Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12274641
Tin tức hoạt động Thứ hai, 29/04/2024

Tác giả: Phạm Thị Thu Hằng 
Đề tài: “Giảng dạy kỹ thuật Piano cho chuyên ngành Đàn phím, hệ Trung cấp tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội” 
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (Piano)
Mã số: 82100202
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Huy Phương   
Ngày đăng: 09/10/2023

Luận văn toàn văn

Tóm tắt Luận văn

 

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Kỹ thuật là tiêu chuẩn đánh giá trình độ diễn tấu và thể hiện nghệ thuật biểu diễn của người nghệ sĩ Piano, đồng thời là vấn đề cốt lõi trong đào tạo Piano chuyên nghiệp. Trong chương trình giảng dạy hệ trung cấp Piano tại các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trên thế giới và Việt Nam, việc rèn luyện kỹ thuật thông qua các hình thức gam, rải, các dạng bài tập bổ trợ, các thể loại etude luôn chiếm một vị trí quan trọng, không thể thiếu trong quá trình đào tạo.

Trường ĐHVHNTQĐ trải qua 65 năm hình thành và phát triển, liên tục đào tạo và bổ sung nguồn nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công cho đơn vị nghệ thuật trong và ngoài Quân đội theo hướng âm nhạc ứng dụng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhà trường đang hướng tới mục tiêu đào tạo theo tiêu chí nâng cao tính chuyên nghiệp đối với bộ môn Piano cổ điển thuộc phân nhóm của CNĐP. Vì vậy trong định hướng đào tạo bộ môn Piano bắt đầu chú trọng, đề cao việc giảng dạy kỹ thuật cơ bản cho HS, đặc biệt là HS hệ TC.

Trong giai đoạn đầu đào tạo, bộ môn Piano còn gặp không ít khó khăn. Cơ sở vật chất, môi trường đào tạo, cơ cấu tổ chức còn nhiều vấn đề chưa phù hợp, phương pháp giảng dạy và học tập chưa đạt tới yêu cầu chung của đào tạo Piano chuyên nghiệp.Trong CTĐT vấn đề rèn luyện, nâng cao chất lượng kỹ thuật Piano thông qua giảng dạy gam và etude chưa được chú trọng đúng mức. Ngoài ra, việc thiếu thốn tài liệu nghiên cứu về PPGD kỹ thuật Piano bằng tiếng Việt cũng là một trong những rào cản cho đội ngũ GV của nhà trường tiếp thu những nguồn kiến thức mới. 

Nhìn thấy tầm quan trọng của việc dạy và học kỹ thuật cùng với những khó khăn trong đào tạo Piano hệ TC của trường ĐHVHNTQĐ. Chúng tôi thấy được tính cấp thiết của việc đưa các PPGD, học tập kỹ thuật vào chương trình, đề xuất hỗ trợ đào tạo bộ môn Piano, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học hướng tới mục tiêu đào tạo chuyên ngành Piano cổ điển chuyên nghiệp. Dựa trên lý do đó tôi lựa chọn viết luận văn cao học PPGD chuyên ngành với đề tài: “Giảng dạy kỹ thuật Piano cho chuyên ngành Đàn phím, hệ Trung cấp tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội”

2. Lịch sử nghiên cứu

Các công trình khoa học nghiên cứu về kỹ thuật chơi đàn Piano nói chung, hay các khía cạnh cụ thể của kỹ thuật Piano nói riêng đã được các nghệ sĩ, nhà giáo, nhà lý luận nghiên cứu nghệ thuật Piano phân tích rất chi tiết và sâu rộng. Ví dụ như tài liệu: Famous Pianist their technique của tác giả R.R.GerigPiano Playing: with Piano Questions Answered của tác giả Josef HofmannEtude for Piano teacher, của tác giả Stewart GordonNgoài ra còn có các công trình khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam bao gồm các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, sách chuyên khảo nghiên cứu về các khía cạnh hay các lĩnh vực có liên quan đến kỹ thuật Piano như:

Luận án tiến sĩ: GS.TS. NGND. Trần Thu Hà (1987) Nghệ thuật Piano Việt Nam

Đào Trọng Tuyên (2007) Etude của Claude Debussy: thẩm mĩ và biểu diễn. 

Nguyễn Minh Anh (2008) Sự phát triển của nghệ thuật Piano Việt Nam.

Triệu Tú My (2017) Ảnh hưởng của âm nhạc Chopin trong nghệ thuật Piano Việt Nam. 

Luận văn thạc sĩ: Dương Thị Phương Nhã (2014) Giảng dạy etude Chopin cho HS TC chuyên ngành Piano Học viện âm nhạc Huế.

Trần Hữu Nhật Quang (2015) Giảng dạy các kỹ thuật cho học sinh Piano hệ Trung cấp 04 năm tại học viện âm nhạc Huế.

Lê Nguyễn Trúc Vy (2019) Giảng dạy các tác phẩm phức điệu trong đào tạo Piano tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Sách chuyên khảo: Tạ Quang Đông (2013) Một số hình thức kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật chơi đàn Piano, nhà xuất bản Âm Nhạc.

Nguyễn Minh Anh (2023) Hướng tới đào tạo Piano chuyên nghiệp ở Việt Nam, nhà xuất bản Mỹ thuật.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

Đối tượng nghiên cứu: Chương trình, giáo trình, thực trạng giảng dạy và học tập kỹ thuật Piano CNĐP hệ Trung cấp tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Phạm vi nghiên cứu: Các vấn đề kỹ thuật cốt lõi trong giảng dạy gam, etude xây dựng nền tảng kỹ thuật cơ bản cho HS Trung cấp chuyên ngành Đàn phím

4. Mục tiêu nghiên cứu

 Tìm ra những giải pháp nhằm cải thiện vấn đề kỹ thuật và nâng cao chất lượng dạy và học Piano cho HS chuyên ngành Đàn phím hệ TC tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

5. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu lý thuyết; Phương pháp nghiên cứu thực tiễn; Phương pháp thực nghiệm.

6. Đóng góp của luận văn

Luận văn sẽ là tài liệu hỗ trợ quá trình nghiên cứu, dạy và học kỹ thuật Piano của chuyên ngành Đàn phím hệ TC tại trường Đại học Văn hóa Nghệ Thuật Quân đội

Luận văn đóng góp và bổ sung những vấn đề chưa hoàn thiện, hạn chế trong PPGD. đồng thời đưa ra các đề xuất nâng cao chất lượng giảng dạy kỹ thuật nền tảng cho hệ TC Piano.

7. Bố cục của luận văn:

Ngoài các phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn được chia thành 2 phần:

Chương 1. Cơ sở lí luận và thực trạng giảng dạy kỹ thuật Piano cho chuyên ngành Đàn phím hệ Trung cấp tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Chương 2. Các giải pháp

Chương 1

CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY KỸ THUẬT PIANO CHO CNĐP HỆ TRUNG CẤP TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUÂN ĐỘI

1.1. Tầm quan trọng của gam và etude trong đào tạo trung cấp Piano chuyên nghiệp

1.1.1. Vai trò của gam và etude

Vai trò của gam: gam (các biến thể của gam), hợp âm, rải của gam là một hình thức luyện kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích cho người học như:

Phát triển tư duy, phát triển kỹ năng nghe trưởng - thứ, các hệ thống âm điệu, điệu thức, khả năng nghe phức điệu thông qua chuyển động không ngừng khi chạy gam cùng chiều, ngược chiều, quãng 3, quãng 6, octave, gam ngũ cung, chromatic…

Luyện tập gam giúp HS hình thành thói quen duy trì sự ổn định, đều đặn của nhịp điệu.

Luyện tập gam giúp HS hình thành thói quen, phản xạ trong việc sử dụng, sắp xếp ngón tay một cách logic, khoa học.

Luyện tập gam giúp HS rèn luyện kỹ năng kiểm soát âm thanh, tiếng đàn, rèn luyện cho các tiếng đàn đồng nhất, đều đặn, bình ổn qua vận động của từng ngón tay.

Thông qua các bài tập gam HS được rèn luyện 3 kỹ thuật cơ bản: non legato, legato, stacato.

Luyện tập rải: rải là hình thức luyện tập giúp giãn, tách khoảng cách giữa các ngón tay, hỗ trợ người học dễ dàng chơi các bài có kỹ thuật rải nốt, những bài nhảy quãng xa, quãng rộng.

Luyện tập hợp âm: Giúp cho người học rèn luyện được khả năng điều chỉnh lực ngón tay đồng nhất khi phát âm nhiều nốt cùng một lúc và kỹ thuật phân bè đường tuyến giai điệu trong các bài có tuyến giai điệu nằm trong dãy hợp âm.

Luyện gam quãng 8: chạy gam quãng 8 là bài luyện tập kỹ thuật không thể thiếu đối với người học, nếu không được rèn luyện đúng cách dễ gây căng cứng trong quá trình diễn tấu các tác phẩm sử dụng những đoạn chạy quãng 8 liên tục, hoặc không đạt được tốc độ ở những đoạn chạy quãng 8 với tốc độ nhanh.

Luyện gam chromatic: rèn luyện cho người học phản xạ khéo léo, linh hoạt của ngón tay khi vận động nhóm 3 ngón tay 123 hoặc 345 với khoảng cách gần, trên thang âm liền bậc nửa cung.

Luyện gam đúp nốt quãng 3: là yêu cầu bắt buộc trong chương trình học gam hệ TC Piano chuyên nghiệp. Rèn luyện kỹ thuật đúp nốt sẽ giúp người học cải thiện được rất nhiều vấn đề kỳ thuật. [27; tr74]

Qua các lợi ích trên ta thấy được vai trò không thể thiếu của gam trong việc hình thành kỹ thuật cho người học Piano. Tất các các hình thức bổ trợ kỹ thuật thông qua học tập gam rất hữu ích, giúp HS luyện tập đúng thao tác, kỹ thuật cơ bản tạo tiền đề cho sự phát triển các hình thức kỹ thuật cao hơn.

Vai trò của Etude

Etude kỹ thuật: Luyện tập etude kỹ thuật với mục đích phát triển các hệ thống cơ học của tay, tạo thành phản ứng tự động thông qua việc rèn luyện lặp đi lặp lại nhuần nhuyễn trong một thời gian dài. Ngoài ra etude kỹ thuật còn hỗ trợ phát triển khả năng trí nhớ và tâm lý, bản lĩnh của người học. Các hình thức bổ trợ kỹ thuật qua etude kỹ thuật rất đa dạng giúp người dạy hay người học có nhiều lựa chọn bổ trợ phù hợp với đặc điểm mỗi cá nhân [PL1]

Etude nghệ thuật: không còn đơn thuần là những bài tập thể dục cho ngón tay, bổ trợ kỹ thuật mà nó được sáng tác như 1 tác phẩm độc lập có thể sử dụng để biểu diễn. Mỗi etude nghệ thuật là sự kết hợp nhiều dạng kỹ thuật trong 1 tác phẩm, có nội dung, có hình tượng cụ thể, đề cao tính giai điệu, có cấu trúc, hình thức phức tạp, tính diễn giải và cảm xúc cao hơn etude kỹ thuật.

1.1.2. Vai trò của gam và etude trong đào tạo trung cấp Piano chuyên nghiệp

Gam và etude là các dạng luyện tập kỹ thuật cơ bản nhất, chiếm một vị trí quan trọng trong CTĐT Piano trong nước cũng như trên thế giới. Chính vì thế trong các cuộc thi Piano lớn trên thế giới, etude là một trong những hình thức được lựa chọn. Các chứng chỉ quốc tế uy tín như Trinity, ABSM, AMEB thì gam là một trong nhưng nội dung thi bắt buộc, chiếm một tỉ lệ điểm số không nhỏ. Qua nghiên cứu nội dung giảng dạy và chương trình thi, kiểm tra của một số cơ sở đào tạo Piano chuyên nghiệp trên thế giới và trong nước 100% các trường sử dụng gam và etude trong CTĐT, hai dạng luyện tập kỹ thuật này luôn giữ vai trò thiết yếu, chiếm một tỉ lệ lớn trong chương trình đào tạo [PL2].

Một trong số các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp mà tôi đã nghiên cứu là Học viện Âm nhạc Nga (RAM) Gnesin - một trong những trường Đại học Âm nhạc hàng đầu của Liên bang Nga và trên thế giới có đào tạo chuyên ngành Piano cổ điển từ giai đoạn đầu TC đến sau ĐH và HVÂNQGVN cở sở đào tạo Piano cổ điển hàng đẩu cả nước. Trong CTĐT TC Piano của cả 2 cơ sở gam và etude chiếm một vị trí rất quan trọng, là nội dung bắt buộc trong CTĐT [PL3].

1.2. Thực trạng giảng dạy kỹ thuật Piano cho chuyên ngành Đàn phím hệ trung cấp tại trường ĐHVHNTQĐ.

1.2.1. Đội ngũ giảng viên:

Đội ngũ GV bộ môn Piano, khoa Âm nhạc với nỗ lực và sự tân tâm, yêu nghề đã đào tạo nên những lớp HS giỏi về chuyên môn, tốt về phẩm chất, đạo đức, tác phong. Ngoài công tác giảng dạy đội ngũ cán bộ GV thường xuyên tham gia nghiên cứu khoa học, thực hành biểu diễn, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Bên cạnh những điểm mạnh đã đạt được thì thực trạng GV chuyên ngành Piano cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: Số lượng GV cơ hữu, có kinh nghiệm lâu năm ít ( 2 GV, theo số liệu phòng đào tạo trường cung cấp). GV trẻ kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế, PPGD có thời điểm chưa phù hợp, chưa nắm bắt được tâm lí, trình độ, nhận thức của HS theo từng đối tượng và độ tuổi. Việc tìm tòi và học hỏi các PPGD âm nhạc tiên tiến, hay cập nhật tài liệu, kiến thức mới ở 1 số GV chưa thường xuyên dẫn đến hiệu quả giảng dạy có thời điểm chưa cao.

1.2.2. Học sinh chuyên ngành đàn phím:

Trình độ học sinh đầu vào: Đối tượng HS chuyên ngành Đàn phím được tuyển sinh theo 2 hệ: hệ quân sự và hệ dân sự. Độ tuổi tuyển sinh từ 14-16 tuổi, (nhiều HS trên 16 tuổi - độ tuổi lớn là một trong những yếu tổ gây trở ngại trong quá trình học tập kỹ thuật Piano).

Đa số học sinh chưa được tiếp xúc nhiều với âm nhạc cổ điển, chưa có nền tảng về kiến thức âm nhạc tổng hợp. Một số HS học tạo nguồn tự do từ một số trung tâm âm nhạc, nhà văn hóa, ôn luyện gia sư cá nhân trước khi dự tuyển,...nên kỹ thuật chơi đàn Piano không được chuẩn xác.

Kết quả học tập của học sinh: Đa số HS trung cấp CNĐP sau khi tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu công tác theo hướng âm nhạc ứng dụng tại các cơ quan đơn vị. Tuy nhiên tỉ lệ HS đủ tiêu chuẩn học nâng cao ở bậc ĐH chuyên ngành Piano cổ điển không cao điều đó cho thấy việc đào tạo bộ môn Piano theo hướng cổ điển chuyên nghiệp tại trường cần được quan tâm ngay từ bậc TC. [PL4]

1.2.3. Các yêu cầu về gam và etude trong chương trình giảng dạy.

Chương trình giảng dạyChương trình giảng dạy bộ môn Piano CNĐP hệ TC trường ĐHVHNTQĐ được xây dựng dựa trên chương trình khung của Bộ quốc phòng quy định. Đồng thời để hỗ trợ cho việc giảng dạy đạt hiệu quả cao hơn, nhà trường đã liên tục cập nhật và tham khảo CTĐT của HVÂNQGVN, căn cứ vào tình hình thực tiễn để xây dựng CTGD phù hợp cho đối tượng HS tại trường.

Chuyên ngành Đàn phím hệ TC được đào tạo chính quy 4 năm, học song song cả 2 chuyên ngành Piano và Keyboard. Việc học song song cả hai chuyên ngành dẫn tới  thực trạng cả môn Keyboard hay Piano đều không được đầu tư đủ thời gian học tập, rèn luyện, đặc biệt là hiệu quả học tập kỹ thuật Piano chưa cao [PL5]

Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là cơ sở đào tạo có thế mạnh trong lĩnh vực sân khấu và thực hành biểu diễn, tuy nhiên với chuyên ngành Piano cổ điển thì còn rất hạn chế. Hầu hết HS Piano chỉ tham gia đệm thanh nhạc, đệm cho nhạc cụ ở những bài thi bắt buộc của chương trình học. Chưa có nhiều cuộc thi, hoạt động giao lưu về âm nhạc cổ điển tạo sân chơi cho HS Piano rèn luyện bản lĩnh sân khấu và học hỏi nâng cao tình độ chuyên môn.

Ngoài ra do chương trình đào tạo chuyên ngành của trường ĐHVHNTQĐ còn thiếu nhiều các chỉ dẫn, hướng dẫn cụ thể, thiếu các gợi ý tài liệu tham khảo nên tạo ta không ít khó khăn cho các GV trẻ, còn thiếu kinh nghiệm thực tế. 

Các yêu cầu về gamNội dung, mục tiêu, yêu cầu trong dạy và học gam trong chương trình giảng dạy cho bộ môn Piano CNĐP hệ TC chưa cụ thể, chi tiết, các hình thức luyện tập gam chưa đa dạng. So sánh với chương trình tiêu chuẩn của HVÂNQGVN còn thiếu hụt nhiều. [PL6]

Các yêu cầu về etude: thực trạng mục tiêu, yêu cầu trong dạy và học etude chưa chi tiết, rõ ràng. Số lượng etude trong CTGD còn ít. Tài liệu etude sử dụng trong giảng dạy chưa đa dạng. Hiện nay Trong CTGD bộ môn Piano sử dụng 1 số tài liệu bổ trợ kỹ thuật cho HS như: C.Czerny - Etude Op.299, Op.636, Op.849. Op.740; S.Heller - Etude Vol 24; F.Burgmuller Etude Op 105, Op 109; H.Berens - Etude Op 61; F.Chopin Etude Op.25, Op.10; J.B.Duvernoy Etude Op120. 

1.2.4. Phương pháp giảng dạy và học tập.

Hạn chế trong PPGD gam: 

Giảng dạy 3 kỹ thuật cơ bản: GV chưa dành nhiều thời gian để làm rõ hoặc chưa dạy đủ 3 hình thái kỹ thuật cơ bản (Non legato, legato, staccato,) chỉ tập trung cho HS luyện gam với kỹ thuật legato. 

Vấn đề độc lập ngón tay: trong quá trình giảng dạy, giảng viên chưa chú trọng nhiều đến vấn đề độc lập ngón tay của HS. Đồng thời GV chưa nghiêm túc và đòi hỏi việc thực hiện ở HS một cách nghiêm ngặt, chính xác. Vì vậy thời gian HS luyện tập ngón tay độc lập rất ít, thường thực hành qua để biết nhưng không lặp lại thường xuyên trong thời gian dài.

 Vấn đề thả lỏng: Xuất phát từ PPGD các kỹ thuật cơ bản của GV chưa hiệu quả, chưa chú trọng giảng dạy gam với kỹ thuật non legato, nhất là những HS bắt đầu học Piano ở độ tuổi lớn, chưa chú trọng trong việc lựa chọn các bài bổ trợ cho HS giải phóng tay và cơ thể nên một số HS CNĐP gặp khó khăn trong vấn đề thả lỏng.

 Giảng dạy gam quãng 8: Do trong CTGD không có yêu cầu cụ thể về giảng dạy gam quãng 8 nên một số GV chưa vận dụng đưa nội dung này vào giảng dạy.

Hạn chế trong phương pháp giảng dạy etude

Lựa chọn etude chưa phù hợp: Một số GV chưa chú trọng việc phân loại etude trong quá trình giảng dạy, đồng thời chưa đánh giá đúng điểm yếu kỹ thuật của HS cần khắc phục, do đó việc lựa chọn etude trong giảng dạy có thời điểm chưa phù hợp với từng đối tượng HS chưa đem lại hiệu quả bổ trợ kỹ thuật cao.

  Sắp xếp ngón tay khoa học: Trong quá trình giảng dạy giai đoạn đầu, giảng viên chưa sát sao, tỉ mỉ, chau chuốt cho học sinh trong cách sắp xếp ngón tay hợp lý cho từng câu nhạc, đặc biệt ở những câu nhạc cần yêu cầu sắp xếp ngón tay phức tạp. Chưa yêu cầu nghiêm khắc đối với việc HS cần tuân thủ các quy tắc sắp xếp ngón tay khoa học hoặc luyện tập lặp đi lặp lại nhiều lần với số ngón tay cố định để tạo thành thỏi quen, phản xạ.

Sử dụng Pedal: Một số giảng viên trẻ chưa đi sâu vào hướng dẫn HS về công năng, kỹ thuật sử dụng pedal.

Tốc độ: Một số giảng viên còn để tình trạng HS đánh etude với tốc độ tự do, chưa nghiêm khắc trong việc yêu cầu HS tuân thủ tốc độ theo chỉ dẫn trong etude, chưa đưa ra yêu cầu tốc độ tối thiểu buộc HS phải rèn luyện chăm chỉ, tích cực hơn để đạt được mục tiêu, yêu cầu của tác phẩm, giúp HS rèn luyện tốc độ hiệu quả hơn.

Một số hạn chế khác trong phương pháp học tậpHS còn thiếu nhận thức trong việc duy trì nhịp điệu ổn định, nhấn trọng âm trong các tiết nhịp trong quá trình luyện tập. Các thuật ngữ, kí hiệu âm nhạc trong tác phẩm cũng chưa thực sự hiểu rõ. Đây là hệ quả của việc học tập máy móc chưa nêu cao tinh thần tự giác trong tìm tòi và nghiên cứu.

Một số học sinh chưa kiểm soát các động tác thừa của tay, khắc phục tình trạng cổ tay chuyển động tự do, rung, nhún cổ tay khi chơi Piano cổ điển.

Ngoài việc bị chi phối thời gian do học các môn phụ và một vài lý do khách quan tác động đến quá trình luyện tập của HS thì đâu đó vẫn còn hiện tượng HS chưa chăm chỉ và đầu tư nhiều thời gian cho việc rèn luyện kỹ thuật, còn lười biếng, chểnh mảng và chưa thật sự tập trung, thiếu động lực và sắp xếp thời gian chưa khoa học trong quá trình tập luyện.

Tiểu kết chương 1

Qua nghiên cứu, tìm hiểu về tầm quan trọng của kỹ thuật trong đào tạo Piano chuyên nghiệp đã chứng minh rằng kỹ thuật là vấn đề cốt lõi không thể thiếu trong CTĐT của các trường đặc biệt là ở bậc học TC, trong đó có ĐHVHNTQĐ.

Trong quá trình thực hiện luận văn, tôi đã đánh giá và nhìn nhận một cách khách quan, thẳng thắn thực trạng giảng dạy kỹ thuật thông qua giảng dạy gam và etude hệ TC CNĐP tại khoa Âm nhạc. Thực trạng cho thấy việc nâng cao chất lượng giảng dạy kỹ thuật Piano cho CNĐP là cần thiết.

So với mặt bằng chung đào tạo Piano bậc TC chính quy, thì chất lượng dạy và học kỹ thuật Piano của CNĐP tại trường còn nhiều thiếu hụt, do vậy cần nhìn nhận một cách thẳng thẳn và khắc phục các vấn đề như: Tiêu chí, chất lượng, độ tuổi tuyển sinh; Hệ thống CTGD; Trình độ, PPGD của đội ngũ GV; Bất cập của đào tạo song song 2 chuyên ngành Piano và Keyboard; Tiêu chí chọn lọc gam và etude trong giảng dạy kỹ thuật nhằm củng cố các kỹ thuật cơ bản cho HS như: thả lỏng, độc lập ngón tay, phân chia bè và đường tuyến giai điệu, kỹ thuật quãng 8, nốt đơn, nốt đúp, nonlegato, legato, staccato, sắp xếp số ngón tay khoa học, sử dụng pedal hiệu quả,… (những lỗi kỹ thuật mà đa số HS CNĐP tại trường mắc phải). Ngoài ra cần bổ sung số lượng, thể loại gam và etude trong CTĐT để đa dạng các bài tập, các hình thức luyện tập kỹ thuật mang lại hiệu quả bổ trợ kỹ thuật cho HS. Cần chú trọng hơn nữa đến hoạt động thực hành biểu diễn, những hoạt động thiết thực rèn luyện bản lĩnh sân khấu cho HS. Cơ sở vật chất, tài liệu nghe, nhìn cũng là những vấn đề trọng điểm mà nhà trường cần quan tâm và có giải pháp khắc phục kịp thời để nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Piano cổ điển chính quy. 

 

Chương 2

CÁC GIẢI PHÁP

2.1. Cải tiến và bổ sung chương trình đào tạo

2.1.1. Cải tiến chương trình giảng dạy.

Đề xuất tách độc lập 2 chuyên ngành Piano và Keyboard ở hệ TC. Đây là vấn đề quan trọng trong cơ cấu đào tạo, cần được các cấp quan tâm để nâng cao chất lượng đào tạo bộ môn Piano. Việc tách độc lập 2 chuyên ngành sẽ là giải pháp cho một số thực trạng hiện nay trong đào tạo bộ môn Piano hệ TC. Đề xuất này được hội đồng khoa học của HVÂNQGVN cho là cấp thiết và đã thông qua trong luận văn của Th.s Lê Nguyễn Trúc Vy năm 2019 với đề tài luận văn: “Giảng dạy các tác phẩm phức điệu trong đào tạo Piano tại trường ĐHVHNTQĐ” [40; tr26]

CTGD Piano hệ TC cần cụ thể hóa yêu cầu của từng nội dung giảng dạy, đồng thời Khoa và nhà trường cần tổ chức có quy mô, định kỳ, nhân rộng mô hình biểu diễn âm nhạc, tạo cơ hội cho HS tham gia biểu diễn Piano cổ điển.

2.1.2. Bổ sung chương trình giảng dạy gam và etude

Gam: Biên soạn CTGD cần chi tiết theo từng học phần, các yêu cầu kỹ năng rõ ràng, cụ thể. Tôi nhận thấy Khoa Âm nhạc có thể tham khảo chương trình mô đun TC Piano 4 năm của HVÂNQGVN nhưng lựa chọn các kiến thức phù hợp với trình độ học sinh CNĐP của trường ĐHVHNTQĐ.

Nên kết hợp tiết tấu, kỹ thuật trong quá trình luyện tập gam. Không chỉ chơi 2 tay cùng tiết tấu, kỹ thuật mà còn luyện 2 tay ở 2 hình thức tiết tấu và kỹ thuật khác nhau.

Đối với gam thứ, GV cần đưa vào giảng dậy và yêu cầu HS rèn luyện thuần thục gam thứ hòa thanh đầu tiên. Do gam thứ hòa thanh vừa có sức hút điệu tính (bậc VII tăng lên nửa cung) vừa có sự ổn định về điệu thức, cấu trúc quãng, chuyển ngón, tư thế bàn tay. Gam thứ giai điệu nên đưa vào giảng dạy sau khi HS đã hoàn thành gam thứ hòa thanh bởi lúc này có sự thay đổi về sức hút điệu tính (đi lên có bậc VI, VII tăng lên nửa cung, đi xuống chuyển sang gam thứ tự nhiên). (ví dụ số 2, PL1)

Với gam ngũ cung HS cần ghi nhớ mỗi thang âm và có thể chơi 2 tay cùng hướng ở tốc độ yêu cầu trên phím trắng bất kỳ. 

Qua quá trình nghiên cứu các yêu cầu chơi gam ở bậc học hệ TC theo tiêu chuẩn Quốc tế, Tôi đề xuất bổ sung các dạng chơi hợp âm, rải hợp âm như sau: Hợp âm 3 nốt và rải hợp âm 3 nốt; hợp âm 4 nốt và rải hợp âm 4 nốt; rải hợp âm V và thể đảo bậc I, III, V; hợp âm V7 và rải hợp âm V7 trên bậc I, III, V, VII (ví dụ số 3; PL1). Ngoài ra kỹ thuật rải còn có rải 6 kiểu, 11 kiểu tuy nhiên với đặc thù HS CNĐP thì Tôi đề xuất rải 6 kiểu, bởi việc áp dụng ngay rải 11 kiểu sẽ gặp 1 số khó khăn nhất định do thời gian giảng dạy và học tập theo phân bổ CT không đủ, do đó GV có thể kết hợp dạy rải 6 kiểu cho HS làm quen, và sẽ củng cố tiếp rải 11 kiểu ở những giai đoạn sau (ĐH Piano) (ví dụ số 4 PL1)

Etude: Việc xác định rõ tiêu chí lựa chọn etude trong quá trình giảng dạy cho HS là một bước rất quan trọng giúp GV xác định được yêu cầu và mục đích dạy và học etude, để quá trình dạy học đạt hiệu quả cao hơn. Những tiêu chí mà GV cần xét tới là yếu tố lựa chọn etude phù hợp với năng lực của HS và lựa chọn etude phù hợp với kỹ thuật HS còn thiếu hụt.

GV trẻ cần linh hoạt trong việc lựa chọn etude cho HS, cần có lộ trình giảng dạy thực tế cho từng HS, nên kết hợp nhiều dạng etude khác nhau của nhiều tác giả, thời kỳ, phong cách để HS có nhiều trải nghiệm, có cái nhìn tổng quan về etude. Ngoài ra việc bổ sung một số etude nghệ thuật vào CTGD là rất cần thiết. Sử dụng ngay các etude nghệ thuật ở mức độ dễ từ giai đoạn đầu của hệ TC có thể xem là lối tắt nhanh nhất giúp HS nhanh chóng tiếp cận với trình độ diễn tấu với thẩm mỹ âm nhạc cao.

Qua quá trình nghiên cứu và được sự gợi ý của PGS.TS Nguyễn Huy Phương, Tôi đã liệt kê một số Etude phù hợp với đối tượng học sinh CNĐP, khoa Âm nhạc để đề xuất bổ sung vào CTGD gồm: etude Ravina - Harmonieuses op.50 (chọn bài khó); etude Mendelssohn op.104; etude Mózskovski op.72; Một số etude dễ của Rachmaninoff op.33 etude Tableau như G minor hoặcetude Scriabin (chọn bài phù hợp); etude Liszt S.125 (chọn bài dễ phù hợp với trình độ)

Bổ sung kỹ thuật chơi quãng 8, đúp nốt quãng 3, chạy chromatic và chơi hợp âm qua gam và etude:

Đây là những kỹ thuật quan trọng đối với người học Piano, do vậy trong CTGD cần có những yêu cầu cụ thể và định hướng rõ ràng giúp GV và HS thuận lợi trong quá trình dạy và học. Ngoài ra GV cũng cần tìm tòi các phương pháp luyện tập hiệu quả, phù hợp hỗ trợ HS cải thiện những vấn đề trong thực trạng chơi các nhóm kỹ thuật trên.

Khi luyện tập kỹ thuật đúp nốt quãng 8 cần chú ý đến sự phối hợp của vai, cánh tay, cổ tay và ngón tay, hạn chế các động tác thừa ảnh hưởng đến chuyển động, chú ý tránh căng cứng tay trong quá trình luyện tập. Cần giữ cho tư thể ngồi thoải mái, không quá sát đàn, có thể sử dụng kỹ thuật non legato để luyện tập, giúp HS dễ dàng giải phóng lực tay và thả lỏng. Ưu tiên lựa chọn gam chromatic để luyện đúp nốt quãng 8 vì có sự phối hợp sử dụng ngón tay cả ở phím đen và phím trắng. Lưu ý các vị trí đặt ngón tay trên phím đàn, chọn vị trí tiếp giáp gần nhất để có thể dễ dàng di chuyển từ phím trắng lên phím đen và ngược lại.Cần hướng dẫn HS tập gam quãng 8 ở tốc độ chậm nhấc cao cổ tay, để HS có đủ thời gian điều chỉnh sự chính xác, thả lỏng cổ tay, cánh tay, vai, trước khi bước vào luyện tập ở tốc độ nhanh hơn, khi chơi quãng 8 ở tốc độ nhanh thì cần duy trì bàn tay sát phím, tiết kiệm chuyển động. Khuyến khích HS hạn chế việc tập trung nhìn vào phím đàn, nên cảm nhận bằng thần kinh, cảm giác, cữ tay để có thể quán xuyến quãng và phím nhạy bén hơn trong xử lý các tác phẩm ở tốc độ cao sau này.

Một số hình thức luyện kỹ thuật quãng 8 thông qua gam như: phương pháp nhấn trọng âm, phương pháp tách âm (ví dụ số 5: PL1), luyện quãng 8 với kỹ thuật chạy đơn nốt ở ngón 5 hoặc ngón 1 (ví dụ số, 6; PL1), luyện quãng 8 qua chuyển động liền bậc (ví dụ số 7, 8; PL1), luyện tập quãng 8 qua các bước nhảy (ví dụ số 9,10,11,12; PL1).

Bổ sung kỹ thuật đúp nốt quãng 3 qua gam và etude: Đối với tập gam đúp nốt GV cần hướng dẫn HS đánh chậm ở giai đoạn đầu, không nên chạy với tiết tấu đều và tốc độ nhanh, vì có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh, mất nốt, co cứng tay. Cần luyện tập với tiết tấu nhanh-chậm gián đoạn giúp tay có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và cân bằng, Tuân thủ việc sắp xếp ngón tay khoa học và đồng nhất ở mỗi lần tập luyện (ví dụ số 13; PL1).

Phương pháp luyện kỹ thuật đúp nốt qua gam chromatic cũng đem lại nhiều hiệu quả. Đây cũng là kỹ thuật sử dụng nhiều trong etude và các thể loại tác phẩm khác. Ví dụ trong Etude Chopin Op.25 No.6 ( ô nhịp 7-10) (ví dụ số 14; PL1) Để thực hiện các đoạn chạy chromatic đúp nốt một cách lưu loát thì việc sắp xếp ngón tay hợp lý và lặp lại mỗi lần luyện tập rất quan trọng, giúp HS hình thành phản xạ tự động sắp xếp ngón tay và dễ dàng thực hiện kỹ thuật này trong tác phẩm. Phản xạ sắp xếp ngón tay trong các đoạn chạy đúp nốt quãng 3 có thể được rèn luyện cơ bản khi luyện tập gam bán cung (ví dụ số 15; PL1). Chú ý trong các trường hợp đúp nốt trên phím đen nên sử dụng ngón trỏ trượt xuống để nối tiếp vào các nốt liền sau, điều đó giúp cho nét chạy giai điệu được liền mạch và đều đặn.

Ngoài ra GV có thể tham khảo các phương pháp hỗ trợ kỹ thuật đúp nốt trong Etude Chopin Op.25 No.6 qua tuyển tập Etude Chopin hiệu đính Ignaz Friedman. Đây là cuốn sách vô cùng hữu ích có thể hỗ trợ GV và HS lựa chọn và tham khảo các cách luyện tập phù hợp. (ví dụ số 16; PL1).

Bổ sung kỹ thuật chạy bán cung chromatic qua gam và etude: Đối với học gam GV cần giảng dạy cho HS chạy gam chromatic ngón 123 và 345 cùng hướng, ngược hướng đi lên và xuống, luyện từ 2 quãng 8 đến 4 quãng 8, tốc độ từ chậm đến nhanh sao cho hiệu quả âm thanh đạt được khi chạy 3 ngón đều tiếng và liên tục không bị đứt đoạn.

Ngoài luyện tập kỹ thuật chromatic qua gam thì HS cũng cần được rèn luyện nhiều qua etude để có thể hoàn thiện kỹ thuật một cách đầy đủ, toàn diện. Do đó cần tăng cường các etude với kỹ thuật này trong CTGD (ví dụ số 17; PL1).

Bổ sung kỹ thuật chơi hợp âm qua gam và etude: Để chơi hợp âm hiệu quả HS cần chuẩn bị trước các nốt của hợp âm trong tư duy, sắp xếp ngón tay một cách chủ động, đầu ngón tay bám chắc vào phím, các khớp khuỷu tay, vai, cổ tay thả lỏng, phối hợp khéo léo chuyển động của tay và cơ thể điều tiết lực phối hợp đảm bảo đủ độ vang, sâu, dầy dặn cần thiết của âm thanh. Một số phương pháp giảng dạy và luyện tập hợp âm như sau: Phương pháp hợp âm đứt đoạn (Ví dụ số 18; PL1); Phương pháp tách bè (ví dụ số 19; PL1); Phương pháp chạm - nhấn (ví dụ số 20; PL1).

Bên cạnh việc rèn luyện hợp âm qua gam thì rất cần thiết phải củng cố kỹ thuật này qua etude, khi HS được rèn luyện kỹ thuật hợp âm qua etude sẽ nắm được đa dạng cách xử lý theo nhiều góc độ khác nhau theo từng yêu cầu cụ thể của tác phẩm. Ví dụ trong etude Czerny Op.740 No 40 (nhịp 1-3) (ví dụ số 21; PL1). Hiệu quả cần đạt được là chơi hợp âm ở kỹ thuật staccato với tốc độ nhanh. HS có thể luyện tập bằng phương pháp chạm-nhấn và phương pháp tách bè để có thể đảm bảo duy trì đươc sự thả lỏng của cổ tay và làm nổi bật được đường nét giai điệu trong hợp âm, ngoài ra trong etude này HS còn cần lưu ý việc nhấn trọng âm đầu mỗi chùm 3, ngoài việc đảm bảo yếu tố nhịp phách thì nhấn trọng âm còn giúp cổ tay giữ được sự thư giãn sau mỗi phách nhấn. 

Đối với các etude hợp âm chơi với âm lượng lớn etude Chopin Op10 No12 (nhịp 1-3), GV cần hướng dẫn cho HS cách sử dụng kết hợp lực giữa ngón tay, cổ tay cánh tay thậm chí cả cơ thể để đạt được âm lượng như mong muốn (ví dụ số 22; PL1).

2.2. Đổi mới các phương pháp luyện tập kỹ thuật

2.2.1. Giảng dạy 3 kỹ thuật cơ bản

Đối với 3 kỹ thuật cơ bản non legato, legato và staccato GV cần đi sâu vào giảng dạy từng kỹ thuật, kết hợp với việc thường xuyên kiểm tra các thao tác kỹ thuật và chất lượng luyện tập của HS để đưa ra đánh giá, kịp thời chỉnh sửa, uốn nắn giúp HS thực hiện đúng kỹ thuật. Lượng kiến thức GV cung cấp đến HS cần phân bổ cho phù hợp, tránh dạy cả 3 kỹ thuật cho 1 buổi lên lớp, dẫn đến HS nhầm lẫn hay hiểu một cách mơ hồ, không tiếp thu đươc những kiến thức mà GV cung cấp.

2.2.2. Kỹ thuật độc lập ngón tay

Rèn luyện ngón tay làm việc độc lập qua gam: GV cần đề cao hơn nữa vai trò của việc giảng dạy độc lập ngón tay cho HS. Đồng thời cần có những yêu cầu nghiêm khắc đối với việc học tập, rèn luyện và thái độ, ý thức trong luyện tập của HS. Đề ra tiêu chí cụ thể, kết hợp với phương pháp hiệu quả giúp HS cải thiện được kỹ thuật độc lập ngón tay. GV  cần chú trọng từng cử động, tập từ các chuyển động chậm như: tròn ngón, nhấc ngón, bổ ngón xuống phím kết hợp với thả lỏng... bên cạnh việc hướng dẫn chi tiết GV cần kiểm tra sát sao để kịp thời sửa lỗi cho HS, đưa ra các ví dụ bằng hình ảnh, phương pháp thị phạm giúp HS quan sát và lắng nghe sự khác nhau về âm thanh khi sử dụng các ngón tay độc lập và các ngón tay dính liền khi chơi đàn. 

Phương pháp rèn luyện độc lập ngón tay cái: Trong giai đoạn đầu luyện tập, giảng viên có thể hướng dẫn học sinh áp dụng luyện tập giải phóng ngón tay cái bằng phương pháp luyện tập sau: xoay ngón tay thành những hình tròn nhỏ theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, để rèn luyện sự mềm dẻo cho các khớp ngón tay cái, sau đó mang cảm nhận thả lỏng đó lên phím đàn khi luyện tập. Ngoài ra có thể luyện độc lập ngón tay cái qua kỹ thuật chạy rải và một số bài tập ngắn (Ví dụ số 21; PL1). Sau khi HS đã làm quen với kỹ thuật độc lập ngón tay cái qua các bài tập ngắn, GV có thể lựa chọn các bài etude trong nhóm kỹ thuật rải, chạy ngón liền bậc, chạy dích giắc… để HS rèn luyện thành thục kỹ thuật này. Đối với mỗi etude GV cần cụ thể các phương pháp luyện tập để HS có thể tham khảo và lựa chọn cách thức luyện tập phù hợp. (ví dụ số 22; 23 PL1).

Vấn đề độc lập nhóm ngón 345 cũng là một trong những khó khăn mà học sinh thường mắc phải. Giảng viên có thể lựa chọn 1 số bài bổ trợ độc lập chùm ngón này qua các etude như: Czerny op740 No 11, No 22,… Khó khăn trong việc tách ngón ở 3 ngón này là do ngón 5 có lực ngón yếu, ngón 3 và 4 với sự dính liền của cơ, gân giữa 2 ngón do đó cần có những phương pháp luyện tập để củng cố sức mạnh và sự độc lập cho 3 ngón này. Đầu tiên khi GV có thể áp dụng cho HS luyện tập ở mức độ đơn giản thông qua các bài tập độc lập ngón tay trong [ví dụ số 24; PL1]. Sau khi học sinh đã có những cảm nhận cơ bản về việc tách ngón và thả lỏng chủ động thì bước vào rèn luyện 1 số etude cũng cố cho kỹ thuật này như Etude Czerny Op740 No 11 [ví dụ số 25; PL1]Quá trình vỡ bài học sinh cần chú ý nhấc cao ngón tay và thả lỏng sau mỗi ngón bấm, sau khi làm tốt việc thả lỏng và nhấc ngón thì tăng dần tốc độ. Sử dụng luyện tập với nhiều hình thức tiết tấu để dồn lực vào các ngón cần luyện tập, để tăng cường sức mạnh và lực bấm cho các ngón tay, luân phiên luyện tập cho cả 3 ngón.

2.2.3. Vấn đề thả lỏng

Ở “chương 2: Vấn đề thả lỏng trong diễn tấu” của PGS.TS La Thương (Nguyễn Minh Anh) sách “Hướng tới đào tạo Piano chuyên  nghiệp ở Việt Nam” đã đề cập rất rõ tầm quan trọng của thả lỏng, phương pháp thả lỏng, các giải pháp khắc phục hoặc hỗ trợ người học hoàn thiện kỹ năng này. Thả lỏng trong đánh đàn được chia làm 2 dạng

Thả lỏng cơ học: Giảng viên có thể hướng dẫn HS thả lỏng theo từng cấp độ: thả lỏng theo từng nốt, thả lỏng theo ô nhịp , thả lỏng cuối tiết nhạc, thả lỏng cuối câu nhạc. Trong quá trình luyện tập etude, giảng viên cần hướng dẫn HS vận động cổ tay theo chiều của ngón tay và định hướng của giai điệu, đặc biệt trong các etude nghệ thuật, ở những đoạn legato ở những quãng xa cần vận động cả vai, cánh tay, khủy tay, cổ tay theo chiều ngón tay vừa hỗ trợ ngón tay thực hiện các thao tác dễ dàng vừa giải phóng lực tạo sự thư giãn mềm mại cho tay.

Thả lỏng tư duy: Sử dụng thính giác âm nhạc để nghe, cảm nhận, dùng cảm xúc, hơi thở dẫn dắt ý tưởng âm nhạc để xử lý mỗi câu nhạc, đoạn nhạc trong tác phẩm. Tôi xin trích đoạn quan điểm của PGS.TS Nguyễn Minh Anh về thả lỏng tư duy “Công việc khắc phục tình trạng cứng bao gồm các công đoạn: Xuất phát từ cảm nhận âm nhạc (mường tượng âm thanh cần có), tiếp theo là sự vận động cơ thể để tạo ra âm thanh đó. Mỗi âm thanh phát ra phải là kết quả của quá trình vận động từ trái tim âm nhạc truyền qua cơ thể gồm vai, cánh tay, cổ tay và cuối cùng là các đầu ngón tay”[1; tr35] Điều này cần chú ý là không bao giờ quên một nguyên tắc cơ bản: Phải dùng tai nghe để tìm hiệu quả mong muốn và hạn chế tác động quá tải của những em HS còn yếu về tai nghe và cảm xúc âm nhạc” [1; tr37]

2.2.4. Sắp xếp ngón tay phù hợp

Trong quá trình luyện tập người chơi đàn cần nghiên cứu cấu tạo đôi tay của mình và tìm phương án sắp xếp ngón tay cho phù hợp, hiệu quả. Một số quy tắc sắp xếp số ngón tay khoa học: 

Sắp xếp ngón tay theo quy tắc ngón ngắn nhất chơi phím xa nhất, ngón dài chơi phím gần nhất (ngón cái và ngón út là ngón ngắn, ngón  trỏ ngón giữa, ngón áp út là ngón dài) [Ví dụ số 26; PL1]; Sắp xếp ngón tay dựa trên các thang âm; Sắp xếp ngón tay dựa trên thế ngón qua các hợp âm rải; Nhất quán về số ngón tay trong các câu nhạc lặp lại giống nhau; Lựa chọn hiệu đính số ngón tay phù hợp. [ví dụ số 27; PL1]

2.2.5. Kỹ thuật sử dụng Pedal:

Để sử dụng pedal một cách hiệu quả HS cần được hướng dẫn một cách bài bản về công dụng, kỹ thuật sử dụng pedal. GV cần giới thiệu, cung cấp những kiến thức cần thiết về các kỹ thuật xử lý pedal cơ bản. Trong luyện tập Etude pedal sử dụng chủ yếu trong các etude nghệ thuật như etude Chopin, Rachmaninoff, Liszt, Scriabin… luyện kỹ thuật pedal thông qua etude cũng là một kỹ thuật cần được rèn luyện để bước vào xử lý các kỹ thuật trong các thể loại âm nhạc khác.

Cấu tạo pedal: Có 3 bàn đạp pedal, pedal phải, pedal giữa, pedal trái. Trong luyện tập etude sử dụng kỹ thuật pedal phải là chủ yếu. 

Một số nguyên tắc cần chú ý trong quá trình sử dụng pedal: Không sử dụng pedal trong quá trình vỡ bài; không lạmdụng pedal với mục đích che lấp đi những sai sót ở kỹ thuật ngón tay; không sử dụng pedal một cách tùy tiện.

Có 3 cách sử dụng pedal phải: Pedal sớm [ví dụ số 28; PL1], pedal cùng lúc [ví dụ số 29; PL1], pedal muộn. [ví dụ số 30; PL1].

Sử dụng pedal cho học sinh giai đoạn đầu trung cấp: Hạn chế sử dụng pedal đối với HS năm đầu TC. Lúc này thính giác âm nhạc, độ cảm thụ âm nhạc, các kỹ thuật cơ bản chưa hoàn thiện nên nếu sử dụng pedal nhiều ở giai đoạn này sẽ khiến HS phá vỡ các kỹ thuật cơ bản ảnh hưởng đến các nội dung âm nhạc khác trong tác phẩm.

Sử dụng pedal cho học sinh giai đoạn sau Trung cấp: bên cạnh việc tham khảo các chỉ dẫn pedal trong tài liệu thì HS ở giai đoạn này cần phát huy khả năng tư duy, sáng tạo cá nhân thông qua thính giác âm nhạc, kết hợp với các kiến thức cơ bản đã được trau dồi để xử lý pedal theo từng yêu cầu của tác phẩm, phù hợp với từng phong cách tác giả, đem lại hiệu quả xử lý tác phẩm cao hơn, tạo phong cách và dấu ấn cá nhân riêng biệt trong diễn tấu. Trong giai đoạn này khi HS sử dụng pedal cần có hướng dẫn của GV và theo chỉ dẫn trong tài liệu đồng thời rèn luyện thính giác âm nhạc trong sử dụng pedal.

2.2.6. Một số vấn đề khác:

Tư thế khi chơi đàn: Giảng viên cần chú trọng việc hướng dẫn HS điều chỉnh tư thế cho phù hợp. Tư thế khi chơi đàn ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tiếng đàn, thẩm mỹ biểu diễn, khả năng xử lý tác phẩm và tâm lý của người chơi đàn. Do vậy HS cần làm theo hướng dẫn của GV và thực hiện đúng các tư thế trước khi bắt đầu học đàn (xem chi tiết về tư thế ngồi PL10, mục 1)

Tư thế bàn tay và ngón tay: Khả năng kiểm soát kỹ thuật trên đàn Piano chỉ tồn tại khi người biểu diễn đạt được sự vững chắc hoàn toàn ở các đầu ngón tay cùng với sự tự do và thư giãn hoàn toàn ở cổ tay, khuỷu tay và vai” [26; tr9] Tư thế phù hợp là khi bàn tay khum tự nhiên, các ngón cong lại (xem chi tiết tư thế ngón ở PL10, mục 2)

Vấn đề rèn luyện tiết tấu: Muốn luyện tập đúng tiết tấu thì việc đầu tiên là HS cần hiểu rõ về giá trị trường độ của các nốt nhạc và dấu nghỉ, tuân thủ đúng quy định về trường độ trong quá trình vỡ bài.

Vấn đề rèn luyện tốc độ: GV cần hướng dẫn HS luyện tập etude từ chậm đến nhanh, theo mức độ tăng dần, đưa ra mục tiêu tốc độ cần đạt theo từng tuần và kiểm tra sát sao mức độ tiến bộ, phát triển của HS

2.3. Những giải pháp khác

2.3.1. Nâng cao chất lượng giảng viên trẻ

Xây dựng đội ngũ giảng viên kế cận, tạo điều kiện cho GV trẻ học nâng cao trình độ chuyên môn.

Khuyến khích GV thường xuyên tham gia nghiên cứu khoa học và áp dụng vào thực tiễn, đặc biệt là thực hành và biểu diễn Piano.

Thường xuyên mở các lớp “master class”, tham vấn chuyên gia về phương pháp sư phạm để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy cho giảng viên trẻ.

Tổ chức các buổi dự giờ, đánh giá chất lượng dạy và học đồng thời giúp các GV rút kinh nghiệm, học hỏi, cải tiến và nâng cao phương pháp giảng dạy.

Giảng viên trẻ cũng rất cần trau dồi khả năng ngoại ngữ để tiếp cận kho tàng kiến thức trên thế giới.

2.3.2. Nâng cao chất lượng học sinh

Đề xuất mở rộng hệ TC dự khóa, đây là giai đoạn để HS trau dồi kiến thức, kỹ năng cơ bản. Dự khóa TC là giai đoạn xây dựng nền tảng kiến thức cho HS trước khi dự tuyển hệ TC chính quy, thay cho giai đoạn đầu TC tại một số cơ sở đào tạo Piano chuyên nghiệp như HV Gnesin, HVÂNQGVN…

Tiêu chí tuyển sinh cần được cụ thể. Thêm nội dung thị tấu vào tiêu chí tuyển sinh, ngoài ra nên có phần thi lý thuyết cơ bản, thẩm âm, tiết tấu ở mức độ cụ thể. 

Học sinh cần chủ động sử dụng công nghệ thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong học tập.

2.3.3. Những giải pháp khác

Trong quá trình giảng dạy GV cần đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt và cụ thể hơn nữa, đồng thời cần phân tích sâu về nội dung, các yêu cầu của gam hay etude. HS cần nêu cao ý thức tự giác trong học tập và rèn luyện, bên cạnh việc lĩnh hội các kiến thức được GV cung cấp thì cần tự giác trong việc tự nghiên cứu, học hỏi, phát huy tính sáng tạo trong học tập.

Học sinh cần rèn luyện thói quen vỡ bài tỉ mỉ và cẩn thận, lắng nghe và rèn luyện tiếng đàn bởi vì chất lượng âm thanh và sự đa dạng của sắc thái là yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu trong kỹ thuật chơi đàn Piano.

2.4.  Thực nghiệm sư phạm

2.4.1. Tổ chức giảng dạy thực nghiệm.

Sau khi phân tích thực trạng và các giải pháp cùng với sự nhất trí của Ban chủ nhiệm khoa Âm nhạc Tôi đã thực hiện PPGD đối chứng và thực nghiệm ở 2 đối tượng HS là Nguyễn Đan Chi và Hồ Thái Trang Vy lớp TC biểu diễn nhạc cụ phương Tây khóa 42 (2022-2026) trong học kỳ 1 năm thứ nhất (15 tuần huấn luyện). Hai học viên trên được hội đồng tuyển sinh nhà trường đánh giá là có trình độ đầu vào như nhau (điểm chuyên môn đạt 8). Trong quá trình thực nghiệm cả 2 HS vẫn thực hiện nội dung học tập các bộ môn khác theo đúng tiến độ và kế hoạch đào tạo.

 Bên cạnh việc giảng dạy gam và etude theo 2 phương pháp khác nhau cho 2 đối tượng học sinh thì Tôi đã lựa chọn và giao bài sonat và phức điệu giống nhau (Sonatina M.Clamenti Op 36, No.3 và phức điệu J.S.Bach Inevention, No.1 C Major, BWV 772)để có sự đánh giá so sánh về mức độ cải thiện kỹ thuật cũng như đánh giá hiệu quả của việc rèn luyện kỹ thuật khi áp dụng vào trong thể hiện các thể loại tác phẩm âm nhạc khác.

Đối với HS Hồ Thái Trang Vy tôi sử dụng phương pháp đã giảng dạy trước đây, học gam theo chương trình phân bổ, tập trung giảng dạy gam legato và lựa chọn 4 etude bất kỳ trong tập Czenny Op299. Đối với HS Nguyễn Đan Chi Tôi đã áp dụng các PPGD như đã nghiên cứu trong luận văn. Mục tiêu trong học kỳ 1 năm thứ nhất HS Đan Chi sẽ hoàn thiện được 3 kỹ thuật cơ bản (non legato, legato, staccato). Chơi thành thạo các kỹ thuật trong gam từ 0-4 dấu hóa bao gồm chạy gam quãng 3,6,10 cùng hướng và ngược hướng, các thể rải (rải 6 kiểu, hợp âm và rải hợp âm 3 nốt, hợp âm và rải hợp âm 4 nốt, rải hợp âm V trên bậc I,III,V; rải hợp âm V7 trên các bậc I,III,V,VII) chạy gam quãng 8, đúp nốt quãng 3, chomatic. Tốc độ luyện tập áp dụng chạy chậm q= 60 và tăng dần đến nhanh là q=100-120. Sử dụng metronome để xác định tốc độ và ổn định nhịp trong giai đoạn đầu luyện tập.

Trong quá trình luyện gam Tôi có sự kiểm tra và chỉnh sửa cho HS theo từng tuần học, đặc biệt chú trọng vấn đề thả lỏng và độc lập ngón tay theo các phương pháp đã đề cập trong luận văn. Kết hợp học song song kỹ thuật trong gam với lựa chọn etude bổ trợ phù hợp như: học gam legato kết hợp với luyện etude chạy ngón đơn nốt liền bậc (Etude Czeny Op 299, No 1), luyện rải hợp âm kết hợp với etude chạy rải. (Etude Burgmuller Op105, No1). Học gam staccato, kết hợp học etude Ravina- Harmonieuses Op.50, No10 (Trong etude kết hợp 1 số kỹ thuật như hợp âm, chạy ngón đơn nốt liền bậc và tập trung sử lý kỹ thuật staccato)Học kỹ thuật đúp nốt kết hợp với Etude Moskovsky Op72 No3. Trong học kỳ1 học sinh học được 4 etude kết hợp nhiều dạng kỹ thuật, đa dạng về màu sắc, tác giả. Kết hợp cả etude kỹ thuật và etude nghệ thuật phù hợp với trình độ. Ngoài ra Tôi có yêu cầu rõ ràng về thời gian luyện tập gam từ 30-40 phút trước khi luyện tập etude và các tác phẩm khác, Yêu cầu học sinh duy trì và đảm bảo thời gian luyện tập hàng ngày. Nội dung thực nghiệm chi tiết [Xem PL11]

2.4.2. Đánh giá kết quả

Sau 15 tuần của học kỳ 1 nhìn chung cả 2 học sinh đều hoàn thành được tiến độ đào tạo. Tuy nhiên đối với HS Nguyễn Đan Chi được áp dụng phương pháp giảng dạy thực nghiệm, theo đánh giá của hội đồng chấm thi HS đã có nhiều tiến bộ cả về phương diện kỹ thuật cũng như thể hiện tác phẩm. Các kỹ thuật cơ bản như: Độc lập ngón tay, thả lỏng, có nhiều tiến bộ rõ rệt. Đối với bài sonat các câu nhạc với tiết tấu chùm kép được HS thực hiện trôi chảy, rõ ràng mạch lạc, các kỹ thuật trong bài như legato, staccato, đúp nốt, sắc thái to, nhỏ được xử lý đạt hiệu quả tốt. Đối với bài phức điệu HS đã biết cách điều tiết lực ngón tay, duy trì sự mềm mại của cổ tay, phân bổ đường tuyến giai điệu rõ ràng giữa các bè, làm rõ được chủ đề, tư duy xử lý tác phẩm tốt. Điểm thi học kỳ 1 đạt 8, 75.

Kết thúc học kỳ 1 HS Trang Vy đã hoàn thành được nội dung học đủ về số lượng theo yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên qua đánh giá chất lượng HS còn gặp phải 1 số vấn đề còn hạn chế như: căng cứng tay và vai, các đoạn chạy rải âm thanh bị dứt đoạn, tiếng đàn chưa đồng nhất. Etude và các tác phẩm trong chương trình thi còn vấp, đặc biệt các đoạn chạy nhanh tiếng đàn nhòe, díu ngón, khi chơi staccato cổ tay cứng, tiếng đàn chưa nảy, gọn. Âm lượng, sắc thái chưa xử lý đạt độ vang, tốc độ chơi etude, sonat chưa đạt yêu cầu tiêu chuẩn. Điểm đánh giá đạt 8, 25

So sánh giữa chất lượng của 2 HS nhận thấy cả 2 em đều hoàn thành được số lượng tác phẩm yêu cầu trong chương trình học tuy nhiên chất lượng kỹ thuật và xử lý tác phẩm có sự khác biệt. Thông qua nhận xét của Ban chủ nhiệm khoa và hội đồng chấm thi nhận thấy hiệu quả của việc áp dụng một số giải pháp củng cố kỹ thuật theo nghiên cứu của luận văn đem lại phương pháp hỗ trợ phù hợp ở thời điểm hiện tại, giúp HS khắc phục 1 số hạn chế về kỹ thuật, có thể áp dụng đưa vào giảng dạy và học tập cho đối tượng học sinh chuyên ngành Đàn phím tại khoa [PL12]

Tiểu kết chương 2

Sau khi phân tích các thực trạng ở chương 1 thì ở chương 2 các đề xuất như: nâng cao chất lượng GV, nâng cao chất lượng HS, nâng cao chất lượng CTGD là điều tất yếu trên con đường mà nhà trường hướng tới đào tạo Piano chuyên nghiệp. Trong đó GV trẻ phải là người chủ động đi đầu trong việc nâng cao chuyên môn và hiểu biết của bản thân để có đủ năng lực phán đoán, nhận biết, kỹ năng sư phạm để có thể đưa ra những quyết định phù hợp, những giải pháp tốt trong việc giảng dạy học sinh.

Nâng cao chất lượng HS mở ra hệ đào tạo dự khóa là tiền đề để đạt được hiệu quả cao hơn, tốt hơn trong đào tạo. Đây sẽ giải pháp khắc phục các thực trạng trong vấn đề mặt bằng trình độ tuyển sinh, độ tuổi tuyển sinh cũng như chất lượng HS đầu vào.

Nâng cao chương trình giảng dạy, tách riêng chuyên ngành Piano là cấp thiết và cần được nhà trường xem xét, thực hiện 

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố mang tính quyết định để nâng cao chất lượng học tập kỹ thuật Piano ở hệ TC là PPGD và phương pháp học tập. Trong chương này tôi đã đề cập cụ thể những phương pháp còn thiếu sót và cần được nâng cao hơn trong quá trình giảng dạy của giảng viên trẻ. Hay đối với HS cần nêu cao ý thức tự giác trong học tập, nghiên cứu nâng cao chuyên môn, sắp xếp thời gian đảm bảo thời gian tự học tự rèn…

Một số các giải pháp để động viên, khích lệ và tạo môi trường tích cực cho học sinh phát triển bản thân, phát triển khả năng âm nhạc, nghệ thuật như tăng cường các lớp Masster class, các hoạt động thực hành biểu diễn, các xuất học bổng, du học… là điều vô cùng cần thiết.

Các giải pháp trên được đề ra từ các phân tích, đánh giá mà chúng tôi đã bám sát vào thực trạng giảng dạy kỹ thuật Piano tại khoa âm nhạc trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Kết hợp giữa các tài liệu nghiên cứu khoa học và nghiên cứu từ thực tiễn chúng Tôi đã đúc kết, bổ sung những thông tin, kiến thức cần thiết đối với học sinh chuyên ngành Đàn phím, khoa Âm nhạc. Các kiến thức này sẽ trang bị cho học sinh những hiểu biết nhất định, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập hiệu quả hơn.

KẾT LUẬN

Tầm quan trọng của kỹ thuật trong đào tạo Piano chuyên nghiệp đã được khẳng định qua rất nhiều các nghiên cứu khoa học và thực tiễn giảng dạy với nhiều lợi ích mà nó mang lại cho người học. Đối với các cơ sở đào tạo Piano chuyên nghiệp trong nước cũng như trên thế giới việc giảng dạy kỹ thuật luôn là nhiệm vụ trọng tâm không thể thiếu trong quá trình đào tạo.

Quá trình thực hiện luân văn tôi đã phân tích, làm rõ tầm quan trọng của kỹ thuật trong đào tạo Piano chuyên nghiệp nói chung và ở trường ĐHVHNTQĐ nói riêng. Bằng thực tiễn học tập và công tác tại trường ĐHVHNTQĐ tôi đã thẳng thắn, đánh giá một cách khách quan, trung thực các thực trạng giảng dạy kỹ thuật Piano cho hệ trung cấp chuyên ngành Đàn phím, khoa Âm nhạc. Đồng thời đưa ra các giải pháp mang tính chuyên môn phù hợp với đối tượng hoc sinh trung cấp chuyên ngành Đàn phím tại trường nhằm góp phần khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác giảng dạy và học tập.

Trong quá trình nghiên cứu các giải pháp chúng tôi đã tham khảo những tài liệu khoa học, đồng thời tham khảo ý kiến của các nhà giáo có chuyên môn cao trong ngành tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn của các giảng viên giảng dạy lâu năm tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Các ý kiến tập trung bổ sung những thiếu sót hoặc điều chỉnh những vấn đề còn bất cập trong giảng dạy và học tập. Mức độ chuyên sâu của các vấn đề đã nêu ra trong giải pháp được cân nhắc để phù hợp với trình độ chuyên môn và nhận thức của học sinh. Vì vậy các giải pháp này đáp ứng được các nhu cầu về thông tin, kiến thức và phương pháp cho học sin Trung cấp chuyên ngành Đàn phím tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Sau khi đưa ra giải pháp Tôi đã tổ chức thực nghiệm giảng dạy để đánh giá hiệu quả của các giải pháp. Các học sinhtham gia thực nghiệm đã có những thay đổi tích cực về kỹ thuật cơ bản. Qua đó phần nào chứng minh được tính thực tiễn và hiệu quả của giải pháp đã đề ra. Điều đó cho thấy rằng luận văn có tính thực tiễn, đáp ứng được những mục tiêu được đề ra ban đầu.

Những nghiên cứu trong luận văn có thể được thực hiện nhằm cải thiện các hạn chế trong dạy và học kỹ thuật cho học sinh Trung cấp chuyên ngành Đàn phím, khoa Âm nhạc ở thời điểm hiện tại. Luận văn là tiền đề và cơ sở lí luận cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn. Đồng thời luận văn là một đóng góp nhỏ vào nguồn tài liệu tham khảo, nghiên cứu về phương pháp giảng dạy và học tập kỹ thuật Piano tại trường ĐHVHNTQĐ.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn