Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12107391
Luận văn Thạc sĩ Thứ sáu, 29/03/2024

Tác giả: Phạm Phương Nhung
Đề tài: Phân tích phần âm nhạc chuyển soạn trong hai bộ phim hoạt hình "Nữ hoàng băng giá" và "Người bạn hàng xóm Totoro của tôi"
Chuyên ngành: Âm nhạc học
Mã số: 60.21.02.01
Người hướng dẫn: 
Ngày đăng: 04/10/2016

Toàn văn Luận án

Tóm tắt Luận án:

MỞ ĐẦU

  1. Lý do chọn đề tài

Xuất hiện từ những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, phim hoạt hình đã mau chóng chiếm được cảm tình cũng như sự đón nhận của các khán giả trẻ. Từ những kỹ thuật sơ khai ban đầu, nền công nghiệp sản xuất phim hoạt hình đã có những bước tiến vượt bậc, dưới sự hỗ trợ tối đa của công nghệ sản xuất và nghe nhìn, phim hoạt hình ngày nay đã đạt được những đỉnh cao vô cùng vĩ đại và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, giải trí của con người chúng ta. Phim hoạt hình - là cụm từ mà trước đây thường được dùng để mô tả những bộ phim dành riêng cho các khán giả ở lứa tuổi thiếu nhi. Nhưng ngày nay dường như khái niệm đó đã không còn phù hợp, bằng chứng là có rất nhiều những bộ phim hoạt hình làm say đắm cả những khán giả ở lứa tuổi trưởng thành, những cái tên như Lion King (Vua sư tử), Ice Age (Kỷ băng hà), Big Hero (Biệt đội Big hero), Despicable me (Kẻ cắp mặt trăng)… có thể khiến bất cứ ai, bất cứ khán giả ở lứa tuổi nào cũng trở nên thích thú bởi những gì mà các bộ phim này mang lại.

Hiện nay rất nhiều quốc gia đã sản xuất phim hoạt hình và trong số đó có hai cường quốc phát triển mạnh nhất về thể loại phim hoạt hình đó là Mỹ và Nhật Bản.

Ở Mỹ, Walt Disney là tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới. Được thành lập ngày 16 tháng 10 năm 1923 bởi anh em Walt và Roy O. Disney từ một xưởng ảnh động nhỏ đã trở thành một studio lớn nhất Hollywood. Tập đoàn Disney có trụ sở chính tên là Walt Disney Studios ở California, Hoa Kỳ. Biểu tượng là nhân vật chuột Mickey. Đối với hãng phim Walt Disney của Mỹ, hầu hết các bộ phim họat hình khi ra mắt đều có được những thành công lớn và có được những dấu ấn nhất định trong lòng khán giả ở mọi lứa tuổi trên khắp thế giới. Ngoài những giải thưởng về phim hoạt hình thì phần âm nhạc trong các của bộ phim hoat hinh của Walt Disney cũng được đánh giá rất cao và được trao giải mang tầm cỡ quốc tế như giải Oscar và giải Grammy.

        Nữ hoàng băng giá được đề cử cho nhiều hạng mục tại nhiều liên hoan phim quốc tế và đã giành chiến thắng tại một số cuộc thi danh giá như giải Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất và Ca khúc trong phim hay nhấtGiải Grammy lần thứ 57 năm 2015, nhạc phim Nữ hoàng băng giá được đề cử ở hai hạng mục: Nhạc phim xuất sắc nhấtnhạc nền phim xuất sắc nhất, ca khúc Let It Go nhận được một đề cử ở hạng mục Ca khúc cho phim xuất sắc nhất (nhạc sĩ Kristen - Anderson Lopez và Robert Lopez, ca sĩ Idina) 

Ở Nhật Bản Studio Ghibli là hãng phim sản xuất hoạt hình nổi tiếng nhất. Hãng phim đã góp một phần quan trọng đưa thể loại phim hoạt hình Nhật Bản vươn ra tầm thế giới. Hãng phim được thành lập năm 1985 bởi hai đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng Miyazaki Hayao và Takahata Isao. Biểu tượng của công ty là nhân vật Totoro trong bộ phim hoạt hình của Miyazaki có tiêu đề là Người bạn hàng xóm Totoro của tôi.

Nếu như ở đất nước Mỹ có rất nhiều nhạc sĩ viết nhạc phim hoạt hình thì tại hãng phim hoạt hình Ghibli của Nhật Bản chỉ có duy nhất một nhạc sĩ chuyên viết nhạc cho tất cả các bộ phim của mình (tính đến thời điểm hiện tại) đó là nhạc sĩ J. Hisaishi. Phần âm nhạc của các phim hoạt hình do hãng Ghibli luôn thành công tới mức không chỉ có người dân Nhật Bản mà rất nhiều các khán giả trên khắp thế giới đặc biệt là Châu Á đều thuộc lòng nhạc phim của Hisaishi. Thậm chí nhạc phim của ông còn được tổ chức thành một buổi hòa nhạc độc lập ở Nhật Bản. Một trong những đứa con tinh thần nổi tiếng nhất của J.Hisaishi đó chính là các tác phẩm trong phim hoạt hình Người bạn hàng xóm Totoro của tôi.

Nhìn chung, trong các bộ phim hoạt hình này chúng ta có thể thấy ngoài sự thành công về hình ảnh, nội dung, kỹ xảo…thì âm nhạc cũng là một phần rất quan trọng góp phần tạo nên sự thành công cho một bộ phim một cách hoàn chỉnh nhất. Thông qua âm nhạc, tác giả có thể lột tả được hầu hết các cung bậc cảm xúc của các nhân vật cũng như các bối cảnh trong nội dung bộ phim mà thậm chí không cần lời thoại khán giả vẫn có thể hiểu được ý nghĩa và tính chất của bộ phim đó như thế nào?

Các bộ phim hoạt hình của Mỹ và Nhật Bản hầu hết đều được các đạo diễn rất chú trọng vào phần âm nhạc nên họ thường làm việc theo cặp hoặc theo nhóm để hiệu quả công việc luôn ở mức độ cao nhất.

Để tìm hiểu hai tác phẩm âm nhạc Nữ hoàng băng giá Người bạn hàng xóm Totoro của tôi tại sao lại gặt hái được nhiều thành công đến vậy, không chỉ ở Mỹ và Nhật Bản mà còn ở các thành phố lớn trên thế giới nên chúng tôi xin chọn phần âm nhạc chuyển soạn từ hai bộ phim hoạt hình Nữ hoàng băng giáNgười bạn hàng xóm Totoro của tôi làm đề tài nghiên cứu. Sở dĩ chúng tôi chọn phần âm nhạc chuyển soạn để có thể nghiên cứu sâu hơn trên góc độ âm nhạc học. Tên đề tàì luận văn của chúng tôi là: “Phân tích phần âm nhạc chuyển soạn trong hai bộ phim hoạt hình Nữ hoàng băng giá và Người bạn hàng xóm Totoro của tôi”.

2. Lịch sử đề tài

Mặc dù các tác phẩm trong hai bộ phim hoạt hinh Nữ hoàng băng giáNgười bạn hàng xóm Totoro của tôi chưa được dàn nhạc trình diễn ở Việt Nam, thực tế cũng chưa có một bài phê bình hay một bài nghiên cứu nào mang tính khoa học về âm nhạc hoạt hình nói chung hay các tác phẩm của hai bộ phim này nói riêng được công bố tại Việt Nam. Ở trên thế giới nói chung hay đất nước Mỹ Và Nhật Bản nói riêng, chúng tôi cũng đã tìm được một số bài báo, sách, tạp chí nói về hai bộ phim hoạt hình trên như:

- Barrier, Michael (1999). Hollywood Cartoons: American Animation in Its Golden Age (trang 84-86, 144-151) giới thiệu về hãng phim hoạt hình Walt Disney

      - Solomon Charles (2013): “Nghệ thuật trong Nữ hoàng băng giá”, giới thiệu về nội dung và các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim.

      - Yshigawa Eyshi “Lịch sử âm nhạc Nhật Bản” NXB Shogen - 1990, giới thiệu tiểu sử của nhạc sĩ J.Hisaishi.

      - Kishibe Shigeo và nhiều tác giả khác “Lịch sử và lý luận” NXB Nhà hát sân khấu quốc gia - 1995 giới thiệu khái quát về bộ phim hoạt hình Người bạn hàng xóm Totoro của tôi.

- Ychida Ruriko “Dân ca và truyện kể âm nhac Okinawa” NXB Shinano - 1989, giới thiệu hai tác phẩm tiêu biểu được sử dựng trong bộ phim hoạt hình Người hàng xóm Totoro của tôi là: Stroll (đi dạo) và My neighbor Totoro (Người bạn hàng xóm Totoro của tôi).

- Tập thể 86 tác giả Nhật Bản biên soạn, ban biên tập: Ikeuchi Tojiro, Yamura Yoio, Fukubu Sachisan: “Từ điển âm nhạc thế giới” - NXB Đại học Harvard (tái bản lần thứ 2) - 1969, trang 48 - 51. (Giới thiệu về nhạc sĩ J.Hisaishi).

Nhìn chung, những tài liệu bằng tiếng Anh mà chúng tôi đã được tiếp cận thường mang tính chất giới thiệu khái quát qua về nội dung cũng như tên các tác phẩm của hai bộ phim hoạt hình… như vậy có thể nói đến giờ phút này chúng tôi vẫn chưa được tiếp cận các công trình nghiên cứu về âm nhạc trong các bộ phim hoạt hình nói chung và hai tác phẩm này nói riêng. Đây chính là khoảng trống mà hướng đề tài mà chúng tôi sẽ thực hiện trong luận văn này.

3. Mục tiêu nghiên cứu

Trong luận văn này chúng tôi muốn tìm ra những đặc điểm âm nhạc riêng trong hai tác phẩm Nữ hoàng băng giá của nhạc sĩ Bob và Người bạn hàng xóm Totoro của tôi của nhạc sĩ J.Hisaishi để hiểu tại sao hai nhạc sĩ lại gặt hái được nhiều thành công đến vậy.

4. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu chính trong luận văn là cấu trúc và đặc điểm âm nhạc trong hai tác phẩm chuyển soạn Nữ hoàng băng giá  Người bạn hàng xóm Totoro của tôi.

5. Phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp nghiên cứu được dùng trong luận văn gồm có: Phân tích, so sánh, đối chiếu, tổng hợp, quy nạp và nghị luận nhìn từ góc độ âm nhạc học.

6. Những đóng góp của đề tài

      Nghiên cứu về nhạc phim hoạt hình là một vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam. Thông qua việc phân tích phần âm nhạc chuyển soạn trong hai bộ phim. Luận văn sẽ đưa ra những nét đặc trưng riêng trong từng bộ phim của hai hãng phim hoạt hình lớn nhất thế giới để từ đó có thể làm tài liệu tham khảo cho các sinh viên sáng tác nói riêng và các nhạc sĩ, nghệ sĩ muốn tìm hiểu về nhạc phim hoạt hình nói chung.

      7. Bố cục luận văn

Mở đầu

Chương 1: Cấu trúc phần âm nhạc chuyển soạn từ hai bộ phim Nữ hoàng băng giá Người bạn hàng xóm Totoro của tôi.

Chương 2: Đặc điểm âm nhạc chuyển soạn từ hai bộ phim hoạt hình

Kết luận

CHƯƠNG 1

CẤU TRÚC PHẦN ÂM NHẠC CHUYỂN SOẠN TỪ HAI BỘ PHIM NỮ HOÀNG BĂNG GIÁNGƯỜI BẠN HÀNG XÓM TOTORO CỦA TÔI

1.1 Âm nhạc chuyển soạn từ phim hoạt hình Nữ hoàng băng giá

   1.1.1 Tác giả và nội dung phim

1.1.1.1. Nhạc sĩ Bob Krogstad

Bob Krogstad (1951 - 2015) [1, tr 67 - 69 trích dẫn Solomon Charles (2013): Nghệ thuật trong Nữ hoàng băng giá] là một nhà soạn nhạc, nhà cải biên và là nhà chỉ huy người Mỹ

1.1.1.2. Nội dung phim

Được dựa trên câu chuyện cổ tích phim hoạt hình Bà Chúa tuyết (The Snow Queen) của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen được hàng triệu trẻ em ở nhiều thế hệ yêu mến trong nhiều năm qua. Bô phim kể về hành trình của nàng công chúa trẻ gan dạ Anna đi tìm người chị gái của mình là Nữ hoàng băng giá - Elsa. Elsa là người trị vì vương quốc Arendelle và từ bé đã có quyền năng điều khiển gió, băng tuyết nhưng lại mắc kẹt trong vương quốc mùa đông vĩnh cửu vì một lời nguyền vô hình. Sau khi tình cờ đóng băng cả vương quốc, Elsa thu mình lại, không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai và muốn đắm chìm mãi trong mùa đông.

Đồng hành cùng công chúa Anna trong chuyến phiêu lưu tới xứ sở mùa đông là anh chàng leo núi Kristoff chuyên kinh doanh nước đá, chú tuần lộc Sven trung thành, vui nhộn và người tuyết biết nói Olaf. Tại miền đất có khí hậu khắc nghiệt với băng tuyết và giá lạnh bao phủ, cả nhóm vượt qua nhiều thử thách, chiến đấu với cả những con sói hung dữ và Người Tuyết khổng lồ để tới được vương quốc

    1.1.2 Cấu trúc âm nhạc

Trong phần chuyển soạn nhạc phim cho dàn nhạc, nhạc sĩ Bob Krogstad đã chia thành 5 phần theo nội dung trong phim với thứ tự như sau:

1. Trái tim băng giá (Frozen Heart)

2. Chị có muốn nặn người tuyết với em không? (Do you want to build a snow man)

3. Trong mùa hè (In Summer)

4. Hãy để nó đi (Let it go)

5. Lần đầu tiên trong đời (For the first time in forever)

1.1.2.1 Tiết mục 1

Tiết mục đầu tiên có tên là Trái tim băng giá gồm 40 nhịp với cấu trúc đoạn nhạc nhắc lại

1.1.2.2 Tiết mục 2

Tiết mục thứ hai trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá có tiêu đề là Chị có muốn nặn người tuyết không? có cấu trúc đoạn nhạc nhắc lại có thay đổi

1.1.2.3 Tiết mục 3

Tiết mục thứ ba trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá có tên gọi là Trong mùa hè. Phần này gắn liền với sự xuất hiện của nhân vật người tuyết Olaf và có cấu trúc hai đoạn đơn tái hiện

1.1.2.4 Tiết mục 4

Tiết mục thứ tư có tiêu đề Let It Go (Hãy đi đi), là ca khúc chính của phim nói về cảm xúc của nhân vật Elsa, có cấu trúc hai đoạn đơn dạng phát triển

1.1.2.5 Tiết mục 5

Tiết mục thứ năm có tiêu đề là Lần đầu tiên trong đời có cấu trúc ba đoạn đơn phát triển

 

1.2 Âm nhạc chuyển soạn từ phim hoạt hình Người bạn hàng xóm Totoro của tôi.

   1.2.1 Tác giả và nội dung phim

1.2.1.1 Nhạc sĩ Joe Hisaishi

Joe Hisaishi sinh năm 1950, là nhà soạn nhạc của hơn 100 tác phẩm cho các bộ phim, tất cả những tác phẩm này được nằm trong những album được phát hành từ năm 1981 trở lại đây. J.Hisaishi làm nhạc phim và đặc biệt là phim hoạt hình.

 

1.2.1.2 Nội dung phim

Gia đình ông Kusakabe chuyển về vùng nông thôn sinh sống. Ở căn nhà mới mà họ chuyển tới bị đồn là có ma ám. Hai chị em Satsuki (11 tuổi) và Mei (4 tuổi) vô cùng tò mò về điều ấy, ở đây hai chị em quen được bà lão hàng xóm tốt bụng và cháu trai bà Kanta.

Một lần chạy chơi trong khu rừng gần nhà, Mei đã tình cờ gặp thần rừng ở đó, là một con thú bụng bự rất dễ thương, cô bé gọi nó là Totoro theo tên con thú trong cuốn sách tranh của mình. Sau khi nghe Mei kể về mình đã gặp Totoro, cô chị Satsuki cũng mong muốn được gặp Totoro. Và hai chị em đã cùng được gặp lại Totoro khi ra bến xe buýt chờ bố. Từ đó cuộc sống của hai chị em bắt đầu thay đổi và cuộc phiêu lưu kì thú của hai chị em bắt đầu...

   1.2.2 Cấu trúc âm nhạc

Trong bộ phim hoạt hình Người bạn hàng xóm Totoro của tôi, nhạc sĩ J.Hisaishi đã sáng tác sáu tiết mục. Mỗi tiết mục đều có tiêu đề, có tính chất âm nhạc phù hợp với hình tượng, cảm xúc nhân vật và nội dung của phim.           

      1. Stroll Đi dạo (Stroll)

      2. Ngôi làng tháng 5 (The village in May)

      3. Đi thăm mẹ (Travelling soot mother)

 4. Nó là Totoro (It was Totoro)

 5. Con đường của gió (The Path of Wind)

 6. Đứa trẻ bị lạc (A lost child)

1.2.2.1 Tiết mục 1

Tiết mục thứ nhất có tiêu đề là Đi dạo, được viết ở hình thức biến tấu

1.2.2.2 Tiết mục 2

Tiết mục thứ hai có tiêu đề là Ngôi làng tháng 5 được viết ở hình thức Rondo

1.2.2.3 Tiết mục 3

Tiết mục thứ 3 có tiêu đề là Thăm mẹ, cấu trúc của tiết mục thứ được chia thành ba đoạn.

1.2.2.4 Tiết mục 4

Tiết mục thứ tư có tiêu đề là Nó là Totoro. Phần thứ tư có cấu trúc 3 đoạn tương phản.

1.2.2.5 Tiết mục 5

Tiết mục thứ năm có tiêu đề là Con đường của gió. Tiết mục thứ 5 được viết ở hình thức ba đoạn phức dạng Trio

1.2.2.6 Tiết mục 6

Tiết mục thứ 6 có tiêu đề là Đứa trẻ bị lạc được viết ở hình thức hai đoạn đơn dạng phát triển

Tiểu kết chương 1

Sau khi đi vào tìm hiểu và phân tích hai tác phẩm Nữ hoàng băng giá của nhạc sĩ Bob Krogstad và Người bạn hàng xóm Totoro của tôi của nhạc sĩ J. Hisaishi chúng tôi nhận thấy những đặc điểm như sau:

Về phương diện cấu trúc tác phẩm, tác phẩm vẫn được nhạc sĩ Bob chia theo câu, đoạn đôi khi đươc chia thành các phần, tỉ lệ giữa các phần cân xứng, kết cấu của các tiết mục khá giống nhau bởi luôn có phần mở đầu. Mỗi câu, mỗi đoạn lại ứng với tính cách và cảm xúc của từng nhân vật. Giai điệu chủ đề ở trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá thường phức tạp và đi sâu vào kỹ thuật. Mặc dù sử dụng rất nhiều các yếu tố hiện đại nhưng cấu trúc của tác phẩm vẫn được tác giả kế thừa cách sử dụng của các nhạc sĩ cổ điển điều này cho thấy tác phẩm Nữ hoàng băng giá phát triển các yếu tố âm nhạc hiện đại dựa trên cấu trúc cổ điển đã tạo nên sự dẫn nhập dễ dàng tới các khán giả trên khắp thế giới.

Cũng giống như tác phẩm Nữ hoàng băng giá, cấu trúc tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi cũng được nhạc sĩ J.Hisaishi dựa trên nguyên tắc cổ điển. Mặc dù ngày từ tiết mục thứ nhất tác giả đã sử dụng hình thức biến tấu nghiêm khắc trong sáng. Chủ đề âm nhạc được lấy từ một bài ca khúc thiếu nhi Nhật với tính chất trong sáng, vui tươi đã tạo nên một phong cách đặc trưng trong nhạc phim hoạt hình Nhật Bản là đơn giản và dễ nhớ.

Chúng ta có thể nhận thấy mặc dù là hai tác phẩm âm nhạc ở hai đất nước với những quan điểm thẩm mỹ khác nhau nhưng cách sử dụng cấu trúc giống nhau là vẫn dựa trên nguyên tắc cổ điển, sự khác biệt sẽ được tìm thấy ở những nhân tố âm nhạc khác mà chúng tôi sẽ đề cập trong chương 2 của luận văn.

                     CHƯƠNG 2

ĐẶC ĐIỂM ÂM NHẠC CHUYỂN SOẠN TỪ

 HAI BỘ PHIM HOẠT HÌNH

2.1 Cách xây dựng chủ đề gắn với hình tượng âm nhạc

 Trong hai tác phẩm Nữ hoàng băng giáNgười bạn hàng xóm Totoro của tôi các chủ đề âm nhạc đều được gắn liền với các nhân vật cũng như cảnh vật trong phim. Mỗi tác phẩm đều có những cách xây dựng chủ đề riêng, dưới đây chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này.

   2.1.1 Nữ hoàng băng giá

Các chủ đề trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá được xây dựng trên điệu thức 7 âm trưởng thứ Châu Âu kết hợp với hòa âm hiện đại theo phong cách Pop & Rock tạo nêm một âm hưởng mới mang đậm phong cách Mỹ.    

   2.1.2 Người bạn hàng xóm Totoro của tôi

Khác với tác phẩm Nữ hoàng băng giá tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi lại xây dựng các chủ đề âm nhạc từ các ca khúc thiếu nhi Nhật Bản, thường khai thác các chất liệu dân gian với điệu thức 5 âm và thường hướng tới sự đơn giản tạo sự dễ gần tới công chúng.

 

2.2 Phương pháp phát triển chủ đề

     Trong hai tác phẩm Nữ hoàng băng giáNgười bạn hàng xóm Totoro của tôi chủ để âm nhạc thường cô đọng và súc tích được thể hiện rất rõ ràng và dễ nhớ, mỗi lần chủ đề được nhắc lại hai nhạc sĩ lại sử dụng các phương pháp phát triển khác nhau nhằm tăng sự sinh động cho tác phẩm.

Sau quá trình phân tích ở trên chúng tôi nhận thấy cả hai tác phẩm Nữ hoàng băng giáNgười bạn hàng xóm Totoro của tôi được sử dụng các phương pháp để phát triển như chủ đề như: nhắc lại có thay đổi, biến tấu.

   2.2.1 Phương pháp nhắc lại có thay đổi

Phương pháp được hai nhạc sĩ sử dụng nhiều nhất trong các tiết mục của mình đó là phương pháp nhắc lại có thay đổi. Sự thay đổi này được thể hiện qua rất nhiều các yếu tố âm nhạc như: âm sắc, âm khu, kỹ thuật diễn tấu, điệu thức. Đối với tác phẩm Nữ hoàng băng giá, phương pháp này được sử dụng ở tiết mục thứ nhất và tiết mục thứ năm. Mỗi lần nhắc lại được thay đổi bằng các thủ pháp cũng như các yếu tố âm nhạc.

Tiết mục thứ nhất trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá chủ đề chính được bắt đầu từ nhịp 9 - 12 (xem lại ví dụ 63). Bắt đầu từ nhịp 24 giai điệu của chủ đề chính được nhắc lại. So với lần đầu tiên thì lần nhắc lại âm thanh được vang lên đày đặn hơn bởi sự diễn tấu của tất cả các âm sắc của bộ gỗ, âm khu được đẩy lên cao hơn. Nếu như ở chủ đề chính tác giả sự dụng điệu thức d-moll tự nhiên thì ở đoạn nhắc lại chủ đề lại được viết ở điệu thức d-moll giai điệu. Chúng ta có thể thấy trong tiết mục này tác giả đã thay đổi âm khu, âm sắc và điệu thức nhằm thể hiện rõ sự hùng dũng với nhịp đi của một đoàn người làm băng khi trở về.

JhRMQHXWdtZ0Lvim_vxize-dW0jLAIUR4jGH7M11eCozJsAQnrzmpBMsG2bO8X9MdBGBpJtEQQg0Tvbt-wDUSqvrZ9ereCrsQSRgRcotFdHYVnmLxGybBWsjbkEbwHd81o7EyriEnUxwSpJZAAVí dụ 75 : Chủ đề được nhắc lại và tăng cường thêm bè (24-25)

 

   

 

 

 

 

 

 

Nếu như phương pháp nhắc lại trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá được sử dụng ở tiết mục đầu tiên và tiết mục cuối cùng với hai tính chất âm nhạc là mạnh mẽ, nhẹ nhàng thì trong tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi nhạc sĩ J.Hisaishi thường sử dụng thủ pháp nhắc lại có thay đổi trong các tiết mục: tiết mục thứ hai, tiết mục thứ ba, tiết mục thứ năm với tính chất âm nhạc vui tươi và trong sáng.

Tiết mục thứ hai giai điệu của chủ đề được nhắc lại do tất cả các nhạc cụ của bộ dây diễn tấu. Âm khu được đẩy lên cao hơn làm âm nhạc trở nên mạnh mẽ và dày dặn hơn. Với sự nhắc lại này tác giả đã khéo léo khi đưa nó gắn kết với hình ảnh bao trùm cả vùng quê, với cây cối, với mái nhà và những con người thân thương. (Xem lại ví dụ 69 - chủ đề chính)

Ví dụ 75 : Chủ đề được nhắc lại thay đổi âm khu (39 - 41)

https://lh4.googleusercontent.com/1R-YMgfxA3QjbDCYoyGeLSD7Xc34_Nfx4FlCVxjqMytUOsJ2QuIesf9VMuroIlIZcKTrH57xRx8LBRgdO8k_fcknLqzifpcnUT365dunkpZcfyjKadGGoCREdmG8H-wdCzmDMRXm

 



      

 

   2.2.2 Phương pháp biến tấu

Phương pháp thứ hai được hai nhạc sĩ sử dụng đó là phương pháp biến tấu. Phương pháp này thực chất đã được các nhạc sĩ cổ điển sử dụng rất nhiều những trong hai tác phẩm này các nhạc sĩ khéo léo phát triển đề phù hợp với hình ảnh cũng như tính chất âm nhạc của tác phẩm.

Trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá phương pháp biến tấu được thể hiện ở tiết mục thứ hai và tiết mục thứ ba với tính chất âm nhạc vui nhộn và dí dỏm.

Đối với tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi phương pháp biến tấu được nhạc sĩ J.Hisaishi sử dụng trong tiết mục đầu tiên của tác phẩm. Sở dĩ vì tiết mục này được viết ở hình thức biến tấu nên chính vì thế các phương pháp phát triển được sử dụng đa dạng hơn. Chủ đề chính của tiết mục này được viết ở giọng C-dur và do bộ gỗ diễn tấu. Biến khúc thứ nhất giai điệu mô tiến quãng 2T đi lên chuyển sang giọng D-dur, giai điệu do bộ đồng diễn tấu. Biến khúc thứ hai, giai điệu chủ đề được xuất hiện ẩn không con rõ nét như chủ đề chính và biến khúc 1 bởi tác giả đã sử dụng thủ pháp biến tấu giai điệu trong biến khúc này. Nếu như chủ đề chính được sử dụng âm hình tiết tấu là đen trắng thì trong biến khúc 2 tác giả sử dụng các chùm 3 đơn và các âm của giai điệu chính lại năm ẩn trong đó nên đã tạo cho người ghe một cảm giác vô cùng mới mẻ. Biến khúc thứ 3 được phát triển giống với biến khúc thứ nhất nhưng là mô tiến một quãng 2t đi lên chuyển sang giọng Des-dur, giai điệu do Clarinet diễn tấu.

2.3 Hòa âm

   2.3.1 Giới thiệu các hợp âm được dùng trong tác phẩm

Tác phẩm Nữ hoàng băng giáNgười bạn hàng xóm Totoro của tôi đều được các nhạc sĩ sử dụng màu sắc của các hợp âm để làm tăng màu sắc cho tác phẩm cũng như làm rõ nét hơn về đặc điểm sáng tác của mỗi nhạc sĩ với hai phong cách âm nhạc khác nhau.

Trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá các hợp âm được thể hiện bằng các ký hiệu của hòa âm hiện đại, dưới đây chúng tôi sẽ thống kê ký hiệu các hợp âm được sử dụng nhiều trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá:

Hợp âm

Nốt nhạc

Hợp âm

Nốt nhạc

Dmi

Ddim7

Dmi/A

B13

Dmi7b5

Ema7/ G#

Abmi6

Bbsus4

C+/F#

Ebsus2

 

       

https://lh4.googleusercontent.com/N5dgC6ioQKrhCVcHRj3JcRrwNo9ynYSmz4VhQBFnRuIOMbeIB_2vipn4Dl_mS2fWWizFAHb2wsWBQy1MSk5LHNG7DcOteaWQAsZ_BUjpfDPwRWmfBB1fZtgLv_UDymV_uaJCFvcO8YUC-yOZUAVí dụ: Các hợp âm được sử dụng trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá

 

 

 

 

Khác với tác phẩm Nữ hoàng băng giá, tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi nhạc sĩ J. Hsaishi chỉ sử dụng các hợp âm T, S, D và vòng kết nối tiếp theo truyền thống cổ điển. Sở dĩ âm nhạc trong tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi tất cả các yếu tố âm nhạc đều hướng tới sự đơn giản đề phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi cũng như nội dung của bộ phim.

   2.3.2 Tiến trình hòa âm

Tiến trình hòa âm được coi là một yếu tố vô cùng quan trọng trong một tác phẩm âm nhạc bởi thông qua tiến trình hòa âm người nhạc sĩ có thể làm nổi bật đặc điểm sáng tác của mình đồng thời sẽ tạo nên những hiệu quả âm thanh rõ rệt và điển hình là các tác phẩm viết cho nhạc phim nói chung và nhạc phim hoạt hình nói riêng.

Trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá các hợp âm 7, hợp âm 9, hợp âm 13 nối tiếp nhau liên lục mà gần như không có sự giải quyết về hợp âm chủ sau đó đã tạo cho người nghe có cảm giác rất kịch tính, các câu kết đôi không về hợp âm chủ mà kết lửng về một hợp âm khác đã tạo nên một hướng đi mới cho tác phẩm này.

Tiến trình hoà âm được sử dụng trong tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi được tác giả sử dụng hoàn toàn theo truyền thống cổ điển các hợp âm nghịch đều được giải quyết sau khi xuất hiện.

2.4 Phối khí

Nghệ thuật phối khí giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nên sự thành công của một tác phẩm âm nhạc. Đặc biệt, đối với một bộ phim hoạt hình thì phối khí là một yếu tố cần thiết hơn bao giờ hết bởi thông qua phối khí, màu sắc của các nhạc cụ được người nhạc sĩ truyền tải đến người nghe những cảm xúc chân thật nhất về đặc điểm tính cách, hình tượng nhân vật cũng như nội dung phim. Hai tác phẩm Nữ hoàng băng giá Người bạn hàng xóm Totoro của tôi cũng được hai nhạc sĩ đặc biệt chú trọng về phần phối khi. Mặc dù cùng là những tác phẩm giao hưởng viết cho phim hoạt hình, nhưng vì quan điểm thẩm mỹ giữa phương đông và phương tây khác nhau nên phương pháp sử dụng nghệ thuật phối khí trong hai tác phẩm cũng có những sự khác biệt rõ rệt.

 

   2.4.1 Biên chế dàn nhạc

Trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá tác giả đã sử dụng thêm nhạc cụ điện tử Electric Bass và Electric Piano đã tạo nên một màu sắc âm nhạc mới.

Electric piano - Nhạc cụ này đã giả tiếng của rất nhiều các nhạc cụ bộ gõ khác như: Vibraphone, Tamburino đã tạo cho âm nhạc của toàn tác phẩm trở nên đầy màu sắc.

Cũng như tác phẩm Nữ hoàng băng giá, tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi cũng sử dụng đầy đủ bốn bộ và các nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng nhưng điểm đặc biệt trong tác phẩm này đó là nhạc sĩ J. Hisaishi đã sử dụng thêm hơn 20 nhạc cụ bổ sung thuộc bộ gõ đã tạo nên sự khác biệt về biên chế dàn nhạc giữa hai tác phẩm.

Mặc dù sử dụng biên chế dàn nhạc khá lớn nhưng nhạc sĩ J.Hisaishi lại rất tinh tế trong việc lựa chọn các nhạc cụ diễn tấu, tùy vào từng tiết mục mà ông có thể sử dụng đầy đủ hoặc chỉ một vài nhạc cụ trong biên chế dàn nhạc mà thôi. Đặc biệt, trong tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi nhạc sĩ đã sử dụng hơn 20 nhạc cụ mở rộng nhằm tăng thêm sự sinh động và mới mẻ cho tác phẩm.

Việc mở rộng biên chế dàn nhạc và thêm vào những nhạc cụ mới là một điều không còn quá mới mẻ nhưng sự góp mặt của các nhạc cụ truyền thống vào biên chế dàn nhạc trong tác phẩm này mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó khẳng định vị trí và nâng cao vai trò của các nhạc cụ dân tộc trong những sáng tác giao hưởng. Nhạc sĩ đã vạch ra một hướng đi mà được rất nhiều các nhạc sĩ Nhật Bản áp dụng.

   2.4.2 Phối cho giai điệu

Trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá tác giả đã sử dụng rất nhiều âm sắc của bộ gỗ để diễn tấu giai điệu, điển hình là tiết mục thứ nhất “trái tim băng giá”. Bộ phim hoạt hình Nữ hoàng băng giá được bắt đầu bằng hình ảnh lưỡi cưa băng của một nhóm người lao động đang cắt những tảng băng để đem đi bán. Với hình ảnh và nội dung phim như vậy, tác giả đã sử dụng toàn bộ âm sắc của bộ gỗ để diễn tấu nhằm thể nhạc sĩ Bob khi muốn âm nhạc và hình ảnh được lồng ghép vào với nhau một cách hợp lý nhất.

Cũng giống như tác phẩm Nữ hoàng băng giá, tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi được nhạc sĩ J.Hisaishi rất chú trọng vào màu sắc của bè giai điệu. Trong tác phẩm này nhạc sĩ thường sử dụng phương pháp luân chuyển giữa các bè để diễn tấu giai điệu. Các câu, đoạn trong tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi được phân chia rất rõ ràng nên tác giả đã sử dụng màu sắc của các nhạc cụ trong 4 bộ tạo sự phong phú cho tác phẩm đồng thời các hình tượng nhân vật cũng được thể hiện theo âm nhạc một các phong phú hơn.

   2.4.3 Phối cho bè hòa âm

Trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá, tác giả sử dụng bộ gỗ và bộ đồng phối cho giai điệu là chủ yếu, chính vì thế trong tác phẩm này bộ dây và bộ gõ luôn đảm nhận vai trò về hòa âm. Bộ dây được sử dụng các nốt đen cùng với sự xuất hiện của các dấu nhấn ở tất cả các phách đã tạo điểm nhấn cho tác phẩm đồng thời hỗ trợ về màu sắc cũng như nhịp điệu cho bè giai điệu.

Đặc điểm nổi bật trong tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi đó chính là cách sử dụng các nhạc cụ gõ với vai trò là bè đệm. Nhạc sĩ J.Hisaishi đã kết hợp những nhạc cụ gõ truyền thống của đất nước mình với các nhạc cụ gõ phương tây đã tạo nên những hiệu quả âm thanh vô cùng rõ rệt.

   2.4.4 Sự kết hợp âm sắc giữa các bộ

Trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá nhạc sĩ Bob còn sử dụng rất nhiều đoạn tutti cả dàn nhạc cũng như kết hợp màu sắc giữa các bộ để thể hiện giai điệu chính. Trong tiết mục thứ 5 của tác phẩm Nữ hoàng băng giá, tác giả đã kết hợp âm sắc giữa bộ gỗ và bộ dây, âm sắc của hai bộ này khi vang lên gần giống nhau, lại rất phù hợp với tính chất âm nhạc cũng như nội dung phim của đoạn này đó là thể hiện được sự cao trào cũng như một cái kết vô cùng rực sáng.

Trong tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi, nhạc sĩ J.Hisaishi thường xuyên kết hợp âm sắc giữa các bộ với nhau nhằm thể hiện rõ tính chất từng phân cảnh cũng như từng cảm xúc của mỗi nhân vật. Với hình ảnh yên bình và cuộc sống thường ngày ở vùng nông thôn tác giả đã sử dụng sự kết hợp giữa âm sắc của bộ gỗ và Xylophone

   2.4.5 Kỹ thuật diễn tấu

Là một tác phẩm viết cho dàn nhạc vì vậy những kỹ thuật diễn tấu trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá hết sức đa dạng. Trong tác phẩm này tác giả đặc biệt chú ý tới việc khai thác kỹ thuật của các nhạc cụ.

So với tác phẩm Nữ hoàng băng giá thì tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi sử dụng ít kỹ thuật diễn tấu hơn, sở dĩ đây là một tác phẩm mà tác giả chú ý đến yếu tố âm nhạc đan xen giữa phương Đông với phương Tây và làm thế nào để nó có thể đến với công chúng một cách dễ dàng nhất và đặc biệt là các em thiếu nhi, chính vì thế nên nhạc sĩ J.Hisaishi đã không sử dụng các kỹ thuật phức tạp vào trong tác phẩm. Một số kỹ thuật điển hình hầu hết được xuất hiện ở bộ dây, các bè còn lại chỉ sử dụng các chất liệu âm nhạc để phát triển.

Tiểu kết chương 2

Sau khi phân tích về phối khí giữa hai tác phầm Nữ hoàng băng giá của nhạc sĩ Bob và Người bạn hàng xóm Totoro của tôi, chúng tôi có một số nhận xét như sau:

      Về cách xây dựng chủ đề: Tác phẩm Nữ hoàng băng giá của nhạc sĩ Bob, chủ đề thường được viết ở hình thức đoạn nhạc, các chủ đề thường nằm ở đoạn thứ nhất nhưng đôi khi lại nằm ở đoạn thứ 2 của tiết mục. Các chủ đề của tác phẩm được thể hiện khá phức tạp so với các tác phẩm dành cho thiếu nhi, giai điệu liền bậc xen kẽ với các bước nhảy, sử dụng chủ yếu là tiết tấu móc giật kết hợp với đảo phách và nghịch phách, luật nhịp và sắc thái được thay đổi liên tục để phù hợp với nội dung và tính cách nhân vật. Khác với Nữ hoàng băng giá tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi lại được xây dựng chủ đề rất đơn giản với những nét giai điệu dễ nhớ, chủ yếu ở giọng C-dur, mạch đập tiết tấu đều đặn rất phù hợp với thiếu nhi. Chúng ta có thể thấy quan điểm thẩm mỹ khác nhau nên cách xây dựng chủ đề của hai tác phẩm cũng khác nhau. Tác phẩm Nữ hoàng băng giá luôn thể hiện được sự lộng lẫy và hoành tráng thì tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi lại luôn đơn giản, nhỏ xinh như đúng tính chất của nó vậy!

Về hòa âm, hai tác phẩm đều sử dụng các dạng hợp âm 3 và hợp âm 7 nhưng tác phẩm Nữ hoàng băng giá luôn có những sự thay đổi các âm trong hợp âm đó hay sự xuất hiện của các biến thể của hợp âm 7 như: hợp âm 6, hợp âm 9 và hợp âm 13 đã thể hiện những phong cách mới trong hòa âm hiện đại nói trong và trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá nói riêng.

Về phối khí, hai tác phẩm đều sử dụng các nhạc khí thuộc biên chế dàn nhạc giao hưởng và phát triển thêm các nhạc cụ mới để phù hợp với quan điểm thẩm mỹ cũng như tính chất âm nhạc của tác phẩm. Đối với tác phẩm Nữ hoàng băng giá, tác giả sử dụng thêm các nhạc cụ điện tử nhằm đổi mới và tạo những âm sắc khác biệt nhằm thể hiện những cá tính riêng biệt của từng nhân vật cũng như thể hiện các tình tiết của nội dung phim. Đây là một cách thức sử dụng mới và rất hiện đại của các nhạc sĩ phương Tây. Khác với Nữ hoàng băng giá thì tác phẩm Người hàng xóm Totoro của tôi lại được tác giả tăng cường thêm rất nhiều các nhạc cụ bộ gõ. Với quan điểm thẩm mỹ của các nhạc sĩ Châu Á thì âm thanh thực của các nhạc khí sẽ đem lại những hiệu quả tốt hơn, và quả thực cách sử dụng đó rất phù hợp với trẻ em Nhật Bản nói riêng và trẻ em Châu Á nói chung.

Về cách sử dụng giai điệu, chúng ta có thể nhận thấy cùng với một cách sử dụng âm sắc nhưng chúng lại tạo ra những tính chất âm nhạc khác nhau. Nếu như trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá, âm sắc của bộ đồng được sử dụng với tính chất sâu lắng và đầy cảm xúc khi Elsa muốn thể hiện những cảm xúc của mình thì trong tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi tác giả lại sử dụng bộ đồng với tính chất rất nhí nhảnh và vui tươi khi Totoro xuất hiện. Cách sử dụng hòa âm giữa hai tác phẩm cũng có nhiều nét tương đồng khi hai nhạc sĩ đã sử dụng triệt để âm sắc của các nhạc cụ bộ gõ. Chúng ta có thể nhận thấy trong hai tác phẩm Nữ hoàng băng giáNgười bạn hàng xóm Totoro của tôi xuất hiện rất nhiều các nhạc cụ bộ gõ. Nếu như trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá tác giả sử dụng các nhạc cụ bộ gõ trên phím đàn điện tử và hầu hết các nhạc cụ đó được diễn tấu trong phần mở đầu của các tiết mục thì tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi lại sử dụng tới hơn 20 nhạc cụ gõ truyền thống và hiện đại ngồi trực tiếp trong dàn nhạc để đảm nhiệm vai trò bè đệm và được sử dụng chủ yếu trong cơ cấu của tác phẩm và làm nền cho bè giai điệu.

Chúng ta có thể thấy cùng là phim hoạt hình nhưng âm nhạc được sử dụng trong phim được các tác giả sử dụng tương phản nhau rất nhiều bởi quan điểm thẩm mỹ cũng như tính chất và nội dung của mỗi bộ phim. Nhưng ở cách thức nào hai nhạc sĩ cũng đều rất thành công và nhận được sự đón nhận của giới chuyên môn cũng như khán giả trên khắp thế giới.

Kết luận

            Ghibi và Walt Disney là hai hãng phim hoạt hình lớn nhất thế giới. Mặc dù mỗi một hãng phim là của một đất nước với những quan điểm thẩm mỹ khác nhau nhưng đều có một điểm chung là có tính nhân văn cao và đặc biệt là sự đầu tư về phần âm nhạc cho mỗi một bộ phim, Các tác phẩm âm nhạc của hai hãng phim không những chỉ được thành công tại Mỹ và Nhật Bản mà còn thu hút được khán giả mọi lứa tuổi trên toàn thế giới. Yếu tố âm nhạc trong hai bộ phim hoạt hình trên nói riêng và thể loại nhạc phim hoạt hình nói chung là vô cùng quan trọng bởi thông qua âm nhạc khán giả có thể hiểu rõ và có nhiều những cung bậc cảm xúc về nội dung phim, tính cách nhân vật cũng như những tình tiết được diễn ra trong phim, và hơn nữa âm nhạc ở đây không phải chỉ là sự minh họa hay nhại lại mà còn phải là sự sáng tạo của mỗi nhạc sĩ viết nhạc phim. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã từng nói: “Một trong những tính chất cơ bản của nhạc phim là khí nhạc (tức là nhạc không lời). Hay nói cách khác, ngôn ngữ nhạc phim chính là ngôn ngữ của khí nhạc. Chúng ta phải hiểu khí nhạc là sự biểu hiện bằng âm thanh của dàn nhạc nên đòi hỏi phải có ngôn ngữ riêng. Tính chất minh họa trong nhạc phim là có nhưng đặc tính của âm nhạc trong phim chính là sự biểu hiện. Người nhạc sĩ viết nhạc cho phim cũng giống như một viên phi công phải có tay lái giỏi. Người viết nhạc không phải minh họa lại hình ảnh mà phải là một nhà sáng tạo, có đủ kỹ năng về chuyên môn và có đủ độ tư duy, trong đó nhiệt độ sáng tạo là quan trọng”. [trích bài phỏng vấn trong Thế giới điện ảnh ngày 8 - 10 - 2012].

Hai tác phẩm Nữ hoàng băng giáNgười bạn hàng xóm Totoro của tôi đều có cấu trúc theo kiểu cổ điển. Trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá, với quan điểm thẩm mỹ của Mỹ nên âm nhạc luôn sáng chói và rộng lớn. Và để chứng minh cho quan điểm thẩm mỹ đó, trong tác phẩm chủ yếu sử dụng điệu thức 7 âm trưởng thứ trên nền hòa âm được trình bày theo phong cách nhạc Jazz. Pop, Rock. Ngoài ra tác phẩm còn sử dụng thêm các nhạc cụ điện tử thêm vào dàn nhạc và rất chú trọng bộ đồng. Cũng là những tác phẩm âm nhạc gắn liền với nội dung phim nhưng với quan điểm thẩm Mỹ của châu Á, tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi có những điểm khác biệt rõ rệt. Các tiết mục trong tác phẩm chủ đề hầu như được lấy từ các ca khúc thiếu nhi Nhật Bản, sử dụng chủ yếu là các điệu thức 5 âm, hòa âm cổ điển kết hợp với các chồng quãng 4 và đặc biệt là sự xuất hiện của các nhạc cụ gõ Nhật Bản đã tạo nên sự tương phản giữa hai tác phẩm.

Âm nhạc trong phim Nữ hoàng băng giá của nhạc sĩ Bob Krogstad rất sâu sắc, mang tính học thuật cao bởi những mâu thuẫn trong tính cách cũng như sự phức tạp trong việc khắc họa hình tượng nhân vật. Trong tác phẩm Nữ hoàng băng giá, âm nhạc được sử dụng gắn liền với cảm xúc cũng như tâm tư của nhân vật, khi buồn, vui hay tâm trạng hỗn độn, mỗi tiết mục, mỗi nhân vật lại được thể hiện bằng những tính chất âm nhạc khác nhau nhưng đều được tác giả gắn kết lại với nhau vô cùng tinh tế, thậm chí các khán giả khi xem phim có thể biết được nhân vật nào đang được xuất hiện bởi sự vang lên của các chủ đề âm nhạc. Là một bộ phim hoạt hình được yêu thích nhất đồng thời có nhiều giải thưởng về âm nhạc nhất Nữ hoàng băng giá thực sử đã thuyết phục được giới chuyên môn cũng như các khán giả khó tính nhất. Việc đưa nhạc cụ điện tử vào trong dàn nhạc giao hưởng đã phần nào tạo nên đặc điểm sáng tác của nhạc sĩ Bob nói riêng và các nhạc sĩ châu Âu nói chung bởi âm sắc của các nhạc sụ điện tử khi đưa vào trong phim hoạt hình tạo nên những hiệu quả âm thanh vô cùng độc đáo. Tác phẩm Nữ hoàng băng giá không chỉ đơn thuần là dành cho các bạn thiếu nhi mà còn gây được ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ đối với mọi lứa tuổi.

Âm nhạc trong bộ phim Người bạn hàng xóm Totoro của tôi vô cùng trong sáng và dễ đi vào lòng người. Nhạc sĩ J.Hisaishi đã sử dụng các ca khúc thiếu nhi để phù hợp với lứa tuổi mà bộ phim đang hướng tới, hơn nữa trong các cảnh chính của bộ phim tác giả lại chọn lựa những giai điệu được trích từ các chủ đề của tác phẩm đã tạo cho người nghe một cảm giác rất dễ nghe và gần gũi. Khác với tác phẩm Nữ hoàng băng giá, tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi được nhạc sĩ J.Hisaishi sử dụng âm nhạc gắn kết với các cảnh của bộ phim, cảnh ở đây không chỉ đơn thuần là cảnh thiên nhiên mà là những cảnh vui đùa của hai chị em, cảnh hạnh phúc, vui vẻ của ba bố con hay những cảnh thần tiên khi Totoro xuất hiện… Với rất nhiều những cảnh khác nhau, âm nhạc cũng cần thay đổi liên tục để phù hợp với tính chất của những cảnh đó. Mỗi tiết mục với những tên gọi và chủ đề âm nhạc khác nhau, nhạc sĩ J.Hisaishi quả thực đã rất khéo léo khi lồng ghép âm nhạc và hình ảnh với nhau. Âm nhạc trong tác phẩm Người bạn hàng xóm Totoro của tôi khiến người nghe luôn có cảm giác chính như cảm xúc của mình vậy! Bộ phim Người hàng xóm Totoro của tôi được coi là nền tảng cho các bộ phim hoạt hình Châu Á nói chung, nó phù hợp với trẻ con Châu Á và hình tượng nhân vật Totoro đã chính thức trở thành hình ảnh đại diện của hãng phim hoạt hình lớn nhất Châu Á.

Chúng ta có thể thấy những bộ phim hoạt hình của Walt Disney và Ghilbi luôn mang lại cho khán giả ấn tượng đặc biệt về âm nhạc. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và hình ảnh đã tạo nên thành công cho những thước phim hoạt hình kinh điển. 

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn