Trang chủ
Giới thiệu
Quá trình phát triển
Sứ mệnh
Tầm nhìn
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13673008
Quá trình phát triển Thứ bảy, 14/12/2024

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được thành lập năm 1956, tiền thân là Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1982, đổi tên thành Nhạc viện Hà Nội. Năm 2008 được Chính phủ đổi tên thành Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.    

Trong quá trình 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam luôn là trung tâm đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước với ba chức năng chính: đào tạo, nghiên cứu khoa học và biểu diễn.

Với những đóng góp của nhiều thế hệ giảng viên, cán bộ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những thành tựu đạt được trong giai đoạn đổi mới, hội nhập của đất nước, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng I, hạng II, hạng III; Huân chương Độc lập hạng I (2 lần), hạng II, hạng III và Huân chương Hồ Chí Minh.

Đào tạo:

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã đào tạo gần 10.000 cán bộ âm nhạc cho hệ thống các nhạc viện, các trường và các đơn vị nghệ thuật ở Việt Nam. Ngoài ra, Học viện còn đào tạo hàng trăm cán bộ âm nhạc cho nước bạn Lào và Campuchia; mở lớp dạy nhạc cụ cổ truyền và nhạc cụ phương Tây cho một số học sinh nước ngoài như: Pháp, Đức, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch v.v. Nhiều giảng viên, học sinh và sinh viên đã giành được huy chương Vàng và giải thưởng cao tại các cuộc thi âm nhạc quốc gia và quốc tế, đặc biệt GS.NSND. Đặng Thái Sơn đoạt giải Nhất cuộc thi Piano quốc tế mang tên F. Chopin tại Vácxava, Ba Lan năm 1980.

Đội ngũ giảng dạy gồm hơn 300 giảng viên (kể cả giảng viên thỉnh giảng và cộng tác viên) trong đó có 5 giáo sư, 23 phó giáo sư, 44 tiến sĩ và nhiều giảng viên giỏi phần lớn được đào tạo được đào tạo chính quy ở nước ngoài, nhiều kinh nghiệm, say mê nghề nghiệp. Các giảng viên trẻ có trình độ chuyên môn cao, năng động, sáng tạo.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có quy mô đào tạo theo đặc thù của ngành âm nhạc; có chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng chuẩn quốc tế; đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của xã hội. Học viện đã biên soạn toàn bộ hệ thống chương trình đào tạo cho tất cả các chuyên ngành từ Trung cấp đến Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ, bao gồm các ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn Piano, Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Sáng tác, Lý luận, Chỉ huy và các môn học kiến thức âm nhạc như Ký xướng âm, Hoà âm, Phức điệu, Phân tích tác phẩm, Lịch sử âm nhạc thế giới, Lịch sử âm nhạc Việt Nam…

Hiện nay, Học viện có khoảng 1500 học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh theo học ở các cấp học khác nhau như: Trung cấp dài hạn (6, 7, 9 năm), Trung cấp ngắn hạn (4 năm), Đại học chính quy (4 năm), Đại học vừa làm vừa học (4, 5 năm), Thạc sĩ (2 năm) và Tiến sĩ (3 năm). Học viện luôn chú trọng đào tạo tài năng âm nhạc. Số lượng giảng viên, học sinh, sinh viên của Học viện đoạt giải thưởng tại các cuộc thi tài năng âm nhạc quốc gia, quốc tế đứng đầu trong các trường thuộc khối ngành âm nhạc.

Nghiên cứu khoa học:

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu cấp khu vực, các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế.

Viện Âm nhạc - đơn vị trực thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là một trong những trung tâm nghiên cứu âm nhạc hàng đầu của Việt Nam, có uy tín trong khu vực và quốc tế. Kết quả nghiên cứu của Viện đã đóng góp tích cực vào công tác giảng dạy, biểu diễn và bảo tồn, phát triển nền âm nhạc Việt Nam. Các thế hệ cán bộ của Viện Âm nhạc trong những năm qua đã sưu tầm thu thanh, ghi hình, nghiên cứu, lưu trữ vốn âm nhạc dân gian của 54 dân tộc Việt Nam. Đặc biệt những năm gần đây, Viện Âm nhạc đã xây dựng thành công Hồ sơ quốc gia về Ca trù, Hát Xoan, Đờn ca Tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Biểu diễn:

Hoạt động biểu diễn đóng vai trò quan trọng vừa là thực hành đào tạo vừa là thước đo đánh giá về chất lượng đào tạo, phương pháp giảng dạy, đồng thời là thế mạnh của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam do là nơi hội tụ nhiều Nghệ sĩ Nhân dân (12 NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (39 NSƯT) và nhiều giảng viên - nghệ sĩ trẻ tài năng trong các lĩnh vực Thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ phương Tây và nhạc cụ dân tộc. Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam, dàn Dây, các nhóm nhạc thính phòng, các nghệ sĩ độc tấu của Học viện đã thực hiện thành công hàng trăm buổi biểu diễn, giới thiệu nền âm nhạc Việt Nam tới khán giả trong nước và quốc tế và góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng yêu âm nhạc Việt Nam.

Hàng năm, nhiều giáo sư, nghệ sĩ, nhạc trưởng nổi tiếng của Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Thuỵ Điển, Hà Lan, Tây Ban Nha... đã sang giảng dạy và biểu diễn tại Học viện. Nhiều nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên của Học viện đã được mời đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Học viện thường xuyên cử học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn cùng các dàn nhạc giao hưởng nước ngoài như: Dàn nhạc Giao hưởng châu Á, Dàn nhạc Trẻ châu Á, Dàn nhạc Trẻ Đông Nam Á... Ngoài ra, Học viện còn được Nhà nước đầu tư hai phòng hoà nhạc đạt tiêu chuẩn quốc tế, là điều kiện thuận lợi giúp cho hoạt động biểu diễn.

Hợp tác quốc tế:

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có quan hệ cộng tác với nhiều nhạc viện có tên tuổi trên thế giới tại như Nhạc viện Tchaikovsky (LB Nga), Nhạc viện Paris (CH Pháp), Học viện Âm nhạc Bắc Kinh, Nhạc viện Thượng Hải (Trung Quốc), Trường Âm nhạc thuộc Đại học tổng hợp Queensland (Úc), Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển), Học viện Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông; Dàn nhạc trẻ châu Á, Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á, Dàn nhạc Nagoya (Nhật Bản); tổ chức âm nhạc của các nước như: Nhật Bản, Áo, Đức, Canada, Thái Lan, Singapore...

Hợp tác quốc tế là một thế mạnh của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực đào tạo và biểu diễn. Học viện đã tổ chức và chủ trì nhiều hội thảo quốc tế, dự án quốc tế, liên hoan âm nhạc quốc tế và đã tổ chức thành công ba cuộc thi Piano quốc tế tại Hà Nội (năm 2010, 2012, 2015) với quy mô và tiêu chí của các cuộc thi Piano quốc tế.

Quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, tạo cơ hội thuận lợi để Học viện tiếp cận với các xu thế mới, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Những thành tựu âm nhạc của Học viện thông qua các giải thưởng âm nhạc quốc tế của các giảng viên, học sinh, sinh viên và quá trình quảng bá âm nhạc Việt Nam trên trường quốc tế đã hướng sự quan tâm của nhiều quốc gia có nền âm nhạc phát triển trên thế giới tới nền âm nhạc Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Phương hướng phát triển:

Trong thời gian tới, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tập trung nguồn lực xây dựng thành trường trọng điểm quốc gia đào tạo cán bộ âm nhạc, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đơn vị hoạt động âm nhạc trong cả nước với mục tiêu: nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo, giảng viên; tạo chuyển biến mạnh về quy mô, chất lượng đào tạo; mở thêm một số ngành, chuyên ngành mới phù hợp với nhu cầu của xã hội; đổi mới chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy; đưa một số ngành học mũi nhọn đạt chuẩn quốc tế; tăng cường đào tạo tài năng âm nhạc tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua công trình các cấp, dự án, hồ sơ quốc gia về di sản âm nhạc; tăng cường tính ứng dụng của nghiên cứu phục vụ đào tạo và biểu diễn âm nhạc; nâng cao chất lượng các hoạt động biểu diễn của giảng viên, sinh viên, các dàn nhạc, dàn hợp xướng; mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế; nâng cấp cơ sở hạ tầng Trung tâm Thông tin - Thư viện hiện đại; đầu tư trang thiết bị và hệ thống nhạc cụ đạt chuẩn quốc tế.

Trong suốt chặng đường 60 xây dựng và phát triển, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tự hào về những cống hiến của mình cho đất nước, tự hào về truyền thống tốt đẹp do các thế hệ đi trước đã gây dựng nên. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với tâm huyết của các cán bộ giảng viên, với sự kế thừa truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tận dụng cơ hội, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đưa Học viện trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và biểu diễn âm nhạc hàng đầu của Việt Nam, có uy tín trong khu vực và quốc tế, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

 

----------------------------

Updated: 20/11/2016

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn