|
|
Tin tức hoạt động |
Thứ bảy, 23/11/2024 |
|
|
|
|
Dự án giảng dạy âm nhạc truyền thống tại các trường tiểu học Hà Nội
|
Chủ đầu tư: Quỹ FORD Viet Nam Thời gian: 2003-2005
BÁO CÁO TỔNG KẾT DỰ ÁN GIẢNG DẬY ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG TẠI CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC HÀ NỘI DO QUỸ FORD TÀI TRỢ
GS.TS.NGND. Trần Thu Hà Giám đốc Nhạc viện Hà Nội Trưởng ban quản lý dự án Quỹ Ford
Kính thưa quý vị đại biểu Thưa các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cùng toàn thể các em HS yêu quí !
Được sự cho phép của chính phủ nước CHXHCN Việt nam, Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với sự giúp đỡ của Quỹ Ford; Nhạc viện Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiến hành thực hiện dự án :“ Đưa âm nhạc truyền thống về giới thiệu và đào tạo tại các trường tiểu học phát triển khán giả trung thành cho âm nhạc truyền thống trong tương lai”. Dự án được thực hiện trong hai năm từ tháng 3/2003 đến tháng 3/2005, nhằm mục đích góp phần giáo dục và phát triển thẩm mỹ âm nhạc cho các em học sinh bậc tiểu học, giúp các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp và tinh tuý của nền âm nhạc dân tộc mà ông cha ta đã dầy công gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Thông qua hoạt động của dự án các em còn được hướng dẫn sử dụng các nhạc cụ dân tộc, tham gia vào các hoạt động biểu diễn độc tấu, hoà tấu, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động văn thể của nhà trường.
Phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội, Dự án đã lựa chọn và tổ chức được 10 câu lạc bộ âm nhạc truyền thống đặt tại các trường tiểu học Thăng Long, Kim Liên, dân lập (DL) Nguyễn Huệ, DL Phương Nam, Kim Giang, Lê Văn Tám, Quảng An, Hoàng Hoa Thám, Dịch Vọng B,
DL Đoàn Thị Điểm. Ban đầu dự án đã tuyển chọn được 354 em học tập 8 loại nhạc cụ truyền thống đặc trưng của Việt Nam (Sáo, Nhị, Bầu, Thập lục, Tam thập lục, Tỳ bà, Nguyệt, Gõ dân tộc). Tính đến nay đã có hơn 600 em tham gia học tập, con số các em được giới thiệu và thưởng thức các tiết mục âm nhạc truyền thống khoảng 10.000 em. Giảng dạy tại các lớp học này là các giảng viên và sinh viên xuất sắc năm cuối của Khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện Hà Nội. Với các nhạc cụ được dự án trang bị, giáo trình được biên soạn đặc biệt, khoa học gồm những bài tập cơ bản từ dễ đến khó, các bài dân ca, ca khúc được chuyển soạn cho mỗi nhạc cụ, có phần đĩa VCD do học sinh hệ Sơ cấp Nhạc viện Hà Nội biểu diễn minh hoạ , các em học sinh tiểu học lần đầu tiên được tiếp xúc âm nhạc truyền thống đã có được những buổi học đầy thú vị và chất lượng cao. Sau thời gian học tập, từ chỗ chưa biết cho đến nay đã các em đã có thể tập được một số kỹ thuật cơ bản trong giáo trình, chơi được một số bài dân ca như: Inh lả ơi, Xoè hoa, một con vịt…hay một số ca khúc thiếu nhi chuyển soạn cho đàn dân tộc như: Em bé ngoan, Cô và mẹ, Lớp chúng mình…Các em có thể diễn tấu các bài quen thuộc dưới nhiều hình thức khác nhau như: tốp tấu, hoà tấu nhiều nhạc cụ, độc tấu… Nhiều trường đã đưa các tiết mục âm nhạc truyền thống giới thiệu trong các dịp kỷ niệm, các ngày lễ trong năm như: Lễ Khai giảng, ngày Nhà giáoViệt Nam, Lễ tổng kết năm học…và đặc biệt, ở một số trường, câu lạc bộ âm nhạc truyền thống đã được chọn biểu diễn chào đón khách trong nước và quốc tế như tiểu học Kim Liên, tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hoàng Hoa Thám… hoặc tham gia các cuộc thi văn nghệ của Quận, của thành phố và đã đạt một số giải cao như PTDL Phương Nam… Thưa quý vị, trong không khí hết sức hân hoan, phấn khởi của Liên hoan âm nhạc truyền thống dành cho các trường tiểu học Hà Nội hôm nay, chúng tôi xin được cảm ơn Bộ Văn Hoá Thông tin, Quỹ FORD, Sở giáo dục Đào tạo Hà Nội, các trường tham gia dự án đã quan tâm, giúp đỡ về mọi mặt để dự án được thực hiện thành công, tạo ra những thế hệ trẻ thơ được học tập, được phát huy niềm say mê đối với ÂNTT, và hơn thế nữa, chúng ta sẽ có được trong tương lai những khán giả trung thành, biết thưởng thức, biết tâm đắc với nền ÂNTT Việt Nam. Đó chính là cái đích mà chúng tôi hướng tới: xã hội hoá ÂN Việt Nam nói chung và ÂNTT nói riêng. Chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục và phát huy cao hơn nữa sự nghiệp “ ươm trồng” những mần non của đất nước, để trong tương lai không xa, ÂNTT sẽ được gìn giữ và phát triển như một tài sản quý giá của văn hoá Việt Nam.
Xin cảm ơn quý vị!
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Quảng cáo
|