Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13793108
Tin tức hoạt động Thứ ba, 07/01/2025

Ảnh: Cán bộ và giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam. Ảnh tư liệu tại Học viện ÂNQGVN

 

MỘT THỜI ĐẠN BOM, MỘT THỜI HÒA BÌNH

 

Những ai đã từng có cái duyên gắn bó với Trường Âm nhạc Việt Nam, tiền thân của Nhạc viện Hà Nội và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày nay đều mang nhiều kỷ niệm tốt đẹp, nhất là hai giai đoạn sơ tán “Một thời đạn bom, một thời hòa bình” (Hoàng Hiệp).

Đối với tôi, thời sơ tán lại là thời tôi bước vào nghề giáo. Tháng 9 năm 1965, trường sơ tán ở Xuân Phú, khi được nhận vào làm thầy môn violon tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Tôi tự “giam” mình cả tuần trong thư viện của trường nơi sơ tán với số sách nhỏ nhoi để tìm những bài thích hợp cho việc giảng dạy của mình. Thầy Hùng Phong đã không ngần ngại phân cho tôi những học sinh có năng khiếu lúc bấy giờ vì biết tôi đang học bị gián đoạn tại Nhạc viện Carl Maria von Weber ở Dresden, Đông Đức cũ. Tôi được phân các học sinh từ sơ cấp 6 trở lên tới hết trung cấp. Thời đó còn chưa có đại học mà chỉ là một số cán bộ đi học đã từng tốt nghiệp trung cấp, được phân công công tác tại các đoàn nghệ thuật rồi được cử về trường lại để nâng cao trình độ chuyên môn. Tôi có dạy hai người của đoàn Hải quân.

Một thời vất vả, nhưng cả các thầy cô lẫn các trò đều giảng dạy, học tập và lao động rất hăng say. Cái tinh thần quật cường của một dân tộc đang chống Mỹ cũng thấm sâu trong việc học nhạc, dạy nhạc. Ăn bụi tre, tập bụi chuối, máy bay tới thì chui xuống hầm, hết báo động lại chui lên, phủi bụi, tập đàn tiếp. Gian khổ nhiều, nhưng không thiếu ước mơ. Nhiều người từ thời sơ tán sau này đã thành danh ở trong nước và nước ngoài. Học kỳ đầu thi xong, các học sinh lớp tôi đều đàn tốt, được các thầy đồng nghiệp khen. Trên đường về nhà, nhìn đám mây trắng cao tít trên đầu, tôi cảm giác một gánh nặng được cất khỏi vai, người nhẹ bẫng như muốn bay lên. Đó là bước đầu tiên và niềm vui đầu tiên làm nghề giáo dạy violon của tôi trong suốt cuộc đời dạy học.

  •  

Ở nơi sơ tán, ngoài dạy và tập đàn, công việc thường xuyên nhất là đào hầm để tránh máy bay, tối đến thì châm đèn dầu lên tự học tiếng Nga. Công tác đoàn ngoài họp hành ra còn tập quân sự, tập bắt phi công nhảy dù khi bị ta bắn rơi máy bay, tiếng Anh đầu tiên trong đời tôi học được là “Hands up!” (Giơ tay lên!). Chi đoàn giảng viên khi đó có nhiều tên tuổi mà nay mọi người biết đến như Ca Lê Thuần, Bùi Gia Tường, Thế Bảo, Phương Chi, Nguyễn Tuấn… Chúng tôi lập thành nhóm đi biểu diễn cho bộ đội phòng không, đồng bào nông thôn nghe.

Kỷ niệm nhớ đời của tôi là một lần sau khi biểu diễn xong, đồng chí chỉ huy phòng không vì phải bận trực nên muốn nghe tôi đánh qua telephone. Thế là tôi ôm đàn chui vào trong bạt, vừa quỳ vừa đánh bài Xuân tân cương mà mình mới trình diễn xong. Bạt thì thấp, phải quỳ mới đánh được, còn một đồng chí bộ đội thì đưa ống nghe telephone vào gần đàn của tôi để cho đồng chí chỉ huy trận địa ở tít mãi đâu nghe. Đây là một trường hợp hi hữu khi người đàn và người nghe không nhìn thấy nhau. Những lần đi diễn cho bộ đội, đồng bào và cả chuyên gia, thường là anh Nguyễn Tuấn đệm accordeon cho tôi, thay vì đệm piano. Thử tưởng tượng anh Tuấn cao thế mà cũng phải quỳ để đệm accordeon. Sau này đi Nga, tôi có viết câu chuyện này bằng tiếng Nga đăng trên báo của khoa Dự bị trường Lomonosov Moscow.

*

Rồi tôi có giấy triệu tập đi học tại Liên Xô cũ. Thật là mừng vì tôi mới học tới Đại học II ở Đức. Phải đi mất 1 ngày, qua 2 con đò tới nhà ông chủ tịch xã để xin cắt hộ khẩu. Đi từ lúc mặt trời mọc, chờ ông cả ngày trời vì ông ở ngoài đồng. Tới khi ông quay về lại đợi ông ăn cơm, xỉa răng xong ông mới “ký” cho một chữ để cắt hộ khẩu. Khi quay về trời đã tối, gọi đò mãi mới được, về tới nhà là trăng lên tới đọt tre. Cả nhà cụ Mỵ chủ nhà vẫn chờ tôi về ăn chung bữa cơm cuối cùng để mai đi Hà Nội. Hôm sau, mọi đồ đạc của tôi thu gọn trong một chiếc vali da từ thời đầu thế kỷ (XX). Lích kích là 2 cây đàn violon. Tất cả cột sau xe đạp. Tới cầu Đuống, vừa đạp xe lên cầu thì kẻng báo động vang lên. Tuy mới ở đầu này cầu nhưng quay lại thật là khó với cái valy sau xe. Thôi, đành liều đạp thục mạng về phía trước, mặc cho máy bay gầm rú trên đầu. Bên bờ, mọi người nhô ra khỏi hầm hò hét, thúc giục tôi đạp mau lên. Sang tới bên bờ kia, tôi lao vội vào một hầm trú ẩn, xe để nằm đó cùng với 2 cây đàn violon. Thật hú vía vì hôm đó máy bay không bỏ bom cầu Đuống. Chờ kẻng báo an, tôi dựng xe lên và đi tiếp về Hà Nội. Vừa may gặp ông anh ruột đi xe máy lên tìm tôi vì ở nhà sợ là tôi chưa nhận được giấy triệu tập. Thế là hai anh em cùng quay về Hà Nội.

Tôi đi Liên Xô vào tháng 10, đúng đợt vét. Cũng nhờ vào vốn tiếng Nga ít ỏi mà tôi tự tích lũy, tới khi gặp đại diện của Bộ Đại học, tôi đã tự trình bày bằng tiếng Nga, muốn xin học tại khoa Dự bị trường Đại học Lomonosov, nơi các bạn đi trước tôi đang học. Đề nghị được chấp nhận. Cũng nhờ đó mà sau đó họ bố trí cho tôi thi vào Nhạc viện Tchaikovsky và đã đậu. Cũng vì học tại Tchaikovsky làm “tay trong” nên khi một số học sinh cũ thời sơ tán như Khắc Hoan, Công Thành sang, tôi đã xin được cho họ những thầy cô rất tốt để học.

*

Đi một vòng hết 1 năm Dự bị cùng 5 năm Đại học, về Việt Nam tôi lại được Bộ phân công về Trường Âm nhạc Việt Nam và trường lại đi sơ tán đợt II. Đợt I gọi là “Chiến tranh Johnson”, còn đợt II này là của Nixon. Mỹ càng ném bom điên cuồng miền Bắc thì toàn dân ta chiến đấu lại càng ngoan cường. Có ai nghĩ những máy bay hiện đại đáng lẽ là công cụ hù dọa dân ta thì lại bị ta bắn rơi hằng ngày lả tả như sung rụng. Đợt đánh ác liệt nhất là đêm Noel 1972 khi tôi vừa về Hà Nội. Tối đó, hai vợ chồng vừa ra phố thì báo động phải quay về. Bom ném xuống rung chuyển như động đất. Sáng ra, Khâm Thiên và nhiều nơi bằng địa. Thời đó mọi người suốt tối ôm cái “transitor” để nghe tin tức, theo dõi chiến sự, biết tình hình nhân dân các nước ủng hộ ta, nhân dân Mỹ chống chiến tranh và cựu chiến binh ném huân chương xuống sông…

Hòa bình cận kề và hòa bình đã tới! Trước kia, muốn về Hà Nội phải đi ban đêm, còn bây giờ thì về ban ngày. Dọc đường đi, tiếng loa phóng thanh không còn báo máy bay địch ở đâu hay đã đi xa mà toàn nhạc hay. Ai đó trong Ban Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam đã khéo chọn chương II Concerto piano số 5 của Beethoven để phát vào sáng sớm ngày đầu tiên hòa bình. Cái giọng Si trưởng trong trẻo với giai điệu thánh thiện của piano và dàn dây của dàn nhạc búng (pizzicato) điểm xuyết khoan thai, tay trái piano thì chơi chùm 3 đều đặn, thư thái. Cứ vừa đạp xe, vừa lắng nghe âm nhạc từ loa này qua loa kia dọc đường mà thấy tâm hồn thanh thản, lâng lâng. Cứ như Beethoven viết riêng chương này cho ngày hòa bình đầu tiên của Việt Nam vậy! Sao mà khéo thế! Sau này, cứ nghe chương này, tôi lại nhớ tới buổi sớm mai đó.

*

Từ nay không mất công đi sơ tán, nhưng cuộc sống thật khó khăn. Trường nhạc cũng thiếu học sinh, phải tìm nguồn từ nông thôn và các tỉnh. Ngày đó đất nước còn chia cắt nên đợt tuyển sinh tới Vĩnh Linh là tận cùng. Đoàn có “đại ca” Tạ Tấn (guitare), Đức Tùy (sáo, nhị), Nguyễn Tuấn (piano), anh “Lâm rùa” (clarinette), anh “Long râu-giơ” (lý luận - sáng tác) và tôi (dây) đi đến đâu cũng tuyển sinh và biểu diễn. Một hôm ở Vĩnh Linh, sau khi ăn cơm chiều có món canh khoai sọ nấu với mắm tôm rất ngon. Sau bữa ăn, tôi rủ anh Nguyễn Tuấn ra bụi tre hóng mát và ngậm mấy cái kẹo ngoại tôi mang theo cho thơm miệng. Chúng tôi bàn luận về các tài năng piano (khi đó nở rộ). Anh Tuấn bảo tôi phát biểu trước ý kiến của mình. Tôi kể tên hàng loạt tài năng piano, kể cả anh Tuấn, song theo đánh giá của tôi, người thành công và đạt trình độ và tiếng tăm quốc tế trong đó chỉ có một: ĐẶNG THÁI SƠN. Sơn khi đó mới là chàng trai 15, 16 tuổi nhút nhát, e thẹn, nhưng khi ngồi vào đàn thì rất tự tin, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tình cảm và lý trí, có cái tai âm nhạc kiểm soát được hết từng chút cách chơi đàn của mình. Người trẻ mà có thể tự khống chế được mình là “cao thủ võ lâm”. Anh Tuấn hoàn toàn thống nhất với tôi và đã có một cuộc nói chuyện thật cởi mở. Đã “ngồi bụi tre luận nhân tài” thì chỉ có thành thật với nhau hoàn toàn. Anh Tuấn có rất nhiều tố chất, nhưng thời gian không còn ủng hộ anh như đối với giới trẻ nữa. Thời đó tôi phiên dịch cho chuyên gia piano Isaak Katz, song ông rất kín tiếng. Nhận định về Sơn là hoàn toàn của riêng tôi. Ông từng là học sinh của Goldenweiser (trong hình lớp mà ông đưa tôi xem, ông còn quàng khăn đỏ). Hai ông bà rất văn minh, trí thức và từng trải. Sau này, Sơn được cử sang Nga học, nghe nói chính ông giới thiệu Sơn học ông Nathanson và chỉ trong 3 năm, ông đã dẫn đắt Sơn tới đỉnh vinh quang. Tôi xin lỗi vì không nhắc hết các tài năng thời bấy giờ và cũng có nhiều thành công, đoạt giải… Tôi chỉ nhắc tới Đặng Thái Sơn như một người “được chọn”, một người được lịch sử chọn cho một thời đại mới của Việt Nam, “Một thời hòa bình”. Giải nhất Concours Chopin là định mệnh của thời đại, nó vừa vinh quang nhưng vừa khắc nghiệt, không phải ai cũng gánh vác nổi. Cả trăm năm sau chắc gì có ai sẽ lặp lại được thành tích như Sơn?

*

Nhìn lại 60 năm Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trong chớp mắt đã vươn vai lớn mạnh. Mới những ngày sơ tán, đại học còn là “của hiếm”, chỉ là một tốp đủ các ngành, đa số là cán bộ đi học để nâng cao trình độ. Nay thì đã là Học viện Quốc gia, đầy đủ các môn, đầy đủ các cấp: trung học, đại học, cao học, nghiên cứu sinh. Một phần là do Nhà nước cho người đi học các nước tiên tiến về âm nhạc để có đủ giảng viên có trình độ trên một cấp dạy một cấp, mà còn nhờ vào rất nhiều lứa chuyên gia sang dạy tận nơi, vừa giảng dạy vừa tập hợp nhân tài và vừa phát hiện nhân tài. Tôi chỉ có mặt tại Trường Âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh (hai lần sơ tán) và đầu hòa bình, sau đó chuyển vào Nam công tác, nhưng trong lòng vẫn đầy ắp những kỷ niệm. Nghĩ về nguyên nhân thành công của Trường Âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trước hết là do ta đã thực sự cầu thị và sự thành thật với bản thân. Chỉ mong sao sẽ mãi mãi là như vậy để thành công nối tiếp thành công.

 

Hoàng Cương

----------------------------------

Nguồn: Tạp chí Giáo dục Âm nhạc số đặc biệt 10/2016 kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chi tiết

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn