Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13544469
Tin tức hoạt động Thứ bảy, 23/11/2024
Phạm Minh Hương: "Hát trống quân". Luận án Tiến sĩ. 2018.

Tác giả: Phạm Minh Hương
Đề tài: Hát trống quân  
Chuyên ngành: Âm nhạc học
Mã số: 62.21.02.01.
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Thuỵ Loan
Ngày đăng: 26/10/2018

Luận án toàn văn

Tóm tắt Luận án

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài 

Hát Trống quân là một sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Việt, phổ biến ở miền Bắc Việt Nam trước đây. Có thể nói Hát Trống quân có một diện mạo khá phong phú với nhiều khác biệt về hình thức sinh hoạt, mục đích diễn xướng, âm nhạc… cũng như những nét riêng mang tính địa phương. Tuy nhiên, Hát Trống quân ngày nay đã mai một đi nhiều. Bởi vậy, việc tiếp cận nghiên cứu để có một cái nhìn tổng quan, mang tính hệ thống về một đối tượng văn hóa có diện mạo đa dạng như Hát Trống quân; đi tìm những đặc trưng để có thể nhận diện thể loại âm nhạc này vẫn là một đề tài đầy sức hấp dẫn đối với người viết luận án. Thêm vào đó, chọn đề tài “Hát trống quân”, chúng tôi hy vọng rằng có thể góp một phần vào việc bảo vệ, gìn giữ vốn di sản nghệ thuật này của cha ông.

2. Mục tiêu và mục đích nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là phác thảo được diện mạo tổng quát của Hát Trống quân, đồng thời tìm ra đặc trưng âm nhạc chung và các đặc trưng âm nhạc mang tính địa phương của thể loại dân ca này nhằm phân biệt nó với các thể loại dân ca khác cũng như để nhận diện các phong cách địa phương khác nhau của Hát Trống quân. 

Mục đích nghiên cứu của đề tài nhằm giải quyết một phần các khoảng trống chưa được đề cập tới hoặc tìm hiểu chưa sâu kỹ trong các tài liệu của các tác giả đi trước,đóng góp thêm vào việc nhận diện một cách đầy đủ hơn về Hát Trốngquân.Từ đó, góp phần vào việc bảo tồn thể loại dân ca này một cách đúng đắn và phù hợp theo từng vùng/địa phương.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là thể loại Hát Trống quân của người Việt ở Bắc bộ, trong đó tập trung nhiều hơn vào các lối Hát Trống quân hiện diện với tư cách là một sinh hoạt văn hóa độc lập. Địa giới nghiên cứu của luận án sẽ bao gồm các tỉnh thành: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), Hải Dương và một số địa phương có tư liệu âm thanh về Hát Trống quân trong kho lưu trữ của Viện Âm nhạc như Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Bắc cũ (nay là Bắc Ninh). 

Phạm vi nộidung nghiên cứu của luận án sẽ là tất cả các khía cạnh liên quan đến Hát Trống quân như: thời điểm, địa điểm diễn xướng; phương thức, hình thức diễn xướng…, trong đó hướng trọng tâm đến khía cạnh âm nhạc học. 

4. Phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng bao gồm:

-Phương pháp khai thác tư liệu thành văn.

- Phương pháp điền dã, khảo sát, phỏng vấn(bao gồm cảhồi cố).

- Phương pháp phân tích,đối chiếu, so sánhvàquy nạp, tổng hợp, hệ thống hóa.

Ngoàira, chúng tôi sử dụng cả phương pháp nghiên cứu liên ngànhgiữa âm nhạc học và văn hóa học, trong đó trọng tâm là âm nhạc học. 

5. Những đóng góp của đề tài

- Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu toàn diện và sâu kỹ hơn về thể loại Hát Trống quân trên mọi khía cạnh, đặc biệt là phần âm nhạc, từ đó đưa ra được một cái nhìn bao quát, tổng thể, đầy đủ hơn, có hệ thống về loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống này. 

- Dựa trên những khác biệt trong âm nhạc của Hát Trống quân ở các địa phương, luận án lần đầu tiên đề xuất việc phân vùng/tiểu vùng Hát Trống quân từ góc độ âm nhạc học. 

- Việc đúc kết đặc trưng âm nhạc của Hát Trống quân nói chung cũng như các đặc trưng âm nhạc mang tính địa phương của thể loại dân ca này sẽ là cơ sở giúp chongười đọc phân biệt âm nhạc của Hát Trống quân với các thể loại dân ca khác, và nhận diện các phong cách âm nhạc của Hát Trống quân ở các vùng/tiểu vùng/địa phươngđược rõ ràng hơn.

- Những đúc kết về khía cạnh âm nhạc của Hát Trống quân trong luận án sẽ đóng góp một phần vào hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc xây dựng lý thuyết âm nhạc truyền thống Việt Nam sau này. 

- Luận án có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy bộ môn âm nhạc truyền thống Việt Nam trong các trường học, đồng thời sẽ là những thông tin khoa học hữu ích cho công tác bảo tồn và khôi phục thể loại Hát Trống quân ở các địa phương.

7. Bố cục luận án

Ngoài phần Mở đầuvà Kết luận, đề tài gồm 3 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu vềHát Trống quân và một số vấn đề liên quan đến luận án

Chương 2: Diện mạo của Hát Trống quân

Chương 3: Đặc trưng âm nhạc chung và đặc trưng âm nhạc mang tính địa phương của Hát Trống quân

 

CHƯƠNG I

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀHÁT TRỐNG QUÂN 

VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

Trong chương 1, chúng tôi sẽ tìm hiểu về tình hình nghiên cứu Hát Trống quân từ trước đến naynhằm xác định những khoảng còn trống, đòi hỏi sự bổ khuyết trong việc nghiên cứu thể loại âm nhạc này. 

1.1.Tình hình nghiên cứu về Hát Trống quân

1.1.1. Khái quát về các tài liệu liên quan đến Hát Trống quân được tìm hiểu trong luận án

Có thể phân các tài liệu có đề cập đến Hát Trống quân thành hai khối: tài liệu văn bản giấy và tài liệu được đăng tải trên mạng internet. Trong chương này, chúng tôi chọn chỉ tập trung tìm hiểu và đánh giá khối tài liệu văn bản giấy mà chúng tôi biết đến và thu thập được(45 tài liệu).

1.1.2. Phân kỳ các giai đoạn nghiên cứu

Dựa vào thời điểm công bố, góc độ tiếp cận, phạm vi nội dung nghiên cứu, mức độ nông/sâu của vấn đề nghiên cứu, tính mới của các nội dung nghiên cứu…, chúng tôi tạm chia các tài liệu liên quan đến Hát Trống quân thành 3 giai đoạn:

1.1.2.1. Giai đoạn trước năm 1950

Ở thời kỳ này, các tài liệu đề cập đến Hát Trống quân chỉ có 12/45 tài liệu, trong đó chủ yếu của các nhà nghiên cứu nước ngoài và bằng tiếng nước ngoài (7/12 tài liệu). Đa số các tài liệu là những nghiên cứu tổng hợp, trong đó có một phần đề cập đến Hát Trống quân; nhưng cũng đã có một số ít tài liệu của các tác giả Việt Nam nghiên cứu chuyên khảo về Hát Trống quân. Các khía cạnh tìm hiểu về Hát Trống quân giai đoạn này bao gồm: nguồn gốc, tổ chức sinh hoạt, hình thức trình diễn, nhạc cụ, lời ca; song phạm vi và mức độ tìm hiểu mới dừng lại dưới dạng mô tả sơ lược.

1.1.2.2. Giai đoạn từ 1950 - trước năm 1980

Bắt đầu từ năm 1950 trở đi, đã có nhiều tác giả Việt Nam quan tâm nghiên cứu về thể loại này hơn, nhưng số lượng tài liệu trong giai đoạn này vẫn còn khá ít ỏi (10/45 tài liệu). Điểm khác biệt trong nghiên cứu Hát Trống quân giai đoạn này so với giai đoạn trước là: toàn bộ các tài liệu đều của các tác giả Việt Nam dưới góc nhìn của người Việt Nam và phạm vi nội dung cũng như mức độ nghiên cứu của các tài liệu đã được mở rộng và chuyên sâu hơn. 

1.1.2.3. Giai đoạn từ 1980 đến nay 

Đây là thời kỳ nở rộ các bài viết, công trình khoa học, ấn phẩm sách về thể loại Hát Trống quân với 23/45 tài liệu (chiếm 51%).Đặc biệt các tài liệu nghiên cứu chuyên khảo về Hát Trống quân đã có bước phát triển vượt trội về mặt số lượng. Cùng với sự phát triển về số lượng, độ rộng và độ sâu trong các nghiên cứu về Hát Trống quân cũng được gia tăng đáng kể. Ngoài việc mở rộng về không gian địa lý trong nghiên cứu, chuyên sâu hơn về những khía cạnh liên quan đến Hát Trống quân, tính “rộng” và “sâu” trong các tài liệu về Hát Trống quân thời gian này còn được thể hiện ở phương cách và góc độ nghiên cứu. Có thể nói đây là khoảng thời gian huy hoàng của việc tìm hiểu và nghiên cứu Hát Trống quân.

1.1.3. Những vấn đề đã được đề cập tới trong các tài liệu

Trong tiểu mục này, chúng tôi sẽ điểm lại những vấn đề liên quan đến Hát Trống quân đã được đề cập trong các tài liệu.

1.1.3.1. Tên gọi và nguồn gốc thể loại

a) Tên gọi: Vấn đề tên gọi của thể loại Hát Trống quân được thấy nhắc đến trong 7 tài liệu, trong đó nó thường được lý giải kèm theo những tìm hiểu về các khía cạnh khác như nguồn gốc hay hình thức diễn xướng.

b) Nguồn gốc thể loại: Có tổng số 7 tài liệu bàn về vấn đề này. Các tác giả đã dựa vào các điển tích, truyền thuyết và những yếu tố văn hóa được biểu hiện trong các lối Hát Trống quân đưa ra nhiều giả thuyết, luận điểm khác nhau về nguồn gốc của thể loại dân ca này.

1.1.3.2. Thời gian, địa điểm và phương thức, lề lối diễn xướng

Đây là những vấn đề được nhắc tới từ rất sớm trong các tài liệu của người nước ngoài, rồi được tiếp tục được tìm hiểu sâu hơn trong 17 tài liệu của người Việt Nam và người nước ngoài ở giai đoạn sau này. 

1.1.3.3. Diễn trình/kết cấu cuộc hát

Vấn đề này được bàn tới trong 8 tài liệu. Đa phần các tài liệu khá thống nhất trong việc phân chia diễn trình một cuộc Hát Trống quân thành 3 chặng, song tên gọi và nội dung của các chặng có thể khác nhau.

 

1.1.3.4. Lời ca 

Các đặc điểm về lời ca của Hát Trống quân có lẽ là một trong những khía cạnh được quan tâm tìm hiểu sớm nhất và được đề cập trong rất nhiều tài liệu, cả chuyên khảo lẫn tổng hợp. Các vấn đề được nghiên cứu bao gồm: nội dung lời ca, thể thơ, từ phụ, thủ pháp ca từ…

1.1.3.5. Âm nhạc

Vấn đề liên quan đến âm nhạc được tìm hiểu đầu tiên trong các tài liệu là nhạc cụ đệm (trống đất) và tiếp theo là các thành tố cơ bản cấu thành nên làn điệu âm nhạc (thang âm, giai điệu, tiết tấu, cấu trúc…). Tuy nhiên, mức độ nông sâu trong nghiên cứu về những vấn đề này ở các tài liệu không đồng đều.

Như vậy, có thể thấy việc nghiên cứu về Hát Trống quân đã được thực hiện trên khá đầy đủ mọi khía cạnh, từ tên gọi, nguồn gốc cho đến diễn xướng, lời ca, âm nhạc, ở những mức độ nông sâu khác nhau, trong phạm vi tìm hiểu phần lớn chỉ là một lối Hát Trống quân của một vùng/địa phương cụ thể, hay một vài bài Trống quân đơn lẻ; hoặc nằm trong một tổng thể nghiên cứu/giới thiệu về nhiều đối tượng.

1.1.4. Đánh giá tình hình nghiên cứu

Ở đây, chúng tôi xin đưa ra những đánh giá về thành quả cũng như những vấn đề còn tồn đọng trong nghiên cứu về Hát Trống quân của các tác giả đi trước.

1.1.4.1. Những kết quả đã đạt được 

Có thể tóm lược một số kết quả nghiên cứu đáng chú ý như sau:

a) Về tên gọi “Trống quân”: Có một số quan niệm sau:

- Trống quânlà từ đọc chệch từ từ Tống quân

Trống quân được giảng nghĩa là loại hát của quânsĩ trong quân đội thời vua Trần Hưng Đạo hoặc thời vua Quang Trung có dùng trốngđể đánh nhịp.

- Tên gọi Hát Trống quân bắt nguồn từ việc bên nam vừa hát vừa tự đệm nhịp theo bằng một thứ nhạc khí thô sơ, gọi là Trống quân…

b) Về nguồn gốc của thể loại: Có 3 nhóm giả thuyết:

b-1) Nhóm các giả thuyết về nguồn gốc của Hát Trống quân có liên quan đến điển tích văn học Trung Quốc

b-2) Nhóm các giả thuyết cho rằng Hát Trống quân là lối hát có nguồn gốc từ trong quân đội

b-3) Nhóm các giả thuyết dựa vào các yếu tố văn hóa cổ được biểu hiện trong Hát Trống quân cho rằng lối hát này có nguồn gốc từ rất lâu đời.

c) Về thời gian, địa điểm và phương thức, lề lối diễn xướng

c-1) Đối với các loại hình Hát Trống quân mang mục đích giao duyên hay vui chơi giải trí

- Đa phần các tài liệu đều thống nhất về thời điểm sinh hoạt Hát Trống quân chủ yếu vào các đêm trăng tháng 7, tháng 8 âm lịch. Một số cuộc hát được tổ chức trong dịp lễ hội của làng, thời điểm diễn ra có thể vào mùa xuân.

- Các cuộc Hát Trống quân vui chơi, giải trí, giao duyên do dân tự tổ chức ở bất cứ đâu có chỗ đất rộng hay do làng xã tổ chức ở bãi chợ, trước sân đình có giải thưởng. Tác giả Nguyễn Hữu Thu còn cung cấp thêm thông tin về lối Hát Trống quân kèm theo tục “đấu ẩu” (đánh nhau) ở làng Bồng Trung, Thanh Hóa.

c-2) Đối với các loại hình Trống quân mang mục đích tín ngưỡng

Thời gian và địa điểm diễn xướng của các loại hình Hát Trống quân này đều vào dịp lễ hội của làng (thường vào mùa xuân, đôi khi có cả mùa thu) tại các sân đình, đền, chùa.

d) Về diễn trình/kết cấu cuộc hát: Tác giả Nguyễn Hữu Thu trong Lề lối Hát Trống quân đưa ra kết cấu một cuộc Hát Trống quân gồm 3 chặng hát: Hát vào đám, Hát kết, Hát giã đám. Tác giả Lê Danh Khiêm đã liệt kê nội dung cụ thể của các chặng Hát Trống quân ở Bắc Ninh như: Hát chào, Hát gọi, Hát giao hẹn…

Cũng bao gồm 3 chặng như các loại hình Hát Trống quân khác, song thay vì những câu hát chia tay, thì chặng 3 trong Hát Trống quân Đức Bác lại là những câu hát tiếp tục trao đổi tình cảm.

e) Về lời ca: Các tài liệu chủ yếu đề cập đến phần nội dung lời ca. Tuy nhiên, cũng có những tìm hiểu về cách sử dụng từ phụ, các thủ pháp ca từ hay cấu trúc lời ca.

f) Về âm nhạc: Tác giả Nguyễn Hữu Thu đã phân tích một số thành tố âm nhạc của 4 bài Trống quân được in trong các tập dân ca.Từ đó, đưa ra những luận giải về quá trình phát triển âm nhạc của chúng. Tác giả Bùi Trọng Hiền đã đưa ra mô hình giai điệu của Hát Trống quân ở Dạ Trạch (Hưng Yên), trong đó có nêu sơ đồ âm điệu của Hát Trống quân nơi đây căn cứ theo đường tuyến thanh điệu lời ca và đưa ra các cao độ tương ứng với các thanh điệu lời ca, các dạng âm kết thúc câu sáu và mô hình âm kết trổ…

1.1.4.2. Những vấn đề còn tồn đọng

a) Những vấn đề chưa được thống nhấtTên gọivà Nguồn gốc thể loạilà hai khía cạnh được quan tâm tìm hiểu, tập trung nhiều ý kiến đưa ra dựa trên các cứ liệu khác nhau với cách lập luận khác nhau, nhưng lại chưa có một sự thống nhất hay ít nhất là tương đồng về nội dung.

b) Một số vấn đề còn bỏ ngỏ

- Hiện tại Hát Trống quân mới chỉ được nghiên cứu riêng biệt ở một số địa phương cụ thể ở Bắc bộ. Do đó, chưa có sự giới thiệu diện mạo tổng hợp của thể loại Hát Trống quân với đầy đủ các khía cạnh liên quan.

- Chưa thấy có nhữngso sánh về sự khác biệt mang tính địa phương của Hát Trống quân trong các tài liệu của các tác giả đi trước.

- Chưa có những đúc kết về đặc trưng chung và mô hình cấu trúc cơ bản của các làn điệu Hát Trống quân nói chung cũng như của những làn điệu Hát Trống quân ở tất cả các vùng/tiểu vùng, địa phương khác nhau

- Còn thiếu những nghiên cứu về những bài bản được gọi là Trống quân nằm trong các thể loại âm nhạc khác.

Đó là chưa kể tới nhiều khía cạnh liên quan đến loại nhạc cụ đi kèm với Hát Trống quân, nơi phát xuất của Hát Trống quân cũng như mối quan hệ giữa Hát Trống quân ở các vùng/tiểu vùng…v.v…

1.2. Một số vấn đề liên quan đến luận án

1.2.1. Về những vấn đề sẽ được giải quyết trong luận án

1.2.1.1. Đối với những vấn đề chưa được thống nhất

Trong luận án này chúng tôi sẽ không bàn tới hai vấn đề chưa được thống nhất.

1.2.1.2. Đối với những vấn đề các tác giả đi trước còn bỏ ngỏ

Chúng tôi chỉ xin tập trung tìm hiểu 3 vấn đề - trong đó trọngtâm là các khía cạnh liên quan đến âm nhạchọc.Cụ thể là:

- Diện mạo tổng hợp của các loại hình sinh hoạt Hát Trống quân-bao gồm cả diện mạo âm nhạc khái quát của thể loại Hát Trống quân nói chung.

- Sự khác biệt mang tính địa phương của các làn điệu Hát Trống quân.

- Các đặc trưng và các mô hình cấu trúc của làn điệu Hát Trống quân mang tính phổ biến ở mỗi vùng/tiểu vùng hoặc địa phương.

 

1.2.2. Về nguồn tư liệu được sử dụng

Nguồn tư liệu về Hát Trống quân được sử dụng để nghiên cứu, phân tích trong luận án sẽ bao gồm các tư liệu điền dã sưu tầm tại địa phương và những bài bản Hát Trống quân được in trong các sách.

1.2.3. Về cơ sở lý thuyết và các thuật ngữ được sử dụng

1.2.3.1. Cơ sở lý thuyết

Cơ sở lý thuyết thứ nhất được ứng dụng là những lý thuyết về âm nhạc phương Tây và Việt Nam, những lý thuyết về văn hóa nói chung cũng như các thành tố văn hóa của Việt Nam, những kiến thức chuyên ngành cơ sở về âm nhạc và các kỹ năng thao tác phân tích âm nhạc. Cơ sở lý thuyết thứ hai là những đúc kết về đặc điểm văn hóa, âm nhạc phương Đông nói chung và văn hóa, âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng của các nhà nghiên cứu đi trước.

1.2.3.2. Các thuật ngữ

Ở đây chúng tôi xin trình bày những khái niệm cụ thể của một số thuật ngữ được sử dụng nhiều trong luận án, như: Sinh hoạt Trống quân, Hát Trống quân, Thang âm, Nhóm cao độ tạo nên đường nét cơ bản của giai điệu, Làn điệu, Bài bản/bài, Một số thuật ngữ liên quan tới cấu trúc âm nhạc…

 

CHƯƠNG 2

DIỆN MẠO CỦA HÁT TRỐNG QUÂN

Nội dung bao trùm toàn bộ chương này sẽ là diện mạo của Hát Trống quân nhìn từ hai góc độ: mục đích diễn xướng và âm nhạc.

2.1. Diện mạo của các sinh hoạt Hát Trống quân xét từ góc độ mục đích diễn xướng 

Từ góc độ mục đích diễn xướng, có thể phân các sinh hoạt Hát Trống quân thành hai loại: Các sinh hoạt Hát Trống quân mang mục đích giao duyên, vui chơi giải trí, thi tàivà Các sinh hoạt Hát Trống quân mang mục đích tín ngưỡng.

2.1.1. Các sinh hoạt Hát Trống quân mang mục đích giao duyên, vui chơi giải trí, thi tài

Các sinh hoạt Hát Trống quân giao duyên, vui chơi giải trí, thi tàicó nhiều điểm căn bản thống nhất trong diễn xướng.

2.1.1.1. Thời điểm, không gian và địa điểm diễn xướng

a) Thời điểm diễn xướng: Thời điểm diễn xướng của các sinh hoạt Hát Trống quân này chủ yếu diễn ra vào các buổi tối mùa thu, trong đó tập trung vào tháng 7 và tháng 8 và đôi khi vào các dịp hội làng, hội đình, hội chùa. 

b) Không gian và địa điểm diễn xướng: Người ta thường Hát Trống quân ở sân đình, sân điếm, sân nhà, sân đền, bãi đất, gò đất, bãi chợ, bờ đê, bãi ven sông…

2.1.1.2. Hình thức, phương thức, đối tượng tham gia diễn xướng

a) Hình thức diễn xướng: Hình thức diễn xướng phổ biến của loại sinh hoạt Hát Trống quân này là chia thành hai bên nam nữ ngồi hát đối đáp với nhau ở hai bên chiếc trống đất hoặc trống da. Ở một vài địa phương, người ta sử dụng thêm cả chiếc mõ tre hoặcdùng sênh phách thay thế trống, thậm chí nhiều khi bỏ trống đệm mà chỉ hát đối đáp “chay” với nhau và tạo tiết tấu bằng cách “đập”, “gõ” luôn những vật dụng xung quanh như bàn ghế, chõng tre... Riêng Hát Trống quân ở làng Hiền Quan lập thành một đội hát gồm 5 nữ: một người “cái” và bốn người “con”.Người “cái”đứng ở giữa hoặc đứng ở một bên hát chính; bốn người “con”đứng chia thành hai hàng vừa hát đế theo vừa múa. 

b) Phương thức diễn xướng: Phương thức diễn xướng chủ yếu là một nam và một nữ đối đáp với nhau.RiêngHát Trống quân ở làng Hiền Quan (Phú Thọ), diễn xướng theo kiểu hát dẫn-đồng ca, trong đó vai trò hát dẫnthuộc về người “cái”, và những người “con”đảm nhiệm phần đồng ca.

c) Đối tượng tham gia diễn xướng: Tham gia các sinh hoạt Hát Trống quân có2 thành phần: người hát trực tiếplà nam nữ trong cùng một làng hoặc khác làngvà người xuilà người không hát mà tìm ra các câu đối đáp giúp người hát.

2.1.1.3. Trình tự và lề lối diễn xướng

Trình tự diễn xướng và hệ thống bài bản của loại sinh hoạt Hát Trống quân này tương đối thống nhất, đa phần được chia thành 3 chặng hay 3 phần chính: Chặng 1- gồm những bài/câu hát mở đầu, chào hỏi, chúc tụng, giao hẹn...; Chặng 2-mang tính chất thi thố với các bài hát đố, hát họa…; Chặng 3- hát chia tay ra về (hát giở giọng), thường chuyển hát các làn điệu/bài bản dân ca khác.

Riêng hệ thống bài bản của Hát Trống quân ở làng Hiền Quan, theo kể lại có tên gọi hoàn toàn khác như Sênh tiền, Múa quạt, Nhà tơ...

2.1.1.4. Nội dung diễn xướng

Phần nội dung lời ca vô cùng phong phú, thường gắn liền với lề lối và trình tự diễn xướng. Mảng nội dung chiếm ưu thế là chủ đề tình yêu với các bài hát vận, hát họa, hát đố. Ngoài ra, còn phải kể đến một mảng nội dung dù không phổ biến nhưng lại rất đặc biệt, chỉ có trong Hát Trống quân giao duyên, vui chơi giải trí, thi tài. Đó là các bài hát trắc, hát truyệnđược lấy từ vốn văn học viết cổ phản ánh giáo lý, thế giới quan của xã hội Nho giáo. 

2.1.2.  Các sinh hoạt Hát Trống quân mang mục đích tín ngưỡng 

Hát Trống quân tín ngưỡng hiện hữu tập trung ở làng Đức Bác (Vĩnh Phúc) và làng Hữu Bổ (Phú Thọ).Các sinh hoạt Hát Trống quân tín ngưỡng có những đặc trưng riêng trong diễn xướng và nội dung.

2.1.2.1. Thời điểm, không gian và địa điểm diễn xướng

Hát Trống quân tín ngưỡng chỉ được diễn ra vào những thời điểm cụ thể cố định, trong một không gian, địa điểm nhất định. Sinh hoạt Hát Trống quân ở Đức Bác gắn liền với Lễ Khai xuân cầu đinh của làng, tổ chức vào chiều mồng 1 tháng 2 âm lịch, trong một không gian động là đường đi trải dài từ bến đò lên đến sân đền Thượng. Hát Trống quân Hữu Bổchỉ tổ chức vào hai kỳ lễ hội tại sân đền thờ Thành hoàng làng. Đó là: tiệc “cầu Vật” mở từ ngày 12 đến hết ngày 14 tháng Giêng và tiệc “cầu mát” vào ngày 12-13 tháng 8. 

 

2.1.2.2. Hình thức, đối tượng tham gia và phương thức diễn xướng

a) Hình thức và đối tượng tham gia diễn xướng: Trong lối Hát Trống quân ở Hữu Bổ, người hát không đứng/ngồi hai bên chiếc trống đất mà đứng quây xung quanh một chiếc trống da do 3-4 nữ bưng. Đối tượng tham gia cuộc Hát Trống quân đa phần là những người đứng tuổi được chọn lựa có khả năng hát hay, có tài ứng đối.

Cuộc Hát Trống quân Đức Bác luôn được diễn ra cố định giữa trai làng Đức Bác và đào Xoan thuộc phường Xoan Kim Đức. Họ chia thành nhiều tốp, gọi là “dây”, mỗi dây gồm một hoặc nhiều đôi nam nữ.Một cô đào đeo một chiếc trống nhỏ vào cổ hoặc bưng trống và bên nam sẽ gõ vào trốngđể đệm giữ nhịp. 

b) Phương thức diễn xướng:Hát Trống quân tín ngưỡng diễn xướng bằng cách hát đồng thanh cả nhóm nam/nữ cả bài hoặc chỉ đồng thanh hát câu kết sau phần ứng đối của một người hát chính, gần với lối hát dẫn-đồng ca. Hát Trống quân tín ngưỡng còn chịu sự chi phối của nhiều quy định chặt chẽ, ẩn chứa trong các nghi tục liên quan như những quy định về người hát, trang phục, nhạc cụ.

2.1.2.3. Trình tự và lề lối diễn xướng

Một cuộc Hát Trống quân tín ngưỡng cũng được chia thành các chặng. Đối với Trống quân Đức Bác, có thể tạm chiathành ba chặng: Chặng 1 Hát đón, gồm hát đón đào, hát mời đeo trống và hát luật cấm;Chặng 2- Hát vận (Rước đào trên đường), có nội dung bài bản phong phú với chủ đề giao duyên;Chặng 3- Hát kết, gồm những câu hát kết trong đó có nhắc tới những nơi mà “dây” Trống quân đã đi qua.

Còn trong Hát Trống quân ở Hữu Bổ, theo kể lại, trước kia một cuộc hát bao giờ cũng phải trải qua một trình tự quy định: đầu tiên là các bài hát thờ, sau mới đến các bài hát vui, hát chia tay.

2.1.2.4. Nội dung diễn xướng

Hát Trống quân tín ngưỡng có một nội dung đặc biệt, là các câu hát thể hiện mục đích thờ Thánh. Ngoài ra, nội dung bao trùm của Hát Trống quân tín ngưỡng vẫn là chủ đề tình yêu đôi lứa, ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, mặc dù không mang mục đích giao duyên.

 

2.2. Diện mạo của Hát Trống quân xét từ góc độ âm nhạc

Ở đây, diện mạo âm nhạc của làn điệu Trống quân sẽ được phác họa thông qua từng thành tố âm nhạc riêng biệt và mối quan hệ qua lại chặt chẽ giữa chúng với lời ca.

2.2.1. Thang âm và âm vực

Các bài Hát Trống quân có số lượng âm khá phong phú, đa dạng, từ 3 - 12 âm, trải trong khoảng âm vực từ quãng 5 đến quãng 11. Một điểm đáng chú ý là các bài Hát Trống quân mặc dù có thể có cùng số lượng âm, nhưng giai điệu lại được xây dựng trên các thang âm có âm vực và cách sắp xếp cao độ khác nhau. Số liệu thống kê cho thấy: chiếm tỷ lệ nhiều nhất là các bài Hát Trống quân có thang 7 âm (~ 32,5%); đứng thứ hai với tỷ lệ thấp hơn là các bài có thang4 âm (~ %18,5)và 6 âm (~ 16,5%); chiếm tỷ lệ ít nhất(dưới 10%) là các bài xây dựng trên thang5âm (~ 9,5%),8âm (~ 9,5%),3 âm (~ 7%), 9 âm (~ 4,5%) và 12 âm (~ 2%).

2.2.2. Giai điệu

Hai nội dung được đề cập trong tiểu mục này là tiến hành quãng và tiết tấu.

2.2.2.1. Tiến hành quãng 

Về khía cạnh này, chúng tôi có ba nhận xét như sau:

a) Nhìn chung, giai điệu của các bài Hát Trống quân là sự kết hợp giữa các bước lần quãng 2 Trưởng, 3 thứ, 3 Trưởng và ít gặp hơn là quãng 2 thứ; với các bước nhảy quãng 4 Đúng, 5 Đúng, 7 thứ - ít hơn là quãng 6 Trưởng, 8 Đúng. 

b) Xét về tần suất xuất hiện các loại quãngtrong giai điệu, có thể chia các bài Hát Trống quân được phân tích trong luận án này thành hai nhóm:

Nhóm 1(chiếm 56,5% tổng số bài Trống quân): gồm các bài Hát Trống quân có giai điệu tiến hành bình ổn - chủ yếu là những bước đi quãng 2, quãng 3 theo hình làn sóng(45%-79% tổng số bước tiến hành), có đan xen một số bước nhảy (chủ yếu là các quãng 4, quãng 5, quãng 7). 

Nhóm 2(chiếm 43,5% tổng số bài Hát Trống quân): gồm các bài Hát Trống quân có giai điệu tiến hành ít bình ổn hơn với nhiều bước đi quãng 4, quãng 5(chiếm từ 1/3 đến 1/2 tổng số bước tiến hành). 

c) Liên quan tới bước nhảy trong giai điệu, chúng tôi thấy có hai dạng:

 - Kết hợp một bước nhảy với những bước đi bình ổn cùng chiều hoặc ngược chiều trước và sau nó.

Kết hợp những bước nhảy liên tiếp theo kiểu gấp khúc hoặc cùng chiều với các bước đi bình ổn trước và sau chúng.

2.2.2.2. Tiết tấu 

Về mặt tiết tấu, có hai điểm đáng chú ý: 

a)Ở 6/45 bài (~13%), mô hình tiết tấu đồng độchiếm một tỉ lệ lớn.

b)Ở 23/45 bài (~ 51%) có sử dụng tiết tấu đảo phách hoặc nghịch phách với nhiều kiểu dạng như: đảo phách/nghịch phách chỉ trong phần giai điệu âm nhạc, hay chỉ trong tiết luật của ca từ, hoặc cả trong giai điệu âm nhạc và ca từ.

2.2.3. Cấu trúc - hình thức

Ở tiểu mục này, chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu các dạng cấu trúc - hình thứcở quy mô trung bình và vĩ mô của các làn điệu Hát Trống quân.

2.2.3.1. Cấu trúc âm nhạc của Hát Trống quân ở quy mô trung bình 

Cấu trúc ở quy mô trung bình (cấu trúc cơ sở) của tất cả các bài Hát Trống quân là những trổ hát nối tiếp nhau, trong đó mỗi trổ đều có cấu trúc tương ứng vớihình thức một đoạn đơnvới ba loại cấu trúc cơ bản:

a) Một đoạn đơn gồm hai câu nhạc không cân phương: Có 2 dạng:

a-1) Dạng 1- câu nhạc thứ nhất ngắn hơn câu nhạc thứ 2

a-2) Dạng 2- câu nhạc thứ nhất dài hơn câu nhạc thứ 2

b) Một đoạn đơn gồm hai câu nhạc cân phương

c) Một đoạn đơn gồm 3 câu nhạc không cân phương

2.2.3.2. Cấu trúc âm nhạc của Hát Trống quân ở quy mô tổng thể

Ở quy mô này, âm nhạc Hát Trống quân có 2 loại cấu trúc tương ứng với hai loại hình thức âm nhạc sau:

a) Hình thức một đoạn đơn nhắc lại mang tính biến tấu

Sự nhắc lại các đoạn nhạc đơn trong một bài Hát Trống quân chỉ có những khác biệt về chi tiết trong đường nét giai điệu nên loại hình thức này của Hát Trống quân mới chỉ dừng lại ở mức độ mang tính biến tấu.

b) Hình thức một đoạn đơn vừa mang tính biến tấu, vừa mang tính rondo:

Hình thức âm nhạc này không phổ biến. Với sự xuất hiện một nét nhạc gần như cố định được lặp lại theo chu kỳ ở cuối mỗi trổ hát, nó tạo nên một dạng cấu trúc tổng thể gồm hai bộ phận đan xen nhau: bộ phận âm nhạc có sự biến hóa (x) và bộ phận âm nhạc gần như không thay đổi (y). Ngoài tính biến tấu được thấy ở các đoạn x, sự lặp lại quay vòng của các đoạn ytrong hình thức này gợi sự liên tưởng tới cấu trúc rondo của âm nhạc phương Tây.

2.2.4. Nhạc cụ đi kèm

Trong tiểu mục này, chúng tôi sẽ tập trung giới thiệu về nhạc cụ trống đất và những khía cạnh liên quan tới nó.

 

2.2.4.1. Về chiếc trống đất

Trống đất (thổ cổ) cócấu trúc khá phong phú, mỗi nơi lại có một cách tạo dựng riêng. Nguyên lý cấu tạo chung của phần lớn trống đất là đào xuống đất một hố cộng hưởng; trên miệng hố đậy một tấm ván mỏng. Người ta dựng một que chống hình chạc ba trên chính giữa nắp miệng hố và đóng hai cái cọc ở hai bên chiếc hố, rồi căng một sợi dây mây vào hai đầu cọc đi qua que chống.

2.2.4.2. Âm thanh của trống

Người ta thường dùng một chiếc que đánh vào mỗi bên dây căng qua nắp đậy miệng hố, làm phát ra những âm thanh trầm giống như tiếng trống.

Trong dân gian, để chỉ âm thanh của trống, các nghệ nhân dùng các từ tượng thanh như “thìnhthùng”, “thùng - thìthùng-thùng” hay “phình-phình”. Đối với những trường hợp dùng hai từ khác nhau để chỉ âm thanh của trống đất, chúng tôi thống nhất với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thụy Loan về tính phổ biến của việc sử dụng từ “thình” dành cho âm thanh rơi vào phách có trọng âm/phách mạnh/phần mạnh của phách và từ “thùng” dành cho âm thanh rơi vào phách không có trọng âm/phách yếu/phần yếu của phách.

2.2.4.3. Các chức năng của trống trong cuộc Hát Trống quân   

a) Chức năng thông tin

 

- Trống gọi - đáp

- Trống thúc giục

- Trống mời vào mời ra

- Trống báo vãn canh

- Trống hẹn

 

b) Chức năng đệm trong khi hát: Có các loại: Mở đầu mỗi phần hát của nam hoặc nữ; đệm trong khi hát; chức năng chen giữa những khoảng không gian nghỉ giữa các câu hát/trổ hát/phần hát và kết thúc phần hát/cuộc hát.

2.2.5. Mối quan hệ giữa âm nhạc và lời ca

2.2.5.1. Mối quan hệ giữa giai điệu và lời ca

a) Mối tương quan giữa cao độ âm nhạc và thanh điệu lời caGiai điệu các bài Hát Trống quân có liên quan mật thiết tới thanh điệu lời ca, thể hiện ở những điểm sau: 

a-1)Hầu hết các bài Hát Trống quân đều có một sự phân bố tương đối ổn định các cao độ âm nhạc tương ứng với các nhóm thanh điệu lời ca.

a-2)Ở một số bài Hát Trống quân có quy luật tiến hành quãng tương ứng với sự nối tiếp các thanh điệu/nhóm thanh điệu nhất định.

a-3)Âm kết câu, kết đoạn cũng phụ thuộc vào thanh điệu của ca từ kết với khoảng cách phổ biến được thấy giữa các âm kết câu/kết đoạn (trổ) là quãng 4 Đúng hoặc quãng 5 Đúng.

a-4)Mặc dầu thanh điệu lời ca có vai trò chi phối sự tiến hành giai điệu nhưng ở một số nơi, giai điệu Hát Trống quân cũng có sự vận động độc lập riêng, thậm chí còn tác động ngược trở lại làm biến đổi mối tương quan về độ cao giữa các nhóm thanh điệu lời ca.

b) Tiết tấu lời ca

b-1) Mô hình tiết tấu đồng độ:Mô hình này được thấy phổ biến ở một số địa phương thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ

b-2) Mô hình tiết tấu dị độThuộc loại này có 3 mô hình phổ biến. 

2.2.5.2. Mối quan hệ giữa cấu trúc âm nhạc và cấu trúc lời ca

Trong tiểu mục này, chúng tôi sẽ bàn sâu về vai trò của ca từ trong việc tạo nên những dạng cấu trúc trong âm nhạc Hát Trống quân. 

a) Vai trò của cấu trúc lời ca trong sự hình thành các dạng cấu trúc âm nhạc tổng thể của Hát Trống quân: Xét trong sự tương quan với cấu trúc âm nhạc, mỗi trổ hát thường tương ứng với một đoạn nhạc đơn. Sự khác nhau về lời ca của mỗi trổ hát chính là căn nguyên đem tới những thay đổi trong đường nét giai điệu của mỗi đoạn nhạc đơn khi nhắc lại, tạo nên tính biến tấu trong cấu trúc âm nhạc của Hát Trống quân.

b) Vai trò của cấu trúc lời ca với sự tạo thành các dạng cấu trúc âm nhạc cơ sở trong Hát Trống quân

b-1) Đối với hình thức một đoạn đơn gồm hai câu nhạc không cân phương có câu nhạc thứ nhất ngắn hơn câu nhạc thứ 2là hình thức âm nhạc của các bài có cấu trúc lời ca trùng với cấu trúc thơ lục bát nguyên thể hoặc biến thể dạng 7/8.

b-2) Đối với hình thức một đoạn đơn gồm hai câu nhạc không cân phương có câu nhạc thứ nhất dài hơn câu nhạc thứ 2: Được tạo thành do:

- Cấu trúc của một trổ hát được kết cấu theo kiểu gối đầu giữa nhạc và lời, trong đó câu 1~ câu 8 trong cặp lục bát trước và câu 2~ câu 6 của cặp lục bát sau.

- Sử dụng thủ pháp đảo cụm 4 ca từ chính cuối hoặc 2 ca từ chính cuối (ít gặp hơn) của câu sáu lên trước, rồi mới hát toàn bộ nội dung câu thơ. 

b-3) Đối với hình thức một đoạn đơn gồm hai câu nhạc cân phương:Hình thức này được thấy trong các bài cũng sử dụng thủ pháp đảo cụm ca từ vay trả ở câu 6 nhưng khuôn khổ của câu nhạc thứ nhất chỉ mở rộng bằng với khuôn khổ của câu nhạc thứ hai. 

b-4) Đối với hình thức một đoạn đơn gồm 3 câu nhạc không cân phương:là cấu trúc đoạn nhạc của các bài Hát Trống quân có điệp câu 6 hay câu 8.

2.2.5.3. Mối quan hệ giữa phần trống và lời ca

Ở đây, chúng tôi đưa ra những mô hình tiết tấu trống được dùng phổ biến trong Hát Trống quân. 

a) Mô hình tiết tấu cơ bản của các bộ phận trống mở đầu, kết thúc phần hát và trống xen giữa các phần hát/trổ hát: Tuy chức năng của mỗi bộ phận trống đệm này khác nhau, nhưng chúng thường sử dụng cùng một mô hình tiết tấu cơ bản giống nhau trong cùng một bài. Có hai mô hình tiết tấu phổ biến trong các bộ phận trống này (mô hình 1 và 2) và hai mô hình tiết tấu khác ít phổ biến hơn (mô hình 3 và 4). 

b) Các kiểu đệm trống khi đi kèm với lời ca: Có hai kiểu đệm trống:  

b-1) Trống được gõ kèm theo từng ca từ

b-2) Trống không gõ kèm theo từng ca từ: Bao gồm hai dạng: 

-Trống đệm chỉ mang tính chất giữ nhịpbằng cách chỉ điểm trống vào những phách đầu mỗi nhịp hoặc theo từng phách.

- Trống đệm theo một số mô hình tiết tấu cụ thể.

 

 

Tiểu kết 

Trên đây là phần trình bày về diện mạo tổng hợp của Hát Trống quân với những đặc điểm đáng chú ý ở cả hai khía cạnh: diễn xướng và âm nhạc. Theo đó, có thể nhận thấy diện mạo của Hát Trống quân có sự thống nhất trong đa dạng. Sự thống nhất trong đa dạng này của Hát Trống quân sẽ được nhận thấy rõ hơn trong các nghiên cứu tìm hiểu sâu về khía cạnh âm nhạc trong chương 3 của luận án.

 

 

CHƯƠNG 3

ĐẶC TRƯNG ÂM NHẠC CHUNG VÀ ĐẶC TRƯNG ÂM NHẠC MANG TÍNH ĐỊA PHƯƠNG CỦA HÁT TRỐNG QUÂN

Trong chương này, dựa trên một số khía cạnh trong cấu trúc vi mô của các làn điệu Hát Trống quân như thang âm, âm vực, nhóm cao độ xây dựng nên đường nét cơ bản của giai điệu…, chúng tôi sẽ xác định đặc trưng âm nhạc chung cũng như đặc trưng âm nhạc mang tính địa phương của Hát Trống quân.

3.1. Đặc trưng âm nhạc chungcủa Hát Trống quân 

Nhìn trên tổng thể, đặc trưng âm nhạc duy nhất mang tính tương đối phổ quát cho Hát Trống quân ở tất cả các vùng chính là các mô hình tiết tấu trống đi kèm phần hát, với nhạc cụ đệm phổ biến là trống đất. Đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc nhận diện Hát Trống quân nói chung. Tuy nhiên, trên thực tế, Hát Trống quân còn có nhiều yếu tố nhận diện khác liên quan tới đặc trưng âm nhạc mang tính địa phương. Chúng cũng là những yếu tố để phân biệt âm nhạc Hát Trống quân ở các vùng/tiểu vùng/địa phương khác nhau.

3.2. Đặc trưng âm nhạc của Hát Trống quân vùng Đất Tổ

3.2.1. Đặc trưng âm nhạc chung của Hát Trống quân vùng Đất Tổ

3.2.1.1. Giai điệu phần lớn hạn chế trong âm vực hẹp với các thang ít âm, chủ yếu xoay quanh 3-4 cao độ

a) Âm vực: Âm vực hẹp trong khoảng quãng 5 hoặc quãng 6 (14/18 bài). Một số ít bài có khoảng âm vực từ quãng 7 đến quãng 10, trong đó trường hợp có âm vực quãng 8, quãng 9, quãng 10 mỗi loại chỉ có 1/18 bài. 

b) Thang âm: Hát Trống quân vùng Đất Tổ phần lớn được xây dựng trên các thang ít âm, từ 3 âm đến 6 âm, trong đó các thang 3, 4 và 5 âmchiếm ưu thế (tổng số bài xây dựng trên các thang âm này lên tới 94,6%). 

c) Các nhóm cao độ tạo nên đường nét cơ bản của giai điệu Hát Trống quân vùng Đất Tổlà nhóm 3 cao độ, nhóm 4 cao độ nhóm 5 cao độ. Mỗi loại nhóm cao độ lại có các dạng cấu trúc quãng khác nhau giữa các âm kế tiếp trong nhóm từ thấp lên cao. 

3.2.1.2. Giai điệu tương đối đơn giản với nhiều bước tiến hành quãng 4 - quãng 5

a) Kết cấu 3 cao độ nòng cốt tạo nên đường nét cơ bản của giai điệu Hát Trống quân vùng Đất Tổ:Đường nét cơ bản của giai điệu cũng chỉ thường tiến hành trên 3 cao độ có quan hệ quãng 5-2 (q.4Đ-q.2T). Đa phần các nhóm 4 - 5 cao độ là sự “nhồi thêm” âm hay mở rộng từ kết cấu 3 cao độ nòng cốtđặc trưng này.

b) Giai điệu có nhiều bước tiến hành quãng 4, quãng 5:Một trong những hệ quả của việc khai thác chủ yếu kết cấu 3 cao độ nòng cốt là sự có mặt của nhiều bước đi quãng 4 Đúng, quãng 5 Đúng đan xen với quãng 2 Trưởng trong đường nét vận động giai điệu của Hát Trống quân vùng Đất Tổ. 

c) Quy luật phân bố 3 nhóm thanh điệu ở đại bộ phận các bài vẫn bám sát mối quan hệ quãng 5-2 (q.4Đ-q.2T): Đa phần các bài Hát Trống quân ở vùng này đều có sự định hình một quy luật phân bố 3 nhóm thanh điệu bám sát mối quan hệ quãng 5-2 (q.4Đ-q.2T). 

3.2.1.3. Cấu trúc bao giờ cũng có sự điệp theo chu kỳ một bộ phận âm nhạc cuối của mỗi trổ hát

Đây là một đặc trưng nổi bật trong âm nhạc Hát Trống quân vùng Đất Tổ. Ở các bài Hát Trống quân vùng Đất Tổ, bộ phận âm nhạc cuối được nhắc lại sau mỗi trổ hát có 2 quy mô: Một là,điệp bộ phận âm nhạc tương ứng với toàn bộ hay một phần câu 8 cuối trổ hát; Hai là,điệp một nét nhạc gần như cố định cuối mỗi trổ.

3.2.1.4. Thay vì trống đất, trống da là nhạc cụ đệm chủ yếu 

3.2.2. Đặc trưng âm nhạc mang tính địa phương của Hát Trống quân trong vùng Đất Tổ

3.2.2.1. Đặc trưng âm nhạc riêng của Hát Trống quân làng Đức Bác 

a) Hình thành một mô hình tiết tấu lời ca có yếu tố đảo phách tương đối cố định:Ở 8/9 bài Hát Trống quân Đức Bác có sự xuất hiện gần như cố định tiết tấu đảo phách ở vị trí ca từ thứ 4 của câu 6 trong các trổ hát

b) Giai điệu được xây dựng và phát triển dựa trên ba nhân tố lấy từ nét nhạc kết trổ. Nét nhạc kết trổ này có thể xem như một nét nhạc ký hiệu[1]để nhận dạng Hát Trống quân Đức Bác.

c) Cấu trúc âm nhạc tổng thể mang tính rondo. Yếu tố rondo trong cấu trúc âm nhạc tổng thể của Hát Trống quân Đức Bác được thể hiện ở những nét nhạc kết trổ được nhắc đi nhắc lại có biến hóa đôi chút sau mỗi trổ hát.

3.2.2.2. Đặc trưng âm nhạc riêng của Hát Trống quân làng Hữu Bổ và làng Kinh Kệ

a) Định hình một mô hình tiết tấu lời ca đặc trưng có yếu tố đảo ca từ ở câu 8 

b) Có sự định hình một mô hình tiến hành giai điệu kết trổ đặc trưng  

c) Có cấu trúc âm nhạc cơ sở là hình thức một đoạn đơn gồm 3 câu không cân phương

3.2.2.3. Đặc trưng âm nhạc riêng của Hát Trống quân ở xã Hiền Quan 

a) Đặc điểm âm nhạc của bài Hát Trống quân “Đèn giời cũng có trăm tiền”   

Bài này vừa có nét giống với đặc điểm âm nhạc của Hát Trống quân vùng Đất Tổ nói chung (cấu trúc điệp một bộ phận ở cuối mỗi trổ và lõi cao độ nòng cốt 5-2) vừa có điểm giống với Hát Trống quân Đức Bác (cấu trúc mang tính rondo). Tuy nhiên, có 3 đặc điểm khác hẳn, đáng chú ý:

a-1) Giai điệu được hình thành trên cơ sở một số chất liệu âm nhạc riêng nối tiếp nhau theo một quy luật nhất định, lặp lại xuyên suốt trong tất cả các trổ hát.

a-2) Sử dụng nhiều ca từ phụ có nghĩa và thủ pháp điệp ca từ làm mở rộng khuôn khổ câu nhạc, đặc biệt là câu tương ứng với vế 8

a-3) Không sử dụng trống đệm

b) Đặc điểm âm nhạc của bài hát “Trống quân (hát ở sân chùa)”

Đặc điểm riêng nổi bật của bài này là có sự chuyển đổi nhóm cao độ tạo nên đường nét cơ bản của giai điệu trên cùng một thang âm ngay trong một trổ hát.

3.3. Đặc trưng âm nhạc của Hát Trống quân vùng đồng bằng Bắc bộ 

3.3.1. Đặc trưng âm nhạc chung của Hát Trống quân vùng đồng bằng Bắc bộ

3.3.1.1. Giai điệu có sự phát triển và phong phú hơn so với giai điệu Hát Trống quân vùng Đất Tổ: Được phản ánh thông qua hai đặc trưng sau:

a) Giai điệu được xây dựng trong khoảng âm vực từ quãng 7 đến quãng 11 trên những thang nhiều âm, chủ yếu xoay quanh các nhóm 5, 6, 7 cao độ

a-1) Âm vực: Tầm âm vực chiếm ưu thế trong Hát Trống quân vùng đồng bằng Bắc bộ là quãng 8, quãng 9 (77,6%).

a-2) Thang âm: Trong Hát Trống quân vùng đồng bằng Bắc bộ, thang âm được sử dụng rộng rãi nhất là thang 7 âm (≈ 44%), ít hơn một chút là thang 6 âm và thang 8 âm.

a-3) Các nhóm cao độ tạo nên đường nét cơ bản của giai điệu Hát Trống quân vùng đồng bằng Bắc bộ có vai trò chủ đạo là các nhóm 5 cao độ (~ 59%), 6 cao độ (~ 18,5%) hoặc 7 cao độ (~ 18,5%). Chúng chiếm tỷ lệ tới 96%.

b) Sự xuất hiện phổ biến tiết tấu đảo phách trong âm nhạc Hát Trống quân vùng đồng bằng Bắc bộ ở một số vị trí nhất định.Các vị trí thường bắt gặp tiết tấu đảo phách gồm:ca từ chính thứ 4 /ca từ phụ sau ca từ chính thứ 4 của câu 8, ca từ kết câu 8 ở thanh không dấu (o) được ngân dài,ca từ chính thứ 2/ca từ phụ sau ca từ chính thứ 2 của câu 8, ca từ chính thứ 2/ca từ phụ sau ca từ chính thứ 2 của câu 6.

3.3.1.2. Giai điệu uyển chuyển, mềm mại hơn Hát Trống quân vùng Đất Tổ

a) Kết cấu quãng nòng cốt của các nhóm cao độ tạo nên đường nét cơ bản của giai điệu Hát Trống quân vùng đồng bằng Bắc bộ là nhóm 4 cao độ có cấu trúc quãng 3-2-2(q.3t-q.2T-q.2T). Đây chính là kết cấu quãng nòng cốt có mặt trong hầu như các dạng cấu trúc quãng của các nhóm cao độ.

b) Giai điệu sử dụng nhiều bước đi bình ổn theo hình lượn sóng trong biên độ hẹp và vừa. Việc xuất hiện nhiều bước tiến hành bình ổn chính là nhân tố tạo nên sự uyển chuyển, mềm mại hơn cho giai điệu Trống quân vùng đồng bằng Bắc bộ so với Hát Trống quân vùng Đất Tổ. 

c) Có sự phân bố phong phú và linh hoạt những cao độ âm nhạc tương ứng với các nhóm thanh điệu lời ca

3.3.1.3. Trống đất là nhạc cụ đệm đặc trưng trong Hát Trống quân vùng đồng bằng Bắc bộ 

3.3.1.4. Có sự phân chia thành các tiểu vùng có quy mô lớn về mặt địa phương với nhiều sự khác biệt về âm nhạc

Đó là 2 tiểu vùng: Tiểu vùng 1- gồm các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và xã Song Liễu (Thuận Thành, Bắc Ninh, trước thuộc tỉnh Hà Bắc); Tiểu vùng 2- gồm Hà Nội hiện nay (bao gồm cả các địa phương thuộc Hà Tây cũ), Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình.

3.3.2. Đặc trưng âm nhạc riêng của Hát Trống quân tiểu vùng 1

3.3.2.1. Giai điệu chủ yếu chỉ xoay quanh nhóm 5 cao độ với một dạng cấu trúc quãng phổ biến

Đây là một đặc trưng nổi bật chỉ có ở Hát Trống quân tiểu vùng 1. Toàn bộ 16 bài Hát Trống quân có đường nét cơ bản của giai điệu được xây dựng trên nhóm 5 cao độ với dạng cấu trúc quãng 3-2-2-3(q.3t-q.2T-q.2T-q.3t) chiếm ưu thế.

3.3.2.2. Cá biệt có trường hợp có sự chuyển đổi nhóm cao độ tạo nên đường nét cơ bản của giai điệu trên cùng một thang âm trong một bài

Hiện tượng này chỉ duy nhất bắt gặp ở bài Họa cá với sự chuyển đổi từ nhóm 5 cao độchính ànhóm 4 cao độ chính (trổ thứ 9), và sau đó lại quay trở về nhóm 5 cao độ chính.

3.3.2.3. Tính đồng độ trong tiết tấu lời ca

3.3.2.4. Câu hát kết bài thường có sự kéo giãn tiết tấu lời ca, tiến hành từ âm khu cao xuống âm khu thấp và kết ở cao độ thuộc âm khu thấp

3.3.2.5. Đại bộ phận các bài Hát Trống quân có bộ phận mở đầu, kết thúc bài hát và cấu trúc các trổ theo kiểu gối đầu giữa nhạc và lời

3.3.2.6. Không ít bài Hát Trống quân chỉ đảo 2 ca từ - thay vì 4 ca từ cuối trong câu đầu tiên để mở đầu bài hát

3.3.3. Đặc trưng âm nhạc riêng của Hát Trống quân tiểu vùng 2

3.3.3.1.Giai điệu phát triển và đa dạng hơn so với giai điệu Hát Trống quân tiểu vùng 1:Được thể hiện ở 4 điểm sau:

a) Số lượng cao độ của các nhóm cao độ tạo nên đường nét cơ bản của giai điệu Hát Trống quân tiểu vùng 2 mở rộng nhiều hơn với các nhóm 6 -7 cao độ lại đóng vai trò chủ chốt (10/11 bài)

b) Sự đa dạng trong việc mở rộng lõi kết cấu quãng nòng cốt 3-2-2

c) Giai điệu khai thác nhiều luyến láy, âm thêu lướt

d) Tính dị độ của tiết tấu lời ca 

3.3.3.2. Trong nhiều bài Hát Trống quân có sự định hình một số nhân tố giai điệu đặc trưng 

a) Nét láy kết trổ hát cố định (được thấy ở 6/11 bài Hát Trống quân)

b) Nét luyến cao độ (nét nhạc ký hiệu) phổ biến trong đường nét tiến hành giai điệu (xuất hiện ở 9/11 bài Hát Trống quân)

c) Nét kết trổ tương đối cố định tương ứng với 2 từ cuối vế 8 khi ca từ kết là thanh không dấu (o) và ca từ trước đó thuộc nhóm thanh điệu thấp (bắt gặp ở 6/11 bài Hát Trống quân)

3.4. Các bảng nhận diện làn điệu Hát Trống quân ở các vùng/tiểu vùng/địa phương 

Để dễ dàng hơn cho việc nhận diện âm nhạc Hát Trống quân của các vùng/tiểu vùng/địa phương, nhóm địa phương khác nhau, chúng tôi sẽ lập các Bảng trong đó chứa đựng những đặc trưng cơ bản nhất của làn điệu Hát Trống quân ở mỗi vùng/tiểu vùng/địa phương (xin xem ở luận án).

Tiểu kết

Như vậy, có thể thấy âm nhạc của Hát Trống quân ở các địa phương được nghiên cứu trong luận án có sự phân biệt thành hai vùng rõ rệt, khác nhau về nhiều khía cạnh và cả mức độ phát triển.

 

 

KẾT LUẬN

Luận án là công trình đầu tiên đưa ra được một cái nhìn toàn cảnh, đầy đủ và toàn diện hơn các công trình đã có trước đây về Hát Trống quân của người Việt ở Bắc bộ trong cả hai lĩnh vực: diễn xướng và âm nhạc học. Cụ thể là:

1. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu nghiên cứu, sưu tầm của các tác giả đi trước, luận án đã cho người đọc thấy được diện mạo tổng quát của thể loại Hát Trống quân ở Bắc bộ với các khía cạnh khác nhau liên quan tới lĩnh vực diễn xướng, trong đó có những khía cạnh ít người biết đến. Nó cho thấy riêng trong lĩnh vực diễn xướng, Hát Trống quân đã là một thể loại dân ca khá đa dạng:

1.1.Hát Trống quân có tới bốn chức năng khác nhau: giao duyên - vui chơi giải trí - thi tài - phục vụ tín ngưỡng. 

1.2.Tham gia diễn xướng Hát Trống quân ngoài nam nữ thanh niên, còn có cả những người đã có chồng có vợ, thậm chí người hát còn phải được lựa chọn trong các cuộc Hát Trống quân tín ngưỡng

1.3.Mùa thu vẫn luôn là khoảng thời gian tập trung nhiều cuộc Hát Trống quân nhất trong năm. Tuy nhiên, ở một số nơi, Hát Trống quân cũng diễn ra cả trong những dịp lễ hội vào mùa xuân. 

1.4.Không gian diễn xướng Hát Trống quân khá đa dạng. Phổ biến nhất là lối hát trong những không gian rộng mở ở ngoài trời trên những bãi đất trống, hai bên bờ sông… hoặc di chuyển trên một quãng đường dài. 

1.5.Hát Trống quân bao giờ cũng có nhạc khí đi kèm. Điển hình nhất cho lối hát này là việc sử dụng trống đất. Tuy nhiên, có những nơi lại dùng trống da, hoặc sênh, phách, mõ thay thế hay kết hợp cùng, thậm chí, chỉ cần gõ vào thành cầu hoặc chõng tre, gối tre... để tạo tiết tấu.

1.6.Riêng về trống đất (thổ cổ), cũng được thấy có nhiều dạng cấu trúc khác nhau như: một hố, hai-ba hố, thậm chí không đào hố mà chỉ có một chiếc thùng sắt tây đặt trên sân gạch…

1.7.Mặc dù lề lối diễn xướng của Hát Trống quân cũng gồm ba chặng như nhiều thể loại hát đối đáp nam nữ khác (chặng Mở đầu; chặng Giữa; chặng Kết thúc), nhưng hình thức diễn xướng của Hát Trống quân cũng có đôi nét khác biệt. Ngoài hình thức diễn xướng với tư thế tĩnh ở hai bên của trống, còn có trường hợp Hát Trống quân được diễn ra theo hình thức di động ngược chiều kim đồng hồ giữa hai bên nam nữ vừa hát đối đáp, nam vừa gõ vào chiếc trống do nữ đeo trước bụng trên một quãng đường dài từ bờ sông về tới sân đền như ở Đức Bác.

1.8.Hát Trống quân là thể loại dân ca có làn điệu đặc trưng riêng. Mặc dầu vậy, có những nơi - ngoài làn điệu Trống quân chính thống, người hát còn sử dụng làn điệu của những thể loại dân ca khác ở chặng Giở giọng. 

2. Trong lĩnh vực âm nhạc học, luận án đã đi sâu phân tích và tìm ra nhiều khía cạnh mớichưa được đề cập tới trước đó. Chúng góp phần tô đậm thêm sự đa dạng của thể loại Hát Trống quân. Đó là:

2.1.Nhìn trên tổng thể, mặc dầu như ở mục trên đã trình bày- Hát Trống quân có làn điệu đặc trưng riêng, nhưng - trong quá trình phân tích và đúc kết, có thể thấy rằng không phải làn điệu Hát Trống quân ở mọi địa phương đều giống nhau, mà có thể phân biệt Hát Trống quân của các vùng, tiểu vùng, thậm chí địa phương và nhóm địa phương như: Hát Trống quân vùng Đất Tổ và Hát Trống quân vùng đồng bằng Bắc bộ; trong Hát Trống quân vùng Đất Tổ lại có thể phân biệt thành ba nhóm địa phương; trong Hát Trống quân vùng đồng bằng Bắc bộ, có thể phân chia thành hai tiểu vùng.

2.2.Đi sâu hơn vào các khía cạnh âm nhạc học, có thể thấy:

2.2.1.Về âm vực và thang âm, các làn điệu Hát Trống quân có thể chỉ bó hẹp trong phạm vi quãng 5 với các thang 3 hoặc 4 âm nhưng cũng có thể mở rộng tới quãng 10, quãng 11 với các thang 8, 9, hoặc 12 âm. Tần suất khai thác các loại âm vực và thang âm cũng có cách sử dụng riêng ở mỗi vùng. 

2.2.2.Về mặt tiết tấu, cả tiết tấu trong giai điệu âm nhạc và tiết tấu lời ca đều khá đa dạng với hai dạng mô hình tổng quát: mô hình tiết tấu đồng độ và mô hình tiết tấu dị độ với sự kết hợp phong phú các loại trường độ khác nhau. Hơn thế nữa ở khoảng một nửa số bài bản Hát Trống quân còn xuất hiện phổ biến nhiều dạng tiết tấu đảo phách, nghịch phách. 

2.2.3.Về mặt cấu trúc-hình thức, cấu trúc cơ sở của các bài Hát Trống quân là những trổ hát, trong đó mỗi trổ có cấu trúc tương ứng với hình thức một đoạn nhạc đơn với ba loại cơ bản được dùng phổ biến. Đó là chưa kể những trổ có cấu trúc ít gặp hơn do sự biến hóa linh hoạt của nghệ nhân trong quá trình diễn xướng. Ở quy mô tổng thể, các bài Hát Trống quân có hai dạng cấu trúc tương ứng với hình thức một đoạn đơn nhắc lại mang tính biến tấu và hình thức một đoạn đơn vừa mang tính biến tấu, vừa mang tính rondo.

2.2.4.Một điều đáng chú ý nữa là: trong sự tạo thành đường nét cơ bản của giai điệu các làn điệu Hát Trống quân, hầu hết các bài đều dựa trên một kết cấu cao độ/quãng nòng cốt, có thể xem như cái lõicủa các giai điệu. Tùy theo từng vùng, lõinày có thể có kết cấu quãng 5-2 (như Hát Trống quân vùng Đất Tổ) hoặc kết cấu quãng 3-2-2 (như Hát Trống quân vùng đồng bằng Bắc bộ).  

2.2.5.Mối quan hệ giữa âm nhạc và lời catrong Hát Trống quân cũng bộc lộ rõ nét tính đa dạng trong từng cặp quan hệ tương ứng. Đó là:  

2.2.5.1. Trong mối quan hệ tương ứng giữa giai điệu và lời ca, có những trường hợp giai điệu hầu như bám sát thanh điệu lời ca với sự phân bố cao độ tương ứng với các nhóm thanh điệu khá ổn định; nhưng lại có nhiều trường hợp, sự phát triển của giai điệu đã mang tính độc lập và ít phụ thuộc vào thanh điệu hơn, thể hiện ở việc một/một nhóm thanh điệu có thể hát bằng nhiều cao độ khác nhau hoặc tạo ra nhiều hiện tượng ngược dấu giọng.

2.2.5.2.Trong mối quan hệ giữa cấu trúc nhạc và cấu trúc thơ, ngoài những trường hợp phổ biến là cấu trúc nhạc trùng với cấu trúc thơ, thì ở rất nhiều bài Hát Trống quân thuộc tiểu vùng 1 có sự “lệch pha” giữa cấu trúc nhạc và cấu trúc thơ theo kiểu gối đầu giữa nhạc và lời.  

2.2.5.3. Trong mối quan hệ giữa phần trống và lời cacũng có nhiều cách phối hợp khác nhau.

Sự đa dạng trong các khía cạnh âm nhạc nói trên chính là cơ sở đã tạo nên các đặc trưng âm nhạc mang tính địa phương của Hát Trống quân ở các vùng/tiểu vùng/địa phương. Để giúp cho việc nhận dạng dễ dàng âm nhạc Hát Trống quân của các vùng/tiểu vùng/ địa phương hoặc nhóm địa phương, những đặc trưng âm nhạc quan trọng nhất của mỗi nơi đã được tổng hợp trong các Bảng nhận diện ở cuối chương 3 với sự đối sánh theo từng vùng và từng tiểu vùng hoặc địa phương trong mỗi vùng.

Nhìn chung, Hát Trống quân thực sự là một thể loại dân ca đa dạng về nhiều mặt - cả trên các khía cạnh diễn xướng cũng như các khía cạnh âm nhạc. Đó cũng là một trong số ít thể loại dân ca được phổ biến rộng rãi ở nhiều địa phương Bắc bộ, đồng thời có sự phát triển về nhiều khía cạnh nhưng Hát Trống quân ở một số địa phương vẫn còn bảo lưu được rõ nét những dấu vết văn hóa cổ xưa.

Mặc dù đã bị mai một đi nhiều bởi những lý do khách quan và chủ quan,  nhưng hiện nay lối hát này đang dần được khôi phục lại trong cộng đồng một số địa phương nhờ các dự án bảo tồn của Nhà nước. Hy vọng rằng kết quả nghiên cứu của đề tài sẽlà tài liệu tham khảo hữu dụngcho công tác bảo tồn, khôi phục Hát Trống quân tại các địa phương cũng như cho việc giảng dạy bộ môn âm nhạc truyền thống Việt Nam trong các trường học. Chúng tôi cũng mong rằng kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ đóng góp được một viên gạch nhỏ vào công trình dựng xây hệ thống lý thuyết âm nhạc Việt Nam mà các nhà nghiên cứu, đào tạo âm nhạc đã và vẫn đang tiếp tục từng bước hoàn thiện.

 

Đầu trang
Các tin khác
  Vũ Tú Cầu: "Thủ pháp hòa âm trong tác phẩm giao hưởng Việt Nam sau 1975". Luận án Tiến sĩ. 2017. (21/12/2017)
  Đỗ Quốc Hưng: "Đào tạo ca sĩ hát Opera tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam". Luận án Tiến sĩ. 2017. (13/11/2017)
  Nguyễn Văn Minh: "Âm chuẩn, tiết tấu trong đào tạo Violon ở Việt Nam". Luận án Tiến sĩ. 2017. (20/10/2017)
  Triệu Tú My: "Ảnh hưởng của âm nhạc Chopin trong nghệ thuật Piano Việt Nam". Luận án Tiến sĩ. 2017. (05/10/2017)
  Lã Minh Tâm: "Hình thức ba đoạn phức trong các tác phẩm khí nhạc Việt Nam". Luận án Tiến sĩ. 2017. (04/10/2017)
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn