Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13474990
Luận văn Thạc sĩ Chủ nhật, 10/11/2024
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Liên
Tên đề tài “Nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc cho học sinh khối lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện”
Chuyên ngành: Lý Luận và Phương pháp giảng dạy âm nhạc
Mã số: 8140111
Cán bộ hướng dẫn khoa học:  PGS.TS Lê Anh Tuấn
Ngày đăng: 16/06/2020

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn

 

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Âm nhạc gắn liền với đời sống tinh thần của mỗi con người. Từ khi sinh ra cho đến lúc đi về thế giới bên kia, âm nhạc luôn song hành với mỗi chúng ta. 

Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn tả những cung bậc cảm xúc của con người trước tự nhiên và xã hội, tạo ra cảm xúc mạnh mẽ và tác động đến bộ não của chúng ta, là phương tiện góp phần hình thành nhân cách, phát triển năng lực thẩm mỹ, phẩm chất đạo đức của mỗi con người.

Trong trường tiểu học, học sinh được cung cấp những kiến thức âm nhạc sơ đẳng, được học một số kĩ năng ca hát, tìm hiểu cái hay cái đẹp của những ca khúc mà các em được học, được cảm thụ cảm nhận giai điệu những bài dân ca, nhạc nước ngoài hay ca khúc thiếu nhi. Việc cảm nhận những giai điệu đó là phương tiện hữu hiệu nâng cao khả năng nhận thức, tư duy, óc sáng tạo cho học sinh. Âm nhạc có tác động mạnh đến sự hình thành và phát triển năng lực thẩm mỹ, phẩm chất đạo đức cho học sinh tiểu học [32].

Từ đặc điểm nhận thức của học sinh tiểu học [6, tr 104] ta thấy âm nhạc là môn học cần có sự tư duy, tưởng tượng tốt và cũng là phương tiện hữu hiệu giúp cho khả năng tư duy tưởng tượng của chúng ta được tốt hơn nên việc học âm nhạc ở cuối tuổi tiểu học sẽ giúp cho các em rất nhiều trong việc phát triển tư duy, tưởng tượng, việc học âm nhạc được tốt hơn, hiệu quả hơn lứa tuổi đầu tiểu học. Tuy nhiên, khi quan sát học sinh khối lớp 4, lớp 5 hát và biểu diễn các tiết mục văn nghệ tại cơ sở, tôi thấy đa phần học sinh hát một cách máy móc, dừng lại ở thuộc giai điệu và lời ca, hát chưa rõ sắc thái tình cảm, chưa đem lại cảm xúc cho người nghe. Tại sao lại vậy? Phải chăng do trình độ sư phạm, trình độ chuyên môn của giáo viên chưa tốt? Hay khả năng cảm nhận của học sinh chưa cao? Làm cách nào để giúp các em biết hát có sắc thái tình cảm, truyền cảm xúc đến người nghe? Làm cách nào để giúp học sinh cảm nhận về giai điệu, tiết tấu, nội dung ý nghĩa của ca khúc một cách có hiệu quả? Đó cũng chính là một trong những mục tiêu giáo dục âm nhạc, mục đích của môn học đòi hỏi người giáo viên phải tìm ra hướng giải quyết.

Nắm được mục tiêu, tầm quan trọng của giáo dục âm nhạc tới sự hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh với ý nghĩ làm thế nào để chất lượng dạy học môn âm nhạc đối với học sinh khối lớp 4, lớp 5 đạt hiệu quả cao. Từ thực tế giảng dạy môn học tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện - Đống Đa - Hà Nội, những yêu cầu của môn học mà ngành giáo dục đặt ra tôi đã lựa chọn đề tài: “Nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc cho học sinh khối lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện”. Với đề tài này, tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình để nâng cao chất lượng dạy học tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện - Đống Đa - Hà Nội nơi tôi đang công tác.

2. Lịch sử đề tài:

Để tiến hành triển khai những nội dung nghiên cứu của đề tài, tôi đã tham khảo một số tài liệu, tham luận, công trình nghiên cứu có liên quan đến vấn đề giảng dạy âm nhạc, luận văn thạc sĩ của các cơ sở đào tạo có liên quan đến chuyên ngành này:

  • Tài liệu về Tâm lý giáo dục:

Nguyễn Hữu Hảo - Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm - NXB Đại học Sư phạm (2009). Cuốn sách nói về đặc điểm của quá trình, phẩm chất tâm lí ở các lứa tuổi khác nhau người giáo viên cần nắm bắt đưa ra các phương pháp sư phạm cho phù hợp với từng độ tuổi.

Phạm Thành Nghị - Tâm lý học giáo dục - NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội (2016). Cuốn sách chỉ ra sự khác biệt trong tiếp cận dạy học theo định hướng người thầy và tiếp cận dạy học theo định hướng người học, người thầy đóng vai trò hướng dẫn, giúp học sinh trở thành chủ thể tích cực của quá trình nhận thức.

Nhóm tác giả Bùi Văn Huệ, Phan Thị Hạnh Mai, Nguyễn Xuân Thức - Giáo trình tâm lý học tiểu học - NXB Đại học Sư phạm (2016). Cuốn sách đưa ra các quá trình tâm lí, đặc điểm tâm lí của học sinh tiểu học.

Tài liệu tâm lý học lứa tuổi tiểu học - trang TaiLieu.vn. Tài liệu nói về tâm lý học lứa tuổi tiểu học, đặc điểm tâm lý cơ bản, lí luận về sự phát triển tâm lý trẻ em, đặc điểm nhận thức, đặc điểm nhân cách và các hoạt động cơ bản của học sinh tiểu học.

  • Tài liệu về phương pháp dạy học âm nhạc:

Phan Trần Bảng - Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông - NXB Giáo dục (2000). Cuốn sách đưa ra những vấn đề về lí luận, phương pháp dạy học âm nhạc cho học sinh phổ thông.

Hoàng Long - Hoàng Lân - Phương pháp dạy học âm nhạc - NXB Giáo dục (2005). Cuốn sách nói về lí luận, phương pháp dạy học âm nhạc cho học sinh trung học cơ sở.

Lê Anh Tuấn - Phương pháp dạy học âm nhạc ở Tiểu học và THCS  - NXB Đại học Sư Phạm (2010). Cuốn sách đưa ra những vấn đề về nghệ thuật âm nhạc trong đời sống xã hội và trong trường phổ thông, các phương pháp và hoạt động âm nhạc, giáo án các tiết dạy và phương pháp tổ chức hoạt động âm nhạc ngoại khóa.

Nhóm tác giả Lê Anh Tuấn, Hoàng Long, Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Trần Thu Thủy - Hướng dẫn giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực môn âm nhạc lớp 4 - NXB Đại học Sư Phạm (2013). Cuốn sách gồm hai phần, phần đầu nói về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập môn âm nhạc. Phần 2 là những thiết kế bài giảng tất cả các tiết học trong chương trình môn âm nhạc lớp 4.

Nhóm tác giả Lê Anh Tuấn, Hoàng Long, Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Trần Thu Thủy - Hướng dẫn giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực môn âm nhạc lớp 5 - NXB Đại học Sư Phạm (2013). Cuốn sách gồm hai phần, phần đầu nói về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập môn âm nhạc. Phần 2 là những thiết kế bài giảng tất cả các tiết học trong chương trình môn âm nhạc lớp 5.

Hoàng Long, Hoàng Lân - Giáo trình âm nhạc và phương pháp dạy học âm nhạc - NXB Đại học Sư phạm (2010). Cuốn sách đưa ra những vấn đề cơ bản về nhạc lí, âm nhạc thường thức, chương trình âm nhạc và một số bài hát, bài tập đọc nhạc, phương pháp dạy học âm nhạc ở bậc tiểu học.

  • Các tài liệu tham khảo, sáng kiến kinh nghiệm, luận văn có liên quan đến đề tài:

Bài viết “ So sánh về sách giáo khoa Âm nhạc tiểu học của Singapore và Việt Nam” của Anh Tuấn  đăng vào ngày 09.12.2013 trên trang music.edu.vn. Bài báo cho thấy sự giống nhau và khác nhau giữa chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức môn học âm nhạc ở bậc tiểu học của Việt Nam và Singapore. 

Bên cạnh đó, Luận văn cũng đã nghiên cứu và tham khảo một số đề tài, sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc ở trường tiểu học như sau:

Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy phân môn Tập đọc nhạc cho học sinh Tiểu học tác giả Vũ Thị Mùi năm 2016 - 2017. Sáng kiến kinh nghiệm đã đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học phân môn TĐN cho học sinh lớp 4 tại trường tiểu học Lộc An thành phố Nam Định tỉnh Nam Định. Sáng kiến này giáo viên đưa ra quy trình dạy TĐN, biện pháp giúp học sinh nhớ giai điệu trước khi đọc TĐN, tổ chức trò chơi củng cố. Sáng kiến chưa đưa ra phương pháp giúp học sinh học TĐN một cách chủ động.

Luận văn thạc sĩ: “Trò chơi trong giờ học âm nhạc, trường phổ thông thực hành sư phạm An Giang” tác giả Nguyễn Quang Minh năm 2020. Luận văn này đã đưa ra tiêu chí, cách xây dựng và một số thiết kế trò chơi cho học sinh khối lớp 4, lớp 5 tại trường phổ thông thực hành sư phạm An Giang. Luận văn hướng cho giáo viên tiểu học biết cách xây dựng các trò chơi âm nhạc, từ cách xây dựng trò chơi mà ứng dụng một cách linh hoạt vào thiết kế trò chơi âm nhạc cho trường mình.

Luận văn thạc sĩ: “ Nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc cho học sinh trường tiểu học Phan Bội Châu Cẩm Phả, Quảng Ninh 2018 của tác giả Ngô Viết Chung. Luận văn trên đã góp phần cải tiến một số nội dung và phương pháp dạy học môn âm nhạc ở trường tiểu học Phan Bội Châu Cẩm Phả, Quảng Ninh. 

Luận văn thạc sĩ: Dạy học hát cho học sinh khối lớp 4 trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm thành phố Buôn Ma Thuột năm 2019 của tác giả Nguyễn Lê Xuân Quý. Luận văn đưa ra các biện pháp dạy học hát: các bước tiến hành dạy hát, rèn luyện một số kĩ năng hát cơ bản, rèn luyện kĩ thuật ca hát và một số trò chơi vào tiết học hát. Luận văn đưa ra các biện pháp rèn kĩ năng ca hát cho học sinh lớp 4 rất chi tiết và là tài liệu để chúng tôi tham khảo.

   Luận văn thạc sĩ: “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy phân môn Âm nhạc thường thức khối Trung học cơ sở tại trường Thực hành Sư phạm - Đại học Hạ Long” năm 2018 của tác giả Đoàn Thanh Vân. Luận văn đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng dạy phân dạy âm nhạc thường thức cho khối trung học cơ sở.

   Có thể nói, các luận văn, sáng kiến kinh nghiệm nêu trên đã giúp ích cho chúng tôi trong quá trình hoàn thành luận văn của mình. Tuy nhiên qua tìm hiểu một số đề tài về phương pháp giảng dạy âm nhạc, tôi thấy rằng các đề tài đó ứng với từng cơ sở, từng địa phương, mỗi nơi lại có đặc điểm riêng về vùng miền, trình độ văn hóa dân cư khác nhau, khả năng ứng dụng các giải pháp của luận văn khác vào hoạt động dạy học tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện - Đống Đa - Hà Nội có hiệu quả không cao. Chính vì vậy mà chúng tôi đã mạnh dạn lựa chọn đề tài nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc cho học sinh khối lớp 4, lớp 5 ở trường tiểu học Tô Vĩnh Diện- Đống Đa - Hà Nội và do đó mà đề tài của luận văn không bị trùng lặp với các luận văn đã công bố trước đây.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

- Đối tượng nghiên cứu: 

Toàn bộ các hoạt động và hiệu quả  của giáo dục âm nhạc: chương trình, chất lượng giảng dạy của giáo viên, khả năng tiếp thu môn âm nhạc của học sinh khối lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện quận Đống Đa thành phố Hà Nội.

- Phạm vi nghiên cứu:

Đề tài nghiên cứu việc dạy và học môn âm nhạc cho học sinh khối lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện - Đống Đa - Hà Nội.

4. Mục tiêu nghiên cứu:

Từ lý luận và thực tiễn đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh khối lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện - Đống Đa - Hà Nội.

Đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh khối lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện - Đống Đa - Hà Nội.

5. Phương  pháp nghiên cứu:

Để tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

  • Phương pháp lý thuyết
  • Phương pháp nghiên cứu thực tiễn:

+ Thu thập thông tin: phương pháp điều tra, phỏng vấn, quan sát.

+ Xử lý thông tin: Phương pháp thống kê, phân loại.

+ Đánh giá, nhận xét thông tin: Phương pháp phân tích và tổng hợp

  • Phương pháp thực nghiệm.
  • Phương pháp phi thực nghiệm.

Trong từng phần của luận văn, chúng tôi vận dụng các phương pháp nghiên cứu một cách hài hòa để giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề mà đề tài đặt ra.

6. Đóng góp mới của đề tài: 

Những giải pháp đề xuất trong luận văn góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh khối lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện - Đống Đa - Hà Nội.

Việc hoàn thành luận văn đã mở ra cho chúng tôi khả năng nghiên cứu, học và tự học để không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của mình trong quá trình công tác giảng dạy tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện.

7. Bố cục luận văn: 

Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và danh mục, luận văn gồm 2 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn.

Chương 2 : Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc.

CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

 

1.1. Vai trò của giáo dục âm nhạc và đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi:

1.1.1.Vai trò giáo dục của âm nhạc với sự phát triển nhân cách cho học sinh tiểu học:

Âm nhạc là môn nghệ thuật của thời gian, nó vô cùng tinh tế, tác động mạnh mẽ và có sức biểu cảm rất lớn trong việc thể hiện nội tâm của con người trước tự nhiên và xã hội. Âm nhạc làm cho con người sống hướng thiện hơn, nhân ái hơn.

Ở trường tiểu học, âm nhạc là một trong những phương tiện hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, góp phần giáo dục  học sinh toàn diện, hình thành nhân cách con người.Hoạt động âm nhạc trong trường tiểu học bước đầu hình thành khả năng cảm thụ, hiểu và thể hiện nghệ thuật âm nhạc, khơi dậy khả năng sáng tạo cho các em. Giáo dục âm nhạc là hình thức giáo dục nghệ thuật mang tính đặc thù, có khả năng liên kết, sử dụng cũng như hỗ trợ, lồng vào tất cả hình thức, nội dung giáo dục khác, làm cho việc thực hiện những yêu cầu, mục tiêu giáo dục đạt hiệu quả cao, khơi dậy trong học sinh những cảm xúc hướng tới chân, thiện, mỹ, ươm mầm những ước mơ tươi đẹp. Âm nhạc có tác động mạnh mẽ đến các mặt giáo dục của học sinh:

- Âm nhạc với sự phát triển về mặt trí tuệ của học sinh

Âm nhạc với sự phát triển về mặt thẩm mĩ của học sinh

Âm nhạc với sự phát triển về mặt đạo đức của học sinh

Âm nhạc với sự phát triển về mặt thể chất của học sinh

1.1.2. Đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi tác động đến khả năng nhận thức của học sinh:

Phát triển về mặt sinh lý:

Lứa tuổi nhi đồng là lứa tuổi phát triển mạnh về mặt sinh lý. Hệ thống cơ xương của các em đang phát triển mạnh nên các em rất thích các trò chơi vận động như chạy, nhảy, nô đùa. Hệ thần kinh cấp cao đang hoàn thiện về mặt chức năng, do vậy tư duy của các em chuyển dần từ trực quan hành động sang tư duy hình tượng. Do đó, các em rất hứng thú với các trò chơi trí tuệ như đố vui trí tuệ, các cuộc thi trí tuệ.

  • Phát triển về mặt tâm lý: 

Ở lứa tuổi tiểu học, tâm lý của học sinh có sự thay đổi về chất, hoạt động chuyển dần từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập. Sự phát triển tâm lí chính là sự hình thành, phát triển các hoạt động tâm lí mà trước hết là hoạt động trí tuệ. Giai đoạn đầu lứa tuổi tiểu học, các em nhận thức cảm tính, tri giác là chính nhưng đến cuối lứa tuổi tiểu học, nhận thức lí tính với tư duy, tưởng tượng phát triển mạnh. Các phẩm chất tư duy chuyển dần từ tính cụ thể sang tư duy trừu tượng khái quát. 

Đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi học sinh lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện phù hợp với khả năng nhận thức và phát triển kĩ năng âm nhạc của các em về tai nghe âm nhạc, trí nhớ âm nhạc, chất giọng và cảm nhận âm nhạc về giai điệu, tiết tấu. 

   Qua nghiên cứu đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi tác động đến khả năng nhận thức đối với hoạt động giáo dục âm nhạc học sinh lớp 4, lớp 5 trường tiểu học Tô Vĩnh Diện, môn âm nhạc là một môn học giúp các em phát triển về cả mặt sinh lý và tâm lý, phát triển tư duy, giúp cho khả năng tư duy, sáng tạo được tốt hơn, đời sống tư tưởng tình cảm của học sinh được mở rộng, từ sự cảm nhận, rung cảm mà hình thành những tư tưởng tình cảm đạo đức giúp các em sống hướng thiện hơn, nhân văn hơn.

1.2. Vài nét về trường tiểu học Tô Vĩnh Diện và thực trạng giảng dạy môn âm nhạc tại trường :

1.2.1 Vài nét về trường tiểu học Tô Vĩnh Diện - Đống Đa- Hà Nội

Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện nằm ở Ngõ Quan Thổ 1, Phường Hàng Bột Quận Đống Đa thành phố Hà Nội. Trường được thành lập vào năm 1959. Ngày 28 tháng 7 năm 1992 trường được tách ra thành hai trường, cấp 1 và cấp 2. Trường có đội ngũ giáo viên hết lòng vì sự nghiệp giáo dục cùng với sự nỗ lực của học sinh đã đem lại cho nhà trường nhiều giải thưởng trong các kì thi học sinh giỏi của thành phố và quận Đống Đa. Giáo viên của trường đa phần là trình độ Đại học, một số ít ở trình độ Cao đẳng, Trung cấp. Giáo viên Âm nhạc gồm 2 đồng chí giảng dạy lâu năm ở trường, đạt được một số thành tích. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên còn nhiều hạn chế.

1.2.2  Thực trạng việc giảng dạy môn âm nhạc cho khối lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện - Đống Đa – Hà Nội:

1.2.2.1 Việc thực hiện nội dung chương trình:

a. Nội dung chương trình của Bộ GD và ĐT:

Chương trình âm nhạc lớp 4, lớp 5 gồm 3 phân môn: Học hát, TĐN và Âm nhạc thường thức. Các phân môn được phân phối trong các tiết dạy, gồm 35 tiết và mỗi tiết có thời lượng 35 phút.

  • Học hát: Học 10 bài hát gồm ca khúc thiếu nhi, dân ca và nước ngoài
  • Tập đọc nhạc: Mỗi khối lớp học 8 bài TĐN viết ở giọng 2/4, 3/4 gồm 2 câu mỗi câu 4 ô nhịp. 
  • Âm nhạc thường thức: Giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc, một số nhạc cụ nước ngoài. Nghe nhạc: nghe một ca khúc thiếu nhi, một bài dân ca hay nhạc nước ngoài. Kể chuyện âm nhạc.

1.2.2.2 Phương pháp dạy học:

a. Phân môn học hát

Giáo viên dùng phương pháp trực quan, giảng giải giải thích, làm mẫu để dạy.

b. Phân môn Tập đọc nhạc (TĐN)

Giáo viên dùng phương pháp làm mẫu, trực quan, truyền miệng, giảng giải, giải thích để dạy.

  1. Phân môn Âm nhạc thường thức : 

Giáo viên sử dụng phương pháp trực quan, giảng giải, giải thích, đàm thoại để dạy.

1.2.2.3 Hoạt động ngoại khóa:

Hoạt động ngoại khóa ở trường tiểu học Tô Vĩnh Diện được tổ chức rất sơ sài, các ngày lễ trong năm học thường làm rất đơn giản vì vậy mà chất lượng chưa cao nhất là phần văn nghệ. Chương trình văn nghệ trong mỗi ngày lễ diễn ra đơn giản, các tiết mục biểu diễn đơn điệu với ít hình thức như: Hát đơn ca, tốp ca, đồng ca nhưng không có múa phụ họa. Một số ít tiết mục múa nhưng ở hình thức dân vũ, các bạn thực hiện các động tác giống nhau. Trong mỗi một buổi biểu diễn thường chỉ có 2 đến 3 tiết mục. 

1.2.2.4 Đánh giá chất lượng dạy và học tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện:

a. Chất lượng dạy tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện:

Giáo viên chưa thật sự nhiệt huyết trong công việc giảng dạy cũng như phong trào của nhà trường, không tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến chất lượng dạy và học chưa tốt để có những biện pháp khắc phục.

   Khả năng học và tự học, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.

   Không tham gia các lớp tập huấn, chưa có sự trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ với đồng nghiệp để học hỏi lẫn nhau trong cùng tổ bộ môn. Vì vậy mà giáo viên không có nguồn thông tin, không cập nhật những phương pháp sư phạm mới, kĩ năng nghề nghiệp không được phát triển. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy học của mình.

Trình độ chuyên môn của giáo viên còn yếu kém.

b. Chất lượng học tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện:

Học sinh thực hiện kĩ năng của ba phân môn Học hát, Tập đọc nhạc, Âm nhạc thường thức chưa tốt. 

Đa phần học sinh không biết hát có sắc thái tình cảm một bài hát, Tập đọc nhạc mang tính chất bắt chước, phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Không mạnh dạn tự tin biểu diễn văn nghệ trong các buổi hoạt động ngoại khóa của nhà trường

Trường ở địa bàn khu dân cư đa phần là lao động tự do, buôn bán nhỏ nên phụ huynh ít quan tâm đến việc học hành của con em mình. Học sinh không trú trọng và coi môn học này là môn phụ cũng ảnh hưởng đến chất lượng học của học sinh.

 

 

Tiểu kết chương 1

Chương trình âm nhạc lớp 4, lớp 5 của Bộ GD và ĐT ban hành Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ. Trong quá trình thực hiện chương trình tại trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, giáo viên âm nhạc chúng tôi thấy chương trình nhìn chung hợp lí với ba phân môn Học hát, Tập đọc nhạc và Âm nhạc thường thức. Trong chương trình, học sinh được học những ca khúc thiếu nhi, dân ca với giai điệu, ca từ hay, nội dung phong phú về đề tài quê hương, đất nước, mái trường, tình thầy trò, tình cảm gia đình... các ca khúc đều mang tính giáo dục cao. Tuy nhiên khi thực dạy tại trường tôi thấy có những tồn tại về phương pháp, cách dạy của từng phân môn, các hoạt động trong tiết dạy còn đơn điệu sơ sài, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên còn yếu kém nên việc thực hiện những kĩ năng của học sinh chưa tốt, thể hiện một ca khúc chưa có sắc thái tình cảm. Vì vậy cần phải thay đổi phương pháp dạy học để chất lượng dạy và học của trường được nâng lên.

Về phương pháp, quy trình dạy học: Tất cả các phân môn Học hát, Tập đọc nhạc, Âm nhạc thường thức giáo viên đều dạy theo lối truyền thụ một chiều, truyền miệng, chủ yếu học sinh bắt chước giáo viên. Khi dạy, giáo viên không có sự thu hút học sinh làm cho tiết học rời rạc, buồn tẻ. 

Giáo viên dạy với hình thức đơn giản, sử dụng trang thiết bị dạy học thô sơ như bảng phụ, tranh ảnh chưa biết ứng dụng công nghệ thông tin vào tiết học.

Hoạt động ngoại khóa của trường chất lượng không tốt, các tiết mục biểu diễn đơn điệu với các hình thức hát đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca không có múa phụ họa. Múa mang hình thức dân vũ cả nhóm làm động tác giống nhau từ đầu đến cuối.

Những thực trạng về chất lượng dạy và học môn âm nhạc tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện như đã trình bày trong chương một đòi hỏi cần phải có những phương pháp, biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh khối lớp 4, lớp 5, chúng tôi sẽ trình bày ở chương hai.

 

CHƯƠNG 2

CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC MÔN ÂM NHẠC

 

2.1. Đưa các bài hát vào tiết học hát bài địa phương tự chọn:

2.1.1 Tiêu chí chọn ca khúc cho phân môn học hát trong chương trình âm nhạc lớp 4, lớp 5 theo Bộ GD và ĐT:

Những bài hát đưa vào tiết học hát bài địa phương tự chọn tôi dựa theo tiêu chí chọn bài hát dựa theo tiêu chí chọn bài hát của Bộ GD và ĐT [4, tr 168], phù hợp với khoảng âm vực của học sinh.

2.1.2 Các bài hát địa phương tự chọn:

Những tiết học hát bài địa phương tự chọn, giáo viên của từng địa phương được chọn và đưa vào chương trình các bài hát cho phù hợp với địa phương của mình. Tại Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện tôi chọn các bài hát :

Lớp

Tiết bài hát địa phương 

tự chọn

Bài hát chọn đưa vào 

chương trình

4

Tiết 15

Hát với hoa điệp vàng Hà Nội

Nhạc và lời: Trần Mạnh Cường

Tiết 32

Hoa thơm dâng Bác

Nhạc và lời: Hải Hà

5

Tiết 16

Mùa xuân tình bạn

Nhạc và lời: Cao Minh Khanh

Tiết 32

Hát bên lăng Bác

Nhạc và lời: Cao Minh Khanh

 

 

2.2. Đổi mới phương pháp dạy học:

2.2.1. Thay đổi phương pháp dạy học, thay đổi các bước trong  phân môn học hát:

Trong phân môn học hát gồm có học bài hát, ôn bài hát.

Với quy trình dạy môn học hát tôi có thay đổi các bước: quy trình cũ bước  chia câu hát đánh dấu chỗ lấy hơi thực hiện trước bước giải thích từ khó. Quy trình mới thôi thực hiện cho học sinh tìm từ khó, giải thích từ khó trước bước chia câu hát đánh dấu chỗ lấy hơi.

Thay đổi một phần phương pháp dạy học, dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, dùng phương pháp gợi mở, làm việc nhóm, thảo luận nhóm vào dạy học.

Đưa ra biện pháp sửa sai cao độ, tiết tấu khi học sinh hát sai.

Với ôn bài hát kết hợp gõ đệm theo ba cách:

+ Hát kết hợp gõ đệm theo phách.

+ Hát kết hợp gõ đệm theo nhịp.

+ Hát kết hợp gõ đệm theo tiết tấu

Ngoài ba cách trên, tôi đưa vào một cách nữa và gọi tên là hát kết hợp gõ đệm theo âm hình đệm.

2.2.2. Tăng cường kiến thức cơ bản, thay đổi cách dạy TĐN:

Thay đổi cách dạy phân môn TĐN. Dạy phân môn tập đọc nhạc theo hướng chủ động tích cực. Giáo viên tăng cường kiến thức cơ bản, hướng dẫn học sinh có thể tự đọc được bài TĐN cùng với đàn.

Đưa ra các biện pháp giúp học sinh dễ thuộc, dễ nhớ tên nốt nhạc, hình nốt nhạc.

2.2.3 Giảng dạy giới thiệu nhạc cụ thông qua nghe nhạc, nghe nhạc kết hợp với vận động cơ thể :

Để tăng cường, nâng cao khả năng cảm thụ âm nhạc cho học sinh, khi dạy giới thiệu nhạc cụ tôi kết hợp với nghe nhạc, dạy nghe nhạc kết hợp với vận động cơ thể.

2.2.4. Phương pháp tích hợp:

Học âm nhạc ở trường tiểu học không chỉ giúp học sinh có kĩ năng ca hát, kĩ năng biểu diễn, những kiến thức cơ bản về nhạc lí, những hiểu biết sơ đẳng về âm nhạc mà thông qua các tiết học âm nhạc giúp học sinh có kiến thức tổng hợp về các môn tự nhiên, xã hội như toán học, văn học, địa lý, lịch sử… Để có được những kiến thức tổng hợp trong giờ học âm nhạc giáo viên cần dạy học theo hướng tích hợp. Trong chương trình âm nhạc lớp 4, lớp 5 giảng dạy tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện đều có thể lồng ghép môn đạo đức, môn văn học, địa lý, lịch sử, toán học.

  • Dạy âm nhạc tích hợp với môn văn học, đạo đức 
  • Dạy âm nhạc tích hợp môn địa lý 
  • Dạy âm nhạc tích hợp môn lịch sử, đạo đức 
  • Dạy âm nhạc tích hợp môn toán 

2.2.5. Giảng dạy âm nhạc kết hợp với trò chơi:

Đưa trò chơi vào tiết học âm nhạc làm cho học sinh hứng thú trong tiết học, học sinh chơi mà học, học mà chơi, khắc sâu kiến thức, kĩ năng cho các em.

 Thông qua trò chơi âm nhạc, các nhu cầu về trí tuệ, thẩm mỹ âm nhạc, tính kỷ luật được phát triển. Trong các tiết học bài hát mới, ôn bài hát, TĐN, âm nhạc thường thức đều có thể dùng trò chơi. Khi đưa ra trò chơi, giáo viên giới thiệu luật chơi, cách chơi cho học sinh.

2.2.6. Tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học:

Tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học làm cho học sinh học tập tích cực hơn, hăng hái hơn và khả năng chủ động học tập sẽ cao hơn. Vì vậy việc tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học là một việc rất cần thiết khi dạy học.

Đưa ra một số cách tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học âm nhạc.

2.2.7. Phương pháp phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc cho học sinh trong giờ học:

Việc học âm nhạc ở trường tiểu học nhằm nâng cao năng lực thẩm mỹ cho học sinh. Thông qua những ca khúc, những tác phẩm âm nhạc mà các em được học, giáo viên giúp học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong cuộc sống, hướng các em tới chân, thiện, mỹ. Năng lực thẩm mỹ của mỗi học sinh phụ thuộc vào khả năng cảm thụ âm nhạc của chính học sinh đó. Khả năng cảm thụ âm nhạc chính là khả năng hiểu tác phẩm, hiểu thông điệp mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm, thể hiện sự hiểu biết tác phẩm khi biểu diễn tác phẩm đó. Vì vậy nâng cao khả năng cảm thụ âm nhạc cho học sinh là việc cần thiết. Cảm thụ âm nhạc còn là phương tiện giúp cho tư duy phát triển. Ở chương trình âm nhạc lớp 4, lớp 5 thông qua những ca khúc, những tác phẩm âm nhạc các em được học, học sinh cảm nhận được nhịp phách, tiết tấu, giai điệu, hiểu được cái hay, cái đẹp, những giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức, chính là giúp các em biết cảm thụ âm nhạc.

Đưa ra các cách tạo hứng thú cho học sinh trong các tiết học âm nhạc.

2.3. Một số giải pháp khác:

2.3.1. Nâng cao trình độ giáo viên:

Giáo viên phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình bằng cách dự giờ đồng nghiệp, dự chuyên đề trường, chuyên đề Quận.

Tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn 

Tự trau dồi chuyên môn nghiệp vụ của mình.

2.3.2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ học:

Giáo án điện tử là ứng dụng của công nghệ thông tin, sử dụng giáo án điện tử trong giờ học giúp học sinh có hứng thú học tập, giáo viên dạy học hiệu quả hơn, bài dạy sinh động hơn, giáo viên cho học sinh xem clip thay bằng xem tranh. Sử dụng các hiệu ứng của công nghệ thông tin vào các phần của tiết học, các trò chơi trong tiết học sinh động và hiệu quả, hình ảnh sắc nét hơn, giáo viên không phải dùng nhiều đồ dùng dạy học và bảng phụ.

2.3.3. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa:

Mở các câu lạc bộ nghệ thuật, tăng cường kĩ năng hát múa cho học sinh tại các câu lạc bộ này.

   Mở hội thi văn nghệ chào mừng các ngày lễ trong năm.

   Đề xuất với BGH nhà trường cho học sinh biểu diễn văn nghệ trong giờ chào cờ thứ hai đầu tuần.

   Tổ chức cho học sinh đi xem nghệ thuật.

2.4. Thực nghiệm sản phẩm và đánh giá kết quả thực nghiệm:

2.4.1. Biên soạn giáo án và dạy thực nghiệm phân môn học hát:

Thực nghiệm phân môn học hát tôi dạy ở lớp 5A (năm học 2019-2020) trường tiểu học Tô Vĩnh Diện. Số học sinh của lớp được học 30 em.

Tiết 2: Học hát bài Reo vang bình minh

Nhạc và lời: Lưu Hữu Phước

2.4.2. Biên soạn giáo án và dạy thực nghiệm phân môn TĐN và ôn bài hát:

Thực nghiệm phân môn TĐN tôi dạy ở lớp 4A (năm học 2019-2020) trường tiểu học Tô Vĩnh Diện. Số học sinh của lớp được học 30 em.

Tiết 20: Ôn hát bài Chúc mừng

Nhạc Nga

Lời Việt: Hoàng Lân

Tập đọc nhạc số 5: Hoa bé ngoan

2.4.3. Biên soạn giáo án và dạy thực nghiệm phân môn âm nhạc thường thức và ôn bài hát

Thực nghiệm phân môn âm nhạc thường thức giới thiệu nhạc cụ kết hợp nghe nhạc tôi dạy ở lớp 5A1 (năm học 2019-2020) trường tiểu học Tô Vĩnh Diện. Số học sinh của lớp được học 30 em.

Tiết 10: Ôn bài hát: Những bông hoa những bài ca

Giới thiệu một số nhạc cụ nước ngoài.

Thực nghiệm phân môn âm nhạc thường thức Nghe nhạc kết hợp vận động cơ thể tích hợp môn địa lý tôi dạy ở lớp 4A2 (năm học 2019-2020) trường tiểu học Tô Vĩnh Diện. Số học sinh của lớp được học 30 em.

Tiết 25: Ôn 3 bài hát:

Chúc mừng, Bàn tay mẹ, Chim sáo

Nghe nhạc: Lý cây bông dân ca Nam Bộ

2.4.4. Đánh giá kết quả thực nghiệm:

Để nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc cho học sinh khối lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện, sau khi đưa ra các giải pháp tôi đã dạy các tiết trong giáo án mẫu tại 4 lớp: Lớp 4A, lớp 5A, lớp 5A1, lớp 4A2. Giáo án mẫu được soạn theo giáo án hiện hành và giảng dạy giáo án soạn theo phương pháp mới. Trên cơ sở giáo án thực nghiệm và áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học chúng tôi nhận thấy học sinh có hứng thú hơn trong học tập, học một cách chủ động, tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động trong giờ học. Các kĩ năng của học sinh được cải thiện rõ rệt nhất là phân môn TĐN học sinh có thể tự đọc một đoạn nhạc ngắn gồm 2 câu cùng với đàn của giáo viên, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Hệ thống câu hỏi gợi mở trong tiết học giúp cho học sinh hứng thú tìm hiểu tác phẩm, khả năng cảm thụ âm nhạc của học sinh tốt hơn, học sinh biểu diễn các bài hát, múa đã có sắc thái tình cảm. Sử dụng giáo án này, giáo viên có thể chủ động về thời gian cho từng nội dung trong tiết học, các kiến thức cơ bản đảm bảo.

Tiểu kết chương 2

   Trong nghề dạy học của mỗi giáo viên phổ thông nói chung và giáo viên âm nhạc nói riêng, nâng cao chất lượng dạy học là vô cùng cần thiết. Hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dạy học tôi đã đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh khối lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện:

   Trong chương trình giáo dục âm nhạc lớp 4, lớp 5 do Bộ GD và ĐT ban hành có bốn tiết học bài hát do địa phương tự chọn, hai tiết lớp 4 và 2 tiết lớp 5. Để học sinh có thêm kiến thức về Thủ đô Hà Nội, cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi các em sinh sống tôi đưa vào các tiết địa phương tự chọn các bài hát về Hà Nội. Để giáo dục học sinh tình thương yêu tôi đưa vào tiết địa phương tự chọn bài hát về tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi và bài hát về tình bạn.

   Về phương pháp giảng dạy, tôi đã đổi mới phương pháp từ cách dạy học sinh theo lối truyền thụ một chiều sang cách dạy học chủ động, lấy học sinh làm trung tâm. Thay đổi chút ít quy trình dạy hát, ôn hát, tăng cường kiến thức, thay đổi cách dạy tập đọc nhạc giúp học sinh có thể chủ động học, không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên để đọc một bài TĐN. 

   Trong phân môn Âm nhạc thường thức để nâng cao cảm thụ âm nhạc cho học sinh tiết giới thiệu nhạc cụ tôi dạy kết hợp với nghe nhạc, tiết nghe nhạc tôi kết hợp với vận động cơ thể.

   Ngoài ra, tôi đưa ra phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phương pháp phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc cho học sinh trong giờ học, giảng dạy âm nhạc kết hợp với trò chơi và cách gây hứng thú cho học sinh trong giờ học âm nhạc.

   Bên cạnh những giải pháp trên, tôi đưa ra những giải pháp khác như nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin vào giờ học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa.

   Để thực hiện những giải pháp trên tôi đã thực nghiệm tại 4 lớp: 4A, 4A2, 5A, 5A1 kết quả thực nghiệm cho thấy chất lượng học của học sinh tăng lên rõ rệt. Số lượng học sinh thực hiện tốt và đúng các kĩ năng tăng lên, học sinh chưa thực hiện được các kĩ năng chỉ còn là số rất ít.

   Với những kết quả như trên tôi hi vọng chất lượng học của học sinh khối lớp 4, lớp 5 trường tiểu học Tô Vĩnh Diện ngày càng tốt hơn.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Nghệ thuật âm nhạc là môn nghệ thuật tác động mạnh mẽ đến tư duy, sự phát triển nhân cách của con người. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng AN có tác dụng giúp học sinh thông minh hơn, tư duy tốt hơn. Tư duy chính là phương tiện giúp học sinh học các môn học được tốt, có những tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt với học sinh tiểu học, ngoài việc giúp tư duy phát triển, âm nhạc có vai trò to lớn trong việc giáo dục tình cảm, góp phần hình thành và phát triển nhân cách trẻ em. Vì vậy, âm nhạc được đưa vào trường tiểu học với tư cách là một môn học bắt buộc.

Môn âm nhạc là môn học giúp học sinh phát triển một cách toàn diện các mặt giáo dục đặc biệt là thẩm mỹ và trí tuệ. Trong chương trình âm nhạc của Bộ GD và ĐT học sinh được học phân môn học hát là chính tất cả các ca khúc các em được học đều mang tính giáo dục cao, từ nội dung bài hát giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong ca từ, trong đường nét giai điệu , tiết tấu, từ đó giáo dục học sinh tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thiên nhiên và con người, phát triển năng lực, giáo dục phẩm chất đạo đức cho học sinh. 

Giáo dục âm nhạc là một môn học có khả năng liên kết, tích hợp với các môn học khác giúp cho học sinh có một kiến thức tổng hợp, có cách nhìn toàn diện, tổng thể điều này rất tốt đối với sự phát triển tư duy cho học sinh.

Điều cốt lõi của môn học chính là thông qua những kiến thức về nhạc lí, âm nhạc thường thức, kĩ năng ca hát, kĩ năng tập đọc nhạc, nghe nhạc và kĩ năng cảm thụ âm nhạc học sinh phát triển khả năng thẩm mỹ của mình, biết và nhận định được những giá trị thẩm mỹ trong từng ca khúc, từng tác phẩm. Khi khả năng thẩm mỹ của học sinh được nâng cao, biết nhận định những giá trị thẩm mỹ trong từng tác phẩm từ đó các em biết nhận định những giá trị trong cuộc sống, giúp các em sống tốt hơn, hướng thiện hơn, phát triển nhân cách theo hướng tích cực. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong những nhiệm vụ của giáo dục.

Trường PTCS Tô Vĩnh Diện- Đống Đa- Hà Nội được Sư đoàn 367 xây dựng vào năm 1959 và tách ra thành hai trường cấp 1 và cấp 2. Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện được tách ra từ trường cấp 1, 2 vào năm 1992. Tuy trường có bề dày lịch sử với nhiều thành tích, nhiều năm liền đạt danh hiệu trường tiên tiến, liên Đội tiên tiến, giáo viên dạy giỏi cấp Quận nhưng giáo viên dạy nhạc của trường còn có nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng dạy và học môn âm nhạc còn yếu kém, dạy sơ sài theo phương pháp truyền thụ một chiều, đồ dùng dạy học mang tính thủ công. Học sinh lĩnh hội kiến thức và kĩ năng chưa tốt, đa phần các em học sinh học môn học với tâm thế học đối phó, hình thức. Đặc điểm của trường nằm ở khu dân cư lao động, gia đình học sinh đa phần buôn bán nhỏ, lao động tự do nên phụ huynh và học sinh coi môn Âm nhạc là môn phụ, không quan tâm đến việc học môn học này. 

Để thay đổi tư tưởng coi môn âm nhạc là môn phụ, giáo viên môn âm nhạc của trường đã cố gắng nghiên cứu, tìm ra những phương pháp, biện pháp giúp cho việc học âm nhạc của học sinh có chất lượng hơn và hiệu quả hơn, giúp tiết học thoải mái, học sinh học vui hơn.

Từ thực trạng dạy và học âm nhạc của học sinh khối lớp 4, lớp 5, từ yêu cầu cấp thiết của môn học, nhận thức được tầm quan trọng của bộ môn và mong muốn của bản thân tìm ra cách dạy tốt cho học sinh của mình. Với mong muốn đó, tôi đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: Nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc cho học sinh khối lớp 4, lớp 5 tại Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện Đống Đa Hà Nội.

   Luận văn có bố cục hai chương:

 Chương 1 đề cập đến những vấn đề lí luận và thực trạng việc giảng dạy môn âm nhạc cho học sinh khối lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện Đống Đa Hà Nội với việc tổ chức dạy và học chưa linh hoạt, chưa hiệu quả, giáo viên dạy học theo lối truyền thụ một chiều, sử dụng phương pháp làm mẫu, trực quan, giảng giải giải thích là chủ yếu không đem lại hiệu quả trong việc giảng dạy, phương tiện dạy học, giáo cụ sử dụng trong tiết dạy mang tính chất thủ công. Trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên còn yếu kém. Các hoạt động ngoại khóa của nhà trường được tổ chức đơn giản, chất lượng không tốt, các tiết mục biểu diễn đơn điệu. Học sinh coi môn âm nhạc là môn phụ nên không có ý thức học môn học này, học theo kiểu đối phó. 

 Từ những bất cập ở chương 1, trong chương 2, tôi đã đề cập tới những giải pháp cụ thể như đưa vào các tiết bài hát địa phương tự chọn những bài hát ca ngợi về vẻ đẹp của Hà Nội, tình yêu của Bác Hồ với thiếu nhi, niềm kính yêu của thiếu nhi với Bác Hồ, bài hát về tình bạn để tăng cường kiến thức về Thủ đô, giáo dục bồi đắp những tình cảm tươi đẹp, trong sáng cho các em. Đổi mới về phương pháp dạy học - đây là giải pháp quan trọng có vai trò quyết định đến việc nâng cao hiệu quả giảng dạy môn âm nhạc ở bậc tiểu học. Đổi mới phương pháp dạy học tôi đưa ra cách dạy học lấy học sinh làm trung tâm, đưa phương pháp gợi mở, phương pháp làm việc nhóm, thảo luận nhóm vào dạy học, dạy học tích hợp là phương pháp mới gắn kết các kiến thức đơn lẻ thành một thể thống nhất, giúp học sinh có cách nhìn tổng quan về một vấn đề, phương pháp gây hứng thú cho học sinh trong giờ học giúp các em có tâm thế học tập chủ động, từ đó các em yêu thích môn học, hứng thú với môn học, ứng dụng công nghệ thông tin vào tiết học âm nhạc cũng là một phương pháp tạo  hứng thú cho học sinh. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong thời gian dịch bệnh covid -19 là một giải pháp hữu hiệu đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh khi các em nghỉ tránh dịch. Bên cạnh đó việc nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ ở mỗi giáo viên âm nhạc, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, bạn bè, sáng tạo trong công tác giảng dạy là rất cần thiết.

Việc mở các câu lạc bộ ca hát và múa, cho học sinh tham gia các cuộc thi văn nghệ, biểu diễn văn nghệ của trường, quận cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học hiệu quả.

Những giải pháp ở chương 2 tôi đưa ra mang tính kế thừa về nội dung, phương pháp, những chỉ đạo của Bộ GD và ĐT đối với môn học và có tính phát triển, đưa ra những cách dạy mới như dạy học theo phương pháp tích hợp, giảng dạy kết hợp với trò chơi, phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc, tạo hứng thú trong giờ học nhạc, ứng dụng công nghệ thông tin....

 Để kiểm chứng các giải pháp đã đề xuất trong chương 2 tôi đã trình bày nội dung biên soạn giáo án mẫu, tổ chức dạy thực nghiệm và đánh giá kết quả. Với những kết quả thực nghiệm này, chúng tôi hi vọng luận văn sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Âm nhạc cho lớp 4, lớp 5 tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện- Đống Đa- Hà Nội.

Hiện nay giáo viên dạy nhạc ở bậc phổ thông nói chung, giáo viên dạy nhạc tại trường tiểu học Tô Vĩnh Diện nói riêng còn có những yếu kém về chuyên môn và nghiệp vụ, nhất là chuyên môn đàn, hát, kĩ năng đệm hát, kĩ năng múa.  Để nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc cho học sinh trường tiểu học tôi có một số khuyến nghị như sau :

 Với Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT quận Đống Đa: tăng cường mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn như: Các lớp hướng dẫn đệm hát, đặt hợp âm cho ca khúc, các lớp nâng cao kĩ thuật ca hát, kĩ năng múa cho giáo viên âm nhạc.

Với trường tiểu học Tô Vĩnh Diện: Tăng cường trang thiết bị dạy học như màn hình, máy chiếu cho phòng nghệ thuật để giáo viên có điều kiện dạy ứng dụng công nghệ thông tin trong các tiết âm nhạc.

 

 

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn