Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13793064
Tin tức hoạt động Thứ ba, 07/01/2025

Bài phát biểu  của TS. Lê Anh Tuấn

Phó giám đốc phụ trách  Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam

Tại Lễ kỷ niệm  60  năm thành lập

và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì 

ngày 26/11/2016 

 

Hôm nay, các thế hệ Thầy và Trò, CBVC của HVANQGVN cùng hội tụ về đây để kỷ niệm 60 năm thành lập. Đây là thời điểm để chúng ta cùng ôn lại truyền thống, ôn lại những ký ức đẹp đẽ, nhìn nhận lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường.

Chúng ta về đây để tri ân những thế hệ đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp âm nhạc của đất nước, để tiếp sức cho những gì cao đẹp trong quá khứ để hướng đến tương lai trên con đường vinh quang và còn nhiều gian khó, chúng ta về đây là về với tình thầy trò, tình đồng nghiệp, tình bạn bè và tình người để nâng cánh cho những ước mơ cao đẹp, về với nguồn cội, với trọng trách của quá khứ để suy ngẫm và hành động cho tương lai. Chúng ta sẽ thấy những nụ cười rạng rỡ, những giọt nước mắt bồi hồi cảm động và cả những cái bắt tay run rẩy xúc động bởi tuổi tác và sức vóc đã hiến trọn cho mái trường này, sự nghiệp này.

Cho phép tôi thay mặt Nhà trường xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTTDL, Bộ GDĐT, các vị khách quốc tế, các NGND, NGUT, NSND, NSUT, quý vị đại biểu khách quý, các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm, các quý Thầy Cô, CBVC, các thế hệ HSSV của Nhà trường đã có mặt tại đây trong buổi lễ trang trọng và thấm đậm tình thầy trò ngày hôm nay.

60 năm trước đây, trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập ở số nhà 32 Nguyễn Thái Học-Hà Nội, cái nôi của nền âm nhạc chuyên nghiệp, nền âm nhạc Cách mạng đầu tiên được xây dựng và hình thành với một số ít nhà hoạt động âm nhạc, nhà giáo, các nhạc sỹ mà cho đến ngày nay tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử vinh quang của nền âm nhạc Việt Nam như: Tạ Phước, Tô Vũ, Lê Yên, Nguyễn Xuân Khoát, Thái Thị Liên, Phạm Văn Chừng, Đặng Đình Hưng, Doãn Mẫn, Vũ Thuận, Phạm Ngữ... Nếu nhìn nhận xa hơn, gốc rễ hơn, đó là trong những năm tháng đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám mới thành công, Bộ Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công bố Quyết định thành lập trường Âm nhạc Việt nam vào tháng 10/1946. Mọi công việc chuẩn bị cho Lễ khai giảng vào tháng 12/1946 đã không trở thành hiện thực bởi dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ đó, tại các đơn vị bộ đội cũng như ở các tỉnh, các khu đều có mở các lớp phổ cập âm nhạc ngắn hạn, những lớp bồi dưỡng lý thuyết âm nhạc và sáng tác ca khúc cho các nhạc sỹ trẻ. Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, những thế hệ nhạc sỹ, nghệ sỹ này đã đứng ra thành lập Trường Âm nhạc đầu tiên với khóa tuyển sinh vào tháng 9/1956, khai giảng vào tháng 10/1956, thầy hiệu trưởng khi đó là nhạc sỹ Tạ Phước.

Thấm thoắt 60 năm trôi đi, đã có biết bao thế hệ thầy và trò, các CBVC đã cống hiến và gắn bó cả cuộc đời mình, họ đã phấn đấu không mệt mỏi vì sự phát triển của Nhà trường. Từ chỗ ban đầu chỉ là một trường Trung cấp âm nhạc, với cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ giáo viên ít ỏi, chương trình-giáo trình chưa hoàn thiện đến khi có được sự đầu tư của Nhà nước, trường được chuyển đến 77 Hào Nam, Ô chợ dừa, Hà Nội, năm 1981 được đổi tên thành Nhạc viện Hà Nội, từ năm 2008 đến nay được  chính thức mang tên gọi Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Chặng đường 60 năm qua, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, các thầy cô giáo, cán bộ viên chức Học viện đã nối tiếp nhau xây dựng, vun đắp để ngày nay chúng ta đã vươn lên trở thành một trung tâm đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước với đội ngũ giảng viên có đủ năng lực và trình độ, tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và biểu diễn, công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, tạo cơ hội thuận lợi để Học viện tiếp cận với các xu thế mới, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển và hội nhập thành công với khu vực và quốc tế.

Đã có hàng vạn học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đã được đào tạo từ cái nôi âm nhạc này để trở thành những nhạc sỹ, nghệ sỹ, các nhà giáo, nhà nghiên cứu-lý luận âm nhạc, các cán bộ quản lý... Rất nhiều người trong số đó đã trở nên nổi tiếng ở trong nước và quốc tế, có những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn, người Việt Nam và cũng là người châu Á đầu tiên lớn lên từ "cái nôi" trường Âm nhạc Viêt Nam đã đạt giải Nhất Cuộc thi Piano Quốc tế mang tên Chopin tổ chức năm 1980. Nghệ sĩ đã làm rạng danh không chỉ cho HVANQGVN mà còn cho nền âm nhạc và Đất nước Việt Nam.

Với những thành tựu, những cống hiến to lớn trong sự nghiệp đào tạo, NCKH và biểu diễn trong suốt 60 năm qua, Đảng và Nhà nước đã nhiều lần trao tặng Huân, Huy chương, nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và cá nhân Học viện, nhiều nhà giáo, nghệ sỹ được phong tặng NGND, NGUT, NSND, NSUT bởi những cống hiến to lớn và vô cùng xuất sắc cho sự nghiệp phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp của nước nhà.

Trong Lễ kỷ niệm này, chúng ta cùng tri ân các thế hệ thầy cô giáo của chúng ta kể từ ngày thành lập cho đến nay. Có nhiều thầy cô đã không còn nữa, nhiều thầy cô đã hy sinh cuộc đời và tuổi thanh xuân của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Đất nước, nhiều thầy cô giáo, anh chị cựu sinh viên đã gắn bó cuộc đời mình để "gieo mầm" âm nhạc ở những vùng sâu, vùng xa, trên khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt có những thầy cô đã đi gần hết cuộc đời, mặc dù tuổi cao  nhưng vẫn miệt mài, hăng say với sự nghiệp đào tạo của Học viện. Đó là những tấm gương sáng, là truyền thống tốt đẹp của Học viện, để rồi các thế hệ ngày hôm nay vững tin viết tiếp những trang sử vinh quang, hào hùng đó của Học viện, tiếp tục bước trên con đường truyền thụ tri thức âm nhạc cho các thế hệ mai sau, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực âm nhạc, góp phần đưa nền âm nhạc Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.

Trong buổi Lễ trang trọng này, chúng tôi muốn tri ân các thế hệ CBVC, người lao động của Học viện trong 60 năm qua đã âm thầm cống hiến, đáp ứng mọi mặt công tác từ đào tạo đến NCKH và Biểu diễn, họ đã tận tâm, tận lực làm việc sau các bục giảng và sau những ánh hào quang của sân khấu biểu diễn. Các CBVC, người lao động hoàn toàn xứng đáng là những tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo, xứng đáng  được tôn vinh trong buổi Lễ kỷ niệm ngày hôm nay.

Tự hào với truyền thống tốt đẹp của lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển, để xứng đáng với sự tin yêu, mong mỏi của nhân dân, của xã hội, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để trở thành tấm gương sáng về đạo đức và lòng yêu nghề, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy để có thể hoàn thành trọng trách của Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.

Trong xu thế đổi mới và hội nhập hiện nay, Học viện ý thức được nhiệm vụ đặt ra là rất lớn. Chúng ta phải đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả các bậc học và các hệ đào tao, tập trung triển khai Đề án đào tạo tài năng âm nhạc, nhanh chóng khắc phục sự thiếu hụt về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo có học hàm, học vị, có chính sách thu hút nhân tài là các giáo sư, giảng viên, nghệ sỹ tài năng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài để bổ sung sức mạnh và uy tín cho đội ngũ giảng viên của Học viện. Có thể nói nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, khó khăn phải vượt qua là không nhỏ, nhưng với truyền thống vẻ vang của Học viện trong suốt 60 năm qua, với sự đoàn kết nhất trí cao, với tâm huyết đầy trách nhiệm của toàn thể CBGV trong sự nghiệp "trồng người ", nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục đưa Học viện thân yêu phát triển lên một tầm cao mới.

Trong không khí long trọng và tràn đầy niềm vui của buổi Lễ kỷ niệm hôm nay, thay mặt Ban lãnh đạo Học viện, thay mặt các thầy cô giáo, CBVC, tôi xin chân thành cám ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, lãnh đạo Bộ Vănhóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Cục, Vụ, Viện, các ban ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, chính quyền và nhân dân các địa phương nơi Học viện từng sơ tán, các tổ chức, cá nhân và bạn bè khắp nơi đã tạo điều kiện, quan tâm giúp đỡ nhiều mặt để tập thể Học viện chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Một lần nữa xin trân trọng cám ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTTDL, Bộ GDĐT, các vị khách quốc tế, các NGND, NGUT, NSND, NSUT, quý vị đại biểu khách quý, các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm, các quý Thầy Cô, CBVC, các thế hệ HSSV của Nhà trường đã tham dự Lễ kỷ niệm và cùng chung vui với Học viện hôm nay.

Kính chúc Quý vị dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn !

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn