Ảnh: Trường Âm nhạc Việt Nam thời kỳ đầu tại 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Ảnh tư liệu tại Học viện ÂNQGVN
60 NĂM, NHỚ LẠI VÀI NÉT LỊCH SỬ LÚC BAN ĐẦU
Ngay trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám mới thành công, Chính phủ ta phải lo toan giải quyết những khó khăn phức tạp của đời sống nhân dân và đồng thời phải đối phó với thù trong giặc ngoài. Tuy vậy, vào tháng 10 năm 1946, Bộ Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công bố quyết định thành lập Trường Âm nhạc. Mọi công việc được chuẩn bị và đã làm lễ khai giảng ngày 10/12/1946 tại nhà Thủy Tạ, Hà Nội. Nhưng tiếp đó là tiếng súng kháng chiến toàn quốc chống Pháp bùng nổ, nên không thể triển khai thực hiện được các bước tiếp theo. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy gian khổ, thiếu thốn, tại các đơn vị quân đội, cũng như ở các tỉnh, các khu... đều có mở những lớp nhạc phổ cập ngắn hạn, những lớp bồi dưỡng lý thuyết âm nhạc và sáng tác ca khúc cho những nhạc sĩ trẻ.
Sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc, Ban Nhạc-Vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam đã cử nhạc sĩ Tạ Phước đứng ra đảm nhiệm việc tổ chức những lớp nhạc ngắn hạn từ 3 tháng trở lên tại số nhà 3 phố Cao Bá Quát và một số buồng của nhà dân ở số 5 cùng phố này, để tiến tới chuẩn bị mở trường nhạc. Đa số thành phần học sinh lúc bấy giờ là quân đội, chỉ có một số rất ít học sinh là người Hà Nội, vì lúc này đã tồn tại một trường âm nhạc phổ thông do Đoàn Ca vũ nhạc Hà Nội tổ chức, có trụ sở ở số 63 phố Hàng Trống, thu hút nhiều học sinh Hà Nội theo học.
Về lớp nhạc của Ban Nhạc-Vũ, lúc đầu, nhạc sĩ Tạ Phước vừa đảm nhiệm phụ trách lớp và dạy xướng âm, nghệ sĩ Thái Thị Liên dạy piano, nhạc sĩ Lê Yên phụ trách về lý luận âm nhạc, Doãn Mẫn dạy xướng âm, Phạm Ngữ dạy guitare, Vũ Thuận dạy accordéon… rồi cần đến môn nào thì tìm thầy mời dạy môn đó.
Sau lớp 8 tháng, Bộ Văn hóa đã có quyết định mở Trường Âm nhạc Việt Nam, và tháng 9 năm 1956, nhà trường bắt đầu tuyển sinh khóa đầu 3 năm. Trụ sở chính của trường ở số 32 đường Nguyễn Thái Học. Ngoài số gần chục giảng viên thuộc biên chế chính thức, nhà trường đã lần lượt mời thêm những giảng viên cộng tác, như về piano có các giảng viên: Vũ Thị Hiển, Trần Thị Quỳnh, Nguyễn Thị Mai, Lương Thị Nghĩa, Minh Thu, Lê Liên. Về đàn dây có các giảng viên: Đỗ Tình, Phạm Huy Kỳ, Đào Trọng Từ, Nguyễn Trần Dư, Phan Minh, Phan Tòng, Hùng Phong, Sylvia Durand, Phạm Huy Quỹ, Hoàng Dương. Về kèn có các thầy: Ngô Bá Dậu, Đỗ Văn Cách, Nguyễn Quang Khải, Ngô Văn Sợi, Tạ Tấn (guitare), Minh Tâm (về hòa thanh, chỉ huy dàn nhạc), Vũ Tuấn Đức (các nhạc cụ dân tộc), v.v.
Khóa đầu được khai giảng vào ngày 23 tháng 10 năm 1956. Ngày kết thúc năm học (6/7/1957) đã giới thiệu được một chương trình biểu diễn báo cáo kết quả học tập bước đầu tại địa điểm vườn hoa Chí Linh, được đông đảo người nghe rất hoan nghênh. Sau đây là nội dung của buổi trình diễn:
I. Phần khai mạc
1. Thủ tục nghi lễ.
2. Ông Lã Hữu Quỳnh, Phó hiệu trưởng phụ trách chính trị báo cáo về kết quả trong năm học đầu tiên của khóa 3 năm.
3. Phát phần thưởng cho học sinh xuất sắc và khen thưởng các cán bộ, giảng viên, công nhân viên có thành tích trong công tác.
4. Phát biểu của một số đại biểu.
Nghỉ giải lao.
II. Phần biểu diễn
1. Hòa tấu: Đợi chờ - Dân ca Tây Nguyên, NS. Tạ Phước phối âm. Biểu diễn: toàn thể học sinh sơ cấp trình bày.
2. Viotti: Concerto số 23. Biểu diễn: Tạ Tuấn độc tấu violon, Nguyễn Hoàng Ly đệm piano.
3. Beethoven: Bagatalle. Biểu diễn: Kim Dung độc tấu piano.
4. Nhạc cổ Việt Nam: Cổ bản. Biểu diễn: Văn Luyện độc tấu thập lục.
5. Lưu thủy - Kim tiền. Biểu diễn: Dàn nhạc dân tộc lớp trung cấp trình bày, Văn Luyện chỉ huy.
6. Hoàng Việt (lớp sáng tác): - Nhớ thương; - Chiều hải cảng (nhạc Nga). Biểu diễn: Trần Hiếu đơn ca nam, NS. Vũ Thuận đệm accordéon.
7. Brahms: Vũ khúc Hungari số 6.
Biểu diễn: đàn violon do Nguyễn Khắc Văn và Phạm Văn Kiên trình tấu, Việt Kim đệm piano.
8. Nhạc Triều Tiên: Lilili - Phan Huỳnh Điểu: Thật là khó nói. Biểu diễn: lớp nữ thanh nhạc hợp ca, NS. Vũ Thuận đệm đàn.
9. Arenski: Fuga - Béla Bartok: Tác phẩm trên chủ đề dân ca Hungari. Người biểu diễn: học sinh lớp đàn dây hòa tấu
10. Hoàng Hiệp (lớp sáng tác): Câu hò bên bờ Hiền Lương - Dân ca Hungari: Khéo gãy xương em. Biểu diễn: Đơn ca nữ Thúy Huyền, NS. Vũ Thuận đệm đàn.
11. Chopin: Nocturne, Polonaise. Biểu diễn: Thái Thị Sâm độc tấu piano.
12. Brahms: Vũ khúc Hungari số 5. Biểu diễn: Trần Ngọc Toàn độc tấu violon, Thái Thị Sâm đệm piano.
13. Kodaly: Chim câu đã bay lên (NS. Phạm Văn Chừng dịch lời) - Nhạc chèo cổ: Đèn cù (NS. Đỗ Nhuận cải biên). Biểu diễn: lớp thanh nhạc nam, NS. Vũ Thuận đệm đàn.
14. Oskar Nedbal: Pohádky do Pohádky (đoạn III Mazurka) - Leopold soạn cho dàn nhạc. Biểu diễn: Hòa tấu do học sinh trung cấp trình bày, nhạc sĩ Minh Tâm chỉ huy.
*
60 năm là một thời gian của một đời người, Trường Âm Nhạc Việt Nam đã “từ thuở ban đầu lưu luyến ấy” đến nay trải qua biết bao nhiêu biến thiên, đã trở thành một Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bề thế, cơ ngơi khang trang, lực lượng hùng hậu… Nhớ lại đội ngũ ban đầu, từ các vị trong Ban Giám hiệu, các giảng viên và kể cả nhiều học sinh mà ở trên đã nhắc đến, nay còn lại những ai… Trong giây phút này, ta nên dành những giây phút hồi tưởng quá khứ để nhớ về truyền thống của nhà trường, nhớ về những công lao của những người đi trước qua bao giai đoạn phát triển của trường ta. Đó không phải là sự hoài niệm, mà chính là một tư duy nhân văn sâu sắc, bởi vì rồi chính chúng ta cũng đến lượt mình, sẽ trở thành quá khứ. Đó là sự tiếp nối vô tận.
Nhớ về quá khứ để tự hào cho ngày hiện tại, nhớ về dĩ vãng gian khó để khẳng định giá trị của tương lai, để vươn tới những tầm cao mới, sao cho xứng đáng với 60 năm trưởng thành của nhà trường thân yêu của chúng ta.
Hoàng Dương
----------------------------------
Nguồn: Tạp chí Giáo dục Âm nhạc số đặc biệt 10/2016 kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chi tiết