Tác giả: Trần Quỳnh Mai
Đề tài: “Giảng dạy một số tác phẩm thanh nhạc Ý cho học sinh Trung cấp thanh nhạc tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.”
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (Thanh nhạc)
Mã số: 60210202
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phạm Phương Hoa
Ngày đăng: 30/09/2021
Toàn văn Luận văn
Tóm tắt Luận văn
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ý là nơi sinh ra nghệ thuật Opera, là quê hương của rất nhiều nhà sáng tác và nghệ sỹ biểu diễn Opera xuất sắc trên thế giới, tỷ lệ tác phẩm viết bằng tiếng Ý chiếm khối lượng lớn so với các ngoại ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức…Opera Ý có sức mạnh lan tỏa, và tầm ảnh hưởng rộng lớn đối với công chúng và các nghệ sỹ trên toàn thế giới.
Có thể thấy rằng, tiếng Việt và tiếng Ý có cùng hệ thống chữ cái latin là một lợi thế với người học. Ngôn ngữ Ý rất đa dạng và nhiều màu sắc, lúc trầm lúc bổng như một bài hát.
Về mặt phát âm, tiếng Ý gần như nhìn thế nào thì đọc như thế (trừ một số phụ âm đặc biệt). Tiếng Ý có nhiều nguyên âm phù hợp với thanh nhạc, rất thuận lợi cho việc hoàn chỉnh kĩ thuật thanh nhạc.
Với ưu điểm của việc phát âm và vốn bài dồi dào, tác phẩm thanh nhạc của Ý chiếm vị trí quan trọng trong các giáo trình thanh nhạc của các Học viện Âm nhạc và các trường Nghệ thuật ở Việt Nam. Các giảng viên khi chọn tác phẩm nước ngoài cho sinh viên thì ưu tiên hàng đầu vẫn là tác phẩm thanh nhạc Ý.
Tại khoa Thanh nhạc - Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội ( CĐNT HN), giáo trình thanh nhạc đang sử dụng hiện nay được xây dựng dựa trên giáo trình của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ( HVANQG VN) nhưng được áp dụng một cách “mềm dẻo” để phù hợp với đối tượng và mục tiêu giảng dạy của nhà trường. Trong giáo trình, các tác phẩm được viết bằng tiếng Ý chiếm số lượng lớn. Nội dung chương trình của năm trung cấp I, ca khúc tiếng Ý chiếm 60% trên tổng số bài hát nước ngoài,Trung cấp II là 50%, trung cấp III là 50%.
Tôi nhận thấy việc học thanh nhạc bằng các tác phẩm tiếng Ý rất quan trọng trong việc hoàn thiện giọng hát và phát triển kĩ thuật thanh nhạc, góp phần giúp sinh viên hoàn thiện các kĩ thuật. Ngoài ra ca từ, âm vực của các tác phẩm cũng phù hợp với âm khu giọng hát và phong cách hát của học sinh trường CĐVH NT Hà Nội.
Tuy nhiên, thực tế đào tạo của khoa cho thấy còn tồn tại những vấn đề như: Giảng viên chưa được đào tạo tiếng Ý một cách bài bản, phần lớn học sinh sau khi ra trường vẫn chưa phát âm chuẩn xác tiếng Ý; có những học sinh phát âm đúng nhưng khi hát lại chưa đạt được độ biểu cảm, duyên dáng của tiếng Ý; nhà trường gặp khó khăn trong việc tổ chức lớp học và tìm giáo viên tiếng Ý; nội dung chương trình giảng dạy chưa được sắp xếp hợp lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở một số quốc gia có nền thanh nhạc phát triển như Ý, Áo, Nga, Rumani, Hàn Quốc. Hệ trung cấp thanh nhạc như của Việt Nam được đào tạo riêng biệt tại các trường tương đương với cao đẳng – trung cấp của Việt Nam tại các địa phương.
Ở Học viện Âm nhạc quốc gia Bucuresti (Rumanni), học viên sẽ được học bốn thứ tiếng Ý, Pháp, Đức, Anh như một môn học bắt buộc trong những năm học đại học. Hệ trung cấp, học sinh được tiếp xúc với một số bản romance nhỏ bằng tiếng Đức, tiếng Ý và bắt buộc phải học một trong hai ngoại ngữ này.
Học viện Âm nhạc liên bang Nga – Gnessin, đối với hệ trung cấp, học sinh hoàn toàn sử dụng các ca khúc bằng tiếng Nga.Đối với bậc đại học, ba năm đầu, học viên sẽ phải học tiếng Ý, Đức, Pháp (thời gian là 18 tháng với môn tiếng Ý, 18 tháng sau chia đều cho tiếng Đức và Pháp).
Ở Áo, tiếng Đức là ngôn ngữ chính nên họ đưa tiếng Anh, Ý, Pháp là ngôn ngữ bắt buộc với người học thanh nhạc. Ngoài ra, họ có môn học “Nghệ thuật ngôn ngữ tiếng Đức” dành cho những người muốn hát tiếng mẹ đẻ một cách nghệ thuật.
Tại Hàn Quốc, ba ngôn ngữ chính sinh viên thanh nhạc được học là tiếng Ý, Pháp, Đức, được đưa vào chương trình học chính theo dạng tín chỉ.
Có thể thấy rằng, tại môi trường quốc tế, việc học 2 hay 3 ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết và bắt buộc với tất cả học sinh thanh nhạc. Và việc học tiếng Ý, ngôn ngữ chính của thanh nhac cổ điển luôn được đưa lên hàng đầu. Nhưng ở một số nước, những yêu cầu này chỉ bắt đầu khi học sinh bước vào hệ đại học, lúc này học sinh đã bước đầu hoàn thiện những kỹ thuật cơ bản của thanh nhạc
Đối với các trường đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam, việc học ngoại ngữ Ý, Pháp, Đức với các cấp học thanh nhạc đang bị bỏ ngỏ. Từ thực tế trên, với vai trò là giảng viên chuyên ngành thanh nhạc - mong muốn tìm tòi và nghiên cứu để nâng cao chất lượng giảng dạy một số ca khúc bằng tiếng Ýthông qua phiên âm tiếng Ý, tôi chọn đề tài:
“Giảng dạy một số tác phẩm thanh nhạc Ý cho học sinh Trung cấp thanh nhạc tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.”
2. Lịch sử đề tài nghiên cứu:
Trong lĩnh vực nghiên cứu giảng dạy về chuyên ngành thanh nhạc ở Việt Nam trước đây, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia như:
Phương pháp sư phạm Thanh nhạc (2001) - GS. NSND Trung Kiên, NXB Âm nhạc: Trong cuốn sách này, tác giả đã trình bày một hệ thống phương pháp học hát, bao gồm phần lý thuyết và phần thực hành, trên cơ sở giải thích một cách khoa học từ những nguyên tắc sư phạm thanh nhạc; cấu tạo, chức năng, vai trò của cơ quan phát âm, hơi thở trong thanh nhạc, cho đến cách phân loại giọng hát. Cuốn sách còn đề cập đến cách áp dụng các kỹ thuật thanh nhạc của cac trường phái trên thế giới vào việc dạy học thanh nhạc ở Việt Nam.
Nghệ thuật Opera (2004) - GS NSND Trung Kiên viết về định nghĩa Opera, lịch sử ra đời và sự hình thành của opera. – NXB Viện âm nhạc.
Lịch sử nghệ thuật Thanh nhạc phương Tây (2005) - N.G.Ư.T Hồ Mộ La, NXB Từ điển bách khoa. Cuốn sách nói về quá trình hình thành và phát triển phương pháp thanh nhạc Bel canto, Opera Ý; giới thiệu các nhà soạn nhạc kiệt xuất và các trường phái thanh nhạc cũng như thành tựu và tên tuổi một số ca sĩ xuất chúng.
Phương pháp dạy thanh nhạc (2008) - NGƯT Hồ Mộ La ,NXB Từ điển bách khoa: Cuốn sách giới thiệu về bộ máy phát âm, kỹ thuật cộng minh cho giọng hát, cách phát âm nguyên âm, phụ âm và các kinh nghiệm giảng dạy thanh nhạc.
Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát (2011) – PGS TS Trần Ngọc Lan, NXB Giáo dục Việt Nam. Cuốn sách là một bản tổng kết những kinh nghiệm về cách xử lý tiếng Việt trong nghệ thuật hát mới (nghệ thuật hát Bel canto). Tác giả nêu bật những đặc điểm, đặc trưng trong cấu tạo âm tiết tiếng Việt: nhiều âm đóng, ít âm mở, hệ thống thanh điệu phong phú ảnh hưởng đến cấu trúc phân câu của nhạc và hát; Một số giải pháp ứng dụng và một số bài tập nhằm góp phần nâng cao chất lượng hát tiếng Việt.
Cùng với những tài liệu khoa học đã được kể trên, chúng tôi đã tham khảo một số luận văn thạc sĩ nghệ thuật âm nhạc có đề tài liên quan đến như :
Vấn đề giảng dạy thanh nhạc tại trường đại học nghệ thuật Huế (2002) - Trương Ngọc Thắng.Luận văn viết về đào tạo thanh nhạc ở trường Đại học nghệ thuật Huế; Khái quát một số vấn đề về đào tạo thanh nhạc ở Việt Nam; Áp dụng kỹ thuật Thanh nhạc cổ điển Châu Âu trong đào tạo thanh nhạc tại trường Đại học nghệ thuật Huế.
Một số đề xuất giải pháp kỹ thuật thanh nhạc nhằm nâng cao chất lượng giọng nữ cao màu sắc ở Việt Nam (2012)-Phạm Thị Thắm: Viết về đặc điểm giọng nữ cao và giọng nữ cao màu sắc ở Việt Nam; Thực trạng đào tạo giọng nữ cao màu sắc ở Việt Nam; Một số kỹ thuật trong đào tạo giọng nữ cao màu sắc ở Việt Nam.
Đặc điểm giọng hát nam của người Việt Nam (2010)-Hà Văn Phương : Viết về đặc điểm giọng hát nam ở Châu Âu và tiêu chí xác định giọng hát nam của Việt Nam.
Giảng dạy một số Aria của A.Scarlatti tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang ( 2015) -Hoàng Thị Huệ : Viết về phong cách Opera Ý sinh ra ở Florence; và A.Scaclatti với các đặc điểm âm nhạc trong Aria của ông; Một số gợi ý về phương pháp phát âm tiếng Ý.
Tuy nhiên cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề nâng cao phương pháp giảng dạy các tác phẩm thanh nhạc Ý ở hệ Trung cấp tại trường CĐNT HN.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu:
Các tác phẩm thanh nhạc Ý trong chương trình giảng dạy thanh nhạc của hệ trung cấp thanh nhạc trường CĐNT HN
Thực trạng dạy và học các tác phẩm thanh nhạc Ý của hệ trung cấp trường CĐNTHN.
- Phạm vi nghiên cứu:
Nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập của hệ trung cấp thanh nhạc trường CĐNT HN.
4.Mục tiêu nghiên cứu:
Vận dụng phương pháp hát tiếng Ý theo phiên âm quốc tế để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong việc giảng dạy của giảng viên thanh nhạc trường CĐNT HN.
Đề xuất một số giải pháp đổi mới chương trình giảng dạy; nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập ở bậc trung cấp thanh nhạc trường CĐNT HN.
5.Phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Thu thập các nguồn tài liệu, các văn bản có liên quan, phân loại và phân tích cơ sở lý luận cho đề tài.
Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm: Khảo sát thực tế, đánh giá những thành tựu đã đạt được và những khiếm khuyết trong việc giảng dạy và học các tác phẩm thanh nhạc Ý, đổi mới phương pháp giảng dạy và giảng dạy thực nghiệm.
Phương pháp phi thực nghiệm: Thống kê, khảo sát, phỏng vấn chuyên gia, dự giờ giảng, tổng kết kinh nghiệm.
6.Đóng góp mới của đề tài:
Công trình phân tích thực trạng giảng dạy các tác phẩm thanh nhạc Ý tại trường CĐNT HN và đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng được đào tạo.
Chứng minh được một số điểm chung giữa 2 ngôn ngữ Ý và Việt Nam. Từ đó, nghiên cứu những thuận lợi, khó khăn của người Việt khi hát tác phẩm thanh nhạc Ý.
Sắp xếp lại nội dung chương trình thanh nhạc hệ trung cấp của trường CĐNT HN.
7. Bố cục luận văn:
Phần mở đầu.
Chương 1: Cơ sở lí luận và thực trạng
Chương 2: Một số giải pháp
Kết luận.
Tài liệu tham khảo.
Phụ lục 1
Phụ lục 2
Phụ lục 3
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG
1.1. Cơ sở lý luận.
1.1.1. Những đặc điểm của tác phẩm thanh nhạc Ý.
Giai điệu trong các tác phẩm thanh nhạc Ý luôn mang tính trữ tình hoặc trữ tình kịch tính, để lại dấu ấn sâu đậm trong trí nhớ người nghe. Hương vị Địa Trung Hải thẫm đẫm trong các tác phẩm thanh nhạc Ý với giai điệu sáng sủa, khỏe khoắn.
Sự hình thành và phát triển Bel canto (hát giọng đẹp) ở Ý có ý nghĩa quan trọng với lịch sử thanh nhạc cổ điển thế giới. Bel canto là kỹ thuật hát điêu luyện, giọng hát du dương, âm thanh vừa liền miết vừa hào sảng - huy hoàng, hơi thở được kiểm soát với mấu chốt là kiểu thở hoành cách mô.
Phương pháp Bel canto hình thành dựa trên những đặc điểm của ngôn ngữ Ý: âm thanh vang, các nguyên âm phát ra đầy đủ, tròn và sáng; âm thanh không méo mó và không bị “nuốt tiếng".
1.1.2. Những đặc điểm phát âm tiếng Ý.
Tiếng Ý cùng hệ Latin với tiếng Việt nên người Việt học và phát âm tiếng Ý có nhiều thuận lợi.
Tiếng Ý dựa trên hệ thống bao gồm các nguyên âm : a, e, i, o, u và các phụ âm : b, c, d, f, g, h, m, n, p, t, v ,r, s, z.
Người Ý khi nói môi hoạt động rất tích cực và linh hoạt; âm thanh vang, các nguyên âm phát ra đầy đủ, tròn và sáng; âm thanh không méo mó và không bị “nuốt tiếng giúp người nói nhả chữ rất rõ ràng, không cần cường điệu phụ âm (Vì cường điệu phụ âm sẽ làm mất đi sự liền tiếng). Vì vậy , tiếng Ý rất phù hợp để dùng trong thanh nhạc và là cơ sở để phát triển một giọng hát tốt.
Tiếng Ý về cơ bản là sự nối âm cục bộ giữa phụ âm và nguyên âm trong cùng một từ , phụ âm thứ nhất ghép với nguyên âm đằng trước, còn phụ âm thứ hai ghép với nguyên âm liền sau nó.
Nguyên âm
Nguyên âm tiếng Ý được đọc giống tiếng Việt. Phần lớn, các nguyên âm đi liền nhau được đọc tách riêng từng chữ chứ không thành nguyên âm ghép vần giống tiếng Việt. Trong tiếng Ý có 5 nguyên âm là a /a/, e /e, ɛ/, i /i/, o /o, ɔ/, u /u/. Trong đó có e và o có 2 cách phát âm( e đóng- e mở và o đóng- o mở).
Đa số các nguyên âm tuân theo qui tắc: nguyên âm rơi vào trọng âm thì là âm mở; còn nguyên âm là âm đóng nếu không rơi vào trọng âm.
Phụ âm:
Phụ âm trong tiếng Ý gồm những chữ b, d, f, m, n, p, t, v, c,g, r, s, z và những chữ ghép ch, gli,gn, ci, gh, gi, gl, sc, sci.
· Lưu ý: Trong tiếng Ý ,có một hiện tượng khá thú vị đó là phụ âm kép.Trong khái niệm tiếng Việt không có phụ âm kép , học sinh Việt Nam thường không chú ý đặc điểm này nên khi phát âm không làm rõ những từ có phụ âm kép .
Trọng âm:
Tiếng Việt là một loại hình ngôn ngữ đơn lập nên vấn đề trọng âm không được nhắc đến và nghiên cứu nhiều.
Trong các ngôn ngữ đa âm tiết như tiếng Ý, phần lớn là từ có hai âm tiết trở lên nên thường có trọng âm cố định ở một âm tiết nào đó.
Khi phát âm người Ý rất chú trọng đến trọng âm, các thành phần trước và sau trọng âm đều đọc lướt.
1.1.3. Những thuận lợi và khó khăn của người Việt Nam khi phát âm tiếng Ý.
Thuận lợi :
Thứ nhất, tiếng Ý và tiếng Việt đều sử dụng bảng chữ cái Latin để phiên âm, gần như hầu hết các âm trong tiếng Ý đều có thể có những âm tương đương trong hệ thống phát âm tiếng Việt.
Trong tiếng Ý các nguyên âm: a, e, i, o, u đều được phát âm gần như trong tiếng Việt.
Thứ hai, tiếng Ý là ngôn ngữ có kiểu phát âm nhẹ, không có âm gió, không phải bật hơi để nói, nên việc nghe và nói tiếng Ý của người Việt có thêm thuận lợi.
Thứ ba, tiếng Ý có cách phát âm tương đối đồng nhất với chữ viết nên khi nghe một từ người ta có thể dễ dàng đánh vần lại từng chữ cái trong từ đó.
Khó khăn:
Thứ nhất, Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết. Về mặt ngữ âm , mỗi tiếng là một âm tiết, là một yếu tố có nghĩa. Nhưng tiếng Ý là ngôn ngữ đa âm tiết, một từ có thể có từ một đến sáu hay bảy âm tiết.
Thứ hai, vấn đề trọng âm cũng là một trong những khó khăn của người Việt khi học tiếng Ý. Người Việt ít có khái niệm về trọng âm, thanh điệu trong tiếng Việt tự nó đã tạo ra ngữ điệu mà người nói không cần cố gắng tạo ra.
Trong khi đó, từ trong tiếng Ý là từ đa âm tiết nên người nói không những phải phát âm chuẩn mà còn phải đọc sao cho đúng trọng âm của từ, để tránh hiểu sai nghĩa của từ.
Thứ ba, tôi nhận thấy học sinh luôn gặp khó khăn khi phát âm hai phụ âm “r”, “l”. Trong tiếng Việt hai phụ âm này luôn đứng ở đầu từ nhưng trong tiếng Ý không chỉ xuất hiện ở đầu mà còn xuất hiện ở giữa hay ở cuối từ nên rất dễ bị bỏ qua.
Thứ tư, học sinh thanh nhạc của trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội phần lớn đều đến từ các vùng miền khác nhau sẽ có ảnh hưởng nhất định từ tiếng địa phương về cách phát âm .
1.2. Thực trạng giảng dạy của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội:
1.2.1. Vài nét về Trường Cao đăng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội (CĐVHNTHN) và Khoa Thanh nhạc:
Trước khi đổi tên thành Trường CĐNTHN, trường có tên là Trường Âm nhạc Hà Nội (1967-1984) và Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội (1985- 1995). Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng học sinh các bộ môn nghệ thuật ở trình độ cao đẳng phục vụ cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật của Thủ đô.
Với hơn 1.300 sinh viên đang theo học 21 chuyên nghành, 120 giảng viên cơ hữu, hơn 100 giảng viên thỉnh giảng, những năm qua, nhà trường luôn có những bước đi sáng tạo, phù hợp với yêu cầu của Thủ đô trong công tác phát triển phong trào Văn hóa - Nghệ thuật.
Khoa Thanh nhạc là một trong những khoa mũi nhọn, tạo nên thương hiệu của trường CĐVHNTHN. Với tổng số 220 học sinh- sinh viên, chiếm số lượng lớn trong toàn trường, mục tiêu đào tạo chuyên nghành thanh nhạc của trường là đào tạo đội ngũ đội ngũ ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô cũng như cả nước.
Đội ngũ giảng viên được đào tạo chính quy về chuyên nghành thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội. Các giảng viên đều có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và hoạt động biểu diễn. Số lượng gồm 10 giảng viên, trong đó có 5 thạc sĩ chiếm tỷ lệ 50% và 5 cử nhân chiếm tỷ lệ 50%. Ngoài ra, khoa thanh nhạc luôn có trên dưới 10 giảng viên cộng tác viên là những nghệ sĩ tên tuổi của Thủ đô.
1.2.2. Chương trình giảng dạy:
Hiện nay, Hệ trung cấp 3 năm đã có giáo trình thanh nhạc được xây dựng chủ yếu dựa trên cơ sở giáo trình của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, trong giáo trình đã có những ca khúc nhạc nhẹ của Việt Nam và Quốc tế, những ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại.
Số lượng tác phẩm thanh nhạc bằng tiếng Ý trong giáo trình của khoa Thanh nhạc nhìn chung đã đáp ứng yêu cầu về kĩ thuật cơ bản thanh nhạc đối với học sinh hệ trung cấp.
Dựa trên giáo trình, giảng viên thường tự ý xây dựng cho mình một chương trình giảng dạy dựa vào năng lực của học sinh và mang tính thử nghiệm, sự linh hoạt của cá nhân giảng viên trong quá trình giảng dạy.
1.2.3 Phương pháp giảng dạy.
Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên đều sử dụng phương pháp thuyết trình và thị phạm hướng dẫn học sinh.
Giảng viên giao bài về nhà học sinh tự tập luyện. Buổi học sau, học sinh trả bài, giảng viên chỉnh sửa, nhận xét và bổ sung những chỗ chưa chính xác, đồng thời tiến hành hướng dẫn học sinh tiếp thu kiến thức mới.
Hiện nay, phương pháp giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc theo quy trình như sau:
- Luyện thanh và tập hơi thở: 15 phút / 1 học sinh.
- Hướng dẫn học tác phẩm thanh nhạc (vỡ bài, hướng dẫn kỹ thuật, xử lý sắc thái, …) 30 phút / 1 học sinh.
Tuy nhiên, một số giảng viên vẫn chưa có sự thống nhất trong phương pháp phát âm tiếng Ý vì 100% giảng viên đều chưa từng học tiếng Ý một cách bài bản. Một số giảng viên thụ động, ít tìm hiểu về phương pháp phát âm tiếng Ý.
Để tìm hiểu về phương pháp giảng dạy các ca khúc tiếng Ý, chúng tôi đã dự giờ, lắng nghe, thu thập và đưa ra một vài nhận xét đối với phương pháp khi lên lớp của một số giảng viên và cộng tác viên trong khoa thanh nhạc, tôi nhận thấy:
- Vẫn chưa có sự thống nhất, chuẩn hóa trong việc hướng dẫn phát âm các ca khúc tiếng Ý.
- Trong khi giảng dạy, đa phần các giảng viên chưa chú trọng đến việc phát âm tiếng Ý.
- Học sinh không hiểu ý nghĩa của từng câu hát và học sinh không thể hiện được chính xác sắc thái của bài hát.
- Các giảng viên nghiêng nhiều về phương pháp thị phạm khi hướng dẫn mà ít sử dụng phương pháp thuyết trình. Học sinh sẽ thụ động bắt trước máy móc cách hát và cả những hạn chế của thầy.
-Việc để học sinh nghe ca khúc qua băng đĩa trước khi vỡ bài hoặc giảng viên vỡ bài theo cách truyền khẩu dẫn đến việc học sinh ỷ lại, không xây dựng được cho mình phương pháp tự học.
1.2.4. Khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh :
Học sinh đến từ nhiều vùng miền là một khó khăn không nhỏ, bởi lẽ ở mỗi vùng miền, học sinh lại nói theo những giọng khác nhau, điều kiện tiếp xúc với âm nhạc, mặt bằng trình độ và khả năng nhận thức của học sinh có sự khác biệt.
Đối với học sinh ở thành phố lớn như Hà Nội, các em có điều kiện học ngoại ngữ, được tiếp xúc với âm nhạc trong và ngoài nước và việc phát âm chuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu và thực hành các tác phẩm nước ngoài.
Với những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, do môi trường ít được tiếp xúc với các thể loại thanh nhạc cổ điển như Aria, Romance nước ngoài, sang năm học thứ hai học sinh mới định hình và trang bị cho mình một số kiến thức sơ lược .
Chương trình ngoại ngữ ở các trường phổ thông Việt Nam chỉ đề cao học ngữ pháp và xem nhẹ việc phát âm - giao tiếp. . Khi học hát các ca khúc tiếng Ý thì học sinh phải tiếp xúc với một ngôn ngữ hoàn toàn mới (khác biệt với tiếng Anh) và phải phát âm chuẩn như như người Ý đã tạo những khó khăn nhất định với học sinh và giảng viên.
Tiếng địa phương cũng là một trở ngại, cần có thời gian để học sinh chỉnh và sửa theo cách phát âm chuẩn của người Hà Nội.
Đa số học sinh theo học chuyên nghành Thanh nhạc đều có chất giọng khá tốt. Các em luôn ý thức được tầm quan trọng của việc học các ca khúc tiếng Ý.
Ngoài ra, vẫn tồn tại trong một số học sinh là học mang tính đối phó, ý thức tự học, tự rèn luyện còn thấp.
1.2.5. Kết quả học tập:
Để đánh giá kết quả học tập của học sinh, tôi đã tổng hợp kết quả học tập học kì I và II năm học 2019-2020 đối với học sinh trung cấp thanh nhạc có bài thi là ca khúc tiếng Ý. Tôi nhận thấy số lượng ca khúc tiếng Ý được các giảng viên chọn cho học sinh của mình luôn chiếm hơn 50% trên tổng số ca khúc nước ngoài.
Số lượng sinh viên chọn ca khúc tiếng Ý làm bài thi chuyên nghành ở học kì II có giảm ( nhưng không đáng kể ) so với học kì I. Tỷ lệ % học sinh đạt dưới điểm 8,0 có giảm và đạt điểm khá 8,5- 9,0 có tăng lên ở học kì II. Hai lớp TC I và TC II có hơn 50% đạt điểm 8,5-9,0 ở cả 2 học kì. Lớp TC III có hơn 50 % học sinh đạt trên 9 điểm ở cả 2 học kì.
Tuy nhiên, đây là điểm chấm chung cho tất cả 3-4 tác phẩm thanh nhạc dự thi của học sinh nên chưa phản ánh chính xác chất lượng của các ca khúc tiếng Ý. Điểm thi cao là nhờ sự tiến bộ về kĩ thuật thanh nhạc và phong cách biểu diễn, còn vấn đề phát âm tiếng Ý vẫn chưa được chuyển biến nhiều.
Tiểu kết chương 1:
Trong chương 1, chúng tôi sơ lược tình hình, nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành Thanh nhạc của trường CĐNT HN. Luận văn nêu rõ thực trạng giảng dạy và học tập tác phẩm thanh nhạc Ý, chỉ ra những điểm giống- khác nhau của tiếng Ý và tiếng Việt, chỉ ra nguyên tắc phát âm của tiếng Ý.
Song song với những mặt tích cực trong công tác giảng dạy còn tồn đọng những điểm cần khắc phục trong chương trình :
- Giảng viên chưa có sự đồng bộ thống nhất về các nguyên tắc phát âm tiếng Ý.
|
- Việc tìm hiểu ý nghĩa lời ca, giai đoạn ra đời chưa được quan tâm đúng mức.
- Tác phẩm thanh nhạc Ý trong chương trình sắp xếp chưa hợp lý.
|
Bên cạnh đó, chương 1 nêu khá rõ ràng trình độ nhận thức, năng khiếu, tư chất của học sinh với việc học tác phẩm thanh nhạc Ý còn nhiều hạn chế như thụ động, ỷ lại, phương pháp luyện tập mang tính đối phó, phát âm tiếng Ý chưa chuẩn xác.
Chương 2
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Chúng tôi thấy rằng người học thanh nhạc luôn phải đề cao vai trò của nguyên âm, không nên quá cường điệu phụ âm để đảm bảo âm thanh không được ngừng nghỉ và ngắt quãng( tuy vậy, phụ âm vẫn phải được phát âm đầy đủ, không được bỏ qua).
Việc phát âm chuẩn tiếng Ý là bước đầu tiên và rất quan trọng trong việc hát tác phẩm tiếng Ý. Bên cạnh đấy, sự thay đổi trong cách luyện thanh : luyện thanh với nguyên âm (Với những học sinh năm 1 hoặc học sinh có chất giọng yếu, mờ cần bắt đầu việc tập luyện với mẫu luyện thanh bằng một nguyên âm như i, e, a ,o, u; những mẫu luyện thanh này giúp học sinh ổn định khẩu hình, củng cố vị trí âm thanh và hơi thở) và luyện thanh kết hợp nguyên âm – phụ âm sẽ giúp học sinh tiến bộ.
Căn cứ vào những thực trạng đã trình bày ở chương 1, chúng tôi đưa ra một số giải pháp kết hợp với việc sử dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng học cũng như biểu diễn của các ca khúc tiếng Ý của hệ trung cấp thanh nhạc trường CĐNT HN.
2.1 Đổi mới phương pháp giảng dạy.
2.1.1.Luyện thanh.
*Luyện thanh với nguyên âm:
Tiếng Ý có các nguyên âm i, e, a, o, u được phát âm giống tiếng Việt (trong đó có hai trường hợp đặc biệt là e đóng và e mở, o đóng và o mở). Mỗi một nguyên âm có đặc điểm riêng gồm nhiều dạng khẩu hình rộng hẹp khác nhau, tròn nhiều, tròn ít, tròn to hoặc tròn nhỏ.
Với những học sinh trung cấp năm 1-2 hoặc những học sinh có chất giọng yếu, mờ nên khởi động tiết học bằng 1-2 mẫu luyện thanh với nguyên âm. Khi luyện thanh với nguyên âm, khẩu hình ổn định ( răng, môi, lưỡi không hoạt động khi hát) giúp học sinh tập trung giữ vị trí âm thanh và củng cố cột hơi. Mỗi nguyên âm khi hát đều có những thuận lợi và khó khăn như sau:
- Nguyên âm i có tính chất sáng sủa, sắc nhọn. Nguyên âm i thuận lợi đối với giọng nữ nhưng với giọng nam cần thả lỏng hàm, buông lỏng cuống lưỡi để để giải phóng âm thanh.
- Nguyên âm e tốt cho việc tập trung vị trí âm thanh ở các nốt cao. Giọng nam hát nguyên âm e thuận lợi hơn giọng nữ.
- Nguyên âm a khi hát lên âm khu cao nên đặt vị trí gọn, tròn triếng gần với nguyên âm o. Nguyên âm này có tính chất sáng - mở, nhưng khi hát ở âm khu cao dễ có âm thanh tỏa hoặc gằn cổ nếu học sinh chưa nắm vững kỹ thuật.
- Với học sinh có âm thanh “ bẹt”, giảng viên nên dùng nguyên âm o để có được âm thanh tròn, dựng. Chú ý nguyên âm o ở âm khu cao, cố gắng để nguyên âm o sáng như nguyên âm a.
- Nguyên âm u có tính chất âm thanh tốt và đóng tiếng nhưng giảng viên nên thận trọng khi sử dụng. Vì khi học sinh không giữ vững cột hơi, đẩy hơi chưa tốt hoặc môi quá chụm sẽ khiến nguyên âm u sâu và tối.
Ngoài việc hát các nguyên âm đơn lẻ, chúng tôi có những mẫu luyện thanh kết hợp hai nguyên âm với nhau, với yêu cầu bật âm thanh chính xác ở nốt đầu, giữ vị trí âm thanh bình ổn, legato từ nốt này sang nốt kia, từ cao xuống thấp.Mỗi nguyên âm có tính chất âm thanh khác nhau sẽ hỗ trợ nhau để cùng tạo ra sự hoàn chỉnh. Ta có thể ghép ia, ie, io, oa, au, uy, … để luyện thanh.
* Luyện thanh kết hợp nguyên âm và phụ âm
. Những bài luyện thanh ghép nguyên âm với các phụ âm, giúp cho việc phát âm dễ dàng hơn, phụ âm bật ra nhanh, linh hoạt. Mỗi một phụ âm được tạo ra bởi những hoạt động khác nhau của khoang miệng, do vậy, phát âm phụ âm sao cho chuẩn cũng là khắc phục nhược điểm của các bộ phận phát âm. Học sinh nên chú ý bật nhanh phụ âm và kéo dài tối đa nguyên âm để đạt được âm thanh vang đẹp.
Phụ âm l ghép với nguyên âm cho âm thanh sáng.Phụ âm m, n ghép với nguyên âm có lợi cho cộng minh. Phụ âm z, r ghép với nguyên âm thuận lợi cho người bị tật cứng hàm. Phụ âm v giúp học sinh thả lỏng cơ môi.
* Vấn đề trọng âm khi hát.
Khi nói, người Ý rất chú trọng vào trọng âm, các âm tiết trước và sau trọng âm đều đọc nhanh và lướt. Nhưng trong thực tế giảng dạy, tôi thấy rằng: khi hát, vai trò của trọng âm đã có sự thay đổi đáng kể.
Những quy tắc về phát âm đã chịu sự chi phối của 7 nốt nhạc cùng với các đặc tính của âm nhạc, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm thế nào để hát rõ trọng âm như khi nói. Việc hát rõ trọng âm khi trọng âm rơi vào phách nhẹ là điều hoàn toàn không thể thực hiện được.
*Khắc phục lỗi thường gặp
Khi phát âm tiếng Ý, học sinh thường gặp khó khăn lớn trong việc nói hoặc hát rõ phụ âm r, l.
Nếu phụ âm r, l đứng trước nguyên âm thì học sinh nhận biết dễ dàng hơn.Trong tác phẩm Lasciatemi morire, các âm r, l đứng trước nguyên âm được học sinh bật ra rất rõ ràng : La-scia-te-mi mo-ri-re.
Nhưng khi phụ âm r, l đứng sau nguyên âm, phụ âm thường được phát âm nhanh, lướt qua nên phần lớn học sinh bỏ qua. Tác phẩm Alma del core, học sinh thường gặp lỗi hát: A-ma de co-re, spi-to-de la-ma, bỏ qua hoàn toàn phụ âm r, l.
Để khắc phục tình trạng này, khi học sinh bắt đầu ghép lời ca vào giai điệu, chúng tôi yêu cầu học sinh hát thật chậm, bật rõ phụ âm. Chúng tôi yêu cầu học sinh luôn theo dõi tổng phổ để đảm bảo không bỏ sót một phụ âm nào.
2.1.2. Sử dụng Công nghệ thông tin trong giảng dạy thanh nhạc.
Internet là một người bạn tuyệt vời cho việc học và đọc ngoại ngữ. Khi bắt đầu vào luyện tập một tác phẩm mới, giảng viên hướng dẫn học sinh phiên âm- phát âm tiếng Ý dựa trên Google translate- công cụ dịch thuật trực tiếp do Google phát triển.
Tuy vậy, internet chỉ là công cụ hỗ trợ, sự tự giác tự học của mỗi học sinh mới là yêu tố then chốt. Ngoài ra, giảng viên giới thiệu cho sinh viên làm quen với các app học tiếng Ý miễn phí như Duolingo hoặc Buusu.
2.2 Các giải pháp khác.
.2.1.Bồi dưỡng nhân cách và chuyên môn của giảng viên.
*Nhân cách của giảng viên cũng là một trong những yếu tố để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Mỗi giảng viên phải là tấm gương sáng về đạo đức, lao động - sáng tạo, tính kiên trì - nhẫn nại, lòng yêu say nghề nghiệp - nhiệt thành, để từ đó “ truyền lửa” đến học sinh.
Giảng viên nắm vững tâm tư tình cảm, nhận ra những thay đổi về tâm lý- sức khỏe của học sinh; hiểu rõ và tôn trọng cá tính để từ đó định hình được phong cách, dòng nhạc cho học sinh.
* Nghiệp vụ sư phạm: đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên.
Người giảng viên cần phải có những tiêu chí sau:
- Cập nhật thông tin văn hóa- nghệ thuật trong nước cũng như trên thế giới.
- Thường xuyên nghiên cứu, nâng cao nghiệp vụ sư phạm.
- Bồi dưỡng trình độ chuyên môn và thực hành biểu diễn.
* Nâng cao chất lượng học ngoại ngữ: . Để công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao, nhà trường và khoa thanh nhạc cần liên kết với các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài (đặc biệt là giảng dạy tiếng Ý) để tăng cường bổ trợ ngôn ngữ nước ngoài cho giảng viên. Ban chủ nhiệm khoa cần tổ chức những khóa học ngắn hạn về phát âm chuẩn phiên âm quốc tế tiếng Ý. Công việc này nên diễn ra định kì hàng năm. Ngoài ra, cần có kế hoạch bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên trẻ đi đào tạo tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, dưới sự phát triển nền tảng công nghệ thông tin hiện nay, các giảng viên có thể sử dụng các apps học tiếng Ý miễn phí như: Duolingo, Buusu.
Giảng viên nên thường xuyên tham khảo kênh Youtube nhạc Ý: Warner music Italy. Đây là nơi luôn cập nhật các bài hát Ý mới nhất hiện nay.
2.2.2 Tìm hiểu về văn hóa Ý và tác giả- tác phẩm:
Khoa Thanh nhạc nên tổ chức Câu lạc bộ tiếng Ý với sự hướng dẫn của các cộng tác viên đã có thời gian du học tại Ý. Thông qua hoạt động của Câu lạc bộ, các buổi seminar (xê-mi-na) tìm hiểu về văn hóa Ý, các ca khúc và các vở opera tiếng Ý được tổ chức định kì theo tháng.
Đối với các aria, người hát còn phải hiểu tâm lý, tính cách nhân vật. Muốn làm được những việc này, giảng viên cập nhật các nguồn tư liệu, giúp học sinh tìm hiểu nội dung, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, tiểu sử tác giả. Người hát phải hiểu được nội dung vở nhạc kịch từ cốt truyện, bối cảnh xã hội đến thông điệp, những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vai diễn trong các vở opera rất phong phú, đa nhân vật, đa tính cách. Hát aria của nhân vật nào thì phải hát đúng tinh thần, tính cách của nhân vật đó.
2.2.3 Các bước yêu cầu học sinh chuẩn bị bài trước giờ lên lớp.
Việc tự học sẽ giúp học sinh chủ động tìm hiểu, thu thập kiến thức sâu hơn và chắc hơn. Hình thành thói quen tự học ngay từ đầu sẽ là tiền đề tốt cho việc tự học ở các bậc cao đẳng và đại học sau này. Giảng viên cần hướng dẫn học sinh các bước tự học ở nhà hiệu quả.
Bước 1:Tự xướng âm giai điệu của tác phẩm
Trước giờ lên lớp, học sinh nên xướng âm phần giai điệu. Học sinh nên tập kỹ lưỡng chi tiết từng phần, chú ý sắc thái, dấu hóa bất thường, tốc độ… Bước chuẩn bị này chỉ áp dụng với học sinh khá, học từ năm thứ 2 trở đi. Những học sinh năm 1 hoặc học sinh có trình độ xướng âm ở mức trung bình vẫn cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ của giảng viên.
Bước 2: Đọc lời ca – tập phát âm
Học sinh ôn tập những phần phiên âm đã cùng giảng viên luyện tập trên lớp dựa trên Google translate.
Bước 3: Ghép lời ca vào giai điệu
Dựa vào giai điệu đã xướng âm ở bước 1, học sinh ghép với phần lời đã tập phát âm ở bước 2. Học sinh hát với tốc độ chậm để đảm bảo sự chuẩn xác của ngôn ngữ.
Bước 4: Nghe tác phẩm
Học sinh có thể tìm nghe phần trình bày ca khúc của các nghệ sĩ trên thế giới để học hỏi và thẩm thấu cách xử lý tác phẩm. Trên mạng internet sẽ có nhiều phiên bản của nhiều ca sĩ khác nhau trình bày, học sinh cần chọn lọc những phiên bản có lượng xem nhiều nhất và trong các phiên bản đó sẽ chọn nghe bản ghi âm của ca sĩ bản địa.
Với tính năng thu âm có sẵn trong mỗi chiếc điện thoại, học sinh cũng có thể tập ở nhà với phần đệm được thu trong các buổi ghép đàn.
Học sinh nên hình thành thói quen nghe tiếng Ý bằng cách nghe nhạc – xem phim có phụ đề tiếng Việt, xem như một cách giải trí chứ không phải đang học. Điều quan trọng là phải nghe một cách thường xuyên và dần dần học sinh sẽ quen với tiếng Ý trong vô thức.
2.2.4 Điều chỉnh, bổ sung chương trình.
Căn cứ vào thực trạng đã trình bày ở chương 1, chúng tôi đưa ra một số điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của hệ trung cấp thanh nhạc như sau :
|
Chương trình cũ
|
Chương trình mới
|
Trung cấp 1
|
1.Ngọn lửa bập bùng (Vaccaj).
2.Con chim sẻ ngây thơ (Vaccaj).
3. Xa bến (Vaccaj).
4.Nghĩa cử (Vaccaj).
5.Tâm hồn mạnh mẽ (Vaccaj).
6.Trong bóng đêm (Vaccaj).
7.Dòng suối (Vaccaj).
8. Caro mio ben (Giuseppe Giordani).
|
1.Ngọn lửa bập bùng (Vaccaj).
2.Con chim sẻ ngây thơ (Vaccaj).
3. Xa bến (Vaccaj).
4.Nghĩa cử (Vaccaj).
5.Tâm hồn mạnh mẽ (Vaccaj).
6.Trong bóng đêm (Vaccaj).
7.Dòng suối (Vaccaj).
8. Mùa xuân tới(Vaccaj).
9.Santa Lucia (Teodoro Cottrau ).
|
|
1.Lascia temi morie. (Claudio Monteverdi).
2.Alma del core (Antoni Caldara ).
3.-Mama.(Parole di b.Cherubuni ).
4 -Se Florindo è Fedele. (Alessandro Scarlatti).
5-Sebben, crudele (Antonio Caldara ).
|
1.Tương phản (Vaccaj).
2.Lòng chung thủy (Vaccaj).
3. Tri ân(Vaccaj).
4. Caro mio ben (Giuseppe Giordani).
5.Lascia temi morie. (Claudio Monteverdi).
6.Alma del core core (Antoni Caldara).
7.Mama.(Parole di b.Cherubuni).
8. O cessate di piagarmi (Alessandro Scarlatti)
9.Sebben,crudele ( Antonio Caldara ).
|
|
1.Santa Luccia.(Teodoro Cottrau ).
2.Nel cor pìu non sento (Giovanni Paisiello).
3.O cessate di pigarmi. (Alessandro Scarlatti).
4.Tương phản. (Vaccaj).
5.Lòng chung thủy. ( Vaccaj).
6.Mùa xuân tới. (Vaccaj)
7.tri ân. (Vaccaj).
8.Nina.(Vincenzo Legrenzio Ciampi).
9.Vittoria, mio core. ( Giacomo Caissimi).
10.Le Violette. (Alessandro Scarlatti).
11.O del mio dolce ardor.(Chrirtoph Willibaid von Gluck)
|
1.Nina.(Vincenzo Legrenzio Ciampi).
2.Vittoria, mio core. (Giacomo Caissimi).
3.Le Violette. (Alessandro Scarlatti).
4.O del mio dolce ardor.(Chrirtoph Willibaid von Gluck)
5. O sole mio
6. Voi che sapete (Wolfgang Amadeus Mozart).
7. Lascia ch ‘io pianga (George Frideric Handel)
8. Nel cor piu non sento(Giovanni Paisiello).
9.Se Florindo è Fedele. (Alessandro Scarlatti).
|
Nhìn vào bảng so sánh chương trình mới và chương trình cũ, chúng tôi thấy sự phân bổ số lượng tác phẩm thanh nhạc Ý trong chương trình không đồng đều, năm thứ 1 có 8 tác phẩm, năm thứ 3 có 11 tác phẩm trong khi đó năm thứ 2 lại chỉ có 5 tác phẩm. Sau khi sắp xếp lại chương trình mới, chúng tôi đã thêm một số tác phẩm để cân đối số lượng, mỗi năm học đều có 9 tác phẩm thanh nhạc Ý được xếp theo trình tự từ dễ đến khó.
2.3.Thực nghiệm sư phạm
Để kiểm chứng những giải pháp đã đề xuất trong luận văn nhằm nâng cao trình độ phát âm tiếng Ý cho học sinh trung cấp thanh nhạc. Chúng tôi đã tiến hành dạy thực nghiệm tác phẩm “Caro mio ben” của Gioseppe Giordani với nhóm học sinh trung cấp 2 thanh nhạc (học kì II năm học 2019 - 2020). Nhóm học sinh này, chúng tôi sử dụng một số giải pháp đã trình bày ở phần đầu chương.
Tiến trình lên lớp:
Bước 1: Khởi động
Thả lỏng cơ thể, tập khẩu hình, tập hơi.
Bước 2: Luyện thanh
- Luyện thanh với kỹ thuật legato: lấy hơi sâu, nén hơi chắc chắn. Mở khẩu hình,nhấc hàm ếch mềm mại. Đưa hơi ra từ từ, bật âm thanh một cách nhẹ nhàng, vị trí âm thanh ổn định, âm thanh vang sáng ra phía trước mặt. Hát liền giọng, không ngắt quãng
+ Luyện thanh với các nguyên âm a, o.
+ Luyện thanh ghép nguyên âm với các phụ âm m, n, l, r.
Luyện với khẩu hình mở mềm mại, lưỡi gà treo cao, hàm dưới hạ nhẹ nhàng. Càng lên cao càng nén chặt hơi thở xuống bụng dưới, hông và lưng.
Bước 3: Kiểm tra bài tập và hướng dẫn thực hành.
a. Kiểm tra bài tập.
Giảng viên kiểm tra bài tập đã được giao về nhà: tìm hiểu tác giả Gioseppe Giordani và tác phẩm Caro mio ben của học sinh .
b. Hướng dẫn thực hành.
- Giới thiệu về hình thức Arietta và lời dịch sơ lược của tác phẩm: Hỡi em thân yêu của tôi, em hãy tin tôi, thiếu bóng hình em cuộc đời sẽ lụi tàn. Tình yêu của tôi với em là tình yêu sắt son.
- Giới thiệu về cấu trúc tác phẩm Caro mio ben: tác phẩm được viết ở hình thức 3 đoạn đơn a b a’.
- Giảng viên kiểm tra phần xướng âm giai điệu của học sinh sau đó thị phạm trên đàn và hướng dẫn chỉnh sửa cao độ, tiết tấu. Học sinh xướng âm từng câu chắc chắn rồi xướng âm cả bài.
- Tiếp theo, kiểm tra việc tự tập phát âm với Google translate của học sinh và nhắc học sinh đánh dấu những chỗ phát âm chưa chuẩn xác.
- Trước khi ghép lời vào giai điệu, giảng viên cho học sinh hát giai điệu với nguyên âm của âm tiết tương ứng với từng nốt nhạc. Chúng tôi thấy việc ghép nguyên âm với giai điệu là cần thiết với các học sinh cần củng cố vị trí âm thanh và ổn định cột hơi.
Caro mio ben à a - o- io- e.
Credimi almen à e - i- i- a- e.
Senza di te à e - a - i - e.
Languisce il cor à a - ui - e – i – o.
Sau khi đã ghép các nguyên âm vào với giai điệu và được giảng viên chỉnh sửa về khẩu hình, học sinh tiến hành ghép lời vào giai điệu.
Đến tiết học thứ 3, giảng viên gợi ý một số danh ca người Ý đã trình bày tác phẩm này như Luciano Pavarotti, Cecilia Bartoli... Học sinh có thể tìm nghe và học hỏi cách phát âm của người bản địa .
Khi tác phẩm hoàn chỉnh, giảng viên bắt đầu cho học sinh hát với phần đệm đã được chuẩn bị sẵn
Kết quả thực nghiệm:
Chúng tôi nhận thấy học sinh chủ động, tự giác, tích cực khi tìm hiểu một tác phẩm mới. Với sự hỗ trợ của mạng internet, học sinh có thể tập phát âm ở nhà, rút ngắn thời gian vỡ bài trên lớp. Việc luyện thanh tách riêng nguyên âm giúp âm thanh tròn trịa, sáng sủa.Tại buổi thi học kì cuối học kì 2 (năm học 2019-2020), Hội đồng chấm thi đều ghi nhận : học sinh có sự tiến bộ, phát âm chuẩn xác hơn, hiểu tác phẩm hơn khi hát sủa hơn, người hát nhả chữ rất rõ ràng, âm thanh nối liền, không ngắt quãng
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Trong chương trình đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp của trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội, bên cạnh những mặt đạt được thì vẫn còn tồn đọng những hạn chế trong phương pháp giảng dạy. Đặc biệt là cách phát âm các ngôn ngữ nước ngoài của học sinh trong đó có tiếng Ý còn nhiều bất cập.
Vì vậy, dựa vào việc giảng dạy thực nghiệm, chúng tôi đã đưa ra một số phương pháp giảng dạy mới thiết thực, phù hợp với trình độ của học sinh cũng như tình hình đào tạo thanh nhạc tại trường.
Thứ nhất, đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên. Giảng viên chú trọng vào nội dung luyện thanh, nghiên cứu cách phát âm tiếng Ý để áp dụng vào luyện thanh với các nguyên âm, phụ âm khi trình bày tác phẩm. Giảng viên hướng dẫn học sinh sử dụng công nghệ thông tin phục vụ việc tập phát âm tiến Ý.
Thứ hai, một số giải pháp khác như : bồi dưỡng nhân cách, nâng cao năng lực ngoại ngữ của giảng viên cũng như đưa ra ý kiến tổ chức các buổi thực hành biểu diễn của giảng viên và học sinh; khuyến khích học sinh tìm hiểu về văn hóa Ý, về tiểu sử tác giả- nội dung tác phẩm; hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài trước giờ lên lớp. Ngoài ra, chúng tôi đề xuất sắp xếp lại nội dung chương trình một cách hợp lý.
Sau khi áp dụng một số giải pháp trên vào công tác giảng dạy của mình, tôi thấy rằng những giải pháp này, đảm bảo được chất lượng giảng dạy, phù hợp với trình độ và điều kiện của học sinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển bộ môn thanh nhạc.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
- Kết luận
Việc giảng dạy các tác phẩm thanh nhạc Ý chiếm một vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo thanh nhạc của các trường chuyên nghiệp.
Chúng tôi đề cập đến vị trí thanh nhạc cổ điển Ý trong sự phát triển của âm nhạc thế giới cũng như nêu ra những đặc điểm phát âm tiếng Ý, vai trò của tiếng Ý trong thanh nhạc. Chúng tôi đã chứng minh được những đặc điểm chung giữa hai ngôn ngữ Việt Nam và Ý để từ đó nghiên cứu những thuận lợi và khó khăn của học sinh trung cấp thanh nhạc trường CĐNT HN. Qua khảo sát thực trạng, chúng tôi nhận thấy học sinh trung cấp thanh nhạc trường CĐNT HN thể hiện tác phẩm thanh nhạc Ý khá hấp dẫn, tuy nhiên vẫn xuất hiện một số hạn chế trong như phát âm chưa chuẩn xác, chưa hiểu rõ nội dung tác phẩm và văn hóa Ý. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy nội dung chương trình sắp xếp chưa hợp lý và thiếu cân đối.
Dựa trên thực trạng giảng dạy của học sinh trung cấp thanh nhạc trường CĐVHNT HN, chúng tôi đề xuất một số mẫu luyện thanh với các nguyên âm và phụ âm tiếng Ý để luyện cách phát âm. Để phù hợp với điều kiện của học sinh, chúng tôi sử dụng Google translate sẵn có trên internet vào việc hỗ trợ tập luyện phát âm tiếng Ý. Có thể với các trường nghệ thuật chuyên nghiệp khác là phổ biến, nhưng với chúng tôi đây là lần đầu tiên được áp dụng. Với độ phổ cập của mạng internet học sinh có thể tiếp xúc tìm hiểu tiếng Ý, tác phẩm Ý trên lớp cũng như ở nhà, hình thành thói quen tự học cho học sinh. Qua thực nghiệm sư phạm chúng tôi thấy những giải pháp trên đã phát huy hiệu quả với giáo viên và học sinh
Qua luận văn «Giảng dạy một số tác phẩm thanh nhạc tiếng Ý cho học sinh trung cấp thanh nhạc tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội», chúng tôi hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo cho chương trình giảng dạy thanh nhạc của giảng viên cũng như là cơ sở lý thuyết cho học sinh nghiên cứu và ứng dụng trong quá trình học tại trường CĐNT HN.
- Khuyến nghị.
-Khoa Thanh nhạc cần có kế hoạch để giảng viên bồi dưỡng, nâng cao chất lượng học tiếng Ý của mình.
-Tăng cường các đầu sách tài liệu, băng đĩa liên quan đến việc học tiếng Ý trong thư viện nhà trường. Đầu tư phòng nghe nhìn có máy tính kết nối Internet, màn hình, loa, tai nghe... để giảng viên và học sinh có thể cập nhật nguồn tài liệu trên mạng.
-Tổ chức những buổi tập huấn của các giảng viên tại các Học viện Âm nhạc. Khoa mời những chuyên gia thanh nhạc đầu ngành đến giao lưu, trao đổi các vấn đề về chuyên môn.
-Tổ chức các hoạt động biểu diễn các tác phẩm bằng tiếng Ý của giảng viên và học sinh.
-Sắp xếp nội dung chương trình thanh nhạc hợp lý và cân đối.
|