Ảnh: Những thế hệ sinh viên đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam. Ảnh tư liệu tại Học viện ÂNQGVN
NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG THỂ QUÊN
Năm 1957:
Ngày ấy tôi từ anh lính 20 tuổi, Văn công Sư đoàn 308 được đơn vị cử đi học tại Trường Âm nhạc Việt Nam môn đàn violoncelle. Trước khi thi vào trường tôi đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc dạy cho một số kỹ thuật cơ bản của cây đàn. Được giấy báo trúng tuyển vào trường do thầy Hiệu trưởng Tạ Phước ký, trong lòng tràn ngập niềm vui vì từ đây tôi sẽ bước chân vào một môi trường âm nhạc chuyên nghiệp với cây đàn viloncelle.
Thầy Phạm Huy Quỹ đã dạy tôi 3 tháng đầu của trung cấp năm thứ nhất. Tiếp đến là chuyên gia Trung Quốc, bà Tư Đồ Chí Văn sang dạy tại trường. Theo quy định của nhà trường, chỉ có học sinh trung cấp năm thứ hai trở lên và các giảng viên của trường mới được học chuyên gia. Tình cờ
một buổi tôi đang tập đàn trong căn phòng nhỏ tầng 2 số nhà 32 phố Nguyễn Thái Học, có tiếng gõ cửa phòng, là thầy Hiệu trưởng cùng bà chuyên gia bước vào phòng nghe tôi tập đàn. Bà chuyên gia hỏi thầy Hiệu trưởng: “Anh này học năm thứ mấy?”, “Năm thứ nhất”, “Ông cho tôi dạy cậu này”. Đây là một ngoại lệ mà tôi có may mắn được bà chuyên gia nhận cho học, cũng là bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời tôi. Tuy chỉ được học 1 năm với bà, song tôi đã có những bước tiến bộ rất đáng kể về mặt kỹ thuật và số lượng tác phẩm để rồi trong năm đầu tôi đã được chuyên gia và nhà trường đưa vào danh sách các học sinh trẻ đi biểu diễn tại nhiều sân khấu của Hà Nội như: Trường Đại học Bách Khoa; Câu lạc bộ Quốc tế; Câu lạc bộ Đoàn kết, phục vụ bộ đội Sư đoàn 330 ở Thanh Hóa…
Năm 1958:
Chuyên gia Liên Xô, Giáo sư Alexandre Ferochenko sang dạy tiếp nối, tôi cũng được ông nhận dạy. Cuối năm thứ hai trung cấp, ông đã đề nghị nhà trường và Bộ Văn hóa cho tôi sang học tại Liên Xô và từ năm 1960 trở đi tôi chính thức là sinh viên và nghiên cứu sinh của Nhạc viện Tchaikovsky, Moscow, dưới sự dạy dỗ và hướng dẫn của Giáo sư Sergei Sirinsky trong suốt 7 năm.
Một cuộc đời học sinh trung cấp của tôi tuy chỉ vẻn vẹn có 2 năm học dưới mái trường Âm nhạc Việt Nam, song đó là quãng thời gian quan trọng và quyết định tương lai cho cả cuộc đời làm nghệ thuật của tôi và tôi luôn biết ơn những người thầy Việt Nam và quốc tế, với những bạn đồng nghiệp đã cùng tôi qua biết bao cuộc biểu diễn ở trong nước và nước ngoài, từ các giảng viên piano, thuở còn học trung cấp như các anh chị: Phương Chi, Việt Kim, Tuyết Minh, Hữu Tuấn, Hoàng My và sau này là các nghệ sĩ Hà Ngọc Thoa, Phạm Quỳnh Trang, Trần Thái Linh v.v.
Năm 1965-1968:
Tôi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky năm 1965, trở về nước là ngay lập tức cùng đoàn gồm các thầy cô giáo, cán bộ, học sinh, sinh viên của Trường Âm nhạc Việt Nam khẩn trương rời Hà Nội để sơ tán về xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, Hà Bắc và tiếp đến là quãng thời gian 1971-1972, cả trường lại sơ tán về huyện Hiệp Hòa (Hà Bắc) để tránh những cuộc dội bom dữ dội của máy bay B52 giặc Mỹ đánh phá ra miền Bắc và thủ đô Hà Nội.
Những năm tháng này, cả thầy trò đã sống, giảng dạy và học tập luôn gắn bó với bà con nông dân địa phương đầy tình nhân ái. Đây là thời gian của thời bao cấp, tem phiếu, từ cái kim sợi chỉ, lạng thịt, lạng cá, cân gạo, cân bột mì cho đến cái xe đạp Thống nhất, xe Phượng hoàng, Vĩnh cửu (Trung Quốc) hoặc xe đạp “trâu” của Liên Xô. Công đoàn thời kỳ này có vai trò rất quan trọng trong việc lo cơm áo gạo tiền. Cán bộ, giảng viên ai mà rút thăm được phân phối mua một xe đạp là hạnh phúc lắm lắm. Bác Thái Thị Liên là giảng viên thật đặc biệt đã được Bộ phân phối cho một xe máy Babetta 2 giảm sóc là vô cùng quý trọng. Khối giảng viên chúng tôi tối nào cũng họp nhau lại dưới mái nhà nông thôn với ánh đèn măng xông để nghe đọc báo và sinh hoạt câu lạc bộ, nghe nhau biểu diễn. Bà Vũ Thị Hiển, bà Lê Liên (giảng viên piano) rất hăng hái biểu diễn. Tôi đã có cuộc biểu diễn một đêm tại sân kho hợp tác dưới ánh đèn măng xông, bà con nông dân đến nghe rất đông, và chăm chú nghe cả bài Rococo (biến tấu) của Tchaikovsky, rồi Poème của Rakov…
Phong trào Đoàn thanh niên của thời sơ tán đã hoạt động rất hăng hái. Những năm trường đi sơ tán, anh Vĩnh Cát và tôi thay nhau làm Bí thư Đoàn trường đã tổ chức nhiều hoạt động rất vui và bổ ích, đặc biệt như các phong trào tập thể dục buổi sáng, phong trào Thanh niên ba sẵn sàng, phong trào của các đội xung kích đi biểu diễn phục vụ bộ đội tại các mâm pháo ngay sau giờ phút bắn rơi máy bay Mỹ, đâu đó vẫn còn thoang thoảng mùi thuốc của đạn pháo. Lực lượng đội xung kích mạnh nhất là của Chi đoàn giảng viên mà nòng cốt trong các cuộc biểu diễn như các ca sĩ Lê Thanh, Diệu Thúy, Mỹ Bình, Duy Nãi, Tô Lan Phương, Tuấn Anh, Thế Hải, v.v. Đệm đàn accordeon có La Mai Chửng, Kiều Minh. Còn nhớ có những lần biểu diễn phục vụ cho bộ đội, chuyên gia Trung Quốc giúp ta về quân sự hoặc bảo vệ cầu Đuống. Tôi cũng biểu diễn bài Vui xuân mới là bài "tủ" của tôi lúc đó (nhạc Trung Quốc). Sau mỗi cuộc như vậy, diễn viên của ta được bạn chiêu đãi rất hoành tráng, uống rượu Mao đài, "can pây" thoải mái.
Hàng tháng, cán bộ giảng viên được thay nhau về Hà Nội để lo giải quyết tem phiếu, mua gạo, thịt lợn, cá biển, bột mì, v.v. Bột mì thì làm bánh quy, làm lương khô cho các con cháu nhỏ nơi sơ tán hoặc mang lên "tặng" cho các gia đình chủ nhà, là loại quà quý hiếm với bà con nông dân hoặc thuê cán thành sợi để ăn dần. Mỗi lần về Hà Nội là cuộc đi cực vất vả. Hoặc đạp xe, hoặc nếu muốn đi tàu hỏa từ ga Bắc Giang thì phải ngồi trên toa chở than cả một đêm mới về đến Hà Nội, đoạn đường chỉ có 50 cây số.
Đi tuyển sinh trong thời chiến tranh, sơ tán:
Năm 1966, nhà trường thành lập các tổ giảng viên đi tuyển sinh tại nhiều địa phương. Tổ của tôi có 3 người là tôi, anh Đình Long và ca sĩ Duy Nãi có nhiệm vụ đi từ Bắc Giang theo quốc lộ 1A và điểm tuyển là Thanh Hóa và Nghệ An. Ba anh em cưỡi trên ba chiếc xe đạp cũ, mỗi người đeo một bao gạo kèm tem phiếu để mua gạo ở dọc đường và không quên đem theo mũ rơm để đề phòng bom đạn của Mỹ. Đến Thanh Hóa, chúng tôi phải đi theo con đường đồi núi, có lần đói quá phải dừng chân tại một gia đình ngay dưới chân núi để nhờ nấu cơm, xin bà con mấy quả cà pháo còn trên cây để chấm muối ăn với cơm đã có mùi mốc của gạo "tem phiếu". Trên đường vào Nghệ An lại đúng vào ngày được nghe trên loa đài địa phương về tuyên bố lịch sử của Bác Hồ (năm 1968) đọc trước toàn dân tộc: "Không có gì quý hơn độc lập tự do...". Vào đến huyện Quỳnh Lưu thì được bà con cho ăn món xơ mít xào, cứ tưởng là thịt gà. Tại huyện Diễn Châu (có cầu Bùng) là điểm cuối cùng mà chúng tôi phải đến tuyển sinh và từ đó chúng tôi liều đạp xe trên Quốc lộ 1 trở về Hà Nội sau hai ngày đường mệt mỏi tơi tả, máy bay Mỹ rú gầm trên bầu trời chẳng làm chúng tôi sợ chết, vẫn rất lạc quan yêu đời vì lần này chúng tôi đã tuyển được gần chục em học sinh hệ trung cấp cơ bản 4 năm cho nhà trường. Sau đợt đi đầy gian khổ và mong manh giữa cái sống và cái chết đó, ông Đặng Hữu Phát (là Bí thư Đảng ủy) mới ký quyết định kết nạp tôi vào Đảng qua những thử thách “chết người” như vậy.
Thay lời kết:
Trong mỗi người chúng ta đều có những quá khứ đáng nhớ mãi. Quá khứ không bao giờ trở lại còn tương lai tốt đẹp là nhờ có quá khứ đáng tự hào và trân trọng. Bài viết này là món quà nhỏ, một bông hoa đẹp dành tặng Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhân kỷ niệm 60 năm thành lập (1956-2016).
Bùi Gia Tường
----------------------------------
Nguồn: Tạp chí Giáo dục Âm nhạc số đặc biệt 10/2016 kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chi tiết