Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12213453
Luận văn Thạc sĩ Thứ sáu, 19/04/2024

Tác giả: Nguyễn Quỳnh Ngọc
Đề tài: Giảng dạy các tác phẩm độc tấu với dàn nhạc cho đàn Tam thập lục tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Chuyên ngành: PPGDCNAN (Đàn Tam thập lục)
Mã số: 60.21.02.02
Người hướng dẫn: PGS.TS. Bùi Huyền Nga 
Ngày đăng: 05/10/2016

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn:

 

PHẦN MỞ ĐẦU

1.Lý do chọn đề tài:

Tính từ thời điểm cây đàn Tam thập lục mới du nhập vào Việt Nam đến nay đã từng trải qua nhiều lần chế tác dưới bàn tay tài hoa của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân Việt đề cây đàn dần được Việt hóa và mang đậm bản sắc dân tộc. Trong những năm gần đây, cây đàn cũng ngày càng khẳng định được chỗ đứng vững vàng trong gia đình các nhạc cụ truyền thống Việt Nam cũng như trong đời sống âm nhạc nước nhà. Một trong những yếu tố tác động đến sự trưởng thành đó là sự xuất hiện nhiều tác phẩm có chất lượng được sáng tác riêng cho cây đàn Tam thập lục độc tấu với dàn nhạc. Các tác phẩm đó vừa mang âm hưởng dân gian, có sự tiếp thu âm nhạc cổ điển và một số mang bóng dáng của âm nhạc đương đại. Thoát khỏi vai trò chỉ nằm ở phần đệm trong dàn nhạc, cây đàn Tam thập lục đã khoác lên mình một diện mạo mới, một tư cách mới – là trung tâm khi trình diễn cùng dàn nhạc. Đồng nghĩa với nó là trách nhiệm, bản lĩnh, sự kết nối của người độc tấu trong dàn nhạc được đặt ở vị trí cao hơn. Từ những điều trên, làm thế nào giảng dạy SV hiểu và trình diễn các tác phẩm độc tấu với dàn nhạc đã, đang trở thành nhu cầu cấp bách cần được quan tâm. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy và luyện tập các tác phẩm vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm như: việc giảng dạy theo kinh nghiệm và tư duy truyền nghề trong dạy nhạc cổ còn ảnh hưởng khá nhiều đến việc dạy tác phẩm, sinh viên chưa thực sự có phương pháp luyện tập một cách khoa học, số lượng tác phẩm có phần phối khí cho dàn nhạc đệm không nhiều và chưa thực sự đồng nhất, cơ sở đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được việc bổ sung kiến thức, kĩ năng, kĩ thuật trình diễn các tác phẩm cho SV … khiến kết quả học tập chưa cao. Với những trăn trở trên, tôi mạnh dạn chọn đề tài: “Giảng dạy các tác phẩm độc tấu với dàn nhạc cho đàn Tam thập lục tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam” làm đối tượng nghiên cứu của luận văn.

2. Lịch sử đề tài:                                 

Một số công trình nghiên cứu viết về đàn Tam thập lục và phương pháp giảng dạy đàn Tam thập lục mà chúng tôi được tiếp cận, có thể kể đến như :

- Một số vấn đề giảng dạy đàn 36 dây tại Nhạc viện Hà Nội. Luận văn Cao học của Nguyễn Thị Phúc, Nhạc viện Hà Nội (2000).

- Một số nghiên cứu kĩ năng hòa tấu – đệm của đàn Tam thập lục. Luận văn Cao học của Nguyễn Thị Thanh Hằng, Nhạc viện Hà Nội (2005).

- Giảng dạy tác phẩm mới cho đàn Tam thập lục tại Học viện âm nhạc Huế. Luận văn Cao học của Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Học viện âm nhạc Huế (2014)…

Những công trình trên chủ yếu đề cập một cách khái quát về nguồn gốc, kĩ thuật diễn tấu của cây đàn, khảo sát thực trạng giảng dạy bộ môn đàn Tam thập lục tại khoa Nhạc cụ truyền thống HVANQGVN nhưng cách đây đã hơn chục năm.

Liên quan đến tác phẩm mới cho đàn Tam thập lục là luận văn của Nguyễn Thị Quỳnh Trang với tiêu đề: Giảng dạy tác phẩm mới cho đàn Tam thập lục tại Học viện âm nhạc Huế nhưng luận văn mới chỉ dừng lại ở sự tổng hợp các tác phẩm mới viết cho đàn Tam thập lục từ bậc Trung cấp đến bậc Đại học đồng thời có nhắc đến 5/6 tác phẩm chúng tôi chọn trong đề tài nghiên cứu đó là: Cao nguyên xanh, Rặng cây trước gió, Niềm vui mới, Thu sang, Vũ khúc Chăm và lựa chọn 3 tác phẩm để phân tích kĩ thuật phần độc tấu là : Cao nguyên xanh, Niềm vui mới, Thu sang mà chưa gắn với việc kết hợp cùng dàn nhạc. Thiết nghĩ, kết quả nghiên cứu của công trình này sẽ là tư liệu quí để chúng tôi tham khảo trong quá trình thực hiện đề tài. Hy vọng, công trình nghiên cứu của chúng tôi sẽ đưa ra được những nét mới trong phân tích tìm hiểu tác phẩm và phương pháp giảng dạy với đối tượng là các tác phẩm độc tấu với dàn nhạc.

Bên cạnh một số công trình nghiên cứu về cây đàn Tam thập lục và phương pháp giảng dạy cây đàn này, chúng tôi còn được tiếp cận với một số tư liệu dạy học như:

- Tuyển tập các tác phẩm Việt Nam soạn cho Tam thập lục do nhóm giảng viên bộ môn Tam thập lục khoa Nhạc cụ truyền thống, Nhạc viện Hà Nội biên soạn (1997), Trung tâm TT và Thư viện âm nhạc Hà Nội.

- Nhạc khí dân tộc Việt Nam của đồng tác giả Lê Huy-Huy Trân (1984).

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu bao gồm các vấn đề liên quan đến: đặc điểm và kỹ thuật diễn tấu của các tác phẩm viết cho đàn Tam thập lục độc tấu với dàn nhạc, chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy.

- Phạm vi nghiên cứu của đề tài giới hạn trong phạm vi khảo sát và áp dụng cho đối tượng học là sinh viên đại học tại HVANQGVN với phương pháp giảng dạy sáu tác phẩm “Rặng cây trước gió” sáng tác NSƯT Đinh Hà Linh, “Thu sang” sáng tác NGND Xuân Khải, “Áo tứ thân” sáng tác NSUT Hoa Đặng, “Niềm vui mới” sáng tác NSƯT Triệu Tiến Vượng, “ Vũ khúc Chăm” sáng tác NSND Nguyễn Tiến, “Cao nguyên xanh” sáng tác NSƯT Trần Văn Luận đồng thời phân tích tác phẩm tìm ra những đặc điểm, kĩ thuật diễn tấu trong tác phẩm, mục tiêu hướng tới của luận văn sẽ là: đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các tác phẩm độc tấu với dàn nhạc cho đàn Tam thập lục - một phần học quan trọng của sinh viên đàn Tam thập lục.

5. Phương pháp nghiên cứu:

Một số phương pháp được dùng để nghiên cứu đề tài :

- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: thống kê, phân tích, so sánh, diễn giải, quy nạp để đưa ra kết luận.

- Phương pháp khảo sát, thu thập tài liệu (giáo trình, giáo án, sách, tài liệu tham khảo, DVD...).

- Phương pháp chuyên gia: tìm hiểu, trao đổi và tham khảo các giảng viên, nghệ sĩ trực tiếp giảng dạy và biểu diễn...

- Phương pháp thực nghiệm sư phạm.

6. Đóng góp của đề tài:

Tổng hợp các kỹ thuật diễn tấu và mối quan hệ giữa phần độc tấu với dàn nhạc của sáu tác phẩm tiêu biểu được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu.

- Đưa ra phương pháp giảng dạy hiệu quả các tác phẩm mới, nhất là các tác phẩm độc tấu với dàn nhạc, qua đó tìm tiếng nói chung đối với phương pháp giảng dạy của các giảng viên trong khoa nhạc cụ truyền thống.

- Nâng cao hiệu quả độc tấu tác phẩm độc tấu với dàn nhạc cho đàn Tam thập lục.

- Nâng cao khả năng trình diễn cùng dàn nhạc.

7. Bố cục luận văn:

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn sẽ được trình bày trong hai chương:

- Chương 1: Vài nét về các tác phẩm và thực trạng giảng dạy các tác phẩm độc tấu với dàn nhạc cho sinh viên đàn Tam thập lục tại Học viện ANQGVN.

- Chương 2: Một số giải pháp.

CHƯƠNG 1

 VÀI NÉT VỀ CÁC TÁC PHẨM VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY CÁC TÁC PHẨM ĐỘC TẤU VỚI DÀN NHẠC CHO SINH VIÊN ĐÀN TAM THẬP LỤC TẠI HỌC VIỆN ANQGVN

1.1. Vài nét về các tác phẩm Tam thập lục độc tấu với dàn nhạc.

Trong luận văn này, chúng tôi chỉ giới hạn ở việc giới thiệu sáu tác phẩm tiêu biểu viết riêng cho cây đàn Tam thập lục độc tấu với dàn nhạc hiện đang được giảng dạy tại HVANQGVN là: tác phẩm “Thu sang” sáng tác NGND Xuân Khải, tác phẩm “Niềm vui mới” sáng tác NSƯT Tiến Vượng, tác phẩm “Áo tứ thân” sáng tác NSƯT Hoa Đăng, tác phẩm “Rặng cây trước gió” sáng tác NSƯT Đinh Linh, tác phẩm“Vũ khúc Chăm” sáng tác NSND Nguyễn Tiến, tác phẩm “Cao nguyên xanh” sáng tác NSƯT Trần Luận. Đây đều là những tác phẩm được sử dụng khá rộng rãi trong chương trình đào tạo bậc Đại học tại HVANQGVN.

1.1.1.Khái quát các tác phẩm.

Thu sang

Tác phẩm “Thu sang”  được NGND Xuân Khải viết cho đàn Tam thập lục độc tấu cùng tốp nhạc đệm vào khoảng đầu những năm 1990. Tác phẩm được biết đến như một bức tranh phong cảnh mùa hạ sang thu đẹp và lãng mạn.

Niềm vui mới

Tác phẩm “Niềm vui mới” được NSƯT Triệu Tiến Vượng ấp ủ qua nhiều năm (từ năm 1981 đến năm 2009) mới hoàn thành. Biên chế dàn nhạc gồm: violin, viola, cello, contrabass (hoặc bass), sáo tiêu.

Áo tứ thân

Tác phẩm “ Áo tứ thân”  được chính NSƯT Hoa Đăng sáng tác và thu âm vào năm 2003, “Áo tứ thân”được hình thành và phát triển từ làn điệu “Trèo lên trái núi Thiên Thai” (dân ca Quan họ Bắc Ninh) với giai điệu đẹp mang phong cách đương đại nhưng vẫn giữ được âm hưởng của của âm nhạc dân gian đặc sắc.

Vũ khúc Chăm

Tác phẩm khúc Chămcủa NSND Nguyễn Tiến được sáng tác vào năm 2006.Tác phẩm lấy chất liệu âm nhạc Chăm đặc biệt với việc sử dụng nhịp 5/4, đã tạo sự khác biệt với các loại nhịp chẵn 2/4, 4/4 đã dùng trước đây.

Cao nguyên xanh

Tác phẩm “ Cao nguyên xanh”  được NSƯT Trần Luận sáng tác cho cây đàn Tam thập lục độc tấu với dàn nhạc. Tác phẩm hoàn thiện lần cuối vào năm 2008 lấy chất liệu âm nhạc Tây nguyên mà cụ thể là thang âm trong dân ca Ede, Gia Rai.

Rặng cây trước gió

Tác phẩm “ Rặng cây trước gió”  là tác phẩm có tầm vóc nhất của NSƯT Đinh Linh sáng tác cho đàn Tam thập lục. Tác giả đã khai thác được rất nhiều kĩ thuật từ đơn giản đến phức tạp, với cách xử lí sắc thái rõ nét, giai điệu đẹp cùng phần phối khí dàn nhạc hiệu quả.

1.1.2.Một số kĩ thuật được khai thác, sử dụng trong các tác phẩm.

Dưới đây là một số kĩ thuật mới được các nhạc sĩ sử dụng, khai thác trong sáu tác phẩm này:

* Kĩ thuật đánh song long dùng hai que đàn đánh xuống dây đàn tạp thành hai âm thanh đuổi nhau

* Kĩ thuật vê: Bật đều 2 que đàn trên một hoặc hai nốt với tốc độ nhanh.

* Kĩ thuật chạy kép với tốc độ nhanh: được kết hợp cùng nhiều loại tiết tấu và thay đổi liên tục.

* Kĩ thuật đánh chồng quãng: lực của tay tác động vào que đàn như nhau, âm thanh hai nốt vang lên cùng một lúc phải đều, không bị tiếng mạnh tiếng nhẹ. 

* Kĩ thuật gẩy đuôi que: dùng ngón tay cầm đuôi que gẩy vào dây đàn tạo sự thay đổi về âm thanh.

* Kĩ thuật ngắt tiếng: một tay cầm que đánh, tay còn tay dùng để bịt dây đàn, không để tiếng đàn vang.

* Kĩ thuật bồi âm: dùng ngón giữa chặn nhẹ ở các điểm: 1/2 ; 1/3 chiều dài dây đàn tính từ ngựa đàn đến con lăn.

* Kĩ thuật rung dây đàn: một tay đánh vào dây đàn, tay còn lại dùng ba ngón: 2,3,4 ấn và rung vào dây phía cầu đàn đối xứng.

* Kĩ thuật chạy nửa cung: đánh thấp que đàn, rõ nốt.

* Kĩ thuật lướt: đánh chồng âm gồm nhiều nốt kế tiếp nhau tạo âm sắc mềm mại.

* Kĩ thuật vuốt – trượt : dùng đuôi que trượt nhanh từ đầu đàn đến cuối đàn hoặc ngược lại.

* Kĩ thuật đổi đầu que: dùng ngón tay lật nhanh đầu que, tạo âm sắc đanh và sáng.

* Kĩ thuật nảy: xử lý hai que đàn nảy tạo hai tiếng nhanh liên tiếp nhiều lần trên dây.

1.1.3.Sự kết hợp giữa độc tấu với dàn nhạc.

Sự kết hợp giữa đàn Tam thập lục độc tấu và dàn nhạc mang hình bóng của thể loại Concerto. Các tác phẩm phối khí cho dàn nhạc có sự tiếp thu từ âm nhạc cổ điển và pha chút âm nhạc đương đại tạo màu sắc mới lạ nhưng không kém phần hấp dẫn. Tuy nhiên về kỹ năng hoà cùng nhau hiện nay còn chưa được hoàn thiện, vẫn còn tình trạng chơi to lần át nhau, còn tình trạng “đồng tấu” trong khi trình diễn với nhau.

Qua việc khảo sát các tác phẩm viết cho đàn Tam thập lục độc tấu cùng phần dàn nhạc được lựa chọn vào chương trình giảng dạy bậc đại học cho thấy: các tác phẩm này là những tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật và kỹ thuật diễn tấu. Về mặt nghệ thuật, đây là những tác phẩm đã được trải nghiệm qua đời sống âm nhạc của đất nước trong nhiều năm qua với sự yêu mến đón nhận từ phía khán giả. Về mặt kỹ thuật, các tác phẩm này là sự tổng hợp của các kỹ thuật khó trên đàn Tam thập lục. Về mặt kết hợp cùng dàn nhạc, đòi hỏi người diễn tấu phải có trình độ, có kỹ năng phân tích tác phẩm và sự cảm thụ âm nhạc một cách sâu sắc. Sự hiểu biết cũng như nắm vững yêu cầu của tác phẩm sẽ góp phần không nhỏ vào việc thể hiện thành công các tác phẩm đó.

1.2.Thực trạng giảng dạy tác phẩm độc tấu với dàn nhạc cho SV đàn Tam thập lục tại HVANQGVN.

1.2.1.Chương trình, giáo trình giảng dạy các tác phẩm độc tấu với dàn nhạc tại bộ môn đàn Tam thập lục.

Chương trình giảng dạy

Do đối tượng nghiên cứu của đề tài, ở đây chúng tôi xin đưa ra chương trình học các tác phẩm viết cho đàn Tam thập lục độc tấu với dàn nhạc và nhắc đến một số tác phẩm viết cho đàn Tam thập lục độc tấu không có dàn nhạc. Sự sắp xếp dựa trên tham khảo thực tế giảng viên trong khoa, cụ thể là:

TÁC PHẨM

TÁC GIẢ

DÀN NHẠC

NĂM

Dòng suối Hơ – riêng

Hồng Thái

ĐH1

Phiên chợ rẻo cao

Khắc Chí

ĐH1

Ngày hội trước lúc chia tay

Tuyết Mai

ĐH1

Mùa xuân Tây Nguyên

Doãn Tiến

Không

ĐH1

Dòng suối nhỏ

Nguyễn Văn Cúc

Không

ĐH1

Hương rừng

Thao Giang- Thái Hà

ĐH1

Hương xuân

Hồng Phúc

ĐH1

Thu sang

Xuân Khải

ĐH2

Tây Nguyên đổi mới

Nguyễn Đình Long

Không

ĐH2

Nhịp điệu cao nguyên

Nguyễn Đình Long

Không

ĐH2

Tây Nguyên trăng lại sáng

Xuân Dung

Không

ĐH2

Tổ khúc quê hương

Nguyễn Đình Long

ĐH3

Cao nguyên xanh

Trần Văn Luận

ĐH3

Niềm vui mới

Triệu Tiến Vượng

ĐH4

Rặng cây trước gió

Đinh Hà Linh

ĐH4

Vũ khúc Chăm

Doãn Tiến

ĐH4

Áo tứ thân

Hoa Đăng

ĐH4

Trong số các tác phẩm trên thì sáu tác phẩm độc tấu với dàn nhạc kể trên luôn được sinh viên lựa chọn để đưa vào chương trình thi tốt nghiệp. Sự thiếu vắng tác phẩm độc tấu có dàn nhạc đệm không chỉ diễn ra đối với cây đàn Tam thập lục mà là tình trạng chung đối với các chuyên ngành nhạc cụ dân tộc khác, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nghệ thuật diễn tấu nói chung của các cây đàn.

Giáo trình

Những năm gần đây xuất hiện một vài tuyển tập do các giảng viên của khoa Nhạc cụ truyền thống tổng hợp, biên soạn lại sau nhiều năm tham gia công tác giảng dạy tại có thể kể đến:

“Tuyển tập các tác phẩm Việt Nam soạn cho đàn Tam thập lục” – Nhạc viện Hà Nội của các giảng viên Nguyễn Xuân Dung – Hồng Phúc – Thu Hải – Thanh Hằng.

“Tuyển tập dân ca, tác phẩm mới Việt Nam và nước ngoài” (soạn cho Tam thập lục) của GV Hồng Phúc.

“Tuyển tập nhạc cổ” (giáo trình đàn Tam thập lục) – Nhạc viện Hà Nội 1997- GV Thanh Hằng (viết chung).

“Tuyển tập các bài tập kĩ thuật cho bậc sơ cấp”của các giảng viên Xuân Dung-  Hồng Phúc      .

“Tuyển tập các bài tập kĩ thuật cho bậc Trung cấp”-  GV Hồng Phúc.

“Tuyển tập chèo cổ Việt Nam cho đàn Tam thập lục” của các giảng viên Xuân Dung- Hồng Phúc- Thu Hải - Thanh Hằng (2007).

Tuy có sự chú trọng tới giáo trình nhưng thực tế còn một số tác phẩm như: Phiên chợ rẻo cao, Vũ khúc Chăm, Áo tứ thân, Hương rừng, Tây Nguyên trăng lại sáng, Dòng suối Hơ – riêng, Hương xuân chưa có mặt trong các tuyển tập. Đặc biệt các tác phẩm có phần đệm của dàn nhạc thì phần tổng phổ vẫn chưa được in ấn, lưu giữ trên thư viện của trường mà chỉ được các giảng viên lưu giữ lại với tư cách cá nhân. Điều này cho thấy sự thiếu vắng của bộ giáo trình chuyên nghiệp về tác phẩm Việt Nam cho đàn Tam thập lục bậc Đại học gây khó khăn trong quá trình dàn dựng tác phẩm.

1.2.2. Phương pháp giảng dạy và dàn dựng tác phẩm mới.

Chúng tôi đã thực hiện khảo sát quá trình giảng dạy, dàn dựng bài của một số GV tại khoa Nhạc cụ truyền thống HVANQGVN. Cụ thể là:

Khảo sát 1: được thực hiện ở học kỳ 2 năm học 2014-2015

Đối tượng: SV Đại học 2 với tác phẩm: Cao nguyên xanh.

Qua quá trình khảo sát cho thấy:

-Về phương pháp (PP) giảng dạy

Các PP được sử dụng trong giờ học là PP thuyết trình, PP thị phạm mẫu (đối với GV) và PP thực hành luyện tập (đối với SV).

-Về dàn dựng tác phẩm

Để phục vụ cho kỳ thi học kỳ 2, GV dạy SV xử lí sắc thái trong bài, sau đó một vài buổi sử dụng đàn Tam thập lục đệm cho SV,  cuối cùng là xử lý tác phẩm thông qua cường độ to nhỏ.

Đánh giá kết quả qua buổi thi học kỳ

-Về xử lý kĩ thuật trong tác phẩm

Với trình độ Đại học, SV mới dừng ở mức trình diễn tác phẩm đúng nốt, đôi khi còn bị đánh nhoè. Không rút ra được cách luyện tập hiệu quả nhất.

-Về nghệ thuật diễn tấu

Khi thể hiện tác phẩm SV chưa thực sự hòa mình vào tác phẩm, xử lí tác phẩm bị đều đều đồng thời yếu tố trình diễn cơ thể có phần cứng nhắc khi đánh đàn khiến người nghe căng thẳng theo.

-Trình diễn cùng dàn nhạc

Sau khi hoàn thiện tác phẩm, GV sẽ dành ra một chút thời gian để tự đệm bằng đàn Tam thập lục cho SV để tăng sự phong phú trong việc trình diễn tác phẩm. Trong quá trình luyện tập cùng đàn đệm hoặc tốp nhạc, phần độc tấu và dàn nhạc thường xuyên bị xô nhịp do người độc tấu hồi hộp, không làm chủ được tốc độ của bài.

Khảo sát 2: được thực hiện ở học kỳ 2 năm học 2014 - 2015

Đối tượng: SV Đại học năm 4 với tác phẩm: Niềm vui mới.

Qua quá trình khảo sát chúng tôi nhận thấy:

-Về phương pháp (PP) giảng dạy

Các PP được sử dụng trong giờ học là PP thuyết trình, PP thị phạm mẫu (đối với GV), PP thực hành luyện tập (đối với SV).

-Về dàn dựng tác phẩm

Việc dàn dựng của GV cũng không có nhiều sự khác biệt với cách dàn dựng cho SV năm thứ 2, có chăng chỉ là các buổi làm việc có kỹ lưỡng hơn.

Đánh giá kết quả qua buổi thi học kỳ

-Về xử lý kĩ thuật trong tác phẩm

Đây là tác phẩm khá phức tạp về kĩ thuật, nếu không có sự tập luyện nghiêm túc thì khó có thể trình diễn trôi chảy tác phẩm, đó là chưa nói đến việc thể hiện tốt tác phẩm.

-Về xử lí nghệ thuật diễn tấu

Mặc dù đã có xử lí về cường độ và âm sắc nhưng vì có những lỗi về kỹ thuật nên việc thể hiện cảm xúc tác phẩm bị hạn chế, SV còn ngại trong việc thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể.

-Trình diễn cùng dàn nhạc

SV Đại học 4 sẽ có thời gian luyện tập cùng dàn nhạc vào thời điểm gần đến kì thi tốt nghiệp. Tuy đã có thầy dàn dựng nhưng với thời gian ngắn đó, những ý tưởng và cảm xúc chung của cả tác phẩm SV chưa được nhuần nhuyễn hoặc ra thi bị áp lực nhiều phía nên bị động không thể làm chủ bản thân khi xử lý mà trình diễn một cách cứng nhắc.

Sau khi khảo sát thực tế, chúng tôi có một vài nhận định sau

- Đội ngũ giảng viên trong bộ môn đàn Tam thập lục một số ít hầu như chưa được tham gia các khóa đào tạo về nghiệp vụ sư phạm. Phương pháp giảng dạy chưa đa dạng hóa, chưa phát huy được vai trò tự chủ và sáng tạo của sinh viên, chưa được chú trọng đến nghệ thuật trình diễn. 

- Chất lượng học tập của sinh viên hiện nay chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức theo một chiều (chiều từ giảng viên).

Còn tồn tại một vài nhược điểm cần lưu ý trong việc kết hợp cùng dàn nhạc hiện vẫn còn tồn tại:

+ Lên dây chưa chuẩn.

+ Chưa thật sự chú ý xử lí sắc thái có trong bài, chưa thấy rõ việc nghe lẫn nhau giữa các bè.

+ Đôi khi trình diễn không đầy đủ các bộ trong dàn nhạc nên hiệu quả âm thanh chưa tốt, bị rỗng bè.

1.2.3.Cơ hội tiếp xúc với dàn nhạc.

Còn thiếu vắng những giờ học hòa tấu và trình diễn tác phẩm mới cho SV ở bậc này.

Dàn nhạc dân tộc Việt Nam được thành lập vào năm 2009 với số lượng khoảng 70 người đến từ khoa Nhạc cụ truyền thống HVANQGVN. Từ những ngày đầu thành lập dàn nhạc đến nay đã có sự tham gia của rất nhiều giảng viên và SV trong khoa. Tuy nhiên, chỉ có những em học lực giỏi, xuất sắc mới được tham gia bởi quy mô dàn nhạc lớn đòi hỏi SV phải hội tụ đủ về kiến thức âm nhạc mới đáp ứng được.

Vậy với việc chưa có các lớp học hòa tấu tác phẩm và chưa có nhiều sân chơi để SV tham gia khá là thiệt thòi cho các em. Bởi đến khi tốt nghiệp Đại học 4, việc trình diễn cùng dàn nhạc sẽ tạo áp lực tâm lí lớn trong suốt quá trình thi, ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm khi trình diễn và đương nhiên đến cả kết quả thi tốt nghiệp của SV.

1.2.4.Những hạn chế trong việc chơi các tác phẩm đàn Tam thập lục khi kết hợp với dàn nhạc.

Các tác phẩm viết cho độc tấu và dàn nhạc ra đời đã đem lại một diện mạo mới cho cây đàn Tam thập lục. Trong tác phẩm viết cho độc tấu và dàn nhạc, người chơi đàn phải tuyệt đối tôn trọng, tuân thủ chính xác từng nốt, từng câu nhạc có sẵn.

Một số kĩ năng sử dụng trong độc tấu còn hạn chế, khi trình diễn cùng dàn nhạc phải sử dụng tăng âm cho cây đàn nhưng chưa đem lại hiệu quả cao.

Mặc dù cây đàn nhiều lần được cải tiến nhưng đến nay chất lượng của nó vẫn chưa thực sự đạt đến độ chuẩn. Hệ thống dây chưa được ổn định, dễ bị lên xuống dẫn đến việc phô chênh.

Tổng phổ dàn nhạc chưa chính quy,chưa được in ấn rộng rãi mà chỉ lưu hành nội bộ.

Tiểu kết chương 1

Để làm cơ sở cho những giải pháp về Giảng dạy các tác phẩm độc tấu với dàn nhạc cho đàn Tam thập lục, trong chương 1 chúng tôi đã tổng hợp các kĩ thuật mới sử dụng trong tác phẩm, cũng như đi vào giới thiệu một cách khái quát nhất sáu tác phẩm là: Rặng cây trước gió, Thu sang, Áo tứ thân, Niềm vui mới, Vũ khúc Chăm, Cao nguyên xanh. Hai trong số sáu tác phẩm trên còn được xếp vào chương trình thi chính thức ở bậc Cao học đó là : Niềm vui mới, Áo tứ thân.

Ngoài ra, trong chương 1, chúng tôi còn tiến hành khảo sát thực tế giảng dạy các tác phẩm Việt Nam độc tấu, cũng như chương trình, giáo trình đào tạo để đưa ra một số nhận xét về những điểm còn tồn tại cần có những đổi mới để việc giảng dạy tác phẩm mới tại Học viện ANQGVN đạt được hiệu quả cao hơn. Cụ thể là:

-Về chương trình, giáo trình: chương trình đào tạo mặc dù được bổ sung thêm nhiều tác phẩm nhưng vẫn chưa thực sự đủ. Hiện trong giáo trình các tác phẩm Việt Nam cũng chưa được in đầy đủ tổng phổ, phân phổ các tác phẩm độc tấu với dàn nhạc cho đàn Tam thập lục bậc đại học nên rất cần được bổ sung và hoàn thiện sớm.

-Về phương pháp giảng dạy: phương pháp giảng dạy chưa đa dạng hóa, chưa phát huy được vai trò tự chủ của sinh viên, lấy người học làm trung tâm.

-Về tiếp xúc với dàn nhạc: chưa có các lớp hòa tấu tác phẩm cho SV được làm quen, trau dồi kiến thức về việc trình diễn cùng dàn nhạc.

Từ một số bất cập trên, chúng tôi sẽ nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp khắc phục ở chương 2.

CHƯƠNG 2 MỘT SỐ GIẢI PHÁP

2.1.Giảng dạy tác phẩm độc tấu với dàn nhạc ở bậc Đại học.

Những tác phẩm viết cho đàn Tam thập lục độc tấu với dàn nhạc mang đến một hơi thở mới hiện đại, chuyên nghiệp hơn mà vẫn giữ được màu sắc cổ truyền vốn có. Đối với phần viết cho dàn nhạc vừa mang màu sắc của âm nhạc truyền thống, vừa tiếp thu những thành tựu âm nhạc cổ điển đồng thời có nhiều nét mới trong âm nhạc đương đại.

Bên cạnh việc hướng dẫn những kĩ thuật mới, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên tìm hiểu, phân tích, xử lí tác phẩm để diễn tả được nội dung của tác phẩm. Đây là những kiến thức mới với các sinh viên vì khi ở bậc Trung cấp các em mới chỉ được tiếp xúc bước đầu và chưa tìm hiểu tác phẩm một cách sâu sắc.

2.1.1. Hướng dẫn SV tìm hiểu tác phẩm được học.

Tìm hiểu tác phẩm được coi là bước tiếp cận quan trọng trước khi SV đi vào thực hành trình diễn tác phẩm. Để giờ học có kết quả, GV nên hướng dẫn SV tìm hiểu tác phẩm qua ba bước cơ bản như sau:

Bước 1: SV được giao phần giai điệu độc tấu để vỡ bài trước rồi sau đó mới nhận tổng phổ.Giảng viên đặt ra những câu hỏi yêu cầu SV sẽ trả lời vào buổi học sau.

Bước 2: Trao đổi với SV để nắm bắt được sự hiểu biết của SV đối với tác phẩm như thế nào từ đó có hướng khắc phục, bổ sung nhằm hoàn thiện tốt nhất kiến thức cho SV cũng như việc trình diễn tác phẩm.

Bước 3: Bổ sung kiến thức cho SV ở các mục: Nội dung tư tưởng, Cấu trúc tác phẩm, Chất liệu âm nhạc, Các kí hiệu được sử dụng trong tác phẩm...   

2.1.2. Thực hiện tác phẩm.

Phương pháp xử lý yếu tố kĩ thuật

Xử lí kĩ thuật là bước đầu trong việc hoàn thiện tác phẩm. GV cần thực hiện một số phương pháp như thị phạm, trao đổi, đối thoại, giải thích những nguyên lý giúp SV hiểu và thực hiện được kĩ thuật đó.

Cùng một tác phẩm nhưng mỗi SV đưa đến người nghe một cảm nhận khác nhau, có nhiều yếu tố trong đó nhưng có lẽ cách xử lí kĩ thuật một cách tinh tế sẽ cho người nghe cảm thấy hài lòng hơn. Để làm được điều này trong lúc thực hiện tác phẩm, bên cạnh việc tìm hiểu các kĩ thuật có trong bài thì GV và SV nên tìm ra những phương thức luyện tập làm tăng độ hoàn thiện của các kĩ thuật đó.

Phương pháp thể hiện yếu tố nghệ thuật

Để đạt được thành công, ngoài yếu tố kĩ thuật cần phải vượt qua thì yếu tố thể hiện tính chất nghệ thuật của tác phẩm hay còn gọi là xử lí nội dung tư tưởng tác phẩm là vô cùng cần thiết. Để xử lý tác phẩm, GV không nên đánh mẫu cho SV bắt chước mà chỉ nên gợi ý cách thể hiện để SV tự thể hiện và hiểu rõ lý do xử lý tác phầm tại sao lại như vậy. Cụ thể là:

- Hướng chuyển động lên xuống của giai điệu luôn đi kèm theo việc tăng hay giảm cường độ âm thanh như thế nào.

            - Cách xử lý những nét giai điệu lặp đi lặp lại phải thể hiện ra sao để người nghe cảm nhận được chu kì của nét giai điệu đó.

            - Cách xử lý tiếng đàn khi giai điệu chuyển từ lối phân chia tiết tấu cơ bản sang tiết tấu có lối phân chia tự do (chùm 3, chùm 5…).

            - Cách xử lý tác phẩm tạo sự tương phản giữa các phần trong tác phẩm cho phù hợp.

Đối với SV, sau khi hoàn thành tác phẩm giảng viên có thể gợi mở một vài phương pháp trình diễn bằng ngôn ngữ cơ thể để các em tham khảo. Tuy nhiên những gợi ý của giảng viên chỉ dựa trên kinh nghiệm biểu diễn và tìm tòi của cá nhân, không ép buộc sinh viên bắt chước y hệt theo khuôn mẫu.

2.1.3. Hòa tấu với dàn nhạc.

Hòa tấu cùng dàn nhạc không phải việc đơn giản, GV cần hướng dẫn SV chuẩn bị tốt một số bước sau:

+ Lên dây đàn chuẩn theo âm thanh mẫu.

+ SV phải nghiên cứu tổng phổ của dàn nhạc để nắm bắt tinh thần chung của tác phẩm.

+ Thống nhất tốc độ trong tác phẩm cùng dàn nhạc, của từng phần nếu có sự thay đổi về nhịp.

Trong giờ lên lớp, khi SV đã thuộc và nắm bắt được tinh thần của tác phẩm, giảng viên có thể đệm đàn Tam thập lục cùng SV để các em làm quen với phong cách mới hoặc GV có thể tự tách riêng phần dàn nhạc và tổng phổ trong những bản ghi âm hay trong đĩa có sẵn. Trong giờ lên lớp hoặc về nhà SV bật riêng phần dàn nhạc để chơi trên nền nhạc đó, cho các em được rèn luyện một số kĩ năng cần thiết khi trình diễn cùng dàn nhạc.

Quá trình tập cùng dàn nhạc cần học cách vừa chơi đàn vừa nghe dàn nhạc và hướng tầm nhìn theo người chỉ huy.

2.2. Một số giải pháp khác.

2.2.1.Lựa chọn và bổ sung một số dạng bài tập kĩ thuật hỗ trợ.

            Luyện gam kết hợp các tiết tấu khác nhau, đồng thời đưa sắc thái vào trong bài gam để tập thường xuyên.

Bổ sung bài tập kĩ thuật (trong cuốn“ Bài tập kỹ thuật cho Tam thập lục” của GV Hồng Phúc) áp dụng luyện tập song song cùng tác phẩm.

+ Bài tập số 26: hỗ trợ cho những tác phẩm có sử dụng nốt hoa mĩ, tổng hợp nhiều kĩ thuật cùng lúc như kĩ thuật vê, đánh song long, hợp âm và chồng âm quãng 8.

+ Bài tập số 39: tập luyện kĩ thuật chạy nửa cung kết hợp với nhiều tiết tấu khác nhau.

+ Bài tập số 41: luyện kỹ thuật chạy móc tam, luyện sự nhanh nhẹn của đôi tay.

+ Bài tập số 45: luyện tập hơi thở của những nét chạy tự do trong bài, kết hợp nhiều kĩ thuật như đánh hợp âm, lướt, vê …

+ Bài tập số 49: chủ yếu luyện tập kĩ thuật vê ở đoạn nhạc dài, với phần mở đầu tự do.

+ Bài tập số 35 và 50: đây là hai bài tập có sự kết hợp của 3 cây đàn Tam thập lục chơi cùng lúc, phù hợp để SV hòa tấu cùng nhau, góp phần hỗ trợ kĩ năng hòa tấu tập thể của các em.        

2.2.2 Nâng cao nghệ thuật biểu diễn cho sinh viên.

Ngay từ khi còn đi học, giảng viên nên khuyến khích và tạo điều kiện để SV có thể đến xem những buổi hòa nhạc, những chương trình biểu diễn của nhà trường, giao lưu với các chuyên gia nước ngoài.  

Đặt nghệ thuật trình diễn ngang tầm cùng phương pháp xử lí tác phẩm, mỗi buổi trả bài SV ngoài vấn đề giải quyết kĩ thuật phải kết hợp với xử lí tác phẩm. Giảng viên trực tiếp quan sát và có thể góp ý những chỗ chưa thật hợp lý mà vẫn tôn trọng phong cách trình diễn riêng của mỗi em.

Tạo điều kiện cho các em tham gia các buổi biểu diễn cho dù chỉ giới hạn trong lớp học, trong tổ bộ môn hoặc khoa. Trong những năm gần đây, ban chủ nhiệm khoa đã tổ chức hoạt động biểu diễn dành cho học sinh, sinh viên (giới hạn trong khoa Nhạc cụ truyền thống), vào khoảng thời gian trước khi thi cuối kì. Những hoạt động này đã được các GV và SV sôi nổi tham gia biểu diễn cũng như hăng say tập luyện.

2.3.Thực nghiệm sư phạm và kết quả thực nghiệm.

2.3.1. Thực nghiệm sư phạm.

Giảng dạy tác phẩm Vũ khúc Chăm của tác giả Nguyễn Tiến cho sinh viên năm 4 – Đại học. Thời gian thực hiện học kì 2 năm học 2015- 2016 với năm bước.

* Bước 1: Giao bài cho SV, giảng viên đặt những câu hỏi cho SV yêu cầu tìm hiểu về tác phẩm như: xác định giọng, tìm hiểu các kí hiệu trong bài…

* Bước 2: Trao đổi với SV về những vấn đề trên, yêu cầu SV ghi lại hoặc đánh dấu vào trong tác phẩm những kí hiệu đã trao đổi. Đưa CD hoăc đường link tác phẩm để SV tham khảo, giao bài tập kĩ thuật bổ trợ cho tác phẩm.

* Bước 3: Giảng viên nghe tổng thể phần được giao về nhà luyện tập của SV. Có sự gợi mở, chỉnh sửa, sử dụng các phương pháp giảng dạy để SV hiểu vấn đề và thực hiện kĩ thuật khó trong bài, xử lý những chỗ hay mắc lỗi.

* Bước 4: Có sự trao đổi về cách trình diễn tác phẩm của các nghệ sĩ khác nhau. Sau khi xử lí các yếu tố kĩ thuật cần phải kết hợp các yếu tố về nghệ thuật kết hợp chuyển động cơ thể.

* Bước 5: Sau khi hoàn thiện được tác phẩm, GV có thể đệm mộc cho SV làm quen. Hoặc tách riêng phần ghi âm giai điệu với dàn nhạc và bật lên cho SV chơi cùng với phần thu âm của dàn nhạc. Từ đó đến lúc được tập luyện và trình diễn cùng với dàn nhạc SV chủ động và tự tin hơn.

2.3.2 Đánh giá kết quả thực nghiệm.

Bước đầu sau khi dạy thử nghiệm cho một số SV tại khoa Nhạc cụ truyền thống trường HVANQGVN, tôi nhận thấy SV được học theo phương pháp mới có nhiêù thay đổi. Đa phần các em cảm thấy hứng thú hơn trong giờ học, đặc biệt đã kích thích được sự tìm tòi và học hỏi những kiến thức có liên quan tới những tác phẩm được học. Tuy nhiên vẫn có SV chưa quen với phương pháp mới, một phần bởi sự lười học, phần khác là lỗ hổng kiến thức cơ bản nên các em lười tập đàn, không có sự tìm tòi sáng tạo dẫn đến việc học chưa tiến bộ. Đối với những SV đó GV cần có sự trao đổi thường xuyên, kết hợp khuyến khích và cần nghiêm túc chỉ ra những điểm thiếu sót của các em. Sau khi áp dụng phương pháp này một thời gian, SV có sự cải thiện đáng kể, các em tự tin, cố gắng và yêu thích cây đàn hơn.

Sau giờ học, tôi thấy được sự gắn kết hơn giữa GV và SV, các em không ngại trao đổi những thắc mắc và GV cũng hiểu được phần nào tâm tư, nguyện vọng của các em.

Tiểu kết chương 2

Chương 2 của luận văn đã đưa ra thử nghiệm một số giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy để áp dụng cho SV bậc Đại học như:

Hướng dẫn SV phân tích tác phẩm được học.

Về thực hiện tác phẩm không chỉ chú trọng đến xử lí kĩ thuật mà còn chú trọng tới xử lí yếu tố nghệ thuật. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cơ thể và kết hợp cùng dàn nhạc những điều quan trọng mà chúng ta cần hướng đến trong việc đào tạo.

Chúng tôi cũng đưa ra một số giải pháp thiết thực nhằm bổ trợ cho việc học tập của SV cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy.

-Luyện tập những bài gam phong phú, lựa chọn và bổ sung một số dạng bài tập kĩ thuật hỗ trợ, tập luyện song song cùng tác phẩm.

-Nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên như học lên Cao học, Nghiên cứu sinh... Ngoài ra là nâng cao phương pháp sư phạm cho GV cũng cần được chú trọng.

-Nâng cao nghệ thuật biểu diễn cho SV.

Sau khi áp dụng thử nghiệm những phương pháp trên, những điều chúng tôi thu được khá khả quan. Đó là thái độ học tập hăng say, tích cực và mỗi giờ học đều tạo được sự hứng thú cho SV. Trao đổi trực tiếp, thường xuyên với SV cũng là cách tiếp cận gần hơn với các em, đồng thời có thể nắm bắt được tâm tư nguyện vọng từ đó đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp với sự tiếp thu và trình độ của từng SV.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Kết luận

Trong chương trình học tập của bộ môn đàn Tam thập lục, việc sắp xếp tác phẩm theo từng năm học khá phù hợp với trình độ của SV.

Còn tồn tại một thực trạng, hiện nay số lượng các nhạc sĩ sáng tác riêng cho cây đàn Tam thập lục không nhiều và lại càng ít có những bản phối khí cho dàn nhạc đệm cho độc tấu.

Việc áp dụng một số giải pháp trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy không chỉ đề cập ngay đến khâu xử lí tác phẩm, chúng tôi còn đi sâu vào việc rèn cho các em thói quen tìm hiểu về tác phẩm, nắm được nội dung, ý nghĩa, đồng thời phân tích những kĩ thuật, những kí hiệu sắc thái, nhịp phách tiết tấu…

Nghệ thuật trình diễn bao gồm nhiều yếu tố từ chuyển động của cơ thể phù hợp cho đến các hình thức thể hiện về sắc thái, cường độ, tiết tấu, âm thanh… Với những giải pháp chúng tôi đề cập đến trong luận văn có thể khiến SV tiếp cận gần hơn với một số cách xử lí nghệ thuật trong tác phẩm, đồng thời khuyến khích các em tìm hiểu nhiều phong cách trình diễn, tạo một thói quen tốt trong học tập.

Cần bổ sung những kĩ năng cần thiết trong hòa tấu cùng dàn nhạc và nghệ thuật trình diễn tác phẩm cho SV. Bên cạnh việc GV tự đệm mộc cho SV, nếu có điều kiện GV có thể tách riêng phần độc tấu và dàn nhạc, sau đó trong giờ lên lớp bật riêng phần dàn nhạc lên cho SV luyện tập cùng.

Hiện nay chưa có nhiều sân chơi cho SV rèn luyện phương pháp làm việc tập thể như tập dàn nhạc hay hòa tấu cùng nhau.

Ngoài ra, chúng tôi còn đưa vào một số bài tập kĩ thuật hỗ trợ luyện tập cùng tác phẩm và khuyến khích việc nâng cao nghệ thuật biểu diễn cho SV.

Khuyến nghị

Chúng tôi có một vài khuyến nghị trong việc học tập và giảng dạy bộ môn đàn Tam thập lục tại HVANQGVN như sau:

+ Thứ nhất: in ấn rộng rãi tổng phổ và phân phổ của từng tác phẩm nhằm hướng đến sự thống nhất, bảo đảm tính chính xác.

+ Thứ hai: nên có phần chuyển soạn của dàn nhạc cho Tam thập lục 2, hướng tới sự chính quy, chuyên nghiệp và đồng bộ.

+ Thứ ba: có thêm tiết học hòa tấu tác phẩm dành cho SV từng năm, hay thành lập dàn nhạc nhỏ cho SV để các em có điều kiện được luyện tập cùng nhau, tăng khả năng làm việc tập thể và có môi trường để giao lưu học hỏi với nhau.

+ Thứ ba: mở rộng quan hệ giao lưu, tạo điều kiện để cho GV, SV được tham quan, trao đổi kinh nghiệm, học tập những tinh hoa nghệ thuật của các nước bạn.

Do khả năng còn hạn chế, do tư liệu ít nên có rất nhiều điểm chúng tôi muốn đi sâu nghiên cứu nhưng không có điều kiện. Chúng tôi xem luận văn chỉ là một đóng góp rất nhỏ trên con đường rất dài trong việc tìm hiểu, nghiên cứu áp dụng vào giảng dạy và biểu diễn đàn Tam thập lục tại khoa Nhạc cụ truyền thống ở HVANQGVN. Chúng tôi rất mong nhận được sự chỉ bảo, đóng góp ý kiến của quý thầy cô và bạn bè.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn