Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13673172
Luận văn Thạc sĩ Thứ bảy, 14/12/2024

Tác giả: Nguyễn Thuỳ Linh
Đề tài: “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn âm nhạc cho học sinh trường tiểu học Thái Thịnh, Hà Nội” 
Chuyên ngành: Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc
Mã số: 8140111
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Anh Tuấn   
Ngày đăng: 24/06/2022 

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn 

 

MỞ ĐẦU

 

1.     Lý do chọn đề tài:

Âm nhạc là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật, một loại thần dược mang đến cho con người cảm xúc đồng thời giúp chúng ta giải tỏa stress và lo lắng. Âm nhạc có tác dụng thúc đẩy sự sáng tạo, là công cụ tuyệt vời để ghi nhớ. Âm nhạc cũng là phương tiện tuyệt vời để biểu lộ cảm xúc.

Theo các nhà nghiên cứu khoa học: những đứa trẻ được tiếp xúc với âm nhạc ngay từ trong bụng mẹ trí não sẽ phát triển hơn so với những trẻ không được tiếp xúc sớm. Từ đó ta có thể thấy được vai trò quan trọng của âm nhạc đối với đời sống con người nhất là đối với trẻ em, việc định hướng cho trẻ học nhạc từ sớm có ý nghĩa như là giáo dục thẩm mỹ hay lớn hơn chính là giáo dục nhân cách cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt: văn, thể, mĩ, đức, trí... Thông qua các bài hát ta có thể hướng cho trẻ biết vâng lời ông bà cha mẹ, yêu lao động, yêu quê hương đất nước....Những bài học được mang đến một cách gần gũi, giản dị giúp cho trẻ tiếp nhận một cách dễ dàng.

Ở các quốc gia trên thế giới, họ đặc biệt chú trọng đến giáo dục nghệ thuật và sự tác động của nó đối với sự hình thành nhân cách và trí tuệ của lớp trẻ. Âm nhạc là một bộ môn không thể thiếu trong nhà trường phổ thông, trong đó người ta yêu cầu mỗi học sinh phải biết ít nhất một loại nhạc cụ và phải đảm bảo những kiến thức âm nhạc cơ bản

Ở Việt Nam, việc dạy và học bộ môn âm nhạc trong nhà trường hiện nay chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn: trang thiết bị phục vụ giảng dạy chưa được đầu tư đúng mức, phương pháp giảng dạy còn cứng nhắc chưa hấp dẫn học sinh dẫn đến tình trạng học sinh học nhạc một cách đối phó, học vẹt. Bên cạnh đó còn tồn tại tư tưởng môn chính, môn phụ khiến các em học sinh cũng như phụ huynh chưa thấy hết được tầm quan trọng của bộ môn âm nhạc trong nhà trường phổ thông. Những tồn tại mà các em học sinh gặp phải trong quá trình học là chưa nắm rõ lý thuyết âm nhạc cơ bản dẫn đến việc đọc nhạc cũng gặp nhiều khó khăn. Chính những yếu tố này khiến cho các em chưa cảm nhận được hết cái hay cái đẹp trong từng câu hát điệu nhạc.

Cá nhân tôi nhận thấy việc dạy và học âm nhạc tại trường vẫn đang tồn tại những thực trạng như học sinh học hát và tập đọc nhạc chỉ mang tính chất truyền miệng chứ các em chưa thật sự hiểu phải đọc như thế nào. Chính điều này đã khiến kết quả đạt được chưa cao, ít gây hứng thú cho các em trong việc học tập và tiếp thu kiến thức bộ môn.

Là một người làm công tác giảng dạy âm nhạc, tôi luôn mong muốn được áp dụng những kiến thức âm nhạc và kĩ năng sư phạm đã được học để giờ học âm nhạc của các em học sinh trường tiểu học Thái Thịnh đạt được hiệu quả cao nhất. Vì vậy, tôi xin chọn đề tài nghiên cứu cho luận văn của mình là: “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn âm nhạc cho học sinh trường tiểu học Thái Thịnh, Hà Nội” nhằm đưa ra một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn âm nhạc, phù hợp với điều kiện thực tế tại trường tiểu học Thái Thịnh.

2.     Lịch sử đề tài:

Để phục vụ việc nghiên cứu đề tài tôi có tham khảo qua một số tài liệu có liên quan như sau:

-     Tài liệu “Đổi mới phương pháp dạy học âm nhạc, mĩ thuật cho các trường phổ thông” do Bộ GD&ĐT tổ chức theo khu vực Bắc - Trung - Nam được tổ chức hàng năm. Nội dung cuốn tài liệu đề cập một cách hệ thống đến các vấn đề về đổi mới phương pháp dạy học âm nhạc, mĩ thuật cho các trường phổ thông được đổi mới hàng năm để vận dụng một cách phù hợp, có kết quả vào việc giảng dạy, học tập âm nhạc, mĩ thuật ở nước ta.

-     Các bản tham luận trong cuộc hội thảo ”Đổi mới phương pháp dạy học trong đào tạo giáo viên âm nhạc, mĩ thuật cho các trường phổ thông” (2008) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương. Đã bàn về các vấn đề nâng cao chất lượng giảng dạy âm nhạc, mĩ thuật phục vụ cho công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục âm nhạc ở Việt Nam.

-     Sách về phương pháp giảng dạy âm nhạc trong trường phổ thông của các tác giả: Phan Trần Bảng, Nguyễn Hoàng Thông, Nguyễn Đắc Quỳnh, Ngô Thị Nam, Nguyễn Anh Toàn, Hoàng Long, Hoàng Lân. Nội dung các cuốn này của các tác giả bao gồm các vấn đề về việc dạy học âm nhạc và các vấn đề sư phạm âm nhạc ở trường phổ thông.

-     Luận văn của Thạc sĩ Trần Quỳnh Mai - “Âm nhạc với thế giới tinh thần của trẻ thơ” (1998). Trong luận văn này tác giả đã nói về thế giới tinh thần của trẻ thơ với âm nhạc và trẻ thơ có quyền được ca hát.

Ngoài ra, tôi còn tham khảo một số đề tài luận văn, sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc sau:

-     “Tổ chức một số trò chơi trong quá trình dạy học âm nhạc ở tiểu học”- Nguyễn Thị Hường (2015)

-     “Áp dụng một số trò chơi vào trong bộ môn âm nhạc cấp tiểu học” - Nguyễn Thị Thùy Linh (2014)

-     “Xây dựng một số giải pháp gây hứng thú cho học sinh trong các giờ học âm nhạc tại các trường THCS trên địa bàn TP. Huế” - Phạm Vũ Thu Hiền (2013)

Các luận văn trên đã đóng góp một số phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc tại nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, những tài liệu đó đều mang tính cơ bản có thể áp dụng rộng rãi trên toàn quốc nhưng hoàn toàn chưa có tính cụ thể về việc làm thế nào để nâng cao chất lượng học âm nhạc phù hợp với điều kiện thực tế tại trường tiểu học Thái Thịnh, Hà Nội. Vì vậy, tôi xin mạnh dạn nghiên cứu và đưa ra những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong vấn đề dạy và học âm nhạc tại đây.

3.     Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

●     Đối tượng nghiên cứu:

-     Thái độ học tập và khả năng tiếp thu của học sinh trường tiểu học Thái Thịnh

-     Phương pháp giảng dạy của giáo viên âm nhạc trường tiểu học Thái Thịnh

-     Hệ thống chương trình, giáo trình giảng dạy âm nhạc cho học sinh tiểu học của Bộ giáo dục và đào tạo ban hành

●     Phạm vi nghiên cứu:

-     Việc thực hiện chương trình học ở trường tiểu học Thái Thịnh

-     Không gian nghiên cứu: Trường tiểu học Thái Thịnh

-     Thời gian khảo sát: năm học 2020 - 2021

4.     Mục tiêu nghiên cứu:

-     Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn âm nhạc cho học sinh trường tiểu học Thái Thịnh.

5.     Phương pháp nghiên cứu:

Trong luận văn tôi sử dụng hai nhóm phương pháp chính:

-     Phương pháp lý thuyết gồm: phương pháp phân tích, phương pháp thuyết trình, phương pháp thu thập và thống kê tài liệu...

-     Phương pháp thực nghiệm sư phạm và phương pháp phi thực nghiệm.

6.     Bố cục luận văn:

Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo luận văn gồm 2 chương:

Chương 1: Vai trò của âm nhạc và thực trạng giảng dạy môn âm nhạc tại trường tiểu học Thái Thịnh

Chương 2: Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn âm nhạc ở trường tiểu học Thái Thịnh.

 

 

CHƯƠNG 1:

VAI TRÒ CỦA ÂM NHẠC VÀ THỰC TRẠNG
GIẢNG DẠY MÔN ÂM NHẠC TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC THÁI THỊNH

 

1.1. Vai trò của âm nhạc đối với đời sống tinh thần của con người và tầm quan trọng trong giáo dục tiểu học

       1.1.1. Vai trò của âm nhạc đối với đời sống tinh thần.

  • Âm nhạc là một phần không thể thiếu và mang một ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

 Âm nhạc luôn hiện diện xung quanh chúng ta như trong chuyển động của gió, sóng biển, cây cối, tiếng hót của các loài chim muông; những âm thanh cuộc sống cũng là một phần của âm nhạc (tiếng chày giã gạo, tiếng rao của những người bán hàng, tiếng hò trên sông…). Ngay từ thuở sơ khai, âm nhạc đã được ra đời cùng với đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của các cộng đồng người nguyên thuỷ. Kể từ đấy, âm nhạc đã không ngừng được phát triển và hoàn thiện cùng năm tháng

1.1.2. Tầm quan trọng của âm nhạc trong giáo dục tiểu học.

●      Âm nhạc góp phần xây dựng nhân cách của con người

●      Âm nhạc góp phần xây dựng con người mới Việt Nam

●     Tầm quan trọng của âm nhạc với việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho trẻ em

●     Âm nhạc bồi dưỡng tố chất thẩm mỹ

●     Âm nhạc giúp phát triển về mặt thể chất:

●     Âm nhạc giúp phát triển trí tuệ:

1.2. Giới thiệu về trường tiểu học Thái Thịnh

1.2.1. Sơ lược về trường tiểu học Thái Thịnh.

Trường tiểu học Thái Thịnh nằm tại số 56, Yên Lãng, phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Trường được thành lập vào năm 1973 và năm học 1974 - 1975 nhà trường chính thức khai giảng năm học mới đầu tiên. Ban đầu trường có tên là “Trường phổ thông cấp I, II Thái Thịnh” đến năm 1998, trường cấp I, II Thái Thịnh tách ra làm hai trường riêng biệt là trường trường THCS Thái Thịnh và trường Tiểu học Thái Thịnh. Trường tiểu học Thái Thịnh ra đời từ đó.

Năm học 2020 - 2021 nhà trường bao gồm 5 khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) với tổng số 1.744 học sinh/35 lớp (Bình quân 50 HS/lớp) trong đó có 22 em học sinh hòa nhập cộng đồng, 02 em là con liệt sĩ.

- Khối lớp 1:  7 lớp - 319 em

- Khối lớp 2:  7 lớp - 311 em

- Khối lớp 3:  8 lớp - 431 em

- Khối lớp 4:  7 lớp – 358 em

- Khối lớp 5:  6 lớp - 325 em

1.2.2. Cơ sở vật chất, trang bị của Nhà trường

Cơ sở vật chất, các trang thiết bị dạy học khang trang, đầy đủ, phục vụ tốt cho công tác giáo dục và các hoạt động khác. Cảnh quan sư phạm được quy hoạch khá đẹp, bố trí sân chơi, bãi tập hợp lý, khoa học. Hiện nay nhà trường có một cơ sở khang trang với 35 phòng học; 06 phòng chức năng gồm phòng giáo dục nghệ thuật, phòng Tiếng Anh, phòng Tin học, Thư viện, phòng dạy của học sinh, phòng thiết bị giáo dục, phòng truyền thống và hoạt động Đội; 07 phòng dành cho hành chính quản trị: phòng Hiệu trưởng, phòng Phó Hiệu trưởng, phòng họp, phòng giáo viên (02 phòng tổ chuyên môn), phòng y tế học đường, phòng bảo vệ.

Trang thiết bị, đồ dùng dạy học tương đối đáp ứng được nhu cầu dạy học hiện tại, 70% các lớp có máy chiếu phục vụ giảng dạy. Trường có 01 thư viện đạt thư viện xuất sắc, 01 phòng y tế đạt xuất sắc và 01 phòng vi tính gồm 50 máy phục vụ cho việc học tập của học sinh. Các phòng học thoáng mát được trang bị đầy đủ điều hòa, đèn, quạt, máy chiếu tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh.

 

1.2.3. Đội ngũ giáo viên:

         Năm học 2020-2021, nhà trường có một đội ngũ giáo viên tương đối đầy đủ để phụ trách các môn học với CBGV là 37 người, 30 CBGV nữ. Trong đó Ban giám hiệu 02 người, Giáo viên: 27 - Biên chế: 20 đồng chí, hợp đồng : 07 đồng chí - Trình độ đào tạo gồm 4 thạc sĩ, 54 đại học, 2 cao đẳng.

Trường có 6 tổ chuyên môn (tổ theo khối 1, 2, 3, 4, 5 và tổ Văn – Thể - Mĩ) tổ chuyên môn có kế hoạch hoạt động theo chỉ đạo của nhà trường. Kế hoạch hoạt động của tổ được xây dựng cho cả năm học, từng kỳ, từng tháng. Các hoạt động giáo dục, các phong trào thi đua trong nhà trường hàng năm đạt chất lượng tốt.

Bộ môn Âm nhạc được bố trí 02 giáo viên đều tốt nghiệp trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung Ương trong đó giáo viên Hoàng Phương Dung có bằng Thạc sĩ, giáo viên Nguyễn Thị Thu có bằng cử nhân. Tuy là những giáo viên được đào tạo bài bản có học vị nhưng khả năng đàn và hát của giáo viên chưa được tốt. Khi lên lớp, giáo viên thường dùng nhạc sẵn, nhạc beat, ít khi sử dụng đàn để đệm cho học sinh hát.

1.2.4. Đặc điểm và khả năng tiếp thu của học sinh

Các em trường tiểu học Thái Thịnh rất thích ca hát, có khả năng nghe tốt. các em khá nhạy cảm, nhận biết nhanh, dễ dàng nắm được cao độ, trường độ, âm hình tiết tấu, đường nét giai điệu…

Do đặc thù dân cư lao động thuộc các khu tập thể, quan điểm đầu tư cho các con em trong việc học hành còn chú trọng nhiều vào các bộ môn chính, chỉ một số ít gia đình có điều kiện đầu tư các em học thêm các môn năng khiếu cho nên việc học bộ môn âm nhạc cũng chưa thật sự được chú trọng.

1.3. Thực trạng giảng dạy tại trường tiểu học Thái Thịnh

1.3.1. Chương trình giảng dạy:

         Bộ GD và ĐT có chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Thông tư  32/2018/TT-BGDĐT. Đổi mới toàn diện giáo dục được thực hiện với lớp 1 trong năm học 2020- 2021. Vì vậy, trong năm học 2020- 2021, các trường tiểu học học hai chương trình, chương trình đổi mới dành cho lớp 1 và chương trình hiện hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 05 năm 2006 với lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5.

 1.3.1.1 Chương trình giáo dục hiện hành:

     * Chương trình:

         Trong chương trình chính khóa, các khối lớp học môn Âm nhạc 1 tiết/ tuần, mỗi tiết với thời lượng 35 đến 40 phút.

          Chương trình lớp 2, lớp 3 chủ yếu là học hát, một số tiết học sinh được nghe kể chuyện âm nhạc, lớp 3 được giới thiệu về khuông nhạc và khóa Sol.

         Chương trình lớp 4, lớp 5 học sinh được học hát, âm nhạc thường thức, TĐN.         

Ngoài ra, sách giáo khoa còn sắp xếp một số tiết dành cho việc ôn tập, kiểm tra các nội dung đã được học. 

* Việc thực hiện nội dung chương trình theo sách giáo khoa:

Nhìn chung nhà trường đã thực hiện nghiêm túc theo quy chế của Bộ Giáo dục Đào tạo về đảm bảo số tiết học cho học sinh. 

1.3.1.2  Chương trình giáo dục mới:

* Chương trình:

         Để triển khai chương trình giáo dục Âm nhạc đã phê duyệt năm 2018, năm học 2020-2021, Bộ GD và ĐT ban hành 5 bộ sách giáo khoa Âm nhạc lớp 1. Tổ bộ môn quyết định chọn bộ sách Chân trời sáng tạo của tác giả Hồ Ngọc Khải để đưa vào giảng dạy.

Việc thực hiện nội dung chương trình:

         Trường tiểu học Thái Thịnh được sự chỉ đạo của PGD thực hiện 1 tiết/ tuần đối với học sinh lớp 1.

Theo Bộ GD và ĐT, chương trình lớp 1 mới được chia thành 5 phân môn: Hát, Nghe nhạc, Đọc nhạc, Nhạc cụ và Thường thức âm nhạc. 

1.3.2. Phương pháp giảng dạy môn âm nhạc ở trường tiểu học Thái Thịnh.

Để đi vào thực tế giảng dạy của trường tôi đã đi dự giờ một số tiết âm nhạc của một số khối lớp.

1.3.2.1. Phương pháp dạy học giáo viên thực hiện theo chương trình lớp 1 mới.

Ngày dự giờ: 5/10/2020 (Tuần 5)

Tên lớp: 1A4. Sĩ số: 42

Giáo viên thực hiện: Hoàng Phương Dung

-     Bài học: Chủ đề 2: Nhịp điệu tuổi thơ.

Tiết 1. Hát: Múa đàn – dân ca Thái

Nghe: Vũ điệu chú gà

Nhạc cụ: Thanh phách

          Đây là hoạt động hình thành kiến thức mới, giúp học sinh hứng thú tìm hiểu âm nhạc, phát huy trí tưởng tượng và phát triển năng lực cảm thụ, thể hiện âm nhạc.

1.3.2.2. Phương pháp dạy học của giáo viên khi thực hiện chương trình hiện hành năm 2006:

  • Phân môn học hát:

Ngày dự giờ: 1/2/2021

Tên lớp: 2A. Sĩ số: 45 HS

Giáo viên thực hiện: Nguyễn Thị Thu

Tuần 23: Học hát bài “Chú chim nhỏ dễ thương”

●     Phân môn Tập đọc nhạc

Ngày dự giờ: 9/11/2020.

Tên lớp: 4A3. Sĩ số: 43 HS.

Giáo viên thực hiện: Hoàng Phương Dung.

Tuần 11. Ôn bài hát: Khăn quàng thắm mãi vai em và TĐN số 3. 

         Phân môn Âm nhạc thường thức:

Ngày dự giờ: 10/12/2020.

Tên lớp: 5A2. Sĩ số: 43 HS

Giáo viên thực hiện: Hoàng Phương Dung.

Tuần 15: Ôn TĐN số 3, TĐN số 4.

Kể chuyện âm nhạc: Nghệ sĩ Cao Văn Lầu.

1.3.3. Đánh giá thực trạng.

1.3.3.1. Về phía nhà trường.

               Nhà trường vẫn chưa thật sự quan tâm đến chất lượng dạy và học bộ môn âm nhạc: chưa có phòng học chức năng, trang thiết bị phục vụ giảng dạy như: nhạc cụ dành cho giáo viên và học sinh còn thiếu thốn rất nhiều. 

1.3.3.2 .Về giáo viên:

              Giáo viên của trường đều được đào tạo bài bản, chính quy, tuy nhiên chuyên môn nghiệp vụ cần được thường xuyên trau dồi về:

  • Chuyên môn
  • Nghiệp vụ
  • Sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học

         

1.3.3.3. Học sinh:

       Học sinh trường tiểu học Thái Thịnh có tư duy tương đối tốt, các em đã biết chủ động tìm hiểu bài, tìm hiểu tên tác giả, tác phẩm của mỗi ca khúc đã học. Đa phần học sinh biết thể hiện tình cảm của mình khi hát một ca khúc thiếu nhi. Tuy nhiên các hoạt động ôn bài hát như: Hát kết hợp gõ đệm theo các cách, vận động theo nhạc, múa một số em thực hiện chưa tốt, phần đọc nhạc đa phần các em chưa thuộc nốt nhạc, chưa biết cách tự đọc bài tập đọc nhạc mà gần như đọc vẹt theo hình thức giáo viên đọc mẫu, học sinh đọc theo.

       Trình độ âm nhạc, năng khiếu của các em không đồng đều đây cũng là một khó khăn trong việc dạy môn học. Bên cạnh đó, phụ huynh và học sinh nhà trường đều có tư tưởng đây là môn phụ nên sự quan tâm đến việc học môn học là ít, điều này cũng là một khó khăn đối với việc dạy và học môn âm nhạc của thầy và trò. Bằng phương pháp quan sát, tôi thấy học sinh chưa thực sự hứng thú với môn Âm nhạc và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng dạy và học môn Âm nhạc tại trường chưa được cao. 

         Lớp 1 là năm đầu tiên thực hiện theo chương trình giáo dục mới, đánh giá chất lượng trong học kì 1 chất lượng cũng không cao, các yêu cầu cần đạt của môn học trong mỗi chủ đề, phần lớn các em chỉ thực hiện tốt ở phân môn hát, còn các phân môn khác nhiều học sinh chưa hoàn thành và hoàn thành ở mức thấp, nhất là ở phân môn Đọc nhạc và Nhạc cụ. Giáo viên không áp dụng những phương pháp dạy học mới vào dạy học.

         Từ những thực tế giảng dạy của giáo viên và chất lượng học của học môn âm nhạc của học sinh tại trường tiểu học Thái Thịnh – Đống Đa – Hà Nội thì rất cần thiết có những giải pháp về dạy và học để nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh của trường.

 

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

Trong Chương 1, bản thân tôi đã tham gia thực tập và tìm hiểu thực tế về chương trình giảng dạy bộ môn âm nhạc của Trường tiểu học Thái Thịnh, đồng thời nghiên cứu chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới nhà trường đang thực hiện giảng dạy cũng nhưng chương trình sách giáo khoa các lớp 2, 3, 4, 5 tại trường.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng việc thực hiện giảng dạy trên lớp của giáo viên vẫn còn nhiều bất cập, các mục tiêu giáo dục, yêu cầu cần đạt ở mỗi độ tuổi chưa đạt được kết quả cao. Học sinh trường tiểu học Thái Thịnh là học sinh nội thành Hà Nội, khả năng nhận thức tốt nhưng tại sao chất lượng đánh giá lại không tốt? Qua dự giờ cả hai giáo viên của trường tôi thấy rằng kết quả học tập không tốt là do giáo viên trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Về chuyên môn khả năng đàn, hát, múa, dàn dựng của giao viên chưa được tốt cần phải trau dồi thường xuyên. Về nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy giáo viên còn sử dụng phương pháp truyền thống, chưa đưa những phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy.

Khi thực hiện chương trình giáo dục lớp 1 mới, việc phân chia các nội dung trong tiết học ở mỗi chủ đề chưa hợp lí ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Các phân môn nhạc cụ, đọc nhạc chất lượng dạy chưa tốt cần phải thay đổi cách dạy để nâng cao chất lượng dạy học các phân môn này.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiết học cũng cần có sự thay đổi, việc dùng trình chiếu giống như dùng bảng phụ thì không hiệu quả, cần sử dụng những hiệu ứng, ứng dụng các phần mềm vào dạy học.

Khả năng tiếp thu của học sinh còn chưa đồng đều, nên kết quả giờ học chưa cao.

Từ những vấn đề thực tiễn nêu trên, đề tài hướng đến vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng phương pháp dạy học mới, tạo điều kiện cho học sinh hứng thú trong môn học với phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm”, và tạo không khí học tập “Học mà chơi, chơi mà học”. Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn âm nhạc trong nhà trường, đáp ứng mục tiêu giáo dục con người mới – các chủ nhân tương lai của đất nước. 

 

CHƯƠNG 2:

CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC MÔN

ÂM NHẠC

 

2.1. Những giải pháp về nội dung chương trình

         2.1.1. Phân chia nội dung các tiết học trong mỗi chủ đề của chương trình lớp 1:

            Khi dự giờ tiết âm nhạc lớp 1 theo chương trình mới 2018 tại trường Tiểu học Thái Thịnh tôi thấy việc phân chia các nội dung trong tiết học chưa hợp lí. Tôi đã tìm hiểu cuốn Sách giáo viên Âm nhạc 1 bộ sách Chân trời sáng tạo của tác giả Hồ Ngọc Khải (tổng chủ biên kiêm chủ biên). Cuốn sách không đề cập đến vấn đề phân chia mỗi tiết học trong 1 chủ đề thế nào, có bao nhiêu nội dung trong một tiết học mà việc này dành cho giáo viên tự phân chia theo cách của mình. Chính việc để giáo viên tự phân chia các mạch nội dung trong mỗi tiết học của một chủ đề nên đã có sự phân chia không hợp lí, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở trường Tiểu học Thái Thịnh. Từ bất cập trên tôi đưa ra cách chia nội dung cho phù hợp với từng tiết học của mỗi chủ đề 

2.1.2. Đưa các bài hát địa phương tự chọn vào chương trình:

       Trong chương trình lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 có những tiết học bài hát do địa phương tự chọn. Để học sinh có thêm hiểu biết về thủ đô nơi các em sinh sống, trong những tiết địa phương tự chọn, tôi chọn những ca khúc thiếu nhi về Hà Nội để dạy. 

2.2. Đổi mới phương pháp dạy học:

2.2.1. Đưa ra quy trình dạy phân môn nhạc cụ cho học sinh lớp 1:

              Nhạc cụ là môn học mới trong chương trình âm nhạc tiểu học nên việc dạy thế nào cho hiệu quả là một vấn đề giáo viên cần tìm hiểu. Trong chương trình, phân môn nhạc cụ học sinh được học các nhạc cụ gõ: Thanh phách, trống nhỏ, Tambourine. Đây là phân môn mới trong chương trình âm nhạc nói chung và chương trình âm nhạc tiểu học nói riêng nên việc dạy môn học này như thế nào, thực hiện từng bước ra sao để học sinh lĩnh hội và thực hiện được theo yêu cầu là một việc giáo viên cần tìm hiểu, nghiên cứu. Trong sách giáo viên hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy nhạc cụ chưa đưa ra quy trình dạy nhạc cụ cho lớp 1 một cách cụ thể mà chỉ là những gợi ý để giáo viên thực hiện ví dụ như: “Gõ phách và chơi nhạc cụ cho học sinh nghe, làm mẫu trước các mẫu luyện tập rồi hướng dẫn cho HS”. Vì vậy, để học sinh chơi được tốt các nhạc cụ gõ với âm hình đệm, tôi suy nghĩ và đưa ra quy trình dạy phân môn nhạc cụ.

2.2.2. Đưa ra quy trình dạy phân môn đọc nhạc cho học sinh lớp 1, đổi mới cách dạy Tập đọc nhạc cho học sinh lớp 4, lớp 5:

                        2.2.2.1 Quy trình dạy phân môn đọc nhạc cho học sinh lớp 1:

                  Trong chương trình giáo dục âm nhạc cũ, học sinh lớp 4, lớp 5 mới được học phân môn TĐN nhưng ở chương trình đổi mới toàn diện năm 2018, học sinh lớp 1 các em đã được làm quen với phân môn này và có tên gọi mới là đọc nhạc. Với học sinh lớp 1, việc dạy đọc nhạc có nhiều điểm khác so với học sinh lớp 4, lớp 5. Nếu áp dụng cách dạy của lớp 4, lớp 5 để dạy lớp 1 sẽ không có hiệu quả. Trong sách giáo viên âm nhạc lớp 1 chỉ là những gợi ý, chưa có quy trình dạy đọc nhạc cho lớp 1.Ở chương trình lớp 1 mới yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh đọc nhạc thông qua kí hiệu bàn tay, nhìn kí hiệu bàn tay để đọc nhạc. Vì vậy, tôi có đưa ra quy trình dạy đọc nhạc cho học sinh lớp 1 

2.2.2.2. Một số biện pháp giúp học sinh lớp 4, lớp 5 học tốt phân môn Tập đọc nhạc:

Trong chương trình giáo dục hiện hành, phân môn TĐN được thực hiện với khối lớp 4, lớp 5. Khi dự giờ phân môn này ở trường tiểu học Thái Thịnh, tôi thấy học sinh phần lớn đọc theo cô  bài TĐN, cô làm mẫu cho học sinh đọc theo đến khi thuộc, trước khi học giáo viên cho học sinh ghi tên các nốt nhạc cho học sinh ghi dưới mỗi nốt nhạc trong bài tập đọc nhạc. Với cách học này học sinh không biết cách đọc bài tập đọc nhạc. Vì vậy tôi đã đưa ra biện pháp để giúp học sinh học tốt môn học này 

2.2.3. Sử dụng những phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực:

       Chương trình giáo dục âm nhạc mới Bộ GD và ĐT đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục, từ chương trình, phương pháp giảng dạy, cách đánh giá học sinh và xây dựng kế hoạch dạy học . Tuy nhiên, giáo viên trường tiểu học Thái Thịnh khi thực hiện chương trình giáo dục mới chưa áp dụng những phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy. Những phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực giúp học sinh học tập một cách chủ động, phát triển các năng lực chung cho học sinh như năng lực tự chủ tự học, giao tiếp và hợp tác, ứng dụng và sáng tạo bên cạnh đó cũng phát triển những năng lực âm nhạc cho học sinh. Vì vậy cần áp dụng những phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy.

2.2.4. Nâng cao chất lượng nghe và cảm nhận âm nhạc cho học sinh:

       Nghe và cảm nhận âm nhạc nhằm giúp học sinh cảm thụ, cảm nhận đường nét giai điệu, tiết tấu từ đó tìm hiểu và khám phá cuộc sống xung quanh, các em sẽ cảm nhận được nhiều hơn về cuộc sống thông qua âm nhạc.  

       Trong tiết học hát việc cảm thụ âm nhạc được thực hiện bằng cách các em nghe hát mẫu, giáo viên đưa ra các câu hỏi gợi mở, các câu hỏi mở kích thích tư duy của học sinh và các em đưa ra những cảm nhận của mình về đường nét giai điệu, tiết tấu ( đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3) và cảm nhận đó đưa lại cho em cảm xúc gì ( đối với lớp 4, lớp 5). Đưa ra các câu hỏi gợi mở giúp các em nói lên cảm nhận của mình về ca khúc thiếu nhi đang học.

        

2.2.5. Sử dụng trò chơi trong dạy học :

       Trò chơi nghe giai điệu đoán câu hát. Đây là trò chơi giúp củng cố kiến thức, kĩ năng ca hát cho học sinh. Thông qua trò chơi học sinh nhớ giai điệu và lời ca của bài hát mà các em được học. Giáo viên đưa ra luật chơi và cách chơi: Cô đàn giai điệu các câu trong bài hát, học sinh nghe và cho biết đó là câu hát gì, hát lại câu hát đó.

       Trò chơi tìm những từ không nghe được trong bài hátĐây là trò chơi giúp học sinh thuộc giai điệu, lời ca của bài hát đã học. Trò chơi yêu cầu học sinh phải nhớ chính xác lời ca và giai điệu trong bất kì câu hát nào của bài hát. Giáo viên cho học sinh nghe bài hát và ở một số câu hát các em sẽ không nghe được giai điệu và lời ca. Các em nghe và cho biết những từ không nghe được và hát lại bài hát đó.

        Trò chơi tìm tranh nhạc cụ: Ở trò chơi này giáo viên để tranh ảnh các loại nhạc cụ và cho học sinh tìm tranh những loại nhạc cụ mà các em vừa học trong bài và gắn lên bảng, chơi dưới hình thức thi đua xem trong một khoảng thời gian đội nào tìm được nhiều tranh nhạc cụ. Đây là trò chơi củng cố kiến thức giúp các em nhớ được tên và hình ảnh những nhạc cụ mà các em vừa được học.

2.2.6. Dạy học tích hợp:

       2.2.6.1. Dạy học tích hợp các phân môn âm nhạc:

  • Tích hợp phân môn học hát với âm nhạc thường thức :
  • Tích hợp phân môn tập đọc nhạc lớp 4, lớp 5 với phân môn học hát:

       2.2.6.2. Dạy tích hợp với các môn học khác:

  • Dạy âm nhạc tích hợp với môn tiếng việt.
  • Dạy âm nhạc tích hợp với tự nhiên xã hội.

2.3. Các giải pháp khác:

       2.3.1. Làm nhạc cụ gõ bằng vật liệu dễ kiếm:

  • Làm trống bằng vỏ hộp bánh kim loại:
  • Làm trống bằng ống bơ và bóng bay:

2.3.2. Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học:

       Nhận thức của học sinh tuổi tiểu học nhất là lứa tuổi đầu tiểu học là nhận thức trực quan hành động, việc tiếp nhận kiến thức mới gắn liền với những hình ảnh sinh động, đẹp sẽ giúp các em tiếp nhận kiến thức mới nhanh hơn, hứng thú hơn trong học tập. Nếu đồ dùng dạy học thô sơ, không sử dụng hiệu ứng của công nghệ thông tin thì hình ảnh đưa ra không bắt mắt, không sinh động. Vì vậy,việc sử dụng công nghệ thông tin, làm giáo án điện tử ứng dụng các hiệu ứng trong dạy học học làm cho học sinh thích thú hơn, tích cực hơn trong học tập. Để sử dụng công nghệ thông tin có hiệu quả, tôi đã sử dụng phần mềm làm karaoke làm nhạc có lời chạy cho học sinh học, các em rất hứng thú. Bên cạnh đó sử dụng những hiệu ứng làm hình ảnh động tạo sự sinh động trong tiết học. 

       Để làm một bài karaoke, tôi làm nhạc beat trước, lấy nhạc beat, hình ảnh liên quan đến bài hát đưa vào phần mềm karafun để làm karaoke. Học sinh học hát được hát karaoke rất thích và nhanh thuộc bài hơn.

2.3.3. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên:

       Giáo viên trường tiểu học Thái Thịnh đều được đào tạo bài bản, có bằng cấp cao. Tuy nhiên thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ là việc cần làm của mỗi giáo viên. Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, giáo viên trường tiểu học Thái Thịnh cần tìm lớp học nâng cao chuyên môn như lớp học đệm đàn, lớp thực hành và sáng tác múa, lớp kĩ năng dàn dựng chương trình. Về nghiệp vụ, tham gia các lớp nâng cao nghiệp vụ do PGD & ĐT, SGD & ĐT, BGD & ĐT tổ chức. Hiện nay, các giáo viên tiểu học nói chung, giáo viên âm nhạc nói riêng đang được học đổi mới toàn diện căn bản giáo dục. Đây là chương trình học bổ ích, thiết thực giúp giáo viên hiểu và thực hiện được chương trình giáo dục mới theo đúng mục tiêu giáo dục mới.

2.4. Thực nghiệm sư phạm:

2.4.1 Biên soạn giáo án, dạy thực nghiệm các tiết học theo chủ đề chương trình lớp 1 mới:

2.4.1.1. Biên soạn giáo án dạy thực nghiệm chương trình lớp 1 mới sử dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực với môn nhạc cụ.

              Để thực nghiệm môn học này tôi dạy thực nghiệm tại lớp 1A với số học sinh là 30 em.

Chủ đề 2: Nhịp điệu tuổi thơ

Tiết 3: Ôn bài hát: Múa đàn

Nhạc cụ: giới thiệu cách gõ sống phách.

       2.4.1.2. Biên soạn giáo án dạy thực nghiệm chương trình mới sử dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực với môn đọc nhạc.

              Để thực nghiệm môn học này tôi dạy thực nghiệm tại lớp 1A1 với số học sinh là 30 em.

Chủ đề 6. Âm nhạc quanh em

Đọc nhạc: Đô – rê – mi – son – la

Nghe nhạc: Chú voi con ở Bản Đôn.

 

       2.4.1.3. Biên soạn giáo án dạy thực nghiệm chương trình mới sử dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực với môn thường thức âm nhạc. 

       Để thực nghiệm môn học này tôi dạy thực nghiệm tại lớp 1a2 với sô học sinh là 30 em.

Chủ đề 7: Giai điệu quê hương

Thường thức âm nhạc: Câu chuyện tiếng đàn Thạch Sanh

Khám phá: Nghe, nhận biết và cảm thụ âm nhạc dân tộc.

2.4.2 Biên soạn giáo án, dạy thực nghiệm các tiết học theo chương trình cũ:

              2.4.2.1 Biên soạn giáo án dạy thực nghiệm sử dụng trò chơi, sử dụng phương pháp dạy học mới, thay đổi cách dạy phân môn TĐN tích hợp phân môn học hát .

              Để thực nghiệm môn học này tôi dạy thực nghiệm tại lớp 5A với số học sinh là 30 em.

Tiết 13. Ôn bài hát: Ước mơ

TĐN số 4

2.4.3. Đánh giá kết quả thực nghiệm:

Để nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc cho học sinh trường tiểu học Thái Thịnh, sau khi đưa ra các giải pháp tôi đã dạy các tiết trong giáo án mẫu tại các lớp: Lớp 1A, lớp 1A1, lớp 1A2, lớp 5A. Giáo án mẫu được soạn theo giáo án chương trình mới giành cho lớp 1, chương trình giáo án hiện hành cho khối lớp 2,3,4,5, được giảng dạy giáo án soạn theo phương pháp mới. Trên cơ sở giáo án thực nghiệm và áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học như chia các nội dung cho mỗi chủ đề trong chương trình lớp 1 mới, đưa cách dạy môn đọc nhạc, nhạc cụ với lớp 1 vào giảng dạy, áp dụng những phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học mới vào giảng dạy, làm nhạc cụ gõ.., với các lớp 2,3,4,5 theo chương trình hiện hành tôi cũng đưa phương pháp tích cực vào dạy học, đưa trò chơi vào dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp dạy TDN cho các khối lớp 4, lớp 5. Sau khi thực hiện những giải pháp như vừa trình bày, tôi nhận thấy học sinh có hứng thú hơn trong học tập, học một cách chủ động, tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động trong giờ học. Sau khi dạy xong, chúng tôi tiến hành khảo sát mức độ tiếp thu bài, kĩ năng thể hiện của các em bằng thực tế khả năng thực hiện của học sinh trong tiết dạy và các câu hỏi điều tra khảo sát bằng phiếu. 

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Để nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh, từ thực tế chất lượng dạy và học của trường tiểu học Thái Thịnh, tôi đã đưa ra những giải pháp dạy học như sau:

Với chương trình giáo dục dạy học theo chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, để đáp ứng yêu cầu về nội dung và thời lượng, tôi đã đưa ra cách phân chia nội dung cho từng tiết học trong mỗi chủ đề, đưa ra cách dạy đọc nhạc đối với học sinh lớp 1, cách dạy nhạc cụ, hướng dẫn học sinh làm nhạc cụ gõ làm cho các em hứng thú hơn trong học tập, đưa trò chơi củng cố kiến thức, kĩ năng vào tiết học, áp dụng phương pháo kĩ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy.

Trong chương trình giáo dục âm nhạc do Bộ GD và ĐT ban hành các khối lớp có 1 đến 2 tiết học bài hát do địa phương tự chọn tôi đã đưa vào các tiết địa phương tự chọn các bài hát về Hà Nội. Khối lớp 4 và lớp 5 đã có tác giả thực hiện nên ở đây tôi chỉ thực hiện với lớp 2 và lớp 3.

Về phương pháp giảng dạy, tôi đã đổi mới phương pháp từ cách dạy học sinh theo lối truyền thụ một chiều sang cách dạy học chủ động, lấy học sinh làm trung tâm. Đưa trò chơi vào tiết học, đưa ra giải pháp để học tốt môn TDN. Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và giải pháp thường xuyên trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên

Để thực hiện những giải pháp trên tôi đã thực nghiệm tại các khối lớp. Kết quả thực nghiệm cho thấy chất lượng học của học sinh tăng lên rõ rệt. Số lượng học sinh thực hiện tốt và đúng các kĩ năng tăng lên, học sinh chưa thực hiện được các kĩ năng chỉ còn là số rất ít.

Với những kết quả như trên tôi hi vọng chất lượng học của học sinh trường tiểu học Thái Thịnh ngày càng tốt hơn.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn