Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13793012
Tin tức hoạt động Thứ ba, 07/01/2025

Ảnh: Lớp học đàn Violoncelle cùng với chuyên gia Trung Quốc tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Ảnh tư liệu tại Học viện ÂNQGVN.

 

VÀI NÉT VỀ CHẶNG ĐƯỜNG 60 NĂM ĐÀO TẠO

CHUYÊN NGÀNH BIỂU DIỄN VIOLONCELLE TẠI

HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM

 

Chỉ hai năm sau ngày giải phóng thủ đô 10-10-1954, trước nhu cầu to lớn về cán bộ âm nhạc của đất nước, Trường Âm nhạc Việt Nam ra đời và mùa thu năm 1956 đã khai giảng khóa Trung cấp âm nhạc đầu tiên tại 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Cùng với các bộ môn khác của trường, bộ môn Violoncelle đã được mở do giảng viên Phạm Huy Quỹ giảng dạy. Học sinh các khóa đầu tiên gồm: Nguyễn Hữu Quỳnh, Vũ Hướng, Nguyễn Đắc Quỳnh, Phùng Hiến Tân, Phạm Gia Bình, Bùi Gia Tường, Nguyễn Lập, Mỹ Hạnh... Họ hầu hết đã lớn tuổi (trên 20) và là những người có năng khiếu và đôi chút trình độ âm nhạc do tự học. Họ đều biết chơi các nhạc cụ như mandoline, banjo, guitare, violoncelle, nên khi vào học cũng có những thuận lợi nhất định và tiến bộ nhanh chóng. Đến năm 1959, sau 3 năm học tập trung cấp, Vũ Hướng, Bùi Gia Tường được cử đi học đại học nước ngoài, số còn lại được phân công về thành lập Dàn nhạc Giao hưởng đầu tiên của Việt Nam.

Thời kỳ này, chúng ta cần ghi nhận sự giúp đỡ to lớn của các chuyên gia nước ngoài: Tư Đồ Chí Văn đến từ Trung Quốc, Fedorchenko và Galia đến từ Liên Xô đã sang giúp đỡ nhiều năm trong việc bổ túc nghiệp vụ cho giảng viên và trực tiếp giảng dạy học sinh trung cấp.

Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia Bungaria, Vũ Hướng được Bộ Văn hóa phân công về giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam với nhiệm vụ soạn thảo chương trình, giáo trình để mở bậc đại học đàn violoncelle đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Cũng trong năm 1965, Bùi Gia Tường tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky, Moscow cũng được về giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Thời kỳ này, bộ môn Violoncelle có các cấp học: trung cấp 11 năm, trung cấp cơ bản 4 năm, đại học 3-5 năm cùng hệ bổ túc. Hệ trung cấp 7 năm tách riêng, sơ tán tại Giang Soi, Hà Tây có các giảng viên Phạm Huy Quỹ, Phùng Hiến Tân, Nguyễn Đắc Quỳnh; hệ trung cấp và đại học sơ tán tại xã Xuân Phú, Hà Bắc có các giảng viên Bùi Gia Tường, Vũ Hướng, Ngô Hoàng Dương. Thời gian gần 7 năm sơ tán tại Bắc Giang có thể nói là một trong những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Trường Âm nhạc Việt Nam. Số học sinh, sinh viên theo học rất đông, mỗi thầy đều dạy trên 10 học sinh, sinh viên. Họ chăm học và học rất tốt, đặc biệt thành công là một số học sinh hệ trung cấp cơ bản 4 năm như: Đồng Văn Minh, Doãn Tiến, Doãn Hương Khanh, Phạm Thúy Lan, sau này là Trần Thị Mơ. Họ tốt nghiệp trung cấp 4 năm và thi thẳng vào đại học.

Năm 1998, chúng ta đã mở bậc cao học biểu diễn violoncelle 2 năm và hiện nay chúng ta chỉ còn đào tạo 3 bậc học: trung cấp 7 năm, đại học 4 năm và cao học 2 năm. Phải thẳng thắn nhận định rằng chúng ta cũng đã vươn lên trình độ quốc tế. Chúng ta đã có Ngô Hoàng Quân thi Concours J.S. Bach tại Đức, Trần Thị Mơ thi Concours P.I. Tchaikovsky tại Nga. Trong những năm qua, nhiều sinh viên của chúng ta đã được nước ngoài tuyển chọn tham gia các dàn nhạc giao hưởng quốc tế, đặc biệt là Dàn nhạc Giao hưởng trẻ châu Á do Mỹ tổ chức. Từ nhiều năm trong chương trình của bậc đại học và cao học, chúng ta đã đưa vào giảng dạy nhiều tác phẩm kinh điển của thế giới như: suite của Bach, M. Reger, các sonate của Brahms, Chopin, Prokofiev, Rachmaninov, Chostakovich, các concerto của Haydn, Boocherini, Schumann, Elgar, Dvorak, Chostakovich, Variation rococo của Tchaikovsky... Chúng ta cũng đã cử nhiều học sinh, sinh viên đi học đàn tại các nước Liên Xô (cũ), Bungaria, Đức, Áo, Tiệp Khắc, Rumania, Hồng Kông, Mỹ... Họ đã đáp ứng được về trình độ chuyên môn và đã được những nước kể trên tiếp nhận vào các bậc học mà chúng ta đăng ký.

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, bộ môn Violoncelle đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Chúng ta đã xây dựng được một nền móng vững chắc cho sự nghiệp giảng dạy và biểu diễn đàn violoncelle trong đời sống âm nhạc của nhân dân ta, chúng ta đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về giảng dạy và biểu diễn đàn violoncelle của các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp và các đơn vị biểu diễn nghệ thuật trên cả nước.

Với những thành tích nổi bật kể trên, mặc dù trước mắt còn một số khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đến việc đào tạo âm nhạc nói chung, đàn violoncelle nói riêng, nhưng chúng ta có cơ sở để tin rằng nghệ thuật biểu diễn đàn violoncelle của Việt Nam sẽ không ngừng phát triển.

Vì bài viết này đề cập đến chặng đường 60 năm nghệ thuật biểu diễn đàn violoncelle của Trường Âm nhạc Việt Nam trước kia và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay, nên chúng tôi xin có một vài con số thống kê và liệt kê tên của một số nghệ sĩ để vinh danh tất cả những người đã góp công làm nên những thành công của nền nghệ thuật biểu diễn đàn violoncelle tại Việt Nam.

Các thế hệ giảng viên:

Thế hệ thứ nhất: Phạm Huy Quỹ, Phùng Hiến Tân, Nguyễn Đắc Quỳnh, Vũ Hướng, Bùi Gia Tường, Ngô Hoàng Dương.

Thế hệ thứ hai: Phạm Văn Đức, Nguyễn Ngọc Hiền, Lã Quý Hiển.

Thế hệ thứ ba: Nguyễn Hồng Ánh, Bùi Hà Miên, Lê Phan Như Quỳnh.

Học hàm học vị chức danh:

1 Giáo sư: Bùi Gia Tường.

2 Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân: Vũ Hướng, Ngô Hoàng Dương.

3 Nghệ sĩ nhân dân: Bùi Gia Tường, Ngô Hoàng Quân, Trần Thị Mơ.

9 Nghệ sĩ ưu tú: Nguyễn Tiến Phúc, Phạm Văn Đức, Đồng Văn Minh, Đào Tuyết Trinh, Doãn Hương Khanh, Doãn Tiến, Nguyễn Trung Dũng, Mai Ngọc Hương, Hoàng Ngọc Huyền.

13 Thạc sĩ: Ngô Hoàng Quân, Trần Thị Mơ, Trần Thu Vân, Trần Vũ Vân Anh, Lương Bích Huyền, Đào Tuyết Trinh, Nguyễn Trung Dũng, Nguyễn Hồng Ánh, Lê Phan Như Quỳnh, Bùi Hà Miên, Đinh Hoài Xuân, Dương Thu Giang, Đào Thanh Huyền.

Đi học nước ngoài:

Vũ Hướng, Bùi Gia Tường, Ngô Hoàng Dương, Tạ Huấn, Nguyễn Tuyết Mai, Phạm Hùng Thắng, Trần Vũ Vân Anh, Lương Bích Huyền, Nguyễn Tấn Anh, Phạm Thanh Hoài, Lê Linh Quân, Lưu Ly Ly, Trần Hồng Nhung, Thiều Quang Hải, Mai Hoa, Diệu Linh, Đinh Hoài Xuân, Phan Đỗ Phúc.

Tham gia dàn nhạc trẻ châu Á:

Trần Vũ Vân Anh, Trần Thu Vân, Dương Thu Giang, Bùi Hà Miên, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Hồng Ánh, Hồ Hồng Nhung, Trần Hồng Nhung.

Các thế hệ nghệ sĩ của các dàn nhạc giao hưởng:

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam: Nguyễn Đắc Quỳnh, Nguyễn Lập, Khúc Chân, Khúc Phác, Lê An, Phùng Hiến Tân, Ngô Hoàng Quân, Trần Thị Mơ, Nguyễn Tiến Phúc, Nguyễn Lan Anh, Mai Ngọc Hương, Trần Bích Trinh, Đào Tuyết Trinh, Nguyễn Trung Dũng, Trịnh Hoàng My, Hoàng Thế Mạnh, Đỗ Pha Lê, Lương Thu Trà, Phạm Ngọc Mai...

Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch: Trần Thu Vân, Diệu Hương, Lê Quỳnh Giang, Phạm Ngọc Trâm, Dương Thu Giang, Nguyễn Thanh Tú, Hồ Phương Nhung.

Các giảng viên nghệ sĩ công tác tại miền Nam:

Thân Cường Việt, Vũ Thanh Hảo, Nguyễn Tấn Anh, Phạm Thanh Hoài, Vũ Hồng Ánh, Nguyễn Hồng Thủy, Nguyễn Văn Hóa.

 

Vũ Hướng

----------------------------------

Nguồn: Tạp chí Giáo dục Âm nhạc số đặc biệt 10/2016 kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chi tiết

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn