MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ngay sau khi Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập năm 1956 (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), bộ môn guitar đã được đưa vào giảng dạy.Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, các thế hệ nghệ sĩ giảng viên tiền bối đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển của chuyên ngành… Trong những thập kỷ đầu tiên, các nghệ sĩ giảng viên như: Tạ Tấn, Phạm Ngữ, Hải Thoại, Phạm Văn Phúc..., cũng đã tự biên soạn nhiều sách học guitar cũng như chuyển soạn nhiều tác phẩm từ các làn điệu dân ca phục vụ cho công tác giảng dạy của trường.
Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ giảng viên đàn guitar được đào tạo và tốt nghiệp ở nước ngoài đã mang về nhiều giáo trình và phương pháp giảng dạy guitar của thế giới đã khiến cho chất lượng giảng dạy đàn guitar được nâng lên rõ rệt. Trong đó, một số giáo trình dạy đàn guitar của một số tác giả đã được sử dụng chính thức trong các trường đào tạo tại Nga (Liên Xô cũ) như: Agaphoshin (Nga - Liên Xô): Sách dạy Guitar sáu dây (NXB Musica – Moskva 1990); Ivanov-Kramskoy (Liên Xô): Sách dạy Guitar sáu dây (NXB Musica – Moskva 1979); Emilio Pujol (Tây Ban Nha): Sách dạy guitar sáu dây (sách do Liên Xô xuất bản, NXB Sovetsky Compositor, Moskva 1983). Ngoài ra có một số giáo trình dạy đàn guitar của một số tác giả được sử dụng tham khảo như: Laritchev (Liên Xô): Tự học guitar sáu dây; Powrozniak (Ba Lan): Sách dạy guitar và guitar Hawai (NXB PWM EDITION 1975).
Trong giai đoạn hiện nay, việc giảng dạy guitar cần hòa nhập phát triển mới trong khoa học sư phạm, cập nhật tiếp thu kịp thời những kiến thức, đồng thời kế thừa và phát triển phương pháp dạy học đàn guitar mới trên thế giới đã và đang phát triển trong những năm qua. Một vấn đề mới nảy sinh trong giảng dạy guitar bậc Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là các giảng viên cần thuyết trình cho học sinh về các vấn đề thuộc lý thuyết chuyên ngành và đồng thời đưa các vấn đề lý thuyết vào trong các hoạt động thực hành trong học tập đàn guitar. Trên thực tế giảng dạy guitar tại Học viện những năm qua, các thầy chủ yếu đi sâu vào phương pháp thực hành, truyền nghề mà còn chưa chú trọng tới sự thuyết trình giảng giải về các vấn đề thuộc lĩnh vực lý thuyết chuyên ngành trong các tác phẩm guitar. Chính vì vậy, luận văn đi sâu nghiên cứu về phương pháp kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trong giảng dạy đàn guitar nhằm tạo nên sự tích cực và sáng tạo trong quá trình học tập của học sinh. Đây chính là trăn trở trong quá trình giảng dạy và cũng là gợi mở để tôi nghiên cứu và lựa chọn Đề tài “Kết hợp phương pháp lý thuyết và thực hành trong giảng dạy guitar bậc Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam” làm nội dung nghiên cứu của Luận văn.
2. Lịch sử nghiên cứu
Trong những năm qua ở Việt Nam, những công trình nghiên cứu khoa học về phương pháp giảng dạy đàn guitar đã xuất hiện ở dạng luận văn, luận án và sách chuyên khảo hoặc tuyển tập tác phẩm. Tuy nhiên, những sách đã được công bố tại Việt Nam đề cập tới phương pháp đào tạo, giảng dạy guitar còn chưa có nhiều.Điều đáng mừng là trong những năm gần đây đã xuất hiện các luận án Tiến sĩ của một số giảng viênHọc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong đó đề cập tới lĩnh vực giảng dạy đàn guitar như:
- TS. Nguyễn Thị Hà: Luận án “Vấn đề giảng dạy các tác phẩm guitar Việt Nam cho học sinh bậc trung cấp dài hạn” (năm 2007),bảo vệ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – lưu trữ tại Trung tâm thông tin và Thư viện âm nhạc HVANQGVN. Trong Luận án, tác giả phân tích một số kỹ thuật cơ bản xuất hiện trong những tác phẩm Việt Nam và phương pháp áp dụng trong giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
- TS. Cao Sĩ Anh Tùng: Luận án “Nghệ thuật guitar đương đại nửa sau thế kỷ XX trong đào tạo guitar tại Việt Nam” (năm 2015),bảo vệ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – lưu trữ tại Trung tâm thông tin và Thư viện âm nhạc HVANQGVN. Luận án trình bày về các phong cách guitar đương đại, quá trình phát triển nghệ thuật biểu diễn guitar chuyên nghiệp ở Việt Nam; từ đó đề ra một số biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy guitar trong giai đoạn hiện nay.
- TS. Nguyễn Văn Phúc: Luận án “Sự phát triển đào tạo guitar chuyên nghiệp tại Việt Nam” (năm 2015),bảo vệ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – lưu trữ tại Trung tâm thông tin và Thư viện âm nhạc HVANQGVN. Luận án nêu bật tầm quan trọng của hệ thống phát triển kỹ thuật guitar trong đào tạo guitar chuyên nghiệp ở Việt Nam; Trong đó nhấn mạnh đến sự kết hợp lối chơi kỹ thuật của phương Tây với đặc điểm cơ thể người Việt Nam, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể, toàn diện nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình, phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, kết hợp giữa đào tạo guitar quốc tế với tư duy giảng dạy của người Việt Nam. Mục tiêucủa luận án là giúp học sinh tiếp cận nhanh hơn nữa trình độ guitar chuyên nghiệp trên thế giới để tiếp thu, học hỏi và phát triển nghề nghiệp.
Những công trình khoa học nói trên đã gợi ý và giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong quá trình viết luận văn.
Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, việc kết hợp phương pháp lý thuyết và thực hành trong giảng dạy guitar bậc Trung cấp là yêu cầu thực tế và cấp thiết. Đây chính là trăn trở trong quá trình giảng dạy và cũng là gợi mở để tôi nghiên cứu và lựa chọn Đề tài “Kết hợp phương pháp lý thuyết và thực hành trong giảng dạy guitar bậc Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam” làm nội dung nghiên cứu của Luận văn. Với nội dung như vậy, đề tài không trùng lặp với các công trình đã xuất bản ở trong và ngoài nước.
3. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu chính của Luận văn là sự kết hợp giữa phương pháp lý thuyết và thực hành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giảng dạy guitar bậc Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Thông qua trình bày, đánh giá, so sánh,luận văn tìm ra những ưu, nhược điểm đang tồn tại trong chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, kiểm tra đánh giá. Đồng thời, tác giả luận văn còn có mong muốn kết hợp những thành tựu guitar trên thế giới với đặc điểm, văn hóa người Việt Nam để xây dựng nên các phương pháp khoa học, mang tính thực tiễn với sự kết hợp giữa phương pháp lý thuyết và thực hành trong đào tạo giảng dạy guitar bậc Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1.Đối tượng nghiên cứu
- Sự kết hợp giữa phương pháp lý thuyết và thực hành trong giảng dạy đàn guitar.
- Phương pháp giảng dạy guitar ở Việt Nam: Chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, kiểm tra đánh giá.
4.2.Phạm vi nghiên cứu
- Các phương pháp và Giáo trình guitar đã và đang được giảng dạy học sinh bậc Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ năm 1956 cho đến nay.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Phân tích, đánh giá, thu thập tài liệu giảng dạy, tổng kết kinh nghiệm và đối chiếu, chất lượng học sinh.
- Phương pháp thực nghiệm: Kiểm chứng. đối chứng, so sánh, đúc kết từ quá trình giảng dạy.
- Phương pháp khảo sát: Tập hợp ý kiến của học sinh guitar bậc trung cấp về thực trạng giảng dạy tại bộ môn.
6. Ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu:
- Kết hợp phương pháp đào tạo, giảng dạy guitar quốc tế với những đặc điểm riêng của người Việt Nam để đưa ra những giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng, phương pháp giảng dạy guitar bậc Trung cấp; đóng góp vào công tác đào tạo, giảng dạy guitar bậc Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
- Đóng góp về phương pháp kết hợp lý thuyết và thực hành trong lĩnh vực đào tạo guitar bậc Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
- Tổng hợp, hệ thống các phương pháp trong các giáo trình đào tạo, giảng dạy guitar, cập nhật kiến thức guitar chuyên nghiệp thế giới trong lĩnh vực lý thuyết và thực hành phục vụ giảng dạy guitar bậc Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phù hợp đặc điểm bản sắc văn hóa Việt Nam.
7. Bố cục Luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận văn gồm có 2 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực trạng giảng dạy guitar tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Chương 2: Một số giải pháp giảng dạy Kết hợp phương pháp lý thuyết và thực hành.
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY GUITAR TẠI HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
1.1.Cơ sở lý luận chung về giảng dạy guitar
Hòa nhập với sự phát triển chung trên thế giới về phương pháp sư phạm đàn guitar, chương 1 của luận văn nghiên cứu về một số vấn đề trong lĩnh vực lý luận, lý thuyết - thực hành, nhằm đổi mởi phương pháp giảng dạy guitar đối với các giảng viên của chuyên ngành và nâng cao chất lượng đào tạo học sinh bộ môn guitar trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
- Khái quát về phương pháp giảng dạy guitar
Dạy và học đàn guitar mang tính đặc thù của một chuyên ngành, dưới sự hướng dẫn của thầy, người học nắm bắt kỹ năng, kiên trì, nhẫn nại, khổ luyện hàng ngày, nhằm đạt được kỹ năng, kỹ xảo, hoàn thiện, thể hiện và chủ động sáng tạo những sắc thái trong nhiều thủ pháp xử lý tác phẩm, có khả năng biểu diễn phong phú, đa dạng những thể loại âm nhạc khác nhau viết cho đàn guitar.
Trong phương pháp giảng dạy guitar tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam những năm qua, phần lý thuyết cơ bản chủ yếu dựa vào chương trình giảng dạy của Khoa Kiến thức âm nhạc, phần lý thuyết chuyên ngành cũng đã được các giáo viên chuyên môn đề cập trong tiết học; nhưng vì điều kiện thời gian có hạn nên đôi khi cũng chưa được truyền đạt một cách hệ thống.Trong khi đó, những kiến thức thuộc lý thuyết âm nhạc nói chung vẫn chưa đáp ứng đầy đủ và cụ thể cho học sinh học tập, thực hành trên đàn guitar.Những phương pháp giảng dạy tại bộ môn hiện nay chủ yếu là phương pháp một Thầy một trò; phương pháp kinh nghiệm, truyền ngón truyền nghề, mang tính bắt chước lặp lại một cách thụ động, cho nên có thể nói rằng: Thực chất của việc dạy đàn vẫn chưa đề cao việc tiếp thu thông qua trí tuệ mà chỉ dừng lại ở các hành động hay hiện tượng cụ thể giữa Đàn với Đàn, tính khoa học và logic trong việc dạy và học vẫn chưa được coi trọng. Những vấn đề liên quan đến lý thuyết như những bài tập về cơ thể học; tâm lý học; sinh lý học để giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, kỹ năng còn hạn chế và chưa được triển khai trong giảng dạy.
Những năm trước đây, phương pháp kết hợp lý thuyết với thực hành trong giảng dạy guitar trên lớp của các giảng viên ở Việt Nam tuy đã được thực hiện, nhưng thời gian dạy lý thuyết, đặc biệt là lý thuyết thuộc phạm vi đàn guitar còn khá ít. Vì vậy, học sinh đôi khi chưa hiểu sâu sắc cơ sở khoa học. Đồng thời, đối với các giảng viên cũng như sinh viên tại Bộ môn guitar của Học viện Âm nhạc còn chưa đề cao tầm quan trọng giảng dạy lý thuyết trong đào tạo đàn guitar ở mỗi tiết học.
- Khái niệm Lý thuyết và thực hành
- Lý thuyết học đàn guitar là những kiến thức làm nền tảng cho các bước học và thực hành guitar.Đó là các kiến thức về phương pháp học đàn, phương pháp trình diễn. Phương pháp kiểm tra đánh giá và phương pháp tư duy logic trong luyện tập. Nguồn gốc, xuất xứ của các bản nhạc, những phương pháp thực hành đúng các kỹ thuật cơ bản và nâng cao để đạt được kết quả tối ưu trong biểu diễn.
- Nhóm lý thuyết cơ bản đàn guitar
+ Cấu tạo đàn guitar, bộ phận liên quan đến phát âm thanh, phổ âm của đàn guitar qua thể hiện trên cần đàn và so sánh với đàn Piano. Tư thế ngồi, tư thế giữ đàn, kỹ thuật bàn tay phải, kỹ thuật bàn tay trái.
+ Cách đọc bản nhạc và truyền tải bản nhạc trên đàn guitar, các ký hiệu thuộc về âm nhạc liên quan đàn guitar, Các bài tập luyện gamme, Các bài tập luyện ngón (Etudes), Tiểu phẩm, tác phẩm trong các điệu thức trưởng, thứ.
- Nhóm lý thuyết nâng cao đàn guitar
+ Nhóm lý thuyết thao tác kỹ thuật thực hành đàn guitar
+ Nhóm lý thuyết những đặc điểm, cấu trúc phong cách, thể loại âm nhạc với đàn guitar qua các thời kỳ: Phục hưng (Renaissance) 1500 – 1610 ; Tiền cổ điển (Baroque) 1610 – 1750 ; Cổ điển (Classical) 1750 – 1820; lãng mạn (Romantic) 1820 – 1900, hiện đại và đương đại (Modern and Contemporary) 1900 đến nay.
* Thực hành đàn guitar
- Thực hành đàn guitar là luyện tập những bài tập, đoạn nhạc hay bản nhạc có sử dụng những yêu cầu kỹ thuật guitar.Thực hành luôn đóng một vai trò quan trọng, quyết định đến kết quả của việc học đàn.
+ Các bước thực hành cơ bản: Thị tấu và giữ nhịp phách, thao tác các kỹ thuật gảy dây đàn, kỹ thuật bấm phím đàn. Thể hiện tác phẩm âm nhạc thông qua các hoạt động trả bài, thuộc bài, thi giữa kỳ, thi cuối học kỳ và biểu diễn.
+ Nhóm bài tập luyện tập kỹ thuật cơ bản: Kỹ thuật gảy móc dây, ép dây, Kỹ thuật rải hợp âm, gảy hợp âm chụm, gammes 1 quãng 8 từ 1-4 dấu hóa, Etudes, các tiểu phẩm ngắn hình thức 1- 2 đoạn đơn hay các trích đoạn hoặc 1 chương trong các tổ khúc.
+ Nhóm bài tập thực hành nâng cao:
Một số các bài tập kỹ thuật nâng cao tổng hợp các loại kỹ thuật, mở rộng các thế tay, gamme 2-3 quãng 8 với 4 dấu hóa trở lên, kỹ thuật luyến láy kỹ thuật chặn ngón, một số kỹ thuật nâng cao khác, các bài tập luyện ngón liên quan. Các tác phẩm hình thức lớn như Biến tấu, sonate, concerto. Các bản nhạc liên quan.
- Vấn đề kết hợp phương pháp lý thuyết và thực hành trong giảng dạy guitar
Thực hành củng cố, bổ sung, làm vững chắc thêm các kiến thức lý thuyết. Trong thực hành, luyện tập, người ta nhấn mạnh tới việc lặp lại với mục đích học thuộc những "đoạn thông tin” đã học và làm cho việc sử dụng kỹ năng được thực hiện một cách tự động, thành thục. Chính vì vậy, trong thực hành, người ta không chỉ nhấn mạnh vào việc học thuộc mà còn nhằm áp dụng hay sử dụng một cách thông minh các tri thức để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Do đó, một số yếu tố chỉ ra làm thế nào các lý thuyết về chuyên môn liên quan đến khái niệm thực hành có chủ ý, được giải thích đầy đủ về chuyên môn mà các nhạc sĩ cần nắm vững. Thực hành có ứng biến và phát triển chứa một số tính năng có lẽ trực tiếp mâu thuẫn với thực hành hiệu quả và có chủ ý. Một khi đã nắm rõ về các lý thuyết chuyên môn, học sinh sẽ dễ đi tới những sự phát triển, sáng tạo, có một mối quan hệ với quá trình khám phá và tạo nên âm nhạc với sự độc lập và tự chủ của sinh viên.
1.1.3.1. Kỹ thuật rải hợp âm (Arpeggio) - Cài ngón (planting)
Arpeggio tiếng Ý có nghĩa là “chơi theo kiểu đàn Harp”. Đây là một kiểu chơi đặc trưng và rất hiệu quả trong diễn tấu đàn guitar. Khi rải hợp âm, thay vì chơi đồng thời các nốt trong 1 hợp âm, người ta chơi từng nốt một nối tiếp nhau. Thường thì ngón p sẽ gảy nốt ở phách mạnh của nhịp (phách đầu nhịp), các ngón còn lại i,m,a tiếp tục gảy lần lượt như chỉ dẫn. Kỹ thuật rải hợp âm thường được chơi móc dây.
CHƯƠNG 2
MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG GIẢNG DẠY GUITAR BẬC TRUNG CẤP
2.1. Giải pháp thuyết trình, giảng giải kỹ thuật và thể hiện âm nhạc
Trong các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy đàn guitar thì giải pháp thuyết trình, giảng giải về lý thuyết cho học sinh mặc dù đã ra đời từ lâu nhưng vẫn rất cần duy trì và nhân rộng để phục vụ cho việc luyện tập trên cây đàn của học sinh.
2.1.1. Giải pháp về vấn đề kỹ thuật guitar
2.1.1.1. Thuyết trình, giảng giải cho học sinh về những đặc điểm trong thao tác thực hành kỹ thuật
Đối với bất kỳ lĩnh vực chuyên môn nào trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, cụ thể ở đây là lĩnh vực đàn guitar, muốn đạt được kết quả cao trong trình diễn thì một trong những yếu tố quan trọng là các nghệ sĩ phải nắm được những nguyên lý cơ bản trong thao tác các kỹ thuật chuyên nghành, từ đó mới luôn làm chủ và giải phóng được các kỹ thuật để có cơ hội sử lý và thể hiện được âm nhạc của tác phẩm. Lịch sử phát triển đàn guitar đã trải dài trong nhiều thế kỷ và một sự thật hiển nhiên là càng về sau này, các kỹ thuật diễn tấu ngày càng phong phú và ngày một hoàn thiện hơn. Bài toán đặt ra là các giảng viên có sẵn sàng và cầu thị trong việc tiếp cận với việc thay đổi và cập nhật những phương pháp mới này trong giảng dạy hay không, từ đó mới có cơ sở để thuyết trình, giảng giải về những kiến thức khoa học mới của các kỹ thuật guitar cho học sinh sinh viên. Theo quan điểm chủ quan của cá nhân tôi thì tùy theo mức độ hoàn cảnh cụ thể trong mỗi tiết học chuyên môn, giảng viên cần dành ít nhất 1/3 thời gian trong tổng thời gian của tiết học cho việc thuyết trình và giảng giải về các nguyên lý thực hành cơ bản cũng như các vấn đề lý thuyết liên quan tới các đặc điểm cấu trúc và phong cách âm nhạc... từ đó, các em học sinh mới có một cái nhìn xuyên suốt để áp dụng trong các phương pháp thực hành biểu diễn các tác phẩm âm nhạc của mình.
A.Segovia được biết đến là một trong những nghệ sĩ guitar bậc thầy trên thế giới vào những năm thế kỉ XX, dưới đây là một ví dụ minh họa cho sự tiến triển và thay đổi trong tư thế thực hành kỹ thuật gảy dây đàn bàn tay phải.(Hình 1,2)
2.1.1.2. Nghiên cứu đối tượng học để đưa ra phương pháp riêng cho từng cá nhân
Trong phương pháp giảng dạy âm nhạc nói chung và trong lĩnh vực đàn guitar nói riêng, việc nghiên cứu đối tượng học sinh, sinh viên là việc rất quan trọng. Hơn bao giờ hết, trong phương pháp sư phạm những năm gần đây, nổi bật lên là phương pháp dạy học mới “lấy học sinh làm trung tâm”.
A. Năng khiếu bẩm sinh
Như đã nói ở trên, một trong những điều kiện không thể thiếu được trong tư chất người học sinh theo học âm nhạc chuyên nghiệp, cụ thể ở đây là học sinh bộ môn guitar, khoa A.G.O, đó là năng khiếu bẩm sinh, một sự may mắn nào đó mà người này lại có đôi tai nhạy và thính hơn người khác, đôi bàn tay của bạn A lại khéo léo và dẻo dai hơn bạn B. Nhiệm vụ đặt ra cho người thầy trong đào tạo đàn guitar là cần phân tích những mặt thuận lợi và không thuận lợi trong đặc điểm cá tính bẩm sinh của học sinh, từ đó mới đưa ra những giáo án chương trình hợp lý để có thể bù đắp những điểm khiếm khuyết cũng như phát huy tối đa khả năng bẩm sinh sẵn có của học sinh. Tất nhiên, yếu tố năng khiếu bẩm sinh chỉ là 1 trong nhiều nhân tố góp vào sự thành công của người nghệ sĩ.
a. Yếu tố hình thể:
Như ta đã biết, một trong những điều kiện để thao tác thực hành có được tiếng đàn đẹp trong guitar là yếu tố móng tay bàn tay phải. Ngoài việc chăm sóc cầu kỳ hàng ngày thông qua việc mài rũa móng thì người nghệ sĩ guitar cần có được một bộ móng tay khỏe mạnh. Phần lớn các em học sinh guitar khoa A.G.O có móng tay tốt, phù hợp với việc học guitar chuyên nghiệp nhưng bên cạnh đó, cũng có một số em không thể có móng tay hoặc hay bị gẫy vì quá mỏng hoặc bị sâu. Đây là những bất lợi và thực tế đã không ít các học sinh vì không để được móng tay nên đã bỏ cuộc giữa chừng.
Có sự khác biệt về đặc điểm cơ thể giữa người Việt Nam với các nước phương tây, nên khi học một số tác phẩm của các nhạc sĩ châu Âu, hệ thống ngón bấm tay trái của học sinh đôi khi không tương thích và phù hợp trong những trường hợp với các quãng xa hoặc chặn hợp âm, giảng viên cần hướng dẫn cho các em tìm ra những cách đặt ngón sao cho phù hợp với ngón tay của mình. Ví dụ tác phẩm Prelude in D minor dưới đây minh chứng cho điều đó.
* Ngón 1 khó giữ được khi chặn ngón 4 trên 3 nốt Đô, Mi, La trên phím 5.
b. Sự cảm nhận và khả năng thể hiện tác phẩm trong âm nhạc
Trong bất cứ một tác phẩm âm nhạc nào đều ẩn chứa những nội dung cần truyền tải cũng như ý đồ của tác giả khi sáng tác, trên thực tế thì những tác phẩm đó được cảm nhận trong mỗi cá nhân học sinh rất khác nhau. Có em học sinh thích được nghe và học những bản nhạc thời kỳ Baroque với tính chất âm nhạc phức điệu, khúc chiết nhưng cũng lại có những em học sinh có thiên hướng về những thể loại tự do, phóng khoáng, yêu thích nghe và chơi nhạc phong cách Latin. Một nhóm khác lại đam mê âm nhạc với ngôn ngữ hiện đại. Ngoài ra, sự cảm nhận âm nhạc nhanh hay chậm ở nhiều cấp khác nhau vì nó liên quan vào sự nhạy bén trong các cung bậc cảm xúc của mỗi học sinh, từ đó, người giáo viên chuyên môn cần hiểu được những thế mạnh trong âm nhạc, niềm đam mê hay những sở trường trong những thể loại âm nhạc gần cận với học sinh nhất để đưa ra những khung bài phù hợp hơn.
B. Kiên trì, tập trung trong luyện tập
Sau năng khiếu bẩm sinh thì sự kiên trì và tập trung là 2 yếu tố cực kỳ quan trọng trong phương pháp học tập và luyện tập đàn guitar, Việc đầu tư công sức trong tập đàn guitar sẽ không mang lại kết quả nếu như không có sự tập trung cao độ trong luyện tập. Trong thời đại phát triển và bùng nổ cách mạng thông tin như hiện nay thì sự tập trung lại là một thách thức lớn. Có rất nhiều sự phiền nhiễu cũng như sự ô nhiễm tiếng ồn xung quanh chúng ta; Điện thoại thông minh, Tivi, Tiếng ồn giao thông, tiếng ồn xây dựng... Vậy người giáo viên sẽ làm gì trong phương pháp sư phạm để hướng các em tập trung vào việc luyện tập? Liệu những giải pháp như tịch thu điện thoại, ngắt mạng wifi hay cấm túc trong nhà sẽ làm cho các em tập trung hơn?
a. Yếu tố lứa tuổi trong việc tiếp cận học đàn guitar
Một số các học sinh đã được tiếp cận với việc học nhạc từ rất sớm nhưng một số khác thì không được may mắn như vậy. Điều đó sẽ dẫn đến sự khác nhau trong việc thuận lợi và không thuận lợi đối với học đàn guitar của nhóm được học sớm và nhóm học muộn. Sau đây là sự khác nhau giữa hai mặt thuận lợi và không thuận lợi của 2 nhóm này:
- Nhóm tiếp cận với việc học sớm sẽ luôn có những thuận lợi như tay mềm, dễ thuộc bài, nhớ bài, dễ uốn nắn và có thể theo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng có những đặc điểm không thuận lợi như đàn có thể hơi to so với cơ thể, các ngón tay còn vụng về và chưa đủ cứng cáp, chưa có những suy luận logic trong cách luyện tập.
- Nhóm tiếp cận với việc học muộn cũng có những thuận lợi như dễ dàng cầm giữ đàn, hiểu lý thuyết nhanh, biểu cảm âm nhạc tốt hơn. Bên cạnh đó cũng có nhiều sự không thuận lợi như các ngón tay cứng, khả năng nhớ bài kém...
b. Những khả năng đặc biệt trong việc học đàn guitar
Những học sinh bao hàm cả 3 yếu tố trên đây đó là Năng khiếu bẩm sinh, Sự tập trung kiên trì trong luyện tập và cơ hội tiếp cận sớm trong việc học đàn guitar là sự mẫu mực cho việc học nhạc cụ này. Ngoài ra, cũng có những em học sinh có những khả năng bẩm sinh như nghe, ghi nhớ và phân biệt cũng như nhận biết âm thanh một cách tinh xảo và nhanh nhạy.
2.1.2. Giải pháp thể hiện âm nhạc
Như chúng ta đã biết, vượt lên tất cả thì mục đích và nhiệm vụ cuối cùng của việc biểu diễn âm nhạc nói chung và cây đàn guitar nói riêng là thể hiện và truyền tải các thông điệp về cuộc sống thông qua âm nhạc, nó cần được bộc lộ và minh chứng cho những sự việc trong nhiều hoàn cảnh và các thời kỳ khác nhau. Việc thuyết trình giảng giải cho học sinh về nguồn gốc, xuất xứ, tác giả, tác phẩm bản nhạc cũng như về cấu trúc, phong cách thể loại âm nhạc để giúp các học sinh có được kiến thức tổng thể và cái nhìn xuyên suốt. Thông qua các kỹ thuật điêu luyện được kết hợp với những tư duy khoa học trong lý thuyết của người nghệ sĩ sẽ lan tỏa, hướng người nghe cảm nhận và hiểu được những yếu tố tình cảm được truyền tải trong các tác phẩm âm nhạc.
2.2. Thuyết trình, giảng giải cho học sinh về nguồn gốc, xuất xứ, tác giả, tác phẩm bản nhạc.
Việc học sinh được học về nguồn gốc, xuất xứ, tác giả với tác phẩm về bản nhạc mà học sinh sẽ học là rất quan trọng. Nó giúp học sinh mau chóng định hướng được vào tác phẩm. Nhờ đó khả năng học thuộc tác phẩm sẽ được nâng lên.
Với một tác phẩm âm nhạc, tên tác giả là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tên tác giả chính là một trong những thông tin quan trọng nhất nói lên nguồn gốc của tác phẩm. Từ tên tác giả, giảng viên guitar bắt đầu cung cấp thêm những thông tin khác như tác giả đã sáng tác nó ở đâu, khi nào, nhằm mục đích gì...?
Niên đại của một tác phẩm âm nhạc cũng rất quan trọng đối với quá trình lĩnh hội tác phẩm của học sinh. Học sinh sẽ thả trí tưởng tượng ngược dòng thời gian về thời gian tác phẩm được sáng tác, tưởng tượng bối cảnh lịch sử và địa lý trong sự ra đời của tác phẩm. Điều này càng khiến học sinh có thêm thông tin chi tiết để nhớ đến tác phẩm. Và, khi trình tấu tác phẩm, học sinh biết rõ mình làm gì.
Nơi tác phẩm được sáng tác nhiều khi không phải là yếu tố quan trọng nhất vì tác giả có thể ấp ủ tác phẩm ở một nơi nhưng khi sáng tác lại ở một nơi khác hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tác giả sáng tác rất bất ngờ ở một nơi nào đó. Cho nên, thông tin về nơi phát tích tác phẩm cũng quan trọng và giảng viên nên cung cấp cho học sinh (nếu có).
Trở lại thông tin tác giả. Giảng viên guitar nên tìm hiểu thông tin về tác giả trước khi giao bài. Khi giao bài cho học sinh, nếu là tác giả học sinh đã được học qua, giảng viên chỉ cần điểm lại một số thông tin chính. Nhưng nếu tác giả là người học sinh học đến lần đầu thì cần thông tin càng chi tiết càng tốt.
Có những tác giả không nổi tiếng lắm nhưng cũng có những tác giả rất quan trọng với lịch sử âm nhạc thế giới. Với nhóm tác giả quan trọng, thông tin phải được nêu bật vai trò của tác giả với âm nhạc nói chung, guitar nói riêng.
Về tác phẩm, giảng viên nên cung cấp cho học sinh cái nhìn đầy đủ về hình thức, thể loại và vai trò của tác phẩm trong hệ thống tác phẩm dành cho guitar nói chung. Đó là một bài giảng nhạc ngắn nhưng đủ ý, giúp học sinh định hướng trực diện vào tác phẩm sẽ học...
Khi phân tích tác phẩm cho học sinh, giảng viên nên giới thiệu chi tiết tác phẩm từ cấu trúc tác phẩm đến hệ thống các bè giai điệu, các hợp âm đệm và tiến trình của chúng. Học sinh cũng không nên vồ vập tập ngay vào bản nhạc mà nên tìm hiểu hết thông tin nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm đó. Việc này đến đây kể như đã đạt 50% công việc vỡ bài.
Ví dụ, tác phẩm Bài ca hy vọng do Hải Thoại soạn cho guitar cổ điển từ ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Văn Ký. Giảng viên guitar cùng lúc giới thiệu đến học sinh thông tin về 2 tác giả bản soạn và tác giả bản gốc. Ngoài ra, giảng viên cũng sẽ cung cấp được cho học sinh thời gian sáng tác ca khúc gốc là năm 1958, khi đất nước còn bị chia cắt và tình hình đi đến thống nhất đang rất khó khăn.
Tác giả ca khúc gửi niềm tin vào tương lai tươi sáng, đất nước sẽ hoà bình, thống nhất và tác phẩm chính là một bài ca trữ tình lãng mạn cách mạng. Giảng viên guitar cũng nói được về hoàn cảnh ra đời của bản chuyển soạn, khi mà có một ca sĩ muốn hát bài Bài Ca Hy Vọng mà không có nhạc đệm (piano) và nhạc sĩ chuyển soạn đã đệm cho ca sĩ hát bằng cây đàn guitar cổ điển. Sau đó, nhạc sĩ chuyển soạn đã soạn lại ca khúc cho guitar độc tấu. Những thông tin liên quan khác tuỳ thực tế mà giảng viên cung cấp cho học sinh (tremolo, âm bồi...).
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Trải qua nhiều thế kỷ, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nghệ thuật nhạc đàn nói chung, cây đàn guitar tại Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí của mình trong đời sống âm nhạc chuyên nghiệp, phát huy những thế mạnh đặc thù về hòa âm, giai điệu cũng như những hiệu ứng âm nhạc rất riêng biệt và có sức truyền cảm cao trong trình tấu các tác phẩm âm nhạc nước ngoài và Việt Nam. Để có được những thành công này là sự gắn bó và đóng góp của nhiều thế hệ thầy trò, không ngừng học hỏi và nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như cập nhật, bổ sung những phương pháp giảng dạy mới, đã và đang lưu hành trên thế giới.
Như chúng ta đã biết, phương pháp kết hợp lý thuyết và thực hành đã và đang được sử dụng tại bộ môn guitar trong nhiều năm qua tại khoa A.G.O, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một số những tồn tại, bất cập trong việc cân đối số lượng trong truyền thụ các kiến thức giữa lý thuyết và thực hành cũng như việc hệ thống cơ sở lý luận trong các kỹ thuật diễn tấu và thể hiện âm nhạc còn chưa hợp lý và tản mạn. Những khó khăn vướng mắc trong xử lý các kỹ thuật của tác phẩm thường được các thầy cô thực hành mẫu nhưng cũng chưa được các giáo viên đề cập nhiều đến cách giải quyết, những cơ sở lý thuyết của những kỹ thuật đó để tìm ra căn nguyên và sâu chuỗi những yếu tố thuộc về lý luận chuyên nghành..Với việc sử dụng một khung chương trình quen thuộc đã giúp chúng ta có sự đúc kết và hiểu cặn kẽ một cách thấu đáo trong các giáo trình giảng dạy đối với học sinh, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải có sự thay đổi và cập nhật những thông tin đối với các phương pháp giảng dạy mới, vận dụng những phát minh, tinh hoa của nhân loại để phù hợp với xu thế phát triển nhanh như vũ bão của cây đàn guitar trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng hiện nay.
Việc áp dụng lý thuyết và thực hành trong các tác phẩm nước ngoài và các tác phẩm Việt Nam, đó là những phân tích chi tiết về cấu trúc, câu đoạn cũng như những chỉ dẫn về kỹ thuật, các cách thao tác thực hành trong tác phẩm để đạt được hiệu quả tối đa khi biểu diễn, đây cũng là việc cần thiết và khá phổ biến, đã và đang thịnh hành trong những sách hướng dẫn phương pháp dạy đàn guitar hiện nay trên thế giới. Việc định hướng kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh là đánh giá thành tích học tập theo quan điểm phát triển năng lực của mỗi cá nhân học sinh, từ đó sẽ có cái nhìn toàn cảnh trong sự tiến bộ cũng như sự không tiến bộ của học sinh đó. Giáo viên sẽ đúc kết và đưa ra những điều chỉnh phù hợp trong việc giao bài, truyền tải những kiến thức còn thiếu đối với từng học sinh.
Căn cứ vào kết quả của phiếu điều tra tình hình học tập của học sinh bậc trung cấp tại bộ môn guitar khoa A.G.O cũng đã phần nào phản ánh một số những tồn tại trong phương pháp giảng dạy còn khá cũ kỹ và bảo thủ, chưa có tính đột phá và cũng chưa cập nhật được nhiều những phương pháp mới trên thế giới. Điều đáng lưu ý là các kỹ thuật trong thực hành chuyên môn chưa được liệt kê chi tiết một cách bài bản, thời gian hướng dẫn và giải thích của giáo viên cho học sinh trong tiết học bằng các luận điểm, cơ sở lý luận khi thao tác thực hành các kỹ thuật và đặc biệt là việc thuyết trình giảng giải về các phong cách, thể loại âm nhạc vẫn còn ít và chưa được sắp xếp một cách khoa học.
Với sự phát triển công nghệ thông tin như vũ bão hiện nay đã giúp chúng ta có được những nguồn tài liệu vô cùng quý giá, các tác phẩm cũng như các sách hướng dẫn phương pháp thực hành đàn guitar rất phong phú và đa dạng khiến cho người giáo viên một lần nữa phải cân nhắc, chắt lọc và lựa chọn cũng như định hướng cho học sinh có được sự tinh lọc những thông tin thực sự hữu ích, cập nhật những kiến thức mới trên nền tảng hệ thống kiến thức cơ bản sẵn có, vốn đã được hình thành bấy lâu nay trong bộ môn.Tư duy logic không phải là năng lực bẩm sinh mà nó có được do quá trình rèn luyện. Chính vì vậy, ngay từ những năm đầu tiên của hệ trung cấp guitar, người giáo viên chuyên môn cần có những phương pháp rèn luyện cho học sinh có được tư duy logic trong luyện tập, những đúc kết kinh nghiệm sau mỗi buổi tập và những tích lũy đã được ghi chép sẽ giúp học sinh có thể tự giải quyết các vấn đề khó khăn và vướng mắc trong các kỹ thuật, đạt được mục đích thể hiện âm nhạc một cách tối ưu.
Một trong những giải pháp trong phương pháp giảng dạy kết hợp lý thuyết và thực hành đã được đề cập trong luận văn nhằm thúc đẩy khả năng biểu diễn cũng như mở rộng và cập nhận những kiến thức mới, tăng cường khả năng làm việc theo nhóm là những tiết học “Master Class”, sẽ tạo nên sự đua tranh trong việc thể hiện trước đám đông cũng như sự chủ động tìm tòi, chia sẻ các thông tin bổ ích liên quan tới chuyên nghành guitartrong mỗi tiết học đặc biệt này.Định hướng kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, hãy coi việc đánh giá như một phương pháp dạy học, chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức kỹ năng sang đánh giá năng lực học sinh, đề cao năng lực tư duy sáng tạo của người học cũng như đề cao phương pháp tự đánh giá, tự phê bình. Đây cũng là những điểm cần lưu ý trong những giải pháp được đưa ra của luận văn nhằm đổi mới phương pháp dạy học.
Dưới đây xin được đề xuất một số khuyến nghị như sau:
Hiện nay, bộ môn Lý Thuyết Âm Nhạc của HVANQGVN đã và đang trang bị cho các em học sinh guitar hệ trung cấp khoa A.G.O những kiến thức lý thuyết âm nhạc cơ bản, những khái niệm và ngôn ngữ chung của âm nhạc đã giúp các em học sinh có được sự tiếp cận khi học nhạc cụ nói chung và đàn guitar nói riêng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, những kiến thức Lý thuyết chuyên sâu về cây đàn guitar hay tạm gọi là môn “Lý thuyết chuyên ngành” vẫn chưa được triển khai giảng dạy. Thông qua luận văn này, chúng tôi mạnh dạn đề xuất lên ban giám đốc HVANQGVN, tạo điều kiện cho khoa A.G.O có thêm các giảng viên chuyên giảng dạy về Lý thuyết chuyên ngành cho các em học sinh khoa A.G.O. Thông qua các tiết học chuyên sâu về Lý luận thuộc về chuyên môn, các em học sinh sẽ hiểu được cặn kẽ và chi tiết hơn trong các luận điểm của các cách thực hành đúng, không mắc lỗi, từ đó sẽ đạt được thành tích cao và chuyên nghiệp trong biểu diễn đàn Guitar.
Tăng cường các hoạt động ngoại khóa, hội thảo, nói chuyện chuyên đề; đặc biệt lưu ý cập nhật các thông tin khoa học, chương trình, giáo trình guitar mới trong và ngoài nước. Các hoạt động trên phải diễn ra thường xuyên và có mục đích cụ thể, từ đó sẽ rút ra và đúc kết những kinh nghiệm bổ ích trong việc dạy và học của thầy trò bộ môn Guitar, khoa A.G.O. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong ban giám đốc HVANQGVN tạo điều kiện và khuyến khích các nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tác viết các tác phẩm độc tấu và hòa tấu cho đàn guitar, đặc biệt chú ý tới những sáng tác ở hình thức Concerto cho guitar và dàn nhạc.
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cơ quan đầu ngành trong đào tạo biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp cần đứng ra là đơn vị đỡ đầu cho các cuộc thi guitar độc tấu, hòa tấu cấp quốc gia và quốc tế. Tăng cường các hoạt động giao lưu biểu diễn với các nghệ sĩ bậc thầy nổi tiếng trên thế giới, khuyến khích các em học sinh đến dự giờ và học các buổi “Master Class” với các giáo sư, chuyên gia trong và ngoài nước.
Với đề tài nghiên cứu của mình, tôi hy vọng được đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển cây đàn guitar cổ điển. Tuy nhiên, vì trình độ và kinh nghiệm của bản thân còn nhiều hạn chế, tôi rất mong nhận được sự giúp đỡ xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa của các Giáo sư, Tiến sĩ, các Thầy cô và các bạn đồng nghiệp để luận văn được hoàn thiện và có tính khả thi.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự đóng góp nhiệt tình của các giáo sư và đồng nghiệp đã giúp tôi hoàn thành luận văn này. Qua đây, tôi cũng xin chân thành cảm ơn ban giám đốc, khoa A.G.O. đã luôn tạo điều kiện, giúp đỡ và động viên tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu luận văn.