Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13183272
Luận văn Thạc sĩ Thứ bảy, 14/09/2024

Tác giả: Lê Thanh An 
Đề tài: “
Giảng dạy dân ca bắc bộ cho học sinh Đàn nhị hệ Trung cấp 6 năm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam” 
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (Nhị)
Mã số: 82100202
Cán bộ hướng dẫn khoa học:    
Ngày đăng: 20/8/2024

Luận văn toàn văn

Tóm tắt Luận văn

MỞ ĐẦU

1.Lý do chọn đề tài: 

       Dân ca, nhạc cổ và hệ nhạc cụ dân tộc là một phần quan trọng của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, vì thế trong công cuộc bảo tồn và phát huy vốn cổ, bên cạnh các thể loại ca hát còn có sự xuất hiện của nhạc cụ. Do vậy, ngày nay cùng với các làn điệu dân ca, nhạc cổ được lưu giữ với nhiều hình thức khác nhau, thì nhạc cụ cũng vẫn hiện diện trong đời sống của tất cả các dân tộc ở Việt Nam. Thậm chí nhiều nhạc cụ dân tộc, nhất là các nhạc cụ của người Việt còn được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp như các trường Văn hóa Nghệ thuật, các Học viện âm nhạc v.v... Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQGVN) cũng dành riêng một khoa để đào tạo ra các nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc và đàn Nhị cũng là một trong số các nhạc cụ đó.

         Trong chương trình giảng dạy các nhạc cụ dân tộc nói chung, đàn Nhị nói riêng gồm nhiều thể loại: dân ca chuyển soạn, ca khúc chuyển soạn, nhạc cổ phong cách (chèo, đàn ca Huế, nhạc tài tử-cải lương Nam Bộ), tác phẩm mới và dân ca được xếp vào những năm đầu (thứ nhất và thứ hai) của bậc học trung cấp (TC). Trong quá trình giảng dạy các bài dân ca chuyển soạn còn tồn tại một số bất cập liên quan đến việc phân bố liều lượng giữa dân ca các dân tộc thiểu số với dân ca người Việt; liên quan đến việc sắp xếp các bài trong chương trình học chưa thật sự khoa học, phương pháp dạy học cũng như trình độ không đồng đều của học sinh (HS) những năm đầu của bậc học TC.

        Vì thế việc nghiệc cứu giảng dạy các bài dân ca chuyển soạn cho HS khi mới bước vào học nhạc cụ dân tộc mà ở đây là đàn Nhị sao cho đạt hiệu quả tốt nhất là cần thiết, tạo nền tảng vững chắc cho những năm học tiếp theo. Tuy nhiên, do khuôn khổ của một luận văn sư phạm chuyên ngành, nên đề tài chỉ giới hạn ở việc giảng dạy dân ca khu vực Bắc Bộ - một trong ba vùng dân ca của Việt Nam. Đề tài có tiêu đề “Giảng dạy dân ca Bắc Bộ cho hc sinh đàn Nhị bậc trung cấp 6 năm tại Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam” hy vọng vẫn đóng góp một phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo tại HV ÂNQGVN.

2.Lịch sử đề tài:

        Quá trình tìm hiểu tài liệu tham khảo, chúng tôi thấy một số công trình nghiên cứu liên quan đến giảng dạy cho HS đàn Nhị như:

        - Nhạc chèo truyền thống trong giảng dy cho hc sinh - sinh viên chuyên ngành đàn Nhị tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam của Nguyễn Hải Đăng (LV thạc sĩ nghệ thuật ÂN -2014 )

       - Một số vấn đề về biểu diễn và giảng dạy đàn Nhị Việt Nam của Nguyễn Quang Duy ( LV thạc sĩ nghệ thuật ÂN - 2014 )

        -Giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho đàn Nhị hệ trung cấp tại Học viện ÂNQGVN của Nguyễn Thành Nhân (LV thạc sĩ nghệ thuật ÂN - 2016 

       - Giảng dạy một số bản nhạc Lễ trong nhạc tài tử cho sinh viên đàn Nhị tại Học viện ÂNQGVN của NSƯT Lê Minh (LV thạc sĩ nghệ thuật ÂN-2019)

        Như vậy, giảng dạy các bài dân ca chuyển soạn cho học sinh trung cấp (HSTC) đàn Nhị tại HVANQGVN hiện chưa có đề tài nghiên cứu nào đề cập đến. Tuy nhiên, cũng có một số luận văn có hướng đề tài khá gần gũi với đề tài của chúng tôi như:

       - Giảng dạy các bài bản dân ca Việt Nam cho đàn Tranh bc trung học 6 năm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam của Phạm Thị Hồng Hạnh (LV thạc sĩ nghệ thuật ÂN - 2014 )

      - Đàn Bầu với việc giảng dạy một số bài bản dân ca Bắc Trung Bộ bậc trung học 6 năm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam của Trần Thị Hương Giang (LV thạc sĩ nghệ thuật ÂN- 2013) ...

        Các công trình trên nghiên cứu về giảng dạy dân ca trên các cây đàn khác (đàn Tranh, đàn Bầu) sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho chúng tôi về hướng phát triển của đề tài nghiên cứu, cũng như những mặt cần rút kinh nghiệm. 

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu      

     - Đối tượng nghiên cứu: là chương trình, giáo trình giảng dạy; đặc điểm học sinh; đặc điểm, phong cách, kỹ thuật diễn tấu và phương pháp giảng dạy các các bài dân ca chuyển soạn trong chương trình giảng dạy.

     - Phạm vi nghiên cứu: Việt Nam là một quốc gia đa thành phần dân tộc, mỗi dân tộc đều có nền dân ca riêng làm nên bản sắc của dân tộc mình, vì thế rất phong phú và đa dạng. Để phần nghiên cứu được tập trung, đề tài chỉ giới hạn ở việc giảng dạy các bài dân ca thuộc khu vực Bắc Bộ.

       Cũng như Trung Bộ và Nam Bộ, Bắc Bộ là nơi cư trú của nhiều tộc người, hơn nữa, tại HVANQGVN hàng năm đều có HS là con em các dân tộc thiểu số tham gia học tập; do vậy, ngoài dân ca người Kinh, luận văn sẽ đề cập cả việc giảng dạy dân ca của một số dân tộc tiêu biểu ở khu vực này. Với bậc học TC, khoa ANTT hiện đào tạo cả hai hệ là 6 năm và 4 năm nhưng phần dân ca tập trung chủ yếu cho hệ 6 năm, vì thế phạm vi nghiên cứu của luận văn cũng chỉ giới hạn ở việc nghiên cứu và khảo sát ở hệ TC 6 năm.

4. Mục tiênghiên cứu   

        Đưa ra một số giải pháp liên quan đến nội dung chương trình đào tạo và phương pháp dạy học các bài dân ca sao cho hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đặt nền tảng cho những năm học đàn Nhị tiếp theo của HS, tại khoa Âm nhạc truyền thống (ANTT) HVÂNQGVN. 

5. Phương pháp nghiên cứu

     Quá trình thực hiện đề tài, luận văn đã sử dụng các phương pháp sau:

     - Phương pháp nghiên cứu lý thuyết gồm thu thập tài liệu, chương trình, giáo trình liên quan đến việc giảng dạy đàn nhị nói chung và các bài dân ca Bắc Bộ nói riêng cho HSTC để từ đó phân tích, tổng hợp đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho HS đàn nhị tại  HVANQGVN

      -Phương pháp nghiên cứu thực tiễn như phỏng vấn các thầy cô đi trước để tìm hiểu kinh nghiệm về dạy đàn, hát dân ca. Tiến hành tổ chức thực nghiệm sư phạm tại trường để đánh giá kết quả nghiên cứu.

6. Đóng góp của luận văn

      - Về mặt lý luận: đây sẽ là công trình đầu tiên đi vào phân tích các bài dân ca Bắc Bộ được chuyển soạn cho đàn Nhị ở cả góc độ tính chất, đặc điểm của bài dân ca cũng như một số kỹ thuật đàn Nhị được ứng dụng trong bài và phương pháp giảng dạy các bài dân ca chuyển soạn sao cho đạt được hiệu quả tốt nhất.

     - Về mặt thực tiễn: bổ sung một số bài dân ca Bắc Bộ vào giáo trình giảng dạy chuyên ngành đàn Nhị; bổ sung một số ký hiệu âm nhạc liên quan đến kỹ thuật, tính chất, tiếng đàn khi chơi các bài dân ca Bắc Bộ; và là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các giảng viên trẻ khi mới bước vào nghề. 

7. Cấu trúc của luận văn

     Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phần phụ lục, nội dung chính của luận văn gồm 2 chương.  

       Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn.

       Chương 2: Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các bài dân ca Bắc Bộ chuyển soạn cho đàn Nhị bậc trung cấp.

 

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.1. Cơ sở lý luận.

1.1.1. Khái quát về Bắc bộ và dân ca Bắc Bộ.

       *Khái quát chung về khu vực Bắc Bộ

        Bắc Bộ là một trong 3 vùng lãnh thổ chính (gồm Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ) của Việt Nam. Theo Wikipedia (tiếng Việt): Bắc Bộ gồm 3 tiểu vùng là Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, dân cư Bắc Bộ tập trung đông tại Đồng bằng sông Hồng, dù rằng đồi núi chiếm đa số diện tích Bắc Bộ và là nơi cư trú của người Kinh. Vùng Tây Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ ngoài sự có mặt của người Kinh, là địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số như: Thái, Mường, Dao, Mông,... ở Tây Bắc; Tày, Nùng, Dao, Mông,... ở Đông Bắc.

       Với lịch sử lâu đời, Bắc Bộ được coi là vùng cốt lõi của lịch sử Việt Nam với nhà nước đầu tiên được hình thành – nhà nước Văn Lang, cùng với đó là nền văn hoá khảo cổ Phùng Nguyên mà đỉnh cao là văn hoá Đông Sơn.

        Sự hiện diện đông đảo cư dân với các sắc tộc khác nhau đã tạo nên sự đa dạng về văn hoá tuy trình độ dân cư, xã hội giữa các dân tộc có sự chênh lệch.

        *Khái quát chung về dân ca Bắc Bộ.

        Cùng với việc phân chia thành ba tiểu vùng: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng, dân ca Bắc Bộ cũng nổi lên với những đặc sắc riêng gắn với ba tiểu vùng đó.

        Đồng bằng sông Hồng-nơi cư trú chủ yếu của người Kinh luôn được biết đến với những làn điệu Quan họ, hát Xoan, hát Ghẹo, hát Ru, hát Ví, hát Đúm, hát Trống quân, hay những làn điệu Chèo, Xẩm, hát Văn v.v... ra đời từ xa xưa, hiện vẫn đang được lưu truyền trong cuộc sống đương đại.

         Khác với đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc là địa bàn cư trú của các dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông,... mỗi dân tộc nơi đây đều tạo cho mình một bản sắc văn hoá riêng trong đó có âm nhạc mà dân ca là thành phần không thể thiếu, với văn hóa chủ thể và đặc trưng là văn hóa Mường. Đến với âm nhạc dân gian Mường - dân tộc có dân số lớn nhất vùng, ta sẽ thấy rất nổi bật với các làn Ví, Đúm, hát Ru (ru ún), Mo, Rang, Sắc bùa ... cùng hệ thống nhạc cụ như đàn Bầu, Cò ke (đàn nhị), Ổng ôi, Ổng khảo (tiêu, sáo) ... Ngược lại, không gian văn hóa của dân tộc Thái lại nổi tiếng với các điệu múa Xoè, những câu hát Khắp (Khắp báo sao, Khắp lồng tồng, Khắp xư, Khắp chiêu ...), những âm thanh vang vọng của Khèn bè rất nổi tiếng được nhiều người biết đến.

        Vùng Đông Bắc Bộ-nơi cư trú của nhiều tộc người nhưng nổi bật nhất là người Mông, Dao, Tày, Nùng cùng âm nhạc của họ. Đến với Đông Bắc Bộ, chúng ta không thể không vương vấn với những câu hát Khống mi nhủa (hát ru), những câu hát Khâu xìa plềnh (tình ca) đến những điệu múa Khèn nổi tiếng cùng âm thanh khuyến rũ nhấp nhô như những đỉnh núi hết sức đặc trưng của dân tộc Mông. Bên cạnh âm hưởng dân ca của người Mông, âm nhạc dân gian của hai dân tộc Tày Nùng cũng để lại những ấn tượng sâu sắc cho người nghe. Nếu người Tày nổi tiếng với những câu hát Lượn như: Lượn nàng ới, Lượn cọi, Lượn nàng Hai (lượn nàng trăng) v.v.. với tính chất trữ tình buông lơi, tự do về nhịp điệu để người hát tự do thể hiện cảm xúc qua những âm điệu luyến láy;  thì, người Nùng lại được biết đến với các câu hát Sli có phần khoẻ khoắn, vui vẻ được thể hiện qua những nét giai điệu có nhịp phách rõ ràng.

         Một vài nét khái quát về Bắc Bộ và dân ca Bắc Bộ để có cái nhìn mang tính tổng thể của đối tượng nghiên cứu, giúp học viên có cơ sở để lựa chọn thể loại dân ca của một số dân tộc tiêu biểu, bổ sung vào chương trình học đàn Nhị bậc đào tạo TC.

1.1.2. Vai trò của dân ca trong đào tạo học sinh trung cp nhạc cụ dân tộc nói chung, đàn nhị nói riêng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia VN.

       Dân ca vốn bắt nguồn từ cuộc sống và gắn bó mật thiết với đời sống thường nhật của người dân. Từ những câu ru, điệu hò đến những câu hát giao duyên, hát nghi lễ ... tuy mộc mạc, giản dị nhưng ẩn chứa vẻ đẹp tâm hồn cũng như những nét đặc sắc của mỗi tộc người trên đất nước ta. Trong cuộc sống thường nhật đó, dân ca đã trở thành một trong những nguồn nuôi dưỡng tinh thần quan trọng của con người, giúp con người trở nên sống thiện lương hơn. Khởi điểm từ những câu hát Ru mà người ru không chỉ gửi gấm tình cảm yêu thương đến đứa trẻ mà còn là những lời răn dạy trẻ khi trẻ chớm bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Cùng với đó là những câu hát Đồng dao gắn với trò chơi cũng thấm đẫm ý nghĩa giáo dục cho dù chỉ là những việc đơn giản nhất như phải biết chia sẻ với bạn bè, yêu ông bà cha mẹ, yêu thiên nhiên v..v... đến những câu hát giao duyên, những điệu hò lao động v.v... đều là những câu ân tình, trao đổi với nhau kinh nghiệm cuộc sống, niềm vui và nỗi buồn... khiến cho dân ca được ví như hơi thở, như cơm ăn nước uống – những thứ không thể thiếu để duy trì sự sống của con người.

        Ngày nay, xã hội đã thay đổi nhưng dân ca vẫn là cuội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con người vì thế một phần của nó vẫn tồn tại và được lưu giữ dưới nhiều hình thức khác nhau. Một trong những hình thức đó là việc đưa dân ca vào trường học, nhất là trong đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp. Cụ thể là, hát dân ca hiện đang là môn học bắt buộc cho toàn bộ HSTC tại HVANQGVN và được xếp vào ngay năm thứ 1 hệ TC 4 năm, với hệ TC 6 năm các em sẽ học vào năm thứ 3. Đảm nhiệm giảng dạy các lớp này là các nghệ sĩ chuyên ngành ca hát dân gian và dạy hoàn toàn theo phương pháp truyền khẩu (không sử dụng hệ thống ký âm phương Tây) để đảm bảo HS có thể được tiếp cận gần nhất, nguyên bản nhất với dân ca. Nhờ được học hát và tự trải nghiệm các làn điệu của mỗi vùng miền khác nhau trên đất nước.

        Với các chuyên ngành (cả nhạc cụ cho dù là phương Tây hay nhạc cụ dân tộc và thanh nhạc) trong chương trình học, ngoài các thể loại như: etude, tiểu phẩm, tác phẩm mới ... các bài dân ca chuyển soạn cho từng nhạc cụ luôn được bổ sung, đan xen trong quá trình dạy và học của hệ đào tạo TC những năm đầu. Điều này cho thấy, dân ca luôn có chỗ đứng trong đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở bậc học TC.

        Riêng với khoa ANTT (trong đó có đàn Nhị), các bài dân ca chuyển soạn được xếp vào năm thứ 1 và năm thứ 2 của hệ đào tạo TC 6 năm. Đây là hai năm nền tảng giúp học sinh có thể tiếp cận với cây đàn - từ việc nắm bắt kỹ thuật cơ bản trong việc chơi đàn đến việc tiếp cận với các dạng bài bản phong cách âm nhạc cơ bản. Với thể loại dân ca, những nét giai điệu đơn giản tỏ ra phù hợp với kỹ thuật đàn cơ bản như: rung, nhấn, bấm những quãng thuận, quãng cơ bản ... đồng thời HS lại có cơ hội tiếp cận với âm hưởng dân ca các vùng miền, các tộc người trên đất nước ta. Đây là cách thức chuẩn bị cho HS tiếp cận với các phong cách âm nhạc cổ truyền khác phức tạp hơn ở các năm trên. Thậm chí, rất nhiều bài dân ca đã lựa chọn cho học sinh học thay thế cho các dạng bài khác như: bài tập, ca khúc chuyển soạn trong trường hợp thiếu bài.

1.1.3. Đàn Nhị với việc diễn tấu các bài dân ca Bắc Bộ.

         Đàn Nhị là nhạc cụ dây vĩ có cá tính phù hợp với việc diễn tả nhiều loại cảm xúc khác nhau, có thể vui có thể buồn nhưng cũng có thể du dương uyển chuyển và nhiều khi lại vô cùng mạnh mẽ. Điều đó đã được chứng thực qua việc nhiều nghệ sĩ chơi đàn Nhị khi diễn tấu những nét giai điệu dân ca ẩn náu trong các tác phẩm mới mang hơi thở thời đại như: tính chất vui tươi, rộn ràng trong Kể chuyện ngày mùa của NS Thao Giang, Tứ quý của nhạc sĩ Thiếu Hoa với âm hưởng mang phong cách nhạc ChèoVũ khúc Tây Nguyên  của Hoàng Đạm mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên. Hay, tính chất trữ tình, mượt mà với âm điệu Lý chuồn chuồn (dân ca Nam Bộ) trong tác phẩm Tình quê hương của Thao Giang;  Ước vọng được NS Thế Dân phát triển dựa trên chất liệu nhạc Tài tử v.v.. cũng được thể hiện rất thành công trên đàn Nhị. Điều này đã đem đến cho cây đàn Nhị những âm thanh vô cùng đa dạng và có thể phù hợp với việc thể hiện bất kỳ bài dân ca nào mà không bị bó hẹp bởi tính chất vui hay buồn. Tuy nhiên, những âm điệu mượt mà, sâu lắng, da diết vẫn được coi là thế mạnh các cây đàn vĩ kéo, trong đó có đàn Nhị. 

           Trong số các dân tộc ở Bắc Bộ, dân ca của người Việt tỏ ra phong phú và phát triển hơn (nhất là dân ca Quan họ Bắc Ninh), đòi hỏi người chơi đàn phải sử dụng nhiều kỹ thuật đàn hơn so với dân ca các dân tộc thiểu số ở khu vực này như: Thái, Tày, Mường, H’Mông  .... nên số lượng các bài dân ca người Việt Bắc Bộ đã được lựa chọn đưa vào chương trình học nhiều hơn. Khi diễn tấu các bài dân ca này, một số kỹ thuật đàn đã được áp dụng gồm:

        *Kỹ thuật tay phải

         -Cung vĩ rời (cách dùng vĩ kéo hoặc đẩy để tạo ra 1 âm) có 2 loại: cung vĩ rời dài (kéo và đẩy cả cung vĩ), cung vĩ rời ngắn (kéo hoặc đẩy 1/2 hoặc 1/3 cung vĩ).

          -Cung vĩ luyến là cách dùng cả cung vĩ kéo hoặc đẩy không ngắt quãng để tạo nhiều âm trên cùng 1 vĩ.

         Ví dụ 2: vĩ rời dài, vĩ rời ngắn, và vĩ luyến

          *Kĩ thuật tay trái khác với tay phải - nơi sử dụng vĩ để tạo âm thanh, tay trái có nhiều chức năng như bấm trên dây để tạo ra các âm thanh cao thấp khác nhau, hay là nơi để tạo ra màu âm thông qua các kỹ thuật rung, luyến, láy “vỗ”  vốn là các kỹ thuật đc dùng rất nhiều trong dân ca Bắc Bộ.          

          Ví dụ 3: bấm quãng 2, quãng 3 và ngón rung, vỗ

          Đàn Nhị là đàn không có phím bấm nên sẽ có 2 mặt: ưu điểm và nhược điểm. Về ưu điểm, nhờ việc không có sẵn phím bấm nên người chơi đàn có thể sử lý được các nốt non, già trong âm nhạc dân gian nói chung và dân ca nói riêng, trong khi các đàn có phím khác như Tranh, Nguyệt ... nếu muốn chơi được các nốt này phải nhấn mượn dây hoặc sử dụng nhiều kĩ thuật khác; Ngược lại, do không có sẵn hàng phím nên việc bắt đầu học cây đàn này với nhiều học sinh tỏ ra khó khăn, các em kéo dễ bị phô chênh, tiếng đàn ọ oẹ  khó nghe vì tay vĩ cũng có nhiều ngọng nghịu dễ dẫn đến nản chí, chán học. Điều này cho thấy, mối quan hệ giữa việc dạy các bài dân ca trên cây đàn Nhị cho học sinh những năm đầu vô cùng quan trọng, bởi nó không chỉ giúp các em hoàn chỉnh một số kỹ thuật tay phải và tay trái để tạo ra âm thanh chuẩn mà còn đặt nền móng cho một số ngón đàn cơ bản như rung, vỗ cũng như tính chất âm nhạc của một số dân tộc trên đất nước ta.

1.2. Cơ sở thực tiễn.

1.2.1.Khái quát về bộ môn đàn Nhị - đội ngũ giảng viên và học sinh, khoa Âm nhạc truyền thống, HVANQGVN.

        *Khái quát về đội ngũ giảng viên đàn Nhị

         Hiện tại bộ môn đàn Nhị khoa ANTT chỉ có 3 giảng viên (GV) trong biên chế đạt chuẩn đào tạo và đạt được nhiều thành tích trong biểu diễn và giảng dạy như : Thạc sĩ, NSUT Lê Minh với thâm niên giảng dạy 22 năm trong nghề; Giảng viên Trần Văn Xâm kinh nghiệm 10 năm giảng dạy (mới mất); Thạc sĩ Nguyễn Quang Duy kinh nghiệm giảng dạy 10 năm trong nghề. Ngoài ra là một số GV cộng tác viên có trình độ cao như: NSND Nguyễn Thế Dân - nguyên trưởng bộ môn Đàn Nhị với hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy và biểu diễn; thạc sĩ Nguyễn Hải Đăng v.v…       

        *Khái quát về học sinh đàn Nhị tại khoa.

        Theo thống kê của tổ bộ môn, hiện tại số lượng học sinh, sinh viên của bộ môn đàn Nhị là 60 em, trong đó có 44 em là học sinh TC. Nguồn tuyển sinh hệ TC của Học viện chủ yếu đến từ các trường Văn hóa Nghệ thuật của các tỉnh, thành phố cũng như các thí sinh tự do thi vào.

         Riêng đối với HSTC hiện có 44 em đều thuộc hệ 6 năm, không có học sinh thuộc hệ 4 năm. Các em đến từ các tỉnh khác nhau như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hoà Bình, Thanh hoá, Lào Cai ... và chủ yếu là dân tộc Kinh. Vấn đề tuyển sinh hàng năm và chất lượng tuyển sinh đã làm nên đặc điểm của HS khoa ANTT nói chung và HS đàn Nhị nói riêng. Cụ thể là, theo như thông báo tuyển sinh vào hệ trung cấp 6 năm khoa ANDT tại Học viện ANQGVN thì độ tuổi tuyển sinh từ 13 tuổi (lớp 7); các em sẽ dự thi 2 môn là chuyên ngành và năng khiếu, không phải thi môn xướng âm như trước đây. Vì thế, số HS được tuyển vào khoa cũng như bộ môn đàn Nhị có chênh lệch về trình độ do đối tượng dự thi có trình độ khác nhau. Có nhiều em đã đầu tư học trước ở ngoài hoặc đang học ở các trường nghệ thuật rồi mới đăng ký thi tuyển vào Học viện nên ngoài việc chơi đàn các em đã biết chút ít xướng âm; nhưng có em mới chỉ được làm quen với cây đàn trong thời gian ngắn, việc nhận biết nốt nhạc còn chậm, chủ yếu là học đàn theo kiểu truyền khẩu để đáp ứng cho việc thi tuyển. Điều này dẫn tới việc các HS đàn Nhị tuy cùng năm nhưng trình độ rất khác nhau, dẫn đến chất lượng không đồng đều và yêu cầu cần đạt đối với mỗi HS ở mỗi GV cũng có sự khác biệt.

1.2.2. Thực trạng giảng dạy các bài dân ca chuyển soạn cho đàn Nhị tại Học Viện ANQGVN.

1.2.2.1. Chương trình và giáo trình.

      *Chương trình và nội dung chương trình đào tạo.

Năm

Nội dung chương trình

Năm  thứ 1

Nội dung học bao gồm: gam, bài tập ( etude ), dân ca, ca khúc chuyển soạn và tiểu phẩm .

Năm  thứ 2

Nội dung học bao gồm: gam, bài tập (etude ), dân ca, ca khúc chuyển soạn và tiểu phẩm .

Năm thứ 3

Nội dung học bao gồm: bài tập (etude ), ca khúc chuyển soạn, nhạc phong cách Chèo và tác phẩm mới.

Năm thứ 4

Nội dung học bao gồm: bài tập (etude ), bài tập ngũ cung etud, ca khúc chuyển soạn, nhạc phong cách Huế và tác phẩm mới.

Năm thứ 5

       Nội dung gồm: các bài tập ngũ cung, các bài nhạc phong cách Cải lương, tác phẩm mới (Việt Nam và nước ngoài) .

Năm thứ 6

       Nội dung học ôn lại các phong cách Chèo, Huế , Cải lương đã được học ở các năm trước; các tác phẩm Việt Nam và nước ngoài.

      Bảng biểu tóm lược trên có thể thấy, dân ca được giảng dạy vào năm 1 và năm thứ 2 của hệ TC 6 năm. Ngoài dân ca, chương trình học còn có các nội dung khác như: gam, bài tập kỹ thuật, ca khúc chuyển soạn và tiểu phẩm mới.

        Thời gian phân bổ cho mỗi nội dung học tập chỉ là tương đối. Dựa theo yêu cầu về thời gian, các bài thi giữa kỳ và cuối kỳ thông qua một số mẫu thi gắn trong chương trình đào tạo, cũng như tham khảo ý kiến của các GV bộ môn, thời gian dành cho các nội dung học tập trong hai năm đầu như sau:

          -Gam và bài tập kỹ thuật khoảng 16/60 tiết/1năm

          -Dân ca khoảng 20/60 tiết/1 năm

          -Ca khúc, tiểu phẩm khoảng 20/60 tiết/1 năm.

          -Thi giữa kỳ và cuối kỳ 4 tiết/4 kỳ thi/1 năm        

         Và, sau đây là Danh sách các bài dân ca trong chương trình học đã được chúng tôi hệ thống lại như sau:        

Năm

Tên các bài dân ca

 

 

m thứ nhất

( 12 bài)

- Bèo dạt mây trôi; Cò lả (d/c Bắc Bộ)

- Trống cơm; Qua cầu gió bay; Lý cây đa; Cây trúc xinh; Hoa thơm bướm lượn (d/c Quan họ Bắc Ninh)

- Lý cây bông, Bắc kim thang, Lý lu là (d/c Nam Bộ)

- Ru em (d/c Xê đăng)

- Đi cấy (d/c Thanh Hoá)

 

 

m thứ hai

( 15 bài)

- Lý cửu khúc, Lý qua đèo (d/c Trung Bộ)

- Xe chỉ luồn kim, Nhất quế nhị lan, Ra ngõ mà trông, Ngồi tựa mạn thuyền, Trèo lên trái núi thiên thai, Lúng liếng (d/c Quan họ Bắc Ninh)  

- Tát nước đêm trăng, Lý kéo chài. Lý lu là (d/c Nam Bộ)

- Mưa rơi (d/c Xá)

- Xòe hoa, Inh lả ơi (d/c Thái)

- Gà gáy le te (d/c Cống Khao)

       Nhìn vào bảng biểu thống kê trên ta thấy, số lượng bài dân ca được lựa chọn đưa vào chương trình giảng dạy chưa nhiều, đặc biệt mảng dân ca các dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế. Cụ thể là, năm thứ nhất không có một bài dân ca nào của các dân tộc thiểu số ở Bắc Bộnăm thứ hai có 4 bài (dân tộc Xá, Thái, Cống Khao). Đó là chưa kể đến sự vắng mặt gần như hoàn toàn các bài dân ca của các dân tộc thiểu số ở Trung Bộ và Nam Bộ; hay, một số bài cần phải chuyển đổi để phù hợp hơn với trình độ năm thứ 1 hoặc năm thứ 2. 

        *Đặc điểm các bài dân ca đưa vào chương trình ging dạy

        Sau khi tìm hiểu 27 bài dân ca (12 bài ở năm thứ nhất và 15 bài năm thứ hai) trong chương trình giảng dạy cho đàn Nhị hệ TC 6 năm (bao gồm cả các bài không thuộc đối tượng nghiên cứu của luận văn như dân ca Trung Bộ và Nam Bộ, nhưng chúng tôi vẫn phân tích để có cái nhìn tổng quan về đặc điểm của các bài dân ca được lựa chọn đưa vào chương trình dạy học) cho thấy:

         Thứ nhất, các bài dân ca được chuyển soạn theo hai dạng: chuyển soạn nguyên mẫu và chuyển soạn có thay đổi (thêm hoặc bớt ngón đàn, bố cục).

         -Chuyển soạn nguyên mẫu là những đường nét giai điệu dân ca được hiện hữu một cách gần như nguyên bản trên cây đàn được chuyển soạn mà ở đây là Đàn Nhị. Khi chơi các bài này sẽ giúp người chơi cảm nhận được như đang hát các bài dân ca đó. Ví dụ như bài “Trống cơm” do GV Nguyễn Thế Dân chuyển soạn.

         - Chuyển soạn có thay đổi gồm 2 loại: 

         + Chuyển soạn giản lược: giảm bớt các âm luyến láy, làm cho bài đàn trở nên đơn giản hơn, giúp HSTC dễ tiếp cận và luyện tập ngón bấm, động tác vĩ. Ví dụ như “Ra ngõ mà trông” với phần chuyển soạn của GV Nguyễn Thế Dân  được bớt đi những âm luyến láy.

         + Chuyển soạn mở rộng: thêm câu kết hoặc ngón đàn để mở rộng bố cục, tang độ phức tạp của kỹ thuật. Ví dụ, bài “Gà gáy” (dân ca Nhắng) khai thác các ngón bấm trên quãng 2 và quãng 3 của thang 5 âm, kết hợp cú vĩ rời. GV Thế Dân còn bổ sung thêm câu kết với sự nhắc lại của câu hát trước, nhưng dãn tốc độ để kết thúc bài. 

          Thứ hai, các kỹ thuật được sử dụng trong các bài dân ca

            + Thế tay: Các bài dân ca trong chương trình chủ yếu được chuyển soạn ở thế tay 1 và 2, phù hợp với các học sinh đàn Nhị trong 2 năm đầu. Thế tay 3 ít được sử dụng. Các ngón bấm thường là quãng liền bậc và quãng 3, trong khi các quãng 4 trở lên ít xuất hiện. Kỹ thuật rung và vỗ cũng được áp dụng trong các bài học.

            + Tay phải: Sử dụng đa dạng các loại vĩ, bao gồm vĩ rời (dài và ngắn), vĩ luyến, vĩ liền (legato) và vĩ ngắt (staccato) (tham khảo ví dụ 4, 5, 7 đã dẫn)

          Thứ ba, phần lớn các bài dân ca được lựa chọn có tính chất mềm mại, trữ tình, nhẹ nhàng và uyển chuyển; tốc độ chậm hoặc vừa phải. Một số bài có tính chất vui tươi và tốc độ linh hoạt hơn.

          Dựa trên phân tích kỹ thuật bấm nốt, rung, vỗ và kỹ thuật vĩ, cùng với việc tham khảo ý kiến của các GV, các bài dân ca chuyển soạn đã được sắp xếp lại theo mức độ khó dễ để làm cơ sở cho việc lựa chọn, sắp xếp lại một số bài dân ca trong chương trình mà chúng tôi cho là chưa hợp lý.

        * Giáo trình đàn Nhị:

         Hiện tại, HVANQGVN chưa có giáo trình riêng cho phần giảng dạy dân ca cho đàn Nhị. Cuốn Tuyển tập tác phẩm Việt Nam và nước ngoài cho đàn Nhị” do GV Nguyễn Thế Dân biên soạn, được in ấn và lưu hành năm 2004, vẫn là tài liệu giảng dạy chính cho đàn Nhị bậc trung học dài hạn.

Trong cuốn sách này, tác giả đã sưu tầm và chuyển soạn 126 bài, bao gồm:

         •  47 bài dân ca các dân tộc Việt Nam

         •  9 bài dân ca nước ngoài

         •  70 ca khúc chuyển soạn

Trong 47 bài dân ca Việt Nam:

         •  10 bài là dân ca người Việt Bắc Bộ

         •  13 bài dân ca các dân tộc thiểu số

         •  24 bài dân ca người Việt các vùng miền khác nhau trên cả nước

        -Dù có nhiều bài dân ca được chuyển soạn cho đàn Nhị, nhưng trong thực tế giảng dạy, nhiều bài không được sử dụng. Các giảng viên thường tự sưu tầm và chuyển soạn thêm để dạy học sinh.

        -Chương trình đào tạo mới kế thừa 18 bài dân ca từ cuốn sách của Thế Dân và bổ sung thêm 8 bài khác. 29 bài còn lại không được đưa vào chương trình mới. Một số bài dân ca các dân tộc thiểu số phía Bắc trong giáo trình vẫn phù hợp, do đó sẽ được đề xuất bổ sung vào chương trình dạy học đàn Nhị trong chương 2 của luận văn.

1.2.2.2. Phương pháp giảng dạy các bài dân ca Việt Nam nói chung

       Để có cái nhìn khách quan về phương pháp giảng dạy nói chung và giảng dạy các bài dân ca cho đàn Nhị nói riêng, tôi đã tham dự các giờ lên lớp của một số GV trong tổ. Mỗi GV tôi thường dự một vài buổi kể từ khi giao bài cho đến khi kết thúc việc dạy bài dân ca đó. 

         Sau đây là phần tóm lược quá trình dự giờ các GV.

         -Hầu hết các giờ dạy chuyên ngành đàn Nhị của các GV đều gồm 2 hoặc 3 nội dung như: gam hoặc bài tập kỹ thuật và dân ca; gam hoặc bài tập kỹ thuật và ca khúc chuyển soạn; hoặc bài tập kỹ thuật và tiểu phẩm v.v... 

         -Trình tự lên lớp trong một giờ học theo thứ tự: gam hoặc bài tập -> dân ca (hoặc ca khúc, tiểu phẩm) -> dặn dò bài về nhà. Một bài dân ca chuyển soạn thường được học trong 3 tuần hoặc 4 tuần (tùy theo sự tiếp thu của HS).

        -Phương pháp giảng dạy chủ yếu là thực hành làm mẫu và luyện tập. Phương pháp thuyết trình, giảng giải ít sử dụng, nhất là phần giới thiệu về đặc điểm bài dân ca mà HS đang học. Các em tiếp thu một cách thụ động các kiến thức mà GV dạy, bằng cách bắt trước lại mà không hiểu được màu sắc và âm hưởng dân ca đó của vùng miền nào? dân tộc nào? Phần lựa chọn gam và bài tập ít có mối liên quan với bài dân ca.  

        Kết thúc quá trình dự giờ tôi có trao đổi với các GV một số vấn đề liên quan đến phương pháp sư phạm, các GV cho rằng: phương pháp sư phạm bên cạnh nhưng yêu cầu chung, mỗi GV đều có phương pháp riêng của mình phụ thuộc vào từng HS. HS chưa tiếp xúc nhiều với âm nhạc và đàn Nhị thì tập trung vào thị tấu và kỹ thuật cơ bản. HS có năng khiếu và khả năng vỡ bài nhanh có thể được học thêm về phong cách như rung, vỗ.

        Tiểu kết chương 1:

        Dân ca là cội nguồn dân tộc, việc lưu giữ dân ca là cần thiết để kết nối quá khứ với tương lai. Dân ca vốn đơn giản, mộc mạc nên việc đưa dân ca vào giảng dạy cho HSTC những năm đầu là rất phù hợp. Qua khảo sát thực tế dạy và học mảng dân ca cho HS đàn Nhị tại khoa ANTT, Học viện ANQGVN còn một số điểm hạn chế như sau:

          - Số lượng bài dân ca trong chương trình giảng dạy cho 2 năm học chưa nhiều, đặc biệt là mảng dân ca các dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế. Dân ca người Việt Bắc Bộ chủ yếu tập trung vào thể loại Quan họ, dân ca của các dân tộc thiểu số ở Bắc Bộ chỉ có 4 bài dẫn đến sự chênh lệch.

         - Cách sắp xếp một số bài dân ca chưa phù hợp cần chuyển đổi để phù hợp với trình độ giữa năm thứ nhất và năm thứ hai.

         - Giáo trình đàn Nhị chính thống duy nhất cho cả bậc TC và ĐH hiện nay vẫn dùng là cuốn sách dạy và học đàn Nhị của GV Thế Dân biên soạn từ năm 2004, cho thấy sự hạn chế của cuốn sách này nhất là thiếu sự cập nhật. Điều này dẫn đến mỗi GV đàn Nhị đều có cuốn giáo trình riêng, gồm cả các bài dân ca, ca khúc chuyển soạn và các tác phẩm mới do các giảng viên tự sưu tầm để bổ sung vào chương trình dạy học. 

        - Phương pháp dạy học được ưu tiên sử dụng là thực hành làm mẫu và luyện tập, thiếu vắng phương pháp diễn giải phân tích tác phẩm dẫn đến sự tiếp nhận khá thụ động của HS trong quá trình học.

        - Kết quả HS chưa thực sự chủ động khi chơi các bài dân ca chuyển soạn, đôi khi chưa phân biệt được sự khác nhau giữa ca khúc chuyển soạn với dân ca chuyển soạn.

Chương 2

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY CÁC BÀI DÂN CA BẮC BỘ CHO ĐÀN NHỊ BẬC TRUNG CẤP.

2.1. Bổ sung và điều chỉnh một số bài dân ca Bắc Bộ trong chương trình.

2.1.1. Tiêu chí lựa chọn các bài dân ca để bổ sung và điều chỉnh trong chương trình.     

        Các bài dân ca Bắc Bộ được lựa chọn bổ sung và điều chỉnh dựa trên các tiêu chí sau:

         -Phù hợp với mục tiêu đào tạo đàn Nhị 2 năm đầu hệ TC 6 năm  

         -Yêu cầu cần đạt về kỹ thuật của từng năm.

         -Mức độ khó dễ của mỗi bài dân ca thông qua ngón bấm, ngón rung, thế tay, cách sử dụng vĩ kéo ...

         -Các bài dân ca có nhịp phách rõ ràng, giai điệu có sức cuốn hút, lời ca trong sáng, dễ hiểu.  

         -Các bài dân ca tiêu biểu đại diện cho một số dân tộc ở khu vực phía Bắc gồm : Việt, Thái, Mông, Kh’mú, Nùng, Cống Khao, Xá ...

2.1.2. Bổ sung một số bài dân ca Bắc Bộ vào chương trình học

         Từ tiêu chí trên và dựa vào số lượng các bài dân ca Bắc Bộ đã có trong chương trình, chúng tôi cho rằng số lượng bài còn quá ít, nhất là dân ca các dân tộc thiểu số. Vì thế, HS ít có hội để tiếp xúc đa dạng với các bài dân ca nói chung, các bài dân ca dân tộc thiểu số phía Bắc nói riêng. Việc bổ sung thêm bài là điều cần thiết nên chúng tôi dự kiến bổ sung các bài được đề xuất bao gồm:

       * Dân ca các dân tộc thiểu số:

       + Mùa xuân về (dân ca Dao)

       + Múa sạp, Múa đàn (dân ca Thái)

       + Soi bóng bên hồ (dân ca Giáy)

       + Quê hương tươi đẹp (dân ca Nùng)

       + Nhớ em yêu, Tiếng sáo xa lá (dân ca Mông)

       + Chặt gỗ đóng thuyền (dân ca Cống Khao)

    *Dân ca người Việt Bắc Bộ:

       + Hát ru (dân ca Hà Nam)

       + Hát trống quân (dân ca Hà Tây)

       + Bà rí (Hát ghẹo Phú Thọ)

       Những bài dân ca này đã được chuyển soạn hoặc sẽ được chuyển soạn để bổ sung vào chương trình học đàn Nhị cho HSTC, nhằm tăng tính đa dạng và phong phú cho chương trình giảng dạy.

2.1.3. Điều chỉnh các bài dân ca

       Trong chương trình học, nhiều bài dân ca chưa được sắp xếp hợp lý về độ khó dễ so với yêu cầu và trình độ của HS hai năm đầu. Đa số các bài dân ca của các dân tộc thiểu số có kết cấu giai điệu đơn giản, phù hợp với HS năm thứ 1 nên sẽ được chuyển từ năm thứ 2 lên năm thứ 1. Các bài dân ca của người Việt, đặc biệt là dân ca Quan họ Bắc Ninh, phức tạp hơn và nên để cho năm thứ 2. Cụ thể là:

       + Năm thứ nhất: Bao gồm các bài dân ca các dân tộc thiểu số phía Bắc như Mưa rơi (Dân ca Xá), Xòe hoa, Inh lả ơi (Dân ca Thái), và nhiều bài khác. Dân ca người Việt Bắc Bộ giữ nguyên các bài như Cò lả, Qua cầu gió bay, Lý cây đa, và bổ sung thêm một số bài mới.

        + Năm thứ hai: Giữ lại các bài như Lý cửu khúc, Xe chỉ luồn kim, và bổ sung thêm các bài như Bèo dạt mây trôi, Trống cơm, Bà rí (Hát ghẹo Phú Thọ) để làm phong phú thêm màu sắc dân ca.

2.2. Giải pháp về dạy học các bài dân ca Bắc Bộ

2.2.1. Bổ sung phương pháp giới thiệu đặc điểm, tính chất các bài dân ca được học 

          Hiện nay, các GV thường chỉ tập trung vào kỹ thuật diễn tấu mà ít chú ý giới thiệu về nguồn gốc, đặc điểm và văn hóa của dân tộc tạo ra bài dân ca. Cần bổ sung thông tin về đặc điểm văn hóa, lịch sử của bài dân ca để HS có thêm cảm hứng và hiểu rõ hơn về bài học. Ví dụ, khi dạy bài Xoè hoa (dân ca Thái), GV nên cung cấp thông tin về người Thái, vùng cư trú, và đặc điểm văn hóa âm nhạc của họ. Tương tự, khi dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh, GV nên giới thiệu về nguồn gốc và đặc điểm văn hóa của Quan họ. 

          Ngoài ra là cho các em làm quen với việc tìm hiểu bài học thong qua những gợp ý của GV về: nét giai điệu nhắc lại, chú ý những chỗ đổi vĩ, những bậc rung và một vài ký hiệu có trong bài để các em nắm bắt bài học được nhanh hơn và khắc phụ được thói quen luôn ỉ lại vào thầy cô giáo.

2.2.2. Áp dụng hợp lý phương pháp bản phổ với phương pháp truyền ngón và các phương pháp khác

       Hiện nay, phương pháp giảng dạy chính là dạy theo bản phổ kết hợp với truyền ngón, truyền khẩu. Phương pháp bản phổ giúp HS tiếp thu nhanh và có khả năng thị tấu tốt, nhưng chỉ phác thảo được bề ngoài của bài dân ca. Phương pháp truyền ngón giúp nắm vững tinh thần bài nhạc nhưng lâu thuộc bài. Kết hợp cả hai phương pháp sẽ hiệu quả hơn, đặc biệt là với HS trung cấp.

      GV cần cân bằng giữa hai phương pháp, tùy vào năng lực của HS. GV có thể sử dụng thêm các phương pháp dạy học khác như GV thi tấu trên đàn, hát minh họa và hướng dẫn HS tìm hiểu thông tin trên internet để bổ sung kiến thức. Điều này giúp HS không chỉ học kỹ thuật mà còn hiểu sâu về bản chất và phong cách của các bài dân ca.

2.3 Một số giải pháp khác. 

2.3.1. Tăng cường việc luyện tập gam ngũ cung và bài tập hỗ trợ rung, luyến cho phần học dân ca chuyển soạn.

        Đối với HS những năm đầu của bậc TC việc rèn luyện kỹ thuật là rất quan trọng vì đây là nền tảng để tiếp cận với các bản nhạc khác nhau như ca khúc chuyển soạn, dân ca chuyển soạn hay tiểu phẩm. Quá trình này bắt đầu bằng các bài tập cơ bản và gam để luyện ngón bấm và vĩ kéo, sau đó là các bài dân ca và tiểu phẩm. Tuy trong chương trình học có quy định nội dung học gam và bài tập kỹ thuật nhưng hiện tại, phần luyện tập gam và bài tập hỗ trợ kỹ thuật ít được chú trọng trong giờ học. Để cải thiện, cần:

        -Cho HS luyện gam thường xuyên trong các giờ lên lớp và yêu cầu HS phải luyện tập ở nhà, GV có thể lựa chọn (hoặc có thể tự viết) gam phù hợp với trình độ và yêu cầu của bài học. Cùng với việc cho HS luyện tập gam liền bậc (7 bậc trưởng – thứ), khi HS học các bài dân ca chuyển soạn nhất thiết các em phải được học các loại gam ngũ cung tương ứng. Chẳng hạn:

       +Học gam ngũ cung đô chủy khi học bài "Xòe hoa" (dân ca Thái) với các dạng tiết tấu khác nhau từ chậm đến nhanh vừa, kết hợp với vĩ rời và vĩ luyến.

       +Hay, khi HS học bài Cây trúc xinh (dân ca Quan họ Bắc Ninh) GV có thể cho HS học 2 gam tương ứng với bài là: C-ES-F-G-B (C Vũ) và G-A-C-F (G thương thiếu âm) ở thế tay 1 và 2 để các em luyện ngón bấm và làm quen với âm hưởng ngũ cung của bài. 

        Khi HS học các loại gam ngũ cung, GV nên ghi số ngón tay để HS dễ thực hiện, vì thông thường giai đoạn đầu các em chỉ chơi gam 7 bậc trưởng thứ nên số ngón tay có sự khác biệt.

        Thật vậy, việc cho HS học gam ngũ cung sẽ giúp cho HS tiếp cận với hơi nhạc của bài dân ca được học thuận lợi hơn. Hơn nữa, gam ngũ cung còn có tác dụng lâu dài cho quá trình tiếp cận với phong cách nhạc cổ ở những năm học cao hơn. 

         *Bài tập kỹ thuật.

         -Cần bổ sung bài tập kỹ thuật để hỗ trợ sự linh hoạt của ngón bấm, kết hợp với tay vĩ, luyện rung, luyện các dạng tiết tấu khác nhau v..v...

         -Trường hợp không có sẵn bài hoặc bài tập không phù hợp, GV có thể tự viết bài tập cho HS luyện tập. Chẳng hạn, để hỗ trợ kỹ thuật rung cho bài "Hoa thơm bướm lượn" (dân ca Quan họ Bắc Ninh) khi dạy HS, tôi đã soạn thêm bài tập kỹ thuật rung kết hợp với tiết tấu chấm dôi cho HS luyện tập dưới đây.  

        Ví dụ 4:     bài tập rung và tiết tấu chấm dôi.                          

 Khi học bài tập, GV sẽ lưu ý HS đánh đúng tiết tấu nốt đen chấm dôi và tiết tấu móc kép, móc kép với vĩ luyến kết hợp với kỹ thuật rung ở một số âm ngân dài; hoặc cho HS tự ghi số ngón bấm trên nốt nhạc nếu cần thiết.  

2.3.2. Bổ sung một số ký hiệu âm nhạc vào các bài dân ca chuyển soạn để việc dạy và học được thuận lợi hơn.

         Như chúng ta đều biết, với cây đàn vĩ kéo các cú ắc-sê đẩy vào hay kéo ra đều đem đến hiệu quả khác nhau. Thông thường đẩy vào (ký hiệu: V) có cường độ nhẹ hơn nên thường được dùng cho các nốt ở phách yếu; kéo ra (ký hiệu:    ) có thể tạo nên những âm thanh mạnh mẽ hơn nên thường được dùng cho các nốt ở phách mạnh. Vì thế, khi chuyển soạn dân ca hay ca khúc sang cho đàn nhị diễn tấu, người chuyển soạn luôn quan tâm đến vấn đề này để làm sao cho việc sử dụng vĩ được thuận lợi nhất và phù hợp với tính chất của bài dân ca. Tuy nhiên, rất nhiều bài dân ca chuyển soạn trong Tuyển tập tác phẩm Việt Nam và nước ngoài cho đàn nhị, Trung tâm thông tin và thư viện –HVANQGVN in ấn và lưu hành, năm 2004, thiếu thông tin về cách xử lý âm nhạc, cũng như chưa có sự chính xác về cách ghi các cú vĩ kéo ... rất cần được chỉnh lý, bổ sung. 

         Cùng với việc chỉnh sửa lại các lỗi liên quan đến vĩ, các bài dân ca chuyển soạn cũng cần bổ sung thêm một số ký hiệu chỉ dẫn về cách thể hiện âm nhạc liên quan đến tính chất như: nhanh, chậm, chậm dần; hay to, nhỏ, nhỏ dần;  v.v.. Chẳng hạn, có khá nhiều bài dân ca chuyển soạn các GV thường thêm vào câu kết bằng cách nhắc câu hay ý nhạc cuối, với cường độ nhỏ cùng tốc độ chậm dần, ngân tự do  ... những trên bản nhạc hầu như không có ký hiệu này. Quá trình dạy và dựng bài cho HS, GV mới nhắc cho HS thực hiện. Điều này khiến HS không được làm quen với các ký hiệu âm nhạc nên rất bị động khi gặp các ký hiệu đó trong các môn học khác, cũng như rất phụ thuộc vào GV khi thể hiện các bài dân ca này; GV bảo HS kéo to lên thì HS kéo to, GV bảo nhỏ đi thì HS kéo nhỏ lại rất thụ động. Vì thế việc điều chỉnh, bổ sung các ký hiệu trong các bản nhạc chuyển soạn dân ca cho đàn nhị là việc nên làm sớm để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.  

2.3.3. Điều chỉnh và bổ sung việc học hát dân ca cho HS năm thứ nhất.

       Hiện tại, môn học hát dân ca được bắt đầu từ năm thứ 3/6 (môn học chung cho HS toàn trường) và chỉ được học trong 1 học kỳ. Với thời lượng học quá ít như vậy nên các em chỉ học được khoảng 10 bài dân ca người Việt ba miền gồm: dân ca Quan họ và một vài bài lý, hò Nam Bộ. Đặc biệt là đến năm thứ 3 các em mới được học hát dân ca, trong khi tất cả HS khoa ANTT lại học đàn dân ca ở năm thứ 1 và năm thứ 2. Vì thế, việc học hát dân ca thực ra không hỗ trợ được gì cho HS khi học đàn các bài dân ca chuyển soạn. 

         Để nâng cao chất lượng dạy học, chúng tôi đề nghị xếp môn học hát dân ca vào năm thứ nhất cho HS hệ TC 6 năm của khoa NCTT là tốt nhất. Điều này sẽ giúp các em được tiếp cận song song giữa việc học hát với việc học đàn.

         Ngoài ra, để khắc phục phần thiếu hụt về các làn điệu dân ca, nên bổ sung thêm nội dung học hát dân ca cho riêng HS của khoa ANTT nhất là mảng dân ca các dân tộc thiểu số ở VN. Kết hợp tổ chức một số buổi ngoại khóa mời các nghệ nhân, nghệ sĩ hát dân ca các vùng miền tới giảng dạy và giao lưu (bên cạnh các phong cách nhạc cổ khác), như vậy sẽ giúp HS, SV cũng như GV trong khoa có cơ hội hiểu sâu hơn về dân ca, nhạc cổ nói chung.       

2.4. Thực nghiệm sư phạm và đánh giá kết quả thực nghiệm

2.4.1. Tổ chức thực nghiệm giảng dạy một số bài dân ca.

         * Chương trình giảng dạy thực nghiệm lựa chọn hai bài dân ca (một bài dân ca đại diện cho mảng dân ca các dân tộc thiểu số phía Bắc và một bài dân ca người Việt Bắc Bộ) cho HS năm thứ nhất và năm thứ hai gồm:

        + Năm thứ nhất: "Chặt gỗ đóng thuyền" (dân ca Cống Khao) cho học sinh Vũ Vương Anh (TC 1/6).

        + Năm thứ hai: "Hoa thơm bướm lượn" (dân ca Quan họ Bắc Ninh) cho học sinh Nguyễn Hữu Duy (TC 2/6).

        * Quy trình thực nghiệm:

         - Năm thứ nhất:

         Bài học: "Chặt gỗ đóng thuyền" (dân ca Cống Khao).

         Thời lượng: 4 tiết, mỗi tiết 30 phút.

        + Phương pháp: phương pháp (PP) thuyết trình (giới thiệu nội dung và phân tích bài học), PP thực hành luyện tập, PP bản phổ kết hợp với truyền khẩu.

        + Quá trình dạy: HS tự thị tấu bài, tập trung vào kỹ thuật chơi đàn; GV giải thích nguồn gốc bài dân ca, sử dụng phương pháp phân tích và hướng dẫn luyện tập tại nhà.

         + Kết quả: đầu vào của HS đã biết chơi đàn Nhị ở mức độ nhất định nên phát huy tốt khả năng thị tấu. Với phương pháp dạy học có đổi mới, HS đã biết cách luyện tập và tìm hiểu bài tại nhà, diễn tấu bài dân ca khá chủ động.

        -Năm thứ hai:

         Bài học: "Hoa thơm bướm lượn" (dân ca Quan họ Bắc Ninh)

         Thời lượng: 4 tiết, mỗi tiết 25-30 phút.

         +Phương pháp: HS tham gia thực nghiệm sư phạm là năm thứ 2 nhưng có đầu vào thấp (thi năng khiếu, hầu như chưa biết chơi đàn) nên ngoài PP dạy học nói chung thì có PP riêng như: PP thuyết trình (giới thiệu nội dung và phân tích bài học), PP thực hành luyện tập, nhấn mạnh PP bản phổ.

         +Quá trình dạy: tập trung vào việc cho HS thị tấu bài và luyện kỹ thuật vĩ, rung, vỗ... qua việc học bổ sung bài tập kỹ thuật; sử dụng PP đối thoại, thị phạm trực tiếp.

         +Kết quả: HS thị tấu tốt hơn, chủ động hơn trong việc vỡ bài, hiểu biết về dân ca Quan họ, xử lý kỹ thuật tốt hơn sau 4 tiết học.

2.4.2. Đánh giá kết quả dạy thực nghiệm

        Được sự hỗ trợ của Bộ môn đàn Nhị Học viện ANQGVN, đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy Thạc sĩ - NSUT Lê Minh và Thạc sĩ Nguyễn Hải Đăng trong quá trình triển khai giảng dạy thực nghiệm tại khoa, tôi đã hoàn thành công việc thực nghiệm của mình.

        Sau đây là nhận xét của hai giảng viên theo dõi quá trình thực nghiệm:

     - Thạc sĩ, NSUT Lê Minh: Học sinh đã tiến bộ rõ rệt, hiểu sâu hơn về tính chất và giai điệu của các bài dân ca. Việc giới thiệu nguồn gốc và tính chất âm nhạc giúp học sinh cảm nhận được văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc.

      - Thạc sĩ Nguyễn Hải Đăng: Học viên Lê Thanh An đã trưởng thành trong phương pháp sư phạm, áp dụng kiến thức học được vào giảng dạy, giúp học sinh tiến bộ trong việc chơi các bài dân ca.

        Những đánh giá tích cực này là động lực để Lê Thanh An tiếp tục phấn đấu và cải thiện kỹ năng giảng dạy, hòa nhập với giáo trình chung của bộ môn đàn Nhị hệ trung cấp tại Học viện ANQGVN.

Tiểu kết chương 2

        Giảng dạy các bài dân ca chuyển soạn cho đàn Nhị là một phần quan trọng trong chương trình đào tạo HSTC tại HVANQGVN. Tuy nhiên, việc giảng dạy này còn có một vài hạn chế, dẫn đến kết quả học tập chưa được như mong muốn. Vì vậy, trong chương 2 này chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp hy vọng có thể khắc phục được một số thiếu sót mà HS thường mắc phải như đã đề cập ở chương 1. Đó là các giải pháp về việc sắp xếp, điều chỉnh và bổ sung ... một số bài dân ca Bắc Bộ chuyển soạn, sao cho phù hợp hơn với yêu cầu của từng năm học; đó là giải pháp về phương pháp dạy học với việc nhấn mạnh việc bổ sung phương pháp phân tích, giới thiệu cho HS hiểu về bài mình được học để rèn luyện HS cách tư duy về bài học, chủ động học tập; là cách kết hợp một cách hợp lý giữa phương pháp bản phổ với truyền khẩu, thị phạm mẫu phù hợp với từng HS; ngoài ra là một số vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh, bổ sung các ký hiệu trong các bản nhạc chuyển soạn dân ca, cũng như việc điều chỉnh môn hát dân ca, bổ sung thêm nội dung hát dân ca cho HS ngay từ năm thứ nhất để các em được tiếp xúc song song với việc học đàn. Cuối cùng là phần thực nghiệm sư phạm để ứng dụng các giải pháp. Quá trình thực nghiệm không được nhiều và không có HS đối ứng nhưng kết quả thu được khá khả quan, HS đã chủ động hơn trong việc thể hiện bài dân ca và chơi có suy nghĩ, ra chất hơn. Điều này đã được 2 GV phụ trách nhận xét khá tích cực.

 

KẾT LUẬN

          Dân ca là tài sản quí của mỗi dân tộc-nền tảng của mọi dòng nhạc của mỗi quốc gia. Việt Nam là một quốc gia đa thành phần dân tộc, mỗi dân tộc đều có một truyền thống văn hóa riêng, trong đó dân ca là một thành phần. Muốn bảo tồn nền văn hóc tộc người trong thời kỳ hội nhập, thì việc giữ gìn các thể loại âm nhạc cổ truyền nói chung, dân ca nói riêng là vô cùng cần thiết, vì chúng là nền tảng mang tính định hướng cho sự phát triển văn hóa đất nước. 

          Ngày nay, việc bảo tồn và phát triển dòng âm nhạc này đã được thực hiện bằng nhiều cách, trong đó có việc đưa vào các trường học cho dù là ở cấp độ nào (phổ thông hay các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp ...). Tại Học viện ANQGVN, cùng với môn dạy hát dân ca được giảng dạy chung cho tất cả các HS thuộc bậc học TC thì tại khoa ANTT, trong chương trình giảng dạy, dân ca là một mảng không thể thiếu và được xếp vào 2 năm đầu của hệ TC 6 năm (năm thứ nhất và năm thứ hai) của tất cả các chuyên ngành, trong đó có đàn Nhị.

        Khảo sát quá trình giảng dạy các bài dân ca chuyển soạn cho đàn Nhị cho thấy, Khoa cũng như các GV bộ môn đàn Nhị đã rất quan tâm đến việc nghiên cứu chuyển soạn, sắp xếp vào chương trình và giảng dạy cho HS. Tuy nhiên, thực tế giảng dạy nội dung này vẫn còn một số vấn đề cần điều chỉnh như: một số bài sắp xếp trong chương trình chưa thật sự hợp lý; số bài chưa nhiều để GV có thể lựa chọn phù hợp với trình độ và sở trường của HS; PP giảng dạy chưa quan tâm đến việc phân tích bài học, ít kiểm tra HS chơi gam và bài tập v.v... dẫn đến kết quả học tập nội dung chưa thực sự như mong muốn, HS chơi bài thiếu tự tin, ít kiến thức và hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ dạy của GV.

       Để nâng cao chất lượng dạy và học, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp: 

       - Đề xuất việc điều chỉnh nội dung chương trình và bổ sung thêm một số bài dân ca vào chương trình. Việc điều chỉnh nội dung chương trình được thể hiện ở chỗ đưa các bài dân ca các dân tộc thiểu số phía Bắc lên năm thứ nhất và dân ca người Việt Bắc Bộ sẽ được học ở năm thứ hai sẽ phù hợp hơn. Vì năm thứ nhất hầu hết HS mới bắt đầu học đàn một cách cơ bản, các bài dân ca các dân tộc thiểu số thường đơn giản và hầu như chưa sử dụng nhiều đến kỹ thuật rung, luyến. Trong khi đó, dân ca người Việt thường phức tạp hơn, sử dụng nhiều luyến láy, rung nên đưa vào năm thứ hai HS sẽ đáp ứng được yêu cầu của bài học và yêu cầu về kỹ thuật của chương trình năm học đề ra. Ngoài ra, việc bổ sung thêm các bài dân ca vào chương trình đào tạo sẽ tạo điều kiện để GV có thêm nhiều lựa chọn bài phù hợp với sở trường và sở đoản của HS.

        -Về phương pháp dạy học, chúng tôi đã đề xuất bổ sung nội dung phân tích, giới thiệu tác phẩm/bài dân ca trong quá trình dạy học ngay từ những năm học đầu tiên để rèn HS học tập có suy nghĩ về bài mà mình được học; chú trọng phương pháp dạy học theo bản phổ kết hợp thực hành truyền ngón.

      -Tăng cường phần luyện gam và học bài tập kỹ thuật trên thang 5 âm có quan hệ với bài dân ca chuyển soạn được học để bổ sung thêm phần kỹ thuật cho HS.  

        Ngoài ra là một vài đề xuất về việc cho HS TC hệ 6 năm được học môn hát dân ca ngay từ năm thứ nhất, thay vì là năm thứ ba mới học như hiện nay; hay, có thêm giờ học dân ca riêng cho HS khoa ANTT để bổ sung thêm những mảng thiếu nhất là dân ca các dân tộc thiểu số.

        Từ một số giải pháp trên, chúng tôi đã ứng dụng vào giảng dạy thực nghiệm cho 2 HS (năm thứ nhất và năm thứ hai với một bài dân ca dân tộc thiểu số và một bài dân ca người Việt Bắc Bộ) trong 4 tiết học. Kết quả thu được đã được GV đàn Nhị nhận xét là có khả quan, HS có tiến bộ, nhất là về sự tự tin và chủ động trong việc chơi đàn, thể hiện bài học.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn