tác phẩm thơ giao hưởng Thánh Gióng được viết ở hình thức sonate có cấu trúc như sau:

Mở đầu - Trình bày - Phát triển - Tái hiện - Coda

* Mở đầu

Gồm 8 nhịp (nhịp 1-8), với sắc thái mạnh trên hợp âm chồng bốn nốt theo quãng hai ở âm vực trầm trên đàn Piano.

1.1.1. Phần trình bày

Phần trình bày gồm có chủ đề 1, nối tiếp, chủ đề 2 và kết trình bày.

1.1.1.1.  Chủ đề 1 (nhịp 9-49)

Hình thức hai đoạn đơn không tái hiện dạng phát triển.

a. Đoạn a (21 nhịp), dạng đoạn nhạc 2 câu nhắc lại có thay đổi.

b. Đoạn b (20 nhịp), dạng đoạn nhạc không phân câu.

1.1.1.2.  Nối tiếp (nhịp 49-78), gồm có 3 giai đoạn:

a. Giai đoạn 1: nhịp 49-59

b. Giai đoạn 2: nhịp 60-74

c. Giai đoạn 3: nhịp 74-78

1.1.1.3. Chủ đề 2 (nhịp 79-146)

Chủ đề 2 có khuôn khổ lớn, gồm 68 nhịp đã tạo thành một vùng chủ đề được chia làm 3 bộ phận.

a. Bộ phận 1: gồm 31 nhịp, là đoạn nhạc gồm có 2 câu nhắc lại có thay đổi.

b. Bộ phận 2: gồm có 13 nhịp (từ nhịp 110-122) có hình thức là dạng đoạn nhạc 2 câu không nhắc lại.

Bộ phận 3: Âm hưởng của chủ đề 2 được trình bày ở dạng chồng âm quãng 4 do đàn Piano diễn tấu với âm lượng lớn (f).

1.1.1.4. Kết trình bày (nhịp 148 - 185), được chia làm 2 bộ phận

a. Bộ phận 1 (từ nhịp 148-164)

b. Bộ phận 2 (từ nhịp 165-185)

 

1.1.2. Phần phát triển

Gồm có 251 nhịp (từ nhịp 185-435) được chia thành 3 giai đoạn.

1.1.2.1. Giai đoạn 1 gồm 104 nhịp (từ 185-288).

Một số thủ pháp điển hình được sử dụng trong giai đoạn 1 là:

a.  Xé lẻ chất liệu chủ đề

b. Mô phỏng âm điệu chủ đề

1.1.2.2. Giai đoạn 2 gồm 35 nhịp (từ nhịp 289-323)

Giai đoạn này gồm có hai lần họa lại nét giai điệu của chủ đề, đây cũng được coi như những dị bản của chủ đề 2.

- Khuôn khổ và âm điệu của chủ đề 2 được tác giả giữ nguyên nhưng có sự thay đổi về điệu thức.

- Thủ pháp hòa âm nổi bật được sử dụng trong giai đoạn này là chồng quãng 4, quãng 5 nối tiếp song song hay hợp âm chồng quãng 4 nối tiếp song song.

1.1.2.3. Giai đoạn 3  gồm 112 nhịp (từ nhịp 323- 434)

Nhạc sĩ Doãn Nho sử dụng thủ pháp biến tấu chủ đề Thánh Gióng (chủ đề 2) để tạo ra hàng loạt các dị bản của chủ đề để khắc họa các tính cách khác nhau của nhân vật Thánh Gióng..

Giai đoạn 3 gồm có 6 biến khúc, có thể chia các biến khúc thành các cặp đối xứng nhau như sau:

a. Biến khúc 1 và biến khúc 6.

b. Biến khúc 2 và biến khúc 5.

c. Biến khúc 3 và biến khúc 4.

1.1.3. Phần tái hiện

Chủ đề 1 (nhịp 449-471) dạng tái hiện rút gọn chỉ là đoạn nhạc.

Nối tiếp (từ nhịp 472-507) cũng gồm 3 giai đoạn giống như phần trình bày. Tuy nhiên, giai đoạn 3 có sự thay đổi với sự mở rộng về khuôn khổ.

Chủ đề 2 (từ nhịp 508-530), được rút gọn chỉ còn là đoạn nhạc gồm có 2 câu.

Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy trong tác phẩm Thánh Gióng, phần tái hiện có sự thay đổi về cấu trúc (rút gọn) so với phần trình bày. Cụ thể là ở phần trình bày, chủ đề 1 có hình thức là 2 đoạn đơn, chủ đề 2 là một vùng chủ đề bao gồm có sự trần thuật và phát triển chủ đề bằng thủ pháp biến tấu. Hơn nữa, cả hai chủ đề đều tham gia tích cực trong phần phát triển. Chính vì vậy, thì ở phần tái hiện cả hai chủ đề đều được rút gọn chỉ còn là một đoạn đơn.

* Coda gồm 14 nhịp (từ nhịp 531-544)

Trong chương nhạc này, phần coda sử dụng chất liệu của chủ đề 2 với mô-típ nhắc lại về âm hình tiết tấu, nét giai điệu được đưa dần lên âm khu cao cùng với lực độ được tăng dần.

Tác phẩm kết thúc bằng chồng âm 8 nốt được sắp xếp theo trật tự quãng 2 ở âm vực trầm A2-H2-C1-D1-E1-F1-G1-A1 do đàn piano diễn tấu kết hợp với Trống đình, Tam tam và Piatti loại cực đại để kết thúc tác phẩm.

 

1.2. Cấu trúc tác phẩm Khúc tưởng niệm cho giọng Soprano và dàn nhạc giao hưởng

Tác phẩm Khúc tưởng niệm cho giọng Soprano và dàn nhạc giao hưởng được nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác vào năm 1991. Đây là tác phẩm diễn tả lên nỗi đau xót xa của dân tộc Việt Nam sau khi hai cuộc chiến tranh chấm dứt. Đất nước đang dần dần hồi sinh sau nhiều năm tháng gồng mình với những khó khăn thời hậu chiến. Cuộc sống dường như vẫn trôi qua theo thời gian, mọi thứ dần dần đổi thay, chỉ có đau khổ và nỗi nhớ của người mẹ là không bao giờ nguôi ngoai khi người con vĩnh viễn không bao giờ trở về. Hình ảnh của người con anh hùng đã hy sinh cho đất nước, cho tổ quốc mãi mãi còn trong lòng mẹ.

Tác phẩm Khúc tưởng niệm có cấu trúc nhiều phần mang dáng dấp của hình thức rondo bởi vì chủ đề được nhắc lại hai lần và đan xen giữa chủ đề là các đoạn chen. Tuy nhiên có sự xuất hiện của nối tiếp có dạng giống như đoạn chen

Sơ đồ cấu trúc tác phẩm Khúc tưởng niệm như sau:

Mở đầu - A - B - Nối tiếp - A1 - C - Nối tiếp - A2

*  Mở đầu gồm 8 nhịp.

Tác phẩm được bắt đầu bằng nét nhạc suy tư, trầm lắng ở bè Violoncello và Contrabasso, bè đệm là đàn Viola.

1.2.1. Cấu trúc chủ đề và các lần họa lại

1.2.1.1. Cấu trúc chủ đề

Chủ đề đoạn A gồm 23 nhịp (9-31) được viết ở giọng c-moll, hình thức là đoạn nhạc 3 câu.

1.2.1.2. Chủ đề được nhắc lại

Chủ đề được họa hai lần và mỗi lần đều có sự thay đổi.

a. Chủ đề đoạn A1: gồm 21 nhịp (từ nhịp 99-119).

Chủ đề được họa lại lần thứ nhất giữ nguyên về hình thức (đoạn nhạc gồm có 3 câu), khuôn khổ (gồm 21 nhịp) và điệu tính (c-moll). Tác giả chỉ thay đổi phối khí, cường độ và bè đệm.

b. Chủ đề đoạn A2: gồm 25 nhịp (từ nhịp190-214)

Về cơ bản chủ đề họa lại lần thứ hai cũng giữ nguyên về hình thức, điệu tính so với đoạn A, chỉ khác đó là mở rộng khuôn khổ để kết thúc tác phẩm và có sự thay đổi về phối khí.

1.2.2. Cấu trúc các đoạn chen

1.2.2.1. Đoạn chen B

Đoạn chen B (nhịp 32 -84), hình thức đoạn nhạc (a a’).

a. Đoạn a (24 nhịp) là đoạn nhạc 2 câu nhắc lại có thay đổi .

b. Nối tiếp (9 nhịp) tính chất âm nhạc phát triển từ đoạn a.

c. Đoạn a' (18 nhịp) là đoạn nhạc 2 câu nhắc lại có thay đổi.

1.2.2.1. Đoạn chen C

Đoạn chen C (nhịp 120-176), hình thức hai đoạn đơn không tái hiện dạng phát triển.

a. Đoạn a (20 nhịp) dạng đoạn nhạc hai câu nhắc lại có thay đổi

b. Đoạn b (32 nhịp) dạng đoạn nhạc 2 câu không nhắc lại

1.2.3. Đoạn nhạc nối tiếp có dạng như đoạn chen

Thông thường, nối tiếp có vai trò cầu nối, dẫn dắt âm nhạc. Tuy nhiên, trong tác phẩm Khúc tưởng niệm cho giọng Soprano và dàn nhạc giao hưởng, sau đoạn B và C  để quay trở lại chủ đề A thì xuất hiện đoạn nhạc có vai trò là nối tiếp nhưng mang đặc điểm của đoạn nhạc phát triển liên tục, không ổn định về điệu tính, có sự tương phản về tính chất âm nhạc so với các đoạn nhạc chủ đề và đoạn chen B, C. Như vậy, có thể coi đoạn nhạc này giống như đoạn chen (episode).

1.3. Một số nhận xét về cấu trúc

Nhạc sĩ Doãn Nho đã xây dựng hai tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng bằng việc kết hợp nguyên tắc của giao hưởng với những sáng tạo đã để lại những dấu ấn riêng cho mỗi tác phẩm.

* Cấu trúc tác phẩm Thánh Gióng:

Tác phẩm này được nhạc sĩ Doãn Nho đã vận dụng hình thức sonate gồm hai chủ đề có cùng tính chất âm nhạc nhưng có sự tương phản về điệu tính.

Phần trình bày gồm có mở đầu cùng với 4 bộ phận là: chủ đề 1, nối tiếp, chủ đề 2 và kết trình bày, tuy nhiên chủ đề 2 lại là chủ đề chính với hình tượng người anh hùng Thánh Gióng. Chủ đề âm nhạc trong tác phẩm ngắn gọn, cô đọng, rõ ràng nhưng ở cả hai chủ đề tác giả đều mở rộng thêm khuôn khổ thông qua sự biến đổi về chất liệu như ở chủ đề 1, còn chủ đề 2 là sự biến tấu chất liệu chủ đề hình thành nên một vùng chủ đề. Việc làm này tạo nên sự phát triển âm nhạc ngay ở phần trình bày đem lại nhiều ý nghĩa như vừa mở rộng thêm khuôn khổ, vừa nhấn mạnh thêm chất liệu của chủ đề, đồng thời đây còn được coi như là khâu trung gian cầu nối, dẫn dắt tới phần tiếp theo làm cho các bộ phận gắn kết với nhau một cách hài hòa, hợp lý.

Sang đến phần phát triển, bên cạnh việc sử dụng thủ pháp mô phỏng để phát triển chủ đề âm nhạc, thủ pháp biến tấu có một vị trí quan trọng trong phần này khi tác giả sử dụng thủ pháp này (chủ yếu là biến tấu chủ đề 2) để khắc họa nhiều tính cách khác nhau của nhân vật Thánh Gióng.

Phần tái hiện vẫn đầy đủ 4 bộ phận như phần trình bày nhưng khuôn khổ được rút gọn, cách làm này nhằm mục đích tạo điểm nhấn cho những nhân tố chính, đồng thời góp phần thúc đẩy cao trào để đi đến một cái kết hoành tráng. Ngoài ra, tác giả còn áp dụng dạng giống như tái hiện giả cũng tạo cho tác phẩm trở phong phú hơn.

* Cấu trúc tác phẩm Khúc tưởng niệm

Tác phẩm này được nhạc sĩ Doãn Nho sử dụng dạng cấu trúc nhiều phần, tuy nhiên chúng tôi cho rằng tác phẩm này mang dáng dấp của hình thức rondo vì:

Chủ đề (A) và các đoạn chen (B, C) theo trật tự của hình thức rondo, điệu tính giữa chủ đề và các đoạn chen có mối quan hệ họ hàng gần (c moll – f moll - Es dur) và cùng mang tính chất trữ tình, ca xướng. Một điểm đặc biệt khác là sự xuất hiện nối tiếp có dạng giống như đoạn chen (episode) sau mỗi đoạn chen B và C. Lối cấu trúc này không chỉ tạo nên sự tương phản về tính chất âm nhạc trong tác phẩm mà còn góp phần làm cân bằng các yếu tố âm nhạc từ đó tăng thêm sự phong phú, đặc sắc trong việc vận dụng hình thức âm nhạc của nhạc sĩ Doãn Nho.

Nhìn chung, các câu nhạc, đoạn nhạc trong cả hai tác phẩm Thánh GióngKhúc tưởng niệm thường không có cấu trúc cân phương, vuông vắn mà thường phát triển tương đối tự do theo sự phát triển của ý nhạc. Các đoạn nhạc khi được nhắc lại thường không nhắc lại nguyên dạng mà có sự thay đổi bằng cách co ngắn lại hay phát triển mở rộng ra hoặc có sự biến đổi mà thường gặp nhất là thay đổi bằng thủ pháp biến tấu tự do. Cách làm này đã tạo cho tác phẩm sự mới mẻ, phong phú về âm điệu.

Tiểu kết chương 1

 

Qua việc phân tích cấu trúc hai tác phẩm Thánh GióngKhúc tưởng niệm, chúng tôi có một vài nhận xét như sau:

Trong tác phẩm Thánh Gióng, nhạc sĩ Doãn Nho sử dụng hình thức sonate với hai chủ đề, nhưng chủ đề 2 lại là chủ đề chính, nổi bật với hình tượng của nhân vật Thánh Gióng được khắc họa với nhiều tính cách khác nhau thông qua việc biến tấu chất liệu chủ đề.

Trong tác phẩm Khúc tưởng niệm, chủ đề được xuất hiện 3 lần nhưng đều có hình thức là một đoạn đơn. Sau các đoạn chen B, C, mỗi lần chủ đề A được nhắc lại là một lần biến tấu với sự thay đổi về khuôn khổ, phối khí. Vì vậy, chúng tôi nhận định tác phẩm Khúc tưởng niệm chỉ mang dáng dấp của hình thức rondo.

Như vậy có thể thấy, tác giả có sự kế thừa các hình thức từ truyền thống âm nhạc cổ điển được thể hiện rõ trong hình thức sonate với 2 chủ đề trong tác phẩm Thánh Gióng và hình thức rondo với chủ đề xuất hiện ba lần trong tác phẩm Khúc tưởng niệm. Tuy nhiên, các hình thức đó được nhạc sĩ Doãn Nho vận dụng một cách khéo léo thể hiện sự sáng tạo, đổi mới của ông. Những hình thức đó được nhạc sĩ khoắc lên mình dáng vẻ mới mang những nét đặc trưng, phong cách của ông.

 

 

 

Chương 2

PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG - PHÁT TRIỂN

 CHỦ ĐỀ VÀ ĐẶC ĐIỂM ÂM NHẠC

 

2.1. Phương thức xây dựng và phát triển chủ đề

2.1.1. Phương thức xây dựng chủ đề

2.1.1.1. Chất liệu chủ đề được xây dựng từ điệu thức 5 âm

2.1.1.2. Chất liệu chủ đề được xây dựng từ hình tượng người anh hùng trong truyền thuyết dân gian

2.1.2. Phương thức xây dựng chủ đề

2.1.2.1. Thủ pháp nhắc lại

a.. Dạng nhắc lại nguyên dạng.

b. Dạng nhắc lại có tính biến tấu

2.1.2.2. Thủ pháp biến tấu âm điệu

- Sử dụng âm hưởng điệu thức 5 âm để biến tấu âm điệu chủ đề.

- Dùng một mô típ âm nhạc có âm hình tiết tấu đảo phách để phát triển thành một nét giai điệu.

2.2. Hòa âm

2.2.1. Hệ thống điệu thức

2.2.1.1. Điệu thức trưởng, thứ bảy âm

- Sử dụng một điệu thức trưởng hoặc thứ

- Đan xen và nối tiếp giữa điệu thức trưởng và thứ.

2.2.1.2. Điệu thức 5 âm

Điệu thức năm âm được hình thành do:

- Nét giai điệu sắp xếp theo chiều ngang

- Sự kết hợp các âm theo chiều dọc

2.2.1.3. Điệu thức toàn cung

2.2.1.4. Thang âm chromatique

2.2.2. Các dạng hợp âm - chồng âm

2.2.2.1.  Hợp âm chồng quãng 3

a. Hợp âm ba

b. Hợp âm bảy

c. Hợp âm chín

2.2.2.2. Hợp âm ba thêm quãng 2

2.2.2.3.  Hợp âm chồng theo quãng 4

2.2.2.4. Hợp âm chồng theo quãng 2

2.2.2.5. Chồng âm hình thành từ các âm của thang 5 âm.

2.2.2.6. Chồng âm có quãng chromatique

2.2.3. Vòng hòa âm kết và hợp âm kết

2.2.3.1. Kết bằng hợp âm thuận

2.2.3.2. Kết ở các dạng hợp âm nghịch

a. Kết bằng hợp âm chồng theo quãng 2

b. Kết bằng hợp âm quãng 4

c. Kết bằng chồng âm nghịch

2.2.4. Phương thức phát triển hòa âm

2.2.4.1. Một số nguyên tắc nối tiếp

a. Nối tiếp giữa hợp âm chồng quãng 3 và hợp âm chồng quãng 4

- Hợp âm chồng quãng 3 nối tiếp với hợp âm chồng quãng 4

- Hợp âm chồng quãng 2 nối tiếp với hợp âm chồng quãng 3

b. Song song quãng 4 - quãng 5 và song song hợp âm

- Song song quãng 4, quãng 5

- Song song hợp âm chồng quãng 4

2.2.4.2. Đa hợp âm

Được hình thành bởi:

- Hợp âm chồng quãng 3 kết hợp với hợp âm chồng quãng 4 và chồng âm có chứa quãng chromatique (f-fis).

- Nét giai điệu trên giọng C-dur còn bè dưới là chồng âm có chứa quãng chromatique (f - fis).

2.2.4.3. Thủ pháp điệp âm, điệp quãng, điệp hợp âm

a. Điệp âm

b. Điệp quãng

c. Điệp hợp âm, chồng âm

2.2.4.4. Bè trì tục

a. Trì tục ở một âm, một quãng

b. Trì tục một âm hình tiết tấu

2.3. Phức điệu

2.3.1. Mô phỏng 2 bè, 3 bè

- Dạng mô phỏng 2 bè

- Dạng mô phỏng 3 bè

2.3.2 Mô phỏng dồn (stretto)

2.4. Phối khí

2.4.1 Biên chế dàn nhạc.

- Khúc tưởng niệm: dàn nhạc giao hưởng 2 quản mang tính chất concerto đệm cho giọng hát Soprano solo.

- Thánh Gióng: dàn nhạc mang đặc điểm hòa tấu thính phòng.

2.4.2. Trình bày giai điệu và hòa âm

2.4.2.1. Trình bày giai điệu

- Giai điệu do một nhạc khí diễn tấu:

- Giai điệu do nhiều nhạc khí kết hợp diễn tấu:

2.4.2.2.  Trình bày bè đệm

- Bè đệm do một nhạc khí diễn tấu: ít được sử dụng

- Bè đệm do nhiều nhạc khí kết hợp diễn tấu.

2.4.3. Sự phối hợp về âm sắc của các nhạc khí.

2.4.3.1. Sự phối hợp về âm sắc của giọng hát với dàn nhạc.

Khúc tưởng niệm là tác phẩm viết cho giọng Soprano solo và dàn nhạc. Vì thế, giai điệu do Soprano diễn tấu chiếm vị trí lớn, làm màu sắc chính từ đầu đến cuối tác phẩm. Tuy nhiên, tác giả không sử dụng giọng hát độc diễn mà thường kết hợp với các nhạc khí khác.

2.4.3.2. Sự phối hợp về âm sắc của các nhạc khí trong dàn nhạc.

- Giai điệu và hòa âm do một nhạc cụ diễn tấu

- Hai nhạc khí được sử dụng để phối hợp giai điệu và bè đệm

- Các nhạc khí bộ gõ được phối hợp đa dạng phong phú.

2.4.4. Một số kỹ thuật phối khí

2.4.4.1. Kỹ thuật diễn tấu của các nhạc khí

- Bộ dây: dùng archeto hoặc gẩy lên dây đàn bằng tay, kỹ thuật dùng riêng dây, bồi âm, pizzicato,  trille (láy rền), tremolo, divissi, con sordino, unisso.v.v.

- Bộ gỗ: legato, staccato, con sordino, son harmonic, unison.v.v.

- Bộ đồng: legato, staccato, unison

- Bộ gõ: chủ yếu sử dụng kỹ thuật tremolo và thay đổi sang các cao độ khác nhau nhiều lần ở Timpani.

2.4.4.2. Xử lí âm khu, âm vực      

- Các nhạc cụ được chia thành các âm khu từ cao xuống thấp khi kết hợp để trình bày hòa âm

- Khi kết hợp các bộ thường có sự liên kết theo từng âm khu

- Tùy theo từng giai đoạn phát triển âm nhạc trong tác phẩm mà có sự mở rộng hay co hẹp các âm vực khác nhau

2.4.4.3. Cân bằng âm lượng

 

Tiểu kết chương 2

 

Sau khi phân tích các đặc điểm âm nhạc trong hai tác phẩm Thánh GióngKhúc tưởng niệm của nhạc sĩ Doãn Nho chúng tôi có một vài nhận xét như sau:

Chủ đề trong hai tác phẩm được xây dựng từ thang âm ngũ cung và từ hình tượng người anh hùng trong truyền thuyết dân gian. Chủ sau khi trình bày đã được phát triển và biến đổi bằng cách như: chủ đề được nhắc lại có thay đổi thể hiện ở sự biến đổi về quãng, âm điệu, nhịp điệu, tiết tấu và cường độ, ngoài ra chủ đề còn áp dụng thủ pháp biến tấu làm cho đường nét giai điệu trở nên linh hoạt. Bên cạnh đó, thủ pháp phát triển âm điệu cũng được nhạc sĩ vận dụng trong tác phẩm làm cho tính chất âm nhạc mang màu sắc mới.

Hệ thống điệu thức được tác sử dụng có sự đan xen giữa các điệu thức với nhau hoặc được dùng ở thời gian rất ngắn, thậm chí có những đoạn gần như vô điệu tính. Ông cũng chú trọng khai thác các điệu thức năm âm của người Việt làm cho tác phẩm mang đậm nét dân tộc.

Các dạng hợp âm-chồng âm được tác giả sử dụng rất phong phú và đa dạng. Ngoài các dạng hợp âm-chồng âm được chồng theo nguyên tắc quãng 3, nhạc sĩ còn sử dụng các hợp âm chồng quãng ba nhưng được thêm quãng 2. Các hợp âm chồng quãng 4, quãng 5 được coi là quãng đặc trưng trong âm nhạc dân gian Việt Nam cũng được tác giả chú trọng khai thác và sử dụng khá phổ biến trong tác phẩm. Nổi bật hơn cả đó là các hợp âm chồng quãng 4, quãng 5 này còn được sử dụng nối tiếp song song. Hợp âm chồng quãng 2 được coi là quãng tiêu biểu của hòa âm đương đại cũng được tác giả sử dụng tạo nên những điểm nhấn giúp cho tác phẩm vừa mang phong dân tộc vừa mang tính hiện đại. Ngoài các dạng hợp âm trên, tác giả còn sử dụng dạng hợp âm được chồng từ các điệu thức 5 âm và chồng âm có chứa quãng nửa cung chromatique. Âm hưởng của các hợp âm-chồng âm này tạo ra những màu sắc mới lạ. Vòng hòa âm kết và hợp âm kết được tác giả sử dụng khá phong phú với các dạng như: kết bằng hợp âm thuận hay hợp âm nghịch.

Trong các thủ pháp phức điệu, nhạc sĩ Doãn Nho đã sử dụng một số thủ pháp ở dạng đơn giản như mô phỏng 2 bè, 3 bè và mô phỏng dồn (stretto). Các thủ pháp này tạo nên sự phong phú cho tác phẩm.

Về lĩnh vực phối khí: Nhạc sĩ Doãn Nho lựa chọn một cách khéo léo các nhạc cụ trong dàn nhạc và phối hợp các nhạc cụ này một cách đa dạng, có thể do một nhạc cụ độc diễn hoặc kết hợp các nhóm hay toàn bộ dàn nhạc góp phần làm rõ nét hơn những hình tượng trong tác phẩm.

 

KẾT LUẬN

Nền âm nhạc Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm cùng với lịch sử của dân tộc, của đất nước. Âm nhạc luôn theo sát cuộc sống để phản ánh những tâm tư, tình cảm của con người, luôn bám sát hiện thực hào hùng qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, của thời đại. Âm nhạc thính phòng giao hưởng Việt Nam mới xuất hiện từ thập niên 60 của thế kỷ XX là kết quả của sự tiếp thu của những tinh hoa âm nhạc thế giới dựa trên nền tảng của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Các tác phẩm thính phòng giao hưởng Việt Nam không chỉ phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức mà còn thấm đượm tâm hồn người Việt, đồng thời thể hiện được hơi thở của thời đại.

Sau khi phân tích và tìm hiểu về hai tác phẩm giao hưởng Thánh GióngKhúc tưởng niệm của nhạc sĩ Doãn Nho, chúng tôi thấy rằng mỗi một tác phẩm mang màu sắc và phong cách riêng, tất cả đều được viết dưới bút pháp mới mẻ, mang hơi thở của thời đại nhưng vẫn luôn hướng tời màu sắc dân tộc. Trong hai tác phẩm là sự khám phá và kết hợp với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại nhưng yếu tố dân gian vẫn là nền móng để cho nhạc sĩ Doãn Nho thổi hồn vào trong tác phẩm. Sau đây, chúng tôi có một số nhận xét như sau:

Về cấu trúc:

Ở tác phẩm Thánh Gióng là sự vận dụng hình thức sonate được kết hợp với biến tấu, còn ở tác phẩm Khúc tưởng niệm mang dáng dấp của hình thức rondo. Trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo, nhạc sĩ đã làm phong phú thêm cho các hình thức âm nhạc đã có trên thế giới. Đó là sự mở rộng khuôn khổ tác phẩm thông qua việc nhắc lại các câu đoạn, sự biến tấu của chủ đề nhưng dưới hình thức phong phú và độc đáo.

Về phương pháp xây dựng và phát triển chủ đề:

Trong hai tác phẩm, nguồn chất liệu của chủ đề được xây dựng từ một số điệu thức 5 âm và từ hình tượng người anh hùng trong truyền thuyết dân gian. Sau khi trình bày, chủ đề được phát triển và biến đổi với nhiều cách khác nhau như: chủ đề được nhắc lại nguyên dạng nhưng vì đây là tác phẩm cho dàn nhạc nên tác giả có thay đổi về phối khí và âm vực thể hiện. Bên cạnh đó, thủ pháp phát triển âm điệu cũng được nhạc sĩ vận dụng trong tác phẩm làm cho đường nét giai điệu trở nên linh hoạt, tính chất âm nhạc mang màu sắc mới.

Về hòa âm:

Hòa âm trong sáng tác của các nhạc sĩ ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn hay mỗi thời đại luôn có sự biểu hiện khác nhau bởi yếu tổ thẩm mỹ mang đậm nét của thời đại đó, đồng thời mỗi nhạc sĩ lại có những bút pháp sáng tác mang phong cách riêng của từng nhạc sĩ.

Với sự khéo léo kết nối các loại điệu thức trong tác phẩm, nhạc sĩ Doãn Nho đã làm cho hòa âm trở nên phong phú đa dạng. Ngoài các điệu thức trưởng thứ bảy âm, ông đã sử dụng các điệu thức ngũ cung, điệu thức toàn cùng và thang âm chromatique, nhằm tạo âm hưởng nghịch tai xem lẫn âm thành mềm mại với sự mờ nhat về điệu tính cho người nghe cảm giác chơi vơi hay cảm giác huyền bí, mờ ảo.

Bên cạnh việc sử dụng các loại điệu thức, các dạng chồng âm âm, hợp âm cũng đem lại hiệu quả không nhỏ, đặc biệt là các âm thanh được chồng lên nhau không có quy tắc. Lối sử dụng chồng âm, hợp âm được tác giả kế thừa thừa lối cấu trúc hợp âm theo kiểu chồng quãng 3 của âm nhạc cổ điển châu Âu tạo thành hợp âm ba, hợp âm bảy, hợp âm chín. Ngoài ra, nhạc sĩ còn sử dụng hợp âm chồng quãng ba thêm quãng hai, hợp âm chồng quãng hai, hợp âm chồng quãng bốn được dùng rất phong phú với sự kết hợp một cách đa dạng của các quãng như: quãng bốn đúng, quãng bốn tăng, quãng bốn giảm tạo nên màu sắc mới cho những hợp âm được xây dựng theo lối cấu trúc này. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Doãn Nho còn sử dụng chồng âm được hình thành ngẫu nhiên từ các âm của điệu thức 5 âm người Việt.

Ngoài việc sử dụng vòng kết cổ điển, tác giả còn sử dụng một số vòng kết khác như kết bằng hợp âm chồng quãng 4, quãng 2 hay chồng âm nghịch đã tạo nên ngôn ngữ riêng của ông.

Về phức điệu:

Tuy các tác phẩm không viết theo lối phức điệu thuần túy nhưng tác giả đã vận dụng các thủ pháp phức điệu một cách khá linh hoạt nhằm tạo tính liền mạch với sự biến hóa không ngừng của đường nét giai điệu. Thủ pháp phức điệu tác giả sử dụng đó là phức điệu mô phỏng có dạng là 2 bè, 3 bè và stretto.

Về phối khí

Nhạc sĩ Doãn Nho lựa chọn một cách khéo léo các nhạc cụ trong dàn nhạc và phối hợp các nhạc cụ này một cách đa dạng, có thể do một nhạc cụ độc diễn hoặc kết hợp các nhóm hay toàn bộ dàn nhạc góp phần làm rõ nét hơn những hình tượng trong tác phẩm. Cách sử dụng dàn nhạc trong hai tác phẩm được sử dụng linh hoạt để phù hợp với nội dung của từng tác phẩm. Trong tác phẩm Khúc tưởng niệm, tác giả sử dụng dàn nhạc hai quản mang tính chất concerto vì có sử dụng giọng hát Soprano có vai trò như một nhạc khí diễn tấu. Còn trong tác phẩm Thánh Gióng, mặc dù đây là một tác phẩm giao hưởng thơ nhưng tác giả lại sử dụng dàn nhạc mang đặc điểm của hòa tấu thính phòng. Cũng giống như tác phẩm Khúc tưởng niệm, tác giả sử dụng giọng hát có vai trò như một nhạc khí. Bên cạnh đó, ông còn sử dụng bộ gõ với nhiều nhạc khí, nổi bật hơn cả là các nhạc khí mang màu sắc của phương Đông.

Sự kết hợp các nhạc khí trong hai tác phẩm phong phú và đa dạng, có thể do một hoặc nhiều nhạc khí kết hợp với nhau. Nổi bật hơn cả ở trong hai tác phẩm này đó chính là tác giả sử dụng giọng người có vai trò như một nhạc khí. Và ở mỗi tác phẩm lại có sự kết hợp khác nhau. Nếu như tác phẩm Khúc tưởng niệm, tác giả chủ yếu sử dụng giọng hát Soprano làm giai điệu chính dẫn dắt thì giọng hát hợp xướng 4 bè trong tác phẩm Thánh Gióng có vai trò bình đẳng như các nhạc khí khác. Việc vận dụng thanh nhạc trong các tác phẩm của nhạc sĩ Doãn Nho đã mang những màu sắc mới lạ, hấp dẫn hơn.

Như vậy, qua nghiên cứu hai tác phẩm giao hưởng Thánh Gióng Khúc tưởng niệm của nhạc sĩ Doãn Nho, chúng tôi nhận thấy một điểm chung của hai tác phẩm này là sự kết hợp hài hòa trong ngôn ngữ âm nhạc. Nó tạo nên những tác phẩm vừa mang đậm chất âm nhạc đương đại vừa thấm đượm tính dân tộc.

Chúng tôi hy vọng rằng, luận văn này sẽ góp một tiếng nói nhỏ bé để khẳng định về giá trị nghệ thuật của hai tác phẩm giao hưởng của nhạc sĩ Doãn Nho mà chúng tôi nghiên cứu.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn