Tác giả: Nguyễn Khánh Ly
Đề tài: "Tác phẩm thanh nhạc Nga trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam"
Chuyên ngành: Âm nhạc học
Mã số: 62.21.02.01.
Người hướng dẫn: GS.TS. Trần Thu Hà
Ngày đăng: 22/5/2023
Luận án toàn văn
Tóm tắt Luận án
MỞ ĐẦU
1: Lý do chọn đề tài
Âm nhạc Nga bắt nguồn từ những thời lịch sử xa xưa gắn liền với văn hóa và sinh hoạt của những bộ tộc Đông Xlavơ thời cổ đại. Trải qua một quá trình phát triển hàng thiên niên kỷ, cho đến thế kỷ XIX nền âm nhạc Nga đã hoàn toàn trở thành một nền âm nhạc chuyên nghiệp bác học thật sự kinh điển. Những năm 30 của thế kỷ XIX nền âm nhạc của Nga bắt đầu được thế giới biết đến và sau đó không lâu nửa sau thế kỷ XIX nền âm nhạc Nga cũng như các loại hình nghệ thuật khác của nước Nga đã phát triển lên đến những đỉnh cao và đã khẳng định được vị thế, tầm ảnh hưởng cũng như chỗ đứng vững chắc trong dòng chảy văn hóa nghệ thuật của thế giới.
Nền âm nhạc Nga từ thế kỷ XIX đã có những bước phát triển rực rỡ gắn liền với tên tuổi của hàng loạt những nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới như: Glinka, Tchaikovsky, Rachmaninoff, Borodin, Rimsky Korsakov… và sau này là những tác giả thế kỷ XX như: Shostakovich, Prokofiev, Shedrin… Nền âm nhạc Nga cũng như nghệ thuật biểu diễn thanh nhạc đã đặt dấu ấn rõ nét lên nền nghệ thuật thế giới từ thế kỷ XIX cho tới nay. Các tác phẩm thanh nhạc của các nhạc sĩ Nga trong đó bao gồm các thể loại romance, hợp xướng, nhạc kịch… chiếm một phần không thể thiếu trong các chương trình biểu diễn tại các nhà hát chuyên nghiệp cũng như trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới. Trong thế kỷ XIX tên tuổi và tài năng của những ca sĩ opera Nga như: Shalyapin, Smirnov, Sobinov… và những thế hệ ca sĩ sau này như: Vishnevskaya, Obrasova, Netrevko, Khvorostovski, Galifulina đã được toàn thế giới biết đến và ngưỡng mộ. Có thể nói, trường phái thanh nhạc Nga với những nét đặc thù riêng đã khẳng định mình như một phần không thể thiếu trong nền âm nhạc thế giới.
Nghệ thuật ca hát chuyên nghiệp phương Tây ra đời từ thế kỷ XVI – XVII và du nhập vào Việt Nam khoảng những năm đầu của thế kỷ XX qua quá trình thực dân hóa của người Pháp. Nghệ thuật thanh nhạc của thế giới nói chung, của nước Nga nói riêng đã có những ảnh hưởng nhất định tới đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam qua quá trình tiếp thu và chuyển hóa. Đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật thanh nhạc chuyên nghiệp của đất nước.
Tại Việt Nam, sự ra đời của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là HVANQGVN) đánh dấu một bước ngoặt lớn của nền Âm nhạc nói chung và thanh nhạc Việt Nam nói riêng chính thức được phát triển mang tính chuyên nghiệp. Trong khoảng hơn 60 năm lịch sử phát triển của nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam, trong đó có nghệ thuật thanh nhạc đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền âm nhạc Nga. Trong giai đoạn chiến tranh cứu nước và xây dựng đất nước sau khi giải phóng, Liên bang Xô Viết sau này là Liên bang Nga đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo ra rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, giảng viên nòng cốt cho rất nhiều ngành âm nhạc trong đó có thanh nhạc. Có thể nói toàn bộ chương trình giảng dạy thời kỳ đầu cho các chuyên ngành chính tại Trường Âm nhạc Việt Nam từ năm 1956 đều được xây dựng dựa trên sự giúp đỡ và tư vấn của các chuyên gia Nga. Ngoài ra các chuyên gia đầu ngành thanh nhạc của Việt Nam như: Hồ Mộ La, Mai Khanh, Nguyễn Trung Kiên, Phạm Quý Dương, Lê Dung, Nguyễn Quang Thọ, Phạm Ngọc Khang…. Đều được đào tạo bài bản tại Nga hoặc được tham gia học các khóa học ngắn hạn với các chuyên gia Nga tại Việt Nam. Chính vì thế, cho đến nay chương trình đào tạo thanh nhạc của HVANQGVN do GS. Nguyễn Trung Kiên soạn thảo, khối lượng tác phẩm Nga chiếm một số lượng khá lớn bên cạnh các tác phẩm của Ý, Đức, Pháp… Với một vị thế quan trọng của nền nghệ thuật thanh nhạc Nga, ngay từ những giáo trình đầu tiên của chúng ta các tác phẩm Nga đã được đưa vào sử dụng rộng rãi. Cho tới năm 2002 Giáo trình chuyên ngành thanh nhạc đại học và trung cấp do GS. Nguyễn Trung Kiên biên soạn đã chính thức được thông qua. Cũng cùng thời điểm đó ông đã biên soạn Chương trình chuyên ngành thanh nhạc hệ trung cấp và đại học. Số lượng tác phẩm Nga đã được đưa vào khá phong phú và đa dạng. Có thể nói các tác phẩm Nga đã đồng hành với chương trình đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp của nước ta trong một thời gian dài. Tuy vậy, do nhiều lý do chủ quan và khách quan việc sử dụng các tác phẩm thanh nhạc Nga trong đào tạo hiện nay đang chưa được sự quan tâm đúng mức của các giảng viên thanh nhạc và đứng trước nguy cơ bị lãng quên, ngôn ngữ tiếng Nga đã trở nên xa lạ, hầu hết các giảng viên không có kiến thức về ngoại ngữ này nên đa số né tránh không sử dụng các tác phẩm thanh nhạc của các nhạc sĩ Nga. Thực tế này đã làm nhiều nhà sư phạm trong ngoài nước đều thắc mắc, trăn trở.
Để có sự đánh giá chính xác về giá trị của các tác phẩm thanh nhạc Nga cũng như những lợi ích to lớn của việc sử dụng các tác phẩm đó trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam. Với tư cách là một giảng viên Khoa Thanh nhạc tại HVANQGVN, với lòng mong muốn góp phần nâng cao, đổi mới chất lượng đào tạo ngành thanh nhạc của nước nhà vươn lên hội nhập với trình độ quốc tế trong giai đoạn mới, tôi nhận thức một cách sâu sắc nhiệm vụ của mình cùng toàn thể các giảng viên trong Khoa cần phải khẩn trương khôi phục, duy trì và bổ xung phát triển vị trí của tác phẩm thanh nhạc Nga trong đào tạo. Công việc này cũng là một phần thiết thực đóng góp vào sứ mệnh lớn nói trên. Với lý do đó chúng tôi đã chọn đề tài: Tác phẩm thanh nhạc Nga trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN cho đề tài nghiên cứu của mình.
2. Mục đích nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu về Romance của 3 tác giả M.I.Glinka, P.I.Tchaikovsky, S.V.Rachmaninoff. Đây là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đã được xử dụng rộng rãi có hiệu quả trên thế giới và trong nước. Từ đó tìm ra những khuynh hướng, phong cách độc đáo của một số tác phẩm phù hợp để áp dụng trong đào tạo thanh nhạc tại HVANQGVN. Luận án còn nghiên cứu kỹ về phương pháp sư phạm của trường phái thanh nhạc Nga và hệ thống các bài luyện thanh của M.I.Glinka và Varlamov. Từ đó vận dụng có chọn lọc những lý thuyết và các bài tập thực hành về kỹ thuật thanh nhạc trong phương pháp sư phạm của họ để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn giảng dạy tại HVANQGVN. Qua đó đưa ra những giải pháp nhằm bổ sung, khôi phục và phát huy những ưu thế của các tác phẩm thanh nhạc Nga cũng như các phương pháp sư phạm của trường phái thanh nhạc Nga. Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi hướng đến là bao gồm những vấn đề liên quan đến đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp như: Các quan điểm về phương pháp sư phạm thanh nhạc của trường phái thanh nhạc Nga, Hệ thống các bài luyện thanh của M.I.Glinka, A.E.Varlamov. Một số tác phẩm romance tiêu biểu của 3 tác giả M.I.Glinka, P.I.Tchaikovsky, S.V.Rachmaninoff (chúng tôi nghiên cứu romance cho cả hai đối tượng từ trung cấp đến đại học nhưng tập trung nghiên cứu nhiều hơn ở các romance cho hệ đại học) và thực trạng giảng dạy các tác phẩm thanh nhạc Nga bao gồm những mặt thuận lợi và hạn chế cần khắc phục, gợi mở hướng phát triển mới trong công tác giảng dạy và học tập tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong kho tàng đồ sộ về tác phẩm thanh nhạc của Nga bao gồm các aria trích các vở opera và các romance của rất nhiều tác giả nổi tiếng người Nga đã có rất nhiều tác phẩm hay, có giá trị nghệ thuật cao và phổ biến rộng rãi trên thế giới. Nhưng do khuôn khổ đề tài cũng như thực tế sử dụng tại Việt Nam nên chúng tôi chỉ đi sâu vào nghiên cứu về tác phẩm romance Nga trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là các tác phẩm romance Nga, chủ yếu là các bản romance tiêu biểu có trong giáo trình của TG và VN và đã có quá trình sử dụng nhiều của 3 tác giả M.I.Glinka, P.I.Tchaikovsky, S.V.Rachmaninoff. Những bản romance này đã được GS. NSND Nguyễn Trung Kiên đưa vào chương trình và giáo trình giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN.
Phạm vi khảo sát và nghiên cứu của đề tài chủ yếu tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN.
Do khuôn khổ của luận án cũng như điều kiện của bản thân nên chúng tôi lựa chọn HVANQGVN là nơi để thực hiện việc nghiên cứu đề tài bao gồm những lý do sau:
- Theo chúng tôi nhận thức thì việc đào tạo về âm nhạc nói chung và ngành thanh nhạc nói riêng HVANQGVN là một cơ sở chuẩn mực nhất trong cả nước bởi nó đã có một quá trình với bề dày lịch sử phát triển và ở đây cũng là nơi tập trung đội ngũ giảng viên hùng hậu của nhiều thế hệ có uy tín và chất lượng cao của cả nước. Chính nơi đây đã cung cấp nguồn nhân lực về âm nhạc cho các cơ sở đào tạo khác trong cả nước.
- Với quá trình hình thành và phát trển ngành thanh nhạc của đất nước thì HVANQGVN là nơi đã tiếp thu ảnh hưởng nhiều nhất của trường phái thanh nhạc Nga và đã có thời kỹ phát triển rực rỡ với những thành tựu to lớn.
- Hơn nữa, bản thân tôi đã từng học tập, trưởng thành và hiện nay đang tham gia giảng dạy về thanh nhạc tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN cho nên đối với tôi môi trường nghiên cứu này là thuận lợi mang tính khả thi và có điều kiện thực hiện tốt nhất. Khi chúng tôi thực hiện nghiên cứu tại cơ sở này thì cũng mang tính chất đại diện chung cho các cơ sở đào tạo Âm nhạc chuyên nghiệp khác trong cả nước.
Phạm vi thử nghiệm sẽ được tiến hành trong quá trình đào tạo HSSV tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN .
4. Giả thuyết nghiên cứu
- Trường phái thanh nhạc Nga có ảnh hưởng to lớn đến thanh nhạc thế giới giai đoạn từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX bởi sự sáng tạo của nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: Glinka, Tchaikovsky, Varlamov, Rachmaninoff, Rimsky Korsakov, Shostakovich, Shalyapin, Smirnov, Sobinov…
- Luận án đặt ra giả thuyết là nền thanh nhạc Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của trường phái thanh nhạc Nga trong quá trình hình thành và phát triển.
- Trong quá trình phát triển của nền thanh nhạc Việt Nam, các tác phẩm của các nhạc sĩ Nga như: Glinka, Tchaikovsky, Rachmaninoff, Rimsky Korsakov luôn chiếm vai trò, vị trí quan trọng trong chương trình đào tạo thanh nhạc tại HVANQGVN. Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây vì một số lý do khách quan và chủ quan đang dần bị lãng quên trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam.
- Các quan điểm của các nhà sư phạm thanh nhạc lỗi lạc Nga trong quá khứ như: M.I.Glinka, A.E.Varlamov, Nixxen-Xaloman, Kamillo EEveradi… hoàn toàn không mất đi giá trị khoa học và tính thực tiễn trong đào tạo thanh nhạc trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
- Việc luyện tập phát âm tiếng Nga và tìm hiểu về tác giả, nội dung tác phẩm, phong cách sáng tác có thể là yếu tố then chốt mang lại thành công trong quá trình học tập và biểu diễn tác phẩm thanh nhạc Nga.
5. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài được thực hiện dựa trên quan điểm và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, cụ thể hơn đối với nội dung nghiên cứu về trường phái thanh nhạc Nga, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu lý thuyết bao gồm:
- Nghiên cứu tư liệu
- Phương pháp phân tích tổng hợp tài liệu về những vấn đề liên quan đến đề tài
- Phương pháp đối chiếu so sánh
- Phương pháp nghị luận
Trong luận án chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu thực tiễn bao gồm:
- Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm: Khảo sát thực tế, đánh giá những thành tựu đã đạt được và những khiếm khuyết trong việc dạy và học romance của các tác giả người Nga tại HVANQGVN. Đổi mới phương pháp giảng dạy, tiến hành tổ chức thực nghiệm sư phạm để khẳng định hướng đi đúng đắn của đề tài nghiên cứu.
- Phương pháp phi thực nghiệm: Thống kê, phỏng vấn các chuyên gia hàng đầu về thanh nhạc tại Việt Nam, dự giờ giảng dạy thanh nhạc, tổng kết rút kinh nghiệm.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
Ý nghĩa khoa học
Đây là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về trường phái thanh nhạc Nga trong đó chủ yếu bao gồm những quan điểm, phương pháp sư phạm thanh nhạc. Tìm hiểu giới thiệu và phân tích các tác phẩm Nga mà chủ yếu là các bản romance để có thể ứng dụng trong đào tạo giảng dạy.
Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ nêu rõ được những ưu việt và vị trí quan trọng của trường phái thanh nhạc Nga đối với thế giới và Việt Nam. Luận án nghiên cứu các tác phẩm đã có trong chương trình, giáo trình và tiếp tục bổ sung một số tác phẩm tiêu biểu để đưa vào giáo trình giảng dạy thanh nhạc chuyên nghiệp.
Ý nghĩa thực tiễn
Với mục tiêu khôi phục, phát triển và nâng cao vị thế của việc giảng dạy các tác phẩm Nga trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN, luận án sẽ là công trình đầu tiên nghiên cứu sâu về Romance của ba tác giả tiêu biểu M.I.Glinka, P.I.Tchaikovsky, S.V.Rachmaninoff.
Việc nghiên cứu sâu về phương pháp sư phạm cũng như hệ thống các bài luyện thanh của trường phái thanh nhạc Nga thông qua các Nhà sư phạm tiêu biểu M.I.Glinka, Varlamov đã gợi mở cho chúng tôi những tiêu chí phù hợp với hướng phát triển trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN.
Việc chọn ra được những bài luyện thanh, tác phẩm romance phù hợp với chương trình đào tạo và khả năng của học sinh, sinh viên tại HVANQGVN trong luận án sẽ là một phần tư liệu hữu ích giúp cho việc giảng dạy của các giảng viên và việc học tập của các em HSSV về tác phẩm Nga trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, khuyến nghị, tài liệu tham khảo và phụ lục, bản luận án gồm 3 chương:
Chương 1: Khái quát về trường phái thanh nhạc Nga và một số bản romance tiêu biểu.
Chương 2: Thực trạng giảng dạy romance Nga tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Chương 3: Giải pháp nâng cao vị trí và chất lượng dạy học tác phẩm romance Nga tại HVANQGVN.
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ TRƯỜNG PHÁI THANH NHẠC NGA VÀ MỘT SỐ BẢN ROMANCE TIÊU BIỂU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Nền nghệ thuật thanh nhạc Nga có một vị trí to lớn trong lịch sử phát triển nghệ thuật thanh nhạc thế giới, nên là đối tượng luôn được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, lý luận, sư phạm. Vì chúng ta cần hiểu các tác phẩm thanh nhạc Nga không đơn thuần chỉ của đất nước Nga mà những tác phẩm này nằm trong kho tàng nghệ thuật thanh nhạc của thế giới và bất luận phải có một ví trí thích đáng trong giáo trình đào tạo.
1.1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu nước ngoài
Chúng tôi đã tìm hiểu một số công trình chuyên khảo là những cuốn sách nước ngoài và trong nước, một số luận án cũng như các công trình khoa học liên quan đến thanh nhạc và phương pháp sư phạm thanh nhạc… ngoài mục đích là những tư liệu tham khảo quý giá cho luận án mà còn nhằm mục đích tìm ra những vấn đề còn bỏ ngỏ trong công tác đào tạo chuyên ngành thanh nhạc để từ đó xây dựng hướng nghiên cứu mới của luận án. Dưới đây là một số công trình đáng chú ý.
1.1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước
Trong nhiều năm qua đã có một số những công trình khoa học nghiên cứu về sư phạm nhanh nhạc đã phát huy được những hiệu quả vô cùng tốt đẹp và đáng tự hào trong giảng dạy thanh nhạc. Đó là những công trình về âm nhạc, sự phạm, về lịch sử thanh nhạc của những GS, PGS, TS đã nhiều năm gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc ở Việt Nam. Đội ngũ này chủ yếu là những người đã có quá trình biểu diễn, nghiên cứu, giảng dạy trong các trường âm nhạc. Phần lớn trong số họ đã được du học và tu nghiệp ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là nước Nga hoặc là rất quan tâm, yêu mến và đánh giá rất cao về nền âm nhạc Nga cũng như nền âm nhạc nước nhà. Dưới đây chúng tôi sẽ tóm tắt nội dung các công trình tiêu biểu.
1.2. Khái quát về một số nhà sư phạm tiêu biểu của trường phái thanh nhạc Nga
Từ nửa sau thế kỷ XIX, nền âm nhạc Nga đã rất phát triển và đã có tiếng vang ở châu Âu. Trong suốt thế kỷ XX và cho đến tận ngày hôm nay âm nhạc Nga đã trở thành một trường phái lớn mạnh trên thế giới. Bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ người Nga chúng ta không thể không kể đến hệ thống giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp hùng mạnh của đất nước này.
Từ đầu thế kỷ XIX số nhà soạn nhạc Nga đã thành danh như M.I.Glinka, A.E. Varlamov, Liadov, Mussorgsky, Rimsky Korsakov, Rachmaninoff…còn được biết đến là những ca sĩ, nhạc sĩ và những nhà sư phạm tài năng. Họ đã đưa ra phương pháp sư phạm thanh nhạc của riêng mình với những những điểm khác biệt với trường phái thanh nhạc Ý.
1.2.1. M.I.Glinka (1804 – 1857)
1.2.2. A.E.Varlamov (1801 – 1848)
1.2.3. Henriette Nissen-Xaloman (1819-1879)
1.2.4. Kamillo Evêrarđi – Camille Francois Everard (1825–1899)
1.3. Một số quan điểm sư phạm của các nhà sư phạm thanh nhạc Nga
1.3.1. Quan điểm của các nhà sư phạm thanh nhạc Nga về cơ quan phát âm
Quan điểm những vấn đề về thanh nhạc được các nhà soạn nhạc, các nhà sư phạm thanh nhạc Nga đúc kết qua từng thời kỳ, bắt đầu từ đầu thế kỷ XIX sang thế kỷ XX qua các thời kỳ âm nhạc cổ điển, đến lãng mạn. Để phù hợp với đề tài, chúng tôi nghiên cứu quan điểm xoay quanh những vấn đề về thanh nhạc Nga từ đầu thế kỷ XIX sang thế kỷ XX của nhiều nhà soạn nhạc, nhà sư phạm dưới những góc độ khác nhau, tuy nhiên, tập trung nhiều hơn về những quan điểm mang tính tổng kết và sáng tạo qua từng giai đoạn.
1.3.2. Quan điểm của các nhà sư phạm thanh nhạc Nga về kỹ thuật thanh nhạc
1.3.3. Quan điểm của các nhà sư phạm thanh nhạc Nga về sự sáng tạo và diễn xuất sân khấu kết hợp với giọng hát
1.4. Romance của M.I.Glinka, P.I.Tchaikovsky và S.V.Rachmaninoff
Trong luận án này, với khuôn khổ đề tài nên chúng tôi lựa chọn phân tích một số romance tiêu biểu của 3 tác giả Glinka, Tchaikovsky và Rachmaninoff là bởi vì đó là những bản romance có giá trị nghệ thuật cao, hay về giai điệu, đẹp về ca từ, hơn nữa đó là những bản romance được phổ biến rộng rãi trên thế giới cũng như Việt Nam. Cụ thể hơn là những bản romance đó đã có trong giáo trình và đã từng được sử dụng nhiều và tương đối quen thuộc tại HVANQGVN. Trong cách phân tích các bản romance dưới đây, chúng tôi sẽ đi theo hướng tiếp cận các tác phẩm dưới góc độ người biểu diễn và giảng dạy thanh nhạc nên chúng tôi không đi sâu vào việc phân tích các thủ pháp, cấu trúc và ngôn ngữ âm nhạc. Mà sẽ phân tích mang tính giơi thiệu gợi mở về cách thể hiện bản romance trong đó chủ yếu là cách xử lý các kỹ thuật thanh nhạc, nội dung hình tương và phần đệm piano trong các tác phẩm romance đó.
1.4.1. Romance của M.I.Glinka
1.4.2. Romance của P.I.Tchaikovsky
1.4.3. Romance của S.V. Rachmanioff
Tiểu kết chương 1
Trong chương này, chúng tôi đã đề cập đến tổng quan tình hình nghiên cứu của luận án trong đó bao gồm: (Tổng quan tình hình nghiên cứu nước ngoài: là những cuốn sách, những công trình khoa học của các nhà sư phạm thanh nhạc Nga và Ý; và Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước: là những cuốn sách, những công trình khoa học về lĩnh vực thanh nhạc của các nhà sư phạm thanh nhạc trong nước và một số luận án tiến sĩ). Để từ đó tiếp thu những quan điểm được cho là phù hợp nhất cũng như tìm ra khoảng trống chưa được đề cập để có lý do nghiên cứu sâu hơn trong luận án của mình.
Việc giới thiệu khái quát về trường phái thanh nhạc Nga thông qua các nhà sư phạm tiêu biểu như: (M.I.Glinka, A.E.Varlamovv, Nixxen-Xaloman, Kamillo Evêrarđi), phần nào đã giới thiệu tóm tắt được quá trình phát triển và những thành tựu vĩ đaị mà họ đã đạt được trong lĩnh vực đào tạo sư phạm thanh nhạc của Nga thời kỳ đó. Chúng tôi cũng đưa ra một số quan điểm xoay quanh những vấn đề về kỹ thuật thanh nhạc của các nhà sư phạm người Ý, Đức, Pháp, Nga, từ đó tổng kết lại những quan điểm mang tính ưu việt và phù hợp nhất để có thể kế thừa và phát huy trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN
Trong chương 1, chúng tôi đã phân tích kỹ một số romance của các tác giả M.I.Glinka, P.I.Tchaikovsky, S.V.Rachmaninoff và đưa ra những ví dụ phù hợp để làm nổi bật những điểm độc đáo trong sáng tác và các kỹ thuật thanh nhạc được họ đề cập đến trong các tác phẩm romance đó. Qua những phân tích đó chúng tôi dã đưa ra những minh chứng để thấy rõ những ưu việt trong các romance của Nga, không những đối với ngành thanh nhạc tại Việt Nam mà còn có giá trị to lớn đối với thế giới.
Ngày nay trong bối cảnh đất nước đã có nhiều sự đổi mới chúng ta vẫn cần phải nhìn nhận và tiếp tục tiếp thu để phát huy nhiều hơn nữa những tinh hoa của kho tàng các tác phẩm của các nhạc sĩ Nga nói trên. Tiếp thu những thành tựu khoa học về lĩnh vực thanh nhạc của một số nước trên thế giới đặc biệt là Nga.
Việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các kỹ thuật thanh nhạc thông qua các tác phẩm romance của Nga và quan trọng hơn nữa là tìm ra phương pháp sư phạm thanh nhạc đúng sẽ là chìa khóa để đào tạo ra nhiều những thế hệ ca sĩ có chất lượng nhằm đáp ứng với nhu cầu đổi mới và hội nhập Quốc tế.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY ROMANCE NGA TẠI HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
2.1. Cơ sở đào tạo và đội ngũ giảng viên thanh nhạc tại HVANQGVN
Trước khi đi vào vị trí của các tác phẩm romance Nga trong thực trạng dạy học thanh nhạc tại HVANQGVN chúng tôi muốn giới thiệu sơ lược về sự hình thành và phát triển của HVANQGVN.
Hiện nay, việc giảng dạy thanh nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam được đào tạo chủ yếu ở khối các Học viện; (HVANQGVN đại diện cho khu vực miền Bắc, HVAN Huế đại diện cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đại diện cho khu vực miền Nam). Ngoài ra, khối trường Đại học có chức năng đào tạo nghệ thuật như; Đại học VHNT Quân đội, Đại học Văn hóa Hà Nội; Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Khối Trường Văn hóa Nghệ thuật có: Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc và các trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật ở nhiều tỉnh thành trong toàn quốc. Với bề dày lịch sử hơn 60 năm phát triển ngành thanh nhạc Việt Nam, đến nay đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể. Tại Việt Nam, hiện có ba cơ sở đào tạo tiêu biểu đại diện lớn nhất cho ba khu vực nhưng bởi lý do giới hạn của đề tài nên phạm vi nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu tập trung đi sâu vào sự hình thành và phát triển của HVANQGVN.
2.1.1. Khái quát về Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
2.1.2. Đội ngũ giảng viên thanh nhạc tại HVANQGVN
2.1.3. Quan điểm về PPSP thanh nhạc của các nhà sư phạm đầu ngành thanh nhạc tại HVANQGVN
2.2. Vị trí của các tác phẩm romance Nga trong thực tiễn dạy học thanh nhạc tại HVANQGVN
Trong chương 1 chúng tôi đã phân tích về giá trị nghệ thuật của các tác phẩm romance tiêu biểu của Nga cũng như đã giới thiệu khái quát về một số nhà sư phạm lỗi lạc của trường phái sư phạm thanh nhạc Nga. Ở phần này chúng tôi đi vào tìm hiểu, phân tích và nghiên cứu về chương trình, giáo trình giảng dạy thanh nhạc tại HVANQGVN để từ đó nêu bật vị trí của các tác phẩm romance Nga trong thực trạng dạy học thanh nhạc chuyên nghiệp.
2.2.1. Hệ thống chương trình đào tạo thanh nhạc tại HVANQGVN
2.2.1.1. Chương trình trung cấp thanh nhạc
2.2.1.2. Chương trình đại học thanh nhạc
2.2.2. Hệ thống giáo trình giảng dạy thanh nhạc
2.3. Thực trạng đào tạo tác phẩm romance Nga tại HVANQGVN
Việc lựa chọn tác phẩm tùy thuộc vào chương trình đào tạo ở mỗi trường. HVANQGVN là cơ sở đào tạo lớn nhất trong toàn quốc, với số lượng romance Nga đồ sộ lên tới 228 tác phẩm chiếm 43,4% trong tổng số 525 romance có trong chương trình được phân bổ trong 8 năm, từ năm thứ nhất hệ trung cấp đến năm thứ 4 hệ đại học. Theo dữ liệu điều tra của chúng tôi, giai đoạn từ 1975 trở về trước, các giảng viên khoa thanh nhạc ở HVANQGVN hầu như đều ưu tiên lựa chọn các tác phẩm romance Nga cho HSSV học tập và thi trong các kỳ thi chuyên ngành.
2.3.1. Romance Nga trong chương trình học và thi hệ trung cấp tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN
2.3.2. Romance Nga trong chương trình học và thi tốt nghiệp hệ đại học tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN
2.4. Những thuận lợi và hạn chế khi sử dụng các tác phẩm thanh nhạc Nga tại HVANQGVN
2.4.1. Những thuận lợi
2.4.2. Những hạn chế trong sử dụng các tác phẩm romance Nga tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN
Tiểu kết chương 2
Qua việc khái quát về HVANQGVN và thế hệ các giảng viên thanh nhạc có thể thấy rõ ngành thanh nhạc Việt Nam trải qua quá trình hình thành và phát triển, đến nay đã đạt được một bước tiến nhất định, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền âm nhạc Việt Nam. Với những khó khăn từ giai đoạn khởi đầu, ngành thanh nhạc đã có sự quan tâm, định hướng đúng đắn để phát triển đầy đủ cả ba lĩnh vực: Nghiên cứu, đào tạo và biểu diễn. Trong chương 2, luận án đã giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của HVANQGVN, đội ngũ giảng viên thanh nhạc các thế hệ cùng với những thành tựu mà họ đã đạt được đã để lại dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực đào tạo và biểu diễn thanh nhạc của nước nhà.
Điểm qua các thế hệ giảng viên và quan điểm về phương pháp sư phạm cho thấy, các thế hệ giảng viên từ thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ ba rất quan tâm đến việc phát triển giọng hát tự nhiên trong quá trình giảng dạy đặc biệt là phương pháp sư phạm của trường phái thanh nhạc Nga. Bởi sau khi được học tập trong và ngoài nước với những kiến thức và kinh nghiệm dày dặn họ cho rằng, khi HSSV đạt đến một trình độ nhất định về kỹ thuật cơ bản, mới nên mở rộng nâng cao để phát triển kỹ thuật giọng hát đỉnh cao. Đó cũng là phương pháp sư phạm được sử dụng chính trong đào tạo thanh nhạc tại Nga. Tuy thế hệ này chưa khai thác triệt để, nhưng thực tế cho thấy, với phương pháp đó, các giảng viên của thế hệ đầu tiên đã rất thành công khi đào tạo ra nhiều các thế hệ kế cận rất nổi danh. Đó là thành quả của sự kế thừa, áp dụng hiệu quả các phương pháp thanh nhạc trên thế giới, đặc biệt là phương pháp sư phạm của trường phái thanh nhạc Nga.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng nêu bật vị trí của tác phẩm romance Nga trong thực trạng dạy học thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN thông qua hệ thống chương trình và giáo trình đào tạo chúng tôi đã thống kê và chứng minh được rằng: tác phẩm thanh nhạc Nga đặc biệt là các romance của Nga đã chiếm một vị trí tương đối lớn trong chương trình và giáo trình giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN.
Thông qua việc khảo sát, thống kê các dữ liệu, rà soát lại các chương trình dạy và học cũng như các kỳ thi trong những năm gần đây cùng với việc phỏng vấn lấy ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành về thanh nhạc tại Việt Nam để tìm ra những thiếu sót trong việc thực hiện chương trình dạy và học tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN, trong đó vấn đề chủ yếu chúng tôi muốn đề cập là việc giảng dạy các tác phẩm romance của Nga, từ đó tìm hướng tháo gỡ những khó khăn đã nêu trong chương 2 này.
Theo khảo sát, chúng tôi nhận thấy mức độ áp dụng quan điểm, phương pháp và tác phẩm romance của trường phái thanh nhạc Nga đã giảm sút một cách nghiêm trọng ở các thế hệ nối tiếp. Điều đó cho thấy việc dạy học thanh nhạc ít nhiều đã có những quan điểm và phương pháp khác nhau.
Vấn đề về thể lực cũng rất đáng phải chú trọng trong quá trình học tập và phát triển của một ca sĩ chuyên nghiệp. Vậy nên, trong chương này chúng tôi đưa ra một số dẫn chứng cụ thể và phân tích một số nguyên nhân về thể trạng, thể lực của ca sĩ người Việt so với thể lực của ca sĩ người Nga để từ đó tìm hướng khắc phục về thể lực cho các ca sĩ biểu diễn chuyên nghiệp tại Việt nam.
Chương 3
GIẢI PHÁP NÂNG CAO VỊ TRÍ VÀ CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC
TÁC PHẨM THANH NHẠC NGA TẠI HVANQGVN
Nếu như chương 2 đã nêu được thực trạng những vấn đề hiện nay trong giảng dạy và sử dụng các tác phẩm Nga, để nhằm khôi phục và phát triển nâng cao vị thế của tác phẩm Nga trong giảng dạy và học tập thì trong chương 3, chúng tôi đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:
3.1. Nâng cao nhận thức, kiến thức và vai trò của đội ngũ các giảng viên thanh nhạc trong việc giảng dạy tác phẩm romance Nga
3.1.1. Nâng cao nhận thức, kiến thức của đội ngũ các giảng viên thanh nhạc trong việc giảng dạy tác phẩm romance Nga
3.1.2. Nâng cao năng lực chuyên môn của giảng viên thanh nhạc trong công tác đào tạo
3.2. Áp dụng những quan điểm về phương pháp sư phạm của trường phái thanh nhạc Nga vào đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN
3.2.1. Áp dụng quan điểm và kỹ thuật thanh nhạc của trường phái thanh nhạc Nga
3.2.2. Áp dụng phương pháp “đồng nhất âm khu” để phát triển giọng hát
Có khá nhiều quan điểm và phương pháp sư phạm của trường phái thanh nhạc Nga đã được các nhà sư phạm Việt Nam áp dụng như: Quan điểm về các cơ tạo âm/ phát âm; giọng; hơi thở; kỹ thuật; luyện giọng/ luyện thanh;sáng tạo. Tuy nhiên, quan điểm và phương pháp “đồng nhất âm khu” chưa được khai thác chuyên sâu và áp dụng rộng rãi vào thực tế để giảng dạy thanh nhạc.
Thực tế, các nhà sư phạm Việt Nam tiêu biểu là GS. NSND Nguyễn Trung Kiên đã có áp dụng phương pháp “phát triển giọng hát tự nhiên” trong dạy học thanh nhạc tại HVANQGVN. Tuy nhiên, do tiếp thu nhiều trường phái khác nhau nên phương pháp này chưa thực sự được nghiên cứu sâu và áp dụng một cách rộng rãi trong đào tạo ở Khoa Thanh nhạc. Với những tác dụng làm cho giọng hát phát triển đạt đến mức độ cao và hoàn thiện trong ca hát, phương pháp “phát triển giọng hát tự nhiên” đã tỏ rõ hiệu quả tối ưu. Vì vậy, chúng tôi đề xuất phổ biến phương pháp này một cách rộng rãi, hướng tới việc dạy và học thanh nhạc chuyên nghiệp đạt hiệu quả cao hơn.
Phương pháp “phát triển giọng hát tự nhiên” được nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga M.I.Glinka gọi là “phương pháp của tôi”, và sau này đã được một nhà lý luận âm nhạc đồng thời là một nhà báo là N.I.Kompaniensky đặt tên là phương pháp “đồng nhất âm khu” hay còn gọi là “đồng tâm”. Đây chính là việc luyện tập với những thanh âm đầu tiên, hay còn gọi là tông giọng tự nhiên mà không cần bất cứ một sự nỗ lực hay bó buộc, ép âm thanh nào, sau đó mở rộng dần dần các âm thanh tự nhiên của âm vực giọng hát ra hai phía để đạt được sự đồng đều về âm thanh.
Phương pháp “đồng nhất âm khu” có ưu điểm là sự chuyển động của âm thanh được phát triển dần theo vòng xoắn ốc, từ trung tâm dịch chuyển dần lên trên và xuống dưới phạm vi toàn bộ giọng hát. Trong quá trình luyện tập, vị trí trung tâm sẽ được thay đổi để phù hợp với từng loại giọng của mỗi HSSV.
Hình vẽ thể hiện phương pháp “đồng nhất âm khu” đề cập đến sự chuyển động dần dần "trong một vòng xoắn ốc" từ trung tâm, ngày càng dịch chuyển ranh giới của âm thanh mượt mà đến toàn bộ phạm vi mong muốn. Để vòng tròn đồng tâm đi đúng hướng, việc đầu tiên bạn cần đạt được (xử lý tốt) âm thanh hỗn hợp ở vị trí trung tâm trên toàn bộ phạm vi. (Để tìm hiểu sâu hơn về các bài tập liên quan đến phương pháp đồng nhất âm khu chúng tôi sẽ giới thiệu và phân tích kỹ ở phần phụ lục 2).
Ưu điểm của phương pháp “đồng nhất âm khu” là có thể kiểm soát tốt hơi thở và giải quyết được những vấn đề chưa chuẩn xác của giọng, làm đều và đầy đặn những âm thanh tự nhiên của giọng hát, phát triển âm sắc tốt nhất cho giọng hát. Vì vậy, rất cần áp dụng cho học sinh, sinh viên luyện tập, đặc biệt là ở giai đoạn đầu.
Phương pháp “đồng nhất âm khu” với điểm phát triển giọng hát ở khu vực phần trung của giọng, sẽ làm cho giọng hát dần thích ứng với các hệ cơ một cách dễ dàng và ngày càng khắc phục được nhiều khuyết điểm của giọng hát. Quá trình rèn luyện đó sẽ giúp cho người hát củng cố được những trở ngại với những thay đổi tích cực của giọng hát và xử lý tác phẩm.
Luyện tập theo phương pháp “đồng nhất âm khu” cũng giúp cho người học thể hiện được tốt hơn các tác phẩm kinh điển và điểu khiển giọng hát điêu luyện mà không gây tổn thương và bất lợi cho giọng hát. Với những ưu điểm đó, phương pháp “đồng nhất âm khu” không chỉ đáp ứng nhu cầu học thanh nhạc ở giai đoạn đầu mà còn có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cao hơn.
Rõ ràng, những ưu điểm mà phương pháp “đồng nhất âm khu” mang lại sẽ giúp cho người hát được hát đúng với chất giọng của mình một cách tự nhiên, đồng thời được phát triển chất giọng ở mức độ cao với màu sắc âm thanh đẹp với sự thanh thoát và thoải mái của giọng hát. Đương nhiên, để phát huy được phương pháp “đồng nhất âm khu”, giảng viên cần phải lưu ý tới cách lấy hơi, cách phát âm chuẩn xác và nhẹ nhàng kết hợp các kỹ thuật thanh nhạc sao cho ngữ điệu trong ca hát đạt tới sự tinh tế và mượt mà. Phương pháp này có thể áp dụng cho tất cả các loại giọng.
3.2.3. Áp dụng hệ thống bài tập luyện thanh của M.I. Glinka và A.E.Varlamov
3.1.3.1. Áp dụng hệ thống bài tập luyện thanh của M.I.Glinka
3.1.3.2. Áp dụng hệ thống bài tập cải thiện giọng hát của A.E.Varlamov
3.3. Phân tích về cách xử lý, thể hiện các kỹ thuật thanh nhạc trong một số romance tiêu biểu của M.I.Glinka, P.I.Tchaikovsky và S.V.Rachmaninoff.
Như đã đề cập ở mục 1.4. chương 1 của luận án, trong cách phân tích các bản romance dưới đây, chúng tôi sẽ đi theo hướng tiếp cận dưới góc độ người biểu diễn và giảng dạy thanh nhạc.
Những ca khúc bất hủ, những bản romance, những vở opera của những tác giả Nga là những bài tập rất có giá trị để phát triển giọng hát. Vì vậy, cần nâng cao vai trò của các tác phẩm thanh nhạc Nga trong đào tạo ca sĩ chuyên nghiệp tại HVANQGVN. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm thanh nhạc Nga rất đồ sộ, nên cần phải cần lựa chọn sao cho phù hợp với mục đích yêu cầu giáo dục cụ thể.
Trong chương này, chúng tôi tập trung phân tích và tìm hiểu về thể loại romance của 3 nhạc sĩ tiêu biểu, đại diện cho trường phái thanh nhạc Nga. Theo đó, các nhạc sĩ M.I.Glinka, P.I.Tchaikovsky và S.V.Rachmaninoff là đại diện cho sự phát triển chung của các thể loại tác phẩm trong thanh nhạc đặc biệt là romance. Trên cơ sở đó, chúng tôi lựa chọn phân tích về cách xử lý, thể hiện các kỹ thuật thanh nhạc trong một số romance cụ thể dưới đây:
3.3.1. Phân tích cách xử lý, thể hiện các bản romance của nhạc sĩ M.I.Glinka.
3.3.2. Phân tích cách xử lý, thể hiện các bản romance của nhạc sĩ P.I. Tchaikovsky.
3.3.3. Phân tích cách xử lý, thể hiện các bản romance của nhạc sĩ S.V. Rachmaninoff
3.4. Một số giải pháp khác
3.5. Thực nghiệm sư phạm
3.5.1. Mục đích, nội dung, đối tượng và quy trình thực nghiệm
3.5.1.1. Mục đích thực nghiệm
3.5.1.2. Nội dung thực nghiệm
3.5.1.3. Đối tượng và địa điểm thực nghiệm hệ trung cấp
3.5.1.4. Đối tượng và địa điểm thực nghiệm hệ đại học
3.5.2. Thời gian tiến hành và nội dung thực nghiệm
3.5.3. Quy trình thực nghiệm
3.5.4. Kết quả thực nghiệm
3.5.4.1. Tiêu chí đánh giá
3.3.4.2. Kết quả đánh giá
Tiểu kết chương 3
Chương 3 luận án đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy tác phẩm Nga trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN cụ thể như sau: Luận án áp dụng một số quan điểm của các nhà sư phạm thanh nhạc Nga trong đó có: kỹ thuật về hơi thở, việc vân hành bộ máy phát âm trong thanh nhạc, kỹ thuật thanh nhạc và phương pháp rèn luyện kỹ thuật thanh nhạc. Áp dụng phương pháp sư phạm của người sáng lập ra trường phái thanh nhạc Nga M.I.Glinka. Trong đó vấn đề chính là áp dụng phương pháp đồng nhất âm khu và tuyển tập các bài luyện thanh của Glinka. Trong chương 3, luận án đã phân tích kỹ về hệ thống các tuyển tập bài luyện giọng của M.I.Glinka với mục đích đưa ra những điểm ưu việt, từ đó kế thừa và áp dụng trong dạy học thanh nhạc tại HVANQGVN.
Chương 3 cũng đã giới thiệu và phân tích kỹ một số tác phẩm romance của 3 tác giả M.I.Glinka, P.I.Tchaikovsky, S.V.Rachmaninoff. Trong đó vấn đề trọng tâm là phương pháp xử lý, thể hiện các kỹ thuật thanh nhạc trong các bản romance tiêu biểu của họ và đưa ra một số bài tập để áp dụng cụ thể trong mỗi bản romance đó.
Trong lĩnh vực biểu diễn thanh nhạc dựa trên thực tế biểu diễn, mỗi nghệ sĩ đều có những quan điểm, cảm xúc và cách thể hiện tác phẩm riêng. Nhưng trên phương diện khoa học, những nội dung được đề cập ở chương này là những tổng kết được kế thừa từ nền nghệ thuật thanh nhạc Nga thông qua thế hệ giảng viên, các nghệ sĩ đã thành danh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để việc tiếp thu đạt hiệu quả cao vẫn cần phải dựa trên tinh thần học hỏi và áp dụng trên thực tế giảng dạy tại các trường nghệ thuật trên cả nước đặc biệt là tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN. Cần phải nghiêm túc thực hiện chương trình đã đề ra, thường xuyên nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm, vai trò quan trọng của các giảng viên thanh nhạc đáp ứng yêu cầu đổi mới trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp.
Để nâng cao kiến thức chuyên ngành, giảng viên thanh nhạc cần phải đi sâu nghiên cứu lý luận về sư phạm thanh nhạc, nghiên cứu các công trình khoa học của các GS, TS đầu ngành trong và ngoài nước để từ đó ứng dụng vào giảng dạy một cách hiệu quả nhất. Giảng viên thanh nhạc cần tăng cường việc áp dụng những quan điểm và phương pháp sư phạm của trường phái thanh nhạc Nga trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp. Tổ chức cũng như tham gia các hội thảo khoa học về phương pháp sư phạm thanh nhạc trong đó có PPSP thanh nhạc Nga để nâng cao kiến thức chuyên môn, đổi mới tư tưởng, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy từ đó tiếp nhận và vận dụng, áp dụng nguồn kiến thức đó vào thực tế để việc giảng dạy đạt kết quả cao nhất.
Một đặc thù mang tính nghề nghiệp khác là các giảng viên thanh nhạc cần tăng cường năng lực sử dụng ngoại ngữ, chủ yếu là cách phát âm các ngôn ngữ trong các tác phẩm romance, aria có trong chương trình, giáo trình đào tạo. Với kết quả thực nghiệm sư phạm chúng tôi đã phần nào minh chứng được một số giải pháp đã được áp dụng trong quá trình giảng dạy thanh nhạc cho các em HSSV tại HVANQGVN.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Kết luận
Luận án đặt vấn đề để nghiên cứu về tác phẩm romance của Nga trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN dưới góc độ về phương pháp sư phạm và biểu diễn các tác phẩm romance của Nga. Với mong muốn góp một phần nhỏ để kế thừa và tiếp nối những thành tựu của các nhà sư phạm, các GS,PGS đầu ngành thanh nhạc chuyên nghiệp nước nhà.
Trong chương 1, chúng tôi đã giới thiệu khái quát về trường phái thanh nhạc Nga với những ưu việt nổi bật về phương pháp sư phạm thanh nhạc của họ và phân tích những điểm độc đáo của một số romance tiêu biểu của 3 nhạc sĩ vĩ đại người Nga: M.I.Glinka, P.I.Tchaikovsky, S.V.Rachmaninoff. Làm nổi bật những điểm độc đáo trong phong cách sang tác, nội dung hình được, phần đệm piano và những kỹ thuật thanh nhạc được đề cập trong các tác phẩm của họ.
Trong chương 2, sau khi nghiên cứu, thống kê về chương trình, giáo trình giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN và việc khảo sát lấy ý kiến của các chuyên gia về sư phạm thanh nhạc đầu ngành tại Việt Nam. Chúng tôi tìm ra những nguyên nhân và mặt hạn chế cần khắc phục trong công tác đào tạo và giảng dạy tác phẩm thanh nhạc Nga tại HVANQGVN. Từ sự kế thừa những công trình nghiên cứu của các nhà sư phạm tiêu biểu trong nước như: GS. NSND Nguyễn Trung Kiên và Nhà giáo Hồ Mộ La họ là những người đã từng học tập về thanh nhạc nhiều năm tại Nga cho thấy: việc vận dụng các quan điểm và phương pháp sư phạm thanh nhạc của họ phần lớn là kế thừa từ trường phái thanh nhạc Nga. Vậy nên trong chương này, chúng tôi đã nghiên cứu sâu về các quan điểm về sư phạm thanh nhạc từ đó tổng hợp nhưng quân điểm và phương pháp sư phạm mang tính sáng tạo độc đáo nhất để áp dụng trong giảng dạy thanh nhạc tại HVANQGVN đạt kết quả cao hơn.
Nội dung tiếp theo của chương 3, chúng tôi tập trung nghiên cứu, phân tích kỹ về phương pháp đồng nhất âm khu của M.I.Glinka và hệ thống các bài tập luyện thanh của Glinka và Varlamov từ đó áp dụng trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN. Trong chương 3, luận án đi vào phân tích kỹ một số tác phẩm romance của Nga, đưa ra một số giải pháp về phương pháp xử lý, thể hiện một số bản romance tiêu biểu của M.I.Glinka, P.I.Tchaikovsky, S.V.Rachmaninoff.
Cùng với việc tiếp thu các quan điểm về phương pháp sư phạm, hệ thống các bài luyện thanh và các tác phẩm romance của Nga thì việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, thống nhất về phương pháp sư phạm thanh nhạc và đổi mới, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo thanh nhạc là việc rất quan trọng quyết định sự phát triển bền vững trong công tác đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN.
Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ giúp các HSSV hiểu và nắm vững kỹ năng xử lý và thể hiện các tác phẩm romance của Nga một cách sang tạo và dễ dàng hơn. Chúng tôi hy vọng luận án sẽ là một phần tư liệu tham khảo cho những đề tài nghiên cứu liên quan đến lĩnh vựa thanh nhạc và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền thanh nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Khuyến nghị
- Bổ sung tuyển tập các bài tập luyện thanh của hai nhà sư phạm nỏi tiếng người Nga, M.I.Glinka và A.E.Varlamov vào giáo trình giảng dạy thanh nhạc tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN
- Đưa tác phẩm romance Nga vào giáo trình giảng dạy và chương trình thi bắt buộc các học kỳ, đặc biệt là chương trinh thi tốt nghiệp bậc Đại học tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN. Cụ thể là romance của M.I.Glinka, P.I.Tchaikovski, S.V.Rachmaninoff mà chúng tôi đã nêu rõ ở phần phụ lục của luận án.
- Khoa Thanh nhạc cần thường xuyên tiến hành các hoạt động sinh hoạt chuyên môn để các giảng viên có thể góp ý, trao đổi về kinh nghiệm giảng dạy một cách thẳng thắn, cởi mở. Khoa cần tổ chức các hoạt động biểu diễn cho các giảng viên tạo điều kiện để các giảng viên thể hiện khả năng ca hát của mình từ đó thúc đẩy động lực học tập và phát triển cho các em HSSV. Bên cạnh đó Khoa nên thể tổ chức các cuộc thi dành cho các em HSSV với những yêu cầu về lựa chọn tác phẩm có thể là tổ chức cuộc thi hát romance của các nhạc sĩ người Nga.
- Tổ chức các buổi hội thảo khoa học giới thiệu chuyên sâu về các romance của Nga để từ đó các giảng viên và các em HSSV thấy rõ những độc đáo trong các tác phẩm đó và sự ảnh hưởng sâu sắc cũng như vai trò, vị trí của của các romance Nga trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại HVANQGVN.
- Trường HVANQGVN cần mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các cơ sở trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập Quốc tế. Cần tạo điều kiện để các giảng viên thường xuyên được giao lưu, học hỏi kinh nghệm, rèn luyện kỹ năng chuyên môn trong nước và Quốc tế.
- Xây dựng bổ sung giáo trình thanh nhạc chuyên nghiệp tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN. Cụ thể giáo trình riêng về các tác phẩm romance của một số nhạc sĩ vĩ đại người Nga, có thể xây dựng giáo trình theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin.
- Tổ chức các lớp học phát âm một số ngoại ngữ bắt buộc như: tiếng Ý, Pháp, Đức, Nga trong chương trình học tập cho các em HSSV và cả các giảng viên tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN.
Với những mong muốn và những khuyến nghị trên, chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới những kết quả nghiên cứu của đề tài này sẽ được khai thác và áp dụng tại Khoa Thanh nhạc HVANQGVN.