Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12104709
Tin tức hoạt động Thứ sáu, 29/03/2024
Trần Đức Mạnh: “Nâng cao chất lượng giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho học sinh Đàn Nguyệt hệ trung cấp năng khiếu 6 năm tại khoa Nghệ Thuật trường Đại Học Hạ Long’’. Luận văn Thạc sĩ. 2018.

Tác giả: Trần Đức Mạnh
Tên đề tài: Nâng cao chất lượng giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho học sinh Đàn Nguyệt hệ trung cấp năng khiếu 6 năm tại khoa Nghệ Thuật trường Đại Học Hạ Long
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (đàn Nguyệt)
Mã số: 60 21 02 02
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Bùi Huyền Nga 
Ngày đăng: 20/06/2018

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Khoa nghệ thuật  trường Đại học Hạ Long là nơi ươm mầm cho biết bao thế hệ nghệ sỹ, nhạc sỹ, ca sỹ... đã và đang học tập, làm việc hết mình để cống hiến cho nước nhà nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành đàn Nguyệt hệ trung cấp năng khiếu khoa Nghệ Thuật trường Đại Học Hạ Long,  thì việc đi sâu vào tìm hiểu và giảng dạy các bài tập kỹ thuật trong chương trình đào tạo đã trở nên cấp thiết. Bởi, kỹ thuật là nền tảng, là cái gốc của việc chuyển tải và thể hiện các tác phẩm âm nhạc nói chung.

Chính vì lý do trên, chúng tôi đã chọn đề tài “Nâng cao chất lượng giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho học sinh Đàn Nguyệt hệ trung cấp năng khiếu 6 năm tại khoa Nghệ Thuật trường Đại Học Hạ Long’’ làm đối tượng nghiên cứu cho luận văn chuyên ngành phương pháp giảng dạy âm nhạc của mình.

2. Lịch sử nghiên cứu của đề tài

Trong quá trình sưu tầm tài liệu liên quan đến việc giảng dạy đàn Nguyệt, chúng tôi đã được tiếp cận với các công trình ở các dạng khác nhau như: sách giáo khoa, bài báo khoa học, băng đĩa nhạc, luận văn. Ngoài các giáo trình giảng dạy đàn Nguyệt trên có liên quan đến các bài tập kỹ thuật, một số công trình nghiên cứu về giảng dạy đàn Nguyệt với một số phong cách nhạc cổ truyền.

Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập trực tiếp đến việc giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho học sinh đàn Nguyệt nói chung, học sinh hệ trung cấp năng khiếu khoa Nghệ thuật trường Đại Học Hạ Long nói riêng. Chính vì thế, đề tài “Nâng cao chất lượng giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho học sinh đàn Nguyệt hệ trung cấp năng khiếu 6 năm tại khoa Nghệ Thuật trường Đại Học Hạ Long ’’ sẽ không bị trùng lặp với các công trình đã được công bố.

3. Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu

         - Đối tượng nghiên cứu: gồm chương trình và giáo trình giảng dạy bài tập kỹ thuật; đặc điểm học sinh; phương pháp giảng dạy và các giải pháp.

- Phạm vi nghiên cứu: gồm những vấn đề liên quan đến việc giảng dạy và học tập các bài tập kỹ thuật cho học sinh.

4. Mục tiêu nghiên cứu.

Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là đưa ra những giải pháp cụ thể về giảng dạy các bài tập kỹ thuật trên đàn Nguyệt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo học sinh hệ trung cấp năng khiếu 6 năm tại khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long.

5. Phương pháp nghiên cứu

         Trong quá trình viết luận văn, chúng tôi đã sử dụng  các phương  pháp nghiên cứu sau:  Phương pháp lý thuyết;Phương pháp thực nghiệm: Phương pháp phi thực nghiệm.  

6. Đóng góp của luận văn

Nếu đề tài nghiên cứu của luận văn thành công, chúng tôi hi vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo bộ môn đàn Nguyệt tại khoa Nghệ thuật trường Đại Học Hạ Long. Cũng từ những kết quả đó, chúng tôi sẽ cùng với tổ bộ môn biên soạn, bổ sung các bài tập kỹ thuật vào giáo trình đàn Nguyệt hệ trung cấp năng khiếu một cách có hệ thống, có tính khoa học nhằm từng bước hoàn chỉnh chương trình, giáo trình cho học sinh hệ trung cấp năng khiếu chuyên ngành đàn Nguyệt tại khoa Nghệ Thuật trường Đại Học Hạ Long.

7. Bố cục của luận văn

         Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, danh mục tài liệu tham khảo và khuyến nghị, nội dung của luận văn dự kiến gồm hai chương như sau:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực trạng giảng dạy các dạng bài tập kỹ thuật cho đàn Nguyệt.

Chương 2:  Một số giải pháp. 

Chương 1

CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY

 

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.1.Đàn Nguyệt và một số kĩ thuật cơ bản

*Vài nét về cây đàn Nguyệt.

Đàn Nguyệt còn được gọi là đàn song vận (đàn 2 dây), Nguyệt cầm (cây đàn hình mặt trăng), đàn Kìm (tên gọi từ miền trung trở vào) - là một trong những nhạc cụ đặc sắc đã gắn bó với lịch sử dân tộc từ khá sớm.

           Cho tới nay, đàn Nguyệt vẫn giữ một vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt âm nhạc của người Việt và là nhạc cụ chủ yếu dành cho nam giới.

*Một số kỹ thuật cơ bản của đàn Nguyệt

- Một số kỹ thuật tay phải. Ngón phi; Ngón vê; Ngón gõ; Ngón bịt (còn gọi là đánh ngắt tiếng).

 - Kỹ thuật tay trái.  

            Ðàn Nguyệt có tám thế bấm, các ngón được ký hiệu như sau : ngón trỏ (số 1), ngón giữa (số 2), ngón áp út (số 3) và ngón út (số 4); trong mỗi thế bấm có thể dùng 3 ngón tay (1, 2, 3) để bấm và cả ngón số 4 nữa. Mỗi nốt có thể bấm bằng một ngón.

           Ngoài việc tạo ra các âm thanh khác nhau, tay trái đàn Nguyệt có các kỹ thuật (ngón) sau: ngón rung, ngón nhấn, ngón luyến, nhấn luyến, ngón láy (láy rền và láy giật). Ngoài ra là ngón vuốt, ngón bật dây, âm bồi và đánh chồng âm (hợp âm) được bổ sung sau này trong các tác phẩm mới.

1.1.2. Vai trò của các bài tập kĩ thuật trong giảng dạy đàn Nguyệt.

Bài tập kỹ thuật chính là nền tảng, là chìa khoá để các em từng bước chinh phục cây đàn của mình thông qua việc thể hiện những tác phẩm mới, những bài nhạc phong cách và dơn giản nhất là các em có thể tự vỡ bài… Chính vì vậy, việc giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho các em chuyên ngành đàn Nguyệt hệ trung cấp năng khiếu nhạc cụ 6 năm cũng không ngoại lệ.

*Vai trò của bài tập trong việc di chuyển thế tay.

Đàn Nguyệt là nhạc cụ có cấu tạo hàng dây mắc trên cần đàn. Việc tạo âm thanh là do tay trái bấm lên các hàng phím gắn trên cần đàn với sự chuyển động lên xuống của các thế tay.

 Bài tập kỹ  thuật liên quan đến thế tay giúp cho việc di chuyển ở tay trái được thuận lợi, linh hoạt thể hiện đúng tốc độ những nét giai điệu chuyển động lên xuống trong các tác phẩm.

*Vai trò của bài tập kỹ thuật trong việc thể hiện nhạc phong cách.

Với đàn Nguyệt, trong chương trình giảng dạy có 3 phong cách chính được chú trọng là Chèo, Ca nhạc thính phòng Huế và nhạc Tài tử - Cải lương, ngoài ra là các bài dân ca soạn cho đàn Nguyệt thể hiện.

Để chơi ra các phong cách của từng loại nhạc, buộc người chơi đàn phải thể hiện đúng các kỹ thuật liên quan đến ngón đàn như: Rung, nhấn, láy v.v… Vì thế, việc học các bài tập KT hỗ trợ liên quan đến phong cách là vô cùng cần thiết giúp việc thể hiện các phong cách nhạc cổ được dễ dàng hơn.

*Vai trò của bài tập kỹ thuật trong việc thể hiện các tác phẩm mới.

Trong các tác phẩm mới, ngoài việc sử dụng các kỹ thuật rung, nhấn, luyến láy có trong nhạc phong cách, do yêu cầu thể hiện nội dung, các nhạc sĩ đã tạo ra một số kỹ thuật mới như: kỹ thuật chơi quãng, kỹ thuật vê vuốt v.v..

Việc lựa chọn bài tập kỹ thuật hỗ trợ phù hợp sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc về kỹ thuật trong bài.

            Rèn luyện các bài tập kỹ thuật trước hết giúp cho người học khắc phục những hạn chế về thế tay và sự linh hoạt của các ngón đàn, hoàn thiện dần các kỹ năng diễn tấu như: cải thiện tốc độ chơi các bản nhạc nhanh cũng như khả năng thị tấu tốt; luyện trí nhớ về cung, quãng tạo được sự nhạy bén khi chơi đàn, góp phần xử lí các tác phẩm hay các bài nhạc phong cách được tốt hơn.

1.2. Thực trạng giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho học sinh đàn Nguyệt, hệ trung cấp tại khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Hạ Long

1.2.1. Khái quát về khoa Nghệ thuật và quy mô đào tạo

Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Hạ Long được thành lập từ tháng 10 năm 2014 trên cơ sở sát nhập các khoa: Khoa Nhạc cụ truyền thống và hiện đại, khoa Thanh nhạc và Sư phạm âm nhạc, khoa Hội họa và Sư phạm Mĩ thuật, tổ Múa của trường Cao đẳng VHNT và DL Hạ Long. Nói cách khác, tất cả các khoa liên quan đến VHNT của trường Cao đẳng VHNT và DL Hạ Long, khi sát nhập vào Trường Đại học Hạ Long chỉ còn là một khoa và gọi chung là khoa Nghệ thuật.

          Hiện nay, khoa có 40 cán bộ, giảng viên và được chia thành các tổ chuyên môn: Tổ Thanh nhạc, tổ Hội họa, tổ Lí luận âm nhạc, tổ Múa, tổ Nhạc cụ truyền thống, tổ Nhạc cụ hiện đại. Khoa Nghệ thuật đang có khoảng 300 sinh viên các hệ cao đẳng và trung cấp năng khiếu.

Tổ Nhạc cụ truyền thống hiện có 6 giảng viên, trong đó có 2 giảng viên có trình độ thạc sĩ, 4 giảng viên có trình độ cử nhân. Các giảng viên đều được đào tạo từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với thời gian học khá dài từ 6 – 10 năm. Bộ môn đàn Nguyệt chỉ có duy nhất một giảng viên phụ trách.

Năm học 2017 – 2018, hiện tổ nhạc cụ truyền thống đang đào tạo hơn 50 học sinh thuộc các năm khác nhau (năm 1, năm 2, năm 3, năm 4, năm 5 và năm cuối).

1.2.2. Nội dung chương trình đào tạo và giáo trình giảng dạy môn đàn Nguyệt

*Nội dung chương trình đào tạo

Hiện nay chương trình đào tạo cho hệ trung cấp năng khiếu nhạc cụ 6 năm của khoa Nghệ Thuật trường Đại học Hạ Long được dựa trên khung chương trình đào tạo 6 năm bậc trung học bao gồm các chuyên ngành : Bầu, Sáo, Nhị, Nguyệt, Tỳ bà, Tranh, Tam thập lục….

  • Thời gian đào tạo: 6 năm. Hình thức đào tạo chính quy tập chung.

-  Mục tiêu đào tạo : Cung cấp diễn viên biểu diễn ngành nhạc cụ truyền thống cho các đơn vị hoạt động âm nhạc, các cơ sở đào tạo âm nhạc tại các địa phương trên phạm vi toàn quốc. Có đủ khả năng tiếp tục học ở bậc Đại học ngành nhạc cụ truyền thống. Có trình độ Văn hóa Trung học phổ thông.

*Giáo trình giảng dạy hiện đang được sử dụng:

Tuy chưa có giáo trình chính thức cho môn đàn Nguyệt hệ trung cấp năng khiếu 6 năm tại Đại học Hạ Long, song những năm qua chúng tôi cũng đã cố gắng tham khảo các tài liệu giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia VN) để biên soạn thành Tập bài giảng gồm gần 200 bài, trong đó có bài tập kĩ thuật, tác phẩm (chuyển soạn và tác phẩm mới) và nhạc phong cách để các giảng viên có sự thống nhất và thuận lợi hơn cho quá trình dạy học.

         Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế dạy học, giáo trình đã bộc lộ những điểm còn bất cập trong việc lựa chọn bài. Vì thế, khi dạy học ngoài tập bài giảng trên, chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng các tài liệu giảng dạy của Học viện Âm nhạc Quốc gia VN để bổ sung thêm những bài bản mới.

1.2.3. Đội ngũ giáo viên và học sinh.

* Đội ngũ giáo viên.

Giáo viên giảng dạy bộ môn đàn Nguyệt trước đây có 2 người đều tốt nghiệp cử nhân âm nhạc hệ chính quy chuyên ngành đàn Nguyệt tại Học viện ÂNQG VN, nhưng hiện nay chỉ còn một người tham gia giảng dạy và đang theo học cao học tại HV ÂNQG VN. Với trình độ, kinh nghiệm và tuổi đời tuy không còn quá trẻ, nhưng do không được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, chưa được tiếp cận với phương pháp dạy học tích cực nên trong quá trình giảng dạy, GV không tránh khỏi những hạn chế trong phương pháp truyền đạt. 

* Về học sinh :

Các em đều là học sinh phổ thông lứa tuổi từ 10 – 15 tuổi. Vì thế, hầu hết tất cả các buổi trong tuần, các em phải tham gia học tập văn hóa tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hạ Long, chỉ có thứ 7, chủ nhật và các buổi tối các em mới có thể tham gia học âm nhạc.

          Trong số những học sinh theo học đàn Nguyệt hiện nay thì có 5 em nhà ở Hạ Long,  4 em khác nhà ở các huyện, thị, thành phố khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Những em ở xa được nhà trường bố trí ở trong kí túc xá. Học sinh vừa học văn hóa vừa học nhạc. Có những em nhà xa rất tha thiết với việc học âm nhạc nhưng vẫn phải học văn hóa ở quê nhà rồi cuối tuần mới lên trường học nhạc được. Điều này đã khiến các em gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, thậm chí nản trí và có thể bỏ dở giữa chừng.

Chất lượng học sinh của khoa không đồng đều, có những em năng khiếu khá tốt, nhưng cũng có những em nhạc cảm rất kém, điều này cũng gây nhiều khó khăn cho giáo viên.

1.2.4.Về phương pháp giảng dạy và kết quả học tập

*Phương pháp giảng dạy.

            Hình thức tổ chức lớp học các chuyên ngành biểu diễn nói chung và biểu diễn nhạc cụ nói riêng tại khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Hạ Long là giảng dạy một thầy một trò. Thời gian lên lớp là 2 tiết / tuần được bố trí học trong một buổi là 90 phút.

Phương pháp giảng dạy được các GV sử dụng là phương pháp truyền khẩu, truyền ngón và hướng dẫn thực hành trên bản kí âm. Ngoài ra, các phương pháp dạy học chung như: phương pháp thuyết trình, kiểm tra đánh giá cũng được các giảng viên vận dụng ở mức độ nhất định trong quá trình dạy học.

Trên cơ sở của các phương pháp này, tuỳ thuộc vào kinh nghiệm và năng lực của từng GV chuyên ngành sẽ được vận dụng vào từng giờ học cụ thể  cũng như từng học sinh.

            Ngoài ra, trong suốt thời gian qua, tổ nhạc cụ truyền thống chưa tổ chức được bất cứ buổi hội thảo nào để trao đổi về phương pháp giảng dạy nhạc cụ truyền thống nói chung và đàn Nguyệt nói riêng nên GV cũng không có nhiều cơ hội để tiếp cận với phương pháp dạy học tích cực.         

* Đánh giá kết quả học tập.

        Về việc đánh giá kết quả đào tạo, chúng tôi cũng tham khảo một số bảng điểm cuối kỳ được phòng đào tạo và các giáo viên cung cấp, đó là đánh giá theo bậc nhận thức của học sinh. Kết quả cho thấy, chất lượng đào tạo chưa cao. Tìm hiểu nguyên nhân cho thấy, khi trình bày các tác phẩm (cả nhạc phong cách lẫn tác phẩm mới) trong chương trình thi, các em còn mắc khá nhiều lỗi kỹ thuật, từ những lỗi kỹ thuật cơ bản như: tư thế ngồi, cách cầm móng đàn … đến những lỗi liên quan đến chạy ngón, rung nhấn, luyến láy v.v.. khiến cho việc bài thi không trọn vẹn. Hệ quả của kết quả này là do các em ít được học các bài tập kỹ thuật. Phần do các em không thích học nên GV chiều theo sở thích của HS; phần do các em lười học nên chỉ tập trung vào học các bài trong chương trình thi; một phần nữa như đã đề cập là từ học kỳ 2 năm thứ ba trong chương trình học của các em không có nội dung học về bài tập kỹ thuật. Đó là chưa kể đến phương pháp giảng dạy của GV.

 

Tiểu kết chương 1

         Qua thực trạng giảng dạy đàn Nguyệt hệ trung cấp năng khiếu nhạc cụ tại khoa Nghệ thuật trường ĐHHL tôi nhận thấy bên cạnh những mặt đã đạt được nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế như sau:

            Về chương trình: Việc dạy đàn Nguyệt ở khoa Nghệ thuật chưa chú trọng đưa các dạng bài tập phù hợp vào chương trình dạy học, đặc biệt bắt đầu từ học kỳ 2 của năm thứ 3 hoàn toàn thiếu vắng phần học các bài tập kỹ thuật, vì thế khi học sinh học các bài tác phẩm và nhạc phong cách đã gặp không ít khó khăn.

Về giáo trình: Hiện nay đang giảng dạy theo Tập bài giảng do giáo viên bộ môn tự biên soạn đáp ứng cho nhu cầu dạy học tạm thời, được lựa chọn lọc từ cuốn bài tập kỹ thuật của Học viện ANQG nhưng chưa đạt chuẩn trong việc lựa chọn bài và sắp xếp khoa học. Do chưa có giáo trình chính thức  nên việc giảng dạy của GV đã gặp không ít khó khăn.

            Về phương pháp giảng dạy : vẫn còn đi theo lối mòn, dạy theo kiểu truyền khẩu là chính, chưa chú trọng đến việc dạy thị tấu cho HS cũng như chưa quan tâm nhiều đến việc phân tích, giải thích cho HS những kiến thức lien quan đến yêu cầu của bài học khiến việc học của HS mang tính thụ động, phụ thuộc nhiều vào GV.

     Khoa Nghệ thuật chưa tổ chức được các buổi tọa đàm về phương pháp giảng dạy nhạc cụ nói chung và cách giảng dạy các dạng bài tập kỹ thuật nói riêng nên GV không có cơ hội tiếp cận với phương pháp dạy học mới.

         Vấn đề tuyển sinh: hiện nay ngày càng ít học sinh tham gia tuyển sinh nên khoa và nhà trường rất ít cơ hội để lựa chọn về chất lượng. Yêu cầu về chất lượng tuyển sinh hạ thấp dần để có được học sinh, do đó mặt bằng chung về chất lượng không cao. Số em có năng khiếu thật sự và thích học rất ít.         

Về ý thức và khả năng học tập của học sinh: đa phần các em chưa ý thức được việc học của mình, chưa tự giác rèn luyện, thường ỷ lại dựa dẫm vào giáo viên. Bên cạnh những em có năng khiếu tốt, chăm chỉ luyện tập thì vẫn còn một số em ham chơi không chịu học, tập tành bài vở.

            Về tạo sân chơi, hướng dẫn thực hành biểu diễn: vấn đề này chưa được chú trọng để tạo cho học sinh một nơi để tham gia giao lưu, học hỏi, thực hành biểu diễn, giúp cho các em mỗi khi biểu diễn luôn tự tin không còn bị tâm lý rụt rè, trong nghệ thuật, thực hành biểu diễn. Đây thực sự là vấn đề cần được quan tâm nhiều nhất.

            Qua những vấn đề còn hạn chế cho chúng ta thấy được việc đào tạo nghệ thuật là vấn đề khó khăn, nhất là những em ở độ tuổi trung cấp năng khiếu lại càng khó khăn hơn khi phải sống xa gia đình, thiếu sự quản lý của cha mẹ. Để nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và các bài tập kỹ thuật cho đàn Nguyệt nói riêng cần đồng thời bổ sung, chỉnh sửa và đổi mới ở các lĩnh vực khác nhau. Điều này sẽ được chúng tôi tiếp tục giải quyết ở chương 2.  

 

Chương 2

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

2.1. Điều chỉnh và bổ sung các dạng bài tập kỹ thuật.

2.1.1.Tiêu chí lựa chọn bài

*Việc điều chỉnh và sắp xếp lại theo tiêu chí từ bài dễ đến bài khó và phù hợp với yêu cầu của từng năm như:

-Với các bài tập kỹ thuật chạy ngón, thế tay được sắp xếp kết hợp với các dạng tiết tấu tang dần độ phức tạp.

         -Với các bài tập kỹ thuật liên quan đến phong cách được lựa chọn gắn với yêu cầu của từng năm như: phong cách của các bài dân ca, ca khúc chuyển soạn; kỹ thuật trong các tiểu phẩm, tác phẩm hay những bài nhạc phong cách có trong chương trình giảng dạy.

         *Các bài tập lựa chọn bổ sung vào chương trình cũng theo tiêu chí:

         -Tập bài giảng thiếu các dạng bài tập hỗ trợ.

         -Phù hợp với trình độ và yêu cầu của từng năm.

         -Ưu tiên các dạng bài tập kết hợp các thế tay, các bài tập hỗ trợ cho việc học nhạc phong cách (tác phẩm mới và nhạc cổ).

 2.1.2. Điều chỉnh, bổ sung các dạng bài tập kỹ thuật.

       Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn bài như trên và yêu cầu của việc bắt buộc tiếp tục phải học các dạng bài tập kỹ thuật cho đến hết năm thứ 5, chúng tôi đã điều chỉnh và bổ sung cho từng năm (từ năm thứ 1 cho đến năm thứ 5) như sau:

Năm thứ I

 

Năm thứ II

Năm thứ III

Năm thứ IV

Năm thứ V

      Năm thứ VI là năm tốt nghiệp nên chúng tôi chủ trương không đưa vào chương trình các bài tập kỹ thuật, để các em ôn luyện chương trình tốt nghiệp. Việc bổ sung khá nhiều bài tập với các dạng kỹ thuật khác nhau vào từng học kỳ, từng năm học sẽ giúp cho GV có nhiều điều kiện lựa chọn bài phù hợp với trình độ và sự khuyết thiếu về kỹ thuật của mỗi học sinh

2.2. Điều chỉnh phương pháp giảng dạy.

         Như đã trình bày ở mục 1.2.4. phương pháp dạy học hiện tại chủ yếu là truyền ngón, thị phạm làm mẫu, học sinh bắt chước theo; phương pháp thuyết trình ít được khai thác khiến cho quá trình học tập của học sinh luôn bị động, phụ thuộc vào GV. Vì thế, việc điều chỉnh phương pháp dạy học ở chương này cho tất cả các nội dung từ bài tập cơ bản đến bài tập phong cách là: GV phải tích cực phát huy phương pháp thuyết trình và kết hợp một cách hợp lý giữa thuyết trình với thị phạm mẫu, giữa thuyết trình với thực hành luyện tập.

2.2.1.Phương pháp giảng dạy các dạng bài tập kỹ thuật cơ bản.

2.2.1.1. Giảng dạy các bài tập kỹ thuật tay phải.

* Bài tập với móng gẩy.

        Để giúp các em thực hiện tốt những bài tập kỹ thuật đầu tiên, khi dạy GV phải sử dụng phương pháp thuyết trình, giải thích cho các em hiểu rõ và nắm được các nội dung lien quan đến cách cầm móng và tác dụng của việc cầm móng đúng kỹ thuật, sau đó GV thực hiện mẫu để các em vừa nhìn thấy cách GV thực hiện và nghe thấy âm thanh phát ra. Sau đó GV cho các em thực hành. Khi thực hành HS mắc lỗi, GV phải chỉ cho HS thấy được tại sao khi gảy vào dây đàn âm thanh phát ra lại có tiếng lạo xạo, đó chính là lỗi đặt móng bị quá sâu v.v…     

* Bài tập Vê.

        Để thực hiện kỹ thuật này, GV hướng dẫn HS cách cầm móng gẩy với các ngón khum tròn, cổ tay kết hợp với ngón tay điều khiển móng đánh xuống hất lên đều đặn liên tục với tốc độ nhanh trên dây đàn đủ phách.

        Trong quá trình dạy học, ngoài việc phân tích cho HS hiểu, GV có thể đánh mẫu để HS quan sát cách cầm móng gảy, cách vê và lắng nghe âm thanh phát ra để tự điều chỉnh mình. Yêu cầu HS thả lỏng cổ tay cầm móng để cổ tay chuyển động đều đặn và chủ động được tốc độ vê, đảm bảo sự liền tiếng.

2.2.1.2.Giảng dạy các bài tập kỹ thuật tay trái

      *Bài tập ngón bấm: Với kỹ thuật xếp ngón ở những năm đầu tiên, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới việc dạy cho các em một tư thế đúng trong việc đặt “bàn tay trái”. Nếu việc đặt bàn tay trái bị xem nhẹ dẫn đến sự chuyển động của các ngón tay gặp phải những khó khăn mang tính nền tảng.

        Trước khi cho HS thực hiện các bài tập dạng này, GV phân tích và ghi số ngón tay trên bản nhạc, giúp HS thuận lợi hơn trong việc vỡ bài và thực hiện ngón bấm chính xác, tránh bấm ngược ngón.

         Để tạo ra được các cao độ chuẩn xác về âm thanh theo yêu cầu của bài, GV hướng dẫn HS cách đặt tay trái lên cần đàn và thực hiện ngón bấm theo yêu cầu: mắt nhìn bản nhạc, tay trái bấm dây đàn ở vị trí giữa khoảng cách 2 phím (không bấm trực tiếp lên phím đàn tiếng sẽ bị câm), miệng hát theo đúng cao độ và đúng tiết tấu, tay phải nghỉ. Sau khi đã bấm thuần thục các nốt nhạc trên cần đàn đúng số ngón tay, GV cho HS kết hợp với tay phải để tạo ra những âm thanh thực. Tay phải yêu cầu gảy đúng ký hiện lên-xuống với tiếng đàn đều, chắc khoẻ.

         * Bài tập các thế tay: Là sự kết hợp của cả tay gảy và tay bấm sao cho thuần thục. Các bài tập thế tay sẽ giúp cho các em định hình được vị trí các thế tay, cách gảy kết hợp di chuyển các ngón bấm một cách hợp lý, không bị ngược ngón để có thể chơi các bài dân ca, ca khúc, nhạc phong cách hay tác phẩm một cách thuận lợi.

Khi dạy HS bài tập này, GV phân tích cho HS các thế tay được bắt đầu từ âm nào? bấm ngón 1,2,3 trên mỗi thế và những kỹ thuật có trong bài như gảy móc đơn, kép sau v.v.. Trên cơ sở của những yêu cầu đó, GV hướng dẫn các em thực từng bước một. Khi các em đã hiểu cách thực hiện bấm ngón ở thế tay I, II thì các thế tay tiếp theo các em sẽ chủ động hơn trong việc vỡ bài cho dù bài tập có phức tạp hơn nhiều.

         *Bài tập kết hợp các thế tay. Để giúp các em thực hiện được phần bài tập này, giáo viên cần phân tích và chỉ rõ cho các em các thế tay, ngón bấm và lưu ý các em tất cả các thế tay đều bắt đầu bấm bằng ngón 1, như vậy sẽ giúp các em hiểu và thực hiện chính xác các yêu cầu về kỹ thuật của dạng bài tập.

2.2.2. Giảng dạy các bài tập cho nhạc phong cách (rung, nhấn, láy,)

            Nhạc phong cách là hơi thở, là tiếng nói và tính đặc thù của từng vùng miền. Đối với học sinh trung cấp năng khiếu thì việc để các em có thể nhận biết tính chất âm nhạc của từng vùng miền và thực hành được các hơi nhạc đó quả là một điều khó khăn và mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, trong giới hạn chương trình và xét thấy trình độ trung cấp của các em chưa nhất thiết phải xử lý hết những kỹ thuật đó nên trong quá trình dạy học, chúng tôi chỉ yêu cầu các em thực hiện tốt một số kỹ thuật cơ bản mang tính đặc thù cho mỗi phong cách mà thôi. Với lý do đó, trong mục này chúng tôi chỉ lựa chọn một số dạng bài tập hỗ trợ kỹ thuật cho từng phong cách như: rung trong Chèo, nhấn trong Huế, láy trong Tài tử - Cải lương để trình bày về phương pháp dạy học.

*Nhạc phong cách Chèo:

Để thể hiện nhạc Chèo, người chơi đàn Nguyệt cũng sử dụng nhiều kỹ thuật rung, nhấn, láy, vỗ, vê … để thể hiện những cảm xúc lúc vui, lúc buồn khác nhau. Trong các kỹ thuật đó, rung được sử dụng khá nhiều. Để hỗ trợ cho kỹ thuật rung trong Chèo, chúng tôi lựa chọn bài tập hỗ trợ số 4 về KT rung ngang (Sách BTKT-Cồ Huy Hùng).

Rung có hai cách rung là rung dọc và rung ngang. Mỗi cách rung đều có đặc điểm riêng nên hiệu quả âm thanh mang lại cũng sẽ khác nhau. Rung dọc dung gân ngoài thường phù hợp với tốc độ rung nhanh, âm hưởng vui tươi, trong sáng. Rung ngang sử dụng gân trong phù hợp với tốc độ rung chậm, âm hưởng trữ tình, buồn.

            Khi dạy bài tập số 4, GV giải thích cho HS hiểu thế nào là rung ngang, cách thực hiện kỹ thuật này, cũng như chất lượng âm thanh phát ra phù hợp với tính chất âm nhạc vui hay buồn. Sau đó hướng dẫn HS cách thực hiện như sau: đặt một hay hai ngón trên phím đàn dùng lực gân vít dây xuống rồi thả dây lên đều đặn. Ví dụ: bài tập số 4 - Rung ngang.

 

 

*Nhạc phong cách Huế:

Để chơi các bài bản Huế cũng có rất nhiều những kỹ thuật được sử dụng như, rung, nhấn, luyến, láy… và kỹ thuật nhấn luyến cũng rất đặc sắc của phong cách âm nhạc này.

Bài tập được lựa chọn là bài tập 71 -  Sách BTKT-Cồ Huy Hùng

Khi dạy Bài tập này, GV cần giới thiệu cho HS biết có các dạng nhấn luyến khác nhau. Chỉ rõ cho các em những nốt nào cần nhấn trong bài, cách thực hiện dùng 2 ngón để nhấn, đặt ngón 1,2 lên nốt F, ngón 2,3 lên nốt D tay gẩy vào nốt hoa mĩ (nốt D) đằng trước, sau đó dùng lực gân ngón nhấn lên đến nốt F, các nốt tiếp theo cũng tương tự như vậy. GV thị phạm mẫu cách nhấn, sau đó HS thực hành luyện tập từng nốt nhấn một, khi thuần thục mới tập cả bài.

* Nhạc Tài tử - Cải lương:

        Các bài bản của Đờn ca tài tử được sáng tạo dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình, nhạc dân gian miền Trung và Nam. Đây là thể loại sử dụng rất nhiều ngón đàn khác nhau, trong đó có ngón láy, láy kết hợp với luyến.

 

          Láy có hai cách láy là láy giật có luyến, láy giật rời từng tiếng.

+ Láy giật có luyến: Chỉ gảy ở nốt đầu sau đó dùng 1 hoặc 2 ngón vít giật dây trên phím đàn nhanh rồi thả ra.

         + Láy giật rời từng tiếng: Gẩy nốt đầu tiên sau đó dùng ngón bấm liền kề gảy lên dây đàn ngay sau phím bấm đó nhanh mạnh mẽ.

          Láy rất gần gũi với gảy rồi nhấn nhưng kỹ thuật này đòi hỏi ngón bấm dùng gân giật rất mạnh và đột ngột. Kỹ thuật này thực chất là thực hiện âm tô điểm. Khi dạy dạng kỹ thuật này, GV cũng cần giải thích cho HS hiểu các thao tác thực hiện, từng bước một. Sau đó GV thị phạm mẫu và HS thực hành luyện tập theo. 

            Ví dụ: Trích bài 73 sách BTKT của Cồ Huy Hùng

2.2.3.Giảng dạy các bài tập hỗ trợ tác phẩm mới.

Các tác phẩm viết cho đàn Nguyệt đa phần được sáng tác lấy cảm hứng dựa trên chất liệu dân gian và được phong tác theo phương pháp mới với lối cấu trúc 3 ba phần tái hiện có thêm cadenza đó là: Phần mở đầu - phần phát triển - cadenza - phần tái hiện. Vì thế, ngoài các kỹ thuật cơ bản và các kỹ thuật liên quan đến phong cách như vê, rung, nhấn, luyến, láy … để đáp ứng nhu cầu thể hiện nội dung tác phẩm phản ánh cuộc sống mới, các nghệ sĩ-nhạc sĩ đã sáng tạo thêm một số kỹ thuật mới. Đây đa phần là những kỹ thuật khó nhằm trưng trổ khả năng điêu luyện của nghệ sĩ biểu diễn. Đặc biệt là các kỹ thuật ở phần phát triển và phần cadenza luôn là sự kết hợp của các kỹ thuật cũng như ngón đàn như: chuyển dây nhảy ngón, chạy ngón gảy kép ở các thế tay, chồng âm, vê vuốt, phi và những thế bấm VII, VIII…Trong khi học tác phẩm mới, GV rất cần bổ sung những bài tập kỹ thuật mới hỗ trợ trước khi bước vào tập tác phẩm.

Ngoài các kỹ thuật như Rung, nhấn, vê, thì còn có kỹ thuật gảy, vê chồng âm, kỹ thuật chạy kép với tiết tấu đảo phách, nghịch phách ở thế tay VII,VIII. Với cách gảy và vê chồng âm, HS phải đặt ngón 2 lên nốt D ngón 1 lên nốt A ở chồng âm thứ nhất và ngón 2 lên nốt F ngón 1 lên nốt A ở chồng âm thứ 2 các ngón duỗi thẳng chặn lên 2 dây. Tay phải cầm móng chắc, gẩy rộng làm sao cho hai âm vang lên cùng lúc, tiếng đàn khỏe rứt khoát, đúng âm hình tiết tấu; kỹ thuật vê chồng âm, ngón bấm giữ ở nốt D, A tay gẩy áp dụng kỹ thuật vê một dây, nhưng ở đây móng gẩy phải thật kéo léo vung cổ tay rộng hơn không đặt móng quá sâu, tiếng đàn sẽ bị rắt.

           Như vậy, tùy từng tác phẩm và từng kỹ thuật cần xử lý trong bài mà giáo viên có thể lựa chọn bài tập phù hợp.  

2.3.Thực nghiệm sư phạm và kết quả thực nghiệm.

2.3.1.Thực nghiệm sư phạm

Trên cơ sở những giải pháp đề ra, chúng tôi đã tiến hành giảng dạy thực nghiệm để có được những đánh giá về tính khả thi của các giải pháp này. 

- Đối tượng lựa chọn dạy thực nghiệm là 2 học sinh: học sinh năm thứ 3 và học sinh năm thứ 5 (hệ trung học 6 năm).

- Lý do lựa chọn: cả 2 học sinh những năm học vừa qua đều rất vướng kỹ thuật khiến cho việc trình bày tác phẩm không trọn vẹn. Ngoài ra, đây là các em không còn được học bài tập kỹ thuật trong chương trình học từ học kỳ II năm thứ 3 trở đi.

          -Thời gian thực nghiệm: học kỳ II năm học 2017-2018

          -Nội dung bài học:

          a/ Với HS năm thứ 3

            + Bài tập 69 kỹ thuật rung và chạy kép sách BTKT của Cồ Huy Hùng

              +Yêu cầu bài học: Thực hiện được kỹ thuật rung, tiếng rung đều, không run, chênh phô, chạy kép bấm ngón đúng thế tay kết hợp tay gảy tay bấm linh hoạt.

            +Thời lượng: Học trong 2 tuần, mỗi tuần 2 tiết, mỗi tiết 20 phút.

            + Hình thức tổ chức lớp học: Cá nhân 1 thầy 1 trò.

            + Ngày thực hiện: 20/3/2018 đến 29/3/2018

         b/HS năm thứ 5

            +Bài tập 121 dây G-C          sách BTKT của 3 tác giả.

            +Yêu cầu bài học: Thực hiện được kỹ thuật chạy móc kép, chuyển dây nhảy ngón tốc độ nhanh; vê các nốt cao không gãy tiếng, rền và miết kết hợp tay gảy tay bấm linh hoạt.

            +Thời lượng: Học trong 2 tuần, mỗi tuần 2 tiết, mỗi tiết 20 phút.

            +Hình thức tổ chức lớp học: Cá nhân 1 thầy 1 trò.

            +Ngày thực hiện: 20/3/2018 đến 29/3/2018      

2.3.2.Kết quả thực nghiệm

Với việc triển khai giảng dạy giáo án thực nghiệm, cuối năm học vừa qua kết quả thi của các em, thông qua đánh giá của giảng viên trong bộ môn và khoa, kết quả học tập của học sinh chuyên ngành đàn Nguyệt  đã được nâng cao rõ rệt. nhất định. Sau đây là điểm thi học kỳ của 2 HS năm học 2017-2018 với điểm học kỳ 2 tham gia dạy và học thực nghiệm với bài tập hỗ trợ.

Bảng điểm chuyên ngành đàn nguyệt năm học 2017-2018

          Tiểu kết chương 2

Để phù hợp với trình độ của học sinh hệ trung cấp năng khiếu 6 năm của trường Đại học Hạ Long, trên cơ sở bám sát phân phối chương trình chi tiết của học phần và điều kiện thực tế dạy học học phần tại trường, chúng tôi đã sắp xếp, điều chỉnh và bổ sung các bài tập kỹ thuật theo từng năm học.

            Ở chương 2 này chúng tôi đã đưa ra những giải pháp nhằm giúp học sinh giải quyết những vướng mắc về kỹ thuật để có thể thực hiện tốt khi chơi tác phẩm (tác phẩm mới, tác phẩm phong cách) như: Bổ sung các dạng bài tập kỹ thuật cơ bản; các bài tập kỹ thuật liên quan đến phong cách; các bài tập kỹ thuật gắn với tác phẩm mới.

Để đáp ứng được chất lượng đào tạo cũng như nhu cầu học tập của học sinh, thì vai trò của người thầy là hết sức quan trọng. Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ sư phạm, thì người thầy phải có tình yêu đối với nghề để từ đó sẽ đưa ra được phương pháp dạy và học hiệu quả. Một trong những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả giờ học là giáo viên phải biết kết hợp một cách hợp lý các phương pháp dạy học cơ bản trong một giờ dạy chuyên ngành (thuyết trình, thị phạm, trực quan, kiểm tra đánh giá) và mức độ thời lượng của từng phương pháp đó. Với những kinh nghiệm tích lũy của bản thân chúng tôi cũng đã nêu việc thử nghiệm phương pháp mới của đề tài luận văn trong thực hành giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho học sinh hệ trung cấp 6 năm trường Đại học Hạ Long trong chương 2 này. Việc thực nghiệm giảng dạy được tiến hành trên hai học sinh ở trình độ khác nhau với những lỗi kỹ thuật khác nhau. Trên cơ sở đó chúng tôi đã lựa chọn dạng bài tập hỗ trợ để khắc phục lỗi kỹ thuật, giúp cho việc học nhạc cổ cũng như chơi tác phẩm mới của HS đạt được kết quả rất khả quan.

 

 

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

 

KẾT LUẬN

Được kế thừa và phát triển từ những thành quả sáng tạo nghệ thuật lâu đời của cha ông ta, từ khi hình thành và phát triển cho đến nay, bộ môn đàn Nguyệt đã dần khẳng định được vị trí tồn tại của mình với vai trò đào tạo ra các nghệ sĩ biểu diễn (độc tấu, hòa tấu, đệm....) và đội ngũ giảng viên hùng hậu. Đây là thành quả to lớn của các thế hệ nghệ sĩ, giảng viên đã luôn tràn đầy nhiệt huyết, với những cố gắng không ngừng nghỉ, mang ngọn lửa đam mê thắp sáng trong từng học sinh, đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho mọi miền tổ quốc, từ các cơ sở đào tạo chuyên và không chuyên nghiệp về bộ môn đàn Nguyệt. Là một giảng viên chuyên ngành đàn Nguyệt thuộc tổ nhạc cụ truyền thống, thiết nghĩ mình mang một nhiệm vụ hết sức cao cả bởi công tác giảng dạy, truyền nghề và trên hết là truyền ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê cho các em học sinh để từ đó các em tiếp tục phát triển vốn giá trị nghệ thuật quý báu của ông cha ta để lại.

Với đề tài “Nâng cao chất lượng giảng dạy những bài tập kỹ thuật cho đàn Nguyệt cho học sinh trung cấp năng khiếu 6 năm tại khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long” chúng tôi đã nêu nên vai trò của các bài tập kỹ thuật trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và hệ thống lại một số kỹ thuật cơ bản của đàn Nguyệt. Từ những tồn tại về chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy, chúng tôi đã đưa ra những điều chỉnh, sắp xếp và hệ thống lại cho phù hợp với từng năm học, đưa ra phương pháp cụ thể dạy các dạng bài tập khác nhau nhằm trang bị cho các em một nền tảng kỹ thuật vững chắc để đưa vào xử lý các bài bản thuộc nhạc phong cách và tác phẩm một cách tinh tế và hiệu quả hơn. 

Qua các giờ thực nghiệm, chúng tôi đã có những nhận xét, đánh giá cụ thể về phương pháp giảng dạy mới, từ đó cho thấy: xây dựng nội dung về chương trình, giáo trình phù hợp, sát với những yêu cầu cần đạt được về kĩ thuật của từng năm học là điều rất quan trọng. Qua đề tài này, tôi hy vọng sẽ góp một phần vào sự đổi mới, phát triển của bộ môn đàn Nguyệt cho học sinh trung cấp năng khiếu 6 năm tại khoa Nghệ thuật  trường Đại học Hạ Long.

KHUYẾN NGHỊ

Với mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy “Những bài tập kỹ thuật cho học sinh năng khiếu trường Đại học Hạ Long” ngày một tốt hơn chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất: Giáo trình chuẩn là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình dạy học đạt chuẩn, vì thế nhà trường cần tạo điều kiện để các GV tham gia biên soạn giáo trình riêng của trường phù hợp với đối tượng học và mục tiêu đào tạo của nhà trường.

Thứ hai: Do đặc thù là trường địa phương, các tài liệu tham khảo về môn học còn hạn chế, chúng tôi mong muốn nhà trường tạo điều kiện thu thập một số tài liệu, sách, băng đĩa liên quan đến môn học trong thư viện nhà trường để học sinh có điều kiện được tham khảo, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Thứ ba: Hiện nay đầu vào tuyển sinh ngày càng ít, chúng tôi mong muốn có những buổi biểu diễn, giảng dạy, tư vấn tại các trường phổ thông trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho các em được va chạm thực tế.

Thứ tư: Nhà trường có những chính sách khích lệ giảng viên, tạo thêm lòng đam mê, yêu nghề để các giảng viên có thêm động lực tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp tích cực hơn trong giảng dạy, đào tạo ra được những mầm tài năng cho đất nước.

Mặc dù em đã cố gắng với mong muốn có được kết quả nghiên cứu tốt nhất, xong do trình độ, tư liệu, tài liệu và thời gian có hạn nên luận văn không tránh khỏi sai sót, kính mong nhận được sự thông cảm và sự đóng góp ý kiến của các Giáo Sư, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ, các nhà chuyên môn để luận văn được chỉnh sửa tốt hơn.                                               

Đầu trang
Các tin khác
  Nguyễn Thị Lệ Quyên: "Nâng cao chất lượng giảng dạy đàn phím điện tử cho sinh viên hệ CĐSPÂN tại trường Đại học Hạ Long". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Đoàn Thanh Vân: “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy phân môn Âm nhạc thường thức khối Trung học cơ sở tại trường Thực hành Sư phạm - Đại học Hạ Long". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Vũ Mạnh Hùng: "Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đàn phím điện tử cho sinh viên hệ cao đẳng Sư phạm tiểu học trường Đại học Hạ Long". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Trần Anh Tuấn: "Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sáo trúc cho học sinh hệ trung cấp 6 năm tại khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Chu Thu Trang: “Nâng cao chất lượng giảng dạy những bài tập kỹ thuật đàn Tam thập lục cho học sinh trung cấp trường Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn