Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13532495
Luận án Tiến sĩ Thứ năm, 21/11/2024

Tác giả: Nguyễn Anh Việt
Đề tài: "Ảnh hưởng âm nhạc phương Tây trong các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc của nhạc sĩ Việt Nam"
Chuyên ngành: Âm nhạc học
Mã số: 62.21.02.01.
Người hướng dẫn: PGS.TS. Phạm Phương Hoa
Ngày đăng: 28/02/2023

Luận án toàn văn

Tóm tắt Luận án 

 

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Trước đây phần lớn các nhạc cụ dân tộc thường trình diễn dưới dạng hòa tấu lòng bản được thể hiện trong các dàn nhạc hòa tấu của một số loại hình sân khấu như hòa tấu bát âm, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử..... Sau khi trường Âm nhạc Việt Nam - tiền thân của Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày nay được thành lập (năm 1956) các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhạc công đã được học tập một cách có bài bản và tiếp cận các môn kiến thức âm nhạc phương Tây. Nhiều nhạc sĩ nghệ sĩ chơi đàn dân tộc đã viết những tác phẩm mới cho các nhạc cụ này diễn tấu với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau như: độc tấu, hòa tấu dàn nhạc hoặc dàn nhạc đệm cho nhạc cụ độc tấu... Các tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc của các nhạc sĩ Việt Nam ít nhiều đã chịu sự ảnh hưởng các yếu tố như: thể loại, hình thức, điệu thức, hòa âm, phức điệu, thủ pháp sáng tác, thủ pháp phát triển, thủ pháp phối khí… từ âm nhạc phương Tây.

Các tác phẩm mới ra đời đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ mà các nhạc sĩ, nghệ sĩ nhìn nhận các nhạc cụ truyền thống là những nhạc khí mang tính chuyên nghiệp thực thụ. Việc ảnh hưởng mang tính chọn lọc những tinh hoa của nghệ thuật phương Tây bên cạnh sự kế thừa truyền thống dân tộc một cách đúng đắn sẽ giúp nền âm nhạc Việt Nam có những bước chuyển mình vững chắc mang tầm quốc tế.

Gần 70 năm qua những tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc đã tăng lên với một số lượng và chất lượng đáng kể. Cũng chính vì vậy mà các chương trình đào tạo cũng trở nên quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn và tiến tới sự hoàn thiện đem lại những đóng góp không  nhỏ cho sự nghiệp đào tạo và biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Cùng với xu hướng hội nhập văn hóa toàn cầu, các tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam đã bắt đầu đến với nhiều quốc gia trên thế giới vì vậy cách ghi chép và những thuật ngữ âm nhạc cũng cần được thống nhất, chuyên nghiệp hóa đối với quốc tế để nhạc công của các nước có thể biểu diễn một cách chính xác các tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam. Có như vậy thì cơ hội giao lưu biểu diễn, truyền bá các tác phẩm âm nhạc dân tộc của mỗi quốc gia mới thực sự đạt hiệu quả và đem lại nhiều thành công. 

Trong khuôn khổ của đề tài chúng tôi muốn nghiên cứu một số tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc để thấy công lao đóng góp, sự tìm tòi sáng tạo của nhiều nhạc sĩ Việt Nam trong thời gian qua và cũng để phần nào thấy được tầm quan trọng của các tác phẩm hòa tấu dàn nhạc dân tộc đối với nền nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Âm nhạc dân tộc cần tiếp thu, bảo tồn và phát triển tinh hoa dân tộc một cách sáng tạo, cần có sự nghiên cứu nhiều hơn sâu hơn, một cách hiểu quả hơn về các sáng tác mới để có những định hướng tiếp theo cho con đường phát triển âm nhạc dân tộc sau này. Từ những lý do trên chúng tôi lựa chọn tiêu đề của luận án là: “Ảnh hưởng âm nhạc phương Tây trong các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc của nhạc sĩ Việt Nam

2. Lịch sử đề tài

Trong quá trình khảo cứu chúng tôi đã tiếp cận với một số công trình, tài liệu có liên quan đến đề tài.

Thụy Loan (1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, NXB Âm nhạc. Nguyễn Viêm (1996) Lịch sử âm nhạc dân gian cổ truyền,Viện nghiên cứu âm nhạc. Nhiều tác giả do PGS Tú Ngọc chủ nhiệm công trình (2000),  Âm nhạc mới Việt Nam - tiến trình và thành tựu, Viện âm nhạc. Tô Vũ Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại (Viện âm nhạc 2002). “Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX” (Viện âm nhạc 2003).Hoàng Đạm (2003) Hòa tấu biến hóa lòng bản âm nhạc cổ truyền người Việt, Viện Âm nhạc Hà Nội. Trần Quý (2004)  Những vấn đề phối khí cho dàn nhạc dân tộc đương đại, Viện âm nhạc.

3. Mục đích nghiên cứu

Tìm ra những ảnh hưởng từ âm nhạc phương Tây trong bút pháp sáng tác cho nhạc cụ dân tộc của các nhạc sĩ Việt Nam như : hình thức, hòa âm, phối khí và kỹ thuật diễn tấu…

Nghiên cứu một số tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc để thấy công lao đóng góp, sự tìm tòi sáng tạo của nhiều nhạc sĩ Việt Nam trong thời gian qua đối với nền nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Tổng hợp những sáng tác mới viết cho nhạc cụ dân tộc trong 5 tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại của các nhạc sĩ Việt Nam theo dòng thời gian.

4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu là những ảnh hưởng từ âm nhạc phương Tây trong các tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc. 

-  Phạm vi nghiên cứu: Luận án chỉ nghiên cứu các tác phẩm được in trong 5  tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại được Viện âm nhạc xuất bản năm 2002.

- Luận án sẽ chỉ nghiên cứu các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc của các nhạc sĩ Việt Nam sống tại Việt Nam.

5. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu lý thuyết:

  • Nghiên cứu tư liệu, tổng phổ thu thập được. 
  • Phương pháp phân tích, diễn giải.
  • Phương pháp so sánh đối chiếu, tổng hợp quy nạp.

Phương pháp nghiên cứu thực tiễn

Phương pháp điều tra, phỏng vấn các nhạc sĩ, các giáo sư, giáo viên, nhạc công, thính giả… liên quan đến âm nhạc nhạc dân tộc…

6. Đóng góp của đề tài

- Tìm ra những ảnh hưởng từ âm nhạc phương Tây trong các sáng tác mới cho nhạc cụ dân tộc của nhạc sĩ Việt Nam trong 5 tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại xuất bản năm 2002 tại Viện Âm nhạc.

- Chỉ ra sự ảnh hưởng của những yếu tố âm nhạc phương Tây bên cạnh việc kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc cho sáng tác mới của nhạc sĩ Việt Nam. 

- Phác thảo sự hình thành và phát triển của tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc theo tiến trình của lịch sử để từ đó đưa ra cái nhìn tổng thể. 

- Trên cơ sở phân tích 52 tác phẩm trong 5 tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại của các nhạc sĩ Việt Nam cho thấy vẫn còn tồn tại một vài hạn chế và mong muốn các tác phẩm sau này sẽ thống nhất, khoa học hơn về cách trình bày, thuật ngữ và chỉ dẫn kỹ thuật trong bản nhạc.

- Luận án sẽ là nguồn tư liệu hữu ích cho việc học tập, tìm hiểu và nghiên cứu của những người quan tâm đến các tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc…

7. Bố cục luận án  

Ngoài phần mở đầu và kết luận, bố cục của luận án gồm 3 chương :

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và khái quát quá trình hình thành các tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc.

Chương 2: Ảnh hưởng của thể loại, hình thức âm nhạc phương Tây trong các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc. 

Chương 3: Ảnh hưởng những phương tiện biểu hiện của âm nhạc phương Tây trong các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc.

 

Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ KHÁI QUÁT 
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÁC PHẨM MỚI VIẾT CHO NHẠC CỤ 
DÂN TỘC

 

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu các tác phẩm âm nhạc viết cho nhạc cụ dân tộc

Qua nghiên cứu và tiếp cận, chúng tôi đã tham khảo được những tài liệu, công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài:

1.1.1. Tài liệu đã xuất bản

Theo tác giả Thụy Loan (1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, NXB Âm nhạc. Nội dung chính gồm phần mở đầu: Khái quát về âm nhạc Việt Nam và lịch sử âm nhạc Việt Nam. 

Cuốn Âm nhạc mới Việt Nam - tiến trình và thành tựu (Viện âm nhạc 2000) của nhiều tác giả do PGS Tú Ngọc chủ biên với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu như: Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên là công trình khoa học khá đồ sộ mang tính hệ thống, đánh giá quá trình hình thành và phát triển của nền âm nhạc mới Việt Nam. 

Cuốn Nhạc khí dân tộc Việt (NXB Âm nhạc 2001) của tác giả Võ Thanh Tùng, chương 1 giới thiệu sơ lược về lịch sử khí nhạc truyền thống Việt Nam

Cuốn Những vấn đề phối khí cho dàn nhạc dân tộc đương đại (Viện âm nhạc 2004) của tác giả Trần Quý đề cập tới những nhạc khí truyền thống trong dàn nhạc dân tộc đương đại, các hình thức dàn nhạc dân tộc đã tồn tại trong lịch sử dân tộc ta từ thế kỷ thứ X đến nay qua các thời kỳ. Các loại dàn nhạc dân tộc hòa tấu và một số nguyên tắc cơ bản trong việc sắp xếp các nhạc cụ theo bộ, theo bè. Những nguyên lý và phương pháp phối khí cho dàn nhạc dân tộc đương đại trong việc sử dụng một số kỹ thuật phương Tây trong hòa âm, phức điệu…

Lê Văn Toàn (2006), Âm nhạc Việt Nam tác giả-tác phẩm tập II, Nhạc Viện Hà Nội, Viện Âm nhạc, tác giả đã giới thiệu về 12 nhạc sĩ Việt Nam và các tác phẩm tiêu biểu. Trong  đó cócác tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc. 

Thế Bảo (2011), Nghĩ về nhạc luật cổ truyền Việt Nam, NXB Thanh niên. Trong chương 1. Những luật nhạc nước ngoài có ảnh hưởng đến nhạc luật Việt Nam đặc biệt đề cập tới sự ảnh hưởng của âm nhạc Trung Quốc và ảnh hưởng âm nhạc bình quân phương Tây đồi với âm nhạc Việt Nam. 

Đây là những tư liệu có tính xác thực cao để chúng tôi có sự đối chiếu và so sánh khi thực hiện luận án.

1.1.2. Các bài viết

Nguyễn Thị Minh Châu (2008) Nhà phê bình âm nhạc anh là ai? (Tập hợp những bài báo 2001-2007) tập I, Viện Âm nhạc. Bài viết “Nhạc truyền thống mới trong mắt tôi” (trang 122) đã đưa ra khái niệm về nhạc truyền thống mới. 

Trần Quý (2009), Những vấn đề về sáng tác tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc truyền thống, Bulletin-Thông báo khoa học số 27, Viện Âm nhạc. Bài viết đánh giá về khuynh hướng sáng tác, phong cách, ngôn ngữ nghệ thuật, bút pháp các tác phẩm độc tấu và hòa tấu. 

Khi tiếp cận với các công trình nghiên cứu về các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc, dù đã có những công trình, luận văn đã phân tích hoặc đề cập tới một số tác phẩm nhưng chỉ giới hạn riêng đối với từng nhạc sĩ mà chưa đưa thành hệ thống xuyên suốt tất cả các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc trong 5 tập “Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại”. Thiết nghĩ cần có một công trình chuyên biệt về tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc của các nhạc sĩ Việt nam với một cách nhìn tổng quát và thống nhất theo dòng thời gian, lịch sử phát triển của nền âm nhạc dân tộc.

1.2. Khái quát quá trình hình thành các tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc

Theo cuốn  Âm nhạc mới Việt Nam- tiến trình và thành tựu .Từ phong trào “ Khai thác vốn cổ” do Đảng và Nhà nước Việt Nam phát động đã thúc đẩy sự tìm tòi sáng tạo của các nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc, người có công đầu trong việc khơi nguồn cảm hứng cho các trào lưu sáng tác này là nhạc sĩ Tô Vũ và nhạc sĩ Tạ Phước.

Tác phẩm Nông thôn đổi mới của nhạc sĩ Tô Vũ và nhạc sĩ Tạ Phước ra đời đã tạo ra một trào lưu. 

Từ những năm 1954 đến 1975, sự nghiệp phát triển nền văn hóa mới trên miền Bắc hoàn toàn giải phóng được đẩy mạnh. 

Những năm 1960 của thế kỷ là thời kỳ mới của các sáng tác cho nhạc cụ dân tộc mà sự kiệndàn nhạc dân tộc của bộ Văn hóa còn gọi là “Dàn nhạc giao hưởng dân tộc” (1962) được thành lập do nhạc sĩ Lý Trọng Hưng phụ trách.  

Sau năm 1964,  Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc cùng với sự kiện “Vịnh Bắc bộ”, hai đoàn ca múa Trung Ương và ca múa nhạc dân tộc Trưng Ương sát nhập lại để phục vụ thời chiến. Mặc dù khó khăn nhưng đây cũng là giai đoạn có nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ sáng tác cho nhạc cụ dân tộc với đề tài về đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa. 

Từ sau năm 1975 đến nay, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất nên đường lối của Đảng đã đổi mới nhằm khôi phục mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa…của đất nước. Do những yêu cầu thiết yếu của nền âm nhạc Việt Nam cũng như xã hội nên một số các giảng  viên, nghệ sĩ, nhạc sĩ đã được đào tạo chuyên ngành sáng tác một cách bài bản ở cả trong nước và nước ngoài. 

Năm 1989 phe Xã hội chủ  nghĩa - Liên Xô sụp đổ đã ảnh có hưởng nhất định đến xã hộinhưng các sáng tác trong nước cho các nhạc cụ dân tộc vẫn từng bước trưởng thành. Nhiều nhạc cụ Tây Nguyên được phổ biến, khai thác một cách rộng rãi hơn. Một số tác phẩm có quy mô lớn của một số nhạc sĩ đã có những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. 

Giai đoạn gần đây một số nhạc sĩ trẻ đã tìm tòi kết hợp các loại hình âm nhạc dân tộc với cây đàn phương Tây trong thể nghiệm các phương pháp sáng tác mới như Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc, Đặng Tuệ Nguyên… Các loại hình âm nhạc mới được giới thiệu với công chúng như âm nhạc đường phố, âm nhạc sắp đặt… Các sáng tác được viết trên tổng phổ và tính ngẫu hứng được đề cao. 

 1.2.1. Các tác phẩm độc tấu cùng dàn nhạc

Các tác phẩm độc tấu chia thành 2 cấp độ. Cấp độ thứ nhất: Các tác phẩm lấy từ các bài dân ca, ca khúc hoặc những bài bản cổ quen thuộc để chuyển soạn sang cho nhạc cụ. Cấp độ thứ hai: Gồm các tác phẩm mới được sáng tác dựa vào các chất liệu âm nhạc dân gian cổ truyền, sử dụng một mô típ, một nét giai điệu trong dân ca hoặc biến tấu một làn điệu dân ca để xây dựng chủ đề. 

Với số lượng các tác phẩm độc tấu phong phú cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm sáng tác. Tuy nhiên các nhạc sĩ quan tâm nhiều hơn đến một số loại nhạc cụ trong dàn nhạc dân tộc truyền thống như đàn bầu, sáo, nguyệt, tranh, nhị … nên số lượng tác phẩm cho các nhạc cụ này nhiều hơn.

 1.2.2. Các tác phẩm hòa tấu

Các tác phẩm viết cho hòa tấu nhạc cụ dân tộc có số lượng không nhiều bằng tác phẩm độc tấu. Đề tài thường lớn, có sự kịch tính, cấu trúc, hình thức tác phẩm được tiếp thu từ âm nhạc phương Tây nhưng một số khác có tiếp thu và phát triển khúc thức dân gian. Một số tác phẩm khác mang ngôn ngữ hiện đại sáng tác theo tư duy khí nhạc. Các tác phẩm hòa tấu có 2 dạng hòa tấu đó là hòa tấu các nhạc cụ dân tộc thuần túy và hòa tấu các nhạc cụ dân tộc kết hợp với nhạc cụ phương Tây.  Biên chế dàn nhạc được sắp xếp theo tổ bộ gần với dàn nhạc giao hưởng của phương Tây, có sử dụng thêm một số nhạc cụ phương Tây trong dàn nhạc dân tộc nhằm tạo màu sắc mới và mở rộng âm vực trầm. 

1.2.3. Giới thiệu về 5 tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại

Tuyển tập gồm 52 tác phẩm của 28 nhạc sĩ, nghệ sĩ được chia thành 5 tập và xuất bản năm 2002 tại Viện Âm Nhạc. Các tác phẩm có sự phong phú về đề tài, nhiều tác phẩm tập trung đi sâuvào việc phản ánh hiện thực đời sống của đất nước con người Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc. 

Tập 1 gồm những tác giả như: Tô Vũ, Tạ Phước, Văn Thư, Nguyễn Văn Thương, Ngọc Phan, Xuân Hòa, Hoàng Đạm.

Tập 2 gồm các tác giả: Nguyễn Xuân Khoát, Huy Thục, La Thăng, Xuân Khải, Đinh Thìn, Hồng Thái.

Tập 3 gồm các tác giả: Trần Quý, Nguyễn Đình Phúc, Hoàng Dương.

Tập 4 gồm các tác giả: Quang Hải, Ngô Sĩ Hiển, Xuân Tứ, Nguyễn Chính.

Tập 5 gồm các tác giả: Đỗ Hồng Quân, Phúc Linh, Chu Minh, Phương Bảo, Đặng Nguyễn, Doãn Tiến, Đinh Quang Hợp, Trần Luận.

Các tác phẩm trong 5 tập phần lớn được sắp xếp trình tự theo thời gian, nhưng có trường hợp nhiều tác phẩm của cùng một tác giả đặt liền nhau nên trình tự sắp xếp có chỗ vẫn chưa thể hiện được đúng thứ tự theo thời gian.

Các đề tài trong 5 tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại được chia thành các nhóm đề tài lớn như sau: Nhóm đề tài về cảnh đẹp thiên nhiên, nhóm đề tài  xây dựng và bảo vệ đất nước, nhóm đề tài về lễ hội, nhóm đề tài truyền thuyết và chuyện cổ tích. Trong đó  nhóm đề tài về tài về cảnh đẹp thiên nhiên chiếm số lượng lớn nhất. Phải chăng đây là những đề tài rất phù hợp với tâm tư tình cảm của người Việt Nam cũng như tư duy của các nhạc sĩ.

Đội ngũ sáng tác chiếm số lượng lớn hơn cả là các Nhạc sĩ  vừa là Nghệ sĩ cũng lại là Giảng viên chiếm tỉ lệ 42,86 %; là Nhạc sĩ và là Giảng viên chiếm tỉ lệ 28,57%; là Nghệ sĩ và là nhạc sĩ có tỉ lệ ít hơn với 25%; số lượng ít nhất là nhạc sĩ chỉ có 1 người chiếm tỉ lệ là 3,57%.

Tác phẩm sử dụng thuật ngữ, ký hiệu theo lối phương Tây chiếm tỉ lệ 67,3%; tác phẩm sử dụng kết hợp thuật ngữ phương Tây và có chỉ dẫn thêm tiếng Việt chiếm 25%; chỉ có 4 tác phẩm sử dụng hoàn toàn chỉ dẫn bằng tiếng Việt chiếm 7,7%. Tuy được sử dụng tiếng việt nhưng trong 4 tác phẩm này vẫn thấy dùng các ký hiệu về kỹ thuật, lối viết tắt, cách ký âm của phương Tây.Điều này chứng tỏ các ký hiệu của âm nhạc phương Tây đã đem lại những thuận tiện đáng kể cho các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc.

 

Tiểu kết chương 1

Qua tổng quan tình hình nghiên cứu cho thấy đã có một số công trình về âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên chưa có công trình nào cùng hướng với đề tài nghiên cứu của luận án, đây chính là khoảng trống để chúng tôi tiếp tục đi sâu hơn về vấn đề này.

Các tác phẩm độc tấu thường lấy chủ đề từ các bài dân ca, ca khúc hoặc những bản cổ chuyển soạn sang cho một loại nhạc cụ dân tộc và các sáng tác mới. Các tác phẩm hòa tấu gồm hòa tấu các nhạc cụ dân tộc thuần túy và hòa tấu các nhạc cụ dân tộc kết hợp với nhạc cụ phương Tây. Biên chế dàn nhạc được sắp xếp theo tổ bộ giống với dàn nhạc giao hưởng phương Tây. Các tác phẩm hòa tấu mặc dù có số lượng ít hơn các tác phẩm độc tấu nhưng đã tạo nên một diện mạo mới cho âm nhạc dân tộc. 

Trên cơ sở 52 tác phẩm của 28 tác giả trong 5 tập Hòa tấu dàn nhạc đương đại chúng tôi đã tạm phác thảo được tiến trình phát triển của tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc. Các tác phẩm này ra đời cũng liên quan đến một số sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước thông qua tiêu đề và nội dung tác phẩm. Các tiêu đề chủ yếu ca ngợi Cảnh đẹp thiên nhiên, Tình yêu quê hương đất nước, Lễ hội, Truyền thuyết và truyện cổ tích. Các tiêu đề ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và tình yêu đối thiên nhiên chiếm số lượng lớn hơn cả. Các tác phẩm phản ánh hiện thực cuộc sống lao động, đấu tranh, những triết lý sâu sắc, những cảm nhận, cảm xúc của con người trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. 

Từ khi tiếp nhận các thuật ngữ, ký hiệu âm nhạc phương Tây để đưa vào các sáng tác những chỉ dẫn trong bản nhạc nên việc diễn tấu của các nhạc công luôn có sự thống nhất và thuận lợi hơn.

Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy đội ngũ sáng cho các nhạc cụ dân tộc rất đa dạng nhưng chiếm đa số vẫn là các nhạc sĩ được đào tạo âm nhạc theo lối phương Tây nên những ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây trong các sáng tác là rất rõ nét. Tỉ lệ các nghệ sĩ biểu diễn sáng tác chỉ chiếm một nửa và họ cũng được trang bị các kiến thức âm nhạc phương Tây. Tuy nhiên là những người luôn có sự gắn bó và am và hiểu sâu sắc đối với các nhạc cụ dân tộc nên các nghệ sĩ đã khai thác triệt để hơn những tính năng ưu việt của từng loại nhạc cụ để thể hiện rõ sự hiệu quả trong các sáng tác của mình.  

Chương 2

ẢNH HƯỞNG THỂ LOẠI, HÌNH THỨC ÂM NHẠC PHƯƠNG TÂY TRONG CÁC TÁC PHẨM VIẾT CHO NHẠC CỤ DÂN TỘC

2.1. Ảnh hưởng về thể loại âm nhạc phương Tây

2.1.1 Khái lược một số thể loại  âm nhạc phương Tây

Trong âm nhạc phương Tây có rất nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Các thể loại này đã được định hình từ thế kỷ XVII-XVIII, sang đến thế kỷ XIX-XX nhiều thể loại đã có sự biến đổi và được thể hiện ở một vài khía cạnh so với khi mới ra đời.

Thể loại là một thuật ngữ chỉ các loại hình tác phẩm khác nhau của âm nhạc chẳng hạn như bài ca lao động, bài hát ru, vũ khúc, hành khúc, prelude, overture… Các tác phẩm âm nhạc thuộc cùng một thể loại, tuy nội dung hết sức đa dạng, song vẫn có không ít những nét giống nhau về phương thức biểu hiện âm nhạc.

 Có thể phân chia các thể loại âm nhạc theo hai nhóm lớn là thể loại nhạc hát và  nhạc đàn

Trong 5 tập hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại chỉ viết cho nhạc đàn nên chúng tôi tập trung nghiên cứu các thể loại của nhạc đàn. 

Thể loại nhạc đàn còn được gọi là khí nhạc, được biểu hiện bằng các hình tượng âm thanh không có lời ca. 

2.1.2. Ảnh hưởng một số thể loại âm nhạc phương Tây trong các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc

Trong tuyển tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại chúng tôi nhận thấy các nhạc sĩ Việt Nam khi sáng tác cho các nhạc cụ dân tộc hòa tấu họ đã sử dụng rất phong phú các thể loại đã có trong âm nhạc phương Tây. Số lượng tác phẩm hòa tấu là nhiều nhất gồm 27 tác phẩm chiếm tỉ lệ 51,9 %; thể loại Concerto và Concertino gồm 8 tác phẩm chiếm tỉ lệ 15,4 %; thể loại độc tấu với dàn nhạc gồm 7 tác phẩm chiếm tỉ lệ 13,5%; thể loại tổ khúc gồm 4 tác phẩm chiếm tỉ lệ 7,7%; thể loại Ouverture và nhạc múa gồm 2 tác phẩm chiếm tỉ lệ 3,85%; còn lại các thể loại Rhapsody, liên khúc giao hưởng mỗi loại chỉ gồm 1 tác phẩm và chiếm tỉ lệ 1,9%. 

Thể loại Ouverture

Đến thế kỷ XIX Overture được phát triển thành một thể loại độc lập. có một chương và có tiêu đề. Khi nghiên cứu các tác phẩm hòa tấu dàn nhạc dân tộc chúng tôi cũng gặp một số tác phẩm viết ở thể loại này.  Đó là  tác phẩm Ngày Hội (1981)– Overture  viết cho dàn nhạc dân tộc của Trần Quý (tập 3 trang 45), 

 Tác phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (1998) - Overture viết cho dàn nhạc dân tộc của nhạc sĩ Chu Minh – Trần Quý (tập 5 trang 47). 

Thể loại Tổ khúc

Chúng tôi nhận thấy có một số tác phẩm được viết ở thể loại tổ khúc mới , các chương vẫn có sự tương phản với nhau về tính chất âm nhạc và được viết ở những điệu tính khác nhau. Thông thường mỗi chương đều có tiêu đề. Tiêu biểu cho thể loại này có tác phẩm Ông Gióng (1965) - Tổ khúc 6 chương có tiêu đề của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát  (tập 2 - tr. 9), tác phẩm Tây Nguyên (1996) - Tổ khúc cho dàn nhạc dân tộc gồm 4 chương có tiêu đề của nhạc sĩ Trần Quý (tập 3 - tr. 57), tác phẩm Vùng cao - Tổ khúc Bốn phác thảo âm nhạc cho dàn nhạc dân tộc gồm 4 chương có tiêu đề của nhạc sĩ Ngô Sĩ Hiển (tập 4 - tr. 143), Tổ Khúc giao hưởng của nhạc sĩ Hoàng Đạm có 4 chương - Tuyển tập trích in  Hội Mừng công là chương 4 (tập 1 - tr. 329). 

Thể loại Rhapsody

Cấu trúc của Rhapsody mang tính chất tự do. Phần lớn các bản Rhapsody được xây dựng trên cơ sở những đoạn nhạc tương phản với nhau như: nhanh hay chậm, trữ tình hay nhảy múa, hài hước hay thơ mộng. Trong tuyển tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại chúng tôi cũng gặp thể loại này ở tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Tác phẩm Rhapsody số 2 (1986) viết cho đàn t’rưng và dàn nhạc giao hưởng (tập 1-  tr. 153). 

Thể loại liên khúc giao hưởng

Khi sáng tác theo thể loại liên khúc giao hưởng cho nhạc cụ dân tộc, các nhạc sĩ Việt Nam đã có những tìm tòi, sáng tạo sao cho phù hợp với ngôn ngữ âm nhạc dân tộc, với đặc điểm diễn tấu của các nhạc cụ trong dàn nhạc dân tộc.

Tác phẩm Không có gì quý hơn độc lập tự do (1980) của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc (tập 3 - tr.277).

Thể loại Concerto và Concertino

Trong tuyển tập có một số tác phẩm thuộc thể loại này như: Tác phẩm Quê tôi giải phóng(1985); Đất và hoa (1994) - Concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng  của nhạc sĩ Quang Hải (tập 4 - tr. 9 và tr 73). Các tác phẩm đều viết ở hình thức sonate có hai chủ đề âm nhạc tương phản mạnh mẽ. Trước khi tái hiện có cadenza để nghệ sĩ độc tấu chơi ngẫu hứng, trổ ngón kỹ thuật, phô trương tài nghệ của mình. Tác phẩm có  sự đối đáp giữa nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc giao hưởng điều này càng thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ thể loại concerto của âm nhạc phương Tây. Bên cạnh đó, một số tác phẩm khác thuộc thể loại concerto của nhạc sĩ Xuân Tứ (tập 4 - tr. 197, tr. 237 và tr. 281) lại có một số điểm khác hơn so với thể loại concerto của âm nhạc phương Tây. Đó là các tác phẩm có phần cadenza và gồm từ 2 đến 3 chương nhưng không có chương nào được viết ở hình thức sonate. 

Ngoài ra, tác phẩm Biển quê hương – concertino cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Trần Quý (tập 3 - tr. 91) chỉ có một chương không có và phần cadenza nhưng được viết theo hình thức sonate gồm 2 chủ đề. Tác phẩm Biển – concertino cho đàn tranh và dàn nhạc dân tộc của  nhạc sĩ Phương Bảo – Trần Quý (tập 5 - tr. 97) có cấu trúc riêng biệt mang tính ngẫu hứng, có phần cadenza.

Có thể nói cách tiếp cận của các nhạc sĩ Việt Nam đối với thể loại  âm nhạc phương Tây có sự mềm dẻo và sáng tạo. Tuy nhiên hiệu quả đến đâu thì vân phải chờ sự đón nhận và ý kiến của người nghe bởi đây chính là thước đo quan trọng nhất. 

2.2. Ảnh hưởng về hình thức tác phẩm của âm nhạc phương Tây

2.2.1 Khái lược một số hình thức tác phẩm âm nhạc phương Tây

Một số hình thức phổ biến trong âm nhạc phương Tây gồm: hình thức hai đoạn đơn, ba đoạn đơn, hai đoạn phức, ba đoạn phức, rondo, biến tấu, sonate, rondo-sonate …

2.2.2 Ảnh hưởng một số hình thức tác phẩm âm nhạc phương Tây trong các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc

Trong quá trình phân tích các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc chúng tôi phải dựa trên nhiều căn cứ ngoài những nguyên tắc của hòa thanh cổ điển với những vòng hòa âm mẫu mực để phân chia câu, đoạn… Nhìn chung, phần lớn các tác phẩm không sử dụng nguyên dạng các hình thức có từ phương Tây mà luôn có sự biến đổi các hình thức này. 

2.2.1.1. Hình thức hai đoạn đơn

Tác phẩm 

Chung một niềm tin của nhạc sĩ Xuân Khải có khác biệt với hình thức hai đoạn đơn trong âm nhạc cổ điển là đoạn a được nhắc lại nhiều lần mang tính biến tấu và có sơ đồ: Mở đầu - a, a1, a2, a3 - b, b1 – Cadenza – Coda. 

2.2.1.2. Hình thức ba đoạn đơn

Hình thức ba đoạn kiểu a-b-c là hình thức ba đoạn đơn không có phần tái hiện, hình thức này đã xuất hiện trong âm nhạc phương Tây vào thế kỷ XIX-XX. Nhạc sĩ Đặng Nguyễn đã sử dụng hình thức này cho tác phẩm Suối đàn t’rưng hát (2002) với sơ đồ: Mở đầu – a-b-c- Coda. 

2.2.1.3. Hình thức ba đoạn phức

Trong tác phẩm Trống hội đầu xuân (1998) của nhạc sĩ Nguyễn Chính được viết ở hình thức 3 đoạn phức với sơ đồ:  Mở đầu-A-B-A’-coda. 

Tác phẩm Câu chuyện cổ (1998) của nhạc sĩ Trần quý cũng được viết ở hình thức 3 đoạn phức,mặc dù có thể chia thành 3 phần như:  Mở đầu – Phần giữa và phần kết thúc nhưng không phải là dạng hình thức 3 phần phổ biến dạng A-B-A’: Trình bày - Phát triển và tái hiện mà với sơ đồ Mở đầu –  A – B – C - Coda. 

2.2.1.3. Hình thức rondo

Trong tuyển tập, hình thức này được sử dụng hơn tác phẩm Nông thôn đổi mới (1957) của hainhạc sĩ Tô Vũ-Tạ Phước. Tác phẩm có hình thức rondo với sơ đồ như sau: Mở đầu- A- B-A’- C- A’’- Coda. Chủ đề được nhắc lại 3 lần với 2 đoạn chen và ranh giới các đoạn khá chặt chẽ.

Hình thức rondo này còn được thể hiện ở Chương 3 tác phẩm Không có gì quý hơn độc lập tự do (1980) của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc có sơ đồ A-B-A’-C-A’’B’-A’’- Coda.  

2.2.1.4. Hình thức biến tấu

Có thể thấy Hội nghị Diên Hồng (1985) cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Hoàng Đạm được viết ở hình thức biến tấu. Đây là bản hòa tấu dàn nhạc dân tộc tổng hợp bởi trong tác phẩm có lời đọc, nói trên nền nhạc điều này cũng là hiếm thấy trong thể loại khí nhạc. Hình thức biến tấu của tác phẩm gồm chủ đề và 8 biến khúc với sơ đồ sau: Mở đầu- A-A1-A2-A3-A4-A5-A6-A7-A8. 

2.2.1.5. Hình thức sonate

Concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng Đất và hoa  của nhạc sĩ Quang Hải viết ở hình thức Sonate. Phần mở đầu sử dụng chất liệu dân ca Nam bộ -Lý trăng soi, phần cadenza được viết cho đàn tranh. Tác phẩm sơ đồ gồm:  Mở đầu-  Trình bày - Phát triển - Tái hiện - Cadenza- Coda.

2.2.1.6 Các đoạn Cadenza

Trong 5 tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại có sử dụng cả hai loại cadenza, một số tác phẩm có phần Cadenza được ghi chép cụ thể ở tổng phổ nhưng cũng có Cadenza chỉ đưa ra một số chỉ dẫn để nhạc công tự do ngẫu hứng. Chúng tôi tạm gọi là Cadenza cố định và Cadenza biến đổi qua mỗi lần trình diễn. Hơn nữa Cadenza không chỉ xuất hiện ở thể loại concerto, các tác phẩm giao hưởng có quy mô lớn mà dù ở thể loại và hình thức không lớn một số nhạc sĩ Việt Nam vẫn sử dụng Cadenza. Tuyển tập gồm15 tác phẩm có phần cadenza trong đó 8 tác phẩm sử dụng cadenza cố định và 8 cadenza thay đổi qua mỗi lần trình diễn. Cadenza cố định là phần ngẫu hứng được viết cụ thể trong bản nhạc và người biểu diễn sẽ thực hiện theo. 

Cadenza biến đổi qua mỗi lần trình diễn là loại cadenza không được ghi rõ trong bản nhạc chính vì vậy người biểu diễn có thể tự do diễn tấu theo ngẫu hứng của mình, thậm chí mỗi lần trình diễn có thể khác nhau. Đây cũng là một trong những điểm khác biệt của các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc.

 

Tiểu kết chương 2

Qua phân tích các tác phẩm trong 5 tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại cho thấy các nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp thu một số thể loại âm nhạc theo phương Tây như: Overure, Tổ khúc, Rhapsody, Liên khúc giao hưởng, Concerto và concertino …  

Các tác phẩm độc tấu cùng dàn nhạc chiếm tỉ lệ nhiều nhất nhưng thường có quy mô nhỏ. Thể loại Ouverture trong tuyển tập là một tác phẩm độc lập và được phát triển tự do, ngẫu hứng. Có những bản Overture được viết ở hình thức tương đối rõ ràng nhưng cũng có bản phát triển tự do thành các đoạn nhạc. Thể loại tổ khúc cũng được các nhạc sĩ viết ở hình thức liên khúc nhiều chương có tiêu đề, các chương có sự tương phản nhưng các chương không phải là các điệu nhảy như thời kỳ Baroque. Thể loại liên khúc giao hưởng chỉ chiếm số lượng rất nhỏ nhưng cũng được các nhạc sĩ viết ở dạng nhiều chương. Thể loại concerto được các nhạc sĩ quan tâm nhiều hơn,tuy nhiên sự vận dụng thể loại này lại có những biến đổi. Các tác phẩm concerto hay concertino dù không có nhiều chương hoặc chương 1có thể không được viết ở hình thức sonate nhưng hầu như các tác phẩm đều có phần cadenza, yếu tố đối đáp giữa nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc vẫn rõ ràng chính vì vậy tác phẩm vẫn mang những nét đặc trưng của thể loại concerto.    

Về hình thức các tác phẩm cũng có tiếp thu nhiều hình thức âm nhạc phương Tây như hai đoạn đơn, ba đoạn đơn, ba đoạn phức, rondo, biến tấu, sonate... Phổ biến nhất là hình thức 3 đoạn phức. Các hình thức hai đoạn đơn, ba đoạn phức được sử dụng trong bài vẫn được tuân theo một số khuôn mẫu tuy nhiên các câu nhạc thường dài và không cân phương. Hình thức rondo cũng được một số nhạc nhạc sĩ áp dụng đúng những nguyên tắc gồm chủ đề và các đoạn chen nhưng các đoạn chen trong tác phẩm chưa có sự tương phản rõ nét với chủ đề. Hình thức biến tấu, các biến khúc đều dựa trên lối biến tấu tự do nhưng âm hưởng, tiết tấu vẫn được giữ lại nên dáng dấp của chủ đề.

Đối với hình thức sonate, chủ đề 1 và chủ đề 2 trong âm nhạc Cổ điển Châu Âu thường có mối quan hệ nhất định về điệu tính chủ - át, chủ - hạ át nhưng với các tác phẩm sử dụng điệu thức ngũ cung xét về cao độ cũng có thể coi như có mối tương đồng. Có thể khẳng định sự ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây trong thể loại và hình thức tác phẩm trong sáng tác cho nhạc cụ dân tộc của các nhạc sĩ Việt Nam là rõ rệt, tuy nhiên các tác giả đã có cách vận dụng mềm dẻo các thể loại, hình thức của âm nhạc phương Tây để phù hợp với tư duy của người Việt.

 

Chương 3

ẢNH HƯỞNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN BIỂU HIỆN CỦA ÂM NHẠC PHƯƠNG TÂY TRONG CÁC TÁC PHẨM VIẾT CHO NHẠC CỤ 
DÂN TỘC

3.1. Điệu thức

Khi viết những tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc, các nhạc sĩ đã sử dụng các loại điệu thức cùng với những phương tiện diễn tả khác tạo cho âm nhạc một tính chất nhất định, phù hợp với nội dung.

3.1.1. Sử dụng điệu thức trưởng -  thứ bảy âm phương Tây

Quá trình nghiên cứu các tác phẩm trong năm tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại chothấy các điệu thức  trưởng – thứ tiếp thu từ phương Tây. Các điệu thức thức này thường xuất hiện trong thời gian ngắn.

3.1.2. Sử dụng kết hợp điệu thức năm âm với bảy âm

Không chỉ sử dụng riêng biệt các điệu thức, các nhạc sĩ còn pha trộn các loại điệu thức này với nhau để tạo âm hưởng mới. Đối với các nhạc sĩ Việt Nam đây cũng chính là cách để tạo nên không khí mới cho tác phẩm. Cách sử dụng điệu thức phổ biến nhất trong 5 tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại đó là việc kết hợp điệu thức năm âm với điệu thức bảy âm với nhiều cách thức khác nhau. Như trong tác phẩm Hội mừng công của nhạc sĩ Hoàng Đạm; tác phẩm  Đất và hoa của Quang Hải

3.1.3.  Sử dụng những nét chạy Chromatic

Những nét chạy chromatic âm mặc dù không xuất hiện nhiều trong các tác phẩm tuy nhiên trong một số tác phẩm các nhạc sĩ cũng đã sử dụng khá phong phú các dạng thức này. Tiêu biểu có tác phẩm Âm vang cao nguyên của Doãn Tiến; tác phẩm Ông Gióng của Nguyễn Xuân Khoát…

3.2. Hòa âm

Hòa âm đối với âm nhạc phương Tây là một trong những yếu tố, là phương tiện diễn tả vô cùng quan trọng đối với các tác phẩm âm nhạc chủ điệu. Trong 5 tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại, sử dụng hòa âm theo kiểu phương Tây được dùng khá phổ biến với nhiều dạng thức.Các nhạc sĩ đã tiếp thu một số phương tiện biểu hiện của hòa âm cổ điển như cấu trúc hợp âm, chức năng của các hợp âm trong điệu tính, hòa âm công năng, các vòng hòa âm kết, âm nền trì tục ...

3.2.1. Hợp âm chồng quãng ba

Lối cấu trúc hợp âm chồng theo quãng ba là đặc điểm của hòa âm cổ điển. Nhiều đoạn nhạc có sử dụng các dạng hợp âm ba, hợp âm bảy ở cả thể nguyên vị và cả thể đảo. tác phẩm Ngày Hội của nhạc sĩ Trần Quý; tác phẩm Hội nghị Diên Hồng của nhạc sĩ Hoàng Đạm … 

3.2.2. Sử dụng hòa âm công năng

Trong tuyển tập tác phẩm cho thấy các nhạc sĩ có sử dụng hòa âm công năng khá rõ ràng, tuy nhiên các đoạn nhạc có dùng hòa âm công năng thường không kéo dài và các nhạc sĩ thường kết hợp với các dạng chồng âm khác nhau. Việc sử dụng hòa âm công năng là sự diễn giải các chức năng của hòa âm để khẳng định rõ điệu tính cho một giai đoạn nào đó của tác phẩm như trong Tiếng gọi mùa xuân của  nhạc sĩ Đinh Thìn - Trần Quý; tác phẩm Hội Xuân của nhạc sĩ Doãn Tiến…

3.2.3. Các vòng hòa âm kết

Trong âm nhạc phương Tây các vòng kết rất quan trọng trong việc phân định các phần các đoạn cho tác phẩm.Trong tuyển tập các tác phẩm sử dụng các loại vòng kết giống như thời kỳ cổ điển. 

3.2.3.1. Vòng kết chính cách

Vòng kết chính cách là vòng hòa âm sử dụng các hợp âm mang chức năng hoặc công năng D (át) –T (chủ). Vòng kết này được sử dụng trong một số tác phẩm của tuyển tập. tác phẩm  Hội nghị Diên hồng của nhạc sĩ Hoàng Đạm; tác phẩm Biển quê hương của nhạc sĩ Trần Quý…

3.2.3.2 Vòng kết biến cách

Vòng kết này không hề xa lạ, có thể gặp rất nhiều ở tác phẩm âm nhạc phương Tây, nhưng đối với tác phẩm âm nhạc viết cho nhạc cụ dân tộc thì vẫn còn là điều mới mẻ. Âm hưởng với vòng kết TSVI- T trong tác phẩm Tiếng gọi mùa xuân của nhạc sĩ Đinh Thìn - Trần Quý cho cảm giác đầy thú vị. 

3.2.3.3. Vòng kết đầy đủ

Là vòng hòa âm sử dụng đầy đủ các chức năng S (hạ át) – D (át) – T (chủ) tạo nên một sự logic về âm thanh, hợp âm bảy át để tạo nên một sự căng thẳng và kết thúc là sự giải quyết mang tính ổn định hơn cho tác phẩm. Tiêu biểu là tác phẩm Biển của nhạc sĩ Phương bảo - Trần Quý; tác phẩm Đất và hoa của nhạc sĩ Quang Hải … 

3.2.4. Ly điệu, chuyển điệu

3.2.4.1. Ly điệu

Ly điệu (chuyển giọng tạm) là thủ pháp phát triển quan trọng của ngôn ngữ hòa thanh, nó tạo ra những khả năng phong phú và giàu sức biểu hiện của giai điệu. Mặc dù không quá phổ biến những các nhạc sĩ  đã sử dụng các thủ pháp này trong tác phẩm  Đất và Hoa của nhạc sĩ Quang Hải; Tác phẩm Tiếng gọi mùa xuân của nhạc sĩ Đinh Thìn - Trần Quý…

3.2.4.2. Chuyển điệu

Trong các tác phẩm của tuyển tập các nhạc sĩ có sử dụng cả chuyển điệu gần và chuyển điệu xa. Đoạn nhạc chuyển điệu này tác giả đã sử dụng thủ pháp chuyển bằng giai điệu tạo nên âm hưởng dễ nghe, không bị thay đổi đột ngột. tác phẩm Hội xuân của nhạc sĩ Doãn Tiến; Ngày hộicủa nhạc sĩ Trần Quý… 

Chúng ta còn thấy chuyển điệu xa kiểu Chuyển thể  - trưởng thứ cùng tên. Lối chuyển điệu này vừa có thể  thực hiện một cách dễ dàng nhanh chóng lại vừa đem đến hiệu quả cao trong việc so sánh màu sắc thiệu thức. tác phẩm Biển quê hương của nhạc sĩ Trần Quý

3.2.5. Âm nền và âm trì tục

Trong 5 tập hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại, việc sử dụng âm nền và âm trì tục rất phổ biến và cũng bao gồm đầy đủ các dạng. Điều này cho thấy các nhạc sĩ Việt Nam đã có sự tiếp thu và ảnh hưởng từ âm nhạc phương Tây thật rõ nét. Âm nền được biểu thị ở các dạng sau:

  • Dạng âm nền là một âm kéo dài 
  • Dạng âm nền là chồng quãng 
  • Dạng âm nền là chồng âm, hợp âm 

Âm trì tục

Âm trì tục có thể  tạm hiểu là âm duy trì cao độ bằng một âm hình tiết tấu nào đó và được lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian nhất định.

Âm trì tục sử dụng trong các bè là chồng quãng

Âm trì tục được sử dụng là một mô típ (âm hình hóa) được thể hiện rõ qua nhiều tác phẩm trong tuyển tập. 

3.3. Phức điệu

Khi nghiên cứu các tác phẩm trong 5 tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại chúng tôi nhận thấy trong một số tác phẩm các nhạc sĩ đã sử dụng một số thủ pháp phức điệu phương Tây.

3.3.1. Phức điệu tương phản

Phức điệu tương phản mặc dù không phổ biến trong các sáng tác, nhưng có xuất hiện trong một số tác phẩm. Tuy nhiên sự tương phản này vẫn tạo được tính thống nhất ở thời điểm bắt đầu và kết thúc. Hình thức đối vị tương phản thường gặp trong các tác phẩm chủ yếu là dạng đối vị đơn giản 2 bè. Ví dụ trong tác phẩm Hội Nghị Diên Hồng , Hội mừng công của nhạc sĩ Hoàng Đạm; Quê tôi giải phóng của nhạc sĩ Quang Hải; Rhapsody số 2 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương… 

3.3.2. Phức điệu mô phỏng

So với thủ pháp phức điệu tương phản, các dạng phức điệu mô phỏng bắt gặp nhiều và phong phú hơn.

3.3.2.1. Mô phỏng đơn giản

Mô phỏng đơn giản là giai điệu mở đầu chỉ được mô phỏng một lần được sử dụng qua một số đoạn trong tác phẩm Ngày hội của nhạc sĩ Trần Quý; Tiếng sáo trên nương của nhạc sĩ Hồng Thái.

3.3.2.2 Mô phỏng mang tính canon

Mô phỏng mang tính caon là mô phỏng phức tạp, giai điệu mở đầu được nhắc lại nhiều lần. Các tác phẩm sử dụng mô phỏng lại gần như nguyên dạng nét của bè khở được thể hiện trong tác phẩm Dòng kênh trongVó ngựa trên đường ra trận của nhạc sĩ Hoàng Đạm; Biển quê hương của nhạc sĩ Trần Quý.

3.4. Phối khí

3.4.1. Khái lược về biên chế dàn nhạc trong 5 tập hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại

Tuyển tập gồm các tác phẩm độc tấu và hòa tấu với dàn nhạc nên mảng phối khí là rất quan trọng, đặc biệt trong việc sử dụng các loại biên chế dàn nhạc. Quá trình tìm hiểu cho thấy biên chế dàn nhạc của các sáng tác chủ yếu dùng dưới 3 dạng sau:

  • Dàn nhạc dân tộc thuần túy. 
  • Dàn nhạc dân tộc kết hợp với nhạc cụ phương Tây. 
  • Dàn nhạc phương Tây với nhạc cụ dân tộc độc tấu.

Biên chế dàn nhạc được sắp xếp theo tổ bộ và theo trật tự từ cao xuống thấp trong tổng phổ như sau:

  • Bộ hơi gồm: sáo nhỏ, sáo to, tiêu, kèn bầu trung, kèn bầu trầm.
  • Bộ dây gẩy gồm: đàm bầu, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn đáy, đàn tứ cao, đàn tứ trung, đàn tam cao, đàn tam trung, đàn tranh, đàn tam trầm, đàn tứ trầm…
  • Bộ dây kéo gồm: đàn nhị, đàn hồ, đàn hồ trầm, đàn hồ đại.
  • Bộ gõ gồm: mõ, song loan, sênh tiền, chũm chọe, thanh la, chiêng, cồng… trống các loại.

3.4.1.1. Dàn nhạc dân tộc sử dụng  nhạc cụ phương Tây

So với dàn nhạc dân tộc thuần túy, biên chế dàn nhạc dân tộc sử dụng nhạc cụ phương Tây có số lượng và chủng loại nhạc cụ phong phú hơn, nhạc cụ trong các bộ cũng nhiều hơn. Ngoài các nhạc cụ dân tộc trong biên chế, những nhạc cụ trầm đã sử dụng trong dàn nhạc dân tộc thuần túy nay vẫn được đưa vào và kết hợp với một số nhạc cụ phương Tây thuộc các bộ trong dàn nhạc giao hưởng và cả những nhạc cụ điện tử. Một số nhạc cụ phương Tây như: Fagotto, cello, contrabasso để tăng cường cho bè trầm; kèn oboe, clarinette thay cho kèn dăm, kèn bầu; tamburo, triangolo, piatti, cymbale bổ sung vào bộ gõ. Việc thay thế một số ít nhạc cụ nhằm bổ sung màu sắc và mở rộng âm vực cho dàn nhạc, tăng cường bè trầm, tạo sự dày dặn và đảm nhiệm vai trò công năng hòa âm. Biên chế dàn nhạc dân tộc sử dụng nhạc cụ phương Tây được dùng trong tác phẩm độc tấu cũng như đối với các tác phẩm hòa tấu. Các nhạc cụ điện tử ngoài biên chế dàn nhạc giao hưởng phương Tây như đàn organ, đàn guitare cũng vẫn được dùng để kết hợp với nhạc cụ dân tộc trong tác phẩm độc tấu. 

3.4.1.2. Biên chế dàn nhạc phương Tây kết hợp với nhạc cụ dân tộc độc tấu

Các sáng tác sử dụng dàn nhạc phương Tây kết hợp với nhạc cụ dân tộc độc tấu gồm có 5 tác phẩm. Nhìn chung cách sử dụng các nhạc cụ trong sáng tác của các nhạc sĩ và nghệ sĩ Việt Nam là rất phong phú và đa dạng. Những nhạc cụ thuộc biên chế dàn nhạc dân tộc được sử dụng chủ yếu trong các tác phẩm như: sáo, bầu, nhị, nguyệt, tam, tứ … thì những nhạc cụ hiếm dùng như: đàn tần, tù và, hồ trầm, hồ đại, tam đại, tứ đại… cũng được các tác giả đưa vào trong tác phẩm để tạo màu sắc hoặc tăng cường âm khu, âm lượng.

Cùng với đó còn có một số nhạc cụ phương Tây khác (như đã nêu) không thuộc biên chế dàn nhạc giao hưởng như: đàn guitare và guitare bass, organ, piano cùng kết hợp để có được những màu sắc mới mẻ cho các tác phẩm của mình. 

Tác phẩm sử dụng biên chế dàn nhạc dân tộc kết hợp với nhạc cụ phương Tây chiếm số lượng lớn hơn cả, thậm chí một vài sáng tác còn sử dụng cả dàn nhạc phương Tây kết hợp với nhạc cụ dân tộc độc tấu. Cách đưa nhạc cụ phương Tây vào dàn nhạc và việc khai thác nhằm mở rộng âm vực, tạo màu sắc mới được xem là sự ảnh hưởng trực tiếp từ phương Tây để đem lại hiệu quả cao cho các tác phẩm âm nhạc.

3.4.2. Ảnh hưởng thủ pháp phối khí của âm nhạc phương Tây trong các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc

Trong các tác phẩm âm nhạc phương Tây, phối khí là một trong những thủ pháp quan trọng trong quá trình phát triển của mọi tác phẩm khí nhạc. Trong âm nhạc truyền thống Việt Nam thường chỉ sử dụng cách thức hòa tấu biến hóa lòng bản nên không có sự chia giữa nhóm nhạc cụ diễn tấu giai điệu và những nhạc cụ đảm nhiệm hòa âm. Trong các tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc của 5 tập Hòa tấu dàn nhạc đương đại có sự ảnh hưởng một số đặc điểm của nghệ thuật phối khí phương Tây. 

3.4.2.1. Các nhạc cụ diễn tấu giai điệu

Với các tác phẩm âm nhạc, giai điệu có ý nghĩa rất lớn trong việc phối khí, là biểu hiện đầu tiên gây được ấn tượng cho tác phẩm. Sự ảnh hưởng của phương Tây trong cách lựa chọn nhạc cụ để trình bày giai điệu được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc. 

Nhạc cụ phương Tây diễn tấu giai điệu

Một nhạc cụ phương Tây diễn tấu giai điệu được sử dụng trong một số sáng tác viết cho nhạc cụ dân tộc. Bên cạnh đó còn xuất hiện hai nhạc cụ phương Tây kết hợp để cùng trình bày giai điệu. Giai điệu còn được hợp tấu bởi nhiều nhạc cụ phương Tây trong dàn nhạc. 

 Nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây cùng diễn tấu giai điệu

Một cách kết hợp khác nữa là khi giai điệu được trình bày đồng âm ở các nhóm nhạc cụ dân tộc với các bộ khác nhau trong dàn nhạc còn thấy có sự tham gia của nhạc cụ phương Tây. 

 Các nhạc cụ nối tiếp diễn tấu giai điệu

Một cách trình bày giai điệu khác nữa đó là lối nối tiếp của nhiều loại nhạc cụ dân tộc trongdiễn tấu. Âm sắc của mỗi nhạc cụ khác nhau nên việc luân chuyển giai điệu giữa các nhạc cụ đã đem lại sự phong phú về màu sắc. Mỗi lần giai điệu vang lên sẽ tạo ấn tượng mới bởi sự thay đổi âm sắc của từng nhạc cụ.

 3.4.2.2. Các nhạc cụ diễn tấu hòa âm

Trong tuyển tập, các tác phẩm viết cho dàn nhạc dân tộc sử dụng nhạc cụ phương Tây thìngoài việc làm phong phú màu sắc cho giai điệu, tăng cường âm lượng, sự kết hợp của các nhạc cụ còn mang ý nghĩa rất quan trọng cho việc tạo sự dày dặn về hòa âm trong tác phẩm. 

3.4.2.3. Các nhạc cụ tạo màu sắc

Trong nghệ thuật phối khí cách kết hợp các nhạc cụ để tạo màu sắc âm thanh cũng thấy có sự ảnh hưởng từ âm nhạc phương Tây.  Việc kết hợp, pha trộn màu sắc giữa các nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây giúp tạo ra những màu sắc mới lạ làm phong phú thêm về mặt biểu hiện cho tác phẩm. … 

Một số nhạc sĩ còn đưa giọng người vào dàn nhạc để tạo âm sắc đặc biệt như nhạc sĩ Huy thục đưa hợp xướng vào dàn nhạc; nhạc sĩ Hoàng Đạm thì đưa giọng đọc nói trên nền nhạc còn nhạc sĩ Trần Luận thì đưa tiếng “hú” vào một số chỗ có dấu lặng trong tác phẩm. Mỗi tác giả đều có hàm ý trong cách kết hợp trong tác phẩm. Cách làm này đã xuất hiện ở một số tác phẩm âm nhạc phương Tây nhưng trong các tác phẩm viết cho dàn nhạc dân tộc của các nhạc sĩ Việt Nam thì vẫn còn là điều mới mẻ và hiếm gặp.

3.4.2.4. Thủ pháp nhắc lại

Nhắc lại là sự nhắc lại giữ nguyên cấu trúc và độ dài [70, tr 53]. Nhắc lại có hai dạng chính đó là nhắc lại nguyên dạng và nhắc lại có thay đổi. Nhắc lại là một trong những thủ pháp phát triển đơn giản nhất nhưng lại đem đến hiệu quả cao trong việc phác họa và nhấn mạnh hình tượng âm nhạc như trong tác phẩm Suối đàn t’rưng hát của nhạc sĩ Đặng Nguyễn; Hội mừng công của nhạc sĩ Hoàng Đạm.

 3.4.2.5. Thủ pháp mô phỏng

Đó là sự bắt chước, họa lại gần như nguyên dạng câu nhạc hay ý nhạc hoàn chỉnh. Đặc biệt trong phối khí, mô phỏng được thể hiện qua hình thức nhắc lại có đôi chút biến tấu của các nhạc cụthể hiện rõ trong tác phẩm Tiếng sáo trên nương của nhạc sĩ Hồng Thái; Du xuân của nhạc sĩ Trần Quý; Quê tôi giải phóng của nhạc sĩ Quang Hải.

3.4.2.6. Thủ pháp  đối đáp

Đối đáp (đối thoại) là hình thức trình bày chủ đề được thành lập trên nhân tố âm nhạc cụ thể, đối nghịch nhau, có khả năng phát triển ý nhạc. Sự đối đáp giữa nhạc cụ trong dàn nhạc của các tác phẩm là một nhân tố cũng rất quan trọng, bởi việc đối đáp này tạo sự phát triển mang tính phức điệu và mở rộng khuôn khổ cho tác phẩm như trong tác phẩm Không có gì quý hơn độc lập tự do của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc; Sắc hoa bốn mùa của nhạc sĩ Hồng Thái…

Tiểu kết chương 3

Qua 5 tập hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại cho thấy các phương tiện biểu hiện âm nhạc có sự ảnh hưởng từ âm nhạc phương Tây qua một số phương diện như: điệu thức, hòa âm, phức điệu, phối khí… Điệu thức sử dụng trong một số tác phẩm ngoài điệu thức ngũ cung các tác giả còn sử dụng điệu thức trưởng – thứ bảy âm, các đoạn chromatic. 

Các tác giả còn sử dụng  hòa âm từ âm nhạc phương Tây như hòa âm công năng với các hợp âm được sắp xếp theo nguyên tắc chồng quãng ba. Ngoài ra còn thấy có sự kết hợp giữa điệu thức năm âm và điệu thức bảy âm (trưởng - thứ)

Các nhạc sĩ đưa vào một số thủ pháp phức điệu như tương phản, mô phỏng và các thủ pháp gần với dạng ca non. Tuy nhiên chỉ dừng lại thủ pháp phức điệu đối vị đơn giản và mô phỏng đơn giản.

Tuyển tập chủ yếu dụng biên chế dàn nhạc theo 3 loại: Dàn nhạc dân tộc thuần túy, Dàn nhạc dân tộc có sử dụng nhạc cụ phương Tây, dàn nhạc giao hưởng kết hợp với nhạc cụ độc tấu. Trong phối khí các nhạc cụ phương Tây được bổ sung, tăng cường thêm để diễn tấu giai điệu hay thay thế, điểm tô màu sắc cho các nhạc cụ gõ dân tộc trong dàn nhạc. Việc vận dụng các lối trình bày giai điệu, tạo màu sắc, tạo hòa âm, cùng những cách đối thoại giữa các nhạc cụ có tính phức điệu… đã đem lại diện mạo mới cho mỗi tác phẩm. 

Các tác giả đã mạnh dạn lựa chọn, sắp xếp các nhạc cụ phương Tây trong quá trình sử dụng biên chế dàn nhạc với những đặc điểm riêng của từng loại. Việc đưa nhạc cụ mới, đưa giọng người vào tác phẩm hòa tấu đã thể hiện sự ảnh hưởng về tư duy cũng như về nghệ thuật phối khí của âm nhạc phương Tây. Điều này đã đem đến luồng gió mới cho tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa lại mang được hơi thở và nhịp sống thời đại.

 

KẾT LUẬN

Thông qua việc nghiên cứu 52 tác phẩm trong 5 tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đạichúng tôi nhận thấy rằng các nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp thu các yếu tố âm nhạc phương Tây kết hợp với những tinh hoa của âm nhạc dân tộc để tạo nên môt diện mạo mới cho các tác phẩm của mình

Về thể loại âm nhạc, các nhạc sĩ đã ứng dụng một số thể loại âm nhạc phương Tây như Ouverure, tổ khúc, Rhapsody, Liên khúc giao hưởng, tổ khúc giao hưởng, concerto… để viết tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc

Về hình thức, các nhạc sĩ đã sử dụng hình thức có trong âm nhạc phương Tây như ba đoạn đơn, hai đoạn phức, ba đoạn phức, rondo, biến tấu, sonate... Tuy nhiên cách sử dụng có sự mềm dẻo để phù hợp với đặc điểm âm nhạc dân tộc. 

Về điệu thức, các nhạc sĩ còn sử dụng các điệu thức bảy âm, hoặc sử dụng kết hợp giữa điệu thức 7 âm (trưởng-thứ châu Âu) với  thang 5 âm. 

Về hòa âm, chúng tôi nhận thấy các nhạc sĩ đã tiếp thu một số phương tiện biểu hiện của hòa âm cổ điển phương Tây như cấu trúc hợp âm, chồng âm quãng ba khá phổ biến theo lối cổ điển châu Âu ngoài ra các nhạc sĩ còn đưa thêm các chồng âm, các quãng nghịch và chồng âm theo lối ngũ cung.. Vòng kết chúng ta có thể gặp ở các tác phẩm của 5 tuyển tập với đầy đủ các dạng như: vòng kết chính cách, biến cách và vòng kêt đầy đủ… Ngoài ra ở một số tác phẩm cũng có sử dụng thủ pháp ly điệu chuyển điệu bởi nó tạo ra những khả năng phong phú và giàu sức biểu hiện của giai điệu. Một số tác phẩm khác còn sử dụng cả phương thức chuyển điệu xa để tạo nên sự kịch tính, những diễn biến bất ngờ cho âm nhạc. 

Đối với phức điệu, các nhạc sĩ thường sử dụng các kỹ thuật, thủ pháp phát triển như thủ pháp mô phỏng đơn giản, đối vị đơn giản, mô tiến, canon… làm phương thức phát triển hữu hiệu và để mở rộng khuôn khổ tạo sự phong phú về hình thức cho tác phẩm của mình. Trong một số tác phẩm các nhạc sĩ đã sử dụng một số thủ pháp phức điệu tương phản mặc dù không phổ biến. Các dạng phức điệu mô phỏng đơn giản, mô phỏng kiểu canon được dùng rộng rãi và phổ biếnhơn trong đó các tác phẩm sử dụng thủ pháp mô phỏng đơn giản chiếm số lượng nhiều hơn cả.

Trong phối khí các nhạc sĩ đã bổ sung các nhạc cụ Phương Tây để tạo màu sắc mới cho dàn nhạc dân tộc. Các tác phẩm chủ yếu được sử dụng dàn nhạc ở ba dạng với thành phần: Dàn nhạc dân tộc thuần túy; dàn nhạc dân tộc sử dụng bổ sung nhạc cụ phương Tây; dàn nhạc giao hưởng kết hợp với nhạc cụ dân tộc độc tấu. Trong đó có cả những nhạc cụ điện tử (Organ, guitare). 

Có nhiều hình thức diễn tấu giai điệu như một hoặc nhiều nhạc cụ, đặc biệt là cách trình bày kiểu nối tiếp giai điệu cho từng bè, các nhạc cụ lần lượt diễn tấu. Sự kết hợp của các nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây nhằm diễn tả hình tượng âm nhạc, tạo cao trào của tác phẩm. Việc đối đáp giữa nhạc cụ cho thấy có sự kết hợp nhịp nhàng giữa hai nhạc cụ, nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc, giữa các nhóm nhạc cụ hoặc giữa các nhóm nhạc cụ với dàn nhạc. Cách làm này tạo động lực cho quá trình phát triển âm nhạc đồng thời  mở rộng khuôn khổ cho tác phẩm.

Các tác giả đã mạnh dạn lựa chọn, sắp xếp các nhạc cụ phương Tây trong quá trình sử dụng biên chế dàn nhạc với những đặc điểm riêng của từng loại. Với việc đưa nhạc cụ mới, đưa giọng người vào tác phẩm hòa tấu đã thể hiện sự ảnh hưởng về tư duy cũng như về nghệ thuật phối khí của âm nhạc phương Tây trong sáng tác cho nhạc cụ dân tộc. Các nhạc sĩ và nghệ sĩ, qua các tác phẩm của mình đã tạo được sự phong phú dưới nhiều hình thức ảnh hưởng từ âm nhạc phương Tây. Những ảnh hưởng này không làm mất đi bản sắc dân tộc mà còn đưa vào tác phẩm những yếu tố mang hơi thở của thời đại. Sáng tác của họ bước đầu đã có những kết quả trong việc ứng dụng một số phương tiện biểu hiện của âm nhạc phương Tây để đem lại những thành công cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. 

Bên cạnh những đóng góp to lớn của 5 tuyển tập Dàn nhạc dân tộc đương đại cho nền âm nhạc Việt Nam thì vẫn còn tồn tại một vài hạn chế nhất định.

Trong phối khí việc đưa đàn organ là nhạc cụ điện tử vào dàn nhạc đã làm mất đi sự cân bằng về âm lượng, chỉ là sự mô phỏng lại các nhạc cụ thật nên hiệu quả âm nhạc chưa cao và chất lượng âm thanh của các loại đàn này chưa thực sự hoàn hảo. Việc giữ gìn bản sắc dân tộc là điều đáng trân quý đối với nền âm nhạc dân tộc nhưng cũng cần có sự mạnh dạn hơn trong việc áp dụng kết hợp với những tinh hoa âm nhạc thế giới với một cách nhìn  khách quan rộng mở hơn. 

Tuyển tập Hòa tấu dàn nhạc đương đại đã được in tại Viện Âm nhạc Hà Nội nhưng vẫn còn một số các lỗi về ghi chép, một số tác phẩm chỉ thể hiện trên văn bản mà chưa được dàn dựng để biểu diễn nên các vấn đề này thiết nghĩ cũng cần quan tâm hơn.Tuy nhiên chúng tôi vẫn đánh giá rất cao những tìm tòi những đóng góp to lớn của thế hệ các nghệ sĩ, nhạc sĩ cho nền âm nhạc Việt Nam.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn