|
Ảnh minh họa |
Thưa vắng người nghe, xem
Thực tế cho thấy, nghệ thuật dân tộc nói chung, âm nhạc cổ truyền dân tộc nói riêng đã và đang bị tác động rất lớn bởi cơ chế thị trường. Nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền đang mờ dần bản sắc, thưa vắng người nghe, người xem. Một bộ phận lớp trẻ chỉ quan tâm đến nhạc thương mại, nhạc nước ngoài mà quay lưng với âm nhạc dân tộc, khiến những người tâm huyết với âm nhạc cổ truyền lo ngại, các nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ truyền cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhạc sĩ, nghệ nhân hát xẩm Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc nhận định: Âm nhạc dân tộc đang mờ dần bản sắc và thưa vắng người nghe, người xem. “Một bộ phận rất lớn thanh thiếu niên từ chỗ không hiểu, hiểu không hết giá trị của âm nhạc truyền thống dẫn đến tôn sùng âm nhạc thương mại, sính nhạc Tây, nhạc Hàn. Điều đó làm cho những người hoạt động âm nhạc dân tộc hết sức khó khăn".
Sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai càng làm cho hồn cốt của văn hóa Việt mờ dần bản sắc. GS Hoàng Chương, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc chia sẻ: “Các loại hình âm nhạc đặc sắc như nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, hát xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng hiện vẫn sống lay lắt vì ít người xem, hoặc muốn có người xem thì phải “sân khấu hóa” như quan họ đang làm, tức là hát có micro và có nhạc đệm, thậm chí cả đàn organ hiện đại”.
Cách tân, cải tiến quá mức
Các loại hình dân ca quan họ, hát xoan, ví dặm... là những sản phẩm văn hóa do nhân dân sáng tạo ra, trở thành món ăn tinh thần, có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của người dân các dân tộc Việt Nam, là nhân tố góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... Chính vì vậy, để âm nhạc cổ truyền dân tộc phát huy giá trị, phù hợp, với yêu cầu mới của sự phát triển thì rất cần được sự quan tâm, đầu tư đúng mức của toàn xã hội.
Tuy nhiên để âm nhạc dân tộc đến gần công chúng, thời gian qua nhiều loại hình nghệ thuật đã có những cách tân làm mới để hút khán giả nhưng vô hình trung đang làm mờ dần bản sắc dân tộc.
Theo GS Hoàng Chương, xu hướng cách tân, cải tiến âm nhạc dân tộc đang làm biến chất, biến dạng các loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc do hàng trăm thế hệ nghệ nhân sáng tạo trong nhiều thế kỷ qua. Chẳng hạn, chuyện hơn mười nghệ sĩ quan họ được mời đến Bình Định hát mừng giỗ lần thứ 220 của Hoàng đế Quang Trung, đều hát nhép theo đĩa, lồ lộ ai cũng thấy và khi diễn lớp “Bà Chúa thượng ngàn” thì họ hát đồng ca và múa… lửa.
Có một thực tế rất buồn là có những nghệ sĩ vì miếng cơm manh áo mà phải chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả đã làm biến dạng loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, vì thế làm cho nghệ thuật dân tộc bị mất thẩm mỹ và không còn ý nghĩa như nguyên bản.
Nên đưa âm nhạc vào trường học
Là một nhà nghiên cứu sâu về âm nhạc dân tộc, GS Trần Văn Khê cho rằng “Không chỉ có bảo tồn, chúng ta cần phải có những hành động cụ thể bảo vệ âm nhạc dân tộc, ngăn chặn sự xâm hại của các loại nhạc lai căng. Âm nhạc dân tộc chưa đến được với các bạn trẻ, thanh thiếu niên thì coi như thiếu một phần sức sống”. Và một điều quan trọng, theo GS. TS Trần Văn Khê là nên đưa âm nhạc dân tộc vào học đường, giáo dục cho các em học sinh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Khi các em học sinh biết rằng âm nhạc dân tộc có cái gì, hay ở chỗ nào thì các em mới thương, thương rồi mới học, học xong đi biểu diễn. Khi âm nhạc dân tộc có biểu diễn, có người thưởng thức thì tự nhiên sẽ có sức sống trở lại, nếu không thì nhanh chóng bị lãng quên.
Theo GS.TS Trần Văn Khê, bảo tồn âm nhạc dân tộc cần phải thể hiện ở hướng tích cực, tức là phải có những chương trình hành động cụ thể, lộ trình thích hợp chứ không chỉ có bảo tồn bằng hình thức ghi chép, thu âm, quay hình rồi xếp xó tư liệu.