Tác giả: Đào Thị Thuỷ
Đề tài: “Giảng dạy phong cách Funk Rock hệ đại học chuyên ngành E. Keyboard tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam”
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (E.Keyboard)
Mã số: 80 21 02 02
Cán bộ hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Tài Hưng
Ngày đăng: 28/06/2021
Toàn văn Luận văn
Tóm tắt Luận văn
- Lý do chọn đề tài
Funk Rock là một phong cách âm nhạc pha trộn các nhân tố của Rock và Funk, có xuất xứ từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ. Như một phong cách âm nhạc đại chúng, Funk Rock được phổ biến rộng rãi từ nửa sau thập niên 1960 của thế kỷ 20 cho tới nay, với tên tuổi của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ban nhạc đại diện nổi bật như George Clinton, Jimi Hendrix, Earth, Wind and Fire, Commodores, Red Hot Chili Peppers, v.v… Một số nhạc sĩ, nghệ sĩ, hãng sản xuất âm nhạc trên thế giới cũng đã khai thác phong cách Funk Rock để thực hiện các bản biên soạn cho đàn phím độc tấu theo phong cách Funk Rock.
Trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, cây đàn phím điện tử có nhiều ưu điểm thích hợp với các phong cách Pop, Rock, đặc biệt đối với phong cách Funk Rock. Cây đàn có những tính năng tích hợp hệ thống âm thanh và tiết tấu rất phong phú; tính năng mô phỏng âm thanh các nhạc cụ và nhiều tính năng phong phú khác, đã thể hiện vai trò quan trọng trong sự phát triển của các phong cách thuộc dòng nhạc đại chúng. Tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, theo chương trình đào tạo chuyên ngành E. Keyboard bậc đại học được ban hành từ năm 2014, một số phong cách thuộc dòng âm nhạc đại chúng, trong đó có Funk Rock đã được đưa vào giảng dạy tại bộ môn E. Keyboard, Khoa AGO.
Thời gian bảy năm triển khai giảng dạy chuyên ngành E.Keyboard ở bậc đại học là quãng đường rất ngắn đối với sự phát triển của một chuyên ngành đào tạo, nhưng cũng đủ để đưa ra những đánh giá, đúc kết đầu tiên về thực trạng giảng dạy, những thành tựu và những hạn chế còn tồn tại trong công tác giảng dạy các phong cách thuộc dòng âm nhạc đại chúng (trong đó có Funk Rock) để từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Cho tới nay, việc nghiên cứu về dòng âm nhạc đại chúng ở Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, còn rất thiếu những công trình nghiên cứu đặc thù, trong khi thực tiễn dòng âm nhạc đại chúng ở nước ta đang đòi hỏi phát triển chiều sâu về chất lượng đào tạo chuyên nghiệp, chất lượng biểu diễn chuyên nghiệp. Vì vậy, việc giảng dạy phong cách Funk Rock là một mắt xích bài học quan trọng kết nối các phong cách tiêu biểu cho dòng nhạc đại chúng.
Trải qua quá trình nhiều năm học tập, nghiên cứu, giảng dạy, kết hợp với những ý kiến đóng góp của các giáo sư, các thầy cô bộ môn E. Keyboard, thông qua đề tài luận văn này, chúng tôi mong muốn đi sâu vào nghiên cứu và tìm kiếm những giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy phong cách Funk Rock trên đàn E. Keyboard tại Học viện ÂNQGVN.
Với những lý do nêu trên, mặc dù khả năng bản thân còn nhiều hạn chế, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài “Giảng dạy phong cách Funk Rock hệ đại học chuyên ngành E. Keyboard tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam” cho luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc.
1. Lịch sử nghiên cứu
Đã có một số nghiên cứu có liên quan đến đề tài:
- Herbert Schramowski: Những mô hình sáng tạo trên đàn phím (Chopferisches Gestalten am Klavie), Musik Leipzig, 1977.
- Jurgen Moser, Rock Piano 1-2: Schott Musik International,1985.
- Peter Gelling, Fraser Brown: Progressive Funk and R&B, Nermyco, 1998.
- Vũ Tự Lân, Lịch sử Jazz- Rock-Pop [2], 2007.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu thực trạng giảng dạy phong cách Funk Rock tại bộ môn E. Keyboard, những đặc điểm âm nhạc của Funk Rock và phương pháp giảng dạy phong cách Funk Rock trên đàn E. Keyboard; từ đó đưa ra một số giải pháp và đề xuất góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên ngành E. Keyboard hệ đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Những đặc điểm âm nhạc của phong cách Funk Rock. Thực trạng giảng dạy phong cách Funk Rock trong chương trình đào tạo chuyên ngành E. Keyboard tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu: Những tác phẩm biên soạn cho đàn phím, sách hướng dẫn biên soạn các mô hình sáng tạo cá nhân trên đàn phím độc tấu theo phong cách Funk Rock, Funk, Rock phù hợp với trình độ đại học chuyên ngành E. Keyboard tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Một số tài liệu, bản phổ viết cho nhạc cụ khác được đề cập đến trong luận văn như yếu tố tham khảo làm sáng tỏ thêm vấn đề nghiên cứu.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Sưu tầm tài liệu nghiên cứu về lịch sử phát triển, đặc điểm âm nhạc phong cách Funk Rock; phân tích, đúc kết so sánh và tổng hợp các công trình nghiên cứu phong cách này.
Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm: thực nghiệm giảng dạy và đánh giá kết quả.
5. Những đóng góp của đề tài
Đóng góp một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy phong cách Funk Rock trên đàn E. Keyboard tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Những kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo, phục vụ giảng dạy, học tập, biểu diễn cho giảng viên, sinh viên bộ môn E. Keyboard và những đối tượng quan tâm đến phong cách Funk Rock.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận văn gồm hai chương:
Chương 1: Phong cách Funk Rock và thực trạng giảng dạy
Chương 2: Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy phong cách Funk Rock trên đàn E.Keyboard
CHƯƠNG 1
- Khái quát về phong cách Funk Rock
- Sự hình thành và phát triển
“Funk Rock là một phong cách âm nhạc, có thể được phân loại là Rock nhưng kết hợp các yếu tố từ Funk (thí dụ như âm hình tiết tấu trúc trắc, phức tạp và nhiều đảo phách, nghịch phách)”[29, tr.223]. Funk Rock được phổ biến rộng rãi vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 với tên tuổi của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ban nhạc đại diện nổi bật như George Clinton, Earth, Wind and Fire, Commodores, Sly and the Family Stone, Red Hot Chili Peppers, v.v…
“Như một phong cách pha trộn Funk và Rock, trái ngược với những phong cách Funk khác, tuyến bass trong Funk Rock thường có ít nốt đảo phách hơn và thay vào đó là chú trọng nhiều vào các đầu nhịp. Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa Funk Rock với Rock ở chỗ, Funk Rock vẫn duy trì một số đặc điểm đảo phách nhất định của Funk” [29, tr.223]. Ngoài ra, tỷ lệ của các yếu tố Funk hoặc các yếu tố Rock trong Funk Rock của các nhạc sĩ, nghệ sĩ cũng rất đa dạng, thậm chí một số nghệ sĩ có thể pha trộn thêm vào Funk Rock một số phong cách khác nữa như New wave, Soul, Synth-Pop, Psychedelia, Pop, Hip Hop, Latin, v.v...
Những bản thu âm xuất hiện sớm nhất của phong cách Funk Rock được ghi nhận từ nửa sau thập niên 1960 đến giữa thập niên 1970 của thế kỷ 20, được thực hiện bởi các nghệ sĩ và ban nhạc nổi tiếng như Jimi Hendrix, Eric Burdon, David Bowie, Aerosmith, Wild Cherry…. Trong đó, nghệ sĩ người Mỹ Jimi Hendrix (1942-1970) được coi là nghệ sĩ thu âm nổi tiếng đầu tiên đã kết hợp tiết tấu và các riffs của nhạc Funk với âm hưởng Rock trong bản thu âm ca khúc "Little Miss Lover" (1967) của mình.
Giai đoạn sau Thế chiến II là thời điểm có những thay đổi và chuyển biến lớn trong đời sống âm nhạc đại chúng Mỹ, với các thể loại Bebop, R&B, đặc biệt là Rock n Roll được phổ biến rộng rãi. Trong khi Rock n Roll có số lượng đông đảo người hâm mộ cuồng nhiệt là các thanh thiếu niên da trắng, thì cùng lúc đó, nổi lên một số phong cách âm nhạc Pop, Rock khác xuất phát từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Bản thân Funk là sản phẩm âm nhạc có nguồn gốc từ những người Mỹ gốc Phi, và được tiên phong bởi James Brown vào giữa những năm 1960.
James Brown (1933-2006) là một nghệ sỹ người Mỹ gốc Phi tài năng được biết đến trong nhiều vai trò như ca sĩ, nhạc sĩ, vũ công, nhà sản xuất thu âm và ban nhạc, một nhân vật quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn của nền âm nhạc đại chúng thế kỷ XX, cũng như đối với sự phát triển của một số thể loại âm nhạc. James Brown thường được gọi là “Godfather of Soul” (Bố già nhạc Soul) và cha đẻ của nhạc Funk. James Brown đã phát triển phong cách Funk của mình trong suốt những năm 1970. Đây được coi là “thời hoàng kim” của Funk và điều đó đã đưa đến sự phát triển sâu rộng khi Funk hết hợp với nhiều phong cách khác tạo ra Funk Rock, Jazz Funk, Electro-Funk và Psychedelic Funk. Trong đó, nổi lên hai ban nhạc Funk Rock là Parliament và Funkadelic của ca sỹ George Clinton.
George Clinton (sinh năm 1941) là một ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất thu âm người Mỹ và được coi là cha đỡ đầu của Funk Rock. Ông đã tạo ra cái tên "P-Funk" dành cho những sáng tạo mới của Funk. Ban đầu ông sáng lập một ban nhạc doo-wop/soul có tên là The Parliaments, cho đến cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 thì hai ban nhạc chuyên chơi dòng Funk-Rock cũng được hình thành, đó là Funkadelic và Parliament. Từ các ban nhạc này, yếu tố P-Funk xuất hiện và trở nên phổ biến trong suốt những năm 1970 - 1980, tiêu biểu như album “One Nation Under A Groove” của ban nhạc Funkadelic (1978). Âm nhạc của George Clinton kết hợp các yếu tố Rock n Roll, Jazz, Blues, Soul và Gospel vào âm nhạc Funk.
Ở Việt Nam, sự du nhập của nhạc Rock Âu, Mỹ chủ yếu diễn ra ở miền Nam từ thập niên 1960 và phát triển mạnh tới đầu thập niên 1970. Từ cuối thập niên 1970 tới nay, sau khi đất nước thống nhất đã phát triển mạnh mẽ ba dòng âm nhạc chủ yếu: nhạc dân tộc cổ truyền, nhạc hàn lâm (classical music) và nhạc đại chúng (popular music). Trong dòng nhạc đại chúng, cây đàn phím điện tử đã được sử dụng rộng rãi với vai trò của một nhạc cụ tổng hợp, diễn tấu các bản nhạc phục vụ sân khấu âm nhạc, kịch nói, điện ảnh, truyền hình. Rất nhiều ca khúc dòng nhạc đại chúng được phối với các nhạc cụ điện tử hoặc ban nhạcvới sự góp mặt của cây đàn phím điện tử theo các phong cách nhạc nhẹ (Pop, Rock). “Đặc trưng nổi bật, dễ nhận thấy nhất của dòng ca nhạc nhẹ hiện đại (Việt Nam) là việc sử dụng những công thức, chu kỳ tiết tấu của nhạc nhảy quốc tế, của nhạc Rock Anh, Mỹ vào sáng tác các ca khúc chính trị cuối những năm 70, đầu những năm 80…” [2, tr.67]. Từ đầu thế kỷ XXI tới nay, dòng nhạc đại chúng Việt Nam tiếp tục phát triển phong phú với sự xuất hiện và sự giao thoa của nhiều phong cách thuộc các dòng âm nhạc Pop, Rock, Jazz, Latin quốc tế nhờ sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ với quốc tế và sự phát triển của hệ thống internet toàn cầu.
- Một số đặc điểm cơ bản của phong cách Funk Rock
- Về tiết tấu
- Về giai điệu
- Về hòa âm
1.2 Những đặc điểm của đàn E. Keyboard trong diễn tấu Funk Rock
1.2.1 Chức năng tổng hợp
- Tính năng âm thanh điện tử tổng hợp
E. Keyboard chứa đựng số lượng âm thanh điện tử tổng hợp (synthesizer) rất phong phú và đa dạng. Việc khai thác các tính năng âm thanh điện tử tổng hợp trên cây đàn E. Keyboard là rất cần thiết khi diễn tấu Funk Rock, giúp cho phần trình diễn thêm sinh động, mang đến những màu sắc và cảm xúc mới.
- Tính năng mô phỏng âm thanh các nhạc cụ khác
Đây là một trong những tính năng nổi bật của cây đàn phím điện tử, với khả năng mô phỏng hầu hết các nhạc cụ phương Tây cũng như nhạc cụ truyền thống. Một trong những điểm đáng chú ý của E. Keyboard là khả năng mô phỏng các nhạc cụ thuộc bộ gõ.
E. Keyboard cũng có thể mô phỏng các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc… kết hợp kỹ thuật luyến láy (thông qua các hiệu ứng âm thanh được tích hợp trên cây đàn E. Keyboard), giúp người nghệ sĩ sáng tạo những màn trình diễn Funk Rock với ý tưởng mang màu sắc nhạc cụ Việt Nam pha trộn với phong cách Funk Rock
- Tính năng ghi rãnh âm thanh
Một trong những tính năng rất hữu ích của cây đàn phím điện tử hiện đại là tính năng ghi nhiều rãnh âm thanh trên đàn (Multi Track Recording Function; có thể kết nối với hệ thống máy tính và sử dụng các phần mềm âm thanh). Tính năng này có thể được khai thác, sử dụng hiệu quả trong công việc phối khí, biên soạn phần nhạc nền hỗ trợ cho chính người chơi độc tấu E. Keyboard theo phong cách Funk Rock, trong quá trình học tập cũng như khi trình diễn trên sân khấu, hoặc thực hiện trong phòng thu.
1.2.2 Vai trò độc tấu
Để trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết khi thể hiện phần độc tấu trong ban nhạc, người chơi E.Keyboard có thể sử dụng phần thu sẵn (beat, play along, backing track…) thay thế cho ban nhạc, giúp người chơi tự luyện tập tại nhà hoặc trên lớp học. Người chơi E. Keyboard độc tấu có thể khai thác các tính năng ghi âm theo rãnh, sử dụng bộ nhớ memory, kết nối phần mềm vi tính để thực hiện biên soạn, phối khí phần nhạc nền hỗ trợ cho phần trình diễn độc tấu theo phong cách Funk Rock của mình. Khi diễn tấu phong cách Funk Rock trên đàn phím điện tử, người chơi đàn cần chú ý khai thác những tính năng, hiệu ứng phù hợp với phong cách này như: hiệu ứng Pitch Bend/Modulation (cho phép người chơi luyến láy, vuốt âm thanh, tạo âm rung, hoặc hiệu ứng nhéo tiếng như trên đàn Guitar điện, hoặc âm thanh tổng hợp Lead để mang lại hiệu quả phù hợp với phong cách Funk Rock, v.v
1.2.3 Vai trò trong ban nhạc
E. Keyboard là một trong những nhạc cụ thường tham gia các ban nhạc Funk Rock, Funky. Thông thường, một ban nhạc Funk Rock bao gồm dàn trống (Drums Set), Guitar điện, Guitar Bass, Keyboard (E. Keyboard, Hammond Organ, Piano, E. Piano) cùng với sự góp mặt của giọng hát. Đôi khi, trên sân khấu trình diễn của ban nhạc Funk Rock cũng có thể chỉ gồm Guitar điện, Guitar Bass, dàn trống và giọng hát.
Trong điều kiện học tập và thực hành, sinh viên có thể khai thác các tính năng bộ nhớ, ghi rãnh âm thanh trên đàn E. Keyboard để biên soạn, phối khí phần nhạc nền, thay vì dùng phần đệm tự động.
1.3 Thực trạng giảng dạy
Năm 1991, bộ môn E.Keyboard được đưa vào giảng dạy tại Khoa AGO cùng với Accordeon và Guitar là những bộ môn được đưa vào giảng dạy ngay từ những ngày đầu thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam - tiền thân của Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (1956).
Năm 2014, chương trình đào tạo đại học E.Keyboard được thông qua tại Học viện đã mở ra hướng đi mới cho sự phát triển của bộ môn E.Keyboard. Việc đưa các tác phẩm âm nhạc đương đại đa phong cách thuộc các thể loại Pop, Rock, Jazz… vào chương trình giảng dạy đã mang đến sự mới mẻ, phong phú cho bộ môn E.Keyboard.
Việc tăng cường yêu cầu giảng dạy, học tập và thực hành diễn tấu dưới hình thức trình bày Chủ đề và xây dựng các phần Solo mang tính sáng tạo cá nhân đã mang đến sự hào hứng, thúc đẩy tư duy độc lập, sự tìm tòi sáng tạo của sinh viên chuyên ngành E. Keyboard.
1.3.2 Chương trình đào tạo
Việc triển khai thực hiện chương trình đào tạo chuyên ngành E. Keyboard được bộ môn quy định, phân bổ theo nhóm các tác phẩm nguyên bản và các tác phẩm do sinh viên biên soạn theo các phong cách khác nhau, cho từng năm học.
Tuy nhiên, bộ môn không quy định, phân bổ lộ trình giảng dạy cho từng học phần, từng phong cách (bao gồm chương trình giảng dạy phong cách Funk Rock), số lượng bài, thể loại bài giảng viên giao cho sinh viên thực hiện, dẫn tới sự thiếu thống nhất về lộ trình giảng dạy, cũng như khi đánh giá kết quả, năng lực học tập của sinh viên qua từng phong cách.
Về vấn đề tài liệu giảng dạy, bao gồm sách hướng dẫn phương pháp diễn tấu, tuyển tập chủ đề Funk Rock hiện mới chỉ có một số tài liệu do các cá nhân giảng viên tự sưu tầm, thiếu sự bổ sung, cập nhật thường xuyên.
Việc tổ chức các chuyên đề hoặc môn học bồi dưỡng về âm nhạc Funk Rock, cũng như các phong cách âm nhạc Pop, Rock khác ít được tiến hành.
1.3.3. Phương pháp giảng dạy
1.3.3.1 Vấn đề tiết tấu, hòa âm, thang âm
1.3.3.2 Vấn đề cảm nhận phong cách Funk Rock
1.3.3.3 Vấn đề khai thác tính năng nhạc cụ
1.3.3.4 Vấn đề biên soạn phần diễn tấu mang tính sáng tạo cá nhân
1.3.3.5 Vấn đề biên soạn phần nhạc nền
Tiểu kết chương 1
Chương 1 của luận văn đã trình bày khái quát về sự hình thành và phát triển của phong cách Funk Rock; phân tích những đặc điểm âm nhạc của Funk Rock thông qua các khía cạnh tiết tấu, giai điệu, hòa âm; giới thiệu những tính năng âm thanh, kỹ thuật của cây đàn E. Keyboard. Phần cuối chương một nêu một số vấn đề về thực trạng giảng dạy phong cách Funk Rock trên đàn E. Keyboard, bao gồm vấn đề chương trình giảng dạy phong cách Funk Rock, vấn đề bổ sung cập nhật tài liệu phục vụ giảng dạy và những vấn đề về phương pháp dạy phong cách này trên đàn E. Keyboard.
CHƯƠNG 2
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY
PHONG CÁCH FUNK ROCK TRÊN ĐÀN E. KEYBOARD
Từ thực trạng bộ môn chưa quy định lộ trình giảng dạy thống nhất cho phong cách Funk Rock, dẫn tới sự thiếu đồng nhất trong lộ trình giảng dạy, gồm việc giao bài luyện tập phát triển kỹ năng diễn tấu và việc bồi dưỡng kỹ năng biên soạn tác phẩm phong cách Funk Rock. Qua quá trình học tập, nghiên cứu và giảng dạy thực nghiệm phong cách này, tác giả luận văn nêu một số đề xuất về lộ trình giảng dạy phong cách Funk Rock trên đàn E. Keyboard nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy phong cách này. Đề xuất về lộ trình giảng dạy phong cách Funk Rock gồm bốn học kỳ (theo quy định của bộ môn), kèm theo đề xuất về số lượng và thể loại bài phong cách Funk Rock được phân chia thành hai nhóm: các bài luyện tập ứng dụng và các bài do sinh viên thực hành biên soạn.
- Nhóm bài luyện tập ứng dụng:
Đề xuất tăng cường giảng dạy các bài luyện tập ứng dụng (các tiểu phẩm mẫu, các mẫu tiết tấu, mẫu câu, vòng hòa âm, thang âm, v.v..) giúp sinh viên phát triển kỹ thuật diễn tấu, kỹ năng biên soạn tác phẩm theo phong cách Funk Rock mang tính sáng tạo cá nhân; tăng cường thực hành ứng dụng tính năng thu rãnh âm thanh trên đàn E. Keyboard để biên soạn phần nhạc nền phong cách Funk Rock.
- Bài do sinh viên biên soạn: được thực hiện theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, quy mô bài lớn dần theo từng học kỳ. Trong chương trình thi tốt nghiệp, sinh viên cần trình bày phần bài biên soạn kết hợp với phần nhạc nền, phối khí bằng công nghệ thu rãnh âm thanh trên đàn E. Keyboard (có thể kết hợp với hệ thống máy tính).
Đề xuất với bộ môn E.Keyboard xây dựng, ban hành các tuyển tập, giáo trình giảng dạy cho phong cách Funk Rock để đội ngũ giảng viên có được hệ thống tài liệu giảng dạy thống nhất.
Tác giả luận văn đề xuất một số tài liệu, bản phổ, sách tham khảo, sách hướng dẫn các mô hình sáng tạo trên đàn phím, theo phong cách Funk Rock, được phân chia theo năm học.
- Rèn luyện vững vàng tiết tấu
· Tăng cường tập luyện hòa âm
2.2.2 Bồi dưỡng cảm nhận phong cách Funk Rock
Giảng viên cần tạo hứng thú và khuyến khích sinh viên nghe nhiều tác phẩm âm nhạc phong cách Funk Rock và những phong Pop, Rock, Jazz, Latin khác để rèn luyện cho các em khả năng nghe “đa âm” và có tư duy về màu sắc hòa âm.
2.2.3 Tăng cường khai thác khả năng diễn tấu trên E.Keyboard
Chương trình giảng dạy chuyên ngành E.Keyboard tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam luôn đề cập tới yêu cầu khai thác, phát huy tính năng của E.Keyboard khi diễn tấu các phong cách âm nhạc nói chung, phong cách Funk Rock nói riêng. Trong khuôn khổ đề tài này, tác giả luận văn đề xuất tăng cường việc khai thác tính năng nhạc cụ của cây đàn E. Keyboard trong giảng dạy diễn tấu phong cách Funk Rock.
Ngoài tính năng tái tạo, mô phỏng âm sắc của các nhạc cụ acoustic, cây đàn E. Keyboard còn tích hợp những âm thanh tổng hợp mới như các dạng voice E.Piano, Clavinet, Hammond Organ, v.v…Khi diễn tấu, biên soạn tác phẩm phong cách Funk Rock trên E. Keyboard, căn cứ vào từng tác phẩm, người chơi có thể cân nhắc sử dụng những voice mô phỏng tiếng Guitar điện, Hammond Organ, kết hợp với các hiệu ứng âm thanh tương ứng với tính năng nhạc cụ gốc và thành phần nhạc cụ đặc trưng của các ban nhạc Funk Rock để chọn các kết hợp âm thanh của các nhạc cụ, phù hợp với những đặc điểm của phong cách Funk Rock. Bên cạnh đó, giảng viên nên khuyến khích sinh viên mạnh dạn khai thác những âm thanh tổng hợp điện tử mới để tìm kiếm, thử nghiệm, mang đến những màu sắc âm thanh mới khi trình diễn tác phẩm phong cách Funk Rock.
Giảng viên cần khuyến khích và hướng dẫn người học khai thác các tính năng công nghệ mới như sử dụng, khai thác các phần mềm âm thanh, tiết tấu mới được cập nhật liên tục bởi các hãng nhạc cụ điện tử; tiến hành biên soạn bè nền trên đàn hoặc trên máy vi tính để hỗ trợ cho người chơi E. Keyboard.
2.2.4 Biên soạn phần diễn tấu mang tính sáng tạo cá nhân
Việc biên soạn, sáng tác những tác phẩm mang tính sáng tạo cá nhân, theo các phong cách âm nhạc đại chúng (trong đó có Funk Rock), dưới sự hướng dẫn của giảng viên, là một trong những nhiệm vụ mà sinh viên cần thực hiện theo yêu cầu đặt ra trong chương trình đào tạo chuyên ngành E. Keyboard. Đây là một yêu cầu quan trọng của chương trình đào tạo E. Keyboard nhằm trang bị cho sinh viên chuyên ngành E. Keyboard kỹ năng biên soạn tác phẩm âm nhạc, thúc đẩy tư duy sáng tạo, phát huy khả năng làm việc độc lập của sinh viên trong thời gian học tập tại nhà trường, cũng như sau khi tốt nghiệp ra trường.
Những tác phẩm biên soạn cho đàn phím mang phong cách Funk Rock thường có cấu trúc cơ bản như sau: Intro (mở đầu) - Verse (phiên khúc) - Refrain (điệp khúc) - Solo (solo trên chủ đề) - Bridge (cầu nối) - Verse (phiên khúc) - Refrain (điệp khúc) - Coda (kết) [21, tr.57].
Từ việc tiến hành phân tích phương án xây dựng cấu trúc tác phẩm “Weekend Fever” của tác giả J. Moser, cách tiến hành chủ đề và xây dựng các phần Verse, Refrain, Solo, Bridge, Coda…, đồng thời đưa ra phương án biên soạn của tác giả luận văn để phân tích, so sánh, đối chiếu hai phương án, tác giả luận văn đã đúc kết một số đặc điểm cơ bản trong qui trình biên soạn, xây dựng tác phẩm theo phong cách Funk Rock mang tính sáng tạo cá nhân
Việc khai thác các tính năng âm thanh, kỹ thuật, công nghệ điện tử trên cây đàn E. Keyboard để xây dựng, biên soạn phần nhạc nền hỗ trợ cho phần trình diễn của sinh viên cũng là một yêu cầu quan trọng đặt ra trong chương trình đào tạo chuyên ngành E. Keyboard. Kỹ năng biên soạn phần nhạc nền cũng giúp ích cho sinh viên vận dụng trong thực tiễn hoạt động biểu diễn sau khi ra trường.
Về cơ bản, sinh viên được hướng dẫn thực hiện quá trình biên soạn phần nhạc nền trên đàn E. Keyboard theo các bước: xây dựng ý tưởng, lựa chọn và sắp đặt các nhạc cụ xuất hiện trong phần nhạc nền (tương tự như việc phối khí); lựa chọn tiếng mô phỏng hoặc âm thanh điện tử cho từng rãnh, sử dụng kỹ thuật ngón bấm phù hợp đối với các nhạc cụ mô phỏng; tiến hành biên soạn từng bè, thực hiện các bè nền trước (như trống, Bass) sau đó mới đến các bè thêm vào (Guitar điện, Brass, âm thanh điện tử…).
2.3 Thực nghiệm sư phạm
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng giảng dạy phong cách Funk Rock cho sinh viên đại học chuyên ngành E. Keyboard tại Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học được trình bày trong luận văn. Việc tiến hành thực nghiệm sư phạm nhằm kiểm chứng tính hiệu quả của các giải pháp được đề xuất. Mỗi buổi giảng dạy thực nghiệm đều có sự tham gia của một số giảng viên đang trực tiếp giảng dạy bộ môn E.Keyboard tại Khoa. Chúng tôi nhận thấy đây là một việc làm cần thiết để tiếp thu ý kiến đóng góp, nhận xét của các thầy cô đồng nghiệp, rút ra những ưu, nhược điểm để kịp thời chỉnh sửa.
Đối tượng thực nghiệm: hai sinh viên đại học 4, chuyên ngành E.Keyboard: Phạm Thị Hồng Nhung (sinh viên A) và Ngô Vũ Hạnh Trang (sinh viên B). Thời gian và địa điểm thực nghiệm: 8/9/2020 - 31/10/2020, Khoa AGO. Quá trình tiến hành thực nghiệm được tiến hành trong 8 tuần đầu học kỳ 1, năm học 2020- 2021.
Số buổi giảng dạy thực nghiệm: 8 buổi (1 buổi/ tuần)
Chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm đối với hai sinh viên chuyên ngành E.Keyboard. Hai sinh viên này sẽ cùng được hướng dẫn xây dựng phần nhạc nền phong cách Funk Rock hỗ trợ cho phần diễn tấu tác phẩm phong cách Funk Rock (“Weekend Fever” của J. Moser) [pl.6; tr.84] Trong đó, giảng viên áp dụng giải pháp mới về phương thức biện soạn phần nhạc nền (đã đề xuất trong luận văn) đối với sinh viên A. Sinh viên B vẫn học theo phương pháp cũ (chủ yếu sử dụng phần đệm tự động trên đàn phím điện tử, có điều chỉnh đôi chút các chức năng bật/tắt rãnh nhạc, dồn trống, thay đổi âm hình phần đệm tự động). Cả 2 sinh viên đều có xuất phát điểm tương đồng về học lực, khả năng nhận thức.
2.3.3 Kết quả thực nghiệm
Sinh viên đã nắm được cách thức lên ý tưởng, xây dựng dàn bài cho phần nhạc nền; xác định chức năng các bè và chọn lựa âm thanh, âm sắc (âm thanh mô phỏng các nhạc cụ và âm thanh điện tử tổng hợp) phù hợp cho phần biên soạn nhạc nền phong cách Funk Rock.
Sinh viên được bồi dưỡng, rèn luyện về tư duy và phương thức thực hành phối khí, kỹ năng ghi rãnh âm, căn chỉnh hiệu ứng âm thanh cho tác phẩm phong cách Funk Rock mang tính sáng tạo cá nhân.
Các em được khơi gợi hứng thú qua việc phân tích kỹ lưỡng tác phẩm, được nâng cao cảm nhận về phong cách Funk Rock, từ đó nắm vững nội dung, phong cách âm nhạc, trình diễn tác phẩn tốt hơn, chủ động hơn, nhiều cảm xúc thăng hoa hơn khi được chơi với phần nhạc nền do chính mình biên soạn.
Do sử dụng phần đệm tự động, sinh viên chưa có tư duy phối khí, không được phân tích, dẫn đến thiếu kiến thức về chức năng, thành phần nhạc cụ của các bè trong phần nhạc đệm.
Cũng chính vì phần đệm tự động đã soạn sẵn tiết tấu, nhịp điệu, hòa âm (tự động), bè Trống, bè Bass và các bè khác, do đó sinh viên không nắm được những đặc điểm của phong cách Funk Rock thể hiện ở từng bè nhạc cụ, cách tiến hành bè Trống, bè Bass, bè âm hình rhythm, v.v….
Phần diễn tấu trực tiếp trên đàn của sinh viên với bè đệm tự động thiếu sự kết nối ăn ý về cấu trúc tác phẩm, cũng như về khía cạnh biển đổi âm hưởng phần nhạc đệm đối với từng đoạn chức năng trong cấu trúc âm nhạc. Từ đó, phần trình diễn phối hợp với nhạc đệm cũng mang tính máy móc, đơn điệu, thiếu tính sáng tạo cá nhân.
Tiểu kết chương 2
Chương hai của luận văn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy phong cách Funk Rock cho sinh viên đại học chuyên ngành E.Keyboard tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Đề mục 2.1 trình bày một số biện pháp đổi mới trong qui trình giảng dạy phong cách Funk Rock trên đàn E.Keyboard:
- Tăng cường cho sinh viên rèn luyện các nhân tố tiết tấu, hòa âm, thang âm để nâng cao kỹ năng diễn tấu và ứng dụng vào việc biên soạn tác phẩm phong cách Funk Rock mang tính sáng tạo cá nhân, theo phong cách Funk Rock.
- Chú ý giúp sinh viên tiếp cận, cảm nhận phong cách Funk Rock tốt hơn.
- Tăng cường khai thác khả năng diễn tấu phong cách Funk Rock trên đàn E.Keyboard.
- Hướng dẫn sinh viên biên soạn tác phẩm phong cách Funk Rock mang tính sáng tạo cá nhân.
- Hướng dẫn sinh viên biên soạn phần nhạc nền phong cách Funk Rock để kết hợp, hỗ trợ cho phần trình diễn tấu độc tấu của mình; tiến tới thay thế việc sử dụng phần đệm tự động.
- Đề xuất lộ trình giảng dạy phong cách Funk Rock, đảm bảo sự cân đối với thời lượng giảng dạy các phong cách khác theo quy định của chương trình đào tạo; tăng cường giảng dạy phần biên soạn tác phẩm Funk Rock mang tính sáng tạo cá nhân và phần biên soạn nhạc nền; đề xuất bổ sung các bài luyện tập kỹ thuật, kho chủ đề, tăng cường công tác sưu tầm, dịch thuật tài liệu nghiên cứu, các sách hướng dẫn biên soạn, diễn tấu phong cách Funk Rock trên đàn phím, bản phố tác phẩm Funk Rock cho các dòng đàn phím, đàn điện tử.
KẾT LUẬN
Funk Rock là một phong cách pha trộn Rock và Funk, bắt nguồn từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi từ nửa sau thập niên 1960 của thế kỷ 20 và có sức lan tỏa rộng rãi trên thế giới cho tới nay.
Từ năm 2014, Funk Rock là một trong những phong cách nhạc nhẹ được đưa vào giảng dạy trong chương trình đào tạo chuyên ngành E. Keyboard hệ đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội về những nghệ sĩ, nhạc công được đào tạo bài bản, có năng lực hoạt động độc lập và sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc đại chúng.
Chương một của luận văn trình bày khái quát về sự hình thành và phát triển của phong cách Funk Rock. Bên cạnh đó, chương một của luận văn đã phân tích những hạn chế, vướng mắc về phương pháp giảng dạy phong cách Funk Rock ở các khía cạnh rèn luyện tiết tấu, hòa âm, thang âm; vấn đề biên soạn, diễn tấu theo hình thức chủ đề và solo mang tính sáng tạo cá nhân phong cách Funk Rock trên đàn E. Keyboard, vấn đề biên soạn, phối khí phần nhạc nền.
Chương hai của luận văn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy phong cách Funk Rock trên đàn E. Keyboard:
- Đề xuất lộ trình giảng dạy phong cách Funk Rock nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy phong cách này; tăng cường bổ sung, cập nhật tài liệu giảng dạy phong cách Funk Rock.
- Tăng cường việc trang bị kiến thức lịch sử, phong cách, đặc điểm âm nhạc của phong cách Funk Rock.
- Thông qua hệ thống các bài luyện tập, tăng cường rèn luyện các yếu tố tiết tấu, hòa âm, thang âm để ứng dụng cho việc biên soạn, diễn tấu tác phẩm phong cách Funk Rock mang tính sáng tạo cá nhân.
- Tăng cường nghiên cứu, khai thác các tính năng âm thanh, kỹ thuật, công nghệ của cây đàn điện tử.
- Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng biên soạn, xây dựng phần diễn tấu mang tính sáng tạo cá nhân và kỹ năng biên soạn phần nhạc nền phục vụ cho phần diễn tấu của sinh viên theo phong cách Funk Rock.
Kết quả thực nghiệm được trình bày ở cuối luận văn cho thấy những biện pháp được vận dụng trong quá trình giảng dạy thực nghiệm đã mang lại kết quả tích cực.
ĐỀ XUẤT VÀ KHUYẾN NGHỊ
Về chương trình đào tạo, chúng tôi đề xuất bộ môn xây dựng và hướng dẫn thực hiện lộ trình giảng dạy phong cách Funk Rock nằm trong nội dung chương trình giảng dạy chuyên ngành E. Keyboard; thường xuyên bổ sung, cập nhật tài liệu giảng dạy phong cách Funk Rock phục vụ chương trình đào tạo; triển khai việc xây dựng giáo trình phục vụ giảng dạy cho từng phong cách âm nhạc, trong đó có Funk Rock. Tăng cường công tác sưu tầm, biên dịch các sách chuyên khảo, sách phương pháp về phong cách Funk Rock và các phong cách Pop, Rock khác.
Đề xuất với nhà trường, khoa, bộ môn xem xét tổ chức các môn học, chuyên đề bổ trợ về hòa âm, phối khí, tính năng nhạc cụ, phương pháp chuyển soạn, biên soạn tác phẩm âm nhạc theo phong cách Funk Rock và các phong cách khác để trang bị kiến thức, kỹ năng diễn tấu toàn diện cho sinh viên chuyên ngành E. Keyboard.
Thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên, sinh viên chuyên ngành E. Keyboard thông qua việc tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu mới về các phong cách âm nhạc Pop, Rock.
Đề xuất với nhà trường, khoa, bộ môn hỗ trợ tạo môi trường thực hành biểu diễn cho sinh viên E. Keyboard, thông qua các buổi biểu diễn giao lưu, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các sự kiện, liên hoan âm nhạc Pop, Rock, các chương trình biểu diễn phục vụ xã hội, cộng đồng.