Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12103679
Luận văn Thạc sĩ Thứ năm, 28/03/2024

Tác giả: Vũ Thị Thuỳ Linh
Đề tài: Giảng dạy âm nhạc Chèo truyền thống cho đàn Tam thập lục tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Chuyên ngành: PPGDCNAN (Đàn Tam thập lục)
Mã số: 60.21.02.02
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Huy Phương 
Ngày đăng: 07/10/2016

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn:

MỞ ĐẦU

  1. Lí do chọn đề tài:

        Trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, nghệ thuật Chèo có một vị trí đặc biệt quan trọng.

       Tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trên toàn quốc  phần diễn tấu nhạc phong cách Chèo là một nội dung không thể thiếu trong chương trình đào tạo. Đàn TTL là cây đàn thể hiện được tốt nhất các kỹ thuật của nó giúp  làm dầy dặn khi diễn tấu trong dàn nhạc Chèo.

       Hiện nay, khoa NCTT của HVANQGVN chiếm một vị trí quan trọng trong cơ cấu đào tạo của nhà trường. Khoa có số lượng giảng viên đông. Việc nâng cao chất lượng giảng dạy âm nhạc Chèo cho các chuyên ngành nhạc cụ truyền  thống nói chung và đàn TTL nói riêng là nhiệm vụ trung tâm, then chốt, quyết định đến chất lượng đào tạo chuyên ngành.

      Chính vì những lý do trên, chúng tôi đã chọn đề tài Giảng dạy âm nhạc Chèo truyền thống trong giảng dạy cho đàn TTL tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam “ làm đề tài tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc của mình.

  1. Lịch sử đề tài:

         Liên quan đến cây đàn TTL đã có một số công trình nghiên cứu trong đó  chủ yếu là các giáo trình hướng dẫn cách chơi đàn, các kỹ thuật diễn tấu và các giáo trình được biên soạn, chuyển soạn.

        Trong quá trình tiến hành việc tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai đề tài luận văn, tôi đã tham khảo 8 luận văn thạc sĩ về Chèo như:

        Các công trình nghiên cứu trên đều có những đóng góp đáng kể  trong những tìm tòi và khái quát đặc điểm, đặc trưng của nghệ thuật Chèo trong từng làn điệu cũng như cách biểu hiện trên mỗi một loại nhạc cụ truyền thống.

        Ngoài các công trình nghiên cứu và luận văn ở trên,công trình nghiên cứu trong chuyên ngành sư phạm biểu diễn đàn TTL bao gồm 5 luận văn Thạc sĩ.

         Những công trình nghiên cứu khoa học kể trên đã đóng góp rất nhiều thông tin quý giá trong quá trình tìm hiểu đặc thù về cây đàn TTL cũng như các kỹ thuật diễn tấu. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại chưa có bất cứ công  trình nào nghiên cứu nào chuyên sâu vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy âm nhạc Chèo truyền thống trên cây đàn TTL. Vì vậy, tôi quyết định chọn đề tài Giảng dạy âm nhạc Chèo truyền thống cho đàn tam thập lục tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam” làm nội dung nghiên cứu của mình.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

       - Đối tượng nghiên cứu: Đàn TTL trong nhạc Chèo truyền thống, các tuyển tập, bài bản sử dụng trong nhạc Chèo truyền thống.

        Giáo trình, phương pháp giảng dạy và học tập chuyên ngành TTL khoa NCTT

       -Phạm vi nghiên cứu :

        Toàn bộ giáo trình và phương pháp giảng dạy nhạc Chèo truyền thống chuyên ngành đàn TTL tại khoa NCTT – HVANQGVN.

4. Mục tiêu nghiên cứu và mục đích nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu:

        Đánh giá thực trạng giảng dạy âm nhạc Chèo truyền thống cho đàn tam thập lục và đề xuẩt, bổ sung các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy âm nhạc Chèo truyền thống cho đàn tam thập lục tại HVANQGVN

- Mục đích  nghiên cứu:

        Nâng cao chất lượng giảng dạy nhạc Chèo truyền thống cho chuyên ngành đàn tam thập lục tại HVANQGVN

5. Phương pháp nghiên cứu:

        Trong quá trình nghiên cứu, luận văn sử dụng phương pháp sau:

   -  Phương pháp nghiên cứu lý thuyết:  bao gồm việc thu thập tài liệu và các giáo trình của các cơ sở đào tạo biểu diễn nhạc cụ truyền thống và đặc biệt là cây đàn TTL  để so sánh, phân tích và tổng hợp, tìm ra những căn cứ lý thuyết cho đề tài.

   -  Phương pháp thực nghiệm: thông qua việc giảng dạy trực tiếp cho hssv, xem qua băng đĩa, CD..

   -  Phương pháp chuyên gia: tìm hiểu, trao đổi, học tập, nghiên cứu của các chuyên gia, các nghệ nhân, nghệ sĩ, các thầy cô thế hệ đi trước, lấy ý kiến của những nghệ sĩ trực tiếp giảng dạy, biểu diễn.

6. Đóng góp của đề tài:

        Đóng góp chính của đề tài là đưa ra những giải pháp nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học cũng như khả năng diễn tấu nghệ thuật Chèo truyền thống trên cây đàn TTL, đồng thời bổ sung các bài bản, làn điệu Chèo truyền thống vào trong giáo trình giảng dạy cho hssv chuyên ngành đàn TTL của khoa NCTT – HVANQGVN.

7. Cấu trúc của luận văn:

        Ngoài phần mở đầu, kết luận, khuyến nghị, tài liệu tham khảo, phụ lục luận văn gồm 2 chương:

 Chương 1: Vị trí của cây đàn tam thập lục trong âm nhạc Chèo truyền thống và thực trạng giảng dạy.

Chương 2:  Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học âm nhạc Chèo truyền thống trên đàn Tam thập lục tại HVANQGVN

CHƯƠNG 1: VỊ TRÍ CÂY ĐÀN TAM THẬP LỤC TRONG ÂM NHẠC CHÈO TRUYỀN THỐNG VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY

1.1 Đàn tam thập lục trong nghệ thuật Chèo

1.1.1 Vài nét về cây đàn tam thập lục

        Đàn tam thập lục (TTL) Việt Nam từ khi xuất hiện cho đến nay có rất nhiều tên gọi: đàn cánh dơi, đàn phi điệp, đàn bướm, đàn 36 dây (28: tr18- tr20). Đàn TTL được các nhà nghiên cứu xếp vào thuộc nhóm dây gõ. ĐànTTL không phải là gốc thuần Việt và được du nhập vào nước ta qua sự giao lưu văn hóa với Trung Hoa, qua thời gian phát triển nó đã được cải tiến, Việt hóa ngày càng chiếm một vị quan trọng trong dàn nhạc dân tộc của nước ta. Cho đến nay, cây đàn đã tìm được vị trí xứng đáng,trở thành một nhạc cụ không thể thiếu trong các dàn nhạc truyền thống của nước ta.

1.1.2 Một số đặc điểm âm nhạc Chèo

        Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu tổng hợp. Nó được cấu tạo bởi hai thành phần chính đó là Tích và trò. Nội dung các vở chèo thường miêu tả cuộc sống bình dị của nhân dân, khát vọng sống, khát vọng vươn lên và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người. Đã có rất nhiều những vở Chèo cổ ghi dấu ấn đậm nét trong đời sống tinh thần của người dân Việt như: Kim Nham, Quan âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Trương Viên….. Cho tới nay, nghệ thuật Chèo vẫn tiếp tục giữ gìn, tiếp thu, chọn lọc để hoàn thiện và phù hợp với ngôn ngữ, hơi thở trong cuộc sống đương đại hiện nay.

        * Đặc trưng của các bài bản Chèo cổ    

         Chèo là một loại hình sân khấu chuyên nghiệp có nguồn gốc từ âm nhạc dân gian cho nên nó cũng mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản của âm nhạc dân gian Việt Nam. Đặc biệt trong đó là tính dị bản. Cùng một làn điệu Chèo nhưng mỗi diễn viên hát, đổ lời, khác nhau, mỗi một nhạc công có cách diễn tấu  không giống nhau tạo ra vô số những bản mang đặc tính chung và không trùng lặp giống nhau. … và những dị bản này làm phong phú thêm chứ không hề sai lệch hay làm mất đi giá trị của bản gốc.

*Cấu trúc các bài bản Chèo Cổ

     Trổ mở đầu – trổ thân bài – trổ kết thúc

     Ngoài các phần như trên, còn xuất hiện thêm phần lưu không; xuyên tâm và ngân đuôi. Trước khi vào làn điệu có thể có câu vỉa. Phần này không bắt buộc.

        -Lưu không: Là một câu nhạc để nối từ trổ hát này sang trổ hát khác, hay để kết thúc một làn điệu. Mỗi nét lưu không đều có giai điệu và âm hình tiết tấu riêng biệt do các nhạc khí trong dàn nhạc Chèo hòa tấu. Nhạc lưu không có độ dài, ngắn khác nhau.Thông thường, mỗi đoạn lưu không thường gồm 4 nhịp, hoặc 8 nhịp. Đôi khi gồm 6 nhịp, 12 nhịp… (phụ thuộc vào thời gian diễn viên bước quanh chiếu diễn rộng hay hẹp để có thể đặt lưu không dài, ngắn khác nhau).

Ví dụ 1 Lưu không 4 (lưu không 4 nhịp) bài “Hát Cách “ trích trong vở  “Quan Âm Thị Kính”    

Ví dụ 2 Lưu không 8 (lưu không 8 nhịp) bài “Đường trường phải chiều

Ví dụ 3 Lưu không 6 chỉ xuất hiện trong bài “Cấm Giá “ trích “Thị Mầu lên chùa”                                                     

        -Xuyên tâm: Là một nét nhạc không lời ngắn để nối các câu hát trong một trổ hát.Thông thường xuyên tâm có độ dài 2 nhịp, có khi 4 nhịp. Do đó, muốn phân biệt được nhạc lưu không hay xuyên tâm phải căn cứ vào vị trí của nó, chứ không căn cứ vào số ô nhịp hai hay bốn vì lưu không là phân trổ, còn xuyên tâm là phân câu.

        Ví Dụ 5   Xuyên tâm 2 (xuyên tâm gồm 2 nhịp) trích bài “rừng

        Trong Chèo có những làn điệu gồm cả xuyên tâm và lưu không, cũng có những làn điệu chỉ có lưu không, không có xuyên tâm và ngược lại.

        -Ngân đuôi: là giai điệu cuối cùng của bài hát trước  khi vào lưu không.  Ngân đuôi thường dùng nguyên âm “i”. Ngân đuôi có một số hình thức cố định dùng chung cho từng loại làn điệu (i/ ì i i ì i/ í/ i i ì).

*Hệ thống các làn điệu Chèo:

Có nhiều cách phân loại và sắp xếp các hệ thống bài bản Chèo. Nhưng đa số đều tán thành theo cách sắp xếp của Bùi Đức Hạnh trong “Tuyển tập 150 làn điệu Chèo cổ”: Hệ thống các lối nói, vỉa, ngâm vịnh; Hệ thống sắp hề gậy; Hệ thống hề; Hệ thống các điệu ra trò; Hệ thống đường trường; Hệ thống đối đáp trữ tình, Hệ thống vãn thảm. Trong luận văn này, chúng tôi cũng sử dụng theo cách sắp xếp của nhà nghiên cứu Bùi Đức Hạnh.

 1.1.3 Những kỹ thuật của đàn Tam thập lục được dùng trong diễn tấu trong âm nhạc Chèo

        Trước kia, tất cả các đoàn Chèo đều sử dụng đàn TTL ba cầu mắc dây theo hệ thống ngũ cung. Người đầu tiên sử dụng đàn TTL ba cầu là bà Nguyễn Thị Định con gái ông Nguyễn Đình Nghị. Hiện nay các đàn TTL ba cầu đã được lắp thêm dây thêm nốt ( hình minh họa 1) và vẫn được một số đoàn Chèo sử dụng: đoàn Chèo Thái Bình, Nam Định, Hải Dương... Một số đoàn Chèo: đoàn chèo Việt Nam, đoàn chèo Quân đội.. đã chuyển sang dùng đàn TTL cải tiến ( minh họa 2)

 

         Mỗi cây đàn đều có những thế mạnh riêng và đều xuất hiện những nghệ sĩ có tay đàn giỏi, nên theo bản thân tôi, bất kể là sử dụng cây đàn nào nhưng quan trọng  người chơi phải thuộc kĩ các lòng bản thì khi biến hóa trên mỗi một cây đàn cũng đều có cái hay riêng.

        Khi chơi các bài bản Chèo, đàn TTL cần phải sử dụng tốt những kỹ thuật cơ bản sau:

  • Kỹ  thuật đánh 2 tay kết hợp:

        Khi tham gia vào thể hiện bất kể làn điệu Chèo nào, kỹ thuật này được khai thác tối đa và yêu cầu người chơi phải khéo léo kết hợp hai tay một cách nhịp nhàng.

- Kỹ  thuật vê:  Kỹ thuật này hai tay sử dụng hai que gõ nhanh một cách lần lượt và liên tiếp trên một nốt đàn hoặc hai nốt đàn (khi đánh hợp âm) giúp kéo dài trường độ của âm thanh phát ra, làm mềm mại cho tiếng đàn. Đây là một kỹ thuật khó của đàn tam thập lục.

Ví dụ  trích làn điệu Cách cú

-  Kỹ thuật đánh chồng âm: Kỹ thuật này là người chơi đánh cùng lúc hai tay xuống hai điểm khác nhau trên đàn để tạo ta hai âm thanh vang lên đồng thời. Đánh chồng âm ở đàn TTL thường chỉ là đánh hợp âm 2 nốt (do chỉ gồm 2 que gõ được 2 tiếng).

  • Kỹ thuật đánh nẩy tiếng:

        Kỹ thuật này yêu cầu sử dụng các ngón tay 3, 4,5  ở hai tay phải bám sát, miết que đàn và kết hợp cổ tay để tạo ra tiếng đàn nẩy rất đầy đặn, chắc chắn nhưng vẫn gọn tiếng. Kỹ thuật này thường được sử dụng khi chơi các bài bản mang tính chất nhanh, vui.

1.1.4 Vị trí của đàn Tam thập lục trong dàn nhạc Chèo truyền thống

       Dàn nhạc Chèo sơ khai chỉ gồm các nhạc khí gõ như: trống đế, thanh la, mõ, và trống cơm, trống cái… rồi đến trống ban, về sau một số nhạc khí khác dần được bổ sung thêm vào như nhị, hồ, tiêu, sáo…

        Hiện nay, dàn nhạc Chèo đã được xây dựng một cách chuyên nghiệp và có thể chia ra thành các bộ như sau:

  -  Bộ gõ: trống đế, trống cái, trống ban, trống cơm, thanh la, mõ, tiu cảnh, não bạt..

  - Bộ dây:

    + Chi kéo: líu, nhị, hồ, hồ đại.

    + Chi gảy: bầu, tranh, nguyệt, tam, tỳ bà.

    + Chi gõ: tam thập lục

-Bộ hơi: sáo, tiêu.

Một số đoàn có cả cello và đàn điện tử để thêm phần bè trầm cho dàn nhạc.

       Trong dàn nhạc Chèo truyền thống, mỗi một cây đàn mang một màu sắc riêng  biệt, giữ một vai trò nhất định trong dàn nhạc Chèo. Trong đó trống với chức năng giữ nhịp; nhị, bầu, sáo giữ vai trò là những cây giai điệu đỡ cho lời hát, cùng với đàn tranh, nguyệt, tam thập lục là những cây đàn cũng mang một vai trò không kém phần quan trọng.  Hiện nay, tại các đoàn Chèo, nhà hát Chèo, cây đàn TTL đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong mỗi dàn nhạc Chèo.

1.2 Thực trạng dạy và học âm nhạc Chèo truyền thống trên đàn tam thập lục tại HVANQGVN

1.2.1 Chương trình và giáo trình dạy Chèo truyền thống trên đàn tam thập lục

a. Chương trình

        Nhạc phong cách Chèo được xếp vào học năm thứ 4 hệ trung cấp và năm thứ nhất hệ đại học. Với thời lượng học tập ngắn (1 năm) nên những phong cách Chèo, Huế, Cải lương mới chỉ được giảng dạy ở mức độ giới thiệu chứ không chuyên sâu. Cuối mỗi học kỳ đều có tổ chức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng. Và đến cuối mỗi năm tốt nghiệp (hệ trung cấp , hệ đại học) mỗi sv đều bắt buộc phải chọn từ 2- 3 phong cách cùng với các tác phẩm mới để  thi tốt nghiệp.

b. Giáo trình:

         Hiện nay giáo trình giảng dạy nhạc phong cách Chèo cho đàn TTL tại HVANQGVN chỉ có duy nhất  “Tuyển tập Chèo cổ Việt Nam cho đàn Tam thập lục “ do tập thể các giảng viên Xuân Dung, ThS. NSƯT Hồng Phúc, giảng viên Thu Hải, ThS. NSƯT Thanh Hằng sưu tầm và biên soạn được dùng chung cho cả hệ trung cấp và đại học. Các tác giả đã sưu tầm và biên soạn được 26 làn điệu. Từ giáo trình này, mỗi giảng viên sẽ lựa chọn một vài bải bản cho hssv của mình tùy theo khả năng của mỗi hssv.

HỆ THỐNG BÀI BẢN TRONG GIÁO TRÌNH (phụ lục 2, ví dụ 2)

        Giáo trình là tuyển tập gồm những bài bản Chèo tiêu biểu đã được chọn lọc để biên soạn trong các hệ thống làn điệu Chèo. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế : một số bài bản soạn chưa đúng tông giọng, nhiều bài bản được soạn thiếu trổ cần bổ sung và điều chỉnh.

1.2.2 Đội ngũ giáo viên và phương pháp giảng dạy:                                                                   

a. Đội ngũ giáo viên

Năm 1956, trường Âm nhạc Việt Nam ra đời đã đánh dấu một cột mốc quan trọng. Một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp giáo dục âm nhạc truyền thống lúc bấy giờ là cụ Vũ Tuấn Đức. Trải qua 60 năm hoạt động cùng với nhiều thế hệ giảng viên lão thành, hiện nay các giảng viên đang làm việc tại bộ môn đàn TTL tại khoa NCTT – HVANQGVN bao gồm: NSUT Hồng Phúc, giảng viên Thu Hải, giảng viên Hoàng Lan, ThS. NUT Thanh Hằng, TS. NSUT Hoa Đăng, TS Thu Thủy, giảng viên Ngọc Hà và 2 giảng viên đệm Thanh Thủy, Thùy Linh vẫn đang tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình, liên tục đổi mới góp phần ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trên cây đàn TTL.

b. Phương pháp giảng dạy:

        Tại HVANQGVN môn đàn TTL được giảng dạy dưới hình thức 1 thầy - 1 trò, song hành giữa phương pháp truyền thống: truyền khẩu- truyền ngón và phương pháp thực hành trên bản kí âm (phương pháp dùng bản phổ). Hiện nay chủ yếu thiên về phương pháp dùng bản phổ.

         Phương pháp giảng dạy Chèo hiện nay còn rất chú trọng về kỹ thuật và quên đi yếu tố lòng bản, chưa khuyến khích và cổ vũ tính chủ động, tự tìm tòi, khám phá của hssv, chưa khai thác tối đa các thiết bị thông tin hiện đại vào việc phục vụ quá trình học. Do đó trong quá trình đào tạo, cần có sự phân loại các đối tượng hssv và định hướng nghề nghiệp để đưa ra phương pháp giảng dạy cùng giáo trình phù hợp, sát với thực tế xã hội yêu cầu. Bên cạnh đó người giáo viên cũng cần luôn ý thức chủ động thường xuyên bồi bổ, nâng cao kiến thức, chuyên môn để đảm bảo việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

1.2.3 Phương pháp học và cách tiếp cận của học sinh với bộ môn Chèo

        Hssv có 1-2 tiết/tuần học dành cho giờ chuyên môn. Hssv còn quá thụ động trong việc học, được giao bài nào thì học bài đó, không có sự tìm tòi phát triển thêm. Trong suốt quá trình học, mỗi hssv sẽ chọn lựa 2- 3 bài Chèo trong số các bài đã được học để chuẩn bị cho kì thi học kỳ và cuối năm học. Mỗi giáo trình trong các tuyển tập Chèo cho các nhạc cụ tuy cùng một làn điệu nhưng lại được soạn ở các tông giọng khác nhau, chưa được thống nhất. Chính điều đó cũng gây khó khăn cho các bạn hssv khi muốn hòa tấu với nhau.

Đánh Giá Chung

       - Ưu điểm: Chương trình, giáo trình đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, các hssv chăm chỉ, năng khiếu được đào tạo với kỹ thuật vững vàng,sau khi tốt nghiệp dần đáp ứng được nhu cầu làm việc sau một thời gian hòa nhập.

      - Hạn chế: bên cạnh những ưu điểm trên, vẫn còn tình trạng một số sv ra trường chưa thể thích ứng và làm việc ngay tại các nhà hát Chèo được. Qua trao đổi kinh nghiệm với các thầy cô, bạn bè, với các nghệ sĩ, nghệ nhân đoàn Chèo chúng tôi tìm ra một số nguyên nhân chính

Từ những đánh giá ở trên là cơ sở để chúng ta cùng nhìn nhận và tìm ra các phương án giải quyết tốt nhất nhằm điều chỉnh phương pháp giảng dạy đối với từng đối tượng học sinh.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

                Trong chương một của luận văn, nghệ thuật Chèo đã giới thiệu một cách khái quát nhằm đem lại một cái nhìn tổng quan từ  những đặc điểm chung của nghệ thuật Chèo; hệ thống các làn điệu Chèo, cấu trúc làn điệu và hình thức tổ chức dàn nhạc cũng như những nét đặc trưng, cấu tạo nên giá trị nghệ thuật Chèo. Trong chương một, tác giả cũng đã  khái quát về cây đàn TTL: đặc điểm và giới thiệu một số cây đàn có đặc điểm chung trên thế giới và vai trò, một số kỹ thuật cơ bản của đàn TTL khi diễn tấu Chèo cùng với vị trí của cây đàn TTL trong tổ chức dàn nhạc Chèo truyền thống.

                Hiện nay, giáo trình dành cho việc giảng dạy phong cách Chèo truyền thống cho đàn TTL tại HVANQGVN chỉ có duy nhất cuốn “Tuyển tập nhạc phong cách Chèo cho đàn tam thập lục” do tập thể các giảng viên đàn TTL biên soạn cho tất cả các cấp học. Với giáo trình này mặc dù đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của việc dạy và học nhạc Chèo cho học sinh đàn TTL nhưng đối với yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học thì việc bổ sung, chỉnh lý thêm một số bàn bản, hệ thống làn điệu khác nữa để tạo sự phong phú và đáp ứng cho nhu cầu thực tiễn là công việc hết sức cần thiết.

         Ngoài việc xem xét, đánh giá về giáo trình, khung chương trình giảng dạy, tác giả cũng tiến hành khảo sát đội ngũ giảng viên và phương pháp giảng dạy tại Khoa NCTT và bộ môn đàn TTL. Chính những khảo sát thực trạng này sẽ giúp cho tác giả luận văn có cơ sở lí luận và thực tiễn để tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học nhạc Chèo truyền thống cho hssv bộ môn đàn TTL tại HVANQGVN.

 

CHƯƠNG 2: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY CHÈO TRUYỀN THỐNG CHO ĐÀN TAM THẬP LỤC TẠI HVANQGVN

2.1 Đổi mới giáo trình giảng dạy      

2.1.1 Hệ thống phân loại bài bản trong giáo trình cho từng cấp học.

      Trong công tác giảng dạy, việc hệ thống, soạn bài là rất cần thiết. Cần phải sắp xếp bài bản sao cho phù hợp với từng đối tượng học cụ thể.

  • Đối với các học sinh Trung cấp

          Sinh viên hệ TC chỉ mới tiếp xúc với Chèo, kỹ thuật chưa vững vàng, do đó những bài bản học ở giai đoạn này nên mang tính chất giới thiệu về âm nhạc Chèo. Khi diễn tấu những làn điệu này, giảng viên cần yêu cầu hssv đánh đúng lòng bản, thể hiện được đúng tính chất, tốc độ của từng làn điệu.

  • Đối với các bạn sinh viên Đại Học

        Sinh viên bậc ĐH đã được tiếp xúc, làm quen với Chèo ở bậc dưới, có kỹ thuật chơi đàn điêu luyện hơn, khả năng tư duy âm nhạc tốt hơn, do đó cần lựa chọn những bài bản có phần kỹ thuật khó hơn, có nhiều trổ, thể hiện cảm xúc sâu sắc, tính chất âm nhạc đa dạng (vui , buồn, tâm trạng), cần cho sinh viên bắt đầu tập ngẫu hứng, sáng tạo dựa trên lòng bản để nâng cao khả năng trình tấu.

        Chúng tôi phân loại bài bản có trong giáo trình “Tuyển tập chèo cổ cho đàn tam thập lục” cho từng hệ TC và ĐH dựa vào những tiêu chí sau: tính chất âm nhạc, tốc độ, độ khó của tiết tấu, kỹ thuật thể hiện của từng bài.

Giáo trình cho hệ Trung cấp:

  • Hệ thống hề: hề mồi bằng vàng, cách cú
  • Hệ thống sắp hề gậy: sắp cổ phong
  • Hệ thống ra trò: lới lơ, con gà rừng, hát cách, thiếp trả cho chàng
  • Hệ thống đối đáp trữ tình: Đào liễu, dương xuân, ru bống, chức cẩm hồi văn
  • Hệ thống đường trường: đường trường tiếng đàn, đường trường trên non

Giáo trình cho hệ Đại học                                                    

  • Hệ thống hề: ba mươi tết, nhịp đuổi
  • Hệ thống ra trò: dậm chân, nhân khang, hát ngược, luyện tam tầng, quá giang
  • Hệ thống đường trường: đường trường duyên phận, đường trường bắn thước
  • Hệ thống đối đáp trữ tình: luyện năm cung, sử truyện, quân tử vu dịch, tình thư hạ vị

2.1.2 Bố sung và điều chỉnh một số làn điệu Chèo truyền thống cho đàn Tam thập lục

 * Bổ sung

       Những bài được lựa chọn để bổ sung đều là những làn điệu thể hiện sự đa dạng về tính chất âm nhạc và được các nghệ sĩ thường xuyên sử dụng trong các vở Chèo khi diễn xướng.

Hệ Trung cấp:

  • Hệ thống Hề: bổ sung thêm các bài bản hề mồi sông đào; hề mồi bát môn, hề mồi đồn rằng, hề mồi sư cụ.
  • Hệ thống Sắp hề gậy: bổ sung thêm các bài bản sắp thường “Ta tắm ao ta”; sắp qua cầu, sắp song loan.
  • Hệ thống Ra trò: bổ sung thêm xẩm xoan, thập nguyệt hoài thai.
  • Hệ thống Đối đáp – trữ tình: bổ sung thêm chi tải vu quy

Hệ Đại Học:

  • Hệ thống Hề: bổ sung thêm hề mồi cu sứt, nón thúng quai thao, hồi tiếu.
  • Hệ thống Sắp hề gậy: bổ sung thêm sắp chợt, sắp sông dâu.
  • Hệ thống Ra trò: bổ sung thêm hát xuôi, suông hời.
  • Hệ thống Đối đáp trữ tình: bổ sung thêm đò đưa, sa lệch chênh, chinh phụ.
  • Hệ thống đường trường: bổ sung thêm đường trường vị thủy, đường trường thu không.
  • Bổ sung thêm hệ thống Vãn, thảm: làn điệu Trần tình, Ru kệ, Làn thảm..

*Điều chỉnh                                                                         

        Với bảng khảo sát, có thể thấy chỉ có 10 bài bản được soạn đúng về tông giọng và đầy đủ các trổ hát.  Còn lại cần bổ sung thêm trổ hát cho các bài bản để được đầy đủ và 2 bài bản soạn lại tông giọng cho phù hợp khi diễn tấu trong sân khấu Chèo: lới lơ, gà rừng.  Với các làn điệu có nhiều trổ hát, trong chương trình học do thời lượng có hạn, các em hssv không nhất thiết phải học hết tất cả các trổ mà có thể lấy đó làm tài liệu tham khảo để tự tìm hiểu thêm, và cũng góp phần tạo sự phong phú cho giảng viên khi lựa chọn bài bản cho các hssv có nhu cầu tìm hiểu sâu sắc về các làn điệu Chèo.

2.2  Đổi mới phương pháp giảng dạy

2.2.1 Phối hợp giữa hai phương pháp truyền thống và bản phổ

        Trong các phương pháp giảng dạy âm nhạc truyền thống nói chung và phong cách Chèo nói riêng vẫn luôn tồn tại phương pháp cổ truyền (truyền khẩu, truyền ngón), và phương pháp dùng bản phổ. Trước khi đưa ra việc đổi mới phương pháp giảng dạy phong cách Chèo cho đàn TTL tại HVANQGVN, chúng tôi xin được giới thiệu về các phương pháp hiện đang được sử dụng.

        Sau đây là bảng tổng kết so sánh những ưu điểm, nhược điểm giữa hai phương pháp giảng dạy trên:

Phương pháp cổ truyền

Phương pháp bản phổ

   -  Giáo trình học theo kinh nghiệm và sự ngẫu hứng của người Thầy

 -  Giáo trình đã được soạn sẵn

  -  Thời gian đào tạo là vài năm tùy vào sự tiếp thu của học trò

   -  Thời gian đào tạo 1- 3 năm (Theo quy định đào tạo ở các cơ sở chuyên nghiệp trên cả nước)

  -  Học hầu hết các làn điệu được sử dụng trong các vở diễn Chèo

   -  Học một số bài bản đặc trưng của từng hệ thống làn điệu

   -  Học thuộc kỹ lời hát rồi bắt đầu thực hành trên đàn

    -  Không nhất thiết phải học thuộc lời hát. Nhìn vào bản nhạc đã được soạn sẵn có thể thị tấu luôn

   -   Ký âm bằng chữ đàn

   -  Ký âm bằng nốt nhạc

   -   Phương pháp học: Thầy đánh trên đàn rồi bắt chước lại theo

   -  Nhìn bản nhạc được soạn bằng nốt nhạc và thị tấu luôn

   -  Thời gian chơi mỗi một bài bản lâu

    -  Không mất nhiều thời gian để vỡ xong mỗi bài bản

    -  Thường xuyên được nghe hát nên ngấm sâu về giai điệu bài bản

     -  Ít hoặc không nghe hát nên không thuộc giai điệu bài bản

    -  Có khả năng ứng biến tốt

    -  Không biết cách ngẫu hứng

    -   Kỹ thuật diễn tấu còn hạn chế

    -  Kỹ thuật điêu luyện

    - Thường xuyên được hòa tấu và đệm cho hát

    -  Thỉnh thoảng hòa tấu và không biết cách đệm cho hát

    - Nắm vững làn điệu và nhớ lâu

    - Chỉ chơi được một dị bản và nhanh quên

    - Dễ dàng hòa nhập vào dàn nhạc Chèo

    - Khó thích nghi khi tham gia vào dàn nhạc Chèo

      

 Với mỗi một phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Do đó nhìn vào bảng so sánh trên, chúng tôi xin được đưa ra một phương pháp mới trong đó có sự kết hợp, dung hòa, chọn lọc giữa hai phương pháp nêu trên để có được một phương pháp giảng dạy nhạc Chèo tốt nhất cho đàn tam thập lục tại HVANQGVN.

  • Các bước học Chèo cho đàn tam thập lục theo phương pháp kết hợp:

+ Hssv tìm hiểu khái quát về đặc điểm của từng làn điệu Chèo được học: nguồn gốc, nội dung, xuất xứ, hệ thống làn điệu, tính chất âm nhạc..

+ Hssv học thuộc  giai điệu lời hát.

+ Hssv tìm nghe tư liệu, băng đĩa của làn điệu mình được học theo nguồn được giảng viên lựa chọn.

+ Hssv chủ động thực hành trên đàn theo giai điệu của bài bản.

+ Giảng viên hướng dẫn, chỉnh sửa và thêm ngón.

+ Hssv tham khảo một số dị bản khác của làn điệu (bài được soạn).

+ Tổ chức nhiều buổi học thực tế: đi thăm quan, học hỏi, kiến tập ở các đoàn Chèo, nhà hát Chèo.

+ Hssv thường xuyên lập các nhóm hòa tấu Chèo và đệm cho hát Chèo để luyện tập những bài bản đã được học.

        Với phương pháp nêu trên đề cao khả năng tự học, tự tìm tòi của sinh viên một cách khoa học. Ở đây người giảng viên đóng vai trò hướng dẫn để các em tự học là chủ yếu. Tuy nhiên , người giảng viên vẫn phải dựa vào tình hình thực tế của từng đối tượng hssv, nắm bắt tâm lí để phân loại từng đối tượng hssv để áp dụng những phương pháp phù hợp nhằm kích thích, khơi gợi, cổ vũ, phát huy hết khả năng sáng tạo của hssv nhằm đạt được kết quả tốt nhất trong việc dạy và học.

2.2.2 Đổi mới phương pháp giảng dạy Chèo cho đàn Tam thập lục trong từng cấp học

* Hệ Trung cấp

        Tổng kết quy trình phương pháp giảng dạy nhạc phong cách Chèo cho đàn TTL ở hệ Trung cấp:

  • Bước 1: Giao bài
  • Bước 2: Thực hành
  • Bước 3: Chỉnh sửa và hoàn thiện

        Với hssv ở cấp học này, giảng viên chưa nên yêu cầu cao về tính ngẫu hứng sáng tạo của hssv, mà hssv cần chơi được một cách chính xác bài bản, nhịp phách, nắm vững được từng hệ thống làn điệu cũng như áp dụng những kỹ thuật diễn tấu của cây đàn để thể hiện tốt nhất được tính chất âm nhạc trong từng làn điệu.

*Hệ Đại học

        Tóm tắt quy trình hướng dẫn phương pháp giảng dạy phong cách Chèo trên đàn TTL cho sinh viên hệ ĐH

-Bước 1: Giao bài

-Bước 2: Thực hành                                                      

-Bước 3: Kiểm tra, đánh giá

-Bước 4: Mở rộng, sáng tạo

        Đối với các bạn sinh viên ĐH là năm học cuối được học phong cách Chèo, do đó nên bổ sung thêm vào chương trình những giờ học ngẫu hứng, sáng tạo dựa trên lòng bản Chèo có sẵn. Qua việc sưu tầm các băng đĩa Chèo và việc học hỏi trực tiếp các nghệ nhân, nghệ sĩ tôi xin đưa ra các cách đệm ứng tấu và ngẫu hứng chính để hướng dẫn cho sv khi đệm nhạc Chèo như sau:

  - Đệm vây theo giai điệu

  - Đệm bè bằng cách đánh ít nốt

  - Đệm ngẫu hứng, phóng túng

 

2.3 Nâng cao chất lượng diễn tấu Chèo cho đàn Tam thập lục

2.3.1 Ứng dụng cách diễn tấu của đàn TTL trong các hệ thống làn điệu Chèo

        Các làn điệu có tính chất âm nhạc vui thuộc: hệ thống hát Sắp, hệ thống hề, hệ thống ra trò, hệ thống đường trường

- Làn điệu thuộc hệ thống Sắp: Khi diễn tấu đàn TTL khá thuận lợi bằng cách chạy kép linh hoạt, nhảy quãng xa, tiết tấu móc giật. Yêu cầu hssv sử dụng kỹ thuật hai tay phối hợp phải linh hoạt, thể hiện tiếng đàn đầy đặn, rõ nét và khỏe  khoắn.

- Hệ thống Hề:  khi diễn tấu đàn TTL  yêu cầu hssv phải chơi chắc tiếng đàn và nẩy tiếng.

- Hệ thống Ra trò:  khi diễn tấu yêu cầu hssv cần chú ý tới các nốt nhảy quãng xa khi chạy kép. Đặc biệt các nốt vê, yêu cầu hssv phải thả lỏng tay, vê dùng kỹ thuật kết hợp cả cánh tay, cổ tay và ngón tay để tiếng vê dền và chuyển nốt không bị ngắt tiếng.

- Hệ thống Đường trường: Với làn điệu này, yêu cầu hssv khi chơi kết hợp nhiều kỹ thuật phối hợp hai tay, sử dụng kỹ thuật vê, thả lỏng tay; thêm nhiều ngón chạy và sử dụng nhiều các nốt quãng 8 ở bè trầm, thay đổi âm khu khác nhau để tạo màu sắc hợp với tính chất linh hoạt của bài.

        Các làn điệu có tính chất âm nhạc buồn, sâu lắng : hệ thống các lối nói, vỉa, ngâm vịnh; hệ thống các điệu vãn, thảm; hệ thống đối đáp trữ tình.

- Hệ thống các lối nói, vỉa, ngâm vịnh: Đàn TTL thường ít diễn tấu ở những bài bản thuộc hệ thống này chỉ vê nền tạo màu sắc

- Hệ thống vãn, thảm: Khi thể hiện không chơi nhiều nốt đàn, bám sát theo giai điệu lời ca. Diễn tấu chủ yếu dưới âm khu trầm để tạo hiệu quả dầy, trầm buồn.

- Hệ thống đối đáp trữ tình: Sử dụng nhiều các nốt vê ở các đoạn nhịp ngoại và sau đảo phách để tạo sự mềm mại. Diễn tấu ở nhiều âm khu trên đàn .

        Với mỗi một hệ thống làn điệu Chèo đều có những đặc điểm, tính chất riêng do đó yêu cầu hssv ngoài việc học thuộc kỹ lòng bản, còn cần phải khéo léo kết hợp những kỹ thuật đã được học để thể hiện, khắc họa được đúng tính chất âm nhạc của bài.

2.3.2 Nâng cao chất lượng diễn tấu Chèo trên đàn tam thập lục trong các tình huống Chèo

* Trong vai trò độc tấu

         Khi độc tấu các làn điệu Chèo, người chơi đàn TTL cần phải hội tụ các yếu tố sau: nắm vững lòng bản, bên cạnh đó phải biết thêm nốt, thêm những ngón chạy phù hợp, phô diễn được những kỹ thuật đặc trưng của cây đàn để tạo hiệu quả cao trong việc trình tấu mà vẫn không làm mất đi giai điệu gốc của mỗi làn điệu Chèo…

*Trong vai trò đệm cho hát

          Khi đệm cho hát, người nhạc công cần bám sát giai điệu, thêm những ngón đặc trưng của cây đàn, những câu nhạc lưu không, xuyên tâm phải rõ ràng, sắc nét. Người chơi đàn TTL nói riêng và các nhạc công Chèo nói chung đều phải hiểu một quy tắc cơ bản khi đệm cho hát Chèo đó là phải nắm vững giai điệu các bài bản Chèo để có thể “lúc nâng tiếng hát, lúc trổ ngón đàn”.

*Trong vai trò hòa tấu                  

        Trong hòa tấu nhạc Chèo, có thể nói đàn TTL mang chức năng phụ là một nhạc cụ đệm, tạo sự gắn kết giữa các nhạc cụ. Muốn hòa tấu nhạc Chèo tốt người chơi đàn TTL cần phải hết sức khéo léo, biết luồn theo giai điệu, tạo sự hài hòa, gắn kết với các nhạc cụ khác. Nắm vững lòng bản, chơi thuần thục các kỹ thuật, và hiểu rõ tính năng nhạc cụ cây đàn của mình để có thể lựa chọn ngón đàn phù hợp, xuất hiện đúng lúc làm nổi bật tiếng đàn của mình và có lúc nhường để nâng tiếng đàn của bạn diễn. Mặt khác cần tăng khả năng diễn tấu của cây đàn TTL trong những đoạn xuyên tâm, lưu không, hay những đoạn ngân nghỉ của giai điệu, và những câu mang tiết tấu đảo phách.

2.3.2 Bổ sung thêm một số cách biến hóa ngẫu hứng của Lưu không- Xuyên tâm

        Theo nghiên cứu của ông Hoàng Kiều (1: 27,28), tất cả các bài bản Chèo có khoảng hơn 150 làn điệu thì chỉ có khoảng hơn 30 lưu không được dùng cho các làn điệu Chèo này. Bởi vậy sẽ có những lưu không được dùng chung cho một số làn điệu Chèo. Do vậy, cách biến hóa, ngẫu hứng, sáng tạo cách chơi các đoạn  lưu không nhằm tăng sự phong phú, tạo nét riêng cho mỗi làn điệu là cách mà các nghệ nhân Chèo vẫn thường xuyên sử dụng.

        Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số cách biến hóa của lưu không trong Chèo.

     2.4 Một số giải pháp hỗ trợ để nâng cao chất lượng học Chèo

2.4.1 Tăng cường thời lượng học hát Chèo và hòa tấu Chèo

* Hát Chèo             

        Thông qua hát Chèo, người học sẽ dễ tiếp cận, ngấm chất Chèo nhanh hơn. Hoc  hát cũng là một phương thức giúp nhanh thuộc lòng bản làn điệu hơn, giúp ích cho việc diễn tấu Chèo một cách chủ động và linh hoạt hơn.

*Hòa tấu Chèo

        Nên tránh việc chơi hòa tấu trên tư duy độc tấu vì nó sẽ làm mất đi tính ngẫu hứng vốn có rất quan trọng trong âm nhạc dân gian. Cần phân chia các nhóm để hòa tấu, giáo viên hướng dẫn hs phân chia cấu trúc làn điệu và phải có sự thống nhất về tông, giọng khi soạn bài để hòa tâu với nhau.

2.4.2  Tổ chức các buổi ngoại khóa cho sinh viên đi thực tế tại các Nhà hát Chèo, giao lưu học hỏi cùng các nghệ sĩ Nhà hát Chèo.

        Bên cạnh việc học tập tại trường, nên thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa cho hssv đến các nhà hát Chèo để trực tiếp được xem, học hỏi các nghệ sĩ trong nhà hát. Ngoài việc thực tế tại các nhà hát Chèo cũng nên mời các chuyên gia, nghệ nhân giỏi trong ngành Chèo đến để giao lưu, nói chuyện và minh họa về nghệ thuật Chèo. Việc được gặp gỡ và tiếp xúc với các nhà  nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ Chèo sẽ giúp hssv thêm hiểu sâu sắc nguồn gốc, xuất xứ, nội dung các tích chèo tiêu biểu, các vở Chèo cổ. Thêm gắn bó và có sự hiểu biết nhất định về môn nghệ thuật này.

2.5 Thiết kế giáo án thực nghiệm, tổ chức dạy thực nghiệm và đánh giá kết quả

        Để tổ chức dạy thực nghiệm, chúng tôi biên soạn 2 giáo án cho hai cấp học

  • Giáo án 1 ( Hệ trung cấp)
  • Giáo an 2 ( Hệ đại học)

Đánh giá kết quả dạy thực nghiệm

        Sau quá trình dạy thực nghiệm, kết quả so sánh giữa các hssv tham gia học thực nghiệm với các hssv học theo phương pháp cũ có sự khác nhau rõ rệt:

        Nếu như các hssv học theo phương pháp cũ mới chỉ thể hiện được các làn điệu Chèo ở mức độ đúng nhịp phách và đúng tiết tấu thì đối với các hssv được học theo giáo án thực nghiệm đã thể hiện làn điệu một cách khá tự tin và chủ động hơn. Các hssv còn có thể vừa hát, vừa đệm đàn. Ngoài việc đánh đúng về nhịp phách tiết tấu, các em còn tự tin thể hiện phần nhạc cảm của tính chất làn điệu. Đối với sv lớp ĐH 1 đã bắt đầu có những phần (lưu không) tự ngẫu hứng trên giai điệu lòng bản. Việc học tốt các làn điệu trong giờ chuyên ngành giúp các em tự tin hơn khi tham gia các lớp hòa tấu. SV Huyền Anh cùng với các bạn trong lớp có thể tự đệm cho nhau trong các kỳ thi chuyên ngành hay tốt nghiệp.

        Từ kết quả trên, tôi thấy rằng các giải pháp đổi mới đưa ra đã bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy của bộ môn TTL tại HVANQGVN.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

        Để nâng cao chất lượng diễn tấu phong cách âm nhạc Chèo cho đàn TTL, ở chương 2 tác giả luận văn cũng đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho hssv bộ môn đàn TTL như: đổi mới giáo trình thông qua việc sắp xếp và bổ sung, điều chỉnh chi tiết thêm các làn điệu Chèo tiêu biểu, nâng cao chất lượng diễn tấu nhạc phong cách Chèo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng diễn tấu Chèo như: đưa ra các phương pháp ứng tấu Chèo của đàn TTL trong từng hệ thống làn điệu và trong các vai trò độc tấu, vai trò đệm cho hát và vai trò hòa tấu.

        Với mỗi một cấp học, tác giả đều đưa ra những đặc điểm và phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy phong cách âm nhạc Chèo phù hợp nhất. Và đưa ra phương pháp mới phối hợp giữa hai phương pháp giảng dạy hiện đại (dùng bản phổ) và phương pháp giảng dạy truyền thống (truyền khẩu, truyền ngón).

        Ngoài ra, tác giả luận văn cũng đưa ra một số giải pháp hỗ trợ khác nhằm nâng cao chất lượng diễn tấu âm nhạc Chèo: bổ sung một số cách biến hóa lưu không, tăng cường thời lượng học hát Chèo, hòa tấu Chèo, tổ chức các buổi ngoại khóa đi thực tế các Nhà hát, giao lưu, học hỏi cùng các nghệ sĩ Nhà hát Chèo.

Cuối chương 2 là phần thiết kế giáo án, tổ chức và đánh giá kết quả.

 

KẾT LUẬN

       Chèo là một môn nghệ thuật vô cùng đặc sắc của dân tộc ta. Âm nhạc Chèo là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân Việt Nam. Trong đó là sự góp mặt của lời ca, tiếng hát và với rất nhiều các nhạc cụ truyền thống của dân tộc ta: tranh, bầu, sáo, nhị, tam thập lục, nguyệt, bộ gõ, đàn tam,….

        Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, bên cạnh việc phát triển, học hỏi và tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới thì việc giữ gìn và phát huy những vốn cổ, văn hóa truyền thống của ông cha đã hàng ngàn năm để lại là một việc vô cùng cần thiết và rất quý báu.

        Khoa NCTT– HVANGVN là một cơ sở đào tạo và biểu diễn uy tín hàng đầu trên cả nước.  Với phương châm xây dựng Khoa NCTT tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, bên cạnh việc đào tạo những nghệ sĩ có tay đàn giỏi,chơi những tác phẩm mới với kỹ thuật điêu luyện thì việc nâng cao chất lượng giảng dạy nhạc phong cách trong đó có phong cách nhạc Chèo cũng là một nhiệm vụ cấp bách được đề ra. Là một giảng viên trong khoa, tôi đã đi sâu tìm hiểu, học hỏi các nghệ nhân và mạnh dạn chọn đề tài “Giảng dạy âm nhạc Chèo truyền thống cho đàn tam thập lục tại HVANQGVN” làm công trình nghiên cứu của mình với  mong muốn có thể đáp ứng một phần nhu cầu cấp thiết đó.

        Cây đàn TTL là một nhạc cụ xuất hiện sau trong biên chế dàn nhạc Chèo nhưng cho đến nay đã ngày càng khẳng định được vị trí của nó đối với môn nghệ thuật này. Trong chương một, luận văn đã giới thiệu về nghệ thuật sân khấu Chèo nói chung và âm nhạc Chèo nói riêng. Đồng thời chỉ ra được về cấu trúc, đặc điểm và hệ thống  làn điệu trong âm nhạc Chèo cũng như tổ chức dàn nhạc Chèo từ trước kia cho đến sự bổ sung một cách đầy đủ trong biên chế dàn nhạc hiện nay với sự góp mặt tích cực của cây đàn TTL.

        Chương một, luận văn cũng đã khảo sát về khung chương trình, giáo trình và  đội ngũ giáo viên với phương pháp giảng dạy âm nhạc Chèo truyền thống hiện nay và cách tiếp nhận từ phía hssv.

        Với sự khảo sát thực tế đó, để sang chương hai luận văn đã đưa ra những đổi mới về giáo trình và phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng diễn tấu Chèo cho hs-sv như: hệ thống phân loại lại giáo trình, đồng thời bổ sung một số làn điệu Chèo giúp phong phú về hệ thống bài bản. Về phương pháp giảng dạy, tác giả cũng đã đưa ra một phương pháp tổng hòa giữa hai phương pháp hiện đại và truyền thống sau khi phân tích và so sánh những ưu – nhược điểm giữa hai phương pháp đó. Ngoài ra cùng với đó là những kỹ thuật cơ bản cần thiết đối với đàn TTL khi diễn tấu những bài bản Chèo. Đặc biệt trong chương hai để nâng cao chất lượng diễn tấu của âm nhạc Chèo trên đàn TTL, tác giả cũng đã phân tích và đưa ra các phương cách từ kinh nghiệm của các nghệ sĩ trong các nhà hát Chèo khi diễn tấu Chèo trong những tình huống Chèo khác nhau như: đàn TTL diễn tấu trong vai trò độc tấu, vai trò đệm cho hát và vai trò hòa tấu đạt kết quả tối ưu nhất. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã bổ sung thêm một số cách biến hóa của lưu không, nhạc ngân đuôi trong âm nhạc Chèo để người học có thể hình dung một cách rõ nét về các cách biến tấu, biến hóa trên cùng một nét giai điệu lòng bản. Ngoài ra, tác giả đưa ra một số biện pháp hỗ trợ thêm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy âm nhạc Chèo truyền thống cho đàn TTL như: tăng cường các giờ học hát Chèo, hòa tấu Chèo, tích cực cho hssv được phân nhóm, phân lớp để tập hòa tấu Chèo và đệm cho hát Chèo. Cho hssv được đi tham gia thực tế, kiến tập tại các đoàn Chèo trên địa bàn Hà Nội….Cuối luận văn là phần thiết kế giáo án thực nghiệm, tổ chức và đánh giá kết quả.

KIẾN NGHỊ

        Để nâng cao chất lượng diễn tấu âm nhạc nói chung và trong âm nhạc Chèo nói riêng, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số những kiến nghị như sau:

- Bổ sung thêm giờ học hát, giờ học đệm cho hát và hòa tấu Chèo cho hs- sv.

- Về giáo trình giảng dạy: cần sưu tầm, biên soạn bổ sung thêm vào chương trình, giáo trình những làn điệu Chèo một cách hệ thống và khoa học hơn cho đàn TTL.

- Riêng đối với các bạn sinh viên ĐH, nên thiết kế giáo trình để các bạn có nhiều thời gian được tham gia học tập thực tế tại các nhà hát Chèo, được học hỏi trực tiếp từ các nghệ nhân, nghệ sĩ các nhà hát.

- Bổ sung thêm những giờ học ngẫu hứng Chèo cho sinh viên và khuyến khích hssv thể hiện trong bài thi của mình những sáng tạo trên lòng bản đó.

- Nên có những giáo trình riêng giảng dạy về từng phong cách cho độc tấu, cho đệm hát và hòa tấu Chèo. Đó là những tài liệu bổ ích giúp cho học sinh dễ dàng tiếp cận với các hình thức diễn tấu Chèo hiện nay.

- Liên kết và tổ chức với các đoàn, Nhà hát Chèo trên địa bàn Hà Nội để hssv thường xuyên được đến tham gia, học tập, thưởng thức, kiến tập mỗi khi các đoàn Chèo, nhà hát tập vở mới giúp cho hssv có cơ hội được thực hành trực tiếp những kiến thức đã được học trong  nhà trường.

- Tổ chức những buổi tọa đàm, giao lưu, gặp gỡ với các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ Chèo để các giảng viên và hssv được học hỏi về âm nhạc Chèo truyền thống.

- Tổ chức thường xuyên nhiều những cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống để hssv được giao lưu, học hỏi, cọ sát.

- Nhà nước nên có những chính sách dành cho việc đầu tư nghiệp vụ sư phạm cho các giảng viên sau một thời gian nhất định.

- Định hướng về đầu ra cho các sv hệ đại học để các em được đào tạo đúng hướng và sát với thực tế yêu cầu.

      Luận văn chỉ là bước đầu tìm hiểu về vai trò, vị trí, kỹ thuật diễn tấu và phương pháp giảng dạy âm nhạc Chèo truyền thống trên cây đàn TTL. Để phát huy hết được những lợi thế của cây đàn TTL khi trình diễn và nâng cao chất lượng giảng dạy trong các môi trường đào tạo chuyên nghiệp cần rất nhiều công sức của các nhà nghiên cứu, các thế hệ giảng viên, nhạc sỹ, nghệ sỹ đã và đang yêu mến cây đàn TTL. Chúng tôi hy vọng rằng luận văn sẽ phần nào đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy âm nhạc nói chung và đối với âm nhạc Chèo trên cây đàn TTL nói riêng.
Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn