Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13793056
Tin tức hoạt động Thứ ba, 07/01/2025

Chuyến hành hương về nơi sơ tán năm xưa

“Xúc động”, “bồi hồi” là cảm giác mà đoàn chúng tôi không nói được lên lời trong chuyến về thăm xã Xuân Phú, nơi sơ tán của Học viện Âm nhạc thời chiến tranh chống Mỹ. Các thầy cô gọi đó là “quê hương thứ hai”, là “cái nôi” của âm nhạc nước nhà trong những năm tháng đầy gian khổ.

Theo chân các cô chú giảng viên của trường nay đã ở tuổi “cổ lai hy”, cánh trẻ chúng tôi như được đắm mình trong không khí thời chiến vất vả nhưng rất lạc quan, vui vẻ. Các cô Đàm Anh Thục, cô Như Chung, cô Hằng…;các chú Đỗ Hồng Quân, chú Vũ Thạch, chú Chu Minh, chú Lê Phổ… rộn rã kể lại những ký ức thuở xưa, nào ai ở nhà ai, thầy trò học hành tập luyện ra sao…Vừa xuống xe, các cô chú đã thoăn thoắt hướng về nơi mình ở như đi về nhà. Nhưng giờ đây không còn những căn nhà tranh vách đất đã từng là “lán ăn”, “trại sáng tác”, “xóm piano”, “lán kèn”…Mỗi địa điểm mang tên một nhạc cụ như phân khoa theo từng bộ môn bây giờ, sân chùa là sàn diễn, bà con là khán giả. Từ những mái lá thô sơ đó, bao tài năng đã trưởng thành, đã làm nên truyền thống của nền âm nhạc Việt Nam.

Bà con nơi đây vui mừng đón đoàn như đón người nhà trở về quê hương. Nhiều người đã già hoặc khuất bóng nhưng con cháu họ - nay cũng đã lớn tuổi, vẫn hồ hởi nhận ra bác nào, cô nào, chú nào ở nhà mình. Chú Vũ Hướng nhanh nhẹn xuống xe, tay ôm một túi quà, nhận ra ngay bà cụ cùng trạc tuổi chú. Gặp nhau, mừng vui khôn xiết, con cái tất bật pha trà đón khách, chuyện xưa chuyện nay rôm rả tưởng như không thể nào dứt. Cô Anh Thục, chú Phổ tìm về nhà ông Giếng hồi xưa trạc tuổi 40, nay tuổi đã cao nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Hồi đó, ông  dành một khoảnh đất rất rộng để Thầy Trần Minh làm “trang trại” riêng cho Học viện, nơi hội tụ nhiều giảng viên và sinh viên của trường. Hầu như căn nhà nào cũng vang tiếng cười, ríu rít hỏi han, nhắc lại nhiều kỷ niệm. Điều đáng mừng là dấu tích xóm nghèo khi xưa không còn nữa, chỉ đọng lại hình ảnh trong ký ức của lớp người lớn tuổi. Thay vào đó là con đường làng bê tông rộng rãi, những ngôi nhà hai, ba tầng khang trang, cuộc sống của đồng bào đã khấm khá hơn xưa rất nhiều.

Thời gian trôi rất nhanh, những câu chuyện hàn huyên vẫn không dứt. Các cô chú, trong ánh mắt nụ cười phảng phất một tình cảm thân thương sâu đậm với bà con, những người nông dân chất phác, tấm lòng rộng mở, đã từng chia sẻ khúc sắn củ khoai, coi việc giúp đỡ nhà trường về nơi sơ tán như một đóng góp vào công cuộc kháng chiến lớn lao. Chính từ những câu chuyện thường ngày thời chống Mỹ ấy đã góp phần xây dựng một trung tâm đào tạo âm nhạc tầm cỡ hôm nay, nơi luyện rèn nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó nổi lên những nhân tài có tiếng vang trong nước và quốc tế.

Xe đưa đoàn về Hà Nội nhưng hình như tâm tư, tình cảm của các thầy cô vẫn lưu luyến phía sau với nhiều kỷ niệm của những ngày xa xưa thắm tình đồng bào ruột thịt. Lớp trẻ được đi theo phục vụ đoàn mới cảm nhận nỗi vất vả của các thầy cô trong sự nỗ lực giữ vững nhiệm vụ đào tạo lớp nghệ sĩ thời chiến. Chính giọng ca, tiếng đàn của sinh viên thời đó đã đi vào chiến trường, theo nhịp bước hành quân, hòa quyện cùng khí thế “cả nước cùng chống Mỹ” đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Chuyến đi về cội nguồn đầy cảm xúc hôm nay vừa thấm đượm đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, vừa là lời nhắn nhủ sống động cho lớp trẻ hãy giữ vững và viết tiếp truyền thống mà các Thầy Cô đã vun đắp cho Học viện Âm nhạc Quốc gia của nước Việt Nam ta.

 

Bài: Lương Thị Mỹ Hạnh - Ảnh: Đặng Thị Minh HIền

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn