MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Bắc Giang là một tỉnh nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, được bồi đắp phù sa bởi các con sông lớn như: Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, là một địa phương khá phong phú về mặt địa lý. Cư dân sinh sống ở đây bằng nghề nông là chính, họ đã hình thành nên các làng, bản với kiểu thức kinh tế, văn hóa và xã hội, từ nếp ăn, nếp ở, trang phục, phong tục, tập quán… đều có những bản sắc, những nét văn hóa độc đáo riêng.
Nói đến Bắc Giang là nói đến cái nôi của các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Chèo, hát Ca Trù, hát Then, hát Sli, hát Lượn, hát Sloong hao… và đặc biệt hơn nữa là nghệ thuật hát dân ca Quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Là người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất của quê hương Kinh Bắc - Bắc Giang. Chúng tôi rất trân trọng giá trị nghệ thuật dân gian độc đáo của quê hương, đó là bộ môn nghệ thuật hát dân ca Quan họ. Bản thân tôi hiện nay đang là giáo viên giảng dạy chuyên ngành thanh nhạc và hát dân ca tại Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, cái nôi đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ như: NSDN Thúy Cải, cố NSUT Xuân Trường, NSND Thúy Hường, NSUT Hai Tráng, Khánh Hạ, Thanh Hiếu, Hải Xuân, Lệ Thanh… Sự thành công của những nghệ sĩ kể trên không thể không nói đến sự đóng góp lớn lao của đội ngũ giảng viên của nhà trường qua các thời kỳ như: Cụ Sôi, NSUT Tạ Thị Hình, và các thầy cô thế hệ sau như NSUT Khánh Hạ, NSUT Hai Tráng, Thanh Hiếu, giáo viên ca sĩ Phan Khải, Nghệ nhân ưu tú Phú Hiệp… Qua tìm hiểu nghiên cứu của chúng tôi, ngoài chương trình khung thanh nhạc mà Nhà trường đã xây dựng và điều chỉnh hàng năm dựa trên sự tham khảo, hiện nay vẫn chưa có giáo trình nào đề cập và đưa các bài hát dân ca Quan họ vào giảng dạy cho học sinh thanh nhạc tại nhà trường.
Là giảng viên trực tiếp giảng dạy bộ môn Thanh nhạc và Hát dân ca, ngoài giáo trình cơ bản về thanh nhạc, tôi thấy cần phải đưa một số bài hát Quan họ cổ vào môn học Hát Dân ca trong giáo trình thanh nhạc của nhà trường. Học sinh thanh nhạc muồn hát tốt các bài hát Quan họ, và đạt được bốn tiêu chí “vang, rền, nền, nảy” cần phải có quá trình rèn luyện lâu dài. Để hát hay một làn điệu Quan họ cần phải vận dụng rất nhiều yếu tố kỹ thuật, trong đó sự vận dụng hài hòa giữa lối hát truyền thống và kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phương Tây sẽ làm cho giọng hát của các em được hay hơn, tinh tế hơn, áp dụng kỹ thuật nhưng không vì thế mà làm mất đi vẻ đẹp long lanh, nền nã của giọng hát. Cùng với đó, sự vận dụng kỹ thuật thanh nhạc vào trong các bài hát Quan họ sẽ giúp học sinh được nâng cao hơn lối hát bền đẹp, trong sáng, kỹ thuật hát luyến láy, vang, rền, nền, nảy trong Quan họ, và ngược lại kỹ thuật hát Quan họ cũng sẽ giúp các em học sinh thanh nhạc tô điểm thêm cho chất giọng được mềm mại, ngọt ngào và tinh tế hơn.
Với mục đích bổ sung và hoàn thiện hơn nữa chương trình đào tạo chuyên ngành thanh nhạc trong nhà trường, trên cơ sở đó góp công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, đồng thời nhằm phát triển bền vững và bảo tồn những giá trị nghệ thuật ca hát Quan họ truyền thống của vùng quê Kinh Bắc; Bắc Ninh - Bắc Giang, tôi quyết định chọn đề tài:
“Nâng cao chất lượng giảng dạy hát dân ca Quan họ cho học sinh thanh nhạc Trường Trung cấp, Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang” cho luận văn của mình.
2. Lịch sử đề tài nghiên cứu
Quan họ là một thể loại dân ca rất độc đáo không chỉ của vùng Kinh Bắc mà còn là báu vật của quốc gia. Đã có nhiều tác giả nghiên cứu về nguồn gốc, xuất xứ, các làn điệu, cách hát, lối chơi… của Quan họ, đó là các công trình nghiên cứu của các tác giả tiêu biểu như:
- 300 bài dân ca Quan họ Bắc Ninh, do Hồng Thao sưu tầm và ký âm – Viện Âm nhạc xuất bản năm 2002.
- Tìm hiểu dân ca Quan họ, tác giả Trần Linh Qúy - Hồng Thao, Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc, năm 1997.
- Âm nhạc Quan họ, tác giả Nguyễn Trọng Ánh - Viện Âm nhạc xuất bản năm 2000. Cuốn sách này đề cập đến lĩnh vực nghiên cứu những giá trị của nghệ thuật âm nhạc Quan họ mà một số công trình trước đây còn bỏ ngỏ…
Nhìn chung những tài liệu, những cuốn sách kể trên đều đã nêu bật được những giá trị của loại hình nghệ thuật hát dân ca Quan họ trên các phương diện, phong tục tập quán, lối chơi, cách hát, lề lối, các làn điệu, nội dung văn học, nghệ thuật, âm nhạc rất phong phú đa dạng. Tuy nhiên lĩnh vực nghiên cứu về kỹ thuật thanh nhạc truyền thống kết hợp kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phương Tây thể hiện trên các mặt như kỹ thuật vận dụng hơi thở, kỹ thuật lấy hơi, rung hơi nhả chữ, kỹ thuật phát âm, vị trí âm thanh... trong cách hát Quan họ theo tôi được biết cho đến nay chưa có công trình, đề tài nào đi sâu vào nghiên cứu. Như vậy, có thể nói đề tài của chúng tôi là hoàn toàn mới, không có sự trùng lặp với công trình của những người đi trước.
3. Mục tiêu nghiên cứu.
Luận văn hướng tới mục tiêu khảo sát, sưu tầm tư liệu và tiến hành nghiên cứu, phân tích, tổng hợp những đặc điểm, kỹ thuật thanh nhạc truyền thống của nghệ thuật hát dân ca Quan họ. Trên cơ sở đó, đề tài tiếp tục nghiên cứu phương pháp giảng dạy kết hợp giữa kỹ thuật thanh nhạc truyền thống mà chủ thể sáng tạo là các nghệ nhân, các liền anh, liền chị, các ca sĩ thanh nhạc của vùng đất Kinh Bắc xưa và nay với phương pháp thanh nhạc cổ điển phương Tây để ứng dụng vào thực tiễn, nhằm nâng cao thêm một bước chất lượng đào tạo tại nhà trường.
4. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu.
- Phạm vi nghiên cứu:
Mỗi loại hình hát cổ truyền đều có kỹ thuật và lối hát riêng, đề tài luận văn chỉ tập trung nghiên cứu sự kết hợp kỹ thuật hát Quan họ truyền thống với phương pháp thanh nhạc cổ điển phương Tây để ứng dụng vào giảng dạy cho học sinh trong nhà trường.
- Đối tượng nghiên cứu:
Luận văn hướng đến một số đối tượng nghiên cứu cụ thể sau:
- Nghiên cứu về kỹ thuật hơi thở, vị trí âm thanh, cách phát âm nhả chữ trong thanh nhạc cổ điển phương Tây; các tiêu chí giọng hát đặt ra cùng các kỹ thuật hát Quan họ truyền thống như: vang, rền, nền, nảy, kỹ thuật luyến láy; cách giữ gìn giọng hát sao cho bền đẹp, vang sáng, rõ lời trong khi hát.
- Một số bài Quan họ tiểu biểu thuộc 3 nhóm làn điệu: Lề lối, Vặt và Giã bạn.
5. Phương pháp nghiên cứu.
Trong quá trình triển khai đề tài chúng tôi sử dụng cả hai nhóm phương pháp nghiên cứu. Đó là phương pháp nghiên cứu lý thuyết và phương pháp nghiên cứu thực tiễn.
- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết bao gồm.
+ Nghiên cứu các tài liệu tham khảo và các bản ký âm, các cuốn băng hình, tiếng lưu trữ tại các thư viện, bằng các phương pháp phân tích, tổng hợp.
+ Khảo sát hệ thống chương trình, giáo trình đang áp dụng tại trường.
- Phương pháp nghiên cứu thực tiễn gồm:
+ Tiến hành các chuyến đi điền dã, tìm hiểu thực tế và sưu tầm tư liệu
+ Sử dụng phương pháp chuyên gia, tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước và các nghệ nhân.
6. Đóng góp của đề tài.
Nếu kết quả nghiên cứu của luận văn được công nhận, đề tài sẽ có những đóng góp:
- Về mặt lý luận: Tổng hợp và nêu lên những đặc điểm kỹ thuật thanh nhạc truyền thống, từ đó xây dựng hệ thống các phương pháp giảng dạy phù hợp hiệu quả các bài hát Quan họ cổ cho học sinh.
- Về mặt thực tiễn: Đề tài góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị âm nhạc của Quan họ tại địa phương.
7. Bố cục luận văn.
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục. Nội dung của luận văn gồm 2 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực trạng giảng dạy tại nhà trường.
Chương 2: Những giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG
GIẢNG DẠY TẠI NHÀ TRƯỜNG
- Những đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu của dân ca Quan họ
Nghệ thuật hát dân ca Quan họ từ lâu đã được nhiều người biết đến như một đặc sản văn hóa truyền thống của vùng Kinh Bắc xưa, tức Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay. Từ phong tục tập quán, lề lối tổ chức sinh hoạt ca hát cho đến những giá trị văn học - nghệ thuật tiềm ẩn, trên bất cứ phương diện nào người ta cũng có thể thấy rõ những bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được kết tinh, chắt lọc. Nhưng trên hết cần phải kể đến những giá trị về Âm nhạc và Thi ca tiềm tàng trong một hệ thống lên tới vài trăm làn điệu. Đó là còn chưa kể tới một vốn quý đặc biệt cần được gìn giữ nữa, đó là giọng hát cùng những kỹ thuật thanh nhạc truyền thống được các thế hệ liền anh, liền chị trau chuốt và giữ gìn bao đời nay. Các yêu cầu hát sao cho “vang, rền, nền, nảy” từ cấp độ tuyền thừa dần đã trở thành những tiêu chí thành văn đối với một giọng hát Quan họ muốn đạt tới sự hoàn hảo.
1.1.1. Hệ thống các làn điệu
Phải nói rằng Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một làn điệu Quan họ đều có giai điệu riêng. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu về hệ thống các làn điệu Quan họ, cho đến nay Quan họ có khoảng 213 làn điệu và trên 600 bài ca, trong đó đáng chú ý là 300 bài Quan họ đã được nhạc sĩ Hồng Thao sưu tầm và ký âm, Viện Âm nhạc biên tập và xuất bản năm 2002, và 45 bài Quan họ ký âm được giới thiệu tại phần phụ lục luận án Tiến sĩ của tác giả Nguyễn Trọng Ánh. Các bài Quan họ được ký âm giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca Quan họ đã được khám phá. Nguồn thông tin đáng tin cậy cho biết kho băng ghi âm có tới hàng nghìn bài Quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng Quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại Sở Văn hóa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh và Viện Âm nhạc Việt Nam.
Hệ thống các làn điệu Quan họ được chia thành ba nhóm có sự khác nhau về tính chất âm nhạc:
- Nhóm các bài hát thuộc giọng Lề lối thường được hát trong giai đoạn mở đầu của cuộc hát. Đó là các bài: “La rằng”; “Đường bạn”; “Tứ quý”; “Cây gạo”; “Cái hời các ả”.
- Nhóm các bài hát thuộc giọng Vặt có số lượng nhiều hơn cả. Bước vào giai đoạn hát giọng Vặt (chặng giữa của cuộc hát) thoạt đầu người ta thường hát các bài hát có câu Bỉ mở bài, sau đó mới là giai đoạn hát các bài hát giọng Vặt (loại bài hát không có phần bỉ mở bài). Điển hình là một số bài hát như: “Lên núi ba vì”; “Em là con gái Bắc Ninh”; “Tuấn khanh”; “Gọi đò”; “Tỉnh bắc Sông Cầu”…
- Giai đoạn cuối của cuộc hát thuộc về các bài hát Giã bạn. Nhìn chung, các bài hát Giã bạn có tính chất âm nhạc khá nhất quán; cấu trúc mạch lạc, rõ ràng, hát theo nhịp đều đặn. Tiêu biểu là các bài như: “Người ở đừng về”; “Con nhện giăng mùng”; “Kẻ bắc người nam”; “Chuông vàng gác của tam quan”; “Rẽ phượng chia loan”; “Xin ra về”…
1.1.2. Chủ đề văn học
Từ hệ thống lời ca Quan họ, người Quan họ đã phác vẽ tài tình về một quê hương với một tình yêu chân thật, tự nhiên mà thắm thiết, hàm chứa nhiều khía cạnh tâm hồn, tình cảm của người Quan họ. Đó là sự khao khát yêu thương và được yêu thương trong tình bạn, tình yêu nam nữ, và rộng hơn nữa là tình người. Theo một số nhà nghiên cứu về Quan họ nhận xét, có lẽ không có một thứ dân ca nào mà chỉ có một đoạn thơ mà chuyển tải được một đoạn nhạc hoàn chỉnh như Quan họ.
1.1.3. Những đặc điểm âm nhạc nổi bật
Dân ca Quan họ được đánh giá là “đẹp” cả về lời ca và nhạc điệu. Các bài Quan họ thường tồn tại ở các dạng: hát (chiếm phần lớn), dạng ngâm hoặc nói, và một số ít bài có sự tổng hợp, đan xen các dạng với nhau, nói chung thường được hát theo nhịp độ vừa phải. Nhịp độ hơi chậm phần lớn thuộc về các bài bản dân ca Quan họ cổ. Hầu hết các bài hát theo nhịp chẵn, chưa thấy trường hợp nào thể hiện nên loại nhịp ba phách. Tính chất âm nhạc dặt dìu, sóng sánh, trữ tình, tiết tấu thuận chiều, đôi khi có trường hợp đảo phách, nhưng nhìn chung là dễ hát. Hầu hết các bài dân ca Quan họ đều mang đậm tính trữ tình, dàn trải là do sự xuất hiện các quãng âm điệu hẹp, bình ổn, phần lớn chúng nối tiếp nhau trong âm vực một quãng 8. Giai điệu được chế biến chủ yếu từ chất liệu các thang 5 âm.
1.1.4. Một số kỹ thuật hát Quan họ truyền thống.
Hát Quan họ là một loại hình dân ca rất độc đáo trong mọi lĩnh vực, từ nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát đến phong cách ứng xử văn hóa v.v… Những làn điệu Quan họ đã được chải chuốt và trữ tình hoa mỹ buộc người hát phải đáp ứng được những yêu cầu về âm thanh như: liền giọng, nhấn nhá, hát rung hơi, nhả chữ, rõ lời, nảy hạt, nhẹ nhàng, mềm mại từng nốt, từng âm luyến láy trong các làn điệu. Tất cả cần phải được xử lý theo 4 tiêu chí:“vang, rền, nền, nảy”.
1.1.4.1. Kỹ thuật hát vang
Trong Quan họ hát vang gắn liền với đặc điểm âm thanh truyền đi mạnh và lan toả rộng ra xung quanh. Vang là kết quả cộng hưởng của miệng hát để khuyếch đại âm thanh. Chẳng hạn, “vang” của thanh nhạc nói chung được thể hiện những vị trí nhất định ở cuối tiết, câu hoặc đoạn nhạc. Còn “vang” trong hát Quan họ là nhờ vào tuyến giai điệu phát triển liên tục, kết hợp luyến láy và ngân những âm đệm mở tạo nên. Chính vì vậy, cách hát vang của Quan họ mang nét đặc thù. Những âm thêu, âm lướt, những nốt hoa mỹ, những âm điệu mở trong kỹ thuật hát vang của Quan họ là những yếu tố kỹ thuật vô cùng tốt, bổ trợ cho học sinh thanh nhạc về kỹ thuật hát vang sáng rõ lời khi vận dụng vào các ca khúc nghệ thuật.
1.1.4.2. Kỹ thuật hát rền
Kỹ thuật hát “rền” trong Quan họ tạo nên hiệu quả âm có độ rung đều đều, liên tục không dứt. Tiêu chí “rền” trong Quan họ có được nhờ cách hát luyến láy và rung giọng, giai điệu phát triển liên tục,“rền” là sắc thái âm thanh đặc trưng của phong cách hát nhấn nhá, luyến láy và rung giọng.
1.1.4.3. Kỹ thuật hát nền
Trước khi bàn đến yếu tố “nền”, không thể không nhắc đến đặc điểm sử dụng tiếng đệm trong hát Quan họ. Tiếng đệm là những âm thanh không thuộc phần lời thơ, như “i, a, ơ, ư, hự, rằng, là, ru hời, tính tình tang…”, tiếng đệm vừa làm nền như một phần nhạc đệm, vừa là chất kết dính các âm điệu của lời thơ. Thông qua việc xử lý, thông qua các nốt luyến, lướt, hoa mỹ, thêu, kỹ thuật hát “nền” tạo thành tuyến giai điệu đặc trưng của Quan họ và chi phối nhiều đến kỹ thuật hát khác. Ngoài ý nghĩa trên đây các nghệ nhân Quan họ còn cho rằng, “nền” còn có nghĩa là cách hát nền nã, mộc mạc, không thô thiển. Âm thanh khi hát lên phải quyện chặt với nhau, lúc trầm lúc bổng, lúc lại năn nỉ thiết tha. Có như thế mới đạt được độ “nền” trong hát Quan họ.
1.1.4.4. Kỹ thuật hát nảy
Kỹ thuật hát “nảy” hay còn gọi là “nảy hạt” trong hát Quan họ tạo nên âm thanh rất đặc trưng. Để tiếng hát được nảy hạt, cần mở khẩu hình vừa phải, phù hợp với từng âm nảy hạt như; (hự, ơ, i, a…), nét mặt tươi tắn, miệng mở ngang mềm mại, để lộ hai hàm răng. Muốn hát nảy cần khống chế hơi tốt, dùng lực hơi thở đẩy mạnh để âm nảy hạt bật ra. Nghệ nhân Ưu tú Tạ Thị Hình ở Bồ Sơn, Bắc Ninh là một trong những nghệ nhân có khả năng nảy hạt tròn, rền, sáng và rõ nhất cho rằng: khi tập nảy hạt, cần phải để cho hạt nảy tự nhiên, không gò ép, hạt bật đúng tầm cỡ không cao không thấp quá; cần chọn những bài hát dễ nảy hạt để tập như những bài Ba vì, Lòng vẫn đợi chờ, Đường bạn kim lan… Để tập nảy hạt, cần lấy hơi sâu, nhả hơi nhẹ, khi hát khẩu hình phải thoải mái, không sơ cứng, để âm phát ra được tròn và đẹp.
1.2. Một số đặc điểm về kỹ thuật thanh nhạc cổ điển.
Một trong những kỹ thuật thanh nhạc cổ điển đang được áp dụng để đào tạo ca sĩ chuyên nghiệp ở các cơ sở đào tạo trên thế giới và Việt Nam hiện nay đó là kỹ thuật Bel canto (cách hát đẹp), vốn xuất hiện và phát triển đồng hành với sự ra đời của loại hình nghệ thuật sân khấu Opera ở Italia. Trong các giáo trình đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp hiện nay ở Việt Nam, hầu hết các ca khúc cổ điển, romance, aria của nước ngoài chiếm một vị trí rất quan trọng và đều đề cập đến việc sử dụng kỹ thuật thanh nhạc Bel canto một cách toàn diện từ hơi thở, khoảng vang, vị trí, khẩu hình, nhả chữ, sự biểu hiện về âm điệu, ngôn ngữ, lời ca…, nhằm đạt tới kỹ thuật hát “tròn vành rõ chữ, vang sáng rõ lời”.
1.2.1. Kỹ thuật hát legato
Kỹ thuật hát legato là cách hát cơ bản nhất trong kỹ thuật thanh nhạc cổ điển, một kỹ thuật được đánh giá là không thể thiếu trong quá trình đào tạo để tạo nên một chuỗi âm thanh được hát trong một hơi mà vẫn giữ được giọng hát mượt mà trong sáng, chuẩn xác về cao độ.
1.2.2. Kỹ thuật hát sắc thái to nhỏ
Kỹ thuật này đòi hỏi người hát phải xử lý tinh tế, sự tinh tế đó thể hiện trong việc điều tiết hơi thở nông sâu phù hợp với từng câu hát, cường độ mạnh nhẹ tạo ra điểm nhấn nhá với những sắc thái to nhỏ nhịp nhàng mà không thô cứng.
1.2.3. Kỹ thuật hát âm nảy (staccato)
Kỹ thuật âm nảy là một trong những kỹ thuật thường dùng, phổ biến cho các giọng nữ cao, có tính linh hoạt để diễn tả tính chất âm nhạc vui tươi, rộn ràng, nhí nhảnh…, làm cho thanh đới và các bộ phận truyền âm dần hoạt động linh hoạt, với cách hát bật âm thanh nhẹ nhàng, gọn tiếng, tạo điều kiện thuận lợi cho âm thanh được vang sáng và thanh thoát.
1.2.4. Kỹ thuật hát lướt nhanh (passage)
Hát lướt nhanh là cách hát linh hoạt, rõ ràng, gọn tiếng với tốc độ nhanh, là một trong những kỹ thuật khó của thanh nhạc mà bất cứ giọng hát nào đều phải rèn luyện, đặc biệt là với giọng nữ cao. Kỹ thuật hát lướt nhanh giúp cho người hát phát triển tốt về giọng hát, làm cho giọng hát được linh hoạt, nhẹ nhàng, bay bổng, thuận lợi cho việc sử lý câu hát ở những âm khu cao.
Như vậy, khi đề cập đến kỹ thuật Bel canto cổ điển châu Âu và kinh nghiệm thực tiễn của cha ông ta trong kỹ thuật thanh nhạc truyền thống chúng ta càng thấy rõ thêm tính khoa học được đúc kết, sàng lọc về những điểm tương đồng giữa hai kỹ thuật “truyền thống” và “cổ điển”. Sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật Bel canto châu Âu với kỹ thuật thanh nhạc truyền thống là rất cần thiết. Đây là sự kết hợp vừa mang tính bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc đồng thời lại mang tính khoa học sâu sắc.
1.3. Thực trạng giảng dạy tại Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang.
1.3.1. Đôi nét về nhà trường.
Trường Trung cấp Văn hoá, Thể thao và Du lịch là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang. Trường có chức năng nhiệm vụ: Đào tạo, bồi dưỡng hạt nhân năng khiếu nghệ thuật, cán bộ làm công tác văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch bậc trung cấp; liên kết với các trường Đại học để đào tạo cán bộ văn hoá, nghệ thuật, thể thao và du lịch ở bậc học cao hơn; mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch cho đội ngũ làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh; tổ chức công tác nghiên cứu khoa học, thực hành và sáng tạo nghệ thuật.
Về công tác đào tạo, hiện nay Nhà trường đang mở 14 mã ngành đào tạo hệ trung cấp chính quy bao gồm: Thanh nhạc; Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc; Nghệ thuật biểu diễn Dân ca quan họ; Organ; Hội họa; Nhạc công kịch hát dân tộc; Biểu diễn nhạc cụ truyền thống; Nghệ thuật biểu diễn Chèo; Nhạc cụ phương Tây; Quản lý thể dục thể thao;Thể dục thể thao; Hướng dẫn du lịch; Văn thư - Lưu trữ; Thư ký văn phòng.
1.3.2. Chương trình đào tạo
Từ năm học 2016 - 2017 trở về trước, chương trình đào tạo hệ Trung cấp của Nhà trường được xây dựng dựa trên Luật giáo dục cùng với các văn bản hướng dẫn dưới luật, theo đó chương trình đào tạo hệ Trung cấp chính quy với thời gian đào tạo là 3 năm, số lượng đơn vị học trình tùy theo các chuyên ngành khác nhau nhưng cơ bản đều xấp xỉ trên dưới 100 đơn vị học trình, trong đó có những chuyên ngành đào tạo có số lượng đơn vị học trình là trên 100 như Nhạc cụ truyền thống: 105 đơn vị học trình; Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc: 110 đơn vị học trình; Nghệ thuật biểu diễn dân ca Quan họ: 117 đơn vị học trình... Tuy nhiên, sau khi thông tư 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 3 năm 2017 Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng thì Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo mới cho hệ Trung cấp chỉ còn 2 năm.
1.3.3. Công tác đào tạo ngành thanh nhạc hệ Trung cấp tại Khoa Âm nhạc và Sân khấu.
Trong các ngành đào tạo năng khiếu nghệ thuật của Khoa Âm nhạc và Sân khấu, chuyên ngành Thanh nhạc vẫn được coi là chuyên ngành có nhiều thế mạnh nhất, luôn đảm bảo công tác tuyển sinh và chất lượng tuyển sinh đầu vào. Học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường có khả năng chuyên môn vững vàng, có nhiều cơ hội việc làm, đáp ứng được nhu cầu xã hội.
1.3.3.1. Chương trình môn Hát dân ca cho học sinh thanh nhạc.
Hát dân ca là một môn học trong chương trình đào tạo Trung cấp thanh nhạc tại nhà trường. Mục đích và yêu cầu của môn học này là sau khi tốt nghiệp ra trường, học sinh có kiến thức hiểu biết về kho tàng dân ca Việt Nam, có khả năng diễn xướng một số thể loại dân ca vùng miền, góp phần vào bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo Trung cấp thanh nhạc chuyên nghiệp.
- Thông tin về môn học:
Học sinh hệ Trung cấp thanh nhạc được học môn Hát dân ca trong một học kỳ (kỳ II năm thứ nhất). Môn dân ca học 01 tín chỉ gồm 30 giờ, trong đó có 3 giờ lý thuyết, 25 giờ thực hành và 2 giờ kiểm tra. Mỗi tín chỉ sẽ kiểm tra định kỳ một lần, kết thúc học phần sẽ thi theo hình thức thực hành biểu diễn trên sân khấu.
- Mục tiêu môn học
Về kiến thức: Trang bị cho học sinh những hiểu biết về kho tàng dân ca Việt Nam, học sinh hiểu biết những đặc trưng kỹ thuật diễn xướng dân ca vùng Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (đặc biệt chú trọng đến một số làn điệu Quan họ tiêu biểu vùng Kinh Bắc).
Về kỹ năng: Kết thúc học phần, học sinh cần có được những kỹ năng: 1/ Nhận biết và phân biệt được đặc trưng dân ca các vùng, miền; 2/ Có kỹ năng hát và biểu diễn tốt một số thể loại dân ca trong chương trình học; 3/ Tạo tiền đề để học sinh tự hoàn thiện nâng cao, phát triển kỹ năng hát và phong cách biểu diễn; 4/ Vận dụng kỹ năng hát và biểu diễn vào trong các hoạt động ngoại khóa, dàn dựng chương trình biểu diễn các làn điệu dân ca.
Thái độ: Hiểu được tầm quan trọng của môn Hát dân ca trong chương trình đào tạo trung cấp nghệ thuật. Thông qua những làn điệu dân ca, môn học có khả năng bồi đắp cho học sinh thêm yêu quê hương đất nước, có thái độ trân trọng âm nhạc truyền thống, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.
- Tóm tắt nội dung môn học:
Nội dung môn học được học trong 01 học kỳ: Kỳ II năm thứ nhất/ Kiến thức cơ bản và kỹ năng hát dân ca Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Số lượng các bài hát trong chương trình môn Hát dân ca khoảng từ 10 - 15 làn điệu/ bài dân ca ba miền và dân ca các dân tộc thiểu số, mỗi thể loại dân ca thường được học 1- 2 bài. Môn Hát dân ca dạy theo hình thức tập thể: từ 15 – 20 học sinh/lớp.
- Thi, Kiểm tra
Ngoài các bài thi hết học phần và kết thúc môn học Hát dân ca, trong kỳ thi tốt nghiệp chuyên ngành Thanh nhạc, học sinh bắt buộc phải hát 1 bài dân ca Quan họ.
1.3.3.2. Phương pháp giảng dạy
Đối với môn học Hát dân ca, từ nhiều năm nay, các thầy cô dạy hát Quan họ thường áp dụng những phương pháp truyền thống mà trước đây các liền anh, liền chị cũng đã từng áp dụng để lưu giữ những tài sản quý báu của cha ông để lại, đó là những phương pháp truyển khẩu, truyền nghề.
Với cách dạy và học thụ động như trên, thầy dạy bài nào, trò biết bài đó, chính vì vậy mà không phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh.
Việc đổi mới phương pháp đào tạo kết hợp giữa “kỹ thuật thanh nhạc truyền thống” và “kỹ thuật thanh nhac cổ điển phương Tây”, trong môn Hát dân ca với 3 loại giọng Quan họ cổ (giọng vặt, giọng giã, giọng lề lối) phù hợp chắc chắn sẽ đem lại hiệu ứng tích cực từ phía học sinh. Việc giảng dạy các kỹ thuật thanh nhạc truyền thống kết hợp với kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phương Tây không những đem lại cho các em có được những kỹ thuật ca hát điêu luyện, hoàn hảo mà còn khơi dậy cho các em biết yêu và trân quý hơn giá trị của bộ môn nghệ thuật ca hát truyền thống của quê hương.
Tiểu kết chương 1
Dân ca Quan họ được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, nay là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Năm 2009, nghệ thuật hát dân ca Quan họ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận và vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cái nôi Quan họ kinh Bắc, nơi bờ Bắc và bờ Nam sông Cầu có không gian văn hóa đậm đặc. Nơi đây, nhiều thế hệ nghệ nhân, các liền anh, liền chị đã và đang lưu giữ kho tàng Quan họ cổ, bảo tồn và phát huy bền vững di sản trong đời sống hiện tại. Ngoài công tác bảo tồn giữ gìn, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang còn đặc biệt chú trọng đến công tác kế thừa và phát triển, khuyến khích các nghệ nhân lưu giữ, truyền dạy dân ca Quan họ cho thế hệ trẻ, nhằm bồi đắp tâm hồn, tình yêu quê hương đất nước, làm cho Quan họ ngày càng lan tỏa, vươn xa và có sức sống bền vững trong đời sống đương đại.
Về phía Nhà trường, để góp phần gìn giữ phát huy giá trị nghệ thuật độc đáo của quê hương trước hết, Trường cần có những điều chỉnh, bổ xung về nội dung chương trình đào tạo, tạo điều kiện thúc đẩy chất lượng đào tạo bộ môn Hát dân ca cho học sinh thanh nhạc đang theo học tại Nhà trường. Rõ ràng việc xây dựng giáo án, giáo trình cùng với phương pháp giảng dạy và luyện tập các bài hát Quan họ cổ phù hợp chính là nhiệm vụ cấp bách, có khả năng mang lại cho học sinh những kiến thức, những cảm xúc sâu sắc, những kỹ thuật cơ bản, từ đó tạo cho các em thêm nhiều hứng thú khi học bộ môn Hát dân ca. Mặc dù cách học truyền thống ở trên đem lại hiệu quả nhất định nhưng thực tiễn đã cho thấy, nếu sử dụng kỹ thuật thanh nhạc cổ điển có chọn lựa kết hợp cùng kỹ thuật hát truyền thống thì kết quả còn tốt hơn nữa. Về phía chuyên môn, đây là phương pháp mới có khả năng phát huy tối đa sự phát triển giọng hát của học sinh. Trên cơ sở khoa học, phương pháp thanh nhạc cổ điển phương Tây có thể giúp học sinh khắc phục được những nhược điểm, để giọng hát trở nên đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Đó là một trong những lý do quan trọng mà đề tài đặt ra để giải quyết và cũng chính là vấn đề mấu chốt, là cơ sở cho việc xây dựng, đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy hát dân ca Quan họ cho học sinh thanh nhạc tại Trường Trung cấp văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang sẽ được chúng tôi đề cập rõ tại chương 2 của luận văn.
Chương 2
NHỮNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY
2.1. Đổi mới nội dung chương trình môn học
Xuất phát từ thực trạng bất cập về nội dung chương trình môn học, hướng tới nâng cao chất lượng dạy môn Hát dân ca, tôi mạnh dạn đề xuất xin ý kiến điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình môn học Hát dân ca cả về thời gian và số lượng bài hát, đúng với mục đích nghiên cứu luận văn của mình “Nâng cao chất lượng giảng dạy hát dân ca Quan họ cho học sinh thanh nhạc trong Trường TCVH,TT&DL Bắc Giang”.
2.2. Kết hợp kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phương Tây với các kỹ thuật thanh nhạc truyền thống trong dạy hát Quan họ
2.2.1. Áp dụng hơi thở và mở khẩu hình để xử lý tiêu chí “Vang”
Để giúp học sinh khi hát Quan họ cổ đạt được tiêu chí “vang” mà vẫn giữ được màu sắc âm thanh đẹp, đặc trưng của lối hát dân ca. Bước đầu tiên, giáo viên cần lựa chọn một vài mẫu âm luyện thanh “Legato” và “staccato” cơ bản, kết hợp các nguyên âm a, i. ư… cho học sinh luyện thanh trước khi vào thực hành bài hát. Việc vận dụng các mẫu âm luyện thanh theo thang năm âm trước khi vào thực hành các bài hát Quan họ là rất phù hợp và hiệu quả.
2.2.2. Áp dụng kỹ thuật hát liền giọng để xử lý tiêu chí “Rền”
Kỹ thuật hát “rền” trong thanh nhạc truyền thống cũng gần giống với kỹ thuật “Legato” trong thanh nhạc cổ điển. Dù với cách hát nào cũng luôn phải vận dụng kỹ thuật hát “Legato”. Từ lối hát mới đến lối hát cổ truyền, người hát đều rất coi trọng kỹ thuật này.
2.2.3. Áp dụng kỹ thuật thanh nhạc để xử lý tiêu chí hát “Nền”
Kỹ thuật hát “nền” trong Quan họ cũng giống với kỹ thuật hát “legato” trong thanh nhạc cổ điển rất cần sử dụng đến yếu tố xử lý sắc thái to nhỏ trong các câu hát. Dù hát cao hay thấp, to hay nhỏ vẫn phải đảm bảo độ “nền” của âm thanh.
2.2.4. Áp dụng kỹ thuật thanh nhạc để xử lý tiêu chí hát “Nảy”
Kỹ thuật hát “nảy” hay còn gọi là “nảy hạt” trong Quan họ tạo nên những âm thanh vo tròn như những giọt sương li ti rất độc đáo. Đây là kỹ thuật đòi hỏi người hát phải khống chế tốt hơi thở, hát nhấn vào từng âm, kết hợp ngắt trong khi ngân các âm đều đặn, rõ tiếng.
2.3. Một số kinh nghiệm ca hát của các nghệ nhân và diễn viên Quan họ
2.3.1. Một số kinh nghiệm luyện giọng hát đẹp
Mỗi quan điểm đều được dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của các nghệ nhân và các nghệ sĩ, nhưng tựu trung lại các kỹ thuật thanh nhạc truyền thống như lấy hơi, rung hơi, nhả chữ trong hát Quan họ và trong hát cổ điển đều đòi hỏi phải có một quá trình tập luyện lâu dài, bền bỉ, cùng sự phối hợp nhuần nhuyễn với nhau giữa các liền anh, liền chị, các cặp đôi hát trong Quan họ. Các yếu tố khẩu hình, âm thanh đều phải được chú trọng như trong hát cổ điển, có như vậy giọng hát mới đạt được đến tiêu chí “Vang, rền, nền, nảy” và “Tròn vành rõ chữ”.
2.3.2. Những bí quyết giữ gìn giọng hát
Chúng tôi cũng đã có dịp thực hiện những chuyến đi điền dã tới các làng Quan họ nổi tiếng để tìm hiểu và học hỏi về bí quyết giữ gìn giọng hát của các nghệ nhân. Muốn giữ được giọng hát bền đẹp thì phải hay hát, hay tập luyện; hát ở giọng vừa phải thì giọng hát sẽ bền, hát hết ngày nọ sang ngày kia mà không bị khản cổ, luôn giữ gìn cổ họng cho ấm vào mùa Đông; mũi và miệng luôn sạch sẽ không để dính bụi, đồng thời không quên thực hiện chế độ luyện giọng có điều độ...
2.4. Thực nghiệm sư phạm.
2.4.1. Mục đích thực nghiệm
Nhằm mục đích chứng minh giải pháp áp dụng phương pháp kết hợp kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với kỹ thuật hát Quan họ truyền thống là tối ưu, chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm, nhằm kiểm nghiệm tính đúng đắn, tính khả thi và đánh giá hiệu quả của giả thuyết khoa học, đồng thời điều chỉnh và hoàn thiện các giải pháp sư phạm khi đưa một số làn điệu Quan họ cổ vào giáo trình thanh nhạc.
2.4.2. Đối tượng, địa bàn và thời gian thực nghiệm
2.4.2.1. Đối tượng thực nghiệm
Đối tượng thực nghiệm là 2 lớp chuyên ngành thanh nhạc (mỗi lớp gồm 5 học sinh hệ trung cấp 1), các học sinh có trình độ tương đương để tổ chức dạy thực nghiệm.
Nhóm 1: Đối chứng (ĐC) là nhóm không thực hiện giải pháp áp dụng và hoàn toàn dạy theo phương pháp truyền thống.
Nhóm 2: Thực nghiệm (TN) là nhóm thực hiện phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với kỹ thuật thanh nhạc truyền thống để thể hiện bài hát Quan họ.
Tiến hành thực nghiệm và so sánh kết quả của nhóm 1 và nhóm 2 để rút ra kết luận về hiệu quả của giải pháp thực nghiệm.
2.4.2.2. Địa bàn thực nghiệm
Quá trình thực nghiệm được tiến hành tại Khoa Âm nhạc và Sân khấu Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang.
2.4.2.3. Thời gian thực nghiệm
Thời gian dạy thực hành trên lớp, được thực hiện trong 6/18 giờ dạy hát Quan họ trong học kỳ II - năm thứ nhất. Ban trọng tài cho thực nghiệm gồm 2 giáo viên chuyên ngành âm nhạc và 1 thư ký trong khoa.
2.4.3. Quy trình thực nghiệm.
2.4.3.1. Xây dựng kế hoạch nội dung thực nghiệm
Dạy 3 làn điệu thuộc 3 giọng “lề lối, giọng vặt, gọng giã”.
Chương trình dạy thực nghiệm gồm 3 bài:
- Giọng Vặt: Se chỉ luồn kim
- Giọng Giã: Rẽ phượng chia loan
- Giọng Lề lối: Cái hởi cái ả
2.4.3.2. Tổ chức dạy thực nghiệm
Nhóm đối chứng học theo lối hát truyền thống. Đó là cách hát mộc, hát chủ yếu bằng giọng thật, âm thanh phát ra ngay cuống họng, và thường hát ở âm vực thấp của giọng. Cách học này cho các em có được giọng hát mộc mạc, nền nã, theo đúng phương pháp của các nghệ nhân truyền dạy.
Nhóm thực nghiệm được học cách vận dụng kết hợp cả 2 phương pháp “truyền thống” và “cổ điển”.
2.4.3.3. Đánh giá kết quả thực nghiệm.
Để đánh giá kết quả học tập của học sinh 2 nhóm, Ban trọng tài và giáo viên sử dụng thang điểm 10.
Với kết quả thực nghiệm biểu thị trong bảng 6 đã cho thấy sự chênh lệch về chất lượng (thể hiện qua điểm số) giữa 2 nhóm TN và ĐC.
Sau quá trình thực nghiệm, chúng tôi đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến của toàn bộ học sinh thuộc 2 nhóm (ĐC) và (TN). Kết quả cho thấy 100% học sinh đều có nhu cầu muốn được học theo phương pháp kết hợp kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với kỹ thuật hát Quan họ truyền thống. Các em cùng nhất trí đề nghị cần giảm số lượng bài hát dân ca các vùng miền để đưa một số làn điệu dân ca Quan họ phù hợp vào chương trình giảng dạy.
Rõ ràng, việc sửa đổi, bổ sung và đưa một số làn điệụ Quan họ ở cả 3 loại giọng (giọng vặt, giọng giã, giọng lề lối) vào trong chương trình đào tạo môn Hát dân ca đối với học sinh thanh nhạc trong nhà trường là rất cần thiết vào lúc này. Có như vậy những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy hát dân ca Quan họ được đề xuất trong luận văn mới có điều kiện để thực thi.
Tiểu kết chương 2
Thực tế cho thấy, các kỹ thuật hát “vang, rền, nền, nảy” hay các tiêu chí “tròn vành rõ chữ” chính là mục tiêu mà các liền anh, liền chị Quan họ luôn để tâm đến. Tuy nhiên, để nâng thêm một bước lên tầm cao mới, các kỹ thuật trên đây rất cần có sự hỗ trợ của một số kỹ thuật thanh nhạc cổ điển như cách sử dụng khoảng vang; vấn đề về hơi thở và xây dựng cột hơi; sử dụng các mẫu luyện thanh để khởi động giọng v.v… Đương nhiên, cần biết vận dụng nhưng tuyệt đối không được lạm dụng. Nếu câu nệ một cách thái quá theo phong cách hát cổ điển dễ khiến cho tình trạng hát không rõ lời hoặc méo mó đi những cảm xúc tạo nên vẻ đẹp của giai điệu hay những giá trị đặc hữu của dân ca Quan họ có thể xẩy ra. Tóm lại, vận dụng sự kết hợp giữa kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với lối hát Quan họ cổ truyền là cần thiết song phải đảm bảo tính hợp lý. Có như vậy mới giúp cho các làn điệu Quan họ thêm sức sống mới, sự bay bổng trong cuộc sống đương đại.
Những giải pháp mà đề tài đã đặt ra nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, một mục tiêu quan trọng mà đề tài hướng đến đã được kiểm chứng qua quá trình thực nghiệm tại nhà trường. Kết quả thực nghiệm đã được các đồng nghiệp đánh giá cao, đa số học sinh đều yêu thích bởi nó có thể giúp cho các em chủ động hơn khi xử lý các bài hát Quan họ cũng như phát huy những khả năng sáng tạo cá nhân của từng học sinh. Tuy nhiên những giải pháp đề xuất muốn được áp dung cần phải có sự đồng thuận của lãnh đạo Nhà trường cũng như của Khoa. Có như vậy các giải pháp mới có điều kiện thực thi và áp dụng rộng rãi trong tất cả các lớp học Hát dân ca tại nhà trường.
KẾT LUẬN
Rõ ràng kỹ thuật ca hát truyền thống là viên ngọc quý của cha ông để lại, rất cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, nhất là trong thời điểm hiện nay.
Vậy làm sao để có thể vừa đảm bảo vừa giữ gìn vừa phát triển được những giá trị độc đáo riêng của lối hát này?. Đó chính là một nhiệm vụ cấp thiết vừa mang tính lý thuyết vừa mang tính thực tiễn. Cùng với sự trang bị cho học sinh những kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phương Tây bao gồm kỹ thuật phát triển giọng hát, hơi thở, âm khu, âm vực, âm sắc, các kỹ thuật hát liền giọng, hát âm nảy, hát nhanh, hát lướt, hát rung, hát láy…, cũng cần chú trọng tới các kỹ thuật hát Quan họ truyền thống như vang, rền, nền, nảy, rung hơi, nhả chữ….
Cùng với đó, việc lựa chọn những làn điệu Quan họ hay, phù hợp để đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh thanh nhạc là điều cần thiết, bởi đây chính là điều kiện để áp dụng giải pháp kết hợp hài hòa giữa hai phương pháp thanh nhạc cổ điển và thanh nhạc truyền thống khi thể hiện các làn điệu, đồng thời đó còn là một nhiệm vụ có ý cấp thiết nhằm bảo tồn, kế thừa, phát triển vốn cổ của cha ông để lại.
KHUYẾN NGHỊ
1. Đối với cấp lãnh đạo quản lý cấp tỉnh.
- Cần đặc biệt quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát dân ca Quan họ.
- Có những chính sách hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất để khuyến khích các Câu lạc bộ hoạt động thường xuyên hiệu quả.
- Tổ chức hàng năm các festival văn hóa Quan họ, duy trì tốt các cuộc thi hát Quan họ trên sân khấu.
2. Đối với nhà trường.
- Có kế hoạch xây dựng chương trình, giáo trình hát dân ca Quan họ cho nhà trường, và xa hơn nữa cho cả các cấp văn hóa phổ thông, từ cấp tiểu học cho đến THPT của tỉnh.
- Có cơ chế đặc biệt để khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy vốn cổ. Tổ chức Câu lạc bộ Quan họ tại Nhà trường.
3. Đối với Khoa Âm nhạc – Sân khấu và các đồng nghiệp
- Chú trọng đến công tác giảng dạy và nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến âm nhạc và các loại hình nghệ thuật dân gian trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là dân ca Quan họ.
- Thường xuyên tăng tăng cường cho giáo viên và học sinh lớp dân ca Quan họ đi thực tập, thực tế tại các làng Quan họ cổ, để có nhiều cơ hội gặp gỡ các nghệ nhân và học thêm những làn điệu cổ, những kỹ thuật ca hát của từng làng.
- Các buổi thi cuối học kỳ của các lớp dân ca, cần duy trì hình thức đệm bằng dàn nhạc dân tộc, không sử dụng các loại đàn điện tử.
- Có kế hoạch thu thanh các bài hát Quan họ, in thành đĩa CD để làm tài liệu cho học sinh tham khảo và lưu giữ trong thư viện nhà trường.
- Thường xuyên nâng cao đổi mới chương trình giảng dạy, đảm bảo tính khoa học.