Ngày 24 tháng 11 năm 2010, Viện Âm nhạc (thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã tổ chức buổi tọa đàm “Âm nhạc dântộc học tại Việt Nam”. Tới dự có các giáo sư, các nhà nghiên cứu, giảng viên thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Viện Âm nhạc…
Trên thế giới, âm nhạc dân tộc học (Ethnomusicology) là môn khoa học có tuổi đời rất trẻ. Số đông các nhà nghiên cứu cho rằng nó ra đời vào nửa cuối thế kỷ XIX tại châu Âu, cùng với phong trào mở rộng địa bàn nghiên cứu âm nhạc sang các truyền thống ngoài châu Âu.
Tại Việt Nam, ngay từ những năm 1935-1940, việc nghiên cứu theo hướng âm nhạc dân tộc học được ghi nhận với những bài viết, chuyên khảo của một số tác giả như HoàngYến, Nguyễn Xuân Khoát… Tiếp nối từ năm 1950, các thế hệ nhạc sĩ thuộc Viện Âm nhạc như Tô Vũ, Lưu Hữu Phước, Tú Ngọc, Tô Ngọc Thanh, Tân Huyền, Nguyễn Đăng Hòe… đã tỏa đi nhiều vùng miền trên đất nước để nghiên cứu âm nhạc của các dân tộc. Năm 1978, tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), đề án đào tạo Âm nhạc dân tộc học Việt Nam đã được soạn thảo, sau đó rút gọn thành môn học Âm nhạc dân tộc cổ truyền và được giảng dạy từ đó cho đến nay.
Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi về các vấn đề như: cần thống nhất tên gọi khi dịch ra tiếng Việt của thuật ngữ Ethnomusicology; quá trình nghiên cứu, đào tạo âm nhạc dân tộc học tại Việt Nam so sánh với một số nước trong khu vực… Trước nguy cơ mai một của nền âm nhạc cổ truyền, trước đội ngũ theo nghề âm nhạc dântộc học còn quá mỏng, các ý kiến đều gặp nhau ở quan điểm: Viện Âm nhạc cần kiến nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để sớm có cơ sở đào tạo một cách chính quy ngành học Âm nhạc dân tộc học tại Việt Nam.
Hồ Thị Hồng Dung Viện Âm nhạc
|