Nhận lời mời từ Viện đại học Nghệ thuật Tokyo Nhật Bản và được sự chấp thuận ủng hộ từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã tham gia Hội thảo quốc tế về Giáo dục Nghệ thuật tại Tokyo Nhật Bản từ ngày 16/3 đến 19/3/2015. Đoàn gồm hai thành viên do PGS.TS.NGUT Lê Văn Toàn dẫn đầu.
Là một là một cơ sở đào tạo lớn và có uy tín tại Nhật Bản, Viện đại học Nghệ thuật Tokyo có các lĩnh vực đào tạo chuyên nghiệp và nghiên cứu chuyên sâu về các loại hình nghệ thuật như hội hoạ, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, phim và các ngành nghệ thuật mới.
Hội thảo quốc tế về Giáo dục Nghệ thuật lần này có sự tham dự của các đại biểu là các nhạc sĩ sáng tác, các nghệ sĩ biểu diễn, các nhà lý luận phê bình âm nhạc, các nhà quản lý văn hoá nghệ thuật, các giáo sư và giảng viên nghệ thuật từ khắp các cơ sở giáo dục hàng đầu của Nhật Bản cùng các khách mời quốc tế khu vực Châu Á. Các Học viện và các Đại học quốc tế tham gia Hội thảo lần này gồm: Đại học tổng hợp Bangladesh, Học viện Mỹ thuật Quảng Châu Trung Quốc, Viện thiết kế quốc gia Ấn Độ, Đại học Chung-Ang Hàn Quốc, Đại học Silpakorn Thái Lan, Nhạc viện Quốc gia Trung Quốc, Đại học Nghệ thuật và Văn hoá Myanmar, Đại học Yonzei Hàn Quốc, Học viện Phim và truyền thông Bắc Kinh Trung Quốc, Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Tham dự Hội thảo lần này, PGS.TS.NGUT. Lê Văn Toàn cùng với các đại biểu quốc tế khác đã cùng trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc tăng cường và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghệ thuật tại các Học viện và Đại học tại khu vực Châu Á, trong đó có Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Các đại biểu cũng đã cùng nhau thảo luận và đưa ra nhiều đề xuất và giải pháp nhằm chú trọng tới công tác phát triển đào tạo, nghiên cứu và mở rộng hợp tác song phương cũng như đa phương giữa các trường đối tác khu vực Châu Á trong tương lai.
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động của Hội thảo, PGS.TS.NGUT. Lê Văn Toàn đã thăm và làm việc tại Khoa Âm nhạc của Viện đại học Nghệ thuật Tokyo. PGS. Lê Văn Toàn đã có bài giảng và nhiều ý kiến trao đổi với các giáo sư, giảng viên và sinh viên của Khoa xoay quanh công tác giáo dục âm nhạc truyền thống tại Việt Nam và Nhật Bản. Trong bài giảng kéo dài 2 giờ của mình trước các sinh viên Nhật Bản, PGS. Lê Văn Toàn đã giới thiệu khái quát về tình hình giáo dục âm nhạc tại Học viện ÂNQGVN, đặc biệt là quá trình đào tạo ngành âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Học viện. Các sinh viên Nhật Bản cũng được nghe giới thiệu và được xem các phim tư liệu về các Di sản âm nhạc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận trong thời gian vừa qua như Nhã nhạc Cung đình Huế, Nghệ thuật hát Quan họ, hát Xoan, nghệ thuật Đờn ca Tài tử và Chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Dân tộc Truyền thống Việt Nam. Bài giảng này đã được các giáo sư, giảng viên và sinh viên Nhật Bản nhiệt liệt chào đón và dành cho những đánh giá trân trọng.
Từ thành công của Hội thảo lần này, các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam tiếp tục nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn những giá trị của nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh quốc tế và hội nhập mạnh mẽ của thế kỷ XXI. Hướng tới một tương lai hợp tác sâu rộng và hiệu quả hơn nữa trong tương lai, mỗi cơ sở đào tạo nghệ thuật ở các quốc gia châu Á càng cần thiết phải nâng cao nhận thức về việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, cần quan tâm và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho thế hệ trẻ, bởi vì, như ý kiến của ngài Ryôhei Miyata, Chủ tịch Viện đại học Nghệ thuật Tokyo: “thế hệ trẻ chính là tương lai của mỗi quốc gia, và cũng chính là tương lai của toàn nhân loại”.
Bài và ảnh: Hoang Nguyen