Sau hòa bình lập lại, năm 1956 Trường Âm nhạc Việt Nam chính quy, dân tộc và hiện đại chính thức ra đời. Sau đó vài năm, Đại hội Đảng lần thứ III được triệu tập, quyết định hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng của cả nước, đó là: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất nước nhà, tiến hành cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa, xây dựng con người mới và nền văn hóa - văn nghệ dân tộc, hiện đại xã hội chủ nghĩa. Đường lối cách mạng của Đại hội III như làn gió mới tạo nên khí thế cách mạng mạnh mẽ, hào hùng trong cả nước lúc bấy giờ.
Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã tổ chức đêm dạ hội chào mừng Đại hội III của Đảng tại vườn Bách Thảo, Hà Nội. Mở đầu dạ hội, Bác Hồ lên sân khấu cầm đũa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng biểu diễn bài Kết đoàn. Trong dàn nhạc lúc đó có đông đảo thầy trò Trường Âm nhạc Việt Nam. Tiếng đàn, tiếng hát của thầy trò hòa trong tiếng đàn, tiếng hát của dạ hội theo cây đũa Bác Hồ chỉ huy đã đi vào lịch sử hồn thiêng sông núi, đi vào trái tim và khối óc của thầy và trò Trường Âm nhạc Việt Nam.
Từ đó mỗi bước đi trên con đường xây dựng, nhà trường luôn đồng hành với bước đi sự nghiệp cách mạng của cả nước. Tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ thông qua Ban Cán sự Đảng của Bộ Văn hóa là xây dựng Khoa Âm nhạc dân tộc cổ truyền của nhà trường thành một hệ âm nhạc dân tộc - hiện đại, với tiêu chí là xây dựng hoàn chỉnh bậc đại học ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc cổ truyền sánh ngang với các bộ môn biểu diễn âm nhạc phương Tây khác. Ông Tố Hữu, ông Lê Hữu Phước và ông Nguyễn Xuân Khoát rất quan tâm tới định hướng xây dựng nhà trường theo hướng dân tộc - hiện đại này.
Từ năm 1962, nhà trường thực hiện cuộc vận động có tính chất cách mạng trong đào tạo, đó là: dân tộc hóa nhạc mới và hiện đại hóa nhạc dân tộc cổ truyền. Để thực hiện, nhà trường quy định trong chương trình giảng dạy các môn nhạc cụ mới ít nhất phải có 1/3 các bài dân tộc cổ truyền, và ngược lại, trong giáo trình giảng dạy các môn nhạc cụ cổ truyền ít nhất cũng phải có 1/3 bài nhạc mới; mời các nghệ nhân giỏi từ các đoàn văn công, Nhà hát Tuồng, Chèo, Cải lương về làm giáo viên để bổ sung, hỗ trợ nhau soạn thảo giáo án, giáo trình theo hướng dân tộc - hiện đại. Bên cạnh đó, bộ môn Lý luận, Sáng tác cùng Ban Nghiên cứu âm nhạc của Bộ Văn hóa thì hỗ trợ về lý luận và biên soạn bài bản mới; tổ chức và phát triển hệ học sinh chính quy sơ - trung 11 năm, ăn ở nội trú, có cán bộ quản lý học sinh nhỏ đến 15 tuổi; tổ chức hệ văn hóa phổ thông từ cấp I đến cấp III ngay trong trường. Trên thực tế, Trường Âm nhạc Việt Nam là vườn ươm tài năng âm nhạc quốc gia đầu tiên của nước ta.
Trong những năm sơ tán thời kỳ Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đảng bộ Trường triển khai chủ trương hiện đại hóa Khoa Âm nhạc dân tộc cổ truyền. Để có thể có những học sinh có năng khiếu, có truyền thống gia đình làm công tác âm nhạc và có điều kiện chăm sóc những nhân tố này một cách chu đáo, Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường vận động các giáo viên, cán bộ của nhà trường đưa con em vào học các chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy và Bí thư Đoàn trường đã đi đầu trong cuộc vận động này.
Để đáp ứng yêu cầu âm nhạc phục vụ chiến trường, phục vụ các xí nghiệp, nhà máy, công trường xây dựng, nhà trường phát triển các mô hình đào tạo hệ chính quy 15 năm (sơ - trung 11 năm và đại học 4 năm); hệ trung cấp - đại học 8 năm (4 năm trung cấp, 4 năm đại học), hệ bổ túc 2 năm, lớp bổ túc ngắn hạn 3 tháng - 6 tháng. Nhờ vậy, hằng năm lớp lớp học sinh, sinh viên ra trường đi về phục vụ tại các đoàn văn công và các công trường xây dựng ở miền Bắc. Những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, nhà trường còn động viên học sinh, sinh viên học dài hạn lên đường nhập ngũ vừa chiến đấu, vừa làm công tác văn hóa - văn nghệ phục vụ quân đội; lập những đội xung kích đi biểu diễn ngắn ngày ở các tuyến lửa, đóng góp to lớn trong phong trào Tiếng hát át tiếng bom. Từ vườn ươm của nhà trường đã xuất hiện những tài năng âm nhạc trẻ như Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh (piano); Ngô Thành, Khắc Hoan (violon)… Tiếng đàn của họ không chỉ đến với đồng bào cả nước mà còn vang vọng trên các sân khấu và cuộc thi âm nhạc quốc tế, làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè trên thế giới. Ở khu vực nhạc cụ cổ truyền, học sinh tốt nghiệp trung cấp 11 năm còn biết tự sáng tác nhạc dân tộc - hiện đại cho cây đàn của mình. Đó là Khắc Chí đàn bầu với bản nhạc Niềm tin tất thắng, Thao Giang đàn nhị với bản nhạc Ngày mùa, Phương Bảo đàn tranh với bản nhạc Xuân quê hương. Tiếng đàn của họ vượt qua sông Bến Hải đến với đồng bào miền Nam ruột thịt, cổ vũ lòng tự hào dân tộc trong chiến đấu và chiến thắng. Hòa với cao trào cách mạng Tiếng hát át tiếng bom, định hướng xây dựng bậc đại học dân tộc cổ truyền của nhà trường đã đào tạo được lớp lớp học sinh, sinh viên đi vào chiến trường chống Mỹ. Họ đều trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - văn nghệ.
Năm 1975, đến đỉnh điểm của cao trào chống Mỹ cứu nước cũng là lúc Trường Âm nhạc Việt Nam hoàn thành chương trình đào tạo bậc Đại học chính quy và sau đó một năm là các chuyên ngành Biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Những sinh viên đầu tiên đó là: Thanh Tâm (đàn bầu), Phương Bảo (đàn 16 dây), Xuân Dung (đàn 36 dây) và Mai Phương (đàn tỳ bà).
Năm 1980, lớp sinh viên đại học tốt nghiệp. Bộ Văn hóa, Hội Nhạc sĩ và Trường Âm nhạc Việt Nam tổ chức Đại hội Đàn bầu lần thứ nhất tại Viện Âm nhạc Việt Nam. Mở đầu Đại hội, ông Lưu Hữu Phước đánh ba hồi trống khai hội. Đó là ba hồi trống khẳng định nền âm nhạc dân tộc - hiện đại Việt Nam đã có vị trí vững chắc trong đời sống xã hội. Cũng từ đây, Trường Âm nhạc Việt Nam được đổi tên là Nhạc viện Hà Nội.
Rất tiếc là Bác Hồ đã ra đi trước lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975) và trước lúc bậc đại học âm nhạc dân tộc hiện đại Việt Nam ra đời. Nhưng như linh tính
báo trước, trước lúc ra đi, Bác đã cho gọi đoàn thiếu nhi Trường Âm nhạc Việt Nam vào Phủ Chủ tịch để biểu diễn cho Bác xem.
Đó là ngày 31/5/1969, một sự kiện lịch sử lần thứ hai: thầy và trò Trường Âm nhạc Việt Nam được hòa chung với nhịp vỗ tay của Bác. Trong buổi biểu diễn hôm đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số vị lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước cùng dự. Bác Hồ lúc đó đã rất yếu, nhưng khi xem các cháu biểu diễn, bác rất chăm chú, nhất là các tiết mục âm nhạc dân tộc cổ truyền. Đến tiết mục đàn 36 dây của cháu Nguyễn Thu Hải, Bác vỗ tay hoan hô lâu hơn và gọi cháu Hải lên gặp Bác. Cháu Hải rời sân khấu chạy tới nơi Bác ngồi.
Bác ôn tồn hỏi: Cây đàn cháu biểu diễn là cây đàn gì?
Cháu Hải: Thưa Bác, cây đàn cháu biểu diễn là cây đàn tam thập lục ạ.
Bác Hồ hỏi tiếp: Tam thập lục là 36 dây phải không?
Cháu Hải: Thưa Bác, vâng ạ!
Bác ân cần bảo: Mình là người Việt Nam, cháu nên gọi là đàn 36 dây theo tiếng nói của mình thì hay hơn.
Cháu Hải: Thưa Bác, vâng ạ!
Bác lại hỏi tiếp: Vừa rồi cháu chơi đàn bài gì vậy?
Cháu Hải: Thưa Bác, cháu đánh bài Em nhớ Tây Nguyên ạ.
Bác vui vẻ thưởng cho cháu Hải hai cái kẹo và hỏi: Cháu ăn hay để dành?
Cháu Hải: Thưa Bác, cháu ăn một cái, còn một cái cháu để dành cho các bạn Tây Nguyên ạ.
Bác Hồ cười rất tươi và khen: Cháu giỏi lắm, đồng thời hôn cháu Hải trong tiếng vỗ tay vang dội của hội trường.
Hình ảnh Bác Hồ chỉ huy Dàn Giao hưởng - Hợp xướng bài Kết đoàn năm 1960 trong dạ hội Thanh niên chào mừng Đại hội III của Đảng và hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi Trường Âm nhạc Việt Nam đã đi vào lịch sử của nền âm nhạc dân tộc - hiện đại Việt Nam nói chung và lịch sử xây dựng nhà trường của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói riêng.
*
Trước lúc Bác đi xa, Bác muốn nghe một câu hò ví dặm, Bác muốn nghe một khúc dân ca. Đó là nội dung ca khúc Lời người trước lúc đi xa của nhạc sĩ Trần Hoàn. Ca khúc này được các ca sĩ Thu Hiền, Thanh Hoa và Thái Bảo trình diễn rất thành công. Thu Hiền là lớp ca sĩ đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam, Thanh Hoa là ca sĩ thời chống Mỹ cứu nước và Thái Bảo là ca sĩ lớn lên trong hòa bình.
Tiếng đàn, tiếng hát của thầy và trò Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã, đang và mãi mãi theo nhịp thời đại cùng cây đũa chỉ huy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Hoàng Đình Anh
----------------------------------
Nguồn: Tạp chí Giáo dục Âm nhạc số đặc biệt 10/2016 kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chi tiết