Ảnh: Các giảng viên và sinh viên Khoa Piano Trường Âm nhạc Việt Nam. Ảnh tư liệu tại Học viện ÂNQGVN
KỶ NIỆM NHỮNG NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP
Lớp bổ túc âm nhạc đầu tiên sau ngày giải phóng thủ đô
Vào cuối năm 1955, một số nhạc sĩ từ kháng chiến trở về Hà Nội được phân căn nhà số 5 Cao Bá Quát làm cơ sở của Hội Nhạc sĩ. Sau khi có trụ sở, việc làm đầu tiên là anh em lo mở lớp bổ túc âm nhạc cho những người làm công tác âm nhạc trong kháng chiến chống Pháp (chủ yếu là anh em trong quân đội). Trong lớp bổ túc đó có những anh như: Quang Hải, Phúc Minh, Lương Ngọc Trác v.v. Căn nhà đó có một phòng lớn, ban ngày là lớp tập thể, tối là phòng ngủ của các học viên. Tôi được phân công dạy lý thuyết âm nhạc và ký xướng âm, đa số anh em học viên trước đây chủ yếu tự học âm nhạc (autodidacte), dựa vào các sách nhạc cũ của Pháp. Có một đàn piano droit cũ do Pháp để lại, anh em đã ưu tiên để trong phòng của tôi một chiếc. Tôi được ở một phòng riêng với hai con của tôi là Thu Hà và Thanh Bình, vì vậy, để dạy lớp tập thể, tôi phải dùng đàn accordeon, anh em học viên thì ngồi trên giường để học. Lớp học bổ túc đó hoạt động trong vòng vài tháng, sau đó anh em học viên trở về đơn vị của mình.
Thành lập và xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam
Vào khoảng cuối năm 1955, các anh Tạ Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên, Tô Vũ, Đặng Đình Hưng và tôi họp với nhau. Chủ yếu là anh Tạ Phước và anh Nguyễn Xuân Khoát chủ trì bàn về việc thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam. Các anh ấy nghĩ dứt khoát phải có một trường âm nhạc ở thủ đô. Riêng về ngành piano, tôi là người duy nhất có bằng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài (Viện hàn lâm Âm nhạc Praha, Tiệp Khắc). Vì vậy, anh Tạ Phước giao nhiệm vụ cho tôi đi mời các giảng viên đang dạy piano ở Hà Nội. Anh Tạ Phước nói: “Có trường thì phải có thầy, phải có học sinh”. Tôi đã đi gặp một số người như chị Vũ Thị Hiển trước đây là luật sư, Trần Thị Quỳnh (tức chị Vượng), chị Minh Thu, chị Lương Thị Nghĩa, chị Nguyễn Thị Mai, chị Lê Liên. Tất cả các chị đều là người Hà Nội được học đàn piano với các thầy giáo Pháp và đều nhận lời về dạy cho trường. Sau đó để có học sinh, anh Tạ Phước cho đăng thông báo tuyển sinh của Trường Âm nhạc Việt Nam trên báo đồng thời kêu gọi học sinh làm đơn xin học, không đòi hỏi trình độ chuyên môn. Khóa đầu, số học sinh xin vào học có năng lực chuyên môn còn rất hạn chế. Khóa học ấy chỉ tồn tại trong mấy tháng, trong số học piano có Thái Thị Sâm và Y Lan.
Sau khi nhà trường được phân ngôi nhà 32 Nguyễn Thái Học, thì đầu năm 1957 mới có việc tuyển sinh chính thức, từ sơ cấp đến trung cấp. Lớp trung cấp piano với tôi có các anh, chị như Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng Mi, Phương Chi, Hợp Bích, Xuân Nghĩa, Việt Kim. Sau 4 năm theo học chương trình trung cấp, những người này đã tốt nghiệp.
Bộ phận lãnh đạo nhà trường gồm có anh Tạ Phước là hiệu trưởng (chưa có hiệu phó) và kiêm dạy đàn violon. Anh Phạm Văn Chừng làm giáo vụ và dạy sáng tác. Anh Doãn Mẫn dạy lý thuyết âm nhạc và xướng âm. Anh Lê Yên dạy sáng tác. Anh Vũ Thuận dạy accordeon. Tôi nhớ mãi hình ảnh lúc còn ở số 5 Cao Bá Quát, vì không có buồng học riêng, anh Vũ Thuận phải đứng để dạy và một số học sinh phải đứng xung quanh để học. Anh Tô Vũ tuy làm việc ở Hội Nhạc sĩ, nhưng cũng đã đóng góp cho việc dạy nhạc cổ truyền và sáng tác. Khi trường bắt đầu hoạt động, ngoài việc giảng dạy học sinh, tôi còn phải làm việc với các giảng viên piano để truyền đạt cho họ những vấn đề cơ bản theo yêu cầu chương trình chính quy của nhà trường.
Đến năm 1958, nhà trường nhận được 2 đàn piano à queue Blutner của Đức viện trợ cộng với một số đàn piano droit của Ba Lan, Liên Xô, Đức và cũng là lần đầu tiên nhà trường có chuyên gia về piano là một người Ba Lan, tên là Kajetan Moctak sang giảng dạy. Ông rất giỏi về sư phạm và đã làm việc với bộ môn để xây dựng chương trình học 7 năm sơ cấp, 4 năm trung cấp. Ông Moctak đã đóng góp rất nhiều về phương pháp piano cơ bản và đồng thời trực tiếp dạy các giảng viên piano của nhà trường lúc đó. Ở thời kỳ đầu, trong bộ môn piano, tôi và chị Nguyễn Thị Hiển dạy chuyên môn chính. Chị Vượng, chị Thu Minh dạy sơ cấp. Các chị Lương Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Mai, Lê Liên dạy môn phụ (bây giờ gọi là piano phổ thông) chủ yếu dạy cho các học sinh sáng tác.
Riêng về phần tôi, trong mấy năm đầu, ngoài việc giảng dạy, làm tổ trưởng bộ môn piano, tôi còn phải đảm nhiệm việc đệm đàn cho một số chuyên gia. Sau khi trường được thành lập đã có một số chuyên gia sang giảng dạy, chủ yếu là chuyên gia Liên Xô. Có chuyên gia về piano, violon, violoncelle, thanh nhạc, sáng tác, chỉ huy. Riêng đối với các chuyên gia Liên Xô về violoncelle, tôi là người đệm đàn chủ yếu cho các lớp đó (trong lớp học có anh Hoàng Dương, Đắc Quỳnh, Bùi Gia Tường…). Đặc biệt những chuyên gia thanh nhạc, violon, violoncelle rất hăng hái biểu diễn và người đệm đàn cho những người biểu diễn đó vẫn là tôi. Tôi còn nhớ lúc đó có mang cháu Sơn 7 tháng vẫn phải lên sân khấu đệm đàn cho các chuyên gia. Sau khi khóa trung cấp đầu tiên tốt nghiệp, Hoàng Mi và Hữu Tuấn đã đỡ bớt cho tôi việc đệm đàn. Ngoài những hoạt động biểu diễn của trường, mỗi khi các nước kỷ niệm ngày quốc khánh, các cấp lãnh đạo đều đề nghị tôi tham gia biểu diễn, đặc biệt biểu diễn các bản nhạc của các nhạc sĩ các nước Liên Xô, Rumani, Tiệp Khắc v.v.
Đến năm học thứ hai, nhà trường đã được bổ sung một hiệu phó là anh Lã Hữu Quỳnh. Sau đó bộ môn dân tộc ra đời do bác Vũ Tuấn Đức, một nghệ nhân cũ của Hà Nội phụ trách.
Sau này, ngoài trụ sở 32 Nguyễn Thái Học, do vẫn thiếu buồng lớp cho các môn phụ và các lớp dân tộc, nên nhà trường còn được sử dụng căn nhà nhỏ ở phố Trần Phú và một vài căn nhà ở phố Nguyễn Thượng Hiền. Từ năm học thứ tư, các giảng viên còn phải vào tận làng Láng dạy nhờ trong các nhà dân, trong chùa. Trường Âm nhạc Việt Nam dần dần phát triển, đòi hỏi một địa điểm rộng hơn. Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Ban Giám hiệu đã cử anh Lều Thọ Hợp làm việc ở phòng Giáo vụ đi khảo sát khu đất hoang ở Ô Chợ Dừa gần Đê La Thành. Khu đất này lúc đó là ao, ruộng, rất nhiều mồ mả. Trên địa điểm đó, nhà trường tiến hành xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam với quy mô lớn đầy đủ cho các bộ môn, các lớp học, các phòng ban, ký túc xá cho những học sinh ở các tỉnh về học và cho cả một số giảng viên.
Thời gian trôi qua, giờ đây ngồi nghĩ lại chuyện cũ lòng thấy bồi hồi, những người cùng cộng tác xây dựng nhà trường trước đây giờ phần lớn đã ra đi. Tôi là người hạnh phúc còn được chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nhà trường, sự trưởng thành vượt bậc của các thế hệ con cháu ngày nay. Chuyện cũ nhớ lại có thể không đủ, không hoàn toàn chính xác, nhưng mãi mãi là kỷ niệm đẹp của cuộc đời tôi.
Thái Thị Liên
----------------------------------
Nguồn: Tạp chí Giáo dục Âm nhạc số đặc biệt 10/2016 kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chi tiết