Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13793014
Tin tức hoạt động Thứ ba, 07/01/2025

Ảnh: Tác giả bài viết biểu diễn phục vụ bộ đội tại chiến trường miền Đông Nam Bộ năm 1969. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

60 NĂM

HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM:

BỀN BỈ, KIÊU HÃNH, TỰ HÀO

 

60 năm - khoảng thời gian đủ dài với biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ với sự nỗ lực cống hiến vươn lên của rất nhiều thế hệ thầy và trò vì sự phát triển đi lên của nền âm nhạc Việt Nam.

Và như một cuốn phim quay chậm, hắn* nhớ lại quãng thời gian năm 1956 nghĩa là chỉ sau hai năm thủ đô Hà Nội được giải phóng qua chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chấn động địa cầu. Khi ấy hắn chỉ mới 12 tuổi, đúng nghĩa là một đứa con nít, rồi đi theo bố, hắn thi tuyển vào Trường Âm nhạc Việt Nam - ngôi trường âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thằng con nít ấy đã đỗ với thứ hạng cao.

Ngôi nhà số 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội là trụ sở đầu tiên mang tên Trường Âm nhạc Việt Nam mãi là kỷ niệm trong cuộc đời của hắn. Cho tới bây giờ, mỗi lần về quê đi qua nơi ấy hắn vẫn dừng lại để nhìn, để nhớ trong lãng mạn mơ mộng mà bố hắn đã pha trong dòng máu ấy từ khi hắn còn là một đứa trẻ…

Một bước ngoặt đã khởi đầu

Ngôi trường là một biệt thự lớn kiến trúc Pháp. Hắn cũng không rõ chủ nhân ngôi biệt thự này là ai, nhưng chắc phải giàu có lắm! Với ba tầng lầu mặt tiền con đường tấp nập Nguyễn Thái Học rồi chạy tuốt ra phía sau, thông thẳng sang con phố Tây toàn là nhà biệt thự nhỏ mang tên Cao Bá Quát. Toàn bộ căn nhà gồm nhiều phòng nhỏ dùng làm phòng học cho các lớp ký xướng âm, học hát dân ca, lý luận, sáng tác, chỉ huy…

Bước lên cầu thang uốn cong phía trước là bước vào sảnh lớn cùng nhiều phòng nhỏ kế bên làm nơi dạy đàn, phòng lớn nhất làm nơi biểu diễn, tuy nhỏ nhưng ấm cúng. Hắn đã nghe nghệ sĩ Tạ Bôn học từ Liên Xô mới về nước biểu diễn bài nhạc bất hủ Serenade Melancolique của Tchaikovsky cho violon mà cho đến hôm nay hắn còn nhớ mãi.

Nơi “thánh đường” nhỏ này còn vang lên vở Opera Eugene Onegin của Tchaikovsky do các nghệ sĩ Quý Dương, Trần Chất, Trung Kiên, Ngọc Dậu, Thanh Đính… nhóm múa Đoàn Ca Múa nhân dân Trung ương tập dượt dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô.

Nghệ sĩ Liên Xô - Khôtjaev, thầy dạy môn violon, một trong những chuyên gia nước ngoài đầu tiên giảng dạy nơi đây.

Ngoài trụ sở chính ở Nguyễn Thái Học, do nhiều học sinh mà thiếu nơi giảng dạy, nhà trường phải mở thêm hai chi nhánh khác: Cột Cờ và Láng, có lúc còn cơ sở phụ trên phố Nguyễn Thượng Hiền gần phố Yết Kiêu.

Trong tình cảm của hắn và những thế hệ học sinh của ngày ấy: Trường ở phố Nguyễn Thái Học và Chùa Láng là nhiều kỷ niệm khó quên nhất.

Láng, ngày ấy còn vắng vẻ, yên ả, thanh bình!

Thế hệ hôm nay nghĩ cũng gần thôi, nhưng với anh chị em chúng tôi, ngày ấy Láng rất xa, xa bởi những cánh đồng lúa rộng lớn, con đường đi từ Hà Nội vắng vẻ khi mùa đông mưa phùn gió rét ập tới. Giữa cái lạnh, gió rét đến tê tái, nhưng đến tiết học, chúng tôi phải gò lưng đạp xe từ Hà Nội và phải đi rất sớm.

Đường vào chùa Láng còn ngập đầy rơm rạ với hương thơm của lúa, thơm của những cây rau thơm nhất là rau húng ngào ngạt. “Húng Láng, Nem Báng, Tương Bần” là câu ví von người xưa vẫn còn đó.

Trường xây dựng toàn bằng tranh tre nứa lá, nằm lọt thỏm ngay chính giữa khu vực làng Láng, xen kẽ với nhà dân được bao quanh bởi những đồng lúa. Một nông thôn đúng nghĩa của miền Bắc ngày ấy. Yên ả đến trong lành, giản dị và mộc mạc.

Trường chuyển về nơi này, người dân của làng Láng tất cả đều ngỡ ngàng bởi những âm thanh lạ, cây đàn lạ và nhiều thứ đàn khác mà từ thuở cha sinh mẹ đẻ họ chưa bao giờ nhìn thấy cả.

Đàn piano đặt trong nhà dân, đàn cũng được đặt nơi hành lang trong sân chùa. Violon tập dưới những cây muỗm cổ thụ, tiếng đàn, tiếng kèn vang xa cả một vùng miền quê ngoại thành Hà Nội.

Tình cảm của người dân nơi đây thật tuyệt vời. Họ cắt đất cho làm hội trường, làm nhà để học, cho tập dượt ở những nơi được coi là linh thiêng nhất, cho ngủ cùng dân và tất cả không một lời than vãn.

Hắn trộm nghĩ: “Vậy là Trời Phật cũng nghe nhạc, những bản nhạc cổ điển của các nghệ sĩ tương lai”.

Nghệ sĩ piano Phương Hạnh Nguyễn Thiên, một trong những học sinh thời đó kể lại: “Những ngày ở Láng với em là quãng đời thơ mộng và đẹp nhất trong đời. Từ chùa Láng, chị em lúc rảnh rỗi lại dẫn nhau đi ra vườn chơi, xem người ta trồng rau… Rau húng cùng nếp làng Láng thơm nhè nhẹ. Tối về dưới ánh trăng sáng vằng vặc bên gốc cây cổ thụ, anh chị em tập đàn. Khi về nơi mình ở, ai cũng sợ chó, sợ rắn nên phải cầm theo cây gậy cùng đèn gió.” Phương Hạnh kể tiếp “Có lần tập đàn về khuya có một ông rắn đứng ngay cạnh cây đàn piano. Ông cứ múa múa, em sợ phát khiếp tay cầm cây gậy cứ hoa hoa để ông đi. Nghe thấy tiếng kêu của em, các anh ở gần đấy chạy ra đuổi mãi ông rắn mới chịu đi…”.

Thanh cảnh, êm ả, khó khăn… Người dân Láng tấm lòng tốt như thế làm sao ai không thương không nhớ?

Và thời gian này cũng mất mấy năm cho đến năm 1961 là lúc Trường Âm nhạc Việt Nam ở Ô Chợ Dừa được xây dựng xong và tất cả chuyển về ngôi trường mới.

Ô Chợ Dừa ngày ấy toàn là đồng ruộng, lũy tre, con trâu đi trước cái cày đi sau mà thôi. Khi xây dựng trường ở Ô Chợ Dừa xong, hắn và anh em tạm biệt làng Láng, nơi có biết bao nhiêu kỷ niệm để chuyển về ngôi trường mới còn thơm mùi vôi vữa.

Thời gian này trường vẫn gọi là Trường Âm nhạc Việt Nam. Hiệu trưởng vẫn là thầy Tạ Phước.

Trường xây theo kiểu khu nhà tập thể ở Kim Liên - kiến trúc giống hệt nhau của Hà Nội năm ấy. Khu trường bề thế với hình hài, dáng dấp hiện đại, bao gồm ba khu nhà bốn tầng, một hội trường rộng làm nơi hội họp, thi cử và biểu diễn, tầng hầm dưới sử dụng làm nhà ăn tập thể. Nhà bốn tầng đầu tiên dành làm các phòng dạy, nhà thứ hai là nơi làm việc của phòng hành chính, thư viện, nghe nhạc mượn sách, dạy văn hóa theo quy trình phổ thông. Nhà bốn tầng kế bên hội trường là nơi lưu trú tập thể cho học sinh.

Khoa Violon gọi nôm na là khoa Dây cùng khoa Kèn ở tầng hai và ba còn tầng thứ tư dành cho học sinh Lào. Giường nằm là giường hai tầng. Anh nào ở tầng trên phải leo bằng thang có sẵn.

Còn nhớ ngày có học sinh Lào học. Cả trường chộn rộn xôn xao. Anh thì dán mắt ngắm nhìn những bộ quần áo, toàn là vải xịn, vải tốt rồi đến mốt này mốt nọ. Ngày ấy cuộc sống của chúng tôi thiếu thốn lắm, khó khăn nhiều, làm sao có được bộ áo quần như vậy! Còn các chị luôn ngước nhìn, ngó các anh chàng Lào đẹp trai ăn mặc model thì thào bàn tán. 

Vậy mới có chuyện một nàng Việt trong trường phải lòng một anh Lào thổi kèn trompette thuộc con cháu hoàng tộc xứ Lào. Quan hệ với người nước ngoài ngày ấy còn khó khăn lắm, đâu có được tự do, thoải mái, dễ dàng như bây giờ. 

Hắn học tập ở Ô Chợ Dừa được vài năm cùng lớp violon với Nguyễn Khắc Huề, Nguyễn Đình Quỳ, Hoàng Đức Nghị; piano có Trịnh Thị An, Tuyết Minh; sáng tác có Lư Nhất Vũ, Nguyễn Hữu Công tức nhạc sĩ Thuận Yến…

Thi tốt nghiệp trung cấp (hồi đó chưa có hệ cao đẳng hay đại học), hắn điểm cao cùng với Khắc Huề. Chiến tranh đã bắt đầu leo thang ra miền Bắc, máy bay Mỹ ném bom Hà Nội thì hầu hết các cơ quan, trường học… đều phải đi sơ tán và Trường Âm nhạc Việt Nam cũng nằm trong quy định bắt buộc này.

Yên ổn nơi trường mới không bao lâu. Năm 1965, thầy trò hiệu trưởng Tạ Phước lại phải đi sơ tán ở Xuân Phú, Yên Dũng, Bắc Giang, quay lại cuộc sống ba cùng với dân: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và tập đàn dạy học” nhằm tránh “mũi tên hòn đạn” của máy bay Mỹ, bảo toàn những nghệ sĩ âm nhạc còn non trẻ - tương lai của đất nước sau này.

Còn số phận của hắn?

Sau khi thi tốt nghiệp loại ưu, lãnh đạo Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam) lấy ngay hắn về, không chần chừ, chậm trễ vì sợ nơi khác lấy mất.

Xa cái nôi đã gắn bó, học hành từ khi hắn mười hai tuổi - vậy mà cũng tám năm trời đằng đẵng (4 năm sơ cấp, 4 năm trung cấp) với bao kỷ niệm.

Hắn như một con chim đã đủ lông đủ cánh “bay” đến chân trời mới, khi “bay” hắn vẫn luôn ngoái nhìn lại nơi đã rèn luyện, dạy dỗ hắn, cho hắn một cái nghề vững vàng để trở thành người hữu ích cho xã hội sau này.

Hắn biết rằng ở nơi sơ tán Bắc Giang, các bạn của hắn, người mới cho đến người cũ vẫn học tập rèn luyện và đến các trận địa pháo cao xạ để hát, để đàn phục vụ các chiến sĩ đang canh gác bảo vệ vùng trời bình yên của quê hương.

Cũng như hắn, khi về tổ ấm mới, không phải là để học nữa, mà đem kiến thức chuyên môn đã học để phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân nơi máy bay Mỹ thường xuyên ném bom, cùng anh chị em đi tải đạn cho các trận địa pháo, tham gia trận đánh cầu Hàm Rồng rồi hắn được Bác Hồ khen thưởng huy hiệu 5.8…  

Nơi nào cần hắn có mặt với một điều thiêng liêng nhất: được phục vụ.

Vài năm sau đó, năm 1967, hắn lại “bay” theo tiếng gọi của Tổ quốc, quê hương khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vào giai đoạn quyết liệt nhất.

Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả vì miền Nam thân yêu! Ba sẵn sàng!

Hắn lần này vươn sải cánh rộng để “bay”, “bay” đi thật xa, nơi chân trời mới đang vẫy gọi… Hắn vào chiến trường miền Nam của mảnh đất Nam Bộ là như thế!

Tác giả bài viết biểu diễn phục vụ bộ đội tại chiến trường miền Đông Nam Bộ năm 1969 

Hắn không thích nói nhiều, kể nhiều về chiến tranh bom đạn, bởi chiến tranh là chết chóc, là khổ đau, là những cái gì gian khổ, thiếu thốn nhất, và ai cũng hiểu. Chỉ biết rằng nơi “bến đỗ” này thật xa quê nhà Hà Nội của hắn và xa tất cả để dấn thân vào cuộc trường chinh lửa đạn mà không biết khi nào trở về, vì nơi này ác liệt, gian khổ, sự sống và cái chết chỉ là một sợi chỉ mỏng manh và hắn làm sao để sống, hành động xứng đáng để không phụ lòng thầy cô và bè bạn tin tưởng mà thôi.

Lời tự sự này, trích từ một đoạn ngắn do hắn viết đã được đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng mang tựa đề: “Tiếng vĩ cầm tại bến Súc” để thấy rằng trong chiến tranh cho dù là gian khổ, bom đạn nhưng hắn và những người cách mạng vẫn luôn giữ sự lạc quan, yêu cuộc sống và yêu cái đẹp biết nhường nào. “…Đêm nay ở bến Súc quá yên tĩnh, bầu trời trong vắt và đầy sao, thỉnh thoảng những tiếng rít của phi pháo từ đâu đó bắn qua. Bên đống lửa hồng, phần nào cũng xua tan cái lạnh khi mùa xuân bắt đầu đến. Chỉ có tôi và chú Mười. Lúc này chiến tranh tạm lùi trong mỗi người và sự lãng mạn trào dâng lại đến với hai chúng tôi, với cây vĩ cầm đã cũ và bạc màu vì sương gió, những giai điệu đẹp, bất hủ của Beethoven, Tchaikovsky, Chopin… lại cất lên thánh thót, trầm bổng trong thánh đường dưới lòng đất”.

Đến bây giờ, những kỷ niệm của đêm ấy, đêm bến Súc - Củ Chi ráp ranh với Sài Gòn, nơi bom, đạn đã cày nát và hủy diệt tất cả… Có một người lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, người chỉ huy An ninh Tình báo T4 (trong đó có những điệp viên tình báo lỗi lạc như Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Đồng Đen…) vẫn lãng mạn đắm chìm và mơ tới những giai điệu đẹp trong tiếng vĩ cầm.

Trầm bổng

Cao vút

Giữa khoảng không tĩnh lặng

Hiếm có của chiến tranh…

Tháng 3-2002

Cái đêm yên tĩnh hiếm có của chiến tranh, tiếng vĩ cầm và các bản nhạc ấy hắn đã được các thầy nơi trường cũ chỉ bảo dạy dỗ, lại một lần nữa vang lên không phải nơi thánh đường của trường nhạc mà vang lên trong căn hầm dã chiến ở vùng đất thép Củ Chi trong tiếng gầm rú của những loạt đạn pháo từ nơi xa dội về…

Với hắn luôn là những kỷ niệm không bao giờ quên. Những đêm ở rừng chiến khu hắn lại nhớ đến ngôi trường âm nhạc ngày ấy, nhớ tới bè bạn cùng khóa học, nhớ đến tên từng người thầy Hiệu trưởng Tạ Phước, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Trọng Bằng… Nhớ thầy dạy violon Trần Ngọc Toàn, Hùng Phong, Lã Hữu Toản… đến các thầy dạy bộ môn khác như Thái Thị Liên, Hoàng Dương, Lê Bích, Vĩnh Cát, Chu Minh, Bùi Gia Tường, Vũ Hướng, Trung Kiên, Quý Dương, Tạ Bôn, Bích Ngọc, Nguyễn Hữu Tuấn…

Hắn cũng không bao giờ quên được những người anh, người bạn học ở Trường Âm nhạc đã vào công tác ở chiến trường từ Quảng Trị, Khu V, Tây Nguyên cho tới Nam Bộ như Thanh Đính, Nguyễn Hữu Công (Thuận Yến), Phong Kỳ, Hoàng Đức Nghị hy sinh tại chiến trường Khu V, Lư Nhất Vũ, Ngô Đông Hải (Đồng Nai), Trần Quý Mùi, Phạm Nguyên Kiếm, Hồ Bông (Thanh Trà), La Mai Chửng (Kpa Ylang), Duy Nãi, Thế Hải, Nguyễn Mai Lâm, Thúy Hợi, đặc biệt Tô Lan Phương, người được vinh dự một đại đội Quân giải phóng miền Nam lấy tên của chị làm tên cho đại đội mình trước giờ ra trận tiến vào Sài Gòn.

Sài Gòn giải phóng - Bắc Nam sum họp một nhà, một số anh em nhạc sĩ trưởng thành trong cuộc kháng chiến tại miền Nam tiếp tục theo học lớp chính quy tại Nhạc viện Hà Nội như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn, Phạm Nguyên Kiếm…

Ngôi trường ngày xưa giờ đây đã thay đổi rất nhiều từ nội dung tới hình thức. Một quần thể bề thế xứng tầm trong khu vực và thế giới. Lớp sinh viên ngày nay thật sự tài giỏi. Đội ngũ nhà quản lý cùng sát cánh với những người thầy tâm huyết và tài năng, hầu hết đều được tu nghiệp, học tập và biểu diễn ở nước ngoài, có thể kể tới Nguyễn Trọng Bằng, Trần Thu Hà, Ngô Văn Thành, Lê Văn Toàn, Lê Anh Tuấn…

Dưới sự chỉ đạo và hết lòng ủng hộ của Nhà nước, 60 năm với một bề dày thời gian cùng sự góp công góp sức, cống hiến bền bỉ của các thế hệ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam xứng đáng là niềm kiêu hãnh, tự hào cho Tổ quốc, cho dân tộc. Học viện mãi là cánh chim bay không mỏi để tiếp tục đóng góp và cống hiến vì một nền âm nhạc Việt Nam.

Vĩ thanh

Bằng tình yêu với mái trường âm nhạc đầu tiên của Việt Nam, bằng tấm lòng biết ơn những người thầy, tình cảm chân thành với những người bạn, bài viết còn nhiều điều muốn nói, muốn kể... Hắn cảm ơn sự dạy dỗ của thầy violon Trần Ngọc Toàn - người thầy đầu tiên đã dìu dắt hắn đến violon từ những ngày còn bé. Cảm ơn sự chia sẻ thông tin của nghệ sĩ piano Phương Hạnh Nguyễn Thiên. Cảm ơn sự chia sẻ thông tin của thầy giáo, nghệ sĩ và là người bạn thân thiết Nguyễn Anh Giang. Cảm ơn sự ủng hộ, khích lệ và động viên của TS. Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã giúp hắn hoàn thành bài viết này nhân sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.<

 

Trần Quý Mùi


* Ban Biên tập xin giữ nguyên chữ “hắn” theo yêu cầu của tác giả. 

Nguồn: Tạp chí Giáo dục Âm nhạc số đặc biệt 10/2016 kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chi tiết

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn