Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12202491
Luận văn Thạc sĩ Thứ ba, 16/04/2024

Tác giả: Bùi Thị Thu Huyền
Tên Đề tài: Phát triển mở rộng âm vực cho các giọng hát ở trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (Thanh nhạc)
Mã số: 60 21 02 02
Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS.NSND. Nguyễn Trung Kiên
Ngày đăng: 08/10/2016

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn:

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài.

Trong lĩnh vực Thanh nhạc, giọng hát của người ca sĩ thường được ví như là một “nhạc cụ sống”. Nhưng nếu chỉ dựa vào những gì vốn có của giọng hát thì chưa đủ, nó còn cần phải được trải qua một quá trình luyện tập lâu dài mới có thể hoàn thiện và đạt được những yêu cầu chuẩn mực của một giọng hát chuyên nghiệp. Tất cả đều phải được thực hiện đúng phương pháp và đúng quy trình. Việc rèn luyện mở rộng âm vực cho giọng hát là một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình dạy và học Thanh nhạc. Vấn đề này cần được quan tâm một cách đầy đủ bởi việc rèn luyện để phát triển hoàn thiện âm vực của giọng hát là yêu cầu tất yếu của mọi ca sĩ chuyên nghiệp  mà đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật Opera.

Một giọng hát không thể phát triển mở rộng được âm vực, là một giọng hát thiếu tính chuyên nghiệp, một yếu tố hết sức quan trọng và giọng hát đó sẽ không thể hiện được trọn vẹn yêu cầu ở bất cứ tác phẩm nào. Vấn đề rèn luyện để phát triển và mở rộng âm vực là một trong những vấn đề khó và còn nhiều nan dải, bởi sẽ rất dễ bị mắc phải những sai lầm nếu như người dạy và người học không thận trọng, không hiểu đúng và đầy đủ về việc phát triển âm vực của giọng hát trong quá trình rèn luyện và cần phải có những phương pháp thật khoa học và phù hợp.

Ở nước ta, hiểu biết về vấn đề phát triển mở rộng âm vực hiện nay còn thiếu chính xác dẫn đến tình trạng nhiều ca sĩ không đạt được tiêu chí quan trọng này trong quá trình hoàn thiện giọng hát của mình.

Xét trên góc độ nghiên cứu về đào tạo Thanh nhạc chuyên nghiệp của trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội thì còn nhiều những vấn đề rất đáng quan tâm và cần có những đề xuất về giải pháp sư phạm để có thể đào tạo tốt hơn nữa, nhiều hơn nữa những giọng hát xuất sắc của Nhà trường, đặc biệt là trong tình hình mới hiện nay nhưng mục tiêu cũng như yêu cầu về mở rộng âm vực cho giọng hát vẫn là vấn đề ưu tiên hàng đầu của nhiều nhà nghiên cứu về sư phạm Thanh nhạc cũng như đội ngũ giảng viên giảng dạy Thanh nhạc.

Mở rộng âm vực cho giọng hát tuy là vấn đề còn có những ý kiến khác nhau, những kết quả trong đào tạo cũng chưa được hoàn toàn như nhau. Nhưng với những suy nghĩ thiết thực và cụ thể tại đơn vị của mình là trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, với khả năng cũng như nguyện vọng, đồng thời nhằm nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Thanh nhạc của Nhà trường cũng như đáp ứng được những yêu cầu của quá trình nghiên cứu trên lĩnh vực sư phạm Thanh nhạc, vì thế chúng tôi xin mạnh dạn chọn đề tài: “Phát triển mở rộng âm vực cho các giọng hát ở trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội” làm đề tài nghiên cứu luận văn của mình.

2. Lịch sử đề tài.

Trong lĩnh vực sư phạm thanh nhạc đã có một số công trình nghiên cứu, đóng góp tích cực cho việc phát triển, mở rộng âm vực giọng hát trong giảng dạy thanh nhạc chuyên nghiệp có thể nêu một số công trình sau đây:

- Sách học thanh nhạc của PGS.NSND Mai Khanh - cuốn sách phân tích các tác phẩm thanh nhạc của nước ngoài và Việt Nam dành cho bậc trung học và đại học và cung cấp nhiều tác phẩm giúp cho việc mở rộng âm vực giọng hát.

- Phương pháp dN﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽cứu về đào tạo tạy thanh nhạc của NSƯT Hồ Mộ La (2008), cuốn sách đề cập tới những yêu cầu của sư phạm thanh nhạc, cũng như việc mở rộng âm vực.

- Phương pháp sư phạm thanh nhạc (2001) của GS.NSND Nguyễn Trung Kiên, cuốn sách 14 chương gồm các quy trình, phương pháp dạy hát, các kỹ thuật về thanh nhạc cuốn sách cũng bàn tới vấn đề phát triển âm vực cho giọng hát cùng các bài luyện giọng, sửa chữa các lỗi kỹ thuật.

- Giáo trình thanh nhạc bậc trung cấp và Đại học của GS. NGND Trung Kiên nội dung bao gồm các hướng dẫn về kỹ thuật thanh nhạc và quy định các tác phẩm dạy và học cho từng giọng, từng năm, từng cấp học với các tác phẩm nước Ngoài và Việt Nam giúp cho việc mở rộng âm vực ở mỗi một bậc học.

- Những vấn đề sư phạm thanh nhạc của GS. NSND Nguyễn Trung Kiên. Cuốn sách trình bầy nhiều vấn đề quan trọng trong sư phạm Thanh nhạc trong đó có nêu 1 số vấn đề về lý thuyết và thực hành mở rộng âm vực giọng hát.

- Cuốn sách Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát mới của PGS. TS. NSƯT Trần Ngọc Lan. Nội dung sách gồm 2 phần: Một số đặc trưng của cấu âm tiếng Việt giữa nói và hát. Tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát truyền thống áp dụng vào nghệ thuật ca hát mới nhằm phát triển giọng hát.

Ngoài ra còn nhiều luận văn cao học của các học viên cao học đã tốt nghiệp tại HVANQGVN trong những năm qua. Tuy vậy, chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu nghiên cứu vấn đề mở rộng âm vực cho giọng hát mà chỉ dừng lại ở việc đề cập và bài hát giúp cho việc luyện tập mở rộng âm vực giọng hát.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

Đối tượng nghiên cứu: Hoạt động giảng dạy với vấn đề phát triển, mở rộng âm vực giọng hát ở Khoa Thanh nhạc - Trường Đại học VHNT Quân đội.

Phạm vi nghiên cứu: Chỉ nghiên cứu loại giọng hát Cổ điển - thính phòng ở Khoa Thanh nhạc - Trường Đại học VHNT Quân đội.

4. Mục đích nghiên cứu.

Đề tài nghiên cứu nhằm góp phần làm rõ vấn đề quan trọng của quá trình mở rộng âm vực nhằm hoàn thiện giọng hát.

5. Phương pháp nghiên cứu.

Đề tài sử dụng các phương pháp như: khảo sát thực tế, đối chiếu so sánh, thực nghiệm, tổng hợp tài liệu của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan tới đề tài để tìm những hướng giải quyết mục tiêu đề tài đặt ra.

6. Ý nghĩa khoa học của đề tài.

Tiếp tục làm rõ hơn nữa những vấn đề phức tạp của quá trình mở rộng âm vực và hoàn thiện cho giọng hát, góp phần nhỏ vào mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo của trường Đại học VHNT Quân đội.

7. B cục của luận văn.

Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được trình bầy trong 2 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của sự phát triển mở rộng âm vực cho giọng hát.

Chương 2: Giải pháp nhằm phát triển mở rộng âm vực cho các giọng hát tại trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội.

Phụ lục

Tài liệu tham khảo

 

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC

PHÁT TRIỂN MỞ RỘNG ÂM VỰC CHO CÁC GIỌNG HÁT

  1. Khái niệm
    1.  Khái niệm phát triển mở rộng:

            Theo Từ điển Tiếng Việt: Phát triển được hiểu là quá trình vận động, tiến triển theo hướng tăng lên [10, Tr. 138]

            Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: Phát triển là phạm trù triết học chỉ ra tính chất của những biến đổi đang diễn ra, là một thuộc tính của vật chất [11, Tr. 197].

            Cũng trong Từ điển tiếng Việt: Mở rộng là hoạt động phát triển nhu cầu đến tối đa [10, Tr. 94].

            Vì vậy, có thể khái niệm phát triển mở rộng là quá trình vận động của sự vật, hiện tượng theo chiều hướng đi lên, từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn.

  1. Khái niệm âm vực và phát triển mở rộng âm vực giọng hát
    1. Khái niệm âm vực:

            Trong Thanh nhạc thì âm vực được sử dụng như một đặc điểm để xác định và phân chia giọng hát thành những loại khác nhau. Tại sao lại có những cụm từ như “hữu dụng” và “mang tính nhạc”, bởi đánh giá về âm vực của giọng trong ca hát chuyên nghiệp không được phép tính đến cả những âm thanh vô dụng và không mang tính nhạc.

            Như vậy có thể khái niệm âm vực giọng hát là khoảng cách từ nốt thấp đến cao của toàn bộ những âm thanh hữu dụng mang tính âm nhạc mà giọng hát đó có thể tạo ra với sự thoải mái trong quãng âm của mình.

            Khái niệm phát triển mở rộng âm vực giọng hátlà quá trình vận động của toàn bộ những âm thanh hữu dụng mang tính âm nhạc mà giọng hát đó có thể tạo ra theo chiều hướng đi lên, từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn.

  1. Ý nghĩa quan trọng của sự phát triển mở rộng âm vực cho giọng hát

             Ca hát là bộ môn nghệ thuật phối hợp giữa ngôn ngữ giọng nói và âm nhạc, gọi là Thanh nhạc và nó khác với khí nhạc là loại âm nhạc viết riêng cho nhạc cụ diễn tấu. Ai trong chúng ta cũng đã từng hát, hoặc ít nhất cũng đã từng nghe người khác hát. Nghệ thuật Thanh nhạc ra đời chính là dựa trên giọng nói của của con người và ngày càng được nâng cao cùng với các loại hình nghệ thuật khác như văn thơ, hội hoạ, vũ kịch… Bởi tiếng hát, chính là giọng nói được khuyếch đại, được thổi phồng lên về mặt hình thức (thanh điệu của giọng nói) cũng như về mặt nội dung (ý nghĩa của lời nói) nhằm đánh động tâm hồn người nghe. Muốn vậy, thì tiếng hát trước hết phải xuất phát từ tâm hồn của người ca sĩ và như vậy ta mới thấy tiếng hát thực sự là “tiếng nói của tâm hồn”…

Như tác giả Nguyễn Trung Kiên đã viết trong cuốn Phương pháp giảng dạy Thanh nhạc: “Muốn đạt đến cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật ca hát thì bất cứ người ca sĩ nào cũng phải tìm cho ra cách thể hiện độc đáo phù hợp với đặc điểm, âm vực loại giọng của riêng mình ở mỗi bài hát, rồi truyền đạt nó đến tại người nghe bằng giọng hát điêu luyện nhất” [1, Tr, 12].

Do đó, để có một giọng hát truyển tải được những yêu cầu của mỗi tác phẩm thì việc mở rộng âm vực đối với các ca sĩ chuyên nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu và đều cần được rèn luyện một cách bài bản.

 

1.2. Âm khu giọng hát trong phát triển mở rộng âm vực giọng

Âm khu giọng hát đó là một chuỗi âm thanh có âm sắc đồng nhất nằm trong âm vực của giọng hát được tạo nên bởi những hoạt động thống nhất của cơ quan phát âm.

Ở những người chưa được học hát, giọng hát có cấu trúc âm khu riêng biệt. Giả sử nếu ta đề nghị một người hát từ thấp lên cao của toàn bộ âm vực giọng, thì khi hát lên đến một cao độ nào đó người đó sẽ cảm thấy hát khó khăn và không còn tự tin, sau những nốt cao đó họ lại có thể hát tiếp lên cao hơn, nhưng âm thanh đã chuyển mầu sắc và tính chất cũng đã khác đi. Sự chuyển biến này còn gọi là chuyển âm khu, nó không chỉ thay đổi về âm sắc mà còn chính là các cơ quan giọng hát của họ bắt đầu làm việc theo một nguyên tắc khác.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này chúng tôi xin đi sâu vào phân tích âm khu của các giọng Nam và Nữ

1.2.1. Âm khu của giọng Nam.

Những âm khu của giọng hát trong ca hát các thời kỳ lịch sử thanh nhạc quan niệm và sử dụng khác nhau. Trong trường phái thanh nhạc cổ điển Ý từ thế kỷ XVI đến thể kỷ XVII, người ta sử dụng những âm khu tự nhiên. Trong thời kì phục hưng cả phong cách âm nhạc phức điệu trong nhiều tác phẩm âm khu cao của giọng hát người ta hoàn toàn hát giọng giả. Âm khu ngực của giọng Nam cao không hát lên cao quá nốt f2 – fis2 – g2. (Khi những giọng Nữ còn chưa được phép sử dụng trong các chương trình biểu diễn và không được phép hát trong nhà thờ đến thế kỷ XVIII) nhiều giọng hát không thể hát vang nếu bè cao không hát bằng giọng giả. Nhưng như chúng ta biết giọng giả rất nghèo nàn về âm sắc và không đủ sức mạnh, do vậy sau này người ta bắt đầu thay đổi bằng việc sử dụng giọng castra (giọng nam thiến từ khi còn nhỏ) với mục đích tìm được sức mạnh đầy đủ của giọng hát cho những bè cao.

Hình 1.3. Cấu trúc âm khu của giọng Nam Cao

Những nốt chuyển giọng fa - fa# quãng tám 2

(Nguồn: Những vấn đề phương pháp sư phạm thanh nhạc - Nxb âm nhạc)

 

 

  1. Âm khu của giọng Nữ

Mối quan hệ trong tổ chức về âm của khu giọng Nữ có những khác biệt so với giọng Nam. Điều trước tiên liên quan đến sinh lý học trong thanh quản của giọng Nữ. Âm khu ngực của giọng Nam chiếm khoảng một bát độ rưỡi, còn các giọng Nữ thì âm khu ngực chỉ xuất hiện ở những nốt thấp nhất của âm vực, chẳng hạn những giọng nữ trầm âm vực có khoảng quãng năm, còn những giọng cao có khoảng quãng ba. Cao hơn âm khu ngực, sau những nốt chuyển giọng gọi là phần âm khu trung của âm vực, được kéo dài lên cao một bát độ và đôi khi còn cao hơn như: Cao hơn ở nhữnggiọng nữ sẽlà âm khu đầu tới những nốt cao giới hạn của giọng hát âm thanh sẽ mang tính chất hoa mỹ.

Do vậy, như người ta nói trong giọng nữ có ba âm khu và hai quãng chuyển giọng. Phần cơ bản âm vực của giọng nữ là âm khu trung, phần thấp âm khu ngực, phần cao âm khu đầu. Những quãng chuyển giọng của giọng nữ cao là: Những quãng chuyển giọng của giọng nữ cao là: e1 – f1 – fis1 và e2 – f2 – fis2. Cho giọng nữ trung: c1 – cis1 – d1 và c2 – cis2 – d2. Giọng hát càng trầm, những quãng chuyển giọng càng thấp.

  1. Kỹ thuật hát “đóng tiếng” và việc phát triển mở rộng âm vực

Hát “đóng tiếng” là kỹ thuật hát rất phức tạp nhằm mở rộng âm vực để đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển ca hát trong lĩnh vực Opera từ thế kỷ XIX. Cho đến nay kỹ thuật này đã trở thành một kỹ thuật hát truyền thống khi các ca sĩ hát những tác phẩm Opera được sáng tác từ thế kỷ XIX. Khi các nhà hát Opera biểu diễn các tác phẩm trước thế kỷ XIX, người ta vẫn áp dụng phương pháp truyện thống hát âm thanh mở ở tất cả các giọng nam, đặc biệt ở các giọng Nam Cao, với phương châm: “hát lên cao, hát nhỏ đi”.

Kỹ thuật hát đóng tiếng cũng rất ít sử dụng trong nghệ thuật hát thính phòng. Khi hát thính phòng, về tác phẩm phần âm nhạc không viết quá cao và trong biểu diễn cũng không yêu cầu kịch tính quá căng thẳng như trong biểu diễn Opera.

Vậy có thể kết luận, hát đóng tiếng là cách hát được phát sinh để giải quyết những yêu cầu về nghệ thuật của giữa thế kỷ thứ XVIII và những thế kỷ sau. Hát đóng tiếng tuyệt nhiên không phải là những sáng kiến bất chợt, những cảm xúc hứng thú của các ca sĩ, mà là sự phát triển tất yếu về sáng tác khi các ca sĩ phải thể hiện những cao trào về âm nhạc, diễn tả những mâu thuẫn kịch tính trong các tác phẩm, hát đóng tiếng còn giải quyết yêu cầu mở rộng phòng nghe của các nhà hát Opera lên tới 2000 và thậm chí tới trên 3000 chỗ ngồi, sự tăng cường, mở rộng của dàn nhạc…

  1. Phát triển mở rộng âm vực bằng giọng đóng, hỗn hợp âm khu

Mỗi Mỗi một ca sĩ tìm vị trí hát đóng tiếng của mình và sử dụng các cách khác nhau: đôi khi đi từ sự mô phỏng bắt chước, hiếm khi luyện tập theo một phương pháp cụ thể. Đôi khi sử dụng những nguyên âm tối, hoặc vận dụng sự hỗn hợp và làm tối tiếng đi. Vì vậy, người thầy có vai trò hết sức quan trọng, với những hiểu biết về phương pháp cùng thẩm mỹ âm nhạc đúng đắn sẽ định hướng con đường và cách thức luyện tập cho học sinh.

       Trong số các thầy giáo thanh nhạc có nhiều ý kiến khác nhau về sự tham gia của âm vực mà khi hát đóng tiếng phải bắt đầu. Nói chung các thầy giáo thường đồng ý với một quan điểm đơn giản: âm thanh ở âm khu ngực hoàn toàn tự nhiên và khi hát lên cao dần dần hát tròn tiếng lại. Hát đóng tiếng phải bắt đầu từ một vài tông thấp hơn những nốt chuyển giọng, và từ đó mở rộng âm thanh đóng tiếng  trên tất cả phần cao của âm vực. Hát theo kiểu này ở ca sĩ sẽ hình thành ấn tượng là hát lên cao phải dùng âm thanh đóng tiếng, còn âm thanh thấp thì hát mở tự nhiên. Chỗ chuyển âm khu không bị “biến đi” mà mềm mại chuyển từ âm vang ngực lên âm thanh hỗn hợp đóng tiếng. Giọng hát sẽ rất đều đặn, nhiều ca sĩ chuyên nghiệp đã sử dụng thành công kiểu hát này.

Tuy nhiên, tất cả các nhà sư phạm đều thống nhất rằng, khi hát âm thanh đóng dù phải tiêu hao hơi thở nhiều hơn, nhưng tuyệt đối không được tống hơi ồ ạt, mà phải giữ áp lực hơi thở ổn định để đảm bảo sự khép rung của thanh đới với luồng hơi tác động lên nó. Nếu đẩy hơi quá mạnh, trạng thái cân bằng sẽ bị phá vỡ, âm thanh sẽ bị căng thẳng, thanh quản sẽ bị nâng lên và khoang cộng hưởng sẽ bị thu hẹp lại.

  1. Âm sắc của giọng hát với việc phát triển mở rộng âm vực

Trước hết chúng tôi muốn nói đến âm sắc của giọng, luyện tập âm sắc là luyện tập tính chất tự nhiên chủ yếu của giọng hát. Đây là nhiệm vụ trung tâm trong quá trình luyện giọng. Biết cách tạo dựng một âm sắc đẹp là một trong những hiểu biết quan trọng của quá trình phấn đấu nhằm đạt những phẩm chất ca hát chuyên nghiệp. Âm sắc bao gồm khối lượng những bội âm trong thành phần của âm thanh, theo từng cao độ, theo nguồn gốc xuất hiện âm thanh. Âm sắc của giọng hát hấp thụ một cách tổng hợp, cho phép chúng ta có thể phân biệt giọng hát của mọi người, ngay cả khi cao độ, độ vang và độ dài âm thanh của giọng hát giống nhau chăng nữa. Trong thực tế không có những giọng hát hoàn toàn giống nhau, mà sự khác nhau ở đây chính là âm sắc.

Âm sắc là hiện tượng tự nhiên, người ca sĩ cần phải đặc biệt chú ý, chú ý cẩn thận tới: vẻ đẹp, tính chất sáng, giọng hát có khối lượng tự nhiên, cần phải bảo vệ phẩm chất đó và không chỉ luyện tập kỹ thuật ; khi âm sắc có những nhược điểm, cần phải tập trung hoàn thiện khắc phục những khiếm khuyết của giọng hát mà ở đây là khiếm khuyết về âm sắc.

  1. Hoạt động giảng dạy và phát triển mở rộng âm khu giọng hát ở Khoa thanh nhạc trường Đại học VHNT Quân đội.

Trong những năm qua, đội ngũ GV Khoa thanh nhạc cũng đã vươn lên với những đóng góp lớn vào công tác đào tạo của Nhà trường. Bên cạnh đó hoạt động đào tạo Thanh nhạc của Nhà trường vẫn còn bộc lộ những bất cập, chưa thực sự có được những đổi mới toàn diện, đáp ứng được những đòi hỏi của sự phát triển hiên nay. Những bất cập được thể hiện trong một số vấn đề quan trọng như về kiến thức của một bộ phận không nhỏ giảng viên, thiếu chủ động trong nghiên cứu mở rộng phương pháp giảng dạy.

Việc phát triển mở rộng âm vực giọng hát cho quá trình học tập và giảng dạy chuyên ngành Thanh nhạc của trường Đại học VHNT Quân đội có một ý nghĩa hết sức cần thiết, nhưng bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố khó khăn cũng như thuận lợi riêng làm ảnh hưởng đến vấn đề phát triến mở rộng âm vực cho giọng hát.

Ở đây, chúng tôi cũng chỉ xin đề cập một số điểm khó khăn và thuận lợi về giảng dạy Thanh nhạc, trong đó việc phát triển mở rộng âm vực cho giọng hát tại Khoa Thanh nhạc, trường Đại học VHNT Quân đội chủ yếu có liên quan tới vấn đề nghiên cứu của luận văn là phát triển mở rộng âm vực cho giọng hát trong hoạt động giảng dạy chuyên ngành Thanh nhạc ở Nhà trường với những thuận lợi và khó khăn sau:

  1. Những thuận lợi:

       Hoạt động giảng dạy của chuyên ngành Thanh nhạc luôn được sự quan tâm của Đảng uỷ - Ban giám hiệu cũng như Ban chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc trường Đại học VHNT Quân đội, đặc biệt là vấn đề phát triển mở rộng âm vực cho giọng hát là mục tiêu chủ đạo mà tập thể Khoa Thanh nhạc đang hướng tới trong thời gian qua và trong những năm tiếp theo.

Mô hình giảng dạy theo tiếp cận hiện đại đã giúp cho GV thực hiện tốt các chuẩn mực chuyển tải được nội dung về phát triển mở rộng âm vực trong từng giai đoạn, từng hoạt động dạy học của chương trình, với quy trình cụ thể đảm bảo việc thực hiện phát triển mở rộng âm vực diễn ra thuận lợi, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Nhà trường.

Việc rèn luyện phát triển mở rộng âm vực sẽ gắn kết được vấn đề học thuật trong đào tạo với yêu cầu của xã hội, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của Nhà trường với thực tiễn xã hội và giúp SV phát triển toàn diện với các kỹ thuật và kỹ năng thanh nhạc.

  1. Những khó khăn:

Hiện nay trong giảng dạy Thanh nhạc ở nhiều cơ sở đào tạo nói chung và Khoa thanh nhạc trường Đại học VHNT Quân đội nói riêng, tình trạng xác định giọng chưa chính xác còn thường xuyên xảy ra. Một vài trường hợp có thể phân loại giọng không sai, nhưng đánh giá chi tiết từng loại giọng về màu sắc, hay âm khu… còn nhiều hạn chế. Ngoài ra còn không ít giảng viên mắc những sai lầm khi hiểu biết về kỹ thuật đóng tiếng còn chưa đầy đủ.

Tiểu kết chương 1

Trên cơ sở phân tích, nghiên cứu và hệ thống các tài liệu lý luận về pát triển mở rộng âm vực cho các giọng hát như: âm sắc, âm khu của các loại giọng, những đặc trưng âm khu của giọng Nam và Nữ cùng với thực tiễn hoạt động giảng dạy Thanh nhạc với vấn đề phát triển mở rộng âm vực cho giọng hát ở Khoa Thanh nhạc, trường Đại học VHNT quân đội, đề tài luận văn đã hệ thống và xây dựng được một số khái niệm cơ bản như sau:

            - Khái niệm phát triển mở rộng là quá trình vận động của sự vật, hiện tượng theo chiều hướng đi lên, từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn.

Khái niệmâm vực giọng hát là khoảng cách từ nốt thấp đến cao của toàn bộ những âm thanh hữu dụng mang tính âm nhạc mà giọng hát đó có thể tạo ra với sự thoải mái trong quãng âm của mình.

   Khái niệm phát triển mở rộng âm vực giọng hát là quá trình vận động của toàn bộ những âm thanh hữu dụng mang tính âm nhạc mà giọng hát đó có thể tạo ra theo chiều hướng đi lên, từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn.

Khái niệm âm khu là một chuỗi âm thanh có âm sắc đồng nhất nằm trong âm vực của giọng hát được tạo nên bởi những hoạt động thống nhất của cơ quan phát âm.

Cùng với đó là ý nghĩa của việc phát triển mở rộng âm vực giọng hát bên cạnh những khó khăn, thuận lợi trong hoạt động giảng dạy ở Khoa Thanh nhạc, trường Đại học VHNT Quân đội.

Với mong muốn góp phần khắc phục những sai lệch còn xảy ra, cùng với những lý luận cơ bản và thực tiễn trên đây để chúng tôi làm căn cứ cho việc đề xuất giải pháp phù hợp cho việc phát triển mở rộng âm vực cho giọng hát ở trường Đại học VHNT Quân đội.

 

CHƯƠNG 2

GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN MỞ RỘNG ÂM VỰC

CHO CÁC GIỌNG HÁT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VHNTQĐ

  1. Nhóm giải pháp nhằm phát triển mở rộng âm vực giọng hát
    1. Giải pháp đồng nhất âm khu theo lý thuyết 2 và 3 âm khu.
      1. Theo lý thuyết hai âm khu:

Với thuyết này, giọng hát sẽ chia thành 2 âm khu là âm khu giọng ngực và âm khu giọng đầu.

Âm khu giọng ngực của giọng Nam cao (tenor) thông thường bắt đầu từ nốt c1 đến e2 hoặc f2.

Âm khu giọng đầu thông thường bắt đầu từ f2 hoặc fis2 đến c3.

Hình 2.1. Âm vực thông thường và quãng chuyển 2 âm khu ngực - đầu (Nguồn: những vấn đề về sư phạm thanh nhạc - Nxb âm nhạc)

 

Theo lý thuyết này thì giọng Nam cao có một quãng chuyển giọng ở khoảng nốt f2 hoặc g2.

 

  1. Theo lý thuyết 3 âm khu:

Hình 2.2. Lý thuyết 3 âm khu của giọng Nam cao

(Nguồn:Training tenor voice)

Loại giọng

Primo passaggio

Secondo passaggio

Tenorino

f2

bb2

Tenore leggiero

e2 (eb2)

a2 (ab2)

Tenore lyrico

d2

g2

Tenore spinto

d2 (c# 2)

g (f#2)

Tenore drammatico

c2 (c# 2)

f2 (f#2)

 

Theo bảng thống kê trên, có thể kết luận 2 vấn đề sau:

            - Loại giọng càng nhẹ thì quãng chuyển giọng càng ở vị trí cao hơn

- Khoảng cách giữ hai quãng chuyển giọng luôn là quãng 4 đúng.

  1. Một số yêu cầu trong luyện tập đồng nhất âm khu cho việc phát triển mở rộng âm vực.
  1. Khai thác khoảng vang của ngực để tạo ra âm thanh ở âm khu thấp, muốn làm được điều đó trước hết sinh viên phải biết kết hợp giữa hơi thở, khẩu hình và đặc biệt là khai thác khoảng vang lồng ngực để tạo ra âm thanh âm khu ngực.
  2. Khi âm thanh ở âm khu ngực vang lên, GV yêu cầu SV phải “đỡ” được âm thanh, nghĩa là không cho âm thanh bị tụt hay nói cách khác là điểm tựa âm thanh phải đặt ở vùng ngực, khi đó sẽ lấy khoang lồng ngực để tạo ra độ vang của âm thanh.
  3. Hơi thở là yếu tố hết sức quan trọng khi hát âm khu ngực, bởi nếu không đủ hơi sẽ dẫn đến bị “đuối hơi”, không duy trì được độ đằm và vang của âm thanh.
  4. Khẩu hình cần chú ý mở mềm mại và không căng cứng hay tì cổ, đầu lưỡi nằm sát ở chân răng hàm dưới để tạo điều kiện hàm mềm phía trong họng hoàn toàn mở rộng, âm thanh khi vang lên sẽ vang và sáng.
  5. Vấn đề quan trong đối với GV đó là khi “san bằng” ranh giới âm khu cho giọng Nam, GV phải luôn quan tâm đến những nốt chuyển của giọng, ở đây chúng tôi lấy ví dụ là giọng Nam Cao bắt đầu từ nốt f1 đến g1.

Do vây, khi tập luyện cho SV từ âm khu trung chuyển xuống âm khu ngực hoặc chuyển lên âm khu đầu, để giọng hát đều đặn và nhất quán thì vị trí âm thanh phải kết hợp với hơi thở thật vững chắc và đều đặn, mới có thể có được những âm thanh rõ nét, hiệu quả nhất.

  1. Một số bài tập san bằng âm khu của các giọng hát

Trong phần này chúng tôi đề xuất một số bài tập được trích từ các cuốn phương pháp sư phạm thanh nhạc, những vấn đề về sư phạm thanh nhạc của GS. NSND Nguyễn Trung Kiên như sau:

Hình 2.3. Một số bài tập đồng nhất âm khu, phát triển mở rộng âm vực

Bài tập 1

 

Bài tập 2

 

Bài tập 3

 

Bài tập 4.

 

  1. Phát triển mở rộng âm vực bằng kỹ thuật hát “đóng tiếng” ở giọng Nam.

Hát đóng tiếng là một thuật ngữ chuyên ngành được dịch ra từ tiếng nước ngoài đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong thực tế còn một số sinh viên, thậm chí giảng viên vẫn chưa hiểu thuật ngữ này một cách chính xác. Đó là lý do khiến cho việc dạy kỹ thuật hát đóng tiếng gặp nhiều khó khăn.

Theo nguyên lý cộng hưởng giọng hát, ống cộng hưởng càng lớn thì các phân âm trầm càng được khuếch đại, nghĩa là giọng hát sẽ nhiều nhân tố “tối”. Điều này giải thích được hiện tượng tăng cường độ tròn của giọng hát ca sĩ phải mở rộng khoang miệng và hạ thấp thanh quản.

            Để có thể san bằng giọng hát cần phải hát những nốt chuyển giọng nhỏ đi, phải giữ âm thanh. Luyện tập kỹ thuật này để phát triển, mở rộng âm vực giọng hát phần lớn phải thiết kế hát từ trên cao xuống thấp, phải giữ cho đến cuối câu nhạc âm thanh vẫn mang tính chất là âm thanh ở trên cao. Để giữ được sự hòa hợp âm khu đầu và âm khu ngực, đạt được âm vang đều đặn thì những giọng hát Nam cần phải hát “đóng tiếng ở phía trên”. Nguyên âm “A” trên những nốt chuyển giọng phải hát tròn gần với nguyên âm “Ô”.

  1. Luyện tập quãng chuyển nhằm đồng nhất âm khu phát triển mở rộng âm vực của giọng Nữ.

Giọng nữ trong quan hệ về tổ chức cơ cấu về giọng cũng giống như giọng nam. Điều này gắn liền trước hết với tính chất giải phẫu lý học thanh quản của giọng nữ. Âm khu ngực ở giọng nam chiếm một quãng tám rưỡi, ở những giọng nữ âm khu ngực chỉ có ở những nốt thấp nhất của âm vực, ở những giọng nữ trầm chiếm khoảng một quãng năm, còn các giọng nữ cao thì khoảng một quãng ba. Cao hơn âm khu ngực, sau những nốt chuyển giọng đi lên phần trung của âm vực, trải rộng lên cao một bát độ , đôi khi còn cao hơn nữa ở các giọng nữ đó là âm khu đầu cao đến những nốt giới hạn của âm vực.

Do đó, ở giọng nữ cao có ba âm khu và hai chỗ chuyển giọng. Phần chính của âm vực là phần trung tâm, thấp hơn là âm khu ngực, cao hơn là âm khu đầu. Những nốt chuyển giọng của giọng nữ cao: e1 – f1 – fis1 và e2 – f2 – fis2. Đối với giọng nữ trung:  c1 – cis1 – d1 và c2 – cis2 – d2. Giọng càng trầm thì nốt huyển giọng càng thấp. Những âm khu của giọng nữ tồn tại tự nhiên, nghĩa là phụ thuộc vào sự thay đổi kiểu hoạt động của thanh đới. ở âm khu ngực nó hoạt động theo kiểu rung ngực.

Vì vậy, vấn đề âm vang đều đặn trên tất cả âm vực của giọng nữ đơn giản hơn nhiều so với các giọng nam. Khi luyện giọng đúng cách, giọng hát chủ yếu tập trung ở phần trung của giọng, nhiệm vụ của giảng viên là mở rộng âm thanh đó đến cuối âm vực. hỗn hợp phần trung của âm vực, nhiệm vụ san bằng các âm khu của giọng nữ không đòi hỏi điều gì đặc biệt khi chuyển lên những nốt cao. Chỉ cần sử dụng âm thanh tròn tiếng, nghĩa là tạo ra khoảng rộng hơn cho lối vào thanh quản để đạt được áp lực cần thiết và giảm đi tối đa lực liên quan đến việc hát đến giới hạn cao nhất của âm vực. Vấn đề phức tạp trong quá trình luyện tập đó là làm sao để hát tốt những nốt chuyển giọng, không bao giờ để cho âm thanh khi hát qua chỗ chuyển giọng bị “lổn nhổn” lộ ra một cách rõ rệt, hiện nay một số giọng nữ trong quá trình hát lên cao đã sử dụng giọng ngực lên quá cao, thậm chi còn cao hơn cả những nốt chuyển giọng, hát như vậy âm thanh sẽ rất căng thẳng và hậu quả là âm khu ngực và âm khu giọng hỗn hợp không hỗn hợp được với nhau, không san bằng được hai âm khu, khiếm khuyết đó hiện nay khá phổ biễn, trong giảng dạy và học tập, chúng ta cần phải hết sức chú ý. Tình trạng các giọng nữ cao (soprano) hát âm khu ngực lên quá cao sẽ dẫn tới hiện tượng hay bị đau cổ, vì âm thanh căng thẳng, gằn cổ, cách hát đó là biểu hiện tính chuyên nghiệp không cao.

  1. Một số yếu tố hỗ trợ các giải pháp phát triển mở rộng âm vực.
    1. Giữ thanh quản ở vị trí thấp trong kỹ thuật hát đóng tiếng.

Hình 2.4. Vị trí thanh quản ở vị trí cao và thấp trong cơ chế phát thanh

(Nguồn: Phương pháp sư phạm thanh nhạc - Viện âm nhạc)

 

Phải hạ thanh quản xuống như một phần trong khi lấy hơi, lúc đó cổ họng được mở, các xoang thanh quản và cổ họng trở thanh một khoang cộng minh tạo nên yếu tố sáng - vòm. Trong lúc hít hơi sâu, cảm giác lồng ngực được mở rộng. Cổ họng được mở ra, cuống lưỡi hạ xuống, hàm ếch mềm được nâng lên, phần sau của họng được mở rộng.

San bằng âm thanh của phần cao của âm vực đạt được bằng âm thanh đóng và hỗn hợp những âm khu của nó. Ở trong các lớp học các thầy giáo đề xuất nhiều biện pháp khác nhau. Cơ bản là tìm âm thanh hơi tối ở phần cao của âm vực. Theo mức độ lên cao của âm thanh bắt đầu hát tròn tiếng lại, nghĩa là làm cho âm thanh có khối lượng, sau đó chuyển sang đóng tiếng, nghĩa là bắt đầu âm vang hơi tối, hơi gần với âm U.

Hình 2.5. Sự thay đổi xảy ra trong ống thanh quản ở những ca sĩ hát đóng tiếng tại các nốt âm vực cao với các nguyên âm A, E và I.

(Nguồn: Training tenor voice)

Những nốt trung mezza - forte

 

Những nốt cao”đóng tiếng” những nốt forte

 

Những nốt trung mezza - forte

 

Những nốt cao “đóng tiếng” những nốt forte

 

Theo quan điểm của chúng tôi, hỗn hợp, hoặc san bằng âm khu liên quan đến tính cách đặc biệt của hoạt động thanh đới. Làm tối âm thanh - tăng cường áp lực lên ống thanh quản. Đóng tiếng là sự thu nhận trong đó phải phối hợp cả hai yếu tố đó.Thật vậy, đóng tiếng liên quan không chỉ làm tối âm thanh mà còn là sự thay đổi trong hoạt động của cơ quan giọng hát, nghĩa là thay đổi cơ cấu của âm khu.

Trong quá trình học tập, SV dần dần nắm vững yêu cầu đều đặn của âm thanh giọng hát trên toàn bộ âm vực và đó là kiểu hoạt động hỗn hợp thống nhất của thanh đới.

  1. Vấn đề giọng giả

Giọng giả có ở các giọng nam và giọng nữ, những trong thực tế các giọng nữ không có nhiều vấn đề phức tạp về giọng giả như ở các giọng hát nam.Thuật ngữ falsetto xuất sứ từ tiêng Ý, có nghĩa là giả. Trong lịch sử phát triển của nghệ thuật thanh nhạc, giọng giả được hiểu theo nhiều cách và cũng đã dẫn đến nhầm lẫn về loại giọng này. Cách định nghĩa phổ biến nhất là: giọng falsetto biểu thị một âm sắc đặc biệt trong âm khu của giọng nam, nó tương đồng với chất lượng âm thanh ở âm khu cao của giọng nữ, và điều quan trọng là giọng falsetto hoàn toàn khác với giọng đầu ở các giọng nam. Nhiều ca sĩ hiểu và sử dụng thuật ngữ falsetto và chất giọng thứ nhất đều là falsetto. Đây là sự nhầm lẫn.

Giọng giả và giọng đầu là hai loại âm thanh tồn tại song song ở am khu cao của giọng nam, xuất hiện ở cùng một khoảng cao độ, nhưng chúng có cơ chế phát thanh hoàn toàn khác biệt. Cơ chế tạo ra giọng giả là sự trì trệ của cơ phễu, chỉ có cơ nhẫn giáp hoạt động tích cực. Khi đó hai mép của dây thanh đới rất mỏng và không khépchặt vào nhau, chỉ cần một hơi thở nhẹ là có thể làm chúng rung lên và tạo ra âm thanh. Còn khi hát bằng giọng đầu, mặc dù vẫn dựa trên nền tảng cơ chế phát thanh nhẹ nhưng ca sĩ phải tăng cường hoạt động của cơ phễu để khép chặt khe thanh đới hơn và do đó cũng cần một áp lực hơi thử lớn hơn để tạo ra âm thanh đó. Các nam ca sĩ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về áp lực hơi thở của hai cách phát âm khác nhau ở hai loại giọng hát. Chính vì sự khác biệt trong cơ chế phát âm mà chất lượng âm thanh của giọng giả và giọng đầu khác nhau khá rõ rệt. Giọng giả có ít bồi âm. Còn giọng đầu rất giầu bồi âm và tạo ra được những đỉnh cộng minh.

  1. Phân loại giọng hát

Phân loại giọng hát là công việc quan trọng đầu tiên phải thực hiện khi bắt đầu học thanh nhạc. Người thầy giáo cũng như người ca sĩ phải tìm hiểu giọng hát của học sinh thật chính xác để ngay từ những bước đi ban đầu của việc học thanh nhạc đã có những nhận định rõ ràng về giọng hát của mình, từ đó có một phương hướng học tập phù hợp để tạo điều kiện phát triển giọng hát thuận lợi.

            Tuy nhiên, xác định phân loại giọng hát là công việc không hoàn toàn dễ dàng với tất cả các giọng hát, cho nên không thể kết luận vội vàng, mà phải tìm hiểu cẩn thận, cả thầy giáo và học sinh không nên vội vàng có thể mắc phải những sai lầm rất có hại. Trong thực tế đã có những ca sĩ vì một lý do nào đó đã phân loại giọng của mình không đúng, ca sĩ đó đã mất nhiều thời gian và sức lực để sửa lại, đôi khi không sửa lại được nữa.

  1. Thực nghiệm sư phạm:
    1. Mục đích thực nghiệm:

Giảng dạy về đồng nhất âm khu ở Khoa Thanh nhạc, trường Đại học VHNT Quân đội, là nội dung hết sức cần thiết, nhằm hỗ trợ cho việc phát triển mở rộng âm vực và nâng cao hiểu biết về Thanh nhạc. Ở đây chúng tôi lấy giải pháp 1đồng nhất âm khu theo lý thuyết 2 và 3 âm khu.

Vì vậy tiêu chí thực nghiệm cần đạt được là:

- SV biết được đặc điểm và tác dụng của kỹ thuật này.

- SV vận dụng kỹ thuật này vào các tác phẩm Thanh nhạc.

- SV nắm được cách xác định quãng giọng ngực và giọng đầu.

  1. Nội dung và cách thức tiến hành thực nghiệm

- Thực nghiệm giải pháp được tiến hành với 2 SV (1TN và 1ĐC) đều là giọng Nam Cao. Với cùng 1 đặc điểm về âm vực và âm sắc tương đương nhau.

+ SV TN: Sử dụng kỹ thuật đồng nhất âm khu.

+ SV ĐC: Không sử dụng kỹ thuật đồng nhất âm khu.

- Thực nghiệm lấy ca khúc Tình Ca của nhạc sĩ Hoàng Việt.

- Thực nghiệm được thực hiện trong năm học 2014 - 2015.

  1. Tổ chức thực nghiệm:

Chúng tôi tổ chức thực nghiệm bằng với kỹ thuật đông nhất âm khu với bài hát Tình Ca của nhạc sĩ Hoàng Việt. Tình Ca là bài hát có giai điệu và ca từ vừa đẹp đẽ, tế nhị, vừa mạnh mẽ, hào hùng. Có sự hy sinh và chờ đợi, tình yêu cao đẹp đã trở thành sức mạnh, vượt qua phong ba bão táp, vượt qua thử thách của không gian, của thời gian để đến với nhau bằng niềm tin và hy vọng.

Đây là tác phẩm mang yếu tố kỹ thuật thanh nhạc cao, đòi hỏi giọng nam cao phải hát được hai quãng tám từ nốt Đô quãng tám nhỏ đến nốt Son quãng tám thứ hai.

Cao độ thấp nhất của bài là nốt c1 (lời ca sửa dụng hai chữ “hận thù”)

“…Tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa…

 

Để hát tốt 2 chữ này với nốt thấp thì GV phải hướng dẫn và yêu cầu SV khi hát phải tập trung vào vấn đề hát tốt âm khu ngực, với việc chú ý tới điểm tựa của lồng ngực để tạo độ vang ở âm khu thấp, âm khu thấp GV cần nhắc SV chú ý đến vấn đề hơi thở, đó chính là việc phải giữ làn hơi được đều đặn.

Đến câu hát:

“…Ta át tiếng gió mưa thét gào…”

 

Đây là những chữ trong nằm trên những nốt f2 và g2 của quãng chuyển ở giọng Nam Cao. Vì vậy, GV yêu cầu SV phải mở khẩu hình kết hợp cộng minh xoang trán cho những chữ này ở âm khu cao, để có một âm thanh vang và đảm bảo độ sáng rõ của lời hát mà không bị dùng sức dẫn đến âm thanh bị bóp cổ và căng thẳng.

  1. Đánh giá kết quả thực nghiệm

Qua khảo sát thực tế về giảng dạy thực nghiệm giải pháp đồng âm cho giọng Nam Cao chúng tôi thấy, SV nhóm ĐC thể hiện ca khúc Tình Ca khi đến những nốt ở chỗ chuyển giọng ở âm khu giọng giả (giọng đầu) như chúng tôi nêu trên, SV đó cảm thấy khó hát, âm sắc thay đổi, không giống như âm sắc ở âm khu giọng ngực (âm vang tương đối khỏe và thoải mái). Âm thanh tại chỗ chuyển giọng, khi này bị “nghèo nàn” về âm sắc và kém sinh động.

Hơn nữa, để làm rõ vấn đề này bằng kết quả thực nghiệm được chúng tôi tổng hợp ở bảng dưới đây:

Bảng 2.1. Kết quả điểm thực nghiệm giữa hai SV nhóm TN và ĐC

Tiêu chí đánh giá

Điểm tối đa

SV nhóm thực nghiệm

SV nhóm đối chứng

Tiêu chí 1

10

9

5

Tiêu chí 2

10

10

5

Tiêu chí 3

10

9

4

Tổng điểm

30

28

14

Nhận xét:

Với kết quả tại bảng trên đã cho thấy, với 3 tiêu chí mà thực nghiêm giải pháp đồng nhất âm khu theo ký thuyết 2 và 3 âm khu là:

- SV biết được đặc điểm và tác dụng của kỹ thuật này.

- SV vận dụng kỹ thuật này vào các tác phẩm Thanh nhạc.

- SV nắm được cách xác định quãng giọng ngực và giọng đầu.

SV nhóm TN đã thực hiện tốt 3 yêu cầu mà tiêu chí thực nghiệm đặt ra, với tổng số điểm là 28/30, như vậy là Cao.

SV nhóm ĐC tuy có cùng xuất phát điểm như của SV nhóm TN, nhưng do GV không sử dụng phương pháp đồng nhất âm khu theo lý thuyết 2 và 3 âm khu nên SV đã không thể thực hiện được yêu cầu của tiêu chí thực nghiệm, kết quả tổng hợp ở bảng trên đã phản ánh rõ vấn đề này bằng tổng số điểm ban giám khảo cho 14/30 và như vậy là Thấp.

Với kết quả thực nghiệm mà chúng tôi đã tổng hợp được, một lần nữa cho thấy tính hiệu quả của giải pháp đồng nhất âm khu nhằm phát triển mở rộng âm vực giọng hát là rất Cao.

            Tiểu kết chương 2

            Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và định hướng thực tiễn, cũng như việc tuân theo các nguyên tắc đề xuất giải pháp, luận văn đề xuất 3 giải pháp cơ bản giúp cho phát triển, mở rộng âm vực cho giọng hát Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học VHNT Quân đội như sau:

  • Giải pháp đồng nhất âm khu theo lý thuyết 2 và 3 âm khu phát triển mở rộng âm vực giọng Nam.
  • Giải pháp luyện tập kỹ thuật hát đóng tiếng để phát triển mở rộng âm vực của giọng Nam.
  • Giải pháp luyện tập quãng chuyển nhằm đồng nhất âm khu phát triển mở rộng âm vực của giọng Nữ.

              Bên cạnh đó, để thực hiện các biện pháp đạt hiệu quả cao nhất, luận văn cũng đề xuấtmột số yếu tố hỗ trợ cho giải pháp phát triển mở rộng âm vực. Các giải pháp trên đây nếu được thực thi tốt sẽ góp phần hơn nữa trong hoạt động giảng dạy và học tập cũng như củng cố việc phát triển, mở rộng âm vực cho giọng hát Khoa Thanh nhạc, trường Đại học VHNT Quân đội.

KẾT LUẬN

Những vấn đề lý luận và thực tiễn mà chúng tôi nêu lên ở hai chương của luận văn là những vấn đề kỹ thuật tương đối phức tạp nhưng lại vô cùng cần thiết cho việc hoàn thiện giọng hát. Nhưng vấn đề này hiện nay còn có những quan niệm khác nhau trong thực tế giảng dạy, kể cả những cách hiểu khác nhau về lý thuyết cũng như về thực hành, thể hiện trong quá trình học tập biểu diễn của các SV, thậm chí của cả những SV đã tốt nghiệp đại học thanh nhạc vẫn còn những lối hát không chuẩn, đăc biệt các giọng Nam khi hát những ca khúc Việt Nam lại càng phức tạp.

Qua tìm hiểu vấn đề này ở trường Đại học VHNT Quân đội và một số cơ sở đào tạo khác, chúng tôi vẫn còn thấy có nhiều khác biêt trong giảng dạy. Nhiều giảng viên còn chưa vững về lý thuyết việc “san bằng” âm khu để mở rộng âm vực đối vớ các giọng Nữ và kỹ thuật hát “đóng tiếng” đối với các giọng Nam khi hát những tác phẩm Opera và thính phòng có yêu cầu mở rộng âm vực. Những vấn đề phức tạp này theo tôi tất cả các GV không nên tránh né, cần có thái độ thức sự cầu thị. Phải đặt mục tiêu đúng đắn khi dạy SV mở rộng âm vực, từng bước giảng cho các em về lý thuyết cũng như hướng dẫn trong thực hành.

Đây là vấn đề khá phức tạp, nhưng nếu chúng ta có cách tiếp cận thận trọng và đúng đắn, tất yếu từng bước học sinh của chúng ta sẽ hiểu và thực hiện được trong thực tiễn học tập và biểu diễn. Hơn nữa, Khoa Thanh nhạc của Nhà trường hiện nay còn có những GV hiểu biết khá đầy đủ những vấn đề này, chúng tôi tin tưởng rằng, cách giải quyết hữu hiệu, cách giải quyết có kết quả là có thể tìm ra được. Ở đây, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy phát triển mở rộng âm vực giọng hát chúng tôi cố gắng trình bày trong lận văn của mình một số bài tập thực hành cho các giọng Nam và giọng Nữ nhằm giải quyết những vướng mắc trong thực tế

Tiêu chí một giọng hát chuyên nghiệp đó là phải phấn đấu để có một âm vực được mở rộng trên cơ sở đồng nhất về âm sắc, nếu người học còn chưa đạt được những tiêu chí đó, cần phải đặt ra mục tiêu để phấn đấu, rèn luyện giọng hát của mình có được sự hoàn thiện, đó là một trong những mục tiêu quan trọng của những SV muốn trơ thành những ca sĩ chuyên nghiệp thực thụ.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn