Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12067792
Luận văn Thạc sĩ Thứ ba, 19/03/2024

Tác giả: Hà Trọng Nghĩa 
Tên đề tài: Giảng dạy tác phẩm đàn Nguyệt tại trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội 
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành (Đàn Nguyệt)
Mã số: 60 21 02 02
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Huy Phương    
Ngày đăng: 30/10/2018

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn

PHẦN MỞ ĐẦU

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Đàn Nguyệt hay còn gọi là Nguyệt cầm (cây đàn hình mặt trăng), đàn Song vận (đàn 2 dây), đàn Kìm (tên gọi từ miền Trung trở vào), là một trong những nhạc cụ thuộc bộ gẩy trong kho tàng các nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Là cây đàn được dùng để biểu diễn nhiều thể loại âm nhạc dân gian Việt Nam, có vai trò quan trọng trong dàn nhạc Chèo, ca Huế, Đờn ca Tài tử Nam bộ, trong dàn nhạc của sân khấu Cải lương… và đặc biệt đàn Nguyệt là nhạc cụ không thể thiếu trong hát Chầu văn.    

Ngay từ khi thành lập trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) năm 1956, đàn Nguyệt đã được đưa vào giảng dạy chính quy tại trường. Cũng từ đây, nhiều nhạc sĩ sáng tác đã viết những tác phẩm cho đàn Nguyệt độc tấu và hòa tấu. đàn Nguyệt giờ đây không chỉ bó hẹp trong các dàn nhạc truyền thống với những bài bản cổ mà còn có mặt trong các dàn nhạc dân tộc đương đại, được ghi nhận là một cây đàn độc tấu, độc tấu có dàn nhạc đệm với những tác phẩm mang nội dung, tư tưởng, tìnhcảm của con người đương thời. 

Những tác  phẩm viết cho đàn Nguyệt dù được chuyển soạn từ các ca khúc Việt Nam hay viết cho đàn Nguyệt độc tấu hoặc độc tấu có dàn nhạc đệm hoặc hòa tấu đều dựa trên chất liệu dân ca Việt Nam hoặc có hơi hướng của âm nhạc dân gian vàmang hình thức sáng tác kiểu châu Âu.

Tác phẩm mớiđã khai thác được tính năng của cây đàn, tiếp thu những kỹ thuật cổ truyền như: Các ngón nhấn, nhả, vỗ, vuốt…kết hợp với các kỹ thuật mới như: Các ngón chạy, vê, acmonique…,đã tạo ra một luồng gió mới, ngày càng chinh phục được đông đảo người nghe và nhu cầu thưởng thức tác phẩm mới viết cho đàn Nguyệt cũng ngày càng tăng lên nhanh chóng. 

Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là một trường đại học đa ngành được thành lập ngày 23 tháng 09 năm 1955, với tên gọi ban đầu là Trường Nghệ thuật Quân đội, đến nay là Trường Đại học VHNTQĐ, với các cấp học Trung cấp 4 năm, Cao đẳng 3 năm và Đạo học 4 năm. Với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên, các nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ sáng tác, biên đạo múa chuyên nghệp, các nhà nghiên cứu âm nhạc, lý luận phê bình, nhà văn, các cán bộ quản lý văn hóa, sân khấu, điện ảnh cho quân đội. Là nơi cung cấp nhân lực cho các đoàn văn công, các binh chủng trong quân đội trong cả nước để biểu diễn phục vụ các chiến sĩ, phục vụ nhân dân. Đặc biệt, khoa Nghệ thuật Dân tộc và Miền núi với lực lượng giảng viên có bằng TS, ThS, Cử nhân, một số giảng viên được nhà nước công nhận là NSUT. Với nhiệm vụ đào tạo hai đối tượng là quân sự và dân sự. Nhiều năm qua đã đào tạo cho các em người dân tộc miền núi, dân tộc ít người, học sinh ở các tỉnh vùng sâu vùng xa. Cụ thể là đào tạo các học viên quản lý văn hóa miền núi, các nghệ sĩ biểu diễn các chuyên ngành như: Sáo trúc, Sáo mèo, Khèn bè, kèn Sona, đàn Bầu, đàn Nhị, đàn Nguyệt, đàn Tranh, đàn Tỳ bà, đàn Tính, Bộ gõ dân tộc, đàn T’ưng, đàn K’loong-put… Vì vậy, khi những tác phẩm mới ra đời đã chiếm ngay được vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạcnước nhà nói chung và đã mang lại cho chương trình giảng dạy của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (VHNTQĐ) một diện mạo mới, khi mà trước kia trong chương trình giảng dạy đàn Nguyệt của trường chỉ có các bài bản dân ca, nhạc cổ và một số rất ít các ca khúc chuyển soạn.

Là một người được học đàn Nguyệt chính quy từ Sơ cấp, Trung cấp đến Đại học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), với kinh nghiệm giảng dạy, biểu diễn11 năm trong môi trường Quân đội Nhân dân Việt Nam, với thực tế muốn đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc của các chiến sĩ cũng như nhân dân trong cả nước, đặc biệt là đồng bào và chiến sĩ ta ở các vùng biên giới, hải đảo xa xôi, thì chỉ biểu diễn những bài dân ca nhạc cổ thôi là chưa đủ,mà còn phải biểu diễn được nhiều các ca khúc quen thuộc, các tác phẩm mới mang hơi thở thời đại. Vì vậy, tôi nhận thấy muốn nâng cao được chất lượng giảng dạy đàn Nguyệt tại Trường Đại học VHNTQĐ, thì việc xem xét, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến giảng dạy tác phẩm mới là rất cần thiết, nhằm phục vụ tốt mục tiêu đề ra của nhà trường là đào tạo ra các nghệ sĩ, chiến sĩ  biểu diễn theo đúng đường lối Văn hóa Văn nghệ của Đảng ta là “Xây dựng một nền âm nhạc vừa dân tộc vừa hiện đại”. Kiên định mục tiêu đào tạo của Nhà trường “đào tạo cái quân đội và xã hội cần, tất cả hướng về đơn vị cơ sở, gắn sát với thực tiễn xã hội”.

Với nhu cầu và vị trí của những tác phẩm mới đã nêu trên  mà chúng tôi chọn đề  tài “Giảng dạy tác phẩm đàn Nguyệt tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội” để nghiên cứu, xây dựng luận văn.

 

2. LỊCH SỬ ĐỀ TÀI:

Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về đàn Nguyệt. Trong đó có những công trình nghiên cứu về đàn Nguyệt rất đáng chú ý, đó là: 

         -“Phương pháp sư phạm đờn Kìm trong âm  nhạc Tài tử, sân khấu Cải lương và sáng tác mới cho đàn Kìm” – Luận văncao học của Huỳnh Khải -Nhạc việnThành phố Hồ Chí Minh, 2003.

-“Đàn Nguyệt với Âm nhạc thính phòng và Cung đình Huế”- luận văncao học của Lê Đình Ngọc Hoàn -Nhạc việnThành phố Hồ Chí Minh, 2012.

-“Giảng dạy âm nhạc Chèo truyền thống cho đàn  Nguyệt” - luậnvăn cao học của Lê Đức Dũng - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 2014.

-“Đàn Nguyệt trong một số phong cách nhạc cổ truyền người Việt”-  luận án Tiến sĩ của ThS, NSUT Cồ Huy Hùng- Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 2016.

Ngoài ra còn có những bài giới thiệu về đàn Nguyệt như:

- “Nhạc cụ cổ truyền Việt Nam -Đàn Nguyệt”, “Đàn Nguyệt, nhạc cụ dây của dân tộc Việt”của Trần Lê Túy Phượng,đăng trên dotchuoinon.com. 

- “Nét độc đáo của đàn Kìm trong đờn ca Tài tử” của Băng Huyền được đăng ngày 30/04/2016 trên trang www.viendongdaily.com 30/04/2016. - “Tổng quan về đàn Nguyệt” của Tạ Thâm,đăng ngày 24/03/2017 trên tatham.vn. -“Vai trò của đàn Nguyệt trong nghệ thuật hát Chầu văn”, nghiên cứu lý luận của Nguyễn Thị Hoa Lê,đăng ngày 04/01/2018 trong Nội san của trường Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. 

         Trong khi tìm hiểu, nghiên cứu về cây đàn Nguyệt, chúng tôi nhận thấy: Ngoài công trình nghiên cứu của ThSHuỳnh Khải có đề cập đến tác phẩm viết cho đàn Nguyệt nhưng không đi sâu nghiên cứu về giảng dạy các tác phẩmmới,thì cũng chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu về Giảng dạy tác phẩm đàn Nguyệttại trường Đại học VHNTQĐ. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài này với mục đích tìm hiểu, nghiên cứu, hệ thống lại các kỹ thuật của đàn Nguyệt được sử dụng trong các tác phẩm và cách ứng dụng nó vào những trường hợp cụ thể, nhằm nâng cao khả năng diễn tấu của đàn Nguyệt tại trường Đại học VHNTQĐ.

3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các tác phẩm viết cho đàn Nguyệt độc tấu và độc tấu có dàn nhạc đệm từ khi thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam từ năm 1956 đến nay. Những tác phẩm đó đã và đang được đưa vào giáo trình giảng dạy và sử dụng cho các hoạt động biểu diễn tại Trường Đại học VHNTQĐ. 

Chương trình, giáo trình hiện đang được các giáo viên, giảng viên (sau đây được gọi là người dạy) giảng dạy tại Trường Đại học VHNTQĐ.

Phương pháp dạy tác phẩm mới.

Đối tượng tiếp thu là các học sinh, sinh viên (mà sau đây chúng tôi xin được gọi là người học) với những kết quả cụ thể của việc giảng dạy các tác phẩm viết cho đàn Nguyệt và kết quả các cuộc thi nhạc cụ dân tộc có đàn Nguyệt tham gia.

4. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là hệ thống và phân nhóm các tác phẩm viết cho đàn Nguyệt theo từng phong cách.

 Đi sâu phân tích những kỹ thuật được áp dụng trong tác phẩm mới và đưa ra phương pháp giảng dạy có hiệu quả nhất nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy tác phẩm mới cho đàn Nguyệt.

5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trong quá trình nghiên cứu, luận văn sử dụng những phương pháp sau:

-Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Sưu tầm tài liệu, sách báo liên quan, phân tích tổng hợp các công trình nghiên cứu, từ đó rút ra tổng kết, đánh giá những đặc điểm của các tác phẩm viết cho đàn Nguyệt để từ đó đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp.

-Phương pháp thực nghiệm sư phạm: Xây dựng giáo án, thực hành giảng dạy thông qua các buổi lên lớp, giảng dạy trực tiếp với học sinhvà đánh giá kết quả.

6. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN

Đây là công trình nghiên cứu ứng dụng. Chúng tôi hy vọng kết quả của luận văn sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và biểu diễn các tác phẩm mới viết cho đàn Nguyệt độc tấu tại trường Đại học VHNTQĐ. Công trình có thể sử dụng làm tài liệu nghiên cứu về các tác phẩm mới viết cho đàn Nguyệt từ khi Trường Âm nhạc Việt Nam ra đời năm 1956 đến nay.

7. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN

Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, luận văn gồm hai chương.

CHƯƠNG 1:Cơ sở lý luận và thực trạng Giảng dạy tác phẩm đàn Nguyệttại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

CHƯƠNG 2: Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy tác phẩm mới viết cho đàn Nguyệt.

 

                                                     CHƯƠNG 1:

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY TÁC PHẨM ĐÀN NGUYỆTTẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUÂN ĐỘI.

1.1: Đàn Nguyệt và những tác phẩm mới

1.1.1: Đàn nguyệt trong đời sống âm nhạc xưa và nay

Là một nhạc cụ có vai trò quan trọng trong dàn nhạc truyền thống Việt Nam. Tuy chưa xác định được nguồn gốc, nhưng đàn Nguyệt đã gắn bó với đời sống âm nhạc của người Việt từ khá sớm. Tại bệ đá ở chân cột chùa Phật Tích (huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) được xây dựng vào đời nhà Lý thế kỷ XI, còn ghi lại hình ảnh ban nhạc hoà tấu, trong đó có đàn Nguyệt và các nhạc cụ khác như: Sáo ngang, Sáo dọc, đàn Tranh, đàn Tỳ bà, đàn Nhị, Trống bản, Trống cơm. 

Từ cấu tạo cây đàn cũng như âm sắc, khả năng diễn tấu của nó mà đàn Nguyệt có mặt rộng rãi trong đời sống. Trước hết, mang tính khởi nguồn, nó có mặt trong các dàn nhạc Lễ cung đình của các triều đại phong kiến ở Việt Nam. Rõ nhất là với dàn nhạc cung đình Huế, ca nhạc Thính phòng Huế (còn gọi là ca Huế). Trong loại hình đờn ca Tài tử - Cải lương Nam bộ, trong dàn nhạc Chèo và hát Chầu văn

Như vậy, có thể khẳng định, đàn Nguyệt gắn bó với không gian xưa, gắn bó với tâm tư tình cảm của người xưa và luôn có mặt trong các dàn nhạc lớn nhỏ, từ cung đình ra chốn nhân gian, từ giới vua chúa, quan lại, trí thức phong kiến cho tới người lao động. 

Một bước ngoặt lịch sử cho đàn Nguyệt là sự ra đời của trường Âm nhạc Việt Nam năm 1956 (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), đàn Nguyệt đã được đưa vào giảng dạy một cách bài bản, chuyên nghiệp. Từ Trường Âm nhạc Việt Nam đã dần hình thành một hệ thống các trường âm nhạc chuyên nghiệp  khác trong đó có trường Đại học VHNTQĐ. Việc vận dụng phương pháp ký âm theo 5dòng kẻ trong học và biểu diễn đàn Nguyệt đã mở ra hướng phát triển mới cho các cây đàn dân tộc trong đó có cây đàn Nguyệt; tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhạc sĩ sáng tác, nghiên cứu và viết các tác phẩm cho đàn Nguyệt một cách dễ dàng hơn. Chính những tác phẩm mới sáng tác cho đàn Nguyệt là yếu tố qua trọng làm cho cây đàn vừa tiếp thu được ngón đàn của vốn cổ, vừa bổ xung được những kỹ thuật mới, nâng cao khả năng diễn tấu của cây đàn. Đó là sự kết hợp hoàn chỉnh đề cây đàn Nguyệt tiếp tục có vị trí trong đời sống âm nhạc hiện nay.

1.1.2: Vài nét về đàn Nguyệt và những đặc điểm trong diễn tấu các tác phẩm mới viết cho cây đàn:

1.1.2.1. Vài nét về đàn Nguyệt:

Trong hệ thống nhạc cụ truyền thống, đàn nguyệt dễ nhận diện bởi cần đàn dài khoảng từ 95cm đến 105 cm, với hàng phím cao, mặt đàn hình tròn, đường kính rộng 30 đến 40cm. Thành đàn có chiều cao từ 5cm đến 7cm với các bộ phận:

Đàn Nguyệt có 2 dây. Trước kia, dây đàn được dùng bằng sợi tơ se, một to, một nhỏ, nay được thay bằng dây ni lon. Với các khoảng âm:

          - Khoảng âm thấp: Là khoảng âm có âm thanh đục, ấp áp.

         - Khoảng âm trung:Là khoảng âm có âm thanh vang, tươi sáng.

         - Khoảng âm cao:Là khoảng âm có âm thanh đanh, mạnh mẽ.

 

- Các bộ phận:

                       + (1) Đầu đàn (còn gọi là Lá đàn)

                                        + (2) Trục lên dây

           + (3) Miếng đội dây (còn gọi là Con cóc)

+ (4) Cung đàn

                                          + (5) Phím đàn

                                           + (6) Cần đàn

                                           + (7) Mặt đàn

              + (8) Thành đàn (còn gọi là Hông đàn)

                  + (9) Ngựa đàn (còn gọi là Yếm đàn)

                                          + (10) Dây đàn

 

       Đàn Nguyệt có 3tư thế diễn tấu cơ bản đó là: Ngồi ghế, ngồi xếp bằng, đứng.

         1.Ngồi ghế:đó là ngồi vắt chânvà ngồi song song chân.

         2. Ngồi xếp bằng.          

          3. Đứng.

- Đặc điểm trong cách lên dây đàn:

         Đàn Nguyệt thường lên dây theo 3 kiểu khác nhau đó là:

          1. Dây Tố Lan: từ dây trầm cách dây cao một quãng 7 thứ (Rề - Đố). Thường thích hợp khi diễn tấu các bản nhạc có tính chất nhẹ nhàng, mềm mại

          2. Dây Bắc: từ dây trầm cách dây cao một quãng 5 đúng (Fa - Đô). Thường thích hợp khi diễn tấu các bản nhạc có tính chất hùng tráng, vui vẻ.

          3. Dây Oán: từ dây trầm cách dây cao một quãng 6 đúng (Mi - Đô). Thường thích hợp khi diễn tấu các bản nhạc có tính chất sâu lắng, buồn.

         Ngày nay,để đáp ứng được yêu cầu của các tác phẩm mới mang hơi thở cuộc sống thời đại, ngoài 3 kiểu lên dây trên, trong nhiều tác phẩm, đàn Nguyệt còn lên dây theo quãng 4 (Son -Đô), quãng 8 (Đô -Đô) còn gọi là Song thanh. 

1.1.2.2.Đặc điểm trong diễn tấu các tác phẩm mới:

         Tác phẩm mới được đưa vào chương trình giảng dạy của đàn Nguyệt bao gồm các ca khúc chuyển soạn cho đàn Nguyệt độc tấu và các tác phẩm viết dựa trên các chất liệu dân ca Việt Nam cho đàn Nguyệt độc tấu có phần đệm và hòa tấu trong dàn nhạc dân tộc.

1.2: Thực trạngGiảng dạy tác phẩm đàn Nguyệttại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

1.2.1.Chương trình giảng dạy tác phẩm mới:

Các tác phẩm mới được giảng dạy ở bậc Trung cấp 4 năm:

Năm thứ I

Tác giả

Tác phẩm

Lưu Hữu Phước

Múa vui

Hoàng Vân

Hoan hô chú bộ đội

Phan Huỳnh Điểu

Những em bé ngoan

Hoàng Vân

Con chim Vành Khuyên

Dân Huyền

Chị Ong nâu và em bé

 

Năm thứ II

Tác giả

Tác phẩm

Văn Cận

Tình trong lá thiếp

Nguyễn Thịnh - Ngọc Thanh

Cô gái vườn ươm

Văn Chừng - Lam Lương

Vui mùa chiến thắng

An Chung

Trăng sáng đôi miến

 

Năm thứ III

Tác giả

Tác phẩm

Hoàng Vân

Quảng Bình quê ta ơi

Phong Kỳ

Gửi Huế mến yêu

Xuân Hồng

Xuân chiến khu

Nguyễn Tài Tuệ

Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó

Năm thứ

IV

Tác giả

Tác phẩm

Hoàng Vân

Hà Nội - Huế - Sài Gòn

Hoàng Hiệp

Câu hò bên bến Hiền Lương

Bá Phổ

Trống cơm biến tấu

Đỗ Văn Đễ

Quê hương yêu dấu

 

Ở bậc Đại học 4 năm:

Năm thứ I

Tác giả

Tác phẩm

Xuân Khải

Khúc tùy hứng

Xuân Khải

Quê em

Xuân Khải

Xuân nào vui hơn

 

Năm thứ II

Tác giả

Tác phẩm

Xuân Khải

Khúc nhạc miền Trung

Xuân Khải

Tình quê hương

Xuân Khải

Chung một niềm tin

 

Năm thứ III

Tác giả

Tác phẩm

Xuân Ba

Tình quân dân

Xuân Khải

Quê ta

Xuân Khải

Cảm xúc quê hương

Năm thứ IV

Tác giả

Tác phẩm

La Thăng - Bá Phổ

Lúa vàng

Anh Tấn

Trăng rằm

Trần Luận

Tình mẹ

Có thể thấy, ở cả 2 cấp người học được học tác phẩm mới không nhiều. Trong khi đó tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phần TPM được học như sau:

Các tác phẩm mới được giảng dạy ở bậc Trung cấp 4 nămcủa HVANQGVN

Năm thứ I

Tác giả

Tác phẩm

Hoàng Hiệp

Câu hò bên bến Hiền Lương

Hoàng Vân

Quảng Bình quê ta ơi

Phan Huỳnh Điểu

Tình trong lá thiếp

Văn Cận

Giữ trọn tình quê

An Chung

Trăng sáng đôi miền

Nguyễn Thịnh - Ngọc Thanh

Cô gái vườn ươm

Dân ca Quan Họ Bắc Ninh

Trống cơm

Năm thứ II

Tác giả

Tác phẩm

Xuân Khải

Xuân nào vui hơn

Đỗ Đễ

Quê hương yêu dấu

Hoàng Vân

Hà Nội Huế Sài Gòn

Hồng Thái

Ngồi tựa hiên loan

Văn Sâm

Quê mẹ

Trần Quý

Mùa sen nhớ Bác

Đặng Đình Lâm

Đậm hương và rộn tiếng ca

Tạ Phước

Việt nam thống nhất

Xuân Khải

Khúc nhạc miền Trung

 

Năm thứ III

Tác giả

Tác phẩm

La Thăng – Bá Phổ

Lúa vàng

Phong Kỳ

Gửi Huế mến yêu

Xuân Khải

Chung một niềm tin

Xuân Khải

Khúc tùy hứng

Ngọc Quyền

Nắng chiều

ăm thứ

IV

Tác giả

Tác phẩm

Xuân Ba

Tình Quân Dân

La Thăng – Bá Phổ

Lúa vàng

Quang Hải

Hoa thơm bướm lượn

Xuân Khải

Nước non ngàn dặm

Xuân Khải

Tình quê hương

Xuân Khải

Chung một niềm tin

Ngọc Quyền

Nắng chiều

 

Ở bậc Đại học 4 năm của Học viện ÂNQGVN

Năm thứ I

Tác giả

Tác phẩm

Xuân Khải

Khúc tùy hứng

Hồng Thái

Ngồi tựa hiên loan

Đỗ Đễ

Nhớ về miền quê

Xuân Ba

Tình Quân Dân

 

Năm thứ II

Tác giả

Tác phẩm

Xuân Khải

Cảm xúc quê hương

Xuân Khải

Tình quê hương

Xuân Khải

Chung một niềm tin

Phong Kỳ

Gửi Huế mến yêu

Năm thứ III

Tác giả

Tác phẩm

Quang Hải

Concerto cho đàn Nguyệt

Xuân Khải

Quê ta

Xuân Khải

Nước non ngàn dặm

Anh Tấn

Trăng rằm

 

Năm thứ IV

Tác giả

Tác phẩm

Xuân Khải

Cảm xúc quê hương

Xuân Khải

Chung một niềm tin

Anh Tấn

Trăng rằm

Trần Luận

Tình mẹ

 

So sánh phần TPM giữa hai Trường chúng tôi thấy còn có khá nhiều tác phẩm có thể đưa vào chương trình giảng dạy đàn Nguyệt ở Trường ĐHVHNTQĐ 

1.2.2: Về phương pháp dạy và học:

Phương pháp giảng dạy nhạc cụ truyền thống trong Khoa NTDT&MN ở Trường ĐHVHNTQĐ từ trước đến nay vẫn là sự kết hợp giữa phương pháp truyền ngón truyền nghề với phương pháp bản phổ (ký âm trên năm dòng kẻ phương Tây). Hai phương pháp này khi kết hợp với nhau đem lại nhiều hiệu quả, nhất là đối việc dạy và học tác phẩm mới. 

Tiểu kết Chương 1

Đàn Nguyệt là một nhạc cụ có vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc Việt Nam, là nhạc cụ không thể thiếu trong các dàn nhạc truyền thống. Đặc biệt, một bước ngoặt lịch sử cho đàn Nguyệt là sự ra đời của trường Âm nhạc Việt Nam năm 1956 (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Đàn Nguyệt đã được đưa vào giảng dạy một cách bài bản, chuyên nghiệp. Từ Trường Âm nhạc Việt Nam đã dần hình thành một hệ thống các trường âm nhạc chuyên nghiệp khác trong đó có Trường ĐHVHNTQĐ. Từ  đây đã có nhiều nhạc sĩ viết nhiều tác phẩm mới cho đàn Nguyệt, bổsung kỹ thuật mới, nâng cao khả năng diễn tấu của cây đàn. 

Sự ra đời của các tác phẩm mới đã nhanh chóng chinh phục được đông đảo những người yêu nhạc, có vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc nước nhà nói chung và đã mang lại cho chương trình giảng dạy tại Trường ĐHVHNTQĐ một diện mạo mới.

Chúng tôi nhận thấy, nhiều năm qua bộ môn đàn Nguyệt đã đạt được những thành công nhất định trong giảng dạy, biểu diễn và nghiên cứu của đàn Nguyệt. Tuy nhiên, chương trình giảng dạy đã cũ, khối lượng tác phẩm mới được đưa vào giảng dạy chưa nhiều, chương trình, giáo trình của đàn Nguyệt còn nhiều bất cập, chưa được biên soạn, in ấn một cách khoa học, thống nhất dẫn đến tiêu chí giảng dạy chưa đồng nhất, cách cho bài chưa phù hợp với người học, chưa tập trung giải quyết được những yếu điểm trong kỹ thuật, hiểu biết của người học; mặt khác, người học hầu hết ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa ít được tiếp xúc với âm nhạc, với những tác phẩm mới có qui mô lớn, có nội dung sâu sắc và ítđược học những bài tập nâng cao kỹ thuật, nhất là các kỹ thuật chạy gam, chạy kép, ngón phi, ngón nhấn để phù hợp với đặc thù ở đầu vào của Trường ĐHVHNTQĐ, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý các tác phẩm. Những vấn đề này chính là cơ sở và điều kiện cần thiết để chúng tôi đưa ra những giải pháp mới được trình bầy ở chương II 

 

Chương 2:

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY 

TÁC PHẨM MỚI VIẾT CHO ĐÀN NGUYỆT

2.1: Giảng dạy các tác phẩm viết cho đàn Nguyệt

2.1.1. Giải quyết  các vấn đề về kỹ thuật:

Với các kỹ thuật của đàn Nguyệt khi được áp dụng vào các tác phẩm, người học thường mắc phải những vấn đề như: Xử lý móng gảy không tốt nên gảy lên, xuống không đều, tiếng vê cứng, không đều, hay vấp (đối với những năm đầu của Trung cấp) hay các quãng nhấn chưa chuẩn, chạy ngón chưa nét, chưa phân biệt được các kỹ thuật nhấn, luyến, vỗ, vuốt…ở những năm cao hơn và kể cả những năm học Đại học.

         Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất mà theo chúng tôi là: Trong quá trình dạy tác phẩm người dạy chưa đi sâu vào những kỹ thuật khó để từ đó có những bài tập luyện riêng trước khi học tác phẩm cho dù đó là những ca khúc chuyển soạn hay là những tác phẩm mới. Bên cạnh cũngdo người học chưa thực sự đáp ứng được yêu cầucủa tác phẩm.Để khắc phục tình trạng trên chúng tôi xin được đưa ra một số kỹ thuật cơ bản mà đàn Nguyệt thường sử dụng trong diễn tấu các tác phẩm mới và cách luyện tập các kỹ thuật đó một cách cụ thể hơn.

 

BẢNG CÁC KỸ THUẬT SỬ DỤNG TRONG TÁC PHẨM MỚI

 

Kỹ thuật tay phải

Móng gảy

Gảy xuống

Gảy lên

Ngón vê

 

Ngón phi

Phi lên

Phi xuống

Kỹ thuật tay trái

Các thế bấm:

gồm 8 thế bấm

 

Rung

 

Luyến, nhấn, nhả

 

Ngón vỗ

 

Ngón vuốt: Vuốt lên, vuốt xuống

 

Rung

 

Luyến, nhấn, nhả

 

Kết hợp 2 tay

 

Gảy bồi âm

 

Kết hợp chuẩn sác giữa các thế tay để thực hiện tốt các kỹ thuật

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Cách luyện tập các kỹ thuật tay phải:

          Nói đến các kỹ thuật tay phải của đàn Nguyệt, đầu tiên phải nói đến kỹ thuật cầm móng gảy và cách gảy hay còn gọi là cách phát âm.

         Cách gảy truyền thống: Cầm móng gảy bằng 3 ngón tay: Ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Cách gảy này thường để đầu móng đàn có hướng hơi chếch lên trên, vị trí tiếp xúc của móng gảy với dây đàn là bất định.

     Ưu điểm:tiếng đàn chắc, không đềukhi gảy 4 nốt móc kép trở lên và không đáp ứng được với những tác phẩm có tốc độ nhanh nên thường chỉ dùng trong diễn tấu các bản nhạc dân ca và nhạc cổ. 

         Ngàynay đàn Nguyệt sử dụng kỹ thuật cầm móng và gảy bằng 2 ngón tay là ngón cái và ngón trỏ. Cách gảy bằng 2 ngón tay cũng tiếp thu cách gảy cổ truyền làđầu móng đàn có hướng chếch lên trên, nhưng chỉ hơi chếch, để móng đàn càng vuông góc với mặt đàn và dây đàn càng tốt, vị trí tiếp xúc của móng gảy với dây đàn cách ngựa đàn 12 đến 15cm, ngoài ra còn tùy theo tính chất của bài bản, lúc này người sử dụng đàn Nguyệt mới dịch chuyển vị trí tiếp xúc của móng gảy với dây đàn. Với cách cầm móng và gảy bằng 2 ngón tay đảm bảo cho người sử dụng đàn Nguyệt có thể thực hiện tốt các kỹ thuật vê, phi với tốc độ cao, nhanh đến rất nhanh, cộng với tiếng đàn thanh gọn và sắc nét. 

Có thể nói, kỹ thuật cầm móng và gảy đàn ở tay phải của đàn Nguyệt là một trong những kỹ thuật cơ bản rất quan trọng để có được tiếng đàn đẹp, tròn và đều đặn. Vì vậy, theo chúng tôi nên sử dụng kỹ thuật cầm móng và gảy bằng 2 ngón tay kết hợp với việc “để đầu móng đàn có hướng hơi chếch lên trên” của cách gảy cổ truyền sẽ đạt hiệu quả cao hơn khi diễn tấu các tác phẩm mới viết cho đàn Nguyệt độc tấu và hòa tấu. Với kỹ thuật này, người dạy cần giải thích, hướng dẫn kỹ cách cầm móng đàn bằng 2 ngón tay một cá cụ thể nhất như: Vị trí tiếp xúc của móng gảy cần nằm ở giữa ngón tay cái và trỏ tại chỗ nhiều thịt nhất, các ngón còn lại khum vào tự nhiên, không nắm chặt, không xòe rộng. Hướng đầu móng gảy hơi chếch lên trên, càng đặt vuông góc với dây đàn và mặt đàn càng tốt, cánh tay trên và cánh tay dưới ôm vòng theo thành đàn, thẳng lưng và hướng người về phía trước 1 góc 5 đến 10 độ.Ví dụ như:

         + Gảy xuống, nốt đen: Cần tác động móng gảy vào dây theo chiều xuống, có độ dừng, khoảng cách móng gảy với dây đàn từ 5mm - 1cm.

         + Gảy xuống, lên nốt móc đơn, móc kép: Cần tác động móng gảy vào dây theo chiều xuống, lên có độ dừng, khoảng cách móng gảy với dây đàn từ 5mm - 1cm.

         + Gảy nốt vê chậm: Cần tác động móng gảy vào dây theo chiều xuống, lên liên tục, đều đặn có độ dừng, khoảng cách móng gảy với dây đàn từ 4mm đến 8mm.

+ Gảy nốt vê nhanh : Cần tác động móng gảy vào dây theo chiều xuống, lên liên tục, đều đặn có độ dừng, khoảng cách móng gảy với dây đàn từ 3mm đến 5mm.

Kỹ thuật này giải quyết được việc người học thường mắc phải là khi gảy thường hướng đầu móng gảy lên trên quá nhiều, vị trí tiếp xúc gần với phím cuối của đàn, khi gảy nhanh thường sát Ngựa đàn. Để khắc phục việc gảy tiếng đàn không đều (to, nhỏ không ổn định), khi gảy các nốt móc kép liền nhau với tiết tấu nhanh, người dạy cần hướng dẫn người học gảy từ 4 nốt móc đơn lên, xuống (1 nhịp 2/4), sau là 8 nốt (1 nhịp 4/4) cho mỗi 1 lần gảy rồi dừng lại đối với tốc độ chậm. Sau khi đạt được tiếng đều như mong muốn, người học tăng tốc độ dần thành móc kép, cuối cùng đẩy tốc độ nhanh hết cỡ bằng kỹ thuật vê chậm rồi vê nhanh.

Có rất nhiều tác phẩm sử dụng các kỹ thuật trên, nhất là đối với các ca khúc chuyển soạn, tác phẩm mới dành cho đàn Nguyệt, ví dụ như: Tác phẩm “Trăng sáng đôi miền”, sáng tác An Chung

Ví dụ 11: Trích tác phẩm “Trăng sáng đôi miền”, sáng tác:An Chung

         Trong toàn tác phẩm sử dụng kỹ thuật gảy lên, xuống người dạy cần áp dụng phương pháp như đã trình bày ở trên cho người học dễ hiểu. Riêng với đoạn nhạc này với tính chất buồn thương, kết hợp tiết tấu chậm vừa nên đàn Nguyệt cần sử dụng các kỹ thuật Vê, Rung chậm. Cụ thể, tay phải cần vê nhanh và dừng ở nốt chấm dôi, vì vê không liền mạch với trường độ ngắn nên người học cần thả lỏng tay để tiếng vê nhanh, gọn, khoảng cách dao động của móng gảy với dây đàn ngắn khoảng 1cm. tay trái rung nhẹ, chậm vào nửa sau của những nốt ngân dài. Với những kỹ thuật trên, người dạy cần chọn một bài tập phù hợp hỗ trợ để người học luyện tập trước khi học tác phẩm.

Ví dụ 12: Trích “Bài tập vê”

         Sau khi bài tập vê được người học luyện tập nhuần nhuyễn với ngón vê luân chuyển nhẹ nhàng thì chuyển sang tập tác phẩm sẽ giúp tay vê mềm mại hơn và hiệu quả hơn trong xử lý các kỹ thuật có trong tác phẩm.

         + Cách luyện tập các kỹ thuật tay trái:

          Kỹ thuật luyện tay trái khi diễn tấu các tác phẩm mới chính là luyện tập cách tiếp xúc các ngón tay với dây đàn lướt trên các phím đàn sao cho các ngón tay đạt đến độ nhanh nhậy, mềm mại, chính sác. Để đạt được yêu cầu trên, theo chúng tôi, cần đặt ngón tay sao cho chỗ nhiều thịt nhất của các đầu ngón tay trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út (ngón 1, 2, 3, 4) tiếp xúc vào dây và ở giữa hoặc dịch về hướng cơ thể của khoảng cách 2 phím đàn (những ngón nếu không tác động đến dây theo yêu cầu thì khum lại tự nhiên). Ngón tay cái đặt chỗ nhiều thịt nhất lên sau cần đàn, sao cho ngón cái không đỡ dưới hoặc ngoắc vào cần đàn rồi kết hợp với kỹ thuật khi diễn tấu. Các ngón khi tiếp xúc cần dùng với lực vừa phải để tiếng đàn không bị mất tiếng, vỡtiếng, không đúng cao độ. Các ngón khum tự nhiên, không dùng nhiều sức (lên gân tay) để dịch chuyển khoảng cách được thuận lợi.  Để đạt được hiệu quả cao trong luyện tập kỹ thuật tay trái, người dạy cần hướng dẫn người học áp dụng nhiều bài tập kỹ thuật về chạy ngón của các thế tay. 

Ví dụ 13: Trích “Bài tập chạy ngón”

+ Cách luyện tập kết hợp các kỹ thuật hai tay:

         Sau khi người học đáp ứng được các kỹ thuật tay trái, tay phải, lúc này sẽ thực hành kỹ năng trực tiếp với bài theo hướng dẫn của người dạy. Đặc biệt lưu ý, khi tay gảy tiếp xúc với dây đàn thì đồng thời tay trái cũng tiếp xúc cùng lúc với các phím đàn (tránh hai tay tiếp xúc trước hoặc sau với dây đàn). 

         Ví dụ 14: Trích trong tác phẩm: Quê em, sáng tác: Xuân Khải 

         Khi xử lý các âm nhấn hay còn gọi là âm mượn trong đàn Nguyệt, người dạy cần cần hướng dẫn thật cụ thể cách nhấn sao cho âm vừa chuẩn lại không làm tiếng đàn bị bẹt hoặc câm tiếng, cụ thể khi diễn tấu nốt Re - Fa cần phải đặt đầu hai ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) vào gọn trên phím Re rồi dùng chính 2 ngón tay đó nhấn (bóp) dây xuống với một lực vừa phải, kết hợp cùng lúc với tay phải gảy gọn và chắc chuẩn lên nốt Fa.Kỹ thuật diễn tấu thông qua móng gảy và cách nhấn các âm mượn trên các phím đàn được sử dụng trong rất nhiều tác phẩm viết cho đàn Nguyệt; vì vậy, nếu giải quyết tốt được kỹ thuật này thì người học sẽ nhấn các âm mượn chuẩn xác và mềm mại hơn. 

         Trong xử lý tác phẩm, các kỹ thuật nhấn, nhả, rung ngang, rung dọc, vỗ, láy, lướt, vê ... cũng được sử dụng liên tục, liên hoàn, có khi chỉ trong 3 đến 4 nốt nhạc, nhưng người diễn tấu phải dùng đến 3, 4, hoặc 5 kỹ thuật liền một lúc. Nhiều tác phẩm được các tác giả viết thêm phần cadenza với mục đích phô diễn kỹ thuật cũng như để các nghệ sĩ có thể trưng trổ tài nghệ, ngón nghề của mình. Vì vậy, khi xử lý các tác phẩm mới viết cho đàn Nguyệt cần phải lưu tâm đến sự kết hợp giữa các kỹ thuật với giai điệu, giữa kỹ thuật với tính chất của các cadenza. Nhưng dù các tác phẩm của đàn Nguyệt có được viết dưới hình thức nào, với các kỹ thuật gì, có cadenza hay không thì hầu hết đều mang chất liệu dân gian, truyền thống, ví dụ như bài “Tình quân dân”.

 

Ví dụ 15: Trích phần mở đầu tác phẩm “Tình quân dân” Sáng tác Xuân Ba

         Phần mở đầu trên nhịp 2/4, đàn Nguyệt solo tự do 26 nhịp. Gồm các kỹ thuật chính như vê, lướt, rung ngang, rung dọc, nhấn, nhả. Khi diễn tấu tác phẩm này, người dạy cần hướng dẫn cho người học cách xử lý tay phải không cần dùng quá nhiều sức, vê và gảy có độ dừng, không cách xa dây đàn, điểm tiếp xúc cách ngựa đàn khoảng 15cm để có được tiếng đàn đẹp. Tay trái linh hoạt, không lên gân trong lúc rung, với cách rung từ chậm nhẹ chuyển sang nhanh mạnh để tránh mất cao độ của nốt cần rung. Hướng dẫn cho người học các rung trực tiếp (ngay khi chạm phím) những nốt Fa - Đô, rung đuôi những nốt ngân dài (gần kết thúc của nốt). Khi nhấn vào và nhả ra hơi nhanh, không chậm để tạo tiếng đàn tình cảm mượt mà nhưng không bi lụy. Những nốt vỗ cần vỗ nhanh và nhẹ.

Ví dụ 16: Bài tập hỗ trợ:

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, nhiều tác phẩm viết cho đàn Nguyệt được các tác giả đưa thêm phần cadenza vào trong tác phẩm của mình. phần cadenza của đàn Nguyệt cũng là phần trổ ngón với những kỹ thuật diễn tấu phức tạp. Tính chất và tiết tấu của phần cadenza thường tự do, khi khoan thai khi dồn dập, khi nỉ non khi mạnh bạo, lúc bi lúc tráng, lúc chậm lúc nhanh, như những con sóng lớn rồi lại như mặt nước phẳng lặng... Khi hướng dẫn cho người học xử lý phần cadenza,người dạy thường đưa ra phương pháp sau:

+ Bước 1:  Chia phần cadenza thành những đoạn nhỏ có tính chất khác nhau rồi tập từng đoạn.

+ Bước 2: Nối các đoạn thành 1 phần hoàn chỉnh

+ Bước 3: Người học luyện tập thành thục, người dạy định hướng phát triển cảm xúc của người học áp dụng vào phần này.

       Có thể thấy kỹ thuật là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp cho việc diễn tấu tốt các tác phẩm mới. Vì vậy, việc người dạyđưa ra phương pháp luyện tập ngón, luyện gam, với các kỹ thuật của hai tay như chạy móc kép, vê, kết hợp vê và nhấn …rất quan trọng, bởi các kỹ thuật trên đều được sử dụng trong các tác phẩm chuyển soạn và viết riêng cho đàn Nguyệt.Chúng tôi tin rằng, nếu giải quyết tốt các bước luyện tập kỹ thuật như đã trình bày ở trên thì người học sẽ không gặp tình trạng tiếng đàn không không tròn, chạy kép không đều, tiếng vê cứng, nhấn không chuẩn… và đặc biệt người học sẽ nắm được vững các ngón nhấn, rung, vỗ, luyến… để xử lý các kỹ thuật có trong tác phẩm cho tốt.

2.1.2. Cách xử lý các tác phẩm mới viết cho đàn Nguyệt

         Xử lý tác phẩm có nghĩa là xử lý sắc thái, xây dựng hình tượng nghệ thuật trong từng tác phẩm cụ thể. Với các tác phẩm viết cho đàn Nguyệt giai điệu thường rất rõ ràng, với tính chất trữ tình, trong sáng hoặc tươi vui, nhẹ nhàng, mang hơi thở của nỗi lòng con người Việt từ buồn thương đi lên tươi sáng, từ bi ai đi tới tráng lệ. Vì vậy, trong mỗi tác phẩm ngoài yếu tố kỹ thuật đều cần phải chú ý đến tính chất, nội dung của bài để xử lý sắc thái cho phù hợp ví dụ như trong tác phẩm “Tình mẹ”.

Ví dụ 19: Trích cadenda trong tác phẩm “Tình mẹ”, sáng tác của Trần Luận

         Trong đoạn cadenza này, tác giả đã sử dụng kỹ thuật nhấn, vỗ kết hợp với vê, chạy kép trước khi về kết. Nếu người dạy chỉ chú trọng vào các kỹ thuật mà không để ý đến việc xử lý tác phẩm thì đoạn nhạc này sẽ đơn thuần chỉ là một bài tập luyện ngón, như vậy sẽ không đúng với ý đồ của tác giả và nội dung của tác phẩm. Để xử lý tốt đoạn cadenza này, người dạy cần hướng dẫn cho người học cách xử lý sắc thái ở nhịp đầu tiên gảy xuống với cường độ nhẹ nhưng sắc nét, kết hợp vê từ nhỏ đến to dần xong lại nhỏ lạiđể chuẩn bị chạy kép cũng từ nhỏ đến to dần kết hợp với tiết tấu từ chậm đến nhanh dần rồi đẩy lên to và nhanh hết cỡ tạo cao trào trước khi về kết.

         Ngoài việc xử lý sắc thái thì người dạy cũng cần tìm ra hình tượng âm nhạc trong tác phẩm để người học dễ hình dung trong việc xử lý, ví dụ như tác phẩm “Trăng rằm” của Anh Tấn.

Ví dụ 20: Trích trong tác phẩm “Trăng rằm”, sáng tác của Anh Tấn

Với nét giai điệu mang đậm nét ca trù, tác phẩm sử dụng nhiều kỹ thuật rung nẩy, vỗ, nhấn luyến mượn nốt , láy…lúc khoan thai nhẹ nhàng, lúc rộn rã vui tươi khiến người nghe như thấy hình ảnh của một đêm trăng sáng vùng nông thôn bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình… Để diễn tấu tốt tác phẩm này người dạy nên hướng dẫn người học nghe nhiều làn điệu ca trù và chèo cổ để nắm bắt được cái thần, cái hồn trong những nốt nhấn, nốt nhả, sau đó đi sâu vào từng đoạn nhạc với cách xử lý sắc thái trong từng kỹ thuật như với những nốt vừa rung vừa nhấn thì cả hai tay đều phải thả lỏng, mềm mại, tiếng đàn buông ra thật nhẹ nhưng rõ từng nốt nhấn, từng nốt rung. Hoặc với những nốt vừa chạy kép, vừa nhấn, vỗ thì tay trái phải bám cần và lướt trên các phím nhẹ nhàng kết hợp với tay phải gẩy nhẹ, đều nhưng phải chắc tiếng. 

                  Có thể nói để diễn tấu được tốt một tác phẩm âm nhạc đòi hỏi người nghệ sĩ cần phải xử lý tốt cả phần kỹ thuật cũng như sắc thái, tình cảm của tác phẩm. Vì vậy, việc xây dựng nền tảng kỹ thuật, kết hợp kỹ thuật với diễn tấu các bài bản, tác phẩm mới là nhiệm vụ được quan tâm nhiều nhất. 

        2.2. Thực hành sư phạm:

         2.2.1. Thực hành sư phạm ở hệ Trung cấp:

         2.2.1.1. Thực hành lý thuyết:

Gồm 4 bước với những yêu cầu cụ thể cho người dạy và người học đó là:

         Bước 1:Giới thiệu tác phẩm và tác giả

         Bước 2Vỡ bài tại lớp

         Bước 3:Hoàn thiện kỹ thuật và sử lý tác phẩm      

         Bước 4:Kiểm tra, đánh giá

         2.2.1.2. Thực hành sư phạm:

Cũng bao gồm 4 bước nhưng đí sâu vào phần thực hành sư phạm. Cụ thể tronggiảng dạy tác phẩm “Cô gái vườn ươm”, sáng tác của Nguyễn Thịnh - Ngọc Thanh.Tác phẩmdành cho năm thứ 2 Trung cấp (Xem toàn bộ tác phẩm ở phần phụ lục)

2.2.2. Thực hành sư phạm ở hệ Đại học

2.2.2.1. Thực hành lý thuyết:

Gồm 4 bước với những yêu cầu cụ thể cho người dạy và người học đó là:

           Bước 1Hướng dẫn cách vỡ bài tại lớp và luyện tập

          Bước 2:Hoàn thiện các kỹ thuật và xử lý tác phẩm

         Bước 3:Thực hành diễn tấu

         Bước 4: Giao bài mới (nếu người học đảm bảo bài cũ và theo yêu cầu của người dạy)

2.2.2.2. Thực hành sư phạm

Cũng bao gồm 4 bước nhưng đí sâu vào phần thực hành sư phạm. Cụ thểkhi giảng dạy tác phẩm  “Chung một niềm tin”, sáng tác của Xuân Khải.Tác phẩm được dạy ở trình độ Đại học năm thứ 2 (xem toàn bộ tác phẩm ở phần phụ lục)

*Tiểu kết Chương 2

Phương pháp giảng dạy thực sự có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, chất lượng dạy và học, nhất là trong việc dạy độc tấu nhạc cụ. Vì vậy, ở chương 2 chúng tôi đã đưa ra những giải pháp, phương pháp cụ thể đối với việc giảng dạy các tác phẩm mới. 

Với người học, chúng tôi đưa ra mục tiêu là cần phải được ôn luyện, hoàn thiện các kỹ thuật cơ bản của đàn Nguyệt trong từng năm học, từng cấp học để kết quả cuối cùng là người học phải xử lý tốt các tác phẩm viết cho đàn Nguyệt độc tấu và hòa tấu với dàn nhạc. Muốn đạt được mục tiêu trên, cần phải xây dựng được một nền tảng kỹ thuật, kết hợp với diễn tấu các bài bản, tác phẩm mới cho người học. Việc người dạy đưa ra phương pháp luyện tập ngón, luyện gam, với các kỹ thuật của hai tay như chạy móc kép, vê, kết hợp vê và nhấn… là rất quan trọng. Nếu không giải quyết được tốt phần kỹ thuật, thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc xử lý các tác phẩm. 

       Nói đến giai điệu trong các tác phẩm viết cho đàn Nguyệt thì hầu hết đều mang chất liệu dân gian, truyền thống. Nhiều tác phẩm được các tác giả viết thêm phần Cadenza với mục đích phô diễn kỹ thuật cũng như để các nghệ sĩ có thể trưng trổ tài nghệ, ngón nghề của mình. Trong xử lý tác phẩm, các kỹ thuật nhấn, nhả, rung ngang, rung dọc, vỗ, láy, lướt, vê ... được sử dụng liên tục, liên hoàn, có khi chỉ trong 3 đến 4 nốt nhạc, nhưng người diễn tấu phải dùng đến 3, 4, hoặc 5 kỹ thuật liền một lúc. Vì vậy, giải pháp chúng tôi cũng đưa ra khi xử lý các tác phẩm mới là sự kết hợp giữa dân gian với kỹ thuật diễn tấu đương đại, giữa các kỹ thuật với giai điệu và giữa kỹ thuật với tính chất của các cadenza.

         Cũng trong chương 2, chúng tôi mạnh dạn xây dựng một số bước thực hành sư phạm và đề ra những bước mang tính nguyên tắc cơ bản trong giảng dạy cụ thể ở 2 cấp học là Trung học và Đại học nhằm thể hiện tính khoa học trong Giảng dạy tác phẩm đàn Nguyệttại Trường ĐHVHNTQĐ.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Đàn Nguyệt là một nhạc cụ có vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc Việt Nam, là nhạc cụ không thể thiếu trong các dàn nhạc truyền thống. Đặc biệt là sự ra đời của trường Âm nhạc Việt Nam năm 1956 (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Đàn Nguyệt đã được đưa vào giảng dạy một cách bài bản, chuyên nghiệp. Từ Trường Âm nhạc Việt Nam đã dần hình thành một hệ thống các trường âm nhạc chuyên nghiệp khác trong đó có Trường ĐHVHNTQĐ. Cũng từ cái nôi âm nhạc này, đã có nhiều nhạc sĩ viết nhiều tác phẩm mới cho đàn Nguyệt độc tấu hoặc hòa tấu cùng dàn nhạc thấm đẫm tinh thần văn hóa Việt, tâm hồn Việt, được các nghệ sĩ diễn tấu với trình độ kỹ thuật cao và mới mẻ bởi đã tiếp thu vốn cổ, bổ xung kỹ thuật mới, nâng cao khả năng diễn tấu của cây đàn. 

Sự ra đời của các tác phẩm mới đã nhanh chóng chinh phục được đông đảo những người yêu nhạc, có vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc nước nhà nói chung và đã mang lại cho chương trình giảng dạy tại Trường ĐHVHNTQĐ một diện mạo mới. Chúng tôi nhận thấy, nhiều năm qua bộ môn đàn Nguyệt tại Khoa NTDT&MN, Trường ĐHVHNTQĐ đã phát triển cả về đội ngũ giảng viên, học sinh, sinh viên, đạt được những thành công nhất định trong giảng dạy và biểu diễn đàn Nguyệt nói riêng và âm nhạc truyền thống nói chung. Tuy nhiên, do khối lượng tác phẩm mới được đưa vào giảng dạy chưa nhiều, chương trình, giáo trình của đàn Nguyệt còn nhiều bất cập nên chúng tôi đã đưa ra những giải pháp cụ thể giúp người học giải quyết tốt phần kỹ thuật cũng như xử lý các tác phẩm mới cho đàn nguyệt. Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa một số thể nghiệm vào giảng dạy như: Cho bài giống nhau ở cùng một năm học với cách học theo nhóm, người dạy và người học cùng thảo luận về tính chất và yêu cầu của tác phẩm và khuyến khích người học sáng tạo trong cách học và cách xử lý bài, tổ chức biểu diễn trong lớp, trả bài qua mạng để các bạn cùng nghe và cùng góp ý cho nhau dưới sự định hướng của giáo viên…từ đó các em có ý thức cạnh tranh lành mạnh trong học tập và thêm yêu cây đàn hơn.

             Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo đàn Nguyệt tại Trường ĐHVHNTQĐ, nhất là trong bối cảnh âm nhạc dân tộc đang chịu sức ép lớn của nhiều dòng âm nhạc đến từ bên ngoài mà nhiệm vụ quan trọng của nhà trường là bảo lưu, gìn giữ, phát triển nền âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam trong đó có việc đào tạo các nhạc cụ dân tộc nói chung và đàn Nguyệt nói riêng. Chúng tôi xin có một số kiến nghị sau:

         - Cần tổ chức biên soạn, hiệu đính, in ấn các tuyển tập trong đó có các tuyển tập tác phẩm mới để đưa ra một giáo trình chuẩn.

         - Cần đưa thêm một số tác phẩm mới có giá trị nghệ thuật cao vào chương trình giảng dạy đàn Nguyệt tại Trường ĐHVHNTQĐ.

         - Cần có kế hoạch khuyến khích các nhạc sĩ, nghệ sĩ viết các tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc nói chung và đàn Nguyệt nói riêng.

         - Cần tổ chức nhiều hơn các cuộc biểu diễn tác phẩm mới cho học sinh, sinh viên với nhiều hình thức khác nhau.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn